Chốc lở là một bệnh nhiễm khuẩn da rất phổ biến do vi khuẩn Streptococcus hoặc Staphylococcus gây ra, đặc trưng bởi các thương tổn cơ bản là bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hoá mủ, dập vỡ đóng vảy tiết. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc bệnh.
Vậy, bạn đã hiểu rõ về bệnh chốc lở chưa? Chốc lở là gì? Triệu chứng của bệnh ra sao? Cách phòng ngừa và điều trị bệnh như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Xem thêm: Nhiễm trùng da: Tất cả những điều bạn cần biết
Mục lục
- Giới thiệu
- Bệnh chốc lở là gì?
- Khả năng lây bệnh
- Bệnh chốc lở là một vấn đề sức khỏe toàn cầu
- Triệu chứng thường gặp của bệnh chốc lở
- Các loại chốc lở
- Nguyên nhân gây bệnh chốc lở?
- Các yếu tố gây bệnh khác
- Bệnh chốc lở lây lan như thế nào?
- Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
- Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
- Điều trị bệnh chốc lở
- Biến chứng của bệnh chốc lở
- Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh chốc lở và sự lây lan của bệnh?
Giới thiệu
Bệnh chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn, rất dễ lây lan.
Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Nhưng tất cả lứa tuổi đều có thể mắc khi tiếp xúc với người bị bệnh.
Hầu hết bệnh chốc lở là do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Nhiễm trùng thường không nghiêm trọng, nhưng đôi khi có thể gặp các biến chứng.
Bệnh có thể hết sau 7 đến 10 ngày sử dụng kháng sinh bôi tại chỗ. Bệnh cũng có thể tự khỏi sau 2 đến 4 tuần, nhưng sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn nếu không dùng kháng sinh.
Bài viết này cung cấp tất cả các thông tin cần biết về bệnh chốc lở, bao gồm các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị.
Bệnh chốc lở là gì?
Bệnh chốc lở là bệnh nhiễm trùng các lớp ngoài của da, lớp biểu bì gây ra bởi vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes. Vùng mặt, cánh tay và chân là những vùng da thường bị ảnh hưởng nhất.
Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh chốc lở, nhưng bệnh thường phổ biến nhất ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi. Bệnh chốc ở chiếm khoảng 10% các vấn đề về da thường gặp ở các phòng khám nhi khoa .
Nhiễm trùng thường bắt đầu ở những vết cắt, vết côn trùng cắn hoặc phát ban như bệnh chàm – bất kỳ nơi nào có da bị tổn thương. Bệnh vẫn có thể xảy ra trên làn da khỏe mạnh.
Bệnh chốc lở nguyên phát khi vi khuẩn xâm nhập vào làn da khỏe mạnh và bệnh chốc lở thứ phát xảy ra ở vùng da bị tổn thương.
Bệnh chốc lở là một căn bệnh có từ rất lâu và xuất hiện từ thế kỷ 14 ở Anh. Bệnh có tên gọi xuất phát từ tiếng Latin là impetere, có nghĩa là tấn công. Tấn công dường như là một tên thích hợp thể hiện sự nhiễm trùng dễ lây lan này.
Khả năng lây bệnh
Các bọng nước rất dễ lây lan, ngứa và đôi khi đau đớn. Khi gãi có thể lây nhiễm từ vùng nơi da này sang vùng da khác hoặc sang người khác. Bất kỳ thứ gì của người bệnh đều có thể là nguồn lây lan bệnh
Bệnh chốc lở rất dễ lây nên còn được gọi là bệnh trường học. Bệnh thường nhanh chóng lây từ trẻ sang trẻ trong một lớp học hoặc cơ sở chăm sóc trẻ. Cũng do tính chất dễ lây nên bệnh cũng dễ lây cho các thành viên trong các gia đình.
Biện pháp vệ sinh là chìa khóa để kiểm soát lây lan bệnh chốc lở. Cần vệ sinh sạch sẽ và khử trùng mọi thứ của người bệnh có thể dễ làm lây lan bệnh bao gồm quần áo, khăn trải giường, khăn tắm, đồ chơi hoặc dụng cụ thể thao.
Thuốc kháng sinh tại chỗ có thể giúp khỏi bệnh trong vài ngày và rút ngắn thời gian bị bệnh.
Bệnh chốc lở là một vấn đề sức khỏe toàn cầu
Trong vòng 45 năm qua, bệnh chốc lở được coi là một căn bệnh toàn cầu. Ước tính có 162 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị bệnh chốc lở ít nhất 1 lần.
Vi khuẩn phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm. Vì vậy, bệnh chốc lở có xu hướng theo mùa, bệnh thường xảy ra vào mùa hè và mùa thu ở vùng khí hậu phía bắc. Những vùng khí hậu ấm và ẩm, bệnh có thể xảy ra quanh năm.
Bệnh phổ biến ở các nước có nền công nghiệp nghèo và đang phát triển. Kết quả của một nghiên cứu vào năm 2015 về bệnh chốc lở cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở 14 quốc gia Châu Đại Dương. Nghiên cứu này cũng khuyến nghị rằng cần phải nghiên cứu nhiều hơn và chú ý nhiều hơn đến bệnh chốc lở như một vấn đề sức khỏe cộng đồng.
TÓM LẠI:
Bệnh chốc lở là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Kháng sinh giúp điều trị khỏi bệnh và ngăn chặn sự lây lan.
Triệu chứng thường gặp của bệnh chốc lở
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh chốc lở là xuất hiện những đốm đỏ ở trên da, chúng thường tập trung quanh mũi và môi.
Các vết loét nhanh chóng phát triển thành mụn nước, rỉ ra và vỡ ra, sau đó hình thành lớp vỏ màu vàng. Lớp vỏ thường có màu mật ong. Các chỗ lở loét có thể lan rộng sang các vùng da khác.
Các vết loét gây mất mỹ quan, ngứa và đôi khi đau. Sau khi lớp vỏ biến mất, chúng để lại những vết đỏ mờ dần mà không để lại sẹo.
Trẻ sơ sinh thường gặp một dạng chốc lở với các mụn nước lớn hơn xung quanh khu vực đóng bỉm hoặc ở các nếp gấp da. Những mụn nước chứa đầy dịch sau khi vỡ ra sẽ để lại một viền có vảy.
Bệnh chốc lở gây cảm giác khó chịu. Đôi khi, người bệnh có thể bị sưng hạch ở các vùng bị ảnh hưởng. Các trường hợp nặng hơn có thể bị sốt và sưng hạch.
TÓM LẠI:
Triệu chứng chính của bệnh chốc lở là các vết loét đỏ ngứa và có đóng vảy.
Các loại chốc lở
Có ba loại bệnh chốc lở được phân biệt bởi vi khuẩn gây ra và vết loét được tạo thành
Chốc không có bọng nước
Chốc không có bọng nước còn được gọi là chốc lở Contagiosa do tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Đây là dạng bệnh chốc lở phổ biến nhất, ước tính 70% các trường hợp mắc phải.
Chốc không có bọng nước cũng có thể do liên cầu khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra hoặc do sự kết hợp của cả tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus và liên cầu khuẩn Streptococcus pyogenes . Nguyên nhân do vi khuẩn Streptococcus pyogenes chỉ chiếm 5-10%.
Bệnh thường bắt đầu với những đốm đỏ phát triển thành những mụn nước nhỏ màu đỏ quanh miệng và mũi. Chúng có đường kính từ 1 đến 2 cm (0.39 đến 0.78 inch) Các cụm mụn nước có thể lan sang các vùng da khác.
Sau vài ngày, các mụn nước vỡ ra và tạo một lớp vết xước đóng vảy có màu nâu vàng. Da xung quanh có thể trông đỏ và thô.
Dạng này gây ngứa nhưng không đau. Khi vảy bong ra, để lại những đốm đỏ mờ dần và không để lại sẹo.
Bệnh chốc lở không có bọng nước hiếm gặp xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi
Chốc có bọng nước
Chốc có bọng nước do tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus gây ra.
Bệnh thường là các mụn nước lớn hoặc các mụn chứa dịch vàng, trong sau đó chuyển sang vàng đậm. Các mụn nước có thể có đường kính lên tới 2 cm (khoảng 0,78 inch)
Thông thường, các mụn nước nông và xung quanh không có quầng đỏ. Các mụn nước sau đó vỡ ra và tạo vảy màu vàng trên vết thương.
Bệnh chốc lở phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở vùng tã hoặc nếp gấp cổ. Đối với các lứa tuổi khác, mụn nước xuất hiện thường xuyên nhất trên thân và cánh tay và chân.
Các mụn nước thường không để lại sẹo khi chúng đã lành.
Ecthyma (Chốc loét)
Chốc loét thường do liên cầu Streptococcus pyogenes phối hợp với tụ cầu Staphylococcus aureus hoặc do cả hai.
Bệnh bắt đầu từ các vết loét nhỏ, có mủ và đóng vảy. Nhưng chốc loét ăn sâu vào da hơn các dạng khác. Người bệnh đôi khi bị sưng hạch.
Vết loét có thể gây đau và phát triển thành vết loét lớn hơn, sâu hơn, đường kính từ 0,5 đến 3 cm (0,3 đến 1,2 inch). Các vết loét vỡ ra và đóng vảy bằng một lớp vỏ cứng dày màu đỏ tím.
Bệnh hay xuất hiện ở vùng mông, đùi, chân, mắt cá chân và bàn chân. Đôi khi bệnh chốc không bọng nước hoặc chốc có bọng nước có thể phát triển thành chốc loét.
Các tổn thương do chốc loét chậm lành và có thể để lại sẹo
TÓM LẠI:
Có ba loại bệnh chốc lở: chốc không có bọng nước, chốc có bọng nước và chốc loét (ecthyma).Chúng khác biệt bởi các vết loét. Chốc không có bọng nước chiếm khoảng 70%.
Nguyên nhân gây bệnh chốc lở?
Bệnh chốc lở là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Da mặt và phía trong mũi thường là nơi cư trú của một số lượng lớn vi khuẩn có lợi hoặc vi khuẩn hội sinh giúp cơ thể tránh khỏi các vi khuẩn gây bệnh như Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes.
Vi khuẩn hội sinh giúp làm giảm số lượng vi khuẩn gây bệnh bằng cách sản sinh ra các chất độc hại với mầm bệnh, lấy đi các chất dinh dưỡng.
Nhưng các vi khuẩn như tụ cầu khuẩn hoặc liên cầu khuẩn này đi vào cơ thể từ vết cắt, vết xước, vết côn trùng cắn hoặc phát ban để gây bệnh.
Các vi khuẩn cũng có thể lây nhiễm trên vùng da khỏe mạnh. Chưa tìm ra nguyên nhân vì sao lại xảy ra hiện tượng này.
Trong vòng khoảng 10 ngày kể từ khi vi khuẩn xâm nhập, mụn nước xuất hiện. Cách bọng nước đươc hình thành do vi khuẩn Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes tạo ra độc tố phá vỡ các lớp da bề mặt.
Một số trường hợp, vi khuẩn đã có sẵn tại đó và chờ cơ hội lây nhiễm:
Vi khuẩn Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes thường tồn tại ở trong mũi. Tỷ lệ này chiếm khoảng từ 20 đến 50% dân số. Tỷ lệ còn cao hơn ở những người mang mầm bệnh.
Bên cạnh đó, khoảng 10 đến 20% người khỏe mạnh có vi khuẩn Staphylococcus aureus ở đáy chậu (vùng giữa bộ phận sinh dục và hậu môn).
Bệnh lây lan từ mũi hoặc khu vực khác sang da đối với Chốc lở do vi khuẩn Staphylococcus aureus. Ngược lại, bệnh chốc lở do strep thường do vi khuẩn strep bắt đầu xâm nhập vào da của người bị bệnh.
Thông thường strep không thể tồn tại trên da trong một vài giờ. Nhưng vi khuẩn strep lại có thể ở trên da của những người bị bệnh chốc lở trong 10 ngày, trước khi các vết loét xuất hiện.
Những thương tổn do vi khuẩn strep tạo ra khác nhau trong từng tường hợp. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi khuẩn strep gây nhiễm trùng cổ họng, trong khi một số khác gây nhiễm trùng da.
Tại sao một số người có sẵn vi khuẩn tụ cầu khuẩn và strep mà lại không bị bệnh? Điều này có thể do một số cá nhân có sức khỏe và sức đề kháng tốt.
Các yếu tố gây bệnh khác
Ngoài yếu tố từ sự phát triển của vi khuẩn tụ cầu khuẩn và vi khuẩn strep còn có một số yếu tố khác gây nên bệnh chốc lở:
Vệ sinh kém tạo điều kiện cho sự lây lan của vi khuẩn. Một nghiên cứu về tầm quan trọng của việc rửa tay sạch ở những người chăm sóc trẻ em đã cho thấy tỷ lệ trẻ mà họ chăm sóc mắc bệnh chốc lở thấp hơn 34%.
Vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh trong thời tiết nóng ẩm.
Làm việc hoặc sống trong điều kiện đông đúc có thể thúc đẩy sự lây lan bệnh chốc lở. Chẳng hạn như trong quân đội và đặc biệt là ở khu vực nhiệt đới.
Các môn thể thao liên quan đến tiếp xúc da như bóng đá, đấu vật hoặc võ Judo sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh cao.
TÓM LẠI:
Vi khuẩn Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes gây bệnh chốc lở bằng cách giải phóng độc tố phá vỡ lớp da, hình thành vết loét. Thời tiết nóng ẩm, điều kiện đông đúc và vệ sinh kém giúp lây lan vi khuẩn.
Bệnh chốc lở lây lan như thế nào?
Bệnh chốc lở rất dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét da hoặc với bất cứ thứ gì có thể chạm vào vết loét.
Mặc dù ít gặp nhưng bệnh chốc lở cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với giường, đồ lót và quần áo, khăn tắm, đồ chơi, dụng cụ thể thao và bất cứ thứ gì tiếp xúc với vết loét.
Nếu bạn sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ thì các vết loét sẽ lan rộng cho tới khi dịch mủ ngừng chảy và khô.
Nếu bạn dùng thuốc kháng sinh bằng đường uống, các vết loét sẽ không lan rộng sau 24 đến 48 giờ.
TÓM LẠI:
Bệnh chốc lở dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Trẻ em từ 2 đến 5 tuổi có nguy cơ cao nhất đặc biệt là những trẻ ở trường học và các cơ sở chăm sóc trẻ
Người lớn và trẻ em có nhiều nguy cơ hơn nếu:
- sống ở nơi khí hậu ấm và ẩm
- Bị tiểu đường
- Đang chạy thận
- Có một hệ thống miễn dịch kém chẳng hạn như nhiễm HIV
- Bị bệnh ngoài da như chàm, viêm da hoặc vẩy nến
- Bị cháy nắng hoặc bỏng
- Bị ngứa như chấy, ghẻ, mụn rộp, hoặc thủy đậu
- Bị côn trùng cắn hoặc nhiễm độc cây thường xuân
- Tham gia các môn thể thao có tiếp xúc da
TÓM LẠI:
Trẻ em trong ở trường học và các cơ sở chăm sóc trẻ có nguy cơ mắc bệnh chốc lở. Những người mắc bệnh ngoài da hoặc hệ thống miễn dịch bị tổn thương cũng có nguy cơ mắc bệnh
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Nếu bạn nghi ngờ mắc bệnh chốc lở thì tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ. Điều trị bằng kháng sinh sẽ làm vết thương nhanh lành và có thể ngăn chặn sự lây lan từ bạn (hoặc con của bạn) và những người khác.
Bệnh chốc lở thường khỏi sau 7 đến 10 ngày. Nếu bạn bị bệnh ngoài da thì việc điều trị có thể mất nhiều thời gian hơn.
Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh chốc lở bằng cách nhìn vào các vết loét đặc trưng. Nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành nuôi cấy vi khuẩn.
TÓM LẠI:
Bệnh chốc lở có thể điều trị khỏi
Điều trị bệnh chốc lở
Điều trị bệnh chốc lở phụ thuộc vào mức độ lan rộng hay nghiêm trọng của vết loét.
Kháng sinh
Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ khuyến cáo điều trị bằng kháng sinh tại chỗ trong 5 đến 7 ngày.
Các kháng sinh tại chỗ cụ thể được đề nghị là mupirocin và axit fusidic. Một nghiên cứu tổng quan vào năm 2003 của 16 nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa hai loại kháng sinh tại chỗ này.
Nếu bệnh chốc lở của bạn nghiêm trọng hoặc lan rộng thì nên dùng kháng sinh đường uống. Thuốc uống hoạt động nhanh hơn so với thuốc kháng sinh tại chỗ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ chữa khỏi giữa kháng sinh tại chỗ và thuốc uống.
Các kháng sinh đường uống được khuyến cáo nên dùng bao gồm penicillin chống tụ cầu, amoxicillin / clavulanate (Augmentin), cephalosporin và macrolide. Erythromycin ít hiệu quả hơn.
Lưu ý rằng kháng sinh đường uống có thể có nhiều tác dụng phụ hơn kháng sinh tại chỗ, chẳng hạn như buồn nôn.
Ngoài ra, có một số bằng chứng cho thấy tụ cầu khuẩn kháng kháng sinh trong điều trị bệnh chốc lở.
Điều trị tại nhà
Bạn có thể điều trị bệnh chốc lở bằng các phương pháp điều trị tại nhà như ngâm và tắm sạch.
Nên làm sạch và ngâm vết loét, ba đến bốn lần một ngày. Hãy nhớ kỹ phải rửa tay sạch sau khi điều trị vết loét chốc lở.
Nhẹ nhàng làm sạch vết loét bằng nước ấm và xà phòng tắm, sau đó loại bỏ lớp vỏ ở bệnh chốc không có bọng nước. lớp vỏ bị bong ra làm lộ ra phần dưới chứa vi khuẩn. Bạn cũng có thể ngâm vùng bị tổn thương trong nước ấm với xà phòng tắm trước khi loại bỏ lớp vỏ.
Làm sạch hoặc ngâm và loại bỏ lớp vỏ nên được thực hiện thường xuyên cho đến khi vết loét lành. Làm khô vết thương và bôi thuốc mỡ kháng sinh. Sau đó đắp nhẹ vết loét bằng gạc.
Đối với một vết loét nhỏ, bạn có thể sử dụng thuốc mỡ kháng sinh không kê đơn.
Sử dụng ba lần một ngày, sau khi làm sạch khu vực. Sau đó băng vết thương bằng băng hoặc gạc.
Một cách điều trị tại nhà khác là tắm 15 phút với dung dịch thuốc tẩy gia dụng rất loãng (2,2%). Điều này làm giảm mức độ vi khuẩn trên da, nhưng cần phải được thực hiện thường xuyên.
Dùng một nửa cốc thuốc tẩy cho vào bồn tắm chứa được khoảng 80 lít (21 gallon) nước. Rửa sạch với nước ấm và để khô vết thương. Lưu ý rằng một số người có thể bị dị ứng với thuốc tẩy.
Một nghiên cứu năm 2004 không tìm thấy bằng chứng cho thấy hiệu quả của các chất khử trùng khác, chẳng hạn như chlorhexidine hoặc povidone-iodine. Tuy nhiên, nghiên cứu này lưu ý rằng cần phải nghiên cứu thêm.
TÓM LẠI:
Thuốc kháng sinh tại chỗ trong 5 đến 7 ngày có thể giúp làm lành các tổn thương. Đối với các vết loét lan rộng, kháng sinh đường uống có thể cần thiết. Phương pháp điều trị tại nhà bao gồm ngâm nước và tắm sạch các vùng tổn thương, băng bó nhẹ và tắm bằng chất tẩy.
Biến chứng của bệnh chốc lở
Biến chứng của bệnh chốc lở có thể xảy ra nhưng tương đối hiếm. Thông thường, người lớn có nguy cơ biến chứng cao hơn.
Khoảng 1 đến 5% những người mắc bệnh chốc lở không có bọng nước bị viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu cấp tính, một bệnh nghiêm trọng liên quan đến viêm các mạch máu nhỏ ở thận.
Các biến chứng khác của bệnh chốc lở bao gồm:
- Viêm mô tế bào, nhiễm trùng nghiêm trọng (Staphlococcus aureus) của các mô dưới da của bạn, có thể lan vào máu
- Viêm hạch bạch huyết, viêm các mạch máu
- Nhiễm trùng huyết, vi khuẩn nhiễm vào máu
- Sốt phát ban, một bệnh hiếm gặp do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra
- Bệnh vẩy nến, một bệnh về da không lây nhiễm có thể gặp ở trẻ em và thanh niên sau khi da bị nhiễm khuẩn
- Hội chứng bỏng vảy da do tụ cầu (SSSS), một bệnh nhiễm trùng da
TÓM LẠI:
Biến chứng của bệnh chốc lở rất hiếm gặp, nhưng có thể nghiêm trọng.
Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh chốc lở và sự lây lan của bệnh?
Trẻ em bị bệnh chốc lở nên ở nhà cho đến khi khỏi bệnh. Người lớn bị bệnh chốc lở ở giai đoạn truyền nhiễm và làm việc trong các ngành nghề liên quan đến việc tiếp xúc gần gũi với người khác nên đi khám và được bác sĩ xác định về thời điểm có thể quay lại làm việc.
Điều kiện vệ sinh sạch sẽ là biện pháp phòng bệnh tốt nhất:
- Tắm và rửa tay thường xuyên có thể giảm vi khuẩn trên da.
- Che phủ vết thương ngoài da hoặc vết côn trùng cắn để bảo vệ vết thương.
- Cắt móng tay.
- Tránh cào xước và gãi ở vết thương. Điều này sẽ làm lây lan nhiễm trùng.
- Giặt sạch tất cả mọi thứ tiếp xúc với vết loét chốc lở trong nước nóng và thuốc tẩy giặt.
- Thay khăn trải giường, khăn tắm và quần áo mỗi ngày, cho đến khi khỏi.
- Làm sạch và khử trùng mặt ngoài, thiết bị và đồ chơi đã tiếp xúc với bệnh chốc lở.
- Không chia sẻ bất kỳ vật dụng cá nhân nào với người bị bệnh chốc lở.
TÓM LẠI:
Chìa khóa giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh chốc lở là vệ sinh sạch sẽ. Điều này bao gồm làm sạch mọi thứ tiếp xúc với vết thương. Trẻ em bị bệnh chốc lở nên ở nhà cho đến khi khỏi bệnh.
Bệnh chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn rất dễ lây lan và thường không nghiêm trọng. Bệnh khỏi nhanh khi sử dụng kháng sinh và điều kiện vệ sinh tốt.