Bạn sẽ làm gì khi trên da xuất hiện những đốm, mảng màu trắng, không có vảy, không ngứa, không đau, làm da loang lổ và dường như không thể kiểm soát. Rất có thể bạn đã mắc bệnh bạch biến.
Bạn có biết, gần 1 % dân số thế giới mắc bệnh bạch biến. Vậy bệnh bạch biến là gì? Bệnh có điều trị được không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Xem thêm: Nhiễm trùng da: Tất cả những điều bạn cần biết
Mục lục
Bệnh bạch biến là gì?
Bệnh bạch biến (Vitiligo) là một bệnh ngoài da không thể tiên đoán trước, mà kết quả mảng trắng xuất hiện trên da.
Khi bạn bị bạch biến, các tế bào chịu trách nhiệm quyết định màu da của bạn bị phá hủy. Những tế bào này, được gọi là melanocytes, chúng không còn tạo ra sắc tố da melanin nữa. Một khi các tế bào không còn sản xuất melanin, các vùng da của bạn sẽ mất màu hoặc chuyển sang màu trắng.
Các khu vực mất sắc tố có thể phát triển bất cứ nơi nào trên cơ thể của bạn, bao gồm:
- Khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như tay, chân, cánh tay và mặt
- Bên trong miệng hoặc niêm mạc khác
- Lỗ mũi
- Bộ phận sinh dục
- Phía sau mắt
- Trong hệ thống thính giác của tai
- Tóc hay lông của bạn cũng có thể chuyển sang màu xám hoặc trắng nếu các khu vực liên quan có lông, tóc.
Mặc dù bệnh bạch biến có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, nhưng nó không lây. Một người mắc bệnh bạch biến không thể truyền nó cho người khác.
Các triệu chứng của bệnh bạch biến là gì?
Triệu chứng chủ yếu của bệnh bạch biến là các mảng trắng trên da. Và nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khu vực nào trên cơ thể, thậm chí là các khu vực xung quanh mắt bạn. Các khu vực da bị bạch biến có thể lớn hoặc nhỏ và xuất hiện dưới một trong các thể sau:
Thể đứt đoạn (segmental vitiligo – SV): Các mảng trắng có xu hướng nhỏ hơn và xuất hiện ở một hoặc một vài khu vực. Ở thể này, bạch biến có xu hướng ở một khu vực một bên của cơ thể, thường khởi phát ở tuổi thiếu niên, tiến triển nhanh trong thời gian ngắn rồi ổn định và thường không tiến triển tiếp, nhìn chung tiến triển chậm hơn so với thể không đứt đoạn.
Thể không đứt đoạn (non segmental vititligo – NSV) hay lan tỏa (generalized vitiligo): Các mảng trắng lan rộng xuất hiện đối xứng ở cả hai bên của cơ thể. Đây là thể phổ biến nhất và có thể ảnh hưởng đến các tế bào sắc tố ở bất cứ đâu trên cơ thể. Bệnh dạng này tiến triển mạn tính, khó tiên lượng.
Một nghiên cứu cho thấy 75% những người bị bạch biến bị mất sắc tố ở tay và mặt. Các khu vực phổ biến khác là ở các nếp gấp cơ thể, như da dưới cánh tay và xung quanh vùng háng.
Yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh bạch biến chưa được biết chính xác. Tình trạng này có vẻ không có tính chất di truyền. hầu hết những người mắc bạch biến không có tiền sử gia đình mắc rối loạn này. Nhưng tiền sử gia đình mắc bệnh bạch biến hoặc các tình trạng tự miễn dịch khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mặc dù điều đó không phải nguyên nhân gây bệnh.
Một yếu tố nguy cơ khác có thể có các gen liên quan đến bạch biến, bao gồm NLRP1 và PTPN22
Hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng bạch biến là một rối loạn tự miễn dịch vì cơ thể đang tự tấn công các tế bào của chính mình. Nhưng nó cũng không rõ làm thế nào cơ thể tấn công các tế bào sắc tố. Khoảng 20 % những người mắc bệnh bạch biến cũng có một rối loạn tự miễn dịch khác. Tùy thuộc vào số người mắc, những rối loạn này có thể bao gồm những điều sau đây, từ phổ biến nhất đến ít phổ biến nhất:
- Xơ cứng bì, một rối loạn của các mô liên kết của cơ thể
- Lupus
- Viêm tuyến giáp, do tuyến giáp hoạt động bất thường
- Bệnh vẩy nến
- Alopecia areata, hoặc hói đầu
- Bệnh tiểu đường loại 1
- Thiếu máu ác tính, không có khả năng hấp thụ vitamin B-12
- Bệnh lí Addison
- Viêm khớp dạng thấp
Một số chuyên gia cũng báo cáo bệnh bạch biến xuất hiện sau:
- Cháy nắng hoặc vết cắt nghiêm trọng
- Tiếp xúc với độc tố và hóa chất
- Mức độ căng thẳng cao
Các biến chứng của bệnh bạch biến là gì?
Tin tốt là bệnh bạch biến là một bệnh không gây chết người và nó không gây ra bất kỳ tác hại nào cho cơ thể, nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội của bệnh nhân và gia đình của họ. Các biến chứng nghiêm trọng nhất có thể ảnh hưởng đến tai và mắt, nhưng những điều này hiếm thường xảy ra. Tác động chính là mất sắc tố làm tăng nguy cơ bị cháy nắng. Bạn có thể bảo vệ làn da của mình bằng cách thoa kem chống nắng với chỉ số SPF 30 và mặc quần áo chống nắng.
Ảnh hưởng tâm lý
Nghiên cứu cho thấy bạch biến có thể gây ra ảnh hưởng tâm lý đáng kể. Các đánh giá khoa học cho thấy hơn 50% những người mắc bệnh bạch biến báo cáo những tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ. Một số người cho biết họ suy nghĩ về tình trạng này cả ngày, đặc biệt là do sự tiến triển khó lường của bệnh.
Các bệnh nhân cho biết họ thường:
- Tránh các hoạt động thể chất
- Tránh tham gia các sự kiện
- Cảm giác như tình trạng của họ là một sự biến dạng
- Phiền muộn
- Lo ngại
- Có gánh nặng về cảm xúc
Nếu bạn bị bạch biến và cảm thấy bất kỳ tác dụng tiêu cực nào, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc ai đó quan tâm đến bạn. Bạn cũng nên tìm hiểu càng nhiều càng tốt về rối loạn. Điều này có thể giúp giảm bớt căng thẳng về bệnh cũng như về các lựa chọn điều trị.
Bác sĩ sẽ làm gì để chẩn đoán bệnh bạch biến?
Bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng, hỏi về tiền sử mắc bệnh và tiến hành các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Hãy báo cho bác sĩ biết bất kỳ sự kiện nào có thể là yếu tố góp phần, như cháy nắng gần đây, tóc bạc sớm hoặc bất kỳ bệnh tự miễn nào bạn có thể mắc phải. Cũng cho bác sĩ của bạn biết nếu có ai khác trong gia đình bạn mắc bệnh bạch biến hoặc các bệnh ngoài da khác.
Những câu hỏi khác mà bác sĩ có thể hỏi bạn là:
- Nơi nào trên cơ thể bạn xuất hiện bạch biến đầu tiên?
- Có ai trong gia đình bạn bị bạch biến không?
- Có ai trong gia đình bạn bị rối loạn tự miễn dịch không?
- Bạn đã thử phương pháp điều trị nào chưa?
- Có khu vực da nào trở nên tốt hơn hay tồi tệ hơn không?
Bác sĩ của bạn cũng có thể sử dụng một cực đèn UV để kiểm tra các mảng bạch biến. Đèn còn được gọi là đèn Wood, giúp bác sĩ tìm kiếm sự khác biệt giữa bệnh bạch biến và các tình trạng da khác.
Đôi khi bác sĩ của bạn có thể muốn lấy một mẫu da, phương pháp này gọi là sinh thiết da. Phòng thí nghiệm sẽ xem xét các mẫu này để xem da bạn có còn các tế bào sản xuất sắc tố trong khu vực đó hay không. Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán các vấn đề khác có thể đi kèm với bệnh bạch biến, chẳng hạn như các vấn đề về tuyến giáp, tiểu đường hoặc thiếu máu.
Các lựa chọn điều trị
Mục đích của các phương pháp điều trị chính là khôi phục lại sự cân bằng màu sắc cho làn da của bạn. Một số phương pháp điều trị nhằm mục đích thêm sắc tố trong khi những phương pháp khác loại bỏ nó. Tùy chọn của bạn sẽ thay đổi theo:
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng da
- Vị trí và kích thước của vùng da bị bạch biến
- Có bao nhiêu mảng bạch biến trên cơ thể
- Bạn đáp ứng với điều trị như thế nào
Các loại phương pháp điều trị bao gồm thuốc, phẫu thuật hoặc kết hợp cả hai. Nhưng không phải tất cả các phương pháp điều trị đều có hiệu quả với tất cả mọi người và một số có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Luôn luôn liên hệ với bác sĩ nếu bạn bắt đầu gặp tác dụng phụ do điều trị. Họ có thể điều chỉnh lại liều lượng hoặc cung cấp các lựa chọn thay thế.
Thuốc
Điều trị bằng thuốc sẽ cần ít nhất 3 tháng để có thể thấy được tác dụng. Các loại điều trị bằng thuốc bao gồm:
Kem bôi: Một số loại kem, bao gồm corticosteroid, có thể giúp trả lại màu cho các mảng bạch biến trong giai đoạn ban đầu. Những thuốc khác giúp làm chậm sự tăng trưởng. Các loại kem có tác dụng mạnh cần được bác sĩ kê đơn và chúng có thể gây ra tác dụng phụ khi sử dụng trong một thời gian dài. Tác dụng phụ có thể bao gồm:
- Co rút da
- Mỏng da
- Rậm lông
- Kích ứng da
Thuốc uống: Một số loại thuốc như steroid và một số loại kháng sinh có thể có hiệu quả trong điều trị bệnh bạch biến.
Liệu pháp Psoralen và tia cực tím (PUVA): Sự kết hợp điều trị này đòi hỏi bạn phải dùng psoralen dưới dạng thuốc hoặc bôi lên da dưới dạng kem. Sau đó, bác sĩ cho bạn tiếp xúc với tia UVA để kích hoạt các loại thuốc giúp phục hồi màu cho làn da. Nếu điều trị bằng phương pháp này, bạn sẽ cần tránh nắng và đeo kính râm bảo vệ. PUVA có tác dụng phụ có thể bao gồm:
- Cháy nắng
- Buồn nôn
- Ngứa
- Tăng sắc tố
Dùng tia UVB dải hẹp: Đây là một phương pháp thay thế cho liệu pháp PUVA truyền thống. Điều trị này cung cấp một loại trị liệu ánh sáng tập trung hơn thường dẫn đến ít tác dụng phụ hơn. Nó cũng có thể được sử dụng như một phần của chương trình điều trị tại nhà dưới sự giám sát của bác sĩ.
Điều trị bằng laser Excimer: Điều trị đối với các khu vực nhỏ, 2 đến 3 lần mỗi tuần trong vòng tối đa 4 tháng.
Giảm sắc tố: Bác sĩ có thể khuyên bạn nên giảm sắc tố nếu hơn 50% cơ thể của bạn bị ảnh hưởng và bạn muốn cân bằng màu sắc cho làn da của mình. Đây thường là một giải pháp khi các phương pháp điều trị để trả lại sắc tố cho làn da của bạn đã thất bại. Phương pháp giảm sắc tố tập trung vào việc làm mờ phần còn lại của da để trông hài hòa hơn với các khu vực bị mất màu. Có thể mất đến 2 năm để điều trị có hiệu quả. Bạn sẽ áp dụng một loại thuốc như monobenzone theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tác dụng phụ lớn nhất của sự giảm sắc tố là viêm. Điều trị này có xu hướng là bạn sẽ rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời mời cách vĩnh viễn.
Phẫu thuật
Lựa chọn phẫu thuật khi thuốc và liệu pháp ánh sáng không mang lại hiệu quả. Bác sĩ có thể đề nghị các lựa chọn phẫu thuật nếu bạn không có các mảng trắng mới hoặc xấu đi trong 12 tháng qua, và bệnh bạch biến bị tổn thương do ánh nắng mặt trời.
Các loại phẫu thuật bao gồm:
Ghép da: Bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ lấy ở khu vực làn da khỏe mạnh, có sắc tố và chuyển nó đến các khu vực bị bạch biển. Rủi ro ghép da bao gồm nhiễm trùng, sẹo hoặc không tái sắc tố. Ghép da bằng cách sử dụng bọng nước là một lựa chọn khác có ít rủi ro hơn. Đối với thủ tục này, bác sĩ sẽ tạo ra các bọng nước trên vùng da không bị ảnh hưởng và chuyển phần trên của nốt phồng sang khu vực khác.
Cấy ghép melanocyte: Bác sĩ của bạn loại bỏ melanocytes và cho phép chúng phát triển trong phòng thí nghiệm. Sau đó, các tế bào được cấy ghép vào các khu vực bị mất màu của da.
Vi sắc tố: Bác sĩ sẽ xăm sắc tố vào da của bạn giống như xăm môi, nhưng màu khó có thể phù hợp với màu da của bạn.
Các phương pháp điều trị khác
Ngay cả khi bạn đang trải qua điều trị y tế cho bệnh bạch biến, kết quả có thể chậm. Vì vậy, bạn có thể muốn kết hợp với các phương pháp sau:
Kem chống nắng: Giảm phơi nắng có thể giúp giữ cho làn da của bạn đều màu. Phơi nắng sẽ thêm độ tương phản cho làn da của bạn, làm cho các khu vực bị ảnh hưởng rõ ràng hơn. Kem chống nắng có SPF càng cao, da bạn càng nhận được nhiều sự bảo vệ. Điều quan trọng là sử dụng kem chống nắng vì các khu vực không có sắc tố dễ bị cháy nắng và tổn thương do ánh nắng mặt trời.
Mỹ phẩm: Kem trang điểm hoặc sữa dưỡng làm nâu da có thể giúp làm đều màu da của bạn. Bạn có thể thích các loại sữa dưỡng làm nâu da có tác dụng kéo dài ngay cả khi rửa.
Liệu pháp tâm lý: Một nghiên cứu cho thấy thuốc và liệu pháp tâm lý có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bạch biến. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang gặp ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
Đối phó với tác động tâm lý ở bệnh nhân bạch biến
Nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh bạch biến có xu hướng phát triển các vấn đề liên quan tới cảm xúc căng thẳng và tự ti. Một nghiên cứu cũng cho thấy cha mẹ của trẻ em mắc bệnh bạch biến có chất lượng cuộc sống thấp hơn. Nhưng bạch biến không phải là bệnh truyền nhiễm và cũng không gây ra bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào. Người mắc bệnh bạch biến có thể sống một cuộc sống năng động, khỏe mạnh.
Điều quan trọng là tìm một nhà trị liệu hiểu được tình trạng da này và tác động của nó đối với sức khỏe tâm thần. Đã có những nghiên cứu về liệu pháp hành vi nhận thức cá nhân (CBT) và bệnh bạch biến nhưng còn hạn chế, nó có thể giúp:
- Duy trì lòng tự trọng
- Ngăn ngừa trầm cảm
- Nâng cao chất lượng cuộc sống
Những gì mới trong điều trị bạch biến?
Nghiên cứu về bệnh bạch biến đã tăng lên trong những năm qua. Công nghệ mới hơn cho phép tiến bộ trong nghiên cứu di truyền để chúng ta có thể hiểu được bệnh bạch biến hoạt động như thế nào. Hiểu rằng làm thế nào bạch biến được kích hoạt và quá trình bệnh tương tác với các hệ thống cơ quan khác có thể giúp các nhà nghiên cứu phát triển các phương pháp điều trị mới.
Các nghiên cứu khác về bệnh bạch biến bao gồm việc nghiên cứu chấn thương hoặc căng thẳng gây ra bệnh bạch biến như thế nào, di truyền ảnh hưởng đến bệnh bạch biến và các tín hiệu hóa học của hệ thống miễn dịch đóng vai trò ra sao.