Bệnh về da Chăm sóc da

Dày sừng quang hóa là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Dày sừng quang hóa (hay còn gọi là dày sừng ánh sáng – Actinic Keratosis) là một sang thương da gây ra bởi tia tử ngoại mà có thể tiến triển thành ung thư tế bào đáy. Đây là những sang thương thường gặp nhất ở da và chúng có khả năng tiến triển thành ác tính. Dày sừng ánh sáng được thấy ở những người có màu da sáng, ở trên vùng da phơi bày ánh nắng lâu dài. Úc, 1 đất nước có tỷ lệ ung thư da cao nhất thế giới, dày sừng quang hóa phổ biến trong độ tuổi >40 đã được báo cáo là có tỷ lệ từ 40-60%.

Tính chất tiền ác tính của dày sừng ánh sáng được ghi nhân cách đây hơn 100 năm, với tên gọi là vẩy dày sừng mà nguyên nhân là bởi ánh sáng mặt trời. Ở Mỹ, dày sừng ánh sáng là một bệnh về da được cho là nguyên nhân thường gặp thứ 2  làm bệnh nhân đến gặp bác sĩ da liễu.

Dày sừng quang hóa là gì?

dày sừng quang hóa

Dày sừng quang hóa gặp ở người có da sáng mà vùng da đó tiếp xúc lâu dài với ánh nắng như mặt, tai, đỉnh đầu, cẳng tay và mu bàn tay. Tuy nhiên cũng có thể gặp ở những vùng tiếp xúc với nắng lặp đi lặp lại như lưng ngực và chân. Thông qua quan sát dịch tễ học và phân tích phân tử của tế bào u thì tiếp xúc lâu dài với tia tử ngoại được cho là nguyên nhân gây ra dày sừng ánh sáng. Tần suất dày sừng ánh sáng liên qua với độ tiếp xúc với tia tử ngoại. Do đó, dày sừng ánh sáng tăng theo từng thập niên của cuộc đời, tăng hơn khi sống ở vùng gần xích đạo, càng tăng hơn khi làm việc ở ngoài trời. Sự phân tích tế bào DNA của dày sừng ánh sáng cho thấy tia UV làm thay đổi các gen quan trọng.

Tổn thương dày sừng ánh sáng gồm những nốt sần sùi, mảng tăng sừng đường kính vài cm. Hầu hết các tổn thương đa dạng gồm những mảng dẹt, bao phủ bởi lớp sừng. Tổn thương điển hình là mảng hồng ban tăng sừng (được bao phủ bởi lớp sừng). Thường có đường kính 3-10mm và dần dần to ra, cao hơn.

Theo thời gian, dày sừng ánh sáng có thể tiến triển thành ung thư tế bào vảy. Theo 1 nhóm ngiên cứu 7000 bệnh nhân, một tỉ lệ nhỏ dày sừng ánh sáng dẫn đến ung thư tế bào vảy phải mất 2 năm. Dày sừng quang hóa có thể xảy ra sớm ở lứa tuổi 30-40 tuổi, những người sống ở vùng có bức xạ mặt trời cao, da sáng, không sử dụng kem chống nắng trong việc bảo vệ da. Thông thường bệnh nhân thường có tiền căn da bị tổn thương do bức xạ mặt trời: Giãn mạch, da mất đàn hồi và sạm da.

Một tỷ lệ nhỏ các tổn thương dày sừng quang hóa có thể trở thành ung thư da. Bạn có thể giảm nguy cơ dày sừng quang hóa bằng cách giảm thiểu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và bảo vệ làn da của bạn khỏi tia cực tím (UV).

Nguyên nhân gây ra dày sừng quang hóa

Dày sừng ánh sáng gây ra bởi tia cực tím. Cả về dịch tễ quan sát và đặc tính sinh học phân tử của tế bào u gợi ý chỉ đơn thuần tia cực tím là đủ để gây dày sừng ánh sáng. Nhạy cảm với tia cực tím là di truyền; dày sừng ánh sáng xảy ra thường xuyên hơn ở người da trắng, tóc đỏ và vàng. Ở những người này cũng thường xuyên bị bỏng nắng và rám da. Tăng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và với cường độ cao làm gia tăng nguy cơ phát xuất hiện sừng ánh sáng. Ức chế miễn dịch do sau ghép tạng làm gia tăng nguy cơ xuất hiện của dày sừng ánh sáng. Tuy nhiên, dày sừng ánh sáng không xuất hiện nếu không tiếp xúc ánh sáng mặt trời.

Các yếu tố nguy cơ của dày sừng quang hóa

Ở Mỹ dày sừng quang hóa xuất hiện chủ yếu ở người da trắng, tần suất của nó có liên quan với sự tích lũy phơi bày với tia tử ngoại. Vì thế mà tần suất tăng với tuổi, gần xích đạo và nghề nghiệp ngoài trời. Dày sừng ánh sáng gặp ở nam nhiều hơn nữ và cũng có liên quan với chế độ ăn giàu chất béo. Tỉ lệ ở Mỹ là khoảng 11-26%. Quốc gia khác: Cao nhất ở Úc, lý do là vì ở đó người da trắng nhiều và những hoạt động thể thao ngoài trời rất phổ biến. Tỷ lệ dày sừng ánh sáng khoảng 40-60% công dân Úc ở tuổi lớn hơn 40.

  • Tỉ lệ dày sừng quang hóa cao hơn ở những người có da sáng, mắt xanh và tỉ lệ này thấp hơn ở những người có da tối hơn. Dày sừng ánh sáng hầu như không gặp ở người da đen
  • Bệnh gặp nhiều ở nam hơn nữ. Giả thuyết là những người nam giới thường làm việc ngoài nắng hơn và do đó tiếp xúc với tia tử ngoại nhiều hơn.
  • Một trong những yếu tố quyết định của nguy cơ dày sừng ánh sáng là tuổi, đặc biệt là khi đánh giá cùng với các yếu tố khác như mức độ tiếp xúc với ánh sáng, nơi sinh, nghề nghiệp, loại da. Bệnh có thể xảy ra ở những bệnh nhân 20-30 tuổi, nhưng thường gặp ở lứa tuổi lớn hơn 50.
  • Có xu hướng bị tàn nhang hoặc cháy nắng khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
  • Có tiền sử cá nhân bị dày sừng quang hóa hoặc ung thư da
  • Có một hệ thống miễn dịch yếu là kết quả của hóa trị liệu, bệnh bạch cầu, AIDS hoặc thuốc cấy ghép nội tạng.

Dấu hiệu, triệu chứng của dày sừng ánh sáng

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh dày sừng quang hóa bao gồm:

  • Các mảng da sần sùi, khô hoặc có vảy, thường có đường kính dưới 1 inch (2,5 cm)
  • Mảng dẹt hoặc hơi nổi lên trên lớp da trên cùng
  • Trong một số trường hợp, tổn thương có một bề mặt cứng, giống như mụn cóc
  • Màu sắc đa dạng như hồng, đỏ hoặc nâu
  • Ngứa hoặc nóng rát ở vùng bị ảnh hưởng

Các tổn thương dày sừng quang hóa được tìm thấy chủ yếu trên các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như mặt, môi, tai, tay, cẳng tay, da đầu và cổ của bạn.

Sang thương ban đầu là vùng da xù xì, thường sờ dễ phát hiện hơn là nhìn. Sang thương ở giai đoạn sớm sờ vào cảm giác như sờ vào giấy cát. Sau đó sang thương trở thành màu hồng, đóng vảy và có thể lớn ra vài cm. Sang thương có thể không đổi trong vài ngày, có thể tự thoái triển hoặc có thể tiến triển thành ung thư tế bào vảy. Hầu hết dày sừng ánh sáng không tiến triển thành ung thư tế bào vảy; tuy nhiên, hầu hết ung thư tế bào vảy có bằng chứng về sự tồn tại của dày sừng ánh sáng trước đó. Ung thư tế bào vảy xâm lấn có thể gây nên tỉ suất tử vong cao bởi sự phát triển vào các cấu trúc ở mặt. Khoảng dưới 10% trường hợp ung thư tế bào vảy có thể di căn, tỉ lệ sống sau 5 năm là thấp.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Có thể khó phân biệt giữa các tổn thương không ung thư và ung thư. Vì vậy, tốt nhất là khi có những thay đổi da mới đáng chú ý – đặc biệt là nếu một đốm hoặc tổn thương vẫn tồn tại lâu dài, phát triển hoặc chảy máu.

Bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết da. Sinh thiết da để chẩn đoán xác định và loại bỏ nguy cơ ung thư tế bào vảy và các sang thương khác (ví dụ như các tăng sừng, phát ban, nốt). Sinh thiết cũng được chỉ định ở các sang thương tái phát và các trường hợp không đáp ứng điều trị.

Biến chứng

Nếu được điều trị sớm, hầu như dày sừng quang hóa có thể được làm sạch hoặc loại bỏ trước khi chúng phát triển thành ung thư da. Nếu không được điều trị, một số trong những sang thương này có thể tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy – một loại ung thư thường không nguy hiểm đến tính mạng nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Điều trị dày sừng ánh sáng

Dày sừng ánh sáng có thể không đổi, tự thoái triển hoặc tiến triển thành ung thư tế bào vảy. Thường không đoán được chúng sẽ diễn tiến theo hướng nào mặc dù nguy cơ tiến triển của dày sừng ánh sáng thành ung thư tế bào vảy là nhỏ (chỉ khoảng 10%), một người có thể có nhiều sang thương và dó đó, tỉ lệ này trở nên đáng kể. Thêm vào đó, dày sừng ánh sáng có thể khó phân biệt trên lâm sàng với các thương tổn da ác tính hơn như ung thư tế bào vảy và đốm nâu ác tính. Điều trị thường được bệnh nhân tiếp nhận tốt và đơn giản.

Phương pháp điều trị thường được lựa chọn dựa trên số lượng vết sang thương và hiệu quả của điều trị. Các yếu tố khác cần cân nhắc bao gồm mức độ dai dẳng của sang thương, tuổi bệnh nhân, tiền sử về ung thư da và mức độ chịu đựng của bệnh nhân với phương pháp điều trị. Điều trị bao gồm 2 nhóm chính:

  1. Phẫu thuật triệt để sang thương
  2. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa

Điều trị bắt đầu với việc giáo dục bệnh nhân hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bệnh nhân nên được cảnh báo tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều càng nhiều càng tốt. Họ cũng nên mang quần áo chống nắng và sử dụng chất chống nắng hằng này.

Điều trị nội khoa có ưu điểm là điều trị được vùng da lớn có nhiều sang thương. Điều bất lợi là điều trị thường kéo dài và thường gây khó chịu. FDA đã phê chuẩn 4 thuốc dùng để điều trị dày sừng ánh sáng. Các thuốc này gồm: 5-FU, 5% và 3.75% immiquimod dạng kem hoặc dung dịch, diclofenac thoa da và liệu pháp quang động kèm với delta-aminolevulinic acid.

Thuốc thoa tại chỗ được dùng nhiều trong nhất trong điều trị dày sừng ánh sáng là 5-FU. Có nhiều dạng, bao gồm dạng cream 5% hoặc dạng dung dịch, dạng dung dịch 2%, cream 1% hoặc dung dịch 1% và gần đây là dạng cream 0.5%. Mặc dù chưa được nghiên cứu nhiều nhưng hiệu lực của các dạng trên dường như là không có sự khác biệt.

Dạng thường dùng nhất là cream 5%, được thoa 2 lần mỗi ngày trong 1 tháng. Trong quá trình điều trị, các sang thương trở nên đỏ và gây khó chịu; các sang thương nhỏ không nhìn thấy trên lâm sàng giờ trở nên rõ hơn. Phương pháp điều trị này có thể tạm thời gây biến dạng, bao gồm việc hình thành các vết loét đỏ và tạo vẩy. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân hoàn thành liệu pháp điều trị thì các sang thương thường lành trong vòng 2 tuần sau khi ngưng điều trị, da trở nên mịn và dày sừng ánh sáng được cải thiện.

Phẫu thuật

Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn dày sừng ánh sáng mà ít gây thương tổn cho mô xung quanh nhất. Khi chẩn đoán là không rõ ràng và có khả năng là một khối u xâm lấn thì nên sinh thiết. Tuy nhiên sinh thiết thường để lại sẹo.

Phẫu thuật cắt lạnh là dùng chất gây lạnh làm giảm nhiệt độ của da và gây ra chết tế bào. Chất gây lạnh thường dùng nhất là nitrogen lỏng (nhiệt độ vào khoảng -195,8 độ C). Tế bào keratin chết khi tiếp xúc với nhiệt độ khoảng -40 đến -500C. Các cấu trúc khác của da như collagen, mạch máu, thần kinh thường chống chọi tốt với lạnh hơn các tế bào keratin. Tế bào melanin thường nhạy hơn tế bào keratin; do đó, phẫu thuật cắt lạnh thường để lại các đốm trắng. Phương pháp này vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng kể từ năm 2004.

Các phương pháp thẩm mỹ tái tạo bề mặt da bằng cách lấy đi lớp thượng bì (có thể cả một phần lớp bì) cũng có hiệu quả trong việc loại bỏ dày sừng ánh sáng. Các phương pháp thẩm mỹ này có thể dùng chất hoá học, lóc da, dùng laser mài mòn da. Tất các các phương pháp này đều có thể để lại sẹo, việc này tuỳ thuộc vào kinh nghiệm của chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ. Chúng ít khi được thực hiện chỉ để điều trị dày sừng quang hóa.

Phòng ngừa

Ngăn ngừa dày sừng quang hóa là rất quan trọng vì tình trạng này có thể xảy ra trước ung thư hoặc là một dạng ung thư da sớm. Chống nắng cẩn thận là cần thiết để giúp ngăn ngừa sự phát triển và tái phát của các mảng dày sừng quang hóa.

Thực hiện các bước sau để bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh nắng mặt trời:

Hạn chế thời gian của bạn dưới ánh mặt trời

Đặc biệt tránh thời gian dưới ánh mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều và tránh ở dưới ánh mặt trời quá lâu để bạn bị cháy nắng hoặc sạm da. Cả hai đều dẫn đến tổn thương da có thể làm tăng nguy cơ phát triển dày sừng quang hóa và ung thư da. Phơi nắng trong thời gian dài cũng có thể gây ra dày sừng quang hóa.

Sử dụng kem chống nắng

Sử dụng kem chống nắng hàng ngày làm giảm sự phát triển của dày sừng quang hóa. Trước khi dành thời gian ngoài trời, hãy thoa kem chống nắng phổ rộng có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30. Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyên bạn nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng, chống nước với SPF ít nhất là 30.

Sử dụng kem chống nắng cho tất cả các vùng da tiếp xúc và sử dụng son dưỡng với kem chống nắng trên môi. Thoa kem chống nắng 15 phút trước khi phơi nắng và bôi lại sau mỗi hai giờ – hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc ra mồ hôi.

Che kín da

Để bảo vệ thêm khỏi ánh nắng mặt trời, hãy mặc quần áo có vải dày dặn che toàn bộ người bạn. Đội một chiếc mũ rộng vành giúp bảo vệ nhiều hơn so với mũ lưỡi trai. Bạn cũng có thể xem xét mặc quần áo hoặc thiết bị ngoài trời được thiết kế đặc biệt để chống nắng.

Tránh giường tắm nắng

Việc tiếp xúc với tia cực tím từ giường tắm nắng có thể gây ra tổn thương da tương đương với làn da rám nắng từ mặt trời.

Kiểm tra da thường xuyên và báo cáo thay đổi với bác sĩ của bạn

Kiểm tra làn da của bạn thường xuyên, tìm kiếm sự phát triển hoặc thay đổi da mới ở các nốt ruồi, tàn nhang, vết sưng và vết bớt hiện có. Hãy nhìn vào gương, kiểm tra khuôn mặt, cổ, tai và da đầu của bạn. Kiểm tra mặt dưới của cánh tay và bàn tay của bạn.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment