Chất dinh dưỡng

Lycopene là gì? Tác dụng của Lycopene với sức khỏe và cách bổ sung

Bạn có thích cà chua không? Nếu bạn không thích cà chua lắm, sau khi đọc xong bài viết này hãy thử cho cà chua một cơ hội nhé!

Lycopene là một chất chống oxy hóa với một list dài các lợi ích tuyệt vời. Lycopene được tìm thấy trong nhiều loại rau quả có màu đỏ như: cà chua, dưa hấu, đu đủ, ổi đỏ, bưởi đỏ, bưởi chum, gấc nhưng lại không có trong dâu tây hay anh đào. Ngạc nhiên chưa? Mặc dù lycopen về mặt hóa học là một loại caroten, nhưng nó không có hoạt tính của vitamin A. Thực phẩm không có màu đỏ cũng có thể chứa lycopene, chẳng hạn như các loại đỗ, đậu.

Bởi nó là chất chống oxy hóa tuyệt vời, chị em thường dùng cà chua để đắp mặt nạ giúp làn da luôn căng mọng tươi trẻ. Vậy:

  • Lycopene là gì?
  • Tác dụng của lycopene với sức khỏe ra sao?
  • Cách bổ sung như nào cho hợp lý? Có lưu ý gì khi bổ sung không?

Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu về anh chàng lycopene này nhé!

Lycopene là gì?

lycopene

Là một sắc tố trong thực phẩm, lycopene chịu trách nhiệm cho màu đỏ của cà chua, mặc dù không phải tất cả các loại trái cây và rau màu đỏ đều chứa chất chống oxy hóa này. Nó thậm chí còn được sử dụng một cách chính thức để nhuộm màu thực phẩm ở Mỹ. Trong thực tế, lycopene không hòa tan trong nước và chịu trách nhiệm nhuộm rất nhiều đồ ăn mà bạn thường thấy sau khi làm nước sốt spaghetti.

Phân tử nhỏ đáng kinh ngạc này lần đầu tiên được phân lập vào năm 1910 và được xác định cấu trúc phân tử đầy đủ vào năm 1931.

Vậy lycopene chính xác là gì?

Đầu tiên, lycopene là một phytonutrient – dưỡng chất thực vật (“Phyto” là khái niệm xuất phát từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa thực vật). Nói một cách đơn giản, phytonutrients là chất chống oxy hóa được tìm thấy trong thực vật. Những chất dinh dưỡng này không được tạo ra bởi cơ thể con người mà được sản xuất bởi cây trồng để chống lại các yếu tố từ môi trường, chẳng hạn như sâu bệnh, độc tố và tổn thương bởi tia cực tím. Thay vì cho phép các gốc tự do chạy tự do trong cây, nó tạo ra nhiều loại phytonutrients khác nhau để tự bảo vệ.

Cũng giống như thực vật, chúng ta phải chịu rất nhiều hóa chất nguy hiểm từ môi trường và từ yếu tố khác, như phơi nắng kéo dài, có thể gây ra các gốc tự do để phá hủy các tế bào trong toàn bộ cơ thể. Đó là lý do tại sao nó rất quan trọng để “eat the rainbow”- ăn các loại rau củ quả có nhiều màu sắc (đủ các loại màu sắc như cầu vồng vậy). Nếu bạn thường xuyên ăn các loại thực vật có nhiều màu sắc, bạn có thể đảm bảo có đủ chất dinh dưỡng thực vật để giữ cho cơ thể bạn khỏe mạnh.

Có hơn 25.000 loại dưỡng chất thực vật khác nhau được tìm thấy trong thực phẩm thực vật và một trong năm loại quan trọng hàng đầu là carotenoids. Carotenoids giúp cây hấp thụ ánh sáng và bảo vệ chất diệp lục khỏi tia UV. Trong số 600 loại khác nhau cần thiết cho cơ thể, lycopene cũng thuộc top năm loại hàng đầu này.

Lycopene so với Beta-Carotene

Có những carotenoids khác phổ biến trong nghiên cứu sức khỏe. Một carotenoid thường được nhắc tới là beta-carotene. Nó có một số điểm tương đồng và một số khác biệt với lycopene quan trọng cần lưu ý.

  • Cả hai đều là chất chống oxy hóa.
  • Beta-carotene là tiền thân của vitamin A. Lycopene không phải là tiền thân của bất kỳ loại vitamin nào.
  • Lycopene chưa được chứng minh là có tác dụng phụ lâu dài hoặc gây tổn hại vĩnh viễn do quá liều. Tuy nhiên, vitamin A từ beta-carotene sẽ gây độc hại trong trường hợp bổ sung quá mức, không phải trong chế độ ăn uống.
  • Khi được tiêu thụ theo chế độ ăn uống, cơ thể có thể lọc ra tất cả lycopene và beta-carotene không cần thiết.
  • Cả hai đều có đặc tính kháng viêm và chống ung thư.
  • Cả hai đều chống lại sự suy giảm nhận thức và bệnh về mắt.
  • Nồng độ lycopene cao nhất có thể tìm thấy trong cà chua. Beta-carotene có nhiều nhất trong quả ớt.
  • Bổ sung beta-carotene có thể tương tác tiêu cực với một số loại thuốc, bao gồm statin, orlistat, một số loại thuốc hạ cholesterol và dầu khoáng. Lycopene có thể có các biến chứng khi kết hợp với thuốc chống đông máu, thuốc hỗ trợ thụ thai, nicotine và một số loại thuốc khác.
  • Có thể có liên hệ giữa mức beta-carotene cao và tỷ lệ mắc ung thư liên quan đến hút thuốc lá. Không có mối liên hệ nào giữa lycopene và nguy cơ ung thư cao hơn.

Tác dụng của Lycopene đối với sức khỏe

Một trong những chất chống oxy hóa mạnh nhất trên thế giới

Chất chống oxy hóa rất quan trọng vì nhiều lý do, đặc biệt là khả năng ngăn ngừa và chống lại bệnh tật. Lycopene là một chất chống oxy hóa cực kỳ có giá trị, khả năng chống oxy hóa của nó được ví như vàng đối với sức khỏe bởi những điều đáng kinh ngạc mà nó cung cấp cho cơ thể của bạn.

Bạn có bao giờ tự hỏi loại thuốc trừ sâu nào có trong thực phẩm mà hầu hết mọi người ăn không? Dichlorvos và atrazine là hai loại thuốc trừ sâu phổ biến được sử dụng ở Mỹ để bảo vệ sản phẩm khỏi côn trùng. Cả hai đều có ảnh hưởng độc hại tới cơ thể con người. Và đa số thực phẩm đều sử dụng 2 loại thuốc này.

May mắn thay, khả năng chống oxy hóa của lycopene có thể bảo vệ cơ thể bạn khỏi những tác hại do thuốc trừ sâu gây ra. Các nghiên cứu cho thấy rằng nó có thể bảo vệ gan của bạn khỏi sự phá hủy của dichlorvos và cũng chống lại sự phá hủy vỏ thượng thận của atrazine (Xem thêm nghiên cứu tại đây). Không chỉ vậy, nó còn giúp bảo vệ não bộ trước ảnh hưởng tiêu cực của 2 loại thuốc trừ sâu này.

Một hóa chất nguy hiểm khác mà bạn đã tiếp xúc trước đây là bột ngọt hay mỳ chính (MSG). Mỳ chính là gia vị thường gặp trong các bữa ăn hoặc trong các món ăn sáng thường ngày. Tác dụng phụ thường gặp từ việc tiêu thụ MSG bao gồm nhức đầu, nóng bừng mặt, ra mồ hôi, cảm giác tê, buồn nôn và suy nhược…

Những triệu chứng này chủ yếu vì MSG hoạt động như một “chất gây kích thích” trong não của bạn, có nghĩa là nó tăng tốc các phản ứng của tế bào đến mức gây chết tế bào hoặc “apoptosis”- chết tế bào theo lập trình. Glutamate có trong mì chính là chất dẫn truyền thần kinh trong não, chúng sẽ kích thích tế bào não truyền xung động thần kinh. Do vậy, nếu ăn nhiều mỳ chính sẽ làm tăng nồng độ các chất này trong não, gây kích thích quá mức các tế bào thần kinh. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2016 phát hiện ra rằng lycopene bảo vệ các tế bào này bằng cách ức chế apoptosis khi MSG báo hiệu cho não. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

Một chức năng khác mà phytonutrient này có thể phục vụ là trong điều trị bệnh nấm candida (Candida là loại vi nấm gây bệnh trên người phổ biến nhất. Tùy theo vị trí bị nhiễm nấm mà biểu hiện bệnh đa dạng khác nhau. Nấm thường xuất hiện nhiều nhất trên da, vùng niêm mạc miệng và âm đạo của phụ nữ). Không giống như tác dụng của nó trên độc tính MSG, lycopene thực sự gây ra apoptosis cho các tế bào nấm nhiễm bệnh. Điều này có hiệu quả đối với cả nấm candida ở miệng và ở âm đạo.

Lycopene không chỉ giúp chống nhiễm trùng, các đặc tính chống oxy hóa của nó thậm chí còn có thể sửa chữa tổn thương ở hàng rào máu-não trong các trường hợp tổn thương tủy sống. Nghiên cứu này là một đột phá bởi sự phá hủy rào cản đó là một phần của nguyên nhân gây liệt cho những người bị tổn thương tủy sống.

2. Giúp ngăn ngừa ung thư

Cũng liên quan đến tính chất chống oxy hóa mạnh mẽ của nó, lycopene đóng vai trò ngăn ngừa và làm chậm một số loại ung thư, làm cho bất kỳ loại thực phẩm có chứa nó được coi là thực phẩm chống ung thư .

Các nhà khoa học tại Đại học Portsmouth đã nghiên cứu khả năng làm chậm phát triển của ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt của lycopene. Nó làm gián đoạn các con đường tín hiệu thường làm cho các khối u phát triển chậm hơn. Một nghiên cứu khác trên 46.000 nam giới cho thấy mối tương quan đáng kể giữa lượng lycopene cao và sự giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition, đặc biệt lưu ý rằng việc tiêu thụ nước sốt cà chua đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

Tại Hoa Kỳ, phụ nữ sống được 90 tuổi cứ 8 người thì có 1 người được chẩn đoán ung thư vú, với 205.000 trường hợp trong năm 2002. Một số nghiên cứu đã cho thấy lượng lycopene có liên quan đáng kể đến chế độ ăn uống và ung thư vú, có một mối quan hệ tích cực giữa lycopene trong mô vú và nguy cơ ung thư vú. Trong nuôi cấy tế bào, lycopene có tác dụng ức chế khối ung thư vú hiệu quả hơn, khi so sánh với alpha và beta carotene.

Tương tự như ảnh hưởng của nó đối với ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, lycopene cũng làm chậm sự phát triển của ung thư biểu mô thận – loại phổ biến nhất của u thận ác tính. Điều này cũng cho thấy nó có vai trò quan trọng trong việc phòng chống ung thư.

Một điều trị khác liên quan đến ung thư của lycopene là việc sử dụng nó chống lại nhiễm HPV, một nguyên nhân chính gây ung thư tử cung. Những người bổ sung chế độ ăn uống của họ với lycopene phục hồi nhanh hơn khi nhiễm HPV so với những người có mức lycopene thấp.

Một điều thú vị cần lưu ý ở đây là các nghiên cứu này tập trung hầu như chỉ vào lượng lycopene trong chế độ ăn uống, thay vì bổ sung. Có một tác động đáng kể của sự kết hợp các chất dinh dưỡng trong thực phẩm có chứa lycopene mà không thể nhận được nhiều ở dạng bổ sung.

3. Giữ cho đôi mắt của bạn khỏe mạnh

Đó là món quà tiếp theo từ lycopene dành cho bạn. Lycopene giúp bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi sự mất cân bằng oxy hóa gây ra các bệnh thường gặp về mắt, làm cho nó trở thành một trong những loại vitamin mắt cần thiết để tiêu thụ. Trong thử nghiệm với sự phát triển đục thủy tinh thể của Khoa Dược tại Viện Khoa học Y khoa ở Ấn Độ, người ta phát hiện ra rằng lycopene có thể có khả năng ngăn ngừa hoặc trì hoãn đục thủy tinh thể trong phần lớn các trường hợp. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

Lycopene cũng có tác dụng rất lớn trên các quá trình hóa học dẫn đến thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người cao tuổi. Bằng cả hai tính chất chống oxy hóa và chống viêm, lycopene làm chậm lại hoặc ngăn ngừa một loạt các phản ứng trong các tế bào của mắt dẫn đến thoái hóa điểm vàng.

(Điểm vàng là một bộ phận nằm tại vùng trung tâm võng mạc ở phần sau nhãn cầu, là nơi tập trung nhiều tế bào thần kinh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu nhận hình ảnh, đảm nhận tới 90% thị lực. Điểm vàng giúp nhận biết màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh)

4. Làm giảm đau thần kinh

Bệnh lý thần kinh hay đau thần kinh, là một tình trạng đau phức tạp do tổn thương thần kinh thường kèm theo tổn thương mô mềm. Nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh thần kinh, từ chứng nghiện rượu đến cắt cụt chi cho bệnh tiểu đường. Đôi khi nó xuất hiện một cách tự phát, có nghĩa là không có nguyên nhân rõ ràng.

Có rất ít phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh đau thần kinh, mặc dù đối với một số trường hợp, điều trị các bệnh liên quan (như bệnh tiểu đường hoặc HIV / AIDS) có thể giúp giảm bớt cơn đau. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ chỉ đơn giản là khuyến cáo dùng thuốc chống viêm không kê đơn để điều trị cơn đau và hiếm khi cơn đau đáp ứng với những loại thuốc này hoặc các kỹ thuật giảm đau truyền thống khác.

Lycopene được thử nghiệm chống lại bệnh đau thần kinh do tiểu đường, nó thể hiện khả năng giảm đau và giảm khối lượng cơ thể của các đối tượng trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí châu Âu về đau. Nghiên cứu này chỉ ra rằng việc tăng cường chế độ ăn uống lycopene có tiềm năng mạnh mẽ để giúp làm giảm bớt những cơn đau thần kinh mãn tính.

5. Hỗ trợ não bộ

Lycopene cũng có những lợi ích quan trọng đối với thần kinh. Ví dụ, điều trị bằng lycopene đã được chứng minh có thể trì hoãn sự khởi phát và tiến triển của bệnh Alzheimer bằng cách điều chỉnh hủy hoại tế bào và bảo vệ các tế bào khỏe mạnh. Ở những bệnh nhân đã phát triển tình trạng suy nhược này, lycopene chống lại tổn thương tế bào trong tương lai và hủy hoại tế bào trong não bằng cách tương tác với các ty thể cụ thể, ngăn ngừa quá trình suy thoái tiếp theo của não. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

Phytonutrient này cũng thể hiện các đặc tính phòng chống co giật động kinh. Điều này rất quan trọng, vì co giật làm hạn chế oxy đến não và có khả năng gây tổn thương não vĩnh viễn nếu chúng kéo dài quá lâu. Trong một nghiên cứu năm 2016, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nó không chỉ có thể ngăn ngừa một số cơn co giật trong tương lai, mà nó còn giúp sửa chữa sự phá hủy thần kinh trong não do các cơn động kinh trong quá khứ.

6. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Nó là một trong những chất dinh dưỡng được khuyến cáo để giảm mức huyết áp cao. Nó ngăn ngừa một số bệnh tim mạch, chẳng hạn như bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim (giảm lưu lượng máu đến tim gây ra bởi tắc nghẽn động mạch) và xơ vữa động mạch. Trong các nghiên cứu liên quan đến bệnh mạch vành, chất dinh dưỡng trong cà chua được cho là yếu tố quyết định trong phòng ngừa bệnh mạch vành.

Nhìn chung, mức độ lycopene cao trong máu có liên quan với tỷ lệ tử vong thấp hơn ở những người có hội chứng chuyển hóa, một sự kết hợp của các rối loạn dẫn đến bệnh tim. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

7. Giúp xương chắc khỏe

Vitamin K và canxi không phải là thứ duy nhất giữ cho xương chắc khỏe. Lycopene cũng giúp giảm mất cân bằng oxy hóa trong xương gây ra cấu trúc xương giòn và yếu. Nó làm chậm quá trình apoptosis (chết tế bào theo lập trình) làm cho xương bị suy yếu và củng cố cấu trúc tế bào của xương, giữ cho chúng chắc khỏe. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

Sự hấp thụ lycopene

Khi được hấp thụ trong ruột non, lycopen được nhiều loại lipoprotein vận chuyển tới máu và tích lũy chủ yếu trong máu, mô béo, da, gan và tuyến thượng thận, nhưng nó có thể được tìm thấy trong phần lớn các loại mô.

Sau khi được tiêu hóa, lycopen được nhập vào các mixen (vi nang) lipid trong ruột non. Các mixen này được tạo thành từ các chất béo dinh dưỡng và các axit mật, giúp hòa tan lycopen không ưa nước để nó thẩm thấu vào các tế bào niêm mạc ruột bằng cơ chế vận chuyển thụ động. Người ta vẫn chưa hiểu biết nhiều về trao đổi chất của lycopen trong gan, nhưng giống như các carotenoid khác, lycopen nhập vào các chylomicron và được đưa vào hệ bạch huyết. Trong huyết tương, lycopen cuối cùng được phân bố thành các phần lipoprotein mật độ rất thấp và thấp. Lycopene chủ yếu phân bố trong các mô béo và các nội quan như tuyến thượng thận, gan, tuyến tiền liệt và tinh hoàn.

Một nghiên cứu về sự hấp thụ chất dinh dưỡng này của các nhà khoa học tại Đại học bang Ohio cũng phát hiện ra rằng không phải tất cả các phân tử lycopene đều được tạo ra như nhau. Trong trạng thái ban đầu, nó có sự hình thành tuyến tính phân tử (theo đường thẳng). Tuy nhiên, khi kiểm tra mức độ trong máu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các phân tử lycopene trong máu gần như tất cả đều bị “cong”.

Có hai khả năng cho việc này. Một là cơ thể có thể có một phương pháp không rõ để chuyển đổi các phân tử lycopene từ tuyến tính sang cong. Khả năng nhiều là cơ thể thích hấp thu các phân tử cong và loại bỏ hầu hết các phân tử tuyến tính.

Làm thế nào để uốn cong một phân tử lycopene? Đó là một quá trình phức tạp, nhưng mình muốn cho bạn biết làm thế nào nó hoạt động. Đó chính là … nhiệt.

Sử dụng nhiệt trong khi nấu với các loại thực phẩm giàu lycopene làm cho các phân tử của chúng bị uốn cong và do đó nó được hấp thụ hiệu quả hơn vào cơ thể của bạn. Không giống như các loại phytonutrients khác, carotenoids như lycopene không bị suy giảm khả năng chống oxy hóa khi ở trong nhiệt độ cao. Như vậy, nấu chín cà chua tốt hơn là ăn sống đúng không nào?

Hãy nhớ rằng, chất béo là một phần cần thiết khác trong quá trình cơ thể của bạn để hấp thu lycopene. Một trong những cách tốt nhất để có được nhiều phân tử lycopene ở hình dạng dễ hấp thu là làm nước sốt cà chua bằng dầu.

Thật không may, quá trình tạo ra một nước sốt cà chua ở nhà không giống như nước sốt bạn mua tại cửa hàng. Nghiên cứu tương tự cũng tìm thấy các phân tử trong nước sốt cà chua mua ở cửa hàng chứa dạng phân tử lycopene ban đầu tức là dang tuyến tính.

Do ngày càng có nhiều loại thực phẩm biến đổi gen, mình khuyên bạn nên mua sản phẩm hữu cơ từ những nguồn tin tưởng. Nếu không, bạn không thể đảm bảo sự hấp thụ các chất dinh dưỡng thực vật với số lượng phù hợp.

Thực phẩm giàu Lycopene nhất

Giống như các carotenoids khác, lycopene là một chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo, có nghĩa là nó hấp thu tốt hơn khi tiêu thụ cùng với chất béo như bơ, dầu ô liu hoặc các loại hạt. Thức ăn có nồng độ lycopene cao nhất là cà chua, mặc dù nó có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm thực vật khác.

Mặc dù hầu hết các nghiên cứu tập trung vào hàm lượng lycopene cao trong dinh dưỡng cà chua, có một số loại thực phẩm có hàm lượng lycopene cao mà bạn có thể đưa vào chế độ ăn hàng ngày của mình:

  • Gấc
  • Cà chua
  • Dưa hấu
  • Bưởi
  • Ổi
  • Đu đủ
  • Măng tây
  • Bắp cải đỏ
  • Trái xoài
  • Cà rốt

1 loại quả chứa lycopene tuyệt vời mà có nhiều ở Việt Nam, đó chính là quả gấc. Gấc có hàm lượng lycopene cao nhất trong số các loài rau quả. Hàm lượng lycopene trong thịt gấc là 2.227 mg/1g gấc tươi. Hàm lượng lycopene trong gấc cao hơn cà chua tới 70 lần. Ngoài ra, gấc còn chứa nhiều beta-carotene và nhiều vitamin thiết yếu như A, E và các chất chống oxy hóa, giúp tái tạo tế bào da mới, ngăn ngừa quá trình hình thành và phát triển của các tế bào melanin.

Bạn có thể làm món xôi gấc hoặc sinh tố gấc để thu được lycopene ở dạng tốt nhất. Ngoài ra bạn có thể làm mặt nạ gấc đơn giản tại nhà bằng cách: Lấy hỗn hợp gấc đã xay nhuyễn rồi trộn với 1 muỗng mật ong và 1 muỗng sữa chua. Trộn đều, đắp lên mặt và rửa sạch sau 15 phút. Thực hiện 2 lần/1 tuần, làn da bạn sẽ căng mịn một cách tự nhiên.

Tác dụng phụ của lycopene

Có những trường hợp hiếm gặp về sự đổi màu da được gọi là “lycopenodermia” ở một số ít người tiêu thụ quá nhiều cà chua. Đây là một phản ứng không độc và được chữa khỏi trong vài tuần với chế độ ăn không chứa lycopene. Ngoài ra còn có một số tác dụng phụ được báo cáo khi tiêu thụ lycopene mức độ cao bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, chướng bụng, nôn mửa và chán ăn.

Nghiên cứu từ Mayo Clinic cũng cho thấy chất chống oxy hóa này có thể phản ứng bất lợi với một số thuốc và một số chất, bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc hạ huyết áp, chất liên kết với acid mật, chất có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chất ảnh hưởng đến hệ thần kinh, chất có thể điều trị rối loạn phổi, chất điều trị rối loạn dạ dày, rượu (ethanol), androgen, thuốc chống ung thư, thuốc chống viêm, asen, giảm cholesterol máu, creatine, chất ức chế HMG-CoA reductase (statin), nicotin và probucol.

Ngoài ra, những tương tác này thường liên quan đến việc dùng nó ở dạng bổ sung, thay vì qua chế độ ăn uống. Nếu bạn chỉ cung cấp lycopene qua thực phẩm, đây không phải là điều bạn đáng lo ngại.

Trong trường hợp bạn muốn dùng liều cao, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng

Đôi điều về lycopene mà bạn nên nhớ

  • Lycopene là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể bảo vệ và sửa chữa cơ thể khỏi những tổn thương do nhiều bệnh gây ra.
  • Các tác dụng của lycopene đối với sức khỏe là: Giúp xương chắc khỏe, cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ não bộ, làm giảm đau thần kinh, giữ cho đôi mắt khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa ung thư và là một chất chống oxy hóa tuyệt vời.
  • Bạn có thể nhận được rất nhiều lycopene trong chế độ ăn uống bằng cách tiêu thụ gấc, cà chua, dưa hấu, cà rốt, măng tây, ổi, đu đủ, xoài…
  • Một trong những cách tốt nhất để đảm bảo cơ thể hấp thụ hàm lượng lycopene cao là thêm nhiệt và chất béo lành mạnh vào cà chua, chẳng hạn như làm nước sốt cà chua cho mì ống. Sự thay đổi trong các phân tử lycopene (từ tuyến tính đến cong) thường không được tìm thấy trong nước sốt mì ống được sản xuất đóng hộp sẵn.
  • Tốt nhất là sử dụng các loại thực phẩm lycopene. Bổ sung lycopene qua chất bổ sung có nhiều khả năng gây ra tương tác thuốc tiêu cực và không mang lại kết quả tương tự như lycopene trong chế độ ăn uống.

Cuối cùng, đừng quên “eat-the-rainbow” để có một sức khỏe trọn vẹn nhé!

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment