Đối với những ai quan tâm tới các vấn đề về sức khỏe chắc hẳn đã nghe qua về choline. Choline là một chất dinh dưỡng mới được phát hiện vào năm 1998. Mặc dù cơ thể có thể tự tạo ra choline nhưng bạn vẫn cần bổ sung choline hàng ngày để tránh bị thiếu choline. Tại Mỹ, chỉ có dưới 10% dân số là có đủ lượng choline mà cơ thể cần.
Choline là một chất dinh dưỡng quan trọng cho đối với chức năng gan, phát triển não bộ, hỗ trợ năng lượng và duy trì sự trao đổi chất lành mạnh. Không những thế, choline còn vô cùng cần thiết đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú bởi nó giúp bé phát triển trí não trong tương lai.
Thiếu choline, bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, não bộ kém linh hoạt, nhiều cơ quan trong cơ thể suy giảm và có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch.
Vậy choline là gì? Choline có vai trò như thế nào? Thực phẩm nào giàu choline? Bổ sung như nào cho hiệu quả? Có lưu ý gì khi sử dụng không?
Tất cả câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây. Nếu bạn thực sự quan tâm tới sức khỏe của mình, bài viết này dành cho bạn!
Mục lục
- Choline là gì?
- Tác dụng của choline với sức khỏe
- 1. Hình thành DNA và cấu trúc của tế bào
- 2. Hỗ trợ hệ thần kinh trung ương
- 3. Duy trì chức năng gan khỏe mạnh
- 4. Bảo vệ bộ nhớ, hỗ trợ bệnh nhân Alzheimer
- 5. Nâng cao hiệu suất thể thao và tăng cường chức năng cơ bắp
- 6. Duy trì sức khỏe tim mạch
- 7. Giúp thai kỳ khỏe mạnh
- 8. Quan trọng trong sự phát triển của trẻ em
- Triệu chứng khi thiếu hụt choline
- Nhu cầu choline hàng ngày
- Cách bổ sung Choline hiệu quả
- Cuối cùng, đôi điều về choline mà bạn nên nhớ:
Choline là gì?
Choline là một hợp chất hữu cơ tan trong nước. Nó có dạng phosphatidycholine, một hợp chất tạo nên thành phần cấu trúc của chất béo, do đó có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm có chứa chất béo. Nó không phải là một loại vitamin hay khoáng chất nào cả. Tuy nhiên, nó có liên quan đến các vitamin khác, chẳng hạn như folate và phức hợp vitamin B. Cũng giống như vitamin B, choline đóng một vai trò tương tự trong việc hỗ trợ năng lượng và chức năng não, giữ cho sự trao đổi chất hoạt động bình thường.
Mặc dù có một lượng nhỏ choline được sản xuất trong gan, con người vẫn phải bổ sung phần lớn qua các bữa ăn hàng ngày. Choline không được coi là một khoáng chất hoặc vitamin, nhưng nó được biết đến là một vi chất thiết yếu cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt là chức năng não. Vì vậy, chúng ta cần bổ sung choline hàng ngày để hỗ trợ các hệ thống trong cơ thể, bao gồm hệ thống thần kinh, nội tiết, tiêu hóa và sinh sản.
Cholin có vai trò quan trọng nhất là gì? Choline giúp trong quá trình methyl hóa, được sử dụng để tạo ra DNA, hỗ trợ tín hiệu thần kinh và giải độc. Nó cũng có chức năng quan trọng với một chất dẫn truyền thần kinh được gọi là acetylcholine, giúp dẫn truyền thần kinh và điều khiển cơ bắp.
Tác dụng của choline với sức khỏe
1. Hình thành DNA và cấu trúc của tế bào
Choline giúp cơ thể hấp thụ chất béo, chất béo sau đó được sử dụng để tạo ra màng tế bào và cấu trúc tế bào. Nếu không có đủ choline trong cơ thể, các tế bào của chúng ta không thể giữ đúng cấu trúc của chúng và truyền tín hiệu đến các bộ phận khác của cơ thể.
Vai trò của choline trong biểu hiện gen và DNA là gì? Cần có choline để tạo ra DNA – thành phần có nhiệm vụ xây dựng toàn bộ cấu trúc cơ thể. Choline và folate được biết đến là chất dinh dưỡng quan trọng tham gia vào quá trình methyl hóa mà cơ thể sử dụng để tạo thành vật liệu di truyền giúp xây dựng mọi cơ quan trọng cơ thể.
2. Hỗ trợ hệ thần kinh trung ương
Một trong những lợi ích chính của choline là nó được sử dụng bởi cơ thể theo nhiều cách khác nhau cho hoạt động của thần kinh, bao gồm hỗ trợ tín hiệu thần kinh và duy trì màng tế bào não.
Choline cũng giúp hình thành mô trong hệ thống thần kinh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng của não bộ. Người ta tin rằng, choline có thể cải thiện khả năng dẫn truyền của dây thần kinh, hỗ trợ tính toàn vẹn cấu trúc của chúng và bảo vệ màng tế bào thần kinh (Xem thêm nghiên cứu tại đây)
Choline hoạt động như tiền thân của một số chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, bao gồm acetylcholine, được sử dụng trong chức năng thần kinh và giúp cơ bắp khỏe mạnh. Acetylcholine là một chất dẫn truyền thần kinh, tức là các chất hóa học nội sinh dẫn truyền các tín hiệu từ một nơron đến một tế bào đích qua một xi-náp, từ đó có quá trình truyền tín hiệu thần kinh trong cơ thể chúng ta. Nó có vai trò quan trọng đối với trí nhớ, sự co và giãn cơ, điều hòa nhịp tim và nhiều chức năng cơ bản khác.
Chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong trí nhớ và học tập, do đó thiếu hụt choline có thể dẫn đến sự tập trung kém, giảm sút trí nhớ, thay đổi tâm trạng và các rối loạn nhận thức khác, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Acetylcholine được hình thành khi một phân tử acetate kết hợp với một phân tử choline, do đó khi không có đủ choline trong cơ thể, phân tử này không được sản xuất và chức năng não có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chính vì điều này, lời khuyên cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú là bổ sung choline ngay từ bây giờ để trẻ có sự phát triển trí não toàn diện.
3. Duy trì chức năng gan khỏe mạnh
Choline tham gia vào quá trình chuyển hóa và vận chuyển chất béo, nó là nguyên liệu thiết yếu để tạo ra các hợp chất giúp vận chuyển cholesterol từ gan. Người thiếu choline có dễ bị tích tụ trigycerid và cholesterol trong gan.
Ở những người có hàm lượng choline thấp trong cơ thể, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng họ có nhiều nguy cơ bị tổn thương gan và thậm chí là suy gan (Xem thêm nghiên cứu tại đây). Choline cũng giúp hình thành cholesterol LDL trong gan, mặc dù LDL được coi là loại cholesterol “xấu” nhưng vẫn cần một mức độ nhất định. Bạn biết đấy, bất kỳ chất nào trong cơ thể cũng đều có vai trò của nó, với điều kiện nó không vượt quá ngưỡng quy định.
4. Bảo vệ bộ nhớ, hỗ trợ bệnh nhân Alzheimer
Một trong những lợi ích của choline là khả năng giữ cho bộ nhớ của bạn ổn định khi bạn già đi. Bởi vì nó là một thành phần của màng tế bào và chất dẫn truyền thần kinh được sử dụng để dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Choline cũng đóng vai trò trong việc bảo tồn trí nhớ, ngăn ngừa mất trí nhớ và các dấu hiệu suy giảm nhận thức khác.
Khi chúng ta già đi, bộ não của chúng ta trở nên kém đàn hồi hơn. Choline làm một công việc quan trọng là duy trì độ đàn hồi của não bằng cách duy trì mức độ acetylcholine – chất này có xu hướng giảm dần khi mà tuổi tác của bạn lớn dần.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ thấp của acetylcholine có thể dẫn đến suy giảm nhận thức, bao gồm cả bệnh Alzheimer và chứng mất trí liên quan đến tuổi già. Bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer có triệu chứng xấu đi ở những thời điểm mà mức độ acetylcholine rất thấp. Một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh Alzheimer đã bắt chước tác dụng của choline làm tăng tác dụng của chất dẫn truyền thần kinh này.
5. Nâng cao hiệu suất thể thao và tăng cường chức năng cơ bắp
Choline giúp cải thiện năng lượng, tăng cường tập trung – 2 yếu tố quan trọng cho hoạt động thể thao ở vận động viên hay hoạt động thể chất ở người bình thường. Người ta tin rằng tác dụng của choline đối với sự trao đổi chất và dẫn truyền thần kinh trong não có thể tạo ra thời gian phản ứng nhanh hơn, giúp xử lý tình huống tốt hơn ( Xem thêm nghiên cứu tại đây).
Choline hữu ích trong việc cải thiện mức năng lượng, tâm trạng, chu kỳ giấc ngủ và thời gian phục hồi sau hoạt động mạnh. Ngoài ra, choline được sử dụng trong hoạt động thần kinh cơ bắp và có ích trong việc ngăn ngừa mệt mỏi cũng như đau nhức cơ bắp sau khi tập thể dục.
6. Duy trì sức khỏe tim mạch
Choline và folate hỗ trợ việc chuyển đổi homocysteine, ngăn cản cơ thể tích lũy quá nhiều chất béo và giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Homocysteine là một acid amin cơ thể lấy từ các nguồn protein, thông thường là thịt. Mức homocysteine cao có tương quan với sự phát triển của bệnh tim mạch.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng choline và lecithin có thể giúp giảm cholesterol máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhưng các nghiên cứu khác không có kết quả như vậy. Do đó, cần nhiều nghiên cứu trước khi các bác sĩ bắt đầu kê toa choline để hạ LDL và trigylcerides trong máu (Xem thêm nghiên cứu tại đây).
7. Giúp thai kỳ khỏe mạnh
Choline được tìm thấy trong sữa mẹ vì nó rất quan trọng cho sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh và sự phát triển của trẻ nhỏ. Đây là lý do nó được thêm vào hầu hết các sữa công thức cho trẻ sơ sinh. Các khớp thần kinh đang được hình thành trong não của bào thai và trẻ sơ sinh với tốc độ rất nhanh, vì vậy choline đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xây dựng nền tảng cấu trúc của não. Nó cấu tạo nên hệ thống thần kinh cho trẻ nhỏ ngay từ khi còn trong bào thai.
Choline cùng với folate giúp thúc đẩy não và bộ nhớ của bé phát triển ngay cả trong bào thai. Choline giúp bé giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh (NTDs).
Choline là một chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Khi mang bầu, lượng choline sẵn có trong cơ thể người mẹ sẽ dần bị cạn kiệt bởi giai đoạn này, bà bầu cần lượng lớn choline dành cho sự phát triển của con.
Choline giúp cải thiện chức năng não, nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển trí não của bé trong tương lai. Các chuyên gia y tế khuyên chị em nên bổ sung tích cực lượng choline đặc biệt ở tam cá nguyệt thứ 3 bởi thời điểm này, não bé phát triển mạnh mẽ nhất.
Choline được coi là một phần quan trọng của tất cả các tế bào hoạt động trong cơ thể con người. Chất dinh dưỡng này không chỉ mang lại lợi ích khi bạn đang mang thai, mà nó còn rất quan trọng khi bạn đang cho con bú. Bạn cũng cần bổ sung chất dinh dưỡng này bởi nó sẽ giúp bạn tránh xa tật đãng trí, hay quên sau sinh. Choline còn giúp cả mẹ và bé được bảo vệ khỏi chứng căng thẳng, mệt mỏi trong thai kỳ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bà bầu có chế độ ăn uống ít choline sẽ ảnh hưởng xấu tới chức năng gan, nguy cơ sinh con bị dị tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống tăng gấp đôi. Choline còn cần thiết cho sự hoàn thiện dây thần kinh, tim mạch, chức năng não và sự phát triển các tế bào của thai nhi.
Ngoài thực phẩm, bà bầu có thể bổ sung chất dinh dưỡng này thông qua những viên nang, viên nén tuy nhiên bà bầu vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhé!
8. Quan trọng trong sự phát triển của trẻ em
Neuroplasticity (brain plasticity) là thuật ngữ dùng để nói đến khả năng tự tổ chức lại của não bộ bằng cách hình thành các kết nối thần kinh trong suốt cuộc đời. Neuroplasticity cho phép hệ thần kinh (tế bào thần kinh) trong não bù đắp cho chấn thương, bệnh tật và điều chỉnh hoạt động của nó phản ứng với các tình huống mới hoặc sự thay đổi của môi trường. Nói đơn giản thì neuroplasticity là tính dẻo của não và choline được cho là rất quan trọng để hỗ trợ độ đàn hồi và độ dẻo của não (Xem thêm nghiên cứu tại đây).
Khi trẻ lớn lên, choline cần thiết để giúp phát triển chức năng não vì nó đóng vai trò rất quan trọng trong học tập, ghi nhớ, suy nghĩ logic và khả năng tập trung. Trẻ em cần phải có đủ choline để hình thành các kênh dẫn truyền thần kinh trong não giúp ghi nhớ thông tin, khả năng nói, tư duy sáng tạo, kỹ năng toán học, thích nghi xã hội và nhiều hơn thế nữa.
Trong thực tế, choline cần thiết cho việc hình thành các kết nối não mới giữa các tế bào thần kinh được gọi là khớp thần kinh, đó là phản ứng hóa học cần thiết để các ký ức hình thành trong não. Một số báo cáo thậm chí cho thấy choline có thể giúp ngăn ngừa ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và có thể cải thiện sự tập trung ở trẻ em, thiếu niên.
Triệu chứng khi thiếu hụt choline
Có một số bằng chứng cho thấy hầu hết mọi người không có đủ choline trong chế độ ăn của họ, mặc dù đã ăn các nguồn thực phẩm giàu choline bởi vì một số choline không dễ dàng được hấp thụ. Nhiều nghiên cứu cho thấy đa số mọi người không có hàm lượng choline trong cơ thể đủ đáp ứng khuyến cáo hàng ngày.
Điều này rất có thể là do yếu tố di truyền ở một số người tạo ra nhu cầu cao hơn đối với choline. Ví dụ, theo các nhà nghiên cứu, 50% dân số có thể có các gen làm tăng nhu cầu methyl trong chế độ ăn, và vì choline là một nguồn chính của quá trình methyl nên điều này có thể dẫn đến thiếu hụt cholin.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh luận về việc nên dùng bao nhiêu choline mỗi ngày. Do đó, chưa có khẳng định nào về số lượng choline nên sử dụng mỗi ngày.
Các triệu chứng của sự thiếu hụt choline bao gồm:
- Mệt mỏi, mức năng lượng thấp
- Mất trí nhớ
- Suy giảm nhận thức
- Năng suất học tập kém
- Đau cơ
- Tổn thương thần kinh
- Thay đổi tâm trạng
Những người bị bệnh gan gọi là “gan nhiễm mỡ” có nguy cơ bị thiếu cholin cao hơn và có nhiều triệu chứng tiêu cực. Gan nhiễm mỡ (FLD), là tình trạng chất béo tích lũy nhiều trong các tế bào gan. Nó thường xuất hiện ở những người uống rượu nhiều, béo phì, đái tháo đường và các bệnh lý ảnh hưởng đến sự trao đổi chất béo.
Sự thiếu hụt choline cũng có thể đóng một phần vai trò trong suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác, bao gồm mất trí nhớ và bệnh Alzheimer. Điều này là do choline giúp bảo trì vận chuyển thần kinh, khi người lớn tuổi, tín hiệu thần kinh suy giảm và xuất hiện triệu chứng mất trí nhớ.
Chế độ ăn uống đa dạng là cách tốt nhất để đảm bảo bạn có đủ choline. Choline đặc biệt có nhiều trong các sản phẩm động vật, vì vậy người ăn chay và thuần chay thường dễ bị thiếu cholin hơn.
Nhu cầu choline hàng ngày
Cơ thể chúng ta có thể tự sản xuất một lượng nhỏ choline, phần còn lại chúng ta phải lấy từ các nguồn thực phẩm.
Choline được thêm vào danh sách dinh dưỡng cần thiết của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) vào năm 1998, điều này làm cho nó trở thành một trong những bổ sung mới nhất về các chất dinh dưỡng. Choline vẫn đang được nghiên cứu để tìm hiểu thêm về lợi ích tiềm năng của nó, nhưng tại thời điểm này, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý với số lượng dưới đây là đủ để tạo ra lợi ích tối ưu mà không gây hại:
- Trẻ sơ sinh: 125–150 mg
- Trẻ em tuổi từ 1-8: 150–250 mg
- Thiếu niên tuổi từ 8-13: 250–375 mg
- Nữ giới trên 14 tuổi: 425–550 mg
- Nam giới trên 14 tuổi: 550 mg
- Phụ nữ có thai: 450–550 mg
- Phụ nữ đang cho con bú: 550 mg
Cách bổ sung Choline hiệu quả
Có 2 cách để bạn có thể bổ sung choline hàng ngày:
- Sử dụng thực phẩm giàu choline
- Sử dụng thực phẩm chức năng chứa choline
12 thực phẩm giàu choline
12 loại thực phẩm sau đây cung cấp hàm lượng choline cao nhất và chúng còn có nhiều chất dinh dưỡng khác. Tất cả tỷ lệ phần trăm dưới đây được dựa trên nhu cầu là 550 mg mỗi ngày.
- Gan bò 3 ounce: 283 mg (51% DV)
- Cá hồi 1 khoanh: 242 mg (44% DV)
- Đậu gà 1 chén chưa nấu chín: 198 mg (36% DV)
- Đậu hạt 1 chén chưa nấu chín: 188 mg (34% DV)
- Đậu xanh 1 chén chưa nấu: 181 mg (32% DV)
- Trứng 1 quả: 147 mg (27% DV)
- Thịt bò 3 ounce: 78 mg (14% DV)
- Gà tây 3 ounce: 57 mg (10% DV)
- Ức gà 3 ounce: 50 mg (9% DV)
- Súp lơ 1 chén chưa nấu: 47 mg (8% DV)
- Sữa dê 1ly: 39 mg (7% DV)
- Cải Brussels 1 chén chưa nấu: 17 mg (3% DV)
Mình có thể gợi ý cho bạn vài món ăn giàu choline sau đây:
- Salad gà với đậu xanh thêm dầu mè
- Bánh mỳ với pate gan bò
- Cá hồi sốt tiêu đen, thêm ly sữa dê tráng miệng
- Cải brussel nướng cùng ớt ngọt
- Cá hồi nướng với mật ong
- Súp gà với đậu
Choline & Lecithin đậu nành
Choline có thể được tìm thấy trong các sản phẩm đậu nành, đặc biệt là lecithin đậu nành. Choline là một thành phần quan trọng của lecithin (phosphatidylcholine), là một chất béo trong các tế bào của chúng ta. Lecithin đậu nành được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm như chất nhũ hoá và được bán dưới dạng chất bổ sung.
Lecithin đậu nành chứa choline và các phân tử khác, bao gồm các axit béo, glycerol và phosolipid. Ban đầu nó được chiết xuất từ lòng đỏ trứng, nhưng ngày nay có nguồn gốc từ hạt bông, sữa, hoa hướng dương hoặc phổ biến nhất, là từ đậu nành. Lecithin có vai trò quan trọng trong cơ thể, nó giúp duy trì màng tế bào, truyền xung thần kinh, chuyển hóa chất béo và nhiều nhiệm vụ khác nữa.
Lecithin đậu nành được thêm vào nhiều thực phẩm chế biến, đóng gói bởi vì nó hoạt động như một chất nhũ hóa, bảo quản kết cấu của thực phẩm và làm cho chúng ổn định hơn. Mặc dù lecithin đậu nành được coi là an toàn bởi FDA, đôi khi nó có thể dẫn đến phản ứng phụ bao gồm buồn nôn, đầy hơi, táo bón, phát ban trên da, đau bụng và các vấn đề tiêu hóa khác.
Có nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng của lecithin đậu nành, bao gồm khả năng giảm cholesterol, cải thiện chức năng nhận thức, giảm các triệu chứng mãn kinh và giúp cơ thể đối phó với căng thẳng.
Khi nói đến việc lấy choline từ các sản phẩm đậu nành, mình khuyên bạn chỉ nên dùng các sản phẩm đậu nành lên men hữu cơ (tempeh, natto, miso) và tránh đậu nành chưa lên men, đặc biệt là các loại không hữu cơ hoặc biến đổi gen. Như bạn có thể thấy, có nhiều nguồn choline khác cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn mà không có rủi ro, bao gồm cá hồi, trứng và thậm chí một số loại rau, vậy tại sao bạn không sử dụng những thực phẩm này?
Sử dụng thực phẩm chức năng
Một số chuyên gia khuyên bạn nên tăng mức choline cao hơn để tăng cường chức năng não và trí nhớ. Một số báo cáo cho thấy choline trong thực phẩm khó được cơ thể hấp thu ngay cả khi ăn chế độ thực phẩm đa dạng. Đây có thể là lý do tại sao một số người có thể bị thiếu choline, đặc biệt là những người bị tổn thương gan, uống nhiều rượu bia hay béo phì, đái tháo đường.
Nếu bạn chọn dùng các loại thực phẩm chức năng bổ sung choline, tốt nhất bạn nên chọn một sản phẩm được làm từ các nguồn thực phẩm nguyên chất và có chất lượng cao. Bổ sung bằng thực phẩm chức năng sẽ giúp cơ thể bạn dễ dàng hấp thu choline hơn
Điều này liên quan đến cách cơ thể chuyển đổi choline thành phân tử acetylcholine – nguyên nhân mang lại lợi ích cho sức khỏe của choline. Các loại choline khác nhau cũng khác nhau về khả năng vượt qua qua hàng rào máu-não.
Một số chuyên gia đã chỉ ra thực tế rằng các loại choline được sử dụng tốt nhất bởi cơ thể là CDP choline, còn được gọi là Citicoline hoặc choline Alpha GPC. Đây là những loại cholin mạnh có thể tạo ra nhiều lợi ích nhất trong cơ thể.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng folate đóng một vai trò trong khả năng tạo và sử dụng choline của cơ thể – vì hai chất dinh dưỡng này có mối quan hệ chặt chẽ và dựa vào nhau để thực hiện chức năng của mình. Các nhà nghiên cứu đã từng tin rằng chúng ta có thể tự tạo ra đủ choline nhưng trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cần phải bổ sung choline từ bên ngoài vào mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể.
Theo nghiên cứu gần đây, lượng folate bạn tiêu thụ có thể quyết định lượng choline mà cơ thể tạo ra và nhu cầu từ bên ngoài. Vì vậy bạn nên bổ sung folate từ rau lá xanh và một số loại ngũ cốc hoặc bổ sung từ thực phẩm chức năng.
Lưu ý khi dùng choline
Choline được coi là một chất dinh dưỡng an toàn và hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, giống như tất cả các chất dinh dưỡng, khi tiêu thụ quá nhiều, nó có thể trở nên độc hại.
Nếu bạn vượt quá số lượng khuyến cáo hàng ngày của choline, bạn có thể có thể gặp các triệu chứng, bao gồm: tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, huyết áp cao, nhiều mồ hôi.
Do đó, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn của sản phẩm. Nếu bạn đang có bệnh mãn tính hoặc sử dụng thuốc, hãy trao đổi với bác sỹ để đảm bảo an toàn.
Cuối cùng, đôi điều về choline mà bạn nên nhớ:
- Choline là một hợp chất hữu cơ tan trong nước. Mặc dù có một lượng nhỏ choline được sản xuất trong gan nhưng con người vẫn phải bổ sung phần lớn qua các bữa ăn hàng ngày.
- Chúng ta cần bổ sung choline hàng ngày để hỗ trợ các hệ thống trong cơ thể, bao gồm hệ thống thần kinh, nội tiết, tiêu hóa và sinh sản.
- Choline giúp cải thiện chức năng não, nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển trí não của bé trong tương lai. Các chuyên gia y tế khuyên chị em nên bổ sung tích cực choline đặc biệt ở tam cá nguyệt thứ 3 bởi thời điểm này, não bé phát triển mạnh mẽ nhất.
- Các loại thực phẩm giàu choline bao gồm: cá hồi, gan bò, các loại đậu, gà tây, sữa dê, cải Brussels… Tuy nhiên cơ thể khó hấp thu choline qua thực phẩm nên có khá nhiều người thiếu choline.
- Trong một số trường hợp nhất định bạn nên bổ sung choline qua thực phẩm chức năng
Hy vọng qua bài viết này mình đã cung cấp vài thông tin hữu ích cho bạn. Chúc các bạn luôn có sức khỏe tốt!