Tâm lý

Sức khỏe tâm thần là gì? Những điều cơ bản mà bạn cần biết

Sức khỏe tâm thần đề cập đến sự khỏe mạnh về nhận thức, hành vi và cảm xúc của con người- đó là tất cả về cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. Thuật ngữ “sức khỏe tâm thần” đôi khi được sử dụng để chỉ trạng thái không có chứng rối loạn tâm thần.

Sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, các mối quan hệ và thậm chí là sức khỏe về thể chất. Sức khỏe tâm thần cũng bao gồm khả năng tận hưởng cuộc sống của một người – để đạt được sự cân bằng giữa các hoạt động sống và nỗ lực để đạt được khả năng phục hồi tâm lý.

Trong bài viết này, mình sẽ giải thích ý nghĩa của cụm từ “sức khỏe tâm thần” và “bệnh tâm thần”. Mình cũng sẽ mô tả các loại rối loạn tâm thần phổ biến nhất và cách chúng được điều trị. Bài viết cũng sẽ đề cập đến một số dấu hiệu sớm của các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Xem thêm: Tâm lý học là gì? Những điều cơ bản về tâm lý học

Sức khỏe tâm thần là gì?

sức khỏe tâm thần

Sức khỏe tâm thần là khả năng của bộ máy tâm lý hoạt động một cách hoàn toàn hợp lý, có hiệu quả và đương đầu một cách mềm dẻo trước những tình huống khó khăn mà vẫn có thể tìm lại được sự cân bằng cho mình.

Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới):

“Sức khỏe tâm thần là một trạng thái hạnh phúc trong đó cá nhân nhận ra khả năng của chính mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có thể làm việc năng suất và hiệu quả, và có thể đóng góp cho cộng đồng của mình”.

WHO nhấn mạnh rằng sức khỏe tâm thần “không chỉ là sự vắng mặt của rối loạn tâm thần”.

Các yếu tố nguy cơ

Các chuyên gia nói rằng tất cả chúng ta đều có khả năng phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bất kể chúng ta bao nhiêu tuổi, chúng ta là nam hay nữ, giàu hay nghèo, hoặc chúng ta thuộc dân tộc nào.

Có tới gần 1 trong 5 người Mỹ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần mỗi năm (18,5%). Tại Hoa Kỳ, năm 2015, ước tính khoảng 9,8 triệu người trưởng thành (trên 18 tuổi) bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Điều đó tương đương với 4,8% trong số tất cả người Mỹ trưởng thành.

Một tỷ lệ lớn những người bị nhiều hơn 1 loại rối loạn tâm thần.

Ở Hoa Kỳ và phần lớn nước phát triển, rối loạn tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật.

Rối loạn tâm thần thường gặp

Các loại rối loạn tâm thần phổ biến nhất là rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng và rối loạn tâm thần phân liệt. Dưới đây mình sẽ giải thích lần lượt:

Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu là rối loạn tâm thần phổ biến nhất.

Người mắc rối loạn lo âu có một nỗi sợ hãi hoặc lo lắng nghiêm trọng, có liên quan tới một số đối tượng hoặc tình huống nhất định. Hầu hết những người bị rối loạn lo âu sẽ cố gắng tránh tiếp xúc với bất cứ điều gì gây ra lo lắng của họ.

Một số ví dụ về rối loạn lo âu bao gồm:

Rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ hay rối loạn hoảng loạn là bệnh tâm thần gây những cơn sợ hãi, kinh hoảng rất đặc biệt, cảm giác thảm họa sắp xảy ra.

Hội chứng sợ hay chứng ám ảnh sợ

Là sự xuất hiện một nỗi sợ vô lý và quá mức đối với một vật thể hay tình huống nào đó, bao gồm những nỗi ám ảnh đơn giản (nỗi sợ đối tượng không cân xứng), nỗi ám ảnh xã hội (nỗi sợ phải chịu sự phán xét của người khác) và chứng ám ảnh sợ khoảng trống sẽ ám ảnh cực kỳ với việc bị mắc kẹt ở một nơi hay một tình huống mà bản thân khó trốn thoát khỏi. Mình thực sự không biết có chính xác bao nhiêu nỗi ám ảnh – có thể có hàng ngàn loại.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Là một bệnh rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Khi mắc bệnh, các suy nghĩ và nỗi sợ không mong muốn (hay còn gọi là sự ám ảnh) xuất hiện liên tục và khiến bệnh nhân lặp đi lặp lại các hành động cưỡng chế. Ví dụ như việc tự hỏi cửa đã khóa hay chưa làm bạn phải kiểm tra cửa vài lần. Người bệnh thường có thể cố gắng loại bỏ các suy nghĩ đó, nhưng điều này chỉ càng làm họ căng thẳng và lo lắng hơn. Cuối cùng, họ vẫn buộc phải thực hiện hành động để giải tỏa căng thẳng.

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)

Là tình trạng tâm thần không ổn định bao gồm khủng hoảng, hồi hộp, trầm cảm do chấn động lớn, hay điều gì đó khủng khiếp hoặc đáng sợ mà họ trải qua hoặc chứng kiến trong quá khứ gây ra. Trong loại sự kiện này, người này nghĩ rằng cuộc sống của họ hoặc cuộc sống của người khác đang gặp nguy hiểm. Họ có thể cảm thấy sợ hãi hoặc cảm thấy rằng họ không kiểm soát được những gì đang xảy ra.

Rối loạn tâm trạng

Đây cũng được gọi là rối loạn cảm xúc hoặc rối loạn trầm cảm. Bệnh nhân mắc các bệnh này có những thay đổi đáng kể về tâm trạng, thường liên quan đến chứng hưng cảm (phấn chấn) hoặc trầm cảm. Ví dụ về rối loạn tâm trạng bao gồm:

Trầm cảm chính (Major depression)

Cá nhân không còn hứng thú và không thích các hoạt động và sự kiện mà trước đây họ thích. Có những giai đoạn người bệnh cảm thấy cực kì buồn và kéo dài.

Rối loạn lưỡng cực (Bipolar disorder)

Trước đây được gọi là bệnh hung- trầm cảm, hay trầm cảm hưng cảm. Người bẹnh chuyển từ giai đoạn hưng phấn (hưng cảm) sang trầm cảm (tuyệt vọng).

Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent Depressive Disorder hay Dysthymia)

Đây là trầm cảm nhẹ (kéo dài). Bệnh nhân có các triệu chứng tương tự như trầm cảm chính nhưng ở mức độ thấp hơn.

SAD (rối loạn cảm xúc theo mùa)

Là một rối loạn khí sắc thường xảy ra vào mùa đông, mùa thu và đầu mùa xuân ở các quốc gia xa xích đạo. Thông thường sẽ phục hồi trở lại vào mùa xuân hoặc hè.

Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một rối loạn đơn lẻ hoặc một nhóm các bệnh liên quan vẫn chưa được xác định đầy đủ. Đây là một tình trạng rất phức tạp. Tâm thần phân liệt thường bắt đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25. Cá nhân có những suy nghĩ xuất hiện rời rạc; họ cũng thấy khó xử lý thông tin.

Tâm thần phân liệt có các triệu chứng tiêu cực và tích cực. Các triệu chứng tích cực bao gồm ảo tưởng, rối loạn suy nghĩ và ảo giác. Các triệu chứng tiêu cực bao gồm xa lánh mọi người, thiếu động lực và mất cảm xúc hoặc biểu lộ cảm xúc không phù hợp, ví dụ với sự kiện vui thì bệnh nhân buồn, đối với sự kiện buồn thì bệnh nhân tỏ ra vui.

Dấu hiệu sớm

Không thể nói một cách chắc chắn rằng liệu ai đó đang phát triển một vấn đề sức khỏe tâm thần; tuy nhiên, nếu một số dấu hiệu nhất định xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn, nó có thể đưa ra manh mối:

  • Hút thuốc và uống rượu.
  • Xa lánh những người hoặc hoạt động mà họ thường thích.
  • Ngủ hoặc ăn quá nhiều hoặc quá ít.
  • Cảm giác như không có gì quan trọng.
  • Thiếu động lực, ý chí làm việc
  • Sử dụng thuốc nhiều hơn bình thường (bao gồm cả rượu và nicotine).
  • Hiển thị những cảm xúc không bình thường.
  • Sự nhầm lẫn.
  • Không thể hoàn thành các nhiệm vụ thông thường, chẳng hạn như đi làm hoặc nấu một bữa ăn.
  • Những suy nghĩ hay ký ức dai dẳng xuất hiện thường xuyên.
  • Suy nghĩ về việc làm hại bản thân hoặc người khác.
  • Nghe thấy giọng nói trong đầu.
  • Ảo tưởng.

Điều trị

Có nhiều cách khác nhau để điều trị cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Điều quan trọng là một phương pháp điều trị có thể hữu ích với người này nhưng vô ích với người khác. Điều này đặc biệt đúng với sức khỏe tâm thần.

Một số chiến lược hoặc phương pháp điều trị thành công hơn khi kết hợp với những biện pháp khác. Một bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần mãn tính có thể chọn các phương pháp khác nhau ở các giai đoạn khác nhau trong suốt cuộc đời họ.

Phương pháp điều trị có thể bao gồm:

Tâm lý trị liệu (liệu pháp nói chuyện) – đây là một cách tiếp cận tâm lý để điều trị bệnh tâm thần. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp hành vi biện chứng là những ví dụ.

Thuốc – mặc dù nó không thể chữa các rối loạn tâm thần, nhưng một số loại thuốc có thể cải thiện các triệu chứng.

Tự giúp đỡ- bao gồm thay đổi lối sống như giảm uống rượu, ngủ nhiều hơn và ăn uống tốt hơn.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment