Chưa được phân loại

Bệnh vảy nến là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

“Nhất dáng nhì da”, các vấn đề về da luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Các vấn đề này gây ảnh thưởng rất trầm trọng đến sức khỏe và thẩm mỹ của người bệnh trong đó có bệnh vẩy nến. Đây là bệnh về da phổ biến, các tế bào da thừa hình thành vảy và các mảng đỏ gây ngứa và đôi khi gây đau, mất thẩm mỹ. Bệnh khác nhau ở từng người về mức độ nghiêm trọng và cách điều trị. Một số người thỉnh thoảng mới phát các triệu chứng bệnh vảy nến, một số khác xuất hiện triệu chứng ở da liên tục.

Dưới đây là những thông tin về bệnh vảy nến hy vọng qua đó bạn sẽ hiểu hơn về căn bệnh mình đang mắc phải.

Xem thêm: Nhiễm trùng da: Tất cả những điều bạn cần biết

Tổng quan

bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là một bệnh về da phổ biến, làm tăng tốc độ tái tạo của tế bào da. Chúng tích tụ nhanh chóng trên bề mặt da. Các tế bào da thừa hình thành vảy và các mảng đỏ gây ngứa và đôi khi gây đau.

Bệnh vảy nến là một bệnh mãn tính thường gặp và hay tái phát. Mục tiêu chính của điều trị là ngăn chặn các tế bào da phát triển quá nhanh.

Không có cách chữa bệnh vẩy nến hoàn toàn, tuy nhiên các biện pháp điều trị có thể kiểm soát các triệu chứng. Những biện pháp điều trị hữu ích chẳng hạn như giữ ẩm, bỏ hút thuốc và kiểm soát căng thẳng.

Triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh vẩy nến khác nhau trên mỗi người bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Các mảng da màu đỏ dày, vảy màu trắng bạc
  • Các vết lốm đốm nhỏ (thường gặp ở trẻ em)
  • Da khô, nứt nẻ có thể chảy máu
  • Ngứa, rát hoặc đau nhức
  • Móng tay dày, rỗ hoặc rách
  • Sưng và cứng khớp

Các mảng vẩy nến có thể bắt đầu từ một mảng vảy giống như gàu đến các mảng lớn bao phủ các khu vực rộng.

Hầu hết các loại bệnh vẩy nến đều trải qua các chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng, sau đó giảm dần trong một thời gian hoặc thậm chí sẽ thuyên giảm hoàn toàn.

Các loại vảy nến

Có một số loại bệnh vảy nến. Bao gồm:

  • Bệnh vẩy nến thể mảng: là thể phổ biến nhất, bệnh vẩy nến thể mảng gây ra các tổn thương như da khô, nổi, đỏ (mảng) được phủ vảy màu bạc. Các mảng bám có thể ít hoặc nhiều gây ngứa, đau. Bệnh có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên cơ thể bạn bao gồm cả bộ phận sinh dục và niêm mạc bên trong miệng.
  • Bệnh vẩy nến móng: Bệnh vẩy nến có thể ảnh hưởng đến móng tay và móng chân, gây rỗ, móng phát triển bất thường và đổi màu. Vảy nến móng có thể làm móng long ra và bong móng (onycholysis). Trường hợp nghiêm trọng có thể làm cho mất móng.
  • bệnh vẩy nến thể chấm giọt. Thể này thường gặp ở người trẻ tuổi và trẻ em. Bệnh liên quan tới nhiễm vi khuẩn như viêm họng do liên cầu. Tổn thương là các chấm nhỏ, hình giọt nước, đóng vảy trên thân, cánh tay, chân và da đầu.

Các tổn thương được bao phủ bởi lớp vảy mịn và không dày như các mảng thông thường. Bệnh có thể tự khỏi hoặc tái phát

  • Bệnh vẩy nến đảo ngược: là vảy nến xuất hiện ở vùng nếp kẽ nách, ở háng, nếp kẽ vú và xung quanh bộ phận sinh dục. Bệnh vẩy nến ngược gây ra các mảng da đỏ, đau và nặng hơn khi có sự ma sát và đổ mồ hôi. Nấm có thể là nguyên nhân gây ra loại vẩy nến này.
  • Bệnh vẩy nến mụn mủ: không phổ biến và có thể xuất hiện các mảng rộng (bệnh vẩy nến mụn mủ toàn thân) hoặc ở các mảng nhỏ hơn trên bàn tay, bàn chân hoặc đầu ngón tay.

Bệnh thường phát triển nhanh chóng, sau khi da đỏ lên thì các mụn nước có mủ xuất hiện chỉ vài giờ sau đó. Các mụn nước có thể tiến triển rất dai dẳng. Bệnh vẩy nến mụn mủ toàn thân cũng có thể gây sốt, lạnh, ngứa và tiêu chảy.

  • Bệnh vẩy nến da đỏ toàn thân: Thể này ít gặp, da toàn thân đỏ, bong tróc có thể ngứa dữ dội hoặc bỏng rát.
  • Bệnh vảy nến thể khớp: ngoài viêm, da có vảy, vẩy nến thể khớp gây ra sưng, đau khớp là những triệu chứng điển hình của viêm khớp. Đôi khi các triệu chứng khớp là biểu hiện đầu tiên hoặc duy nhất của bệnh vẩy nếnthể khớp hoặc đôi khi chỉ nhìn thấy những thay đổi của móng. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng và vẩy nến thể khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào. Mặc dù căn bệnh này thường không làm biến dạng khớp như các dạng viêm khớp khác, nhưng nó có thể gây ra cứng khớp và tổn thương khớp, trường hợp nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến biến dạng vĩnh viễn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nghi ngờ bị bệnh vẩy nến, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Ngoài ra, nói chuyện với bác sĩ nếu có các dấu hiệu:

  • Bạn khó chịu và đau đớn
  • Làm cho việc thực hiện các hoạt động trở nên khó khăn
  • Sự xuất hiện của các mảng vảy nến làm bạn lo lắng
  • Xuất hiện các vấn đề về khớp, chẳng hạn như đau, sưng hoặc không thể thực hiện các công việc hàng ngày

Tìm gặp bác sĩ nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn hoặc không cải thiện khi điều trị. Bạn có thể cần một loại thuốc khác hoặc kết hợp các phương pháp điều trị để kiểm soát bệnh vẩy nến.

Nguyên nhân

Hiện nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh vảy nến, nhưng vảy nến có thể liên quan đến cơ chế tự miễn dịch của cơ thể với các tế bào lympho T và các tế bào bạch cầu khác, được gọi là bạch cầu trung tính, trong cơ thể bạn. Các tế bào T thường giúp cơ thể chống lại các thực thể lạ, chẳng hạn như virus hoặc vi khuẩn.

Nhưng khi bị bệnh vẩy nến, các tế bào T do nhầm lẫn nên đã tấn công các tế bào khỏe mạnh để chữa lành các vết thương hoặc chống nhiễm trùng

Các tế bào T hoạt động quá mức cũng làmtăng tốc độ tái tạo da, nhiều tế bào T và các tế bào bạch cầu khác, đặc biệt là bạch cầu trung tính. Chúng làm da bị đỏ và đôi khi có mủ trong thể vảy nến mụn mủ. Trong các vùng bị tổn thương của bệnh vẩy nến thì các mạch máu bị giãn ra làm cho da bị nóng rát và ban đỏ

Chu kỳ hình thành các tế bào da ở phía ngoài quá nhanh chỉ trong vài ngày thay vì vài tuần. Các tế bào da tích tụ thành những mảng dày, có vảy trên bề mặt, liên tục đóng vảy cho đến khi điều trị dừng chu kỳ.

Nguyên nhân khiến các tế bào T hoạt động bị nhầm lẫn ở những người bị bệnh vẩy nến thì không hoàn toàn rõ ràng. Các nhà nghiên cứu tin rằng cả yếu tố di truyền và môi trường cũng đóng một vai trò gây ra bệnh.

Hậu quả của bệnh vảy nến

Cần xác định và tránh một số các tác nhân gây ra bệnh vẩy nến hoặc làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Các yếu tố có thể gây ra bệnh vẩy nến bao gồm:

  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng da
  • Các tổn thương trên da, chẳng hạn như vết cắt hoặc vết trầy xước, vết cắn của côn trùng hoặc bị cháy nắng nghiêm trọng
  • Căng thẳng
  • Hút thuốc
  • Uống quá nhiều rượu
  • Thiếu vitamin D
  • Một số loại thuốc – bao gồm lithium được chỉ định cho bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực, thuốc chẹn beta được sử dụng trong điều trị cao huyết áp, thuốc chống sốt rét và iốt

Các yếu tố nguy cơ

Bệnh vảy nến có thể phát triển ở tất cả mọi người, nhưng những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh:

  • Yếu tố di truyền: Đây là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Gia đình có bố hoặc mẹ bị bệnh vẩy nến sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh và nếu cả hai bố mẹ đều bị bệnh vẩy nến sẽ làm tăng nguy cơ cao hơn nữa.
  • Nhiễm virus và vi khuẩn: Những người nhiễm HIV có khả năng cao mắc bệnh vẩy nến hơn những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Trẻ em và những người trẻ tuổi bị nhiễm trùng tái phát có thể có nguy cơ cao đặc biệt là viêm họng do liên cầu khuẩn
  • Căng thẳng: Bởi vì căng thẳng có thể tác động đến hệ thống miễn dịch của bạn, mức độ căng thẳng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến.
  • Béo phì: Cân nặng quá mức làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến. Các tổn thương (mảng vảy) ở tất cả các thể bệnh vẩy nến thường phát triển ở các nếp nhăn da và nếp kẽ.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến mà còn có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hút thuốc cũng có thể đóng một vai trò trong sự phát triển khởi phát của bệnh.

Biến chứng

Nếu bạn bị bệnh vảy nến, bạn có nguy cơ mắc một số bệnh nhất định. Bao gồm các bệnh sau:

  • Bệnh vảy nến thể khớp: Biến chứng này của bệnh vẩy nến có thể gây tổn thương khớp và mất chức năng ở một số khớp, có thể gây yếu khớp.
  • Tình trạng mắt: Một số rối loạn mắt phổ biến hay gặp ở người bị bệnh vẩy nến như viêm kết mạc, viêm bờ mi và viêm màng bồ đào.
  • Béo phì: Những người mắc bệnh vẩy nến, đặc biệt là những người mắc bệnh nặng hơn có khả năng cao bị béo phì. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên kết này. Tình trạng viêm cũng liên quan đến béo phì, có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh vẩy nến. Hoặc có thể là những người bị bệnh vẩy nến có nhiều khả năng tăng cân, có thể là do họ ít hoạt động hơn vì tình trạng bệnh vẩy nến của họ.
  • Bệnh tiểu đường loại 2. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng ở những người bị bệnh vẩy nến. Bệnh vẩy nến càng nghiêm trọng, khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 càng cao.
  • Cao huyết áp: Tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn đối với những người bị bệnh vẩy nến.
  • Bệnh tim mạch: Đối với những người bị bệnh vẩy nến, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi so với những người không mắc bệnh. Bệnh vẩy nến và một số phương pháp điều trị cũng làm tăng nguy cơ nhịp tim không đều, đột quỵ, cholesterol cao và xơ vữa động mạch.
  • Hội chứng chuyển hóa. Nhóm hội chứng này bao gồm cao huyết áp, nồng độ insulin tăng và nồng độ cholesterol bất thường – làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Các bệnh tự miễn khác: Bệnh celiac (không dung nạp gluten), xơ cứng và bệnh viêm loét đại tràng còn gọi là bệnh Crohn có nhiều khả năng tấn công những người mắc bệnh vẩy nến.
  • Bệnh Parkinson: Tình trạng thần kinh mãn tính này có nhiều khả năng xảy ra ở những người bị bệnh vẩy nến.
  • Bệnh thận: Bệnh vẩy nến từ trung bình đến nặng có liên quan cao đến nguy cơ mắc bệnh thận.
  • Vấn đề về cảm xúc: Bệnh vẩy nến cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bệnh vẩy nến làm cho người bệnh tự ti và trầm cảm. Cũng có thể làm cho người bệnh sống khép kín với mọi người.

Chẩn đoán

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh vẩy nến được chẩn đoán khá đơn giản.

  • Khám sức khỏe và hồ sơ y tế: Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bệnh vẩy nến bằng cách lấy tiền sử bệnh và kiểm tra da, da đầu và móng tay của bạn.
  • Sinh thiết da: trong trường hợp không rõ ràng, bác sĩ có thể lấy một mẫu da nhỏ (sinh thiết). Đầu tiên sẽ được tiêm thuốc gây tê cục bộ sau đó mẫu da được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định chính xác loại bệnh vẩy nến và loại trừ các rối loạn khác.

Điều trị

Điều trị bệnh vảy nến có tác dụng giảm viêm và làm sạch da. Phương pháp điều trị có thể được chia thành ba loại chính: điều trị tại chỗ, liệu pháp ánh sáng và điều trị toàn thân.

Điều trị tại chỗ

Sử dụng kem và thuốc mỡ thích hợp cho da có thể điều trị hiệu quả bệnh vẩy nến thể nhẹ và trung bình. Khi bệnh nặng hơn, ngoài bôi kem có khả năng được kết hợp với thuốc uống hoặc liệu pháp ánh sáng. Điều trị bệnh vẩy nến tại chỗ bao gồm:

Corticosteroid tại chỗ

Những loại thuốc này thường hay được chỉ định nhất để điều trị bệnh vẩy nến thể nhẹ và trung bình. Có tác dụng giảm viêm và giảm ngứa và có thể được sử dụng với các phương pháp điều trị khác.

Thuốc mỡ corticosteroid nhẹ thường được khuyên dùng cho các khu vực nhạy cảm, chẳng hạn như khuôn mặt hoặc nếp gấp da và để điều trị các mảng da bị tổn thương lan rộng.

Bác sĩ có thể chỉ định thuốc mỡ corticosteroid mạnh hơn cho các khu vực nhỏ, ít nhạy cảm hoặc khó điều trị hơn.

Sử dụng lâu dài hoặc lạm dụng corticosteroid mạnh có thể gây mỏng da. Corticosteroid tại chỗ không sử dụng trong thời gian dài. Thông thường tốt nhất là sử dụng corticosteroid tại chỗ như một phương pháp điều trị ngắn hạn trong thời gian bùng phát.

Các chất tương tự vitamin D

Những dạng tổng hợp của vitamin D làm chậm sự phát triển tế bào da. Calcipotriene (Dovonex) là một loại kem hoặc dung dịch được kê đơn có chứa chất tương tự vitamin D điều trị bệnh vẩy nến thể nhẹ và trung bình cùng với các phương pháp điều trị khác. Calcipotriene có thể gây kích ứng da. Calcitriol (Vectical) đắt hơn nhưng có thể hiệu quả tương đương và có thể ít gây kích ứng hơn calcipotriene.

Anthralin

Thuốc này giúp làm chậm sự phát triển của tế bào da. Anthralin (Dritho-Scalp) cũng giúp loại bỏ vảy và làm cho làn da mịn màng hơn. Nhưng anthralin có thể gây kích ứng da, và làm chuyển màu hầu hết mọi nơi thuốc chạm vào. Thuốc thường được áp dụng trong một thời gian ngắn và sau đó rửa sạch.

Retinoids tại chỗ

Đây là những dẫn xuất vitamin A có tác dụng giảm viêm. Tác dụng phụ phổ biến nhất là kích ứng da. Những loại thuốc này cũng có thể làm tăng độ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, vì vậy trong khi sử dụng thuốc hãy thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài trời.

Nguy cơ dị tật bẩm sinh thấp hơn nhiều ở retinoids tại chỗ so với retinoids uống. Nhưng tazarotene (Tazorac, Avage) không được khuyến nghị khi mang thai hoặc cho con bú hoặc nếu có ý định mang thai.

Thuốc ức chế calcineurin

Thuốc ức chế calcineurin – tacrolimus (Prograf) và pimecrolimus (Elidel) – giảm viêm và tích tụ mảng bám.

Thuốc ức chế calcineurin không được khuyến cáo sử dụng lâu dài hoặc liên tục vì làm tăng nguy cơ ung thư da và ung thư hạch. Thuốc có thể đặc biệt hữu ích ở những vùng da mỏng, như quanh mắt, nơi kem steroid hoặc retinoids quá kích ứng hoặc có thể gây ra tác dụng có hại.

Axit salicylic

Có thể cần kê đơn hoặc không, axit salicylic thúc đẩy sự bong tróc của các tế bào da chết và làm giảm vảy. Đôi khi, nó được kết hợp với các loại thuốc khác, chẳng hạn như corticosteroid tại chỗ hoặc kem coal tar (một loại than đá) để tăng giúp hiệu quả. Salicylic acid có sẵn trong dầu gội thuốc và thuốc nước da đầu để điều trị bệnh vẩy nến da đầu.

Kem coal tar

Có nguồn gốc từ than đá, nhựa than làm giảm vảy, ngứa và viêm. Kem coal tar có thể gây kích ứng da. Nó cũng rất bẩn, có thể làm bẩn quần áo và khăn trải giường, và có mùi nồng nặc.

Kem coal tar có sẵn trong dầu gội và kem bôi không cần kê đơn. Loại này có nồng độ cao hơn loại phải kê đơn. phụ nữ mang thai hoặc cho con bú không nên áp dụng phương pháp điều trị này.

Kem dưỡng ẩm

Kem dưỡng ẩm sẽ không chữa lành bệnh vẩy nến, nhưng chúng có thể làm giảm ngứa, đóng vảy và khô. Kem dưỡng ẩm dưới dạng thuốc mỡ thường có hiệu quả hơn so với các loại kem dưỡng trắng hay lotion. Sử dụng ngay sau khi tắm để giữ ẩm.

Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu)

Điều trị này sử dụng ánh sáng cực tím tự nhiên hoặc nhân tạo. Tắm nắng dưới ánh sáng mặt trời tự nhiên được kiểm soát là liệu pháp ánh sáng dễ và đơn giản nhất.

Các hình thức trị liệu bằng ánh sáng khác bao gồm sử dụng tia cực tím nhân tạo A (UVA) hoặc tia cực tím B (UVB), riêng lẻ hoặc kết hợp với thuốc.

Ánh sáng mặt trời

Tiếp xúc với tia cực tím (UV) trong ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng nhân tạo làm chậm quá trình thay đổi tế bào da và làm giảm vảy và viêm. Tóm lại, tiếp xúc hàng ngày với một lượng nhỏ ánh sáng mặt trời có thể cải thiện bệnh vẩy nến, nhưng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mạnh có thể làm nặng thêm các triệu chứng và gây tổn thương da. Trước khi bắt đầu một chế độ ánh sáng mặt trời, hãy hỏi bác sĩ về cách an toàn nhất để sử dụng ánh sáng mặt trời tự nhiên để điều trị bệnh vẩy nến.

Quang trị liệu UVB

Liều lượng ánh sáng UVB được kiểm soát từ nguồn sáng nhân tạo có thể cải thiện các triệu chứng bệnh vẩy nến thể nhẹ và trung bình. Quang trị liệu UVB, còn được gọi là UVB dải sóng rộng, có thể được sử dụng để điều trị các mảng đơn, bệnh vẩy nến lan rộng và bệnh vẩy nến kháng lại các phương pháp điều trị tại chỗ. Tác dụng phụ ngắn hạn có thể bao gồm đỏ, ngứa và khô da. Sử dụng kem dưỡng ẩm có thể giúp giảm các tác dụng phụ này.

Quang trị liệu UVB dải sóng hẹp

Là phương pháp điều trị bệnh vẩy nến mới, có thể hiệu quả tốt hơn so với điều trị bằng UVB dải sóng rộng. Thường được điều trị từ hai hoặc ba lần một tuần cho đến khi da được cải thiện và sau đó duy trì điều trị một lần một tuần. Tuy nhiên, phương pháp trị liệu bằng tia UVB dải sóng hẹp có thể gây nóng rát hơn và kéo dài hơn.

Liệu pháp Goeckerman

Một số bác sĩ kết hợp điều trị UVB và kem Coal tar được gọi là điều trị Goeckerman. Hai liệu pháp kết hợp với nhau có hiệu quả hơn điều trị riêng lẻ vì nhựa than làm cho da dễ tiếp xúc với tia UVB hơn.

Psoralen kết hợp với tia cực tím A (PUVA)

Hình thức quang trị liệu này bao gồm dùng thuốc nhạy cảm với ánh sáng (psoralen) trước khi tiếp xúc với ánh sáng UVA. Ánh sáng UVA thâm nhập sâu vào da hơn ánh sáng UVB, và psoralen làm cho da đáp ứng tốt hơn với ánh sáng UVA.

Phương pháp điều trị tích cực này giúp cải thiện làn da và thường được sử dụng cho các trường hợp bệnh vẩy nến nặng. Tác dụng phụ ngắn hạn bao gồm buồn nôn, nhức đầu, nóng rát và ngứa. Tác dụng phụ lâu dài bao gồm da khô và nhăn, tàn nhang, tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và tăng nguy cơ ung thư da, bao gồm cả khối u ác tính.

Laser Excimer

Đây là phương pháp điều trị bằng ánh sáng được sử dụng cho bệnh vẩy nến thể nhẹ và trung bình, chỉ điều trị vùng da bị bệnh mà không gây hại cho làn da khỏe mạnh. Một chùm tia UVB có kiểm soát được chiếu trực tiếp vào các mảng vẩy nến để kiểm soát các mảng vảy và viêm. Liệu pháp laser Excimer điều trị ít hơn so với liệu pháp quang học truyền thống vì sử dụng ánh sáng UVB mạnh hơn. Tác dụng phụ có thể gây đỏ và phồng rộp.

Thuốc uống hoặc thuốc tiêm

Nếu bệnh vẩy nến nặng hoặc kháng lại với các loại điều trị khác, bác sĩ có thể chỉ định thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Điều này được gọi là điều trị toàn thân. Do tác dụng phụ nghiêm trọng, các loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và có thể được xen kẽ với các hình thức điều trị khác.

Retinoids

Liên quan đến vitamin A, nhóm thuốc này có thể giúp ích nếu bệnh vẩy nến nặng mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Tác dụng phụ có thể gây viêm môi và rụng tóc. Retinoids như acitretin (Soriatane) có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nên phụ nữ sau khi dùng thuốc phải tránh mang thai ít nhất ba năm

Methotrexate

Thuốc uống, methotrexate (Rheumatrex) giúp giảm sản xuất các tế bào da và ngăn chặn viêm. Thuốc cũng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh vẩy nến thể khớp ở một số người. Methotrexate thường được đáp ứng tốt ở liều thấp nhưng có thể làm dạ dày khó chịu, không ngon miệng và mệt mỏi. Khi được sử dụng trong thời gian dài, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm tổn thương gan và giảm sản xuất các hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Cyclosporine

Cyclosporine (Gengraf, Neoral) ức chế hệ thống miễn dịch và hiệu quả tương tự như methotrexate nhưng chỉ có thể điều trị trong thời gian ngắn. Giống như các thuốc ức chế miễn dịch khác, cyclosporine làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả ung thư. Cyclosporine cũng gây ra các vấn đề về thận và huyết áp cao – nguy cơ tăng lên khi dùng liều cao hơn và điều trị lâu dài.

Thuốc làm thay đổi hệ thống miễn dịch (sinh học)

Một số thuốc trong nhóm này được cho phép để điều trị bệnh vẩy nến từ trung bình đến nặng. Chúng bao gồm etanercept (Enbrel), Infliximab (Remicade), adalimumab (Humira), ustekinumab (Stelara), golimumab (Simponi), apremilast (Otezla), secukinumab (Cosy). Hầu hết các loại thuốc này sử dụng bằng cách tiêm (apremilast là uống) và thường được sử dụng cho những người không đáp ứng với cách điều trị truyền thống hoặc những người bị vẩy nến thể khớp. Thuốc sinh học phải được sử dụng một cách thận trọng vì chúng có tác động mạnh đến hệ thống miễn dịch và có thể tạo nhiễm trùng làm tử vong. Đặc biệt, những người thực hiện các phương pháp điều trị này phải được sàng lọc bệnh lao.

Các loại thuốc khác

Thioguanine (Tabloid) và hydroxyurea (Droxia, Hydrea) là những loại thuốc có thể được sử dụng khi các loại thuốc khác không thể được sử dụng

Lưu ý khi điều trị

Mặc dù các bác sĩ chọn phương pháp điều trị dựa trên phân loại, mức độ nghiêm trọng của bệnh và các vùng da bị ảnh hưởng,thông thường là bắt đầu với các phương pháp điều trị nhẹ nhất – kem bôi tại chỗ và liệu pháp tia cực tím (liệu pháp ánh sáng) – ở những vùng da bị tổn thương điển hình và sau đó điều trị tới những vùng da khỏe hơn khi cần thiết. Bệnh nhân bị bệnh vẩy nến thể mủ hoặc ban đỏ toàn thân hoặc thể khớp thường phải điều trị toàn thân từ khi bắt đầu điều trị. Mục tiêu là tìm ra cách hiệu quả nhất để làm chậm quá trình di chuyển tế bào với ít tác dụng phụ nhất có thể.

Phương pháp điều trị trong tương lai

Có một số loại thuốc mới hiện đang được nghiên cứu có khả năng cải thiện điều trị bệnh vẩy nến. Những phương pháp điều trị này hướng đến các protein khác nhau hoạt động với hệ thống miễn dịch.

Điều trị thay thế

Một số phương pháp điều trị thay thế được cho là để giảm bớt các triệu chứng của bệnh vẩy nến, bao gồm chế độ ăn uống đặc biệt, thoa kem, bổ sung dinh dưỡng và thảo dược. Chưa có chứng minh chắc chắn về hiệu quả của chúng. Nhưng một số phương pháp điều trị thay thế được coi là an toàn và chúng có thể hữu ích cho một số người trong việc giảm các dấu hiệu và triệu chứng, chẳng hạn như ngứa và đóng vảy. Những phương pháp điều trị này sẽ thích hợp nhất cho những người mắc bệnh nhẹ, mảng bám và không dùng cho những người bị mụn mủ, ban đỏ toàn thân hoặc viêm khớp.

  • Lô hội: Lấy từ lá của cây lô hội, kem chiết xuất lô hội có thể làm giảm mẩn đỏ, đóng vảy, ngứa và viêm. Có thể sử dụng kem nhiều lần trong ngày, trong một tháng hoặc nhiều hơn và thấy da được cải thiện rõ rệt
  • Dầu cá: Axit béo omega-3 có trong chất bổ sung dầu cá có thể làm giảm viêm liên quan đến bệnh vẩy nến, mặc dù kết quả từ các nghiên cứu chưa cụ thể. Uống 3 gram dầu cá hoặc ít hơn hàng ngày thường được coi là an toàn và có thể thấy hiệu quả cao.
  • Nho Oregon: Còn được biết đến là cây hoàng liên gai, các tác dụng tại chỗ của nho Oregon có thể làm giảm viêm và giảm các triệu chứng bệnh vẩy nến.

Nếu bạn đang xem xét bổ sung chế độ dinh dưỡng hoặc liệu pháp thay thế khác để giảm bớt các triệu chứng của bệnh vẩy nến, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn cân nhắc những ưu và nhược điểm của các liệu pháp thay thế cụ thể.

Xem thêm: Bệnh tưa miệng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Mặc dù các biện pháp tự điều trị sẽ không chữa được bệnh vẩy nến, nhưng chúng có thể giúp cải thiện vẻ ngoài và cảm giác của làn da bị tổn thương. Những biện pháp này có thể có lợi cho bạn:

  • Tắm thường xuyên: giúp loại bỏ vảy và làm dịu làn da bị viêm. Sử dụng thêm dầu tắm, bột yến mạch, muối Epsom hoặc muối biển vào nước và ngâm cơ thể. Tránh nước nóng và xà phòng mạnh có thể làm nặng thêm các triệu chứng; sử dụng nước ấm và xà phòng nhẹ có thêm dầu và chất béo. Ngâm khoảng 10 phút sau đó vỗ nhẹ nhàng cho da khô.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm: Sau khi tắm, thoa nhiều kem dưỡng ẩm trong khi da vẫn còn ẩm. Đối với da rất khô, các loại dầu có thể thích hợp hơn – chúng giữ ẩm tốt hơn các loại kem hoặc kem dưỡng da và có hiệu quả hơn trong việc ngăn nước bay hơi khỏi da. Trong thời tiết lạnh, khô, bạn có thể cần phải thoa kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày.
  • Tránh để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Một lượng ánh sáng mặt trời được kiểm soát có thể cải thiện bệnh vẩy nến, nhưng quá nhiều ánh nắng mặt trời có thể kích thích hoặc làm trầm trọng thêm bệnh và làm tăng nguy cơ ung thư da. Trước tiên hãy hỏi bác sĩ về cách tốt nhất để sử dụng ánh sáng mặt trời tự nhiên giúp điều trị da của bạn. Ghi lại thời gian của bạn dưới ánh mặt trời và bôi kem chống nắng để bảo vệ làn da không bị ảnh hưởng bởi bệnh vẩy nến với kem chống nắng.
  • Tránh các tác nhân gây bệnh vẩy nến: Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, làm xấu đi bệnh vẩy nến của bạn và thực hiện các bước để ngăn chặn hoặc tránh chúng. Nhiễm trùng, tổn thương da, căng thẳng, hút thuốc và phơi nắng với cường độ ánh sáng mạnh có thể làm bệnh vẩy nến trở nên tồi tệ hơn.
  • Tránh uống rượu. Tiêu thụ rượu có thể làm giảm hiệu quả của một số phương pháp điều trị bệnh vẩy nến. Nếu bạn bị bệnh vẩy nến, tránh uống rượu. Nếu bạn uống, hãy giảm bớt.

Đối phó và kiểm soát bệnh

Đối phó với bệnh vẩy nến có thể là một thách thức, đặc biệt là nếu bệnh bao phủ các khu vực lớn trên cơ thể bạn hoặc ở những nơi mà người khác dễ nhìn thấy, chẳng hạn như khuôn mặt hoặc bàn tay của bạn. Bệnh có tính chất liên tục, dai dẳng và những thách thức điều trị chỉ làm tăng thêm gánh nặng.

Dưới đây là một số cách giúp bạn đối phó và kiểm soát nhiều hơn:

Giáo dục: Tìm hiểu nhiều về bệnh và các phương pháp điều trị càng tốt. Nắm rõ các tác nhân gây ra bệnh có thể ngăn ngừa bệnh phát triển. Giáo dục những người xung quanh – bao gồm gia đình và bạn bè – để họ có thể nhận ra và hỗ trợ bạn trong việc đối phó với căn bệnh này.

Làm theo khuyến nghị của bác sĩ: Hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ nếu bác sĩ đưa ra một số cách điều trị và cách thay đổi lối sống. Hãy hỏi nếu có bất cứ điều gì không rõ.

Tìm nhóm hỗ trợ: Cân nhắc tham gia nhóm hỗ trợ với những người cùng bị bệnh và hiểu được những gì bạn đang trải qua. Bạn có thể tìm thấy sự thoải mái trong việc chia sẻ kinh nghiệm và những cố gắng chữa bệnh, gặp gỡ những người phải đối mặt với những khó khăn tương tự. Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thông tin về các nhóm hỗ trợ bệnh vẩy tại nơi bạn ở hoặc trực tuyến.

Sử dụng biện pháp che lại khi bạn cảm thấy cần thiết: Vào những ngày bạn cảm thấy tự ti, hãy che đi bệnh vẩy nến bằng quần áo hoặc sử dụng mỹ phẩm như trang điểm cơ thể hoặc che khuyết điểm. Những sản phẩm này có thể che dấu vết đỏ và mảng vẩy nến. Tuy nhiên, chúng có thể gây kích ứng da và không nên sử dụng cho vết thương hở, vết cắt hoặc vết thương chưa lành.

Chuẩn bị cho buổi khám bác sĩ

Trước tiên nên gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ đa khoa. Trong một số trường hợp, bạn có thể được giới thiệu trực tiếp đến một chuyên gia về bệnh ngoài da (bác sĩ da liễu).

Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn chuẩn bị cho buổi khám và để giải đáp những mong đợi từ bác sĩ:

Người bệnh nên làm

Lập danh sách sau đây:

  • Các triệu chứng bạn gặp phải, bao gồm bất kỳ triệu chứng không liên quan đến lý do đi khám Tất cả các loại thuốc, vitamin, thảo dược đang dùng bao gồm cả liều lượng
  • Câu hỏi để hỏi bác sĩ

Đối với bệnh vẩy nến, một số câu hỏi cơ bản bạn có thể hỏi bác sĩ bao gồm:

  • Các dấu hiệu và triệu chứng là gì?
  • Cần xét nghiệm để chẩn đoán không?
  • Những phương pháp điều trị bệnh hiện tại và tôi nên dùng phương pháp nào?
  • Những tác dụng phụ tôi có thể gặp phải?
  • Liệu phương pháp điều trị mà tôi áp dụng có giúp giảm các triệu chứng của tôi không?
  • Làm thế nào để tôi có thể nhanh chóng thấy được kết quả điều trị?
  • Có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị nào?
  • Tôi có một số tình trạng sức khỏe khác. Làm thế nào tôi có thể giải quyết được chúng cùng nhau?
  • Những thói quen và sản phẩm chăm sóc da nào mà giúp tôi có thể cải thiện các triệu chứng?

Những câu hỏi từ phía bác sĩ

  • Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi, chẳng hạn như:
  • Các triệu chứng bắt đầu từ khi nào?
  • Tần suất gặp phải các triệu chứng?
  • Các triệu chứng của bạn là liên tục hoặc thỉnh thoảng?
  • Có điều gì giúp cải thiện các triệu chứng của bạn?
  • Cái gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn?

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment