Tăng huyết áp

Tăng huyết áp có nguy hiểm hay không?

Huyết áp là áp lực tác động lên thành mạch máu khi quả tim của chúng ta bơm máu đi nuôi cơ thể. Khi huyết áp tăng cao, có nghĩa là áp lực tác động lên thành mạch sẽ mạnh hơn, với thời gian kéo dài thì thành mạch máu sẽ bị xơ cứng, tổn thương theo thời gian. Việc mạch máu bị tổn thương sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí là tử vong nếu không được điều trị.

Huyết áp được xác định bằng hai chỉ số đó là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là áp lực tác động lên thành mạch khi tim co bóp, huyết áp tâm trương là áp lực khi tim nghỉ ngơi giữa các nhát bóp. Ở người bình thường, huyết áp trung bình vào khoảng 120/80mmHg được coi là bình thường.

Tăng huyết áp thường không có triệu chứng cho đến khi những biến chứng nguy hiểm xuất hiện. Vì thế bạn cần phải kiểm tra và theo dõi huyết áp của mình thường xuyên.

Sau khi đọc qua thì chắc bạn cũng mường tượng rằng tăng huyết áp khá nguy hiểm, vậy thì thực chất tăng huyết áp tác động tới cơ thể chúng ta như thế nào?

Hệ tuần hoàn

Những tổn thương mà tăng huyết áp gây ra với hệ tuần hoàn ban đầu rất nhỏ, sau đó sẽ tăng dần theo thời gian. Nếu bạn không được chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp càng lâu thì các nguy cơ, rủi ro biến chứng sẽ càng tăng.

Các mạch máu và động mạch đưa máu đi khắp cơ thể và cung cấp máu cho các mô, cơ quan. Khi áp lực trong lòng mạch tăng lên, thì dần dần lòng mạch sẽ bị tổn thương.

Đầu tiên thành động mạch sẽ xuất hiện các vết rách nhỏ. Khi những vết rách này xuất hiện, các cholesterol xấu chảy qua khu vực đó sẽ tự dính vào các vết, càng ngày sẽ càng nhiều cholesterol dính vào, tích tụ lại ở thành động mạch, làm hẹp lòng động mạch và cản trở dòng máu chảy qua.

Khi một lượng máu đủ lớn không thể qua động mạch do lòng động mạch bị hẹp lại thì dẫn tới các mô và cơ quan đằng sau đó sẽ bị tổn thương do không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng. Đối với tim, sẽ biểu hiện bằng các triệu chứng như đau ngực, rối loạn nhịp tim hoặc đau tim. Từ đó tim phải làm việc nhiều hơn với hiệu quả ít hơn do huyết áp cao và động mạch bị hẹp để có thể đảm bảo oxy và dinh dưỡng cho các cơ quan. Cuối cùng do làm việc quá sức trong thời gian dài sẽ dẫn tới suy tim trái.

Suy tim là khi tim bạn trở nên quá yếu và bị tổn thương do huyết áp cao, làm việc liên tục quá sức trong thời gian dài hoặc do cơn đau tim trước đó. Từ đó việc bơm máu đi nuôi cơ thể không còn hiệu quả nữa. Các dấu hiệu của suy tim gồm có

  • Khó thở
  • Phù ở bàn chân, mắt cá chân
  • Mệt mỏi

Một dạng tổn thương mạch máu khác cũng do tăng huyết áp gây nên đó là phình động mạch. Động mạch phình to hơn, lớn hơn và thường không được phát hiện khi nó gây đau hoặc vỡ.
Phình động mạch có thể gây chết người nếu các động mạch chính của cơ thể bị phình, vỡ. Hơn nữa phình động mạch lại có thể xảy ra ở bất cứ chỗ nào

Hệ thần kinh

Khi tăng huyết áp thì lưu lượng máu tới các mô trong cơ thể sẽ bị giảm. Giảm lưu lượng máu tới não sẽ gây ra các vấn đề về trí nhớ và tư duy, từ đó dẫn tới giảm trí nhớ, giảm nhận thức theo thời gian. Có thể bạn sẽ gặp phải tình trạng khó khăn trong việc hiểu và ghi nhớ mọi thứ hoặc giảm khả năng tập trung.

Như đã nói ở phần trên, tăng huyết áp ảnh hưởng tới hệ mạch máu trong toàn bộ cơ thể. Đặc biệt là não, nếu huyết áp tăng cao, động mạch não bị tắc nghẽn thì sẽ xảy ra tình trạng gọi là “đột quỵ”. Đó là khi động mạch não bị tắc và các mô, tế bào não không được nhận oxy và bắt đầu tổn thương và chết.

Đột quỵ não có thể gây tử vong hoặc những biến chứng thần kinh vĩnh viễn. Mức độ tổn thương tùy thuộc vào động mạch nào bị tổn thương, vùng não bị mất nuôi dưỡng lớn hay nhỏ và có được cấp cứu kịp thời hay không.

Hệ xương khớp

Huyết áp cao có thể gây mất xương hay gọi là loãng xương do mất đi lượng lớn canxi khi đi tiểu. Đặc biệt là phụ nữ ở gian đoạn mãn kinh thì nguy cơ rất cao. Loãng xương gây yếu xương khiến xương giòn và dễ gãy.

Hệ hô hấp

Giống như não và tim thì các động mạch ở phổi cũng có thể bị tổn thương và tắc nghẽn. Khi động mạch mang máu tới phổi bị tắc, hay còn gọi là thuyên tắc phổi có thể gây tử vong ngay lập tức và cần được cấp cứu tức thì. Ở động mạch phổi cũng có nguy cơ xuất hiện phình động mạch.

Một rối loạn khác gọi là “ngưng thở khi ngủ” cũng liên quan tới tăng huyết áp. Đây là chứng rối loạn giấc ngủ gây ra những tiếng ngáy ngủ và gián đoạn giấc ngủ trong ban đêm. Những người bị ngưng thở khi ngủ thường thấy mệt mỏi sau khi ngủ dậy.

Hệ sinh dục

Các cơ quan sinh dục của chúng ta sử dụng lưu lượng máu tăng thêm trong quá trình kích thích. Khi tăng huyết áp dẫn tới tắc nghẽn mạch máu tới dương vật hoặc âm đạo sẽ gây ra những rối loạn chức năng tinh dục.

Ở đàn ông sẽ gặp khó khăn trong quá trình cương dương và phụ nữ sẽ gặp phải các vấn đề như:

  • Giảm kích thích
  • Khô âm đạo
  • Khó đạt cực khoái

Hệ tiết niệu

Nhiệm vụ của thận là lọc chất độc ra khỏi máu và thải ra ngoài, ngoài ra thận còn giúp điều chỉnh lượng máu chảy trong lòng mạch và huyết áp. Để duy trì chức năng này thì thận đòi hỏi phải có hệ mạch máu khỏe mạnh.

Tăng huyết áp dẫn tới tổn thương các mạch máu lớn tới thận và các mạch máu nhỏ hơn trong thận. Theo thời gian thận sẽ bị tổn thương và dẫn tới suy thận

Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây suy thận. Những người bị suy thận không còn khả năng lọc chất thải ra khỏi cơ thể, và cần phải điều trị bằng chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận

Tăng huyết áp gây ra những tổn thương từ từ trong một thời gian dài mà không có triệu chứng biểu hiện ra ngoài. Đó là lý do vì sao bạn nên tập thói quen sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn ít đường, muối và chất béo.
Ngoài ra bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên để theo dõi, quản lý sức khỏe của mình nhé.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment