Zona là một trong số các bệnh ngoài da thường gặp và gây phiền toái cho nhiều người. Trong dân gian, bệnh này còn được gọi là bệnh giời leo. Bạn đã biết gì về bệnh zona? Bạn đã bao giờ nghe về các biến chứng nguy hiểm của bệnh như: đau dây thần kinh lâu dài, mất thị lực, liệt mặt, viêm màng não… Để hiểu hơn về bệnh, bạn hãy đọc bài viết dưới đây.
Xem thêm: Nhiễm trùng da: Tất cả những điều bạn cần biết
Mục lục
Bệnh zona là gì?
Bệnh zona là một bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra, đây cũng là loại virus gây bệnh thủy đậu. Ngay cả sau khi bạn đã khỏi bệnh thủy đậu, virus chưa bị tiêu diệt hoàn toàn có thể sống ẩn mình trong hệ thống thần kinh của bạn trong nhiều năm, đến khi hệ miễn dịch của bạn suy yếu do tuổi tác hoặc bệnh tật khác, những virus này sẽ “trỗi dậy” và hoạt động trở lại dưới dạng bệnh zona. Bệnh zona cũng có thể được gọi là herpes zoster, đặc trưng bởi dấu hiệu phát ban da đỏ, đau rát.
Virus di chuyển dọc theo các dây thần kinh, trên đường di chuyển, virut này gây tổn thương dọc sợi dây thần kinh, biểu hiện sẽ xuất hiện ở trên vùng da thuộc dây thần kinh đó. Bệnh zona thường xuất hiện với mụn nước tập trung thành dải ở một bên cơ thể, không bao giờ tổn thương lan qua đường giữa, điển hình là trên thân, cổ hoặc mặt.
Hầu hết các trường hợp bệnh zona sẽ hết trong vòng hai đến ba tuần. Bệnh zona hiếm khi xảy ra nhiều hơn một lần trong cùng một người. Tuy nhiên theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 3 người mắc zona sẽ có 1 người tái phát bệnh.
Triệu chứng của bệnh zona
Các triệu chứng đầu tiên của bệnh zona thường là đau và rát. Đau thường ở một bên của cơ thể và xảy ra ở những mảng nhỏ. Phát ban đỏ có những đặc trưng riêng.
Đặc điểm phát ban bao gồm:
- Mảng đỏ
- Mụn nước chứa đầy chất lỏng dễ vỡ
- Phát ban khi trú ở một bên của cơ thể, không bao giờ lan qua đường giữa.
- Phát ban ở mặt và tai
- Ngứa
Ngoài đau và phát ban, một số người có thể gặp các triệu chứng bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Yếu cơ
Các biến chứng của bệnh zona bao gồm
Đối với một số người, bệnh Zona đau tiếp tục lâu dài sau khi các mụn nước đã hết. Tình trạng này được gọi là đau dây thần kinh sau Zona, và nó xảy ra khi các sợi thần kinh bị hư hại gửi thông điệp lẫn lộn và phóng đại đau từ làn da đến bộ não. Thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống co giật có thể giúp cung cấp cứu trợ cho đến khi cơn đau giảm xuống.
Bệnh zona trong hoặc xung quanh mắt (bệnh mắt zona) có thể gây ra nhiễm trùng mắt đau đớn và có thể dẫn đến mất thị lực, cần được điều trị để tránh tổn thương mắt vĩnh viễn.
Mất thính giác hoặc đau dữ dội ở một bên tai, chóng mặt hoặc mất vị giác trên lưỡi, đó có thể là triệu chứng của hội chứng Ramsay Hunt
Nhiễm trùng da: Nếu mụn bệnh zona không điều trị đúng cách, nhiễm trùng da do vi khuẩn có thể phát triển, da xuất hiện sưng, nóng, đỏ, đau khi chạm vào.
Liệt mặt.
Viêm não, viêm màng não.
Viêm phổi.
Ai có nguy cơ mắc bệnh zona?
Bệnh zona có thể xảy ra ở bất cứ ai đã bị thủy đậu. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- từ 60 tuổi trở lên
- mắc các bệnh làm suy yếu hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như HIV, AIDS hoặc ung thư
- đã được hóa trị hoặc xạ trị
- Uống thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như steroid hoặc thuốc được kê đơn sau khi ghép tạng
Bệnh zona ở người lớn tuổi
Bệnh zona đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi. Cứ 3 người sẽ có 1 người sẽ bị bệnh zona trong đời, khoảng một nửa trong số đó xuất hiện ở những người từ 60 tuổi trở lên. Nhóm tuổi này rất có thể bị bệnh zona, vì người cao tuổi, hệ thống miễn dịch của họ sẽ yếu hơn những người trẻ tuổi.
Người cao tuổi bị bệnh zona có nhiều khả năng gặp biến chứng hơn, bao gồm phát ban rộng hơn và nhiễm vi khuẩn từ mụn nước đã vỡ. Họ cũng dễ bị cả viêm phổi và viêm não, vì vậy được bác sĩ khám sớm để điều trị chống vi-rút là rất quan trọng.
Để ngăn ngừa bệnh zona, CDC khuyến nghị người lớn từ 50 tuổi trở lên nên chủng ngừa bệnh zona.
Nếu bạn bị bệnh zona, bạn có thể đắp một chiếc khăn mát vào vết phồng rộp để giảm đau. Giữ cho vùng da phát ban được che phủ càng nhiều càng tốt để tránh lây lan virus varicella sang người khác. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về các loại thuốc chống vi-rút, có thể làm giảm thời gian và cường độ của vi-rút. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc giảm đau nếu cần thiết.
Bệnh zona và phụ nữ mang thai
Bị zona trong khi mang thai ít gặp nhưng nó có thể xảy ra. Nếu bạn tiếp xúc với người đang bị thủy đậu hoặc zona, bạn có thể bị mắc bệnh nếu bạn chưa bao tiêm phòng hoặc chưa bao giờ bị thủy đậu.
Tùy thuộc vào thời gian vào tháng thứ mấy của thai kì, bị thủy đậu khi mang thai có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh. Tiêm vắc-xin thủy đậu trước khi mang thai có thể là một bước quan trọng trong việc bảo vệ con bạn. Bệnh zona ít có khả năng gây biến chứng, nhưng vẫn có thể gây khó chịu. Gặp bác sĩ ngay nếu bạn bị phát ban trong khi mang thai.
Thuốc chống vi-rút được sử dụng để điều trị bệnh zona có thể được sử dụng một cách an toàn trong thai kỳ. Thuốc kháng histamine cũng có thể giúp giảm ngứa và acetaminophen (Tylenol) có thể giảm đau.
Chẩn đoán bệnh zona
Hầu hết các trường hợp bệnh zona có thể được chẩn đoán bằng khám lâm sàng phát ban và mụn nước. Ngoài ra bác sĩ sẽ hỏi thêm về tiền sử mắc bệnh của bạn.
Trong những trường hợp hiếm hoi, bác sĩ có thể cần kiểm tra một mẫu da hoặc chất lỏng từ mụn nước bằng việc sử dụng một tăm bông vô khuẩn để lấy mẫu, sau đó gửi tới phòng thí nghiệm để kiểm tra sự có mặt của virus.
Phương pháp điều trị bệnh zona
Không có cách chữa trị bệnh zona triệt để, nhưng có thể dùng thuốc để giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian nhiễm trùng.
Các loại thuốc được kê đơn rất đa dạng:
Loại thuốc | Mục đích | Cách dùng | Đường dùng |
Thuốc kháng virus, bao gồm acyclovir, valacyclovir, và famciclovir | Giảm đau và tăng tốc độ phục hồi | 2 đến 5 lần mỗi ngày, theo chỉ định của bác sĩ | Đường uống |
Thuốc chống viêm như ibuprofen | Giảm đau và sưng | Mỗi lần dùng cách nhau từ 6 đến 8 giờ | Đường uống |
thuốc gây ngủ hoặc thuốc giảm đau | Giảm đau | Có thể được kê toa một hoặc hai lần mỗi ngày | Đường uống |
thuốc chống co giật hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng | Điều trị đau kéo dài | Một hoặc hai lần mỗi ngày | Đường uống |
Thuốc kháng histamine, chẳng hạn như diphenhydramine (Benadryl) | Để điều trị ngứa | Mỗi lần dùng cách nhau 8h | Đường uống |
Thuốc tê dạng gel, dạng kem hoặc miếng dán như lidocaine | Để giảm đau | Dùng khi cần thiết | Bôi hoặc dán tại chỗ |
Capsaicin (Zostrix) | Giúp giảm nguy cơ đau dây thần kinh sau zona sau khi khỏi bệnh. | Dùng khi cần thiết | Bôi tại chỗ |
Điều trị tại nhà cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Điều trị tại nhà có thể bao gồm:
- Nghỉ ngơi
- Chườm lạnh, chườm khăn ướt vào vùng da bị phát ban để giảm đau và ngứa
- Bôi kem dưỡng da calamine để giảm ngứa
- Tắm bột yến mạch keo để giảm đau và ngứa
Bệnh zona thường sẽ hết trong vòng vài tuần và hiếm khi tái phát. Nếu các triệu chứng của bạn không giảm bớt trong vòng 10 ngày, bạn nên gọi bác sĩ để theo dõi và đánh giá lại.
Ngăn ngừa bệnh zona
Vắc-xin có thể giúp bạn không bị các triệu chứng nghiêm trọng và biến chứng của bệnh zona. Có hai loại vacxin đó là vacxxin ngăn ngừa bệnh thủy đậu và vacxin ngăn ngừa bệnh zona.
Thuốc chủng ngừa bệnh thủy đậu
Thuốc chủng ngừa thủy đậu (Varivax) đã trở thành loại chủng ngừa ở trẻ em thường xuyên để ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Tất cả trẻ em nên được tiêm hai liều vắc-xin thủy đậu. Thuốc chủng này cũng đề nghị tiêm cho người lớn chưa bao giờ bị bệnh thủy đậu. Mặc dù vắc xin không đảm bảo sẽ không mắc bệnh thủy đậu hoặc bệnh zona, nó có thể giảm nguy cơ biến chứng và làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Thuốc chủng ngừa bệnh zona
Thuốc chủng ngừa varicella-zoster (Zostavax) có thể giúp ngăn ngừa bệnh zona ở người lớn 60 tuổi và lớn tuổi hơn đã bị bệnh thủy đậu. Cũng giống như các thuốc chủng ngừa bệnh thủy đậu, thuốc chủng ngừa bệnh zona không đảm bảo sẽ không mắc bệnh zona. Tuy nhiên, vắc-xin này có khả năng làm giảm quá trình và mức độ nghiêm trọng của bệnh và giảm nguy cơ đau dây thần kinh sau đó.
Thuốc chủng ngừa bệnh zona được khuyến khích cho tất cả người lớn 60 tuổi trở lên, dù có hoặc không có bệnh zona trước đó. Thuốc chủng ngừa bệnh zona chỉ được sử dụng như một chiến lược phòng chống, tuy nhiên. Nó không nhằm để chữa trị những người đang có bệnh.
Có hai loại vắc-xin có sẵn là Zostavax (vắc-xin zoster sống) và Shingrix (vắc-xin zoster tái tổ hợp). Theo CDC, chủng ngừa zona mới (Shingrix) đã được chứng minh là ngăn ngừa bệnh zona và các biến chứng của nó hiệu quả hơn loại vaccine cũ là Zostavax. Với loại vaccine mới, nên tiêm 2 mũi cách nhau 2-6 tháng, bảo vệ 97% chống lại bệnh zona ở những người ở độ tuổi 50 và 60, và khoảng 91% ở những người trong độ tuổi 70 và 80. CDC cũng lưu ý rằng ngay cả khi bạn đã được tiêm Zostavax trước đây, bạn vẫn nên tiêm vắc-xin Shingrix.
Bệnh zona là bệnh truyền nhiễm. Nếu bạn bị nhiễm bệnh, một số bước nhất định phải được thực hiện để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng, bao gồm:
- Giữ cho vùng da phát ban kín đáo
- Tránh tiếp xúc với những người chưa từng mắc thủy đậu hoặc những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch
- Rửa tay thường xuyên
Lời kết
Zona là một bệnh do virus gây ra khá thường gặp và dễ lây lan. Bệnh biểu hiện bằng nhiều nốt mụn rộp nước nổi thành dải, ở một bên và không bao giờ vượt qua đường giữa cơ thể. Bệnh để lại nhiều di chứng đặc biệt là đau dây thần kinh sau zona, làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người bệnh. Tiêm vacxin có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh thủy đậu và zona. Nếu đã tiêm vacxin mà bạn vẫn mắc bệnh triệu chứng của bệnh cũng sẽ nhẹ hơn và ít gặp biến chứng hơn.