Tâm lý

Trầm cảm sau sinh là gì? Biểu hiện, nguyên nhân, cách điều trị

Trong khi sự ra đời của một đứa trẻ là niềm vui và hạnh phúc của cả gia đình, nhiều phụ nữ phải trải qua rối loạn tâm trạng ngắn hoặc dài hạn trong giai đoạn sau sinh. Có những người mẹ thậm chí đã ra tay tàn độc, sát hại chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra chỉ vì mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Do đó, tăng cường nhận thức về các triệu chứng trầm cảm sau sinh, để xác định sớm vấn đề và điều trị một cách thích hợp là vô cùng cần thiết.

Hãy cùng Drcuaban tìm hiểu những điều cần biết về trầm cảm sau sinh qua bài viết dưới đây nhé.

Trầm cảm sau sinh là gì?

trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh hay trầm cảm hậu sản (postpartum depression) là loại trầm cảm ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ và một số ít nam giới sau khi đứa con sinh ra.

Nếu bị mắc chứng này, người bệnh sẽ có cảm giác buồn, vô vọng hoặc tội lỗi vì cảm thấy không muốn gắn kết hoặc chăm sóc con của họ.

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ, đặc biệt cũng sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của em bé.

Các nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ đã báo cáo trong JAMA Psychiatry rằng trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến khoảng 1 trên 7 bà mẹ mới sinh.

Trong nghiên cứu đến hơn 10.000 bà mẹ, gần 22% trong số họ đã bị trầm cảm khi được theo dõi 12 tháng sau khi sinh.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng:

  • Hơn 19% phụ nữ được sàng lọc trầm cảm đã từng cân nhắc việc tự làm tổn thương mình.
  • Một tỷ lệ lớn các bà mẹ được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm sau sinh trước đây được chẩn đoán mắc một loại trầm cảm hoặc rối loạn lo âu khác.

Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ. Một nghiên cứu khác cho thấy khoảng 10 phần trăm những người cha mới trải qua trầm cảm sau sinh hoặc trước khi sinh. Tỷ lệ cao nhất có thể được tìm thấy ở giai đoạn 3 đến 6 tháng sau khi sinh con.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra trầm cảm sau sinh?

Trầm cảm sau sinh có khả năng là kết quả của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của nó vẫn chưa được biết.

Trầm cảm thường được gây ra bởi thay đổi sinh học về cơ  thể, yếu tố tâm lý xã hội, hoặc cả hai.

  • Thay đổi về cơ thể: Sau khi sinh con, các hormone (estrogen và progesterone) giảm đáng kể trong cơ thể có thể gây nên trầm cảm sau sinh. Hormone tuyến giáp cũng có thể giảm mạnh làm người mẹ cảm thấy mệt mỏi, uể oải hay chán nản.
  • Yếu tố tâm lý: lo lắng quá mức về em bé, về mối quan hệ với chồng và gia đình, hoặc các mối quan hệ xã hội khác cũng có thể gây nên trầm cảm sau sinh.

Yếu tố nguy cơ

Theo các nghiên cứu thì những yếu tố sau sẽ làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh ở phụ nữ :

  • Thay đổi chu kỳ giấc ngủ.
  • Những thay đổi về thể chất của thai kỳ.
  • Lo lắng quá mức về em bé và trách nhiệm làm cha mẹ.
  • Từng được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực.
  • Chuyển dạ hoặc sinh nở phức tạp hay khó khăn.
  • Thiếu sự hỗ trợ của gia đình.
  • Lo lắng về các mối quan hệ.
  • Sinh con so có nguy cơ mắc bệnh cao hơn sinh con rạ.
  • Đứa trẻ không có bố chính thức.
  • Sinh con trong tình trạng ly dị hoặc ly thân.
  • Sinh con ở độ tuổi vị thành niên.
  • Sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy.
  • khó khăn tài chính.
  • cô đơn, không có bạn bè thân thiết và gia đình xung quanh.
  • Tiền sử có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
  • Hậu quả sức khỏe của việc sinh con, bao gồm thiếu máu, thay đổi huyết áp và thay đổi quá trình trao đổi chất .
  • Khó khăn khi cho con bú cũng có thể liên quan đến trầm cảm sau sinh.
  • Có các thành viên trong gia đình đã bị trầm cảm .

Triệu chứng

Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến cha mẹ theo nhiều cách khác nhau. Các triệu chứng có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào đó trong năm đầu sau sinh. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến:

  • Cảm giác bị sốc và bị mắc kẹt
  • Buồn bã
  • Khóc rất nhiều
  • Thiếu quan tâm đến bản thân
  • Cảm thấy mình không xứng đáng chăm sóc em bé
  • Sao nhãng trong việc chăm sóc con
  • Cáu ghắt với người khác
  • Dễ lo âu, hoảng sợ
  • Cảm thấy có lỗi
  • Không còn thích thú với những thứ, hoạt động mình ưa thích trước kia
  • Giảm thiểu giao tiếp với người khác
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Ăn uống thất thường
  • An ủi không đem lại kết quả
  • Cảm thấy trống rỗng
  • Cảm thấy yếu ớt hoặc không còn sức lực
  • Không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục
  • Tuyệt vọng
  • Lòng tự trọng thấp
  • Khó tập trung hoặc đưa ra quyết định
  • Giảm khả năng diễn đạt chính xác khi nói hoặc viết
  • Cảm thấy cuộc đời không đáng sống.

Nhiều người bị trầm cảm sau sinh không nói cho mọi người biết họ cảm thấy thế nào. Chồng/vợ, gia đình và bạn bè có thể nhận ra các dấu hiệu trầm cảm sau sinh ở giai đoạn đầu nên khuyến khích họ nhận trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.

Một số người bị trầm cảm sau sinh có thể có suy nghĩ về việc làm hại con mình. Họ cũng có thể nghĩ về việc tự tử hoặc tự làm hại mình. Cả cha mẹ và trẻ sơ sinh đều không bị tổn hại trong hầu hết các trường hợp, nhưng có những suy nghĩ này có thể đáng sợ và đau khổ.

Chẩn đoán

Do sự tương đồng về triệu chứng giữa trầm cảm sau sinh và rối loạn trầm cảm, vẫn chưa thống nhất được có nên xếp trầm cảm sau sinh là một rối loạn riêng biệt hay không.

DSM-IV cũng như ICD-10 không phân loại trầm cảm sau sinh là chẩn đoán riêng biệt, và không có tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, rối loạn tâm thần sau sinh là một nhóm các rối loạn có liên quan đặc biệt đến việc mang thai và sinh đẻ, cần tồn tại một chẩn đoán riêng biệt.

Khi chẩn đoán trầm cảm sau sinh, điều quan trọng đối với các bác sĩ, là phải phân biệt giữa các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh với các biến động tâm trạng bình thường, mà phụ nữ gặp phải sau sinh.

Chẳng hạn: việc một người phụ nữ kiệt sức hay cáu kỉnh là điều bình thường, nếu đứa trẻ mới sinh mỗi cách vài tiếng cần phải được vệ sinh và nó thức dậy nhiều lần trong suốt đêm. Nhưng một phụ nữ trải có những triệu chứng này, khi em bé đã năm tháng tuổi và ngủ qua đêm nên được chẩn đoán trầm cảm sau sinh.

Bác sĩ sẽ nói chuyện với người bệnh về những cảm xúc, suy nghĩ và sức khỏe tâm thần, để phân biệt với trường hợp buồn bã ngắn hạn sau sinh hoặc dạng nặng hơn của bệnh trầm cảm. Cũng có thể phân biệt chẩn đoán bằng cách hoàn thành “bảng câu hỏi sàng lọc trầm cảm”.

Bác sĩ cũng có thể hỏi liệu bệnh nhân có:

  • Khó ngủ
  • Khó đưa ra quyết định và tập trung
  • Vấn đề tự tin
  • Thay đổi khẩu vị
  • Lo lắng
  • Mệt mỏi, không muốn tham gia vào bất kỳ hoạt động thể chất nào
  • Cảm giác tội lỗi
  • Ý nghĩ tự sát

Khi người bệnh trả lời “có” cho ba trong số các câu hỏi có thể bị trầm cảm sau sinh nhẹ. Một người bị trầm cảm sau sinh nhẹ vẫn có thể tiếp tục với các hoạt động hàng ngày. Nhiều câu trả lời “có” cho thấy trầm cảm nặng hơn.

Nếu người bệnh trả lời “có” cho câu hỏi có ý định làm hại bản thân hoặc em bé, cần được chẩn đoán là trầm cảm sau sinh nặng.

Một số bà mẹ đơn thân hoặc không người thân giúp đỡ có thể không muốn trả lời những câu hỏi này một cách cởi mở, vì sợ rằng khi bị chẩn đoán mắc chứng trầm cảm sau sinh, đứa trẻ sẽ bị tách riêng khỏi họ. Nhưng, một trẻ sơ sinh chỉ được đưa đi trong tình huống rất nghiêm trọng. Ngay cả trong những trường hợp mà bạn phải nhập viện, trẻ sơ sinh thường sẽ ở cùng bạn!

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu một số xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như xét nghiệm máu, để xác định xem có bất kỳ vấn đề nào về nội tiết tố, hoặc các xét nghiệm khác giúp loại trừ các nguyên nhân khác

Điều trị

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn cảm thấy có các triệu chứng trầm cảm sau sinh, hãy liên lạc với bác sĩ. Dù sự phục hồi đôi khi có thể mất vài tháng, trong một số trường hợp thậm chí lâu hơn,  trầm cảm sau sinh có thể điều trị được!

Hãy khám càng sớm càng tốt nếu các dấu hiệu của trầm cảm có bất kỳ các tính chất sau:

  • Không nhẹ đi sau hai tuần
  • Biến chuyển nặng hơn
  • Gây khó khăn trong việc chăm sóc con bạn
  • Gây khó khăn trong việc hoàn thành các công việc hàng ngày
  • Xuất hiện những suy nghĩ muốn gây hại đến bản thân hoặc con bạn

Nguyên tắc điều trị

Bước quan trọng nhất trên con đường điều trị và phục hồi trầm cảm sau sinh là thừa nhận vấn đề.

Nguyên tắc điều trị trầm cảm sau sinh giống như các trường hợp trầm cảm khác: Nếu triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị thận trọng theo dõi và tái khám thường xuyên. Nếu các triệu chứng nặng hơn, bác sĩ có thể đề nghị điều trị tâm lý, thuốc chống trầm cảm hoặc cả hai.

Điều trị tâm lý được ưu tiên hơn sử dụng thuốc bởi vì khi dùng thuốc người mẹ có thể phải ngưng cho con bú do thuốc xuất hiện trong sữa mẹ, tuy nhiên dùng thuốc vẫn là bắt buộc khi xét thấy lợi ích đem lại là cao hơn các yếu tố có hại.

Các phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh

Liệu pháp tâm lý

Gia đình, bạn đời và sự hỗ trợ của bạn bè thân thiết có thể giúp sự phục hồi nhanh hơn. Sẽ tốt hơn cho người trầm cảm sau sinh, nếu có thể bày tỏ cảm giác của họ với những người mà họ có thể tin tưởng, thay vì kìm nén cảm xúc.

Trị liệu giữa các cá nhân (IPT), một loại trị liệu tâm lý, tập trung vào các mối quan hệ của những phụ nữ đã trải qua kinh nghiệm tương tự.  Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2000 cho thấy 12 tuần IPT có hiệu quả hơn là không điều trị trong việc cải thiện điều chỉnh xã hội và giảm các triệu chứng trầm cảm sau sinh.

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) cũng có hiệu quả đối với các trường hợp trầm cảm sau sinh vừa phải. Loại trị liệu này dựa trên nguyên tắc về những suy nghĩ có thể kích hoạt trầm cảm. Cá nhân được dạy cách quản lý tốt hơn mối quan hệ giữa suy nghĩ và trạng thái tâm trí của họ. Mục đích là để thay đổi các kiểu suy nghĩ để chúng trở nên tích cực hơn.

Đối với những người bị trầm cảm nặng, hầu hết các nghiên cứu đều đồng ý rằng: hiệu quả tốt nhất đến từ sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc.

Thuốc

Bác sĩ có thể kê toa thuốc chống trầm cảm cho những người bị trầm cảm sau sinh nặng. Thuốc chống trầm cảm cân bằng các hóa chất trong não giúp điều chỉnh tâm trạng.

Thuốc chống trầm cảm có thể giúp giảm bớt sự cáu kỉnh, vô vọng, cảm giác không thể đối phó, tập trung và mất ngủ. Các triệu chứng có thể được cải thiện sau khi uống thuốc ba hoặc bốn tuần.

Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra các tác dụng phụ, nhưng hầu hết chúng sẽ mất đi sau một thời gian ngắn. Theo một số nghiên cứu nhỏ , thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs), như imipramine và nortriptyline, rất có thể là an toàn nhất để sử dụng trong khi cho con bú.

TCAs không phù hợp với những người có tiền sử bệnh tim , động kinh hoặc trầm cảm nặng với những suy nghĩ tự tử thường xuyên.

Những người không thể dùng TCAs có thể được kê đơn thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), chẳng hạn như paroxetine hoặc sertraline. Lượng paroxetine hoặc sertraline cuối cùng vào sữa mẹ là tối thiểu.

Một bà mẹ bị trầm cảm sau sinh nên thảo luận về các lựa chọn cho con ăn với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, có thể bao gồm thuốc chống trầm cảm, an toàn cho cả mẹ và con.

Thuốc an thần có thể được kê toa trong trường hợp rối loạn tâm thần sau sinh , người mẹ có thể bị ảo giác, có ý nghĩ tự tử và hành vi phi lý. Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy, các loại thuốc nên được sử dụng trong một thời gian ngắn. Tác dụng phụ bao gồm: mất thăng bằng, mất trí nhớ, chóng mặt, buồn ngủ, lú lẫn.

Liệu pháp điều trị điện (ECT)

Nếu các triệu chứng trầm cảm sau sinh nghiêm trọng đến mức người bệnh không đáp ứng với điều trị khác, bác sĩ có thể lựa chọn liệu pháp điều trị điện (ECT). Tuy nhiên, điều này chỉ được đề xuất khi tất cả các lựa chọn khác, chẳng hạn như thuốc, không thành công.

Phương pháp điều trị này sử dụng một dòng điện nhỏ truyền vào não trong khi bệnh nhân được gây mê và dùng thuốc giãn cơ. Các chuyên gia tin rằng sự kích thích điện làm thay đổi các chất hóa học trong não giúp giảm các triệu chứng trầm cảm.

Tác dụng phụ có thể bao gồm: đau đầu và mất trí nhớ ngắn hạn.

Điều trị trầm cảm sau sinh nặng

Một người bị trầm cảm sau sinh nặng có thể được giới thiệu đến một nhóm các chuyên gia, bao gồm bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, nhà trị liệu và y tá chuyên ngành. Nếu các bác sĩ cảm thấy rằng bệnh nhân có nguy cơ gây hại cho bản thân hoặc con của mình, cô ấy có thể phải nhập viện trong một phòng khám sức khỏe tâm thần.

Trong một số trường hợp rất nghiêm trọng, chồng hoặc thành viên gia đình có thể chăm sóc trẻ sơ sinh trong khi người bị trầm cảm sau sinh đang được điều trị.

Phòng ngừa

Cần theo học một số chương trình giáo dục tiền sản cho cả người vợ lẫn chồng trước khi sinh con, hoặc ít nhất tìm sách báo hướng dẫn, hoạt động này giúp cung cấp những kiến thức đúng đắn về sức khỏe sinh sản, nhận thức tốt sẽ giúp phòng tránh trầm cảm sau sinh.

Một số phương pháp giúp ngăn ngừa và hạn chế trầm cảm sau sinh:

  • Tham gia các lớp học dành cho đối tượng làm cha mẹ.
  • Lên kế hoạch về tiền bạc liên quan mật thiết với chuyện em bé sắp ra đời.
  • Nghĩ ra các cách thức nhằm chia sẻ trách nhiệm chăm sóc em bé.
  • Chú ý dồn tâm trí đến các vấn đề quan hệ gia đình trước khi em bé chào đời
  • Thuê người giúp việc hoặc nhờ người thân trong gia đình giúp đỡ trông em bé.
  • Hiểu rằng đời sống tình dục sẽ thay đổi sau khi sinh và có thể không trở lại bình thường trong vòng một năm hoặc lâu hơn.
  • Tìm kiếm nhóm tương trợ cùng cảnh ngộ, những người mới làm bố mẹ, hoặc tra cứu thông tin về trầm cảm.

Lời khuyên về lối sống

Lối sống và những biện pháp khắc phục sau có thể giúp bạn đối phó với trầm cảm sau sinh:

  • Thực hiện theo một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
  • Ăn thường xuyên để duy trì lượng đường trong máu.
  • Ngủ ít nhất 7 đến 8 giờ mỗi ngày.
  • Tham gia các hoạt động thể chất hợp lý.
  • Không gây áp lực cho bản thân, giảm căng thẳng .
  • Hãy cởi mở khi nói chuyện với bạn bè, bạn đời và thành viên gia đình về cảm xúc và mối quan tâm của bạn.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment