Các cặp đôi luôn muốn trao cho nhau những giây phút tuyệt vời, cùng nhau bước lên các cung bậc của cảm xúc, nhất là trong “chuyện ấy”. Nhưng đời đâu như mơ! Có bao giờ bạn cảm thấy xấu hổ trước người ấy vì tình trạng “chưa đến chợ đã hết tiền“ hay “đạn đã lên nòng mà không được bắn”?
Cảm giác thật tồi tệ phải không? Tin tôi đi đây là lời giải đáp cho các bạn gặp phải tình trạng trên. Sau bài viết này anh em sẽ thấy rằng chuyện của “cậu bé“ không phải là chuyện nhỏ nhưng những thay đổi nhỏ có thể làm nên chuyện lớn!
Mục lục
- Rối loạn cương dương là gì?
- Triệu chứng của rối loạn cương dương
- Bạn cần đi khám khi nào?
- Một số điều bạn cần chuẩn bị cho việc khi khám bác sĩ chuyên khoa
- Nguyên nhân gây rối loạn cương dương
- Các yếu tố nguy cơ
- Biến chứng của rối loạn cương dương
- Phòng ngừa
- Chẩn đoán rối loạn cương dương
- Điều trị rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương là gì?
Rối loạn chức năng cương dương (hay còn gọi là bất lực) là tình trạng không có khả năng để giữ “cậu bé” đủ cương cứng để quan hệ tình dục.
Ngoài ra, rối loạn cương dương còn là hiện tượng “cậu bé” bị mềm sớm, trước khi xuất tinh; thiếu cảm hứng tình dục; không xuất tinh; xuất tinh sớm; thiếu hay mất cực khoái. Hay nói cách khác, độ cương cứng của “cậu bé” không đủ để tiến hành cuộc giao hợp một cách trọn vẹn.
Nếu chỉ thỉnh thoảng gặp chút rắc rối về việc cương cứng của “cậu bé” thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, bạn sẽ gặp rắc rối thực sự nếu vấn đề này gây căng thẳng, làm bạn mất tự tin và làm mối quan hệ của bạn với người ấy trục trặc. Các vấn đề rối loạn cương dương cũng có thể là một dấu hiệu tiềm tàng của một tình trạng sức khỏe nào đó và là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Nếu bạn lo lắng về rối loạn cương dương, hãy nói chuyện với bác sĩ, vì tình trạng này có thể chữa trị được, đừng xấu hổ! Việc phát hiện và điều trị sớm những triệu chứng rối loạn cương dương giúp nâng cao sức khỏe nam giới, tăng cường chất lượng cuộc sống, thoát được nguy cơ vô sinh hiếm muộn, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
Triệu chứng của rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương thường bị nhầm lẫn với các chứng bệnh khác. Đối với chứng bệnh này nam giới thường có những biểu hiện cụ thể sau:
Khó cương cứng, khó duy trì cương cứng trong quan hệ
Một số trường hợp nam giới có ham muốn tình dục, nhưng “cậu bé” khó cương cứng hoặc không thể duy trì sự cương cứng đến hết cuộc “yêu” mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp kích thích. Đây chính là một biểu hiện rõ nét của chứng rối loạn cương dương ở phái mạnh.
Thời gian “súng lên nòng” ngắn ngủi làm mất cảm hứng “yêu” và khiến cả hai khó đạt được cực khoái. Liệt dương là mức độ nặng nhất của rối loạn cương dương. Dương vật sẽ hoàn toàn mất đi khả năng cương cứng. Khi rơi vào tình trạng này, việc điều trị trở nên rất khó khăn.
Giảm ham muốn tình dục
Nam giới hoàn toàn không có ham muốn về tình dục dẫn đến tình trạng “cậu bé” không thể cương cứng để có thể làm “chuyện ấy”.
Bạn cần đi khám khi nào?
Bạn cần gặp bác sĩ nếu có những biểu hiện sau đây:
- Bạn lo lắng về sự cương cứng của mình hoặc bạn đang gặp phải các vấn đề tình dục khác như xuất tinh sớm hoặc chậm xuất tinh
- Bạn bị tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc một tình trạng sức khỏe khác đã được phát hiện có thể liên quan đến rối loạn cương dương
- Bạn có các triệu chứng khác cùng với rối loạn cương dương
Một số điều bạn cần chuẩn bị cho việc khi khám bác sĩ chuyên khoa
Tùy thuộc vào mối quan tâm sức khỏe cụ thể của bạn, bạn có thể trực tiếp đến bác sĩ chuyên khoa – chẳng hạn như bác sĩ chuyên về các vấn đề sinh dục nam (bác sĩ tiết niệu) hoặc bác sĩ chuyên về hệ thống nội tiết tố (bác sĩ nội tiết).
Một số câu hỏi để hỏi bác sĩ
Bạn cần chuẩn bị tốt trước khi đi khám để thu được nhiều lợi ích nhất. Bạn nên chuẩn bị sẵn một số các câu hỏi để hỏi bác sĩ, bao gồm:
- Nguyên nhân của vấn đề cương cứng của tôi có thể là gì?
- Nguyên nhân có thể có khác là gì?
- Tôi cần những loại xét nghiệm nào?
- Rối loạn cương dương của tôi là tạm thời hoặc mạn tính?
- Cách điều trị tốt nhất?
- Các lựa chọn thay thế cho phương pháp chính đang được đưa ra là gì?
- Làm thế nào tôi có thể kiểm soát tốt nhất các tình trạng sức khỏe khác với chứng rối loạn cương dương của mình?
Ngoài các câu hỏi đã chuẩn bị, đừng ngần ngại đặt thêm câu hỏi khác trong lần khám của bạn.
Một số câu hỏi bác sĩ có thể hỏi bạn
Bác sĩ của bạn có thể hỏi bạn một số câu hỏi. Hãy chuẩn bị để trả lời cho những câu hỏi như:
- Bạn có mối bận tâm về tình trạng sức khỏe nào hay có bệnh mạn tính gì?
- Từ trước đến nay, bạn có vấn đề về tình dục nào khác không?
- Bạn có bất kỳ thay đổi nào trong ham muốn tình dục không?
- Bạn có cương cứng trong khi thủ dâm, với bạn tình hoặc trong khi bạn ngủ không?
- Có vấn đề mâu thuẫn nào xảy ra trong mối quan hệ giữa bạn và bạn tình không?
- Bạn tình của bạn có vấn đề tình dục nào không?
- Bạn có đang lo lắng, chán nản hay bị căng thẳng không?
- Bạn đã mắc bệnh nào về tâm thần hay có vấn đề về tâm lý không? Nếu có, bạn có đang sử dụng bất kì loại thuốc hay tư vấn tâm lí nào không?
- Lần đầu tiên bạn bắt đầu nhận thấy có vấn đề trong tình dục là khi nào?
- Vấn đề rối loạn cương dương xảy ra khi nào: luôn luôn, thường xuyên hay đôi khi xảy ra?
- Những loại thuốc bạn dùng, bao gồm bất kỳ phương thuốc thảo dược hoặc thực phẩm chức năng?
- Bạn có uống rượu không? Nếu có thì uống bao nhiêu?
- Bạn có sử dụng bất kỳ loại chất cấm nào không (ma túy)?
- Có điều gì làm các triệu chứng cải thiện hay trầm trọng thêm không?
Nguyên nhân gây rối loạn cương dương
Sự hưng phấn tình dục nam là một quá trình phức tạp liên quan đến não, hormone, cảm xúc, thần kinh, cơ bắp và mạch máu. Rối loạn chức năng cương dương có thể là kết quả của bất kì rối loạn nào trong quá trình trên. Tương tự như vậy, căng thẳng và các mối lo lắng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng rối loạn cương dương.
Đôi khi sự kết hợp của các vấn đề về thể chất và tâm lý gây ra rối loạn cương dương. Ví dụ, một tình trạng nào đó làm rối loạn cương dương, điều này gây ra nhiều phiền muộn và lo lắng và kết quả là làm trầm trọng thêm bệnh này.
Nguyên nhân thực thể
Đây là những trường hợp rối loạn cương dược được gây ra bởi một bệnh nào đó, bao gồm:
- Bệnh tim mạch
- Mạch máu bị tắc (xơ vữa động mạch)
- Cholesterol cao
- Huyết áp cao
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Hội chứng chuyển hóa – một tình trạng liên quan đến tăng huyết áp, nồng độ insulin cao, béo bụng và cholesterol cao
- Bệnh Parkinson
- Đa xơ cứng
- Một số loại thuốc như như thuốc chống trầm cảm, thuốc cao huyết áp…
- Sử dụng thuốc lá
- Bệnh Peyronie, hay bệnh cong dương vật, là bệnh gây ra mô sẹo bên trong dương vật và tinh hoàn
- Nghiện rượu và các chất gây nghiện khác
- Rối loạn giấc ngủ
- Điều trị ung thư tuyến tiền liệt hoặc u phì đại tuyến tiền liệt
- Phẫu thuật hoặc chấn thương ảnh hưởng đến vùng chậu hoặc tủy sống
Nguyên nhân tâm lý
Bộ não đóng vai trò chính trong việc kích hoạt một loạt các phản ứng gây ra sự cương cứng, bắt đầu bằng cảm giác hưng phấn tình dục. Một số điều có thể tác động tới cảm xúc tình dục, điều này gây ra hoặc làm rối loạn cương dương trầm trọng hơn.
Một số nguyên nhân tâm lý bao gồm:
- Trầm cảm, lo lắng về khả năng tình dục của mình hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác như chấn thương tâm lý về tình dục trước đó (ví dụ như hiếp dâm, loạn luân, lạm dụng tình dục…).
- Căng thẳng, stress
- Các vấn đề trong mối quan hệ xảy ra do căng thẳng, thiếu sự trao đổi hoặc các mối quan tâm khác
Các yếu tố nguy cơ
Tuổi cao: Tuổi càng cao sẽ làm lượng Testosteron (nội tiết tố nam) suy giảm, giảm ham muốn tình dục; cùng với đó là sức khỏe không còn sung sức như xưa nữa. Theo thống kê, khoảng một nửa số đàn ông ở độ tuổi 65 và 3/4 đàn ông ở độ tuổi 80 tuổi mắc rối loạn cương dương
Các yếu tố nguy cơ khác nhau có thể góp phần vào rối loạn chức năng cương dương, bao gồm:
- Các bệnh lí đặc biệt là bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim
- Sử dụng thuốc lá, hạn chế lưu lượng máu đến tĩnh mạch và động mạch theo thời gian, có thể gây ra các bênh lý mãn tính dẫn đến rối loạn cương dương
- Thừa cân, đặc biệt là nếu bạn béo phì
- Một số phương pháp điều trị như phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc xạ trị ung thư
- Chấn thương, đặc biệt nếu chúng làm tổn thương các dây thần kinh hoặc động mạch kiểm soát sự cương cứng
- Thuốc, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine và thuốc để điều trị huyết áp cao, đau tuyến tiền liệt
- Điều kiện tâm lý, chẳng hạn như căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm
- Sử dụng ma túy và rượu, đặc biệt nếu bạn là người sử dụng ma túy lâu dài hoặc nghiện rượu nặng
Biến chứng của rối loạn cương dương
Các biến chứng do rối loạn cương dương có thể bao gồm:
- Một đời sống tình dục không thỏa mãn
- Căng thẳng hoặc lo lắng
- Xấu hổ, kém tự tin
- Các mâu thuẫn trong mối quan hệ
- Khả năng có con thấp
Phòng ngừa
Cách tốt nhất để ngăn ngừa rối loạn cương dương là lựa chọn lối sống lành mạnh và quản lý tốt các tình trạng sức khỏe. Ví dụ:
- Nếu bạn đang bị bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hay bệnh lý mạn tính nào khác, hãy đi khám thường xuyên, dùng thuốc đầy đủ.
- Gặp bác sĩ để kiểm tra thường xuyên và làm các xét nghiệm sàng lọc.
- Ngừng hút thuốc, hạn chế hoặc tránh uống rượu và không sử dụng bất cứ chất ma túy nào
- Luyện tập thể dục đều đặn.
- Thực hiện các biện pháp để giảm căng thẳng.
- Nhờ tư vấn khi có lo lắng, trầm cảm hoặc các mối quan tâm sức khỏe tâm thần khác.
Chẩn đoán rối loạn cương dương
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của bạn như: kiểm tra dương vật, tinh hoàn và cảm giác thần kinh.
Và đề nghị làm các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh tim, tiểu đường, nồng độ testosterone thấp và các tình trạng sức khỏe khác.
- Xét nghiệm nước tiểu (phân tích nước tiểu). Giống như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu được sử dụng để tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh tiểu đường và các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác.
- Siêu âm: Để biết đc lưu lượng máu cung cấp cho dương vật, đôi khi siêu âm kèm theo tiêm thuốc vào dương vật để kích thích lưu lượng máu tới và tạo ra sự cương cứng.
- Test tâm lý: Bác sĩ có thể đặt câu hỏi để sàng lọc các vấn đề về trầm cảm và các nguyên nhân tâm lý có thể khác gây ra rối loạn cương dương.
Điều trị rối loạn cương dương
Việc đầu tiên là điều trị bất cứ tình trạng sức khỏe nào gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng rối loạn cương dương.
Các lựa chọn điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bác sĩ sẽ giải thích về các lợi ích và rủi ro của từng biện pháp điều trị, cân nhắc thêm về sở thích của bạn cũng như người áy của bạn để lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp nhất.
Thuốc uống
Thuốc uống là một biện pháp điều trị rối loạn cương dương thành công cho nhiều nam giới. Chúng bao gồm các loại:
- Sildenafil (Viagra)
- Tadalafil (Adcirca, Cialis)
- Vardenafil (Levitra, Staxyn)
- Avanafil (Stendra)
Tất cả bốn loại thuốc trên đều tăng cường tác dụng của oxit nitric – là một hóa chất tự nhiên mà cơ thể tạo ra giúp thư giãn các cơ ở dương vật. Điều này làm tăng lưu lượng máu và tạo ra sự cương cứng để đáp ứng với kích thích tình dục.
Uống thuốc này không tạo ra sự cương cứng mà cần có thêm các kích thích tình dục và không phải là thuốc kích dục, không gây hung phấn và không cần thiết sử dụng ở nam giới có sự cương cứng bình thường.
Các loại thuốc khác nhau về liều lượng, thời gian tác dụng và tác dụng phụ. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm đỏ bừng mặt, nghẹt mũi, nhức đầu, thay đổi thị giác, đau lưng và đau dạ dày.
Bác sĩ sẽ xem xét tình huống cụ thể của bạn để xác định loại thuốc nào có thể hoạt động tốt nhất. Những loại thuốc này có thể không điều trị rối loạn cương dương của bạn ngay lập tức. Bạn có thể cần phải làm việc với bác sĩ để tìm ra loại thuốc và liều lượng phù hợp với bạn.
Thuốc điều trị rối loạn cương dương không có tác dụng ở tất cả nam giới và có thể kém hiệu quả trong một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như ở người sau phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc bị tiểu đường. Một số loại thuốc cũng có thể nguy hiểm nếu bạn:
- Đang dùng thuốc nitrat – thường được kê đơn cho đau thắt ngực – chẳng hạn như nitroglycerin), isosorbide mononitrate.
- Bị bệnh tim hoặc suy tim
- Có huyết áp rất thấp (hạ huyết áp)
Thuốc khác
Các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương khác bao gồm:
Alprostadil loại tự tiêm
Với phương pháp này, bạn sử dụng một cây kim nhỏ để tiêm alprostadil vào gốc hoặc bên cạnh dương vật.
Mỗi lần tiêm được định liều để tạo ra sự cương cứng kéo dài không quá một giờ. Kim thường rất bé nên cảm giác đau là rất ít.
Tác dụng phụ có thể bao gồm chảy máu nhẹ nơi tiêm, cương cứng kéo dài (priapism) và, hiếm khi, hình thành sẹo (mô sợi) tại vị trí tiêm.
Alprostadil loại viện đạn đặt niệu đạo
Loại thuốc này được sử dụng bằng cách nhét viên thuốc niệu đạo vào bên trong dương vật theo như chỉ dẫn của bác sĩ.
Sự cương cứng thường bắt đầu trong vòng 10 phút và khi có hiệu quả, kéo dài trong khoảng từ 30 đến 60 phút. Tác dụng phụ có thể bao gồm: đau,chảy máu nhỏ ở niệu đạo và hình thành các mô sợi bên trong dương vật của bạn.
Testosterone thay thế
Một số nam giới bị rối loạn cương dương phức tạp do nồng độ hormone testosterone thấp. Trong trường hợp này, liệu pháp thay thế testosterone có thể được khuyến nghị là bước đầu tiên hoặc được kết hợp với các liệu pháp khác.
Bơm dương vật, phẫu thuật và cấy ghép
Nếu thuốc không hiệu quả hoặc không phù hợp trong trường hợp của bạn, bác sĩ có thể đề nghị một phương pháp điều trị khác. Các phương pháp điều trị khác bao gồm:
Máy bơm dương vật: là một ống có thể hút chân không, chạy bằng pin hoặc bơm bằng tay. Thiết bị bơm được sử dụng để hút không khí bên trong ống, làm máu dồn về dương vật. Sử dụng vòng thắt ở gốc dương vật, sau đó tháo máy ra.
Cương cứng thường kéo dài đủ lâu quan hệ tình dục. Khi tháo vòng căng ra sau giao hợp có thể thấy bầm tím, xuất tinh có thể bị hạn chế do vòng thắt này.
Cấy ghép dương vật
Điều trị này chính là phẫu thuật để đặt các thiết bị vào hai bên của dương vật. Những bộ cấy này bao gồm các thanh bơm hơi hoặc có thể uốn cong. Thiết bị bơm hơi cho phép bạn kiểm soát thời gian và thời gian bạn cương cứng. Các thanh dễ uốn giữ cho dương vật vững chắc nhưng có thể uốn cong.
Tập thể dục
Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng tập thể dục, đặc biệt là tập aerobic mức độ vừa đến mạnh, có thể cải thiện chứng rối loạn cương dương. Tuy nhiên, lợi ích có thể ít hơn ở một số nam giới, bao gồm những người mắc bệnh tim.
Tập thể dục thường xuyên và tăng mức độ hoạt động có thể làm giảm nguy cơ rối loạn cương dương.
Tư vấn tâm lý
Nếu rối loạn chức năng cương dương của bạn là do căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm – hoặc tình trạng này đang tạo ra căng thẳng và mâu thuẫn trong mối quan hệ, bạn và người ấy nên đến gặp bác sĩ tâm mlys hoặc tư vấn viên nếu có thể.
Các loại thực phẩm chức năng
Trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào, hãy hỏi ý kién bác sĩ để đảm bảo nó an toàn cho bạn – đặc biệt nếu bạn có bệnh mạn tính. Một số sản phẩm thay thế có thể gây nguy hiểm.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về một số loại “viagra thảo dược” vì chúng có chứa các loại thuốc có hại không được liệt kê trên nhãn. Các liều lượng cũng có thể chưa được biết.
Một số loại thực phẩm chức năng này có thể tương tác với thuốc theo toa và gây ra hạ huyết áp nguy hiểm. Những sản phẩm này đặc biệt nguy hiểm đối với nam giới đang dùng thuốc nitrat (thường được sử dung trong điều trị đau thắt ngực).
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Lối sống có thể gây ra hoặc làm trầm trọng rối loạn cương dương đối với một số nam giới. Một số biện pháp sau có thể giúp khắc phục:
- Bỏ thuốc lá: Nếu hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Nếu gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc, hãy nhờ giúp đỡ. Hãy thử thay thế nicotine, chẳng hạn như nhai kẹo cao su hoặc viên ngậm, hoặc hỏi bác sĩ về một loại thuốc theo toa có thể giúp bạn bỏ thuốc lá.
- Giảm béo: Thừa cân có thể gây ra hoặc làm rối loạn cương dương trở nên tồi tệ hơn.
- Tạo và duy trì thói quen tập thể dục: Tập thể dục có thể giúp giảm căng thẳng, giúp giảm cân và tăng lưu lượng máu, điều này cũng giúp ích cho điều trị rối loạn cương dương.
- Điều trị các vấn đề về rượu hoặc ma túy: Uống quá nhiều rượu hoặc dử dụng các chất ma túy không những gây rối loạn cương dương mà còn gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài.