Cái tên inositol chắc hẳn khá lạ lùng đối với mọi người. Ngay cả khi được gọi bằng tên vitamin B8, mình nghĩ cũng không nhiều người biết đến vitamin này.
Trên thực tế, inositol có rất nhiều vai trò quan trọng với cơ thể như cải thiện chức năng nhận thức, điều trị trầm cảm, hỗ trợ giảm béo, kiểm soát huyết áp hay có vai trò quan trọng trong phòng ngừa hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Bạn chưa từng nghe về inositol? Vậy bài viết này chính là dành cho bạn. Trong bài viết này, mình sẽ cung cấp vài thông tin hữu ích đối với sức khỏe của bạn:
- Inositol là gì?
- Vai trò của nó đối với sức khỏe?
- Ăn gì để bổ sung inositol?
- Lưu ý gì khi sử dụng nó?
Nếu là người quan tâm tới các vấn đề sức khỏe, còn chần chừ gì nữa mà không đọc tiếp thôi nào?
Mục lục
- Inositol là gì?
- 10 tác dụng của Inositol với sức khỏe
- 1. Điều trị hiệu quả PCOS và cải thiện khả năng sinh sản
- 2. Có thể chống lại bệnh tâm thần
- 3. Có lợi trong điều trị ung thư
- 4. Cải thiện độ nhạy insulin trong bệnh tiểu đường
- 5. Giảm triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ
- 6. Giảm rối loạn chuyển hóa
- 7. Hỗ trợ điều trị rối loạn ăn uống
- 8. Cải thiện triệu chứng của hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
- 9. Giảm một số triệu chứng PMS
- 10. Ngăn ngừa tăng huyết áp
- Nhu cầu inositol hàng ngày
- Cách bổ sung Inositol
- Thận trọng khi dùng inositol
- Đôi điều về inositol mà bạn cần nhớ:
Inositol là gì?
Inositol được phát hiện cách đây hơn 150 năm. Đồng phân đầu tiên của nó, myo-inositol, được phân lập vào năm 1850 và phân lập hoàn toàn “tinh khiết” vào năm 1887.
Vào những năm 1940, một nhà nghiên cứu tên là Posternak đã xác định 9 đồng phân riêng biệt của nó, bao gồm cả D-chiro-inositol. Posternak cũng là người đầu tiên phát hiện ra rằng phytic acid là một dẫn xuất của inositol. Điều thú vị là inositol chiết xuất từ axit phytic trong ngô đã được sử dụng trong việc chế tạo nhiên liệu tên lửa và chất nổ hiện đại. Về mặt kỹ thuật, bản thân inositol không được sử dụng làm nhiên liệu nổ, nhưng inositol nitrate có thể gelatin hóa nitrocellulose (là một phần của chất nổ).
Inositol là một hợp chất hóa học với 9 đồng phân lập thể, đó là một cách miêu tả để nói rằng nó tồn tại trong tự nhiên ở 9 dạng gần giống nhau. Về mặt kỹ thuật, nó là một dạng sắp xếp lại (“đồng phân”) của glucose, có nghĩa là nó là đường tự nhiên hay carbohydrate đơn giản. Nó có thể bị phá vỡ để sử dụng như một nguồn năng lượng trong cơ thể.
Mặc dù nó không được coi là một vitamin thực sự, inositol và adenosine monophosphate (AMP) đôi khi được gọi chung là “vitamin B8”, mặc dù hầu hết các lợi ích của vitamin B8 chính là các lợi ích của inositol.
Inositol được sử dụng trong cơ thể theo một vài cách khác nhau. Nó có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng màng tế bào. Nó cũng là một “sứ giả phụ” trong hệ thống thần kinh trung ương của bạn, đó là lý do nó được biết đến với khả năng làm tăng tác động của chất dẫn truyền thần kinh trong não của bạn và có thể gây ra một số tác dụng kích thích tâm trạng ở một số người. Ngoài ra, hai dạng của nó (myo-inositol và D-chiro-inositol, tỷ lệ 40:1) làm tăng độ nhạy insulin.
Các nhà nghiên cứu thường sử dụng các đồng phân inositol ở dạng chiết xuất dạng bột (bổ sung), nhưng nó cũng có trong rất nhiều loại thực phẩm sẽ được mình giới thiệu trong phần sau.
10 tác dụng của Inositol với sức khỏe
1. Điều trị hiệu quả PCOS và cải thiện khả năng sinh sản
Inositol được xem là phương pháp giúp phòng ngừa hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hiệu quả. Buồng trứng đa nang là kết quả của sự mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến tăng sản xuất hormone nam ở phụ nữ, gây vô sinh, tăng cân, chu kỳ kinh nguyệt thất thường và u nang buồng trứng, có thể ảnh hưởng đến 21% phụ nữ. Một số báo cáo cho thấy có tới 72% phụ nữ bị PCOS có nguy cơ vô sinh so với khoảng 16% phụ nữ không có PCOS. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)
Để chẩn đoán, ba triệu chứng chính của PCOS là tăng tiết androgen, kinh nguyệt thưa và buồng trứng đa nang. Tăng tiết androgen là sự dư thừa của kích thích tố nam, thường gây ra mụn trứng cá, rụng tóc, rậm lông, béo phì…
PCOS cũng liên quan chặt chẽ với hội chứng rối loạn chuyển hóa – rối loạn chuyển hóa ở phụ nữ PCOS có tỷ lệ cao gấp đôi người bình thường (khoảng một nửa số phụ nữ bị PCOS bị béo phì). Phụ nữ có PCOS có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 cao gấp bốn lần, nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, ngưng thở khi ngủ, rối loạn lipid, bệnh tim mạch và rối loạn tâm trạng cao hơn phụ nữ bình thường.
Đã có ít nhất 14 thử nghiệm trên người kiểm tra các lợi ích của inositol đối với PCOS. Một đánh giá năm 2016 của 12 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy bổ sung inositol có khả năng phục hồi sự rụng trứng tự phát và cải thiện khả năng sinh sản ở phụ nữ có PCOS, cả khi sử dụng myo-inositol (phương pháp phổ biến nhất) hoặc kết hợp với D-chiro-inositol.
Các tác giả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng không có tác dụng phụ xảy ra. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng tỷ lệ 40:1 của myo-inositol với D-chiro-inositol đã giúp làm giảm “rối loạn chuyển hóa của PCOS”, bao gồm các vấn đề về huyết áp, mỡ máu, cũng như khôi phục sự rụng trứng.
Ngay cả khi dùng một mình, D-chiro-inositol làm tăng hoạt động của insulin ở bệnh nhân PCOS và có thể đây là cách hợp chất này cải thiện sự rụng trứng. Hình thức này cũng liên quan đến việc giảm cholesterol, triglyceride máu, huyết áp và giảm nồng độ androgen.
Một nghiên cứu trên 3602 bệnh nhân buồng trứng đa nang kèm theo hiếm muộn được sử dụng 4g myo-inositol và 400µg acid folic mỗi ngày cho thấy kết quả rất khả quan sau thời gian 3 tháng. Các bệnh nhân này hồi phục khả năng phóng noãn lên đến 70% số trường hợp, gia tăng số lượng trứng có được, gia tăng số lượng trứng trưởng thành, giảm số lượng trứng bị thoái hóa, gia tăng khả năng thụ tinh cũng như gia tăng tỉ lệ các phôi chất lượng.
Thông thường, liều myo-inositol cho PCOS dao động từ 1.500 mg đến 4.000 mg mỗi ngày. Một số bằng chứng cho thấy liều lượng lớn hơn có hiệu quả hơn. Nếu dùng cùng với D-chiro-inositol, hầu hết các nghiên cứu đều đề xuất tỷ lệ 40:1, nghĩa là 100 mg mỗi ngày D-chiro-inositol phối hợp với 4.000 mg myo-inositol.
Tóm lại, myo-inositol là một dược chất rất tiềm năng trong việc làm gia tăng chất lượng buồng trứng và mang lại cơ hội có thai cho các phụ nữ hiếm muộn mà đặc biệt là phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang và lạc nội mạc tử cung.
2. Có thể chống lại bệnh tâm thần
Do sự tương tác của nó với hệ thống thần kinh trung ương và đường dẫn truyền thần kinh, inositol đã chứng minh hiệu quả đối với một số loại bệnh tâm thần nhất định. Hiệu quả thực sự của hầu hết các loại thuốc kê toa cho bệnh tâm thần chỉ khoảng 10% – 20% và chúng có rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, các lựa chọn thay thế cho thuốc tâm thần là một phần quan trọng trong nghiên cứu lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Inositol đã được chứng minh là có hiệu quả trong các thử nghiệm đối với:
- Trầm cảm
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)
- Rối loạn hoảng sợ
Khi điều trị bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm, trong một nghiên cứu các nhà nghiên cứu sử dụng 6.000 mg inositol mỗi ngày và nhận thấy có cải thiện lớn với hơn 90% người tham gia. Theo dõi thử nghiệm, các nhà khoa học đã báo cáo rằng đối tượng được điều trị bằng inositol có sự cải thiện trên thang điểm trầm cảm cao gấp 3 lần so với giả dược.
Một thử nghiệm trầm cảm khác cho rằng những cải thiện đối với bệnh nhân khi dùng inositol tương tự như những người dùng fluvoxamine và fluoxetine (hai loại SSRI phổ biến cho bệnh trầm cảm).
Đối với rối loạn hoảng sợ, trong một nghiên cứu đã chứng minh inositol tốt hơn fluvoxamine gần gấp đôi trong việc giảm số lượng các cuộc hoảng loạn mỗi tuần mà không có tác dụng phụ.
Khi bệnh nhân dùng lithium điều trị trầm cảm, dùng inositol có thể giúp giảm các tác dụng phụ của thuốc này.
3. Có lợi trong điều trị ung thư
Một số nghiên cứu cho thấy vai trò của inositol với điều trị ung thư. Mặc dù vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy rằng nó chắc chắn là một phương pháp điều trị ung thư tự nhiên hiệu quả, một số loại thực phẩm có chứa inositol có thể giúp chống ung thư hoặc ít nhất là hỗ trợ bệnh nhân trong khi đang điều trị.
Kết hợp myo-inositol với IP6 (còn được gọi là inositol hexaphosphate, phytic acid hoặc phytate), có thể có tác dụng chống ung thư và có khả năng hỗ trợ hóa trị liệu để diệt tế bào ung thư. Theo một nghiên cứu thí điểm năm 2003 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng, các tác giả nêu rõ: “IP6 kết hợp với inositol làm tăng tác dụng chống ung thư của hóa trị liệu thông thường, kiểm soát di căn và cải thiện chất lượng cuộc sống”.
Một đánh giá khác, được công bố trong năm 2009, đồng ý rằng: “Có đủ bằng chứng rõ ràng để chứng minh việc bắt đầu thử nghiệm lâm sàng toàn diện việc sử dụng inositol ở người.”
Về các loại ung thư, myo-inositol (liều lớn như 18 gram mỗi ngày) có thể bảo vệ chống lại ung thư phổi do hút thuốc gây ra. Ở chuột, IP6 ngăn chặn ung thư đại tràng, ngay cả khi chưa điều trị bằng phương pháp gì.
Một điểm cần lưu ý ở đây, mặc dù axit phytic (IP6) được coi là một chất chống oxy hóa khi tiêu thụ thường xuyên nhưng nó cũng cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng.
Tin tốt là các loại thực phẩm có nhiều chất inositol thường được biết đến là thực phẩm chống ung thư. Tuy nhiên, hãy cẩn thận trong việc ăn các loại thực phẩm giàu axit phytic (như đậu và mầm) và nhớ ngâm chúng để giảm hàm lượng axit phytic trước khi ăn nhắm tránh các vấn đề về tiêu hóa.
4. Cải thiện độ nhạy insulin trong bệnh tiểu đường
Inositol chắc chắn làm giảm đề kháng insulin ở bệnh nhân PCOS, nhưng nó có tác dụng tương tự cho bệnh nhân tiểu đường không?
Khi mô tả mối quan hệ giữa kháng insulin và inositol, các nhà nghiên cứu đã giải thích: Trong hầu hết các trường hợp có sự đề kháng insulin đều có sự tăng bài tiết các chất chuyển hóa inositol qua nước tiểu. Do thông tin này, người ta cho rằng những người kháng insulin ở trong trạng thái thiếu inositol tương đối do tăng bài tiết.
Về cơ bản, điều này có nghĩa là sự thiếu hụt inositol của cơ thể dường như có liên quan chặt chẽ đến tính kháng insulin. Điều này bao gồm kháng insulin do tiểu đường, PCOS và thậm chí tiền sản giật .
Các nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện để xem cách inositol có thể hỗ trợ bệnh tiểu đường. Thí nghiệm trên chuột, khỉ Rhesus và con người, có bằng chứng sơ bộ rằng bổ sung D-chiro-inositol có thể giúp phục hồi độ nhạy insulin trong bệnh tiểu đường. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)
5. Giảm triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ
Trong khi không có bằng chứng rõ ràng nào về inositol với bệnh tiểu đường typ 2, các đánh giá lâm sàng cho thấy rằng: Trên cơ sở bằng chứng hiện tại, bổ sung myo-inositol làm giảm sự phát triển của đái tháo đường thai kỳ (GDM), mặc dù kết luận này đòi hỏi phải đánh giá thêm trong các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên có quy mô lớn, đa trung tâm, mù đôi.
6. Giảm rối loạn chuyển hóa
Đối với một số phụ nữ (ngay cả những người không bị PCOS), có vẻ như myo-inositol có lợi trong điều trị hội chứng rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt, phụ nữ sau mãn kinh có hoặc đang có nguy cơ mắc bệnh này có thể nhận được lợi ích rất lớn từ việc bổ sung inositol (theo một nghiên cứu năm 2011 trên 80 phụ nữ). Tuy nhiên, không rõ liệu nó có giúp bạn giảm cân hay không, mặc dù nó ảnh hưởng tích cực đến nhiều yếu tố liên quan đến béo phì.
7. Hỗ trợ điều trị rối loạn ăn uống
Mặc dù nghiên cứu hiện tại còn hạn chế nhưng một nghiên cứu thí điểm vào năm 2001 đã thấy khi bổ sung inositol ở những người bị chứng bulimia nervosa – một rối loạn ăn uống do tâm lý, đi kèm với ói. Ở liều rất lớn (18 gram mỗi ngày), inositol có hiệu quả vượt trội so với giả dược, nó cải thiện điểm số trên cả ba thang đánh giá rối loạn ăn uống cơ bản. Các tác giả nghiên cứu cho rằng kết quả này có thể xảy ra vì tác dụng tích cực đối với tâm trạng của nó.
8. Cải thiện triệu chứng của hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Trẻ sinh non thường có hội chứng suy hô hấp sơ sinh (RDS) do phổi kém phát triển và thiếu chất surfactant.
Trong một thử nghiệm so sánh 221 trẻ sơ sinh, những bé được dùng inositol tiêm tĩnh mạch với liều 80 mg/kg trọng lượng mỗi ngày cần ít oxy bên ngoài và áp lực đường thở thấp hơn so với những người dùng giả dược. Tỷ lệ sống của những bé này là 71% so với 55% trên giả dược.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng: Dùng Inositol cho trẻ sinh non bị RDS có thể giúp tăng tỷ lệ sống và giảm loạn sản phế quản phổi, bệnh võng mạc do đẻ non tháng (ROP). (Xem thêm nghiên cứu tại đây)
9. Giảm một số triệu chứng PMS
Một nghiên cứu trong 6 chu kỳ kinh nguyệt, sử dụng một liều 12 gam bột inositol hoặc 3,6 gram gel bôi tại chỗ đã giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
10. Ngăn ngừa tăng huyết áp
Inositol cũng có tác dụng kiểm soát huyết áp do khả năng giúp máu dễ dàng lưu thông qua các động mạch. Ngoài ra, với tác dụng cải thiện tâm trạng, Inositol cũng giúp ngăn ngừa các nguyên nhân gây tăng huyết áp hiệu quả.
Vitamin B8 (Inositol) được chỉ định cho các bệnh nhân không có khả năng kiểm soát được huyết áp của mình nhờ khả năng giữ bình tĩnh, tâm trạng thoải mái giúp hạn chế các cơn tăng huyết áp bộc phát.
Nhu cầu inositol hàng ngày
Inositol không có tác dụng phụ đáng kể. Người mới sử dụng vitamin này nên dùng từ 500 mg đến 2 gram mỗi ngày tùy thuộc vào thể trạng cơ thể và chế độ ăn.
Các nghiên cứu kiểm tra ảnh hưởng của inositol trên bệnh nhân PCOS sử dụng liều từ 200 – 4.000 mg mỗi ngày trước khi ăn sáng. Liều lượng 4.000 miligam mỗi ngày có vẻ hiệu quả nhất, đặc biệt là khi dùng cùng với D-chiro-inositol theo tỉ lệ 40:1 (với liều lượng isigam-inoxol 4.000 mg và 100 gam D-chiro-inositol mỗi ngày. Một số nguồn tin cũng cho rằng việc sử dụng chúng cùng folate và crom có thể làm tăng hiệu quả, mặc dù điều này chưa được chứng minh một cách khoa học.
Đối với các phương pháp điều trị tâm thần, liều lượng khoảng 12-18 gram mỗi ngày được đề xuất và có vẻ hiệu quả nhất. Ở liều lượng này, nhiều tác dụng phụ có thể xảy ra (mặc dù khá nhẹ).
Bạn nên tham khảo ý kiến các bác sỹ để có một liều lượng phù hợp cho bản thân mình nhé!
Cách bổ sung Inositol
Có 2 cách để bạn có thể bổ sung inositol hàng ngày:
- Bổ sung bằng thực phẩm giàu inositol
- Dùng thực phẩm chức năng chứa inositol.
Thực phẩm tự nhiên giàu Inositol
Tùy thuộc vào loại inositol bạn muốn tiêu thụ mà có một số loại thực phẩm riêng. Myo-inositol được tìm thấy nhiều nhất trong các loại trái cây tươi và rau xanh.
Những thực phẩm bạn nên sử dụng bao gồm:
- Trái cây tươi: Quả cam, đào, lê, dưa vàng, cam, quýt, chuối, dừa
- Đậu (tốt nhất là nảy mầm)
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Yến mạch
- Quả hạch
- Ớt chuông
- Cà chua
- Khoai tây
- Măng tây
- Các loại rau lá xanh (cải xoăn, rau bina…)
- Thịt bò
- Trứng
Lưu ý rằng các sản phẩm động vật (thịt và trứng) có chứa inositol nên được tiêu thụ khi bạn chắc chắn nguồn gốc của chúng được đảm bảo.
Inositol đôi khi cũng được tìm thấy trong thức uống năng lượng nhưng với số lượng cực kỳ nhỏ nên nó hầu như không cung cấp bất kỳ lợi ích thực sự nào. Thêm vào đó, đồ uống năng lượng thường chứa rất nhiều đường và các hóa chất khác. Vì vậy tốt nhất là bạn nên sử dụng nó trong thực phẩm hoặc dạng bổ sung.
Thực phẩm chức năng chứa inositol
Chất bổ sung Inositol được phổ biến rộng rãi dưới hai dạng: bột và viên nang. Viên nang tiện lợi cho các liều nhỏ hơn, chẳng hạn như những viên thuốc để điều trị PCOS. Sử dụng bột khi bạn cần một liều rất lớn với ý kiến của bác sỹ.
Thận trọng khi dùng inositol
Theo nghiên cứu có sẵn, inositol là một chất bổ sung khá an toàn, đặc biệt ở liều lượng thấp. Dùng liều cao hơn cho bệnh nhân PCOS. Thông thường, các tác dụng phụ chỉ liên quan đến liều rất lớn bao gồm đau dạ dày, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và chóng mặt.
Không có bằng chứng về sự an toàn của việc dùng nó trong khi mang thai và cho con bú, vì vậy hãy thận trọng và tham khảo ý kiến bác sỹ nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.
Nó có thể có tương tác với một số thuốc, làm tăng tác dụng của thuốc hạ insulin, như metformin hoặc thuốc được sử dụng cho trầm cảm. Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ nếu bạn đang sử dụng các thuốc này.
Đôi điều về inositol mà bạn cần nhớ:
- Lợi ích chính của inositol là: Điều trị cho bệnh nhân PCOS và cải thiện khả năng sinh sản, có thể chống lại bệnh tâm thần, có lợi trong điều trị ung thư, cải thiện độ nhạy insulin trong bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ, hỗ trợ rối loạn ăn uống, cải thiện triệu chứng trong hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, giảm một số triệu chứng PMS.
- Các thực phẩm giàu inositol bao gồm: Quả cam, đào, lê, dưa vàng, cam, quýt, chuối, dừa, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cà chua, khoai tây, măng tây, các loại rau lá xanh (cải xoăn, rau bina…), thịt bò, trứng
- Liều hàng ngày là 500-2000mg. Liều dùng có thể lên đến 4.000 mg myo-inositol (với 100 gram D-chiro-inositol) mỗi ngày được khuyến cáo cho điều trị PCOS, lượng rất lớn lên đến 18 gram được sử dụng trong các bệnh tâm thần.