Chăm sóc trẻ

Trẻ sơ sinh bị đau bụng: Dấu hiệu, nguyên nhân và lời khuyên cho bà mẹ

Cuộc sống của bạn hoàn toàn thay đổi khi có thêm một em bé sơ sinh và trong nhiều tuần bạn ngạc nhiên khi thấy em bé chỉ ngủ, ăn, đi tiểu, đôi khi khóc nhưng rất dễ dỗ. Nhưng tới một ngày em bé khóc dai dẳng, tay nắm chặt, chân co lên, khuôn mặt đỏ ửng lên rất khó chịu, cho dù bạn cố gắng thế nào em bé cũng không nín. Và đó chưa phải là tất cả, em bé của bạn lặp đi lặp lại việc gây nhiều đau buồn này mỗi đêm khiến bạn thật mệt mỏi và lo lắng. Rất có thể em bé của bạn bị đau bụng co thắt.

Bạn đã biết gì về đau bụng co thắt ở trẻ sơ sinh? Triệu chứng nhận biết thế nào? Cách nhận biết em bé khóc vì đau bụng ra sao? Cách nào để giúp bé dễ chịu hơn? Khi nào cần đưa em bé đi khám? Bố mẹ cần làm gì để đỡ căng thẳng?

Hãy đọc bài viết sau để giải đáp các thắc mắc trên!

Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi các bà mẹ nên biết

Đau bụng co thắt ở trẻ sơ sinh là gì?

trẻ sơ sinh bị đau bụng

Thực tế đó là tất cả các em bé đều khóc. Đó là cách duy nhất và tốt nhất để diễn đạt điều bé muốn trong giai đoạn đầu đời. Với tư cách là cha mẹ, bạn luôn muốn dỗ dành em bé nín khóc ngay lập tức. Tuy nhiên, khi em bé bị đau bụng co thắt, em bé sẽ khóc rất đột ngột mà bạn không hề phát hiện ra nguyên nhân nào và không làm cách nào để dỗ cả.

Đau bụng co thắt (colic) hay còn gọi là khóc dạ đề hay hội chứng quấy khóc ở trẻ không phải là một bệnh cũng như không phải là một chẩn đoán mà nó là thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng khóc dai dẳng không nín ở một đứa trẻ khoẻ mạnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Cứ 5 trẻ sơ sinh thì có 1 trẻ xuất hiện vấn đề này. Trẻ có thể khóc hàng giờ liền, đôi khi tới tận đêm khuya. Hội chứng này thông thường bắt đầu từ khi bé được 2 – 4 tuần tuổi kéo dài cho đến khi được 3 – 4 tháng tuổi. Việc dỗ bé nín không hề dễ dàng, đôi khi có thể khiến bố mẹ cảm thấy bất lực. Colic là một hội chứng tự phát, điều này có nghĩa là không có nguyên nhân rõ ràng cũng như không có “thuốc đặc trị”.

Các bác sĩ chẩn đoán đau bụng co thắt ở trẻ sơ sinh dựa vào “luật số 3”, trong đó em bé khóc:

  • Kéo dài ít nhất ba giờ đồng hồ
  • Xảy ra ít nhất ba ngày một tuần
  • Diễn ra trong ít nhất ba tuần liên tiếp

Tất nhiên, một số em bé bị đau bụng quá mức, khóc lóc nhiều giờ, nhiều ngày và thậm chí nhiều tuần liền.

Một tin tốt là đau bụng co thắt không kéo dài mãi. Hầu hết các cơn đỉnh điểm vào khoảng 6 tuần và sau đó thường bắt đầu giảm dần sau 10 đến 12 tuần. Đến 3 tháng (thường muộn hơn một chút ở trẻ sinh non), hầu hết trẻ thường tự khỏi đau bụng một cách kì diệu. Đau bụng có thể dừng đột ngột – hoặc kết thúc dần dần, với một số ngày ngoan ngoãn và một số ngày quấy khóc, cho đến khi hết đau bụng hoàn toàn.

Trang bị một số kiến thức về vấn đề trên sẽ giúp các bậc cha mẹ bình tĩnh trải qua giai đoạn khủng hoảng này.

Dấu hiệu và triệu chứng của đau bụng ở trẻ sơ sinh

Làm thế nào để chắc chắn rằng con bạn bị đau bụng co thắt? Bên cạnh “luật số 3”, dưới đây là một vài dấu hiệu và triệu chứng đau bụng khác:

  • Khóc xảy ra vào cùng một thời điểm mỗi ngày (thường là vào cuối buổi chiều hoặc đầu buổi tối, nhưng nó có thể thay đổi).
  • Khóc dường như không có lý do (không phải vì cần phải thay bỉm hay vì đói, mệt)
  • Khi khóc bé thường siết chặt nắm tay, co chân lên, vung vẩy tay chân nhiều hơn.
  • Bé thường nhắm mắt hoặc mở mắt rất to, nhíu mày, thậm chí nín thở ngắn.
  • Nhu động ruột có thể tăng lên, bé có thể ợ hơi hoặc xì hơi.
  • Giấc ngủ không sâu và bé thường khóc ré lên khi đang ngủ.
  • Viêc ăn uống cũng bị đứt quãng bởi những cơn khóc quấy.
  • Khóc từng cơn với cường độ khác nhau, không thể dỗ dành được.

Khóc do đau bụng co thắt khác với khóc bình thường như thế nào?

Không có một sự phân biệt rõ ràng nào giữa khóc do đau bụng co thắt và khóc thông thường. Nhưng các bác sĩ thường đồng ý rằng sự khác biệt giữa đau bụng và khóc thông thường là em bé dường như không thể dỗ nín được, khóc chuyển thành la hét, và khóc kéo dài ít nhất ba giờ và đôi khi lâu hơn (đôi khi gần như suốt ngày đêm, khiến cha mẹ mệt mỏi và mất tinh thần). Thông thường, đau bụng co thắt tái phát hàng ngày, mặc dù có một số em bé không bị đau bụng vào đêm.

Trẻ sơ sinh bị đau bụng là do đâu?

Mặc dù nguyên nhân chính xác gây đau bụng là một bí ẩn, nhưng các chuyên gia biết nó không phải là kết quả của di truyền hoặc bất cứ điều gì bất thường xảy ra trong khi mang thai hoặc khi sinh. Cũng không do bất kì nguyên nhân nào về kỹ năng làm cha mẹ (thiếu kĩ năng hay đang học cách làm cha mẹ). Và đó cũng không hề do lỗi của ai cả.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra đau bụng co thắt ở trẻ:

Kích thích quá mức

Trẻ sơ sinh có một cơ chế tích hợp để điều chỉnh các các mối tác động từ môi trường và âm thanh xung quanh, cho phép bé ăn và ngủ mà không bị xung quanh làm phiền. Tuy nhiên, gần cuối tháng đầu tiên, cơ chế này biến mất – khiến trẻ nhạy cảm hơn với các kích thích xung quanh. Em bé cảm nhận được rất nhiều cảm giác mới, một số trẻ sơ sinh trở nên choáng ngợp, thường là vào cuối ngày. Để giải tỏa căng thẳng đó, trẻ khóc, khóc và khóc. Tới khi bé học được cách chọn lọc các kích thích từ môi trường, bé sẽ giảm được dùng trạng quá tải và ngừng quấy khóc

Do hệ thống tiêu hóa của bé chưa trưởng thành

Tiêu hóa thức ăn là một nhiệm vụ lớn đối với hệ thống tiêu hóa còn non nớt của bé. Do đó, thức ăn có thể đi qua quá nhanh và không bị phá vỡ hoàn toàn, dẫn đến đau do chướng hơi trong ruột.

Trẻ bị trào ngược axit

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng GERD ở trẻ sơ sinh (bệnh trào ngược dạ dày thực quản) đôi khi là một tác nhân gây đau bụng. GERD ở trẻ sơ sinh thường do cơ thắt giữa dạ dày và thực quản kém phát triển, do vậy axit từ dạ dày trào ngược lên họng, miệng, có thể gây kích ứng thực quản. Các triệu chứng bao gồm khạc nhổ thường xuyên, ăn uống kém và khó chịu trong và sau khi cho ăn. Có một tin tốt là, hầu hết trẻ sơ sinh đều vượt qua GERD trước 1 tuổi (và đau bụng thường biến mất rất lâu trước đó).

Dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm

Một số chuyên gia tin rằng đau bụng là kết quả của dị ứng với protein sữa (hoặc không dung nạp đường lactose) ở trẻ ăn sữa công thức. Hiếm gặp hơn, đau bụng có thể là một phản ứng với các loại thực phẩm cụ thể trong chế độ ăn uống của mẹ. Dù bằng cách nào, dị ứng hay nhạy cảm với thực phẩm đều gây ra đau bụng và làm trẻ quấy khóc.

Tiếp xúc với thuốc lá

Một số nghiên cứu cho thấy các bà mẹ hút thuốc trong hoặc sau khi mang thai có nhiều khả năng sinh con bị đau bụng co thắt; khói thuốc lá cũng có thể là thủ phạm. Mặc dù có mối liên quan nhưng không rõ khói thuốc lá gây đau bụng như thế nào. Khói thuốc lá còn gây nhiều nguy hiểm khác do vậy đừng hút thuốc hay đừng để bất kì ai hút thuốc xung quanh con bạn.

Trẻ sơ sinh bị đau bụng thì nên làm gì?

Bạn đang thất vọng và kiệt sức vì mọi cố gắng đều vô ích để dỗ em bé nín khóc. Hãy giữ bình tĩnh và thử áp dụng một vài cách dưới đây, tuy nhiên nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Đừng áp dụng quá nhiều cách cùng một lúc tránh làm bé quá tải. Bạn cần chuẩn bị tốt về cả tâm lí và thể lực để bớt căng thẳng khi giai đoạn này trôi qua.

Nếu bạn nghi ngờ bé bị kích thích quá mức

Vỗ về

Khóc là cách duy nhất để truyền đạt nhu cầu của bé. Khi bị đau bụng, quấy khóc, bé thường muốn được vỗ về, xoa nhẹ, ẵm đi qua đi lại. Cứ thử tất cả các cách có thể khi bé khóc. Đừng thất vọng nếu bé vẫn chưa nín ngay lúc này, đó không phải là lỗi của bạn đâu!  Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng việc dỗ dành vỗ về bé, đáp ứng kịp thời với tiếng khóc của bé sẽ làm giảm việc bé khóc dai dẳng.

Cho bé trải nghiệm với các kích thích một cách từ từ

Hạn chế khách đến thăm và cho bé trải nghiệm những điều mới trong môi trường kích thích, đặc biệt là vào cuối buổi chiều và đầu buổi tối. Xem cách em bé của bạn phản ứng với những kích thích nhất định, qua đó bạn có thể biết được điều gì gây khó chịu cho bé và tránh xa.

Tạo sự yên tĩnh

Cố gắng làm cho không gian của bé thật yên bình có thể giúp bé thư giãn. Giảm bớt ánh sáng, mở những bài hát có giai điệu êm dịu, nói nhẹ nhàng hoặc để yên tĩnh hoàn toàn, giảm thiểu tối đa mọi tiếng ồn và phiền nhiễu khác.

Nếu bạn nghi ngờ các vấn đề về đường tiêu hóa

Đặt một lực nhẹ lên bụng bé

Một số em bé bị đau bụng co thắt cảm thấy thoải mái hơn khi có một áp lực đặt lên bụng. “Colic Carry” chính là kiểu bế giúp làm xoa dịu những cơn khóc dai dẳng do đau bụng không rõ nguyên nhân. Vị trí này sẽ tạo ra một áp lực nhẹ nhàng lên dạ dày bé, làm dịu cơn đau bụng khó chịu của bé. Đặt em bé nằm sấp trên cẳng tay của bạn, ôm đầu em bé bằng bàn tay. Sử dụng tay kia của bạn để trấn an và xoa lưng em bé. Hay bạn có thể để mặt em bé áp dọc cánh tay của bạn, má của bé ở cùi chỏ của bạn. Hoặc giữ em bé ở tư thế đứng thẳng, áp bụng của em bé vào vai bạn. Hoặc đặt em bé nằm ngửa và đẩy đầu gối lên đến bụng trong 10 giây, sau đó thả ra và lặp lại, để giúp giảm khí.

Thử giúp em bé ợ hơi

Nếu sự quấy khóc không thể nguôi ngoai là do khí gas, đôi khi ợ hơi sẽ giúp giảm đau. Giúp bé ợ hơi bằng cách vỗ nhẹ vào lưng sau mỗi lần cho ăn. Ẵm bé tựa trên vai, đặt bé ngồi thẳng trên đùi bạn, hoặc lật úp người bé cho nằm trên đùi bạn, sau đó vỗ hay xoa nhẹ vào lưng bé. Nếu bé bú mẹ nên chú ý tư thế cho bé bú sao cho bé càng đứng thẳng càng tốt. Ngoài ra nến kiểm tra xem bé có ngậm ti mẹ đúng cách chưa. Nếu bé bú bình, đảm bảo bé không nuốt hơi từ bình sữa. Cho bé ngồi thẳng khi cho bú. Đảm bảo tư thế bú cho bé kể cả bú mẹ và bú bình.

Sử dụng siro tan biến ợ hơi (antigas)

Các nghiên cứu cho thấy siro tan biến ợ hơi có thể làm giảm sự khó chịu và quấy khóc. Vì vậy, hãy hỏi bác sĩ nhi khoa về việc thử dùng những sản phẩm antigas được làm bằng simethicon, hoạt động bằng cách phá vỡ bong bóng khí dư thừa và có thể làm khó chịu và quấy khóc.

Cân nhắc sử dụng men vi sinh

Men vi sinh hay Probiotic có thể giúp bé bị đau bụng ít quấy khóc hơn có thể là do probiotic phát triển tự nhiên trong đường tiêu hóa và giúp tăng cường sức khỏe đường ruột. Một số nghiên cứu gợi ý một số chủng vi khuẩn đặc biệt có thể hữu ích với trẻ bị đau bụng như Lactobacillus reuteri. Cần nhiều nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này. Hãy bàn bạc với bác sĩ của bạn trước khi quyết định cho trẻ dùng men vi sinh vì trong một số trường hợp có thể gây hại thêm cho trẻ.

Kiểm tra lại những gì bạn ăn

Mẹ nên thử một chế độ ăn ít dị ứng để xem con có giảm hiện tượng quấy khóc hay không. Nên hạn chế một số nhóm thức ăn sau chẳng hạn như rau họ cải gây ra chướng hơi (bắp cải, súp lơ), trái cây có tính axit hoặc thực phẩm gây dị ứng (sữa , đậu nành, lúa mì, trứng, đậu phộng, hạt cây, cá).

Thử ngưng từng nhóm thức ăn một trong vòng 1 tuần, ăn trở lại nếu trẻ không cải thiện và thử ngưng nhóm thức ăn tiếp theo và theo dõi trẻ xem có cải thiện hay không.

Phương pháp này tỏ ra hiệu quả hơn ở những trẻ có bà mẹ bị hen phế quản, chàm, viêm mũi dị ứng và bản thân trẻ có cũng có những bệnh tương tự.Không nên ngưng sữa mẹ để chuyển qua sữa công thức.

Thay đổi loại sữa công thức

Đối với một số trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa công thức, bạn nên đổi sang dùng loại được thiết kế cho bụng nhạy cảm hoặc một loại không chứa sữa bò để xem có thay đổi gì ở bé không. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sữa công thức thủy phân không gây kích ứng làm giảm đau bụng ở một số trẻ. Chỉ cần chắc chắn để có được sự chấp thuận của bác sĩ trước khi đổi loại sữa công thức. Ngoài ra, tránh các loại sữa thủy phân casein hoặc các sữa công thức thủy phân một phần – đơn giản là không đủ bằng chứng cho thấy chúng có tác dụng trong đau bụng co thắt.

Thảo dược

Các phương thuốc thảo dược – các loại thảo mộc như hoa cúc, hạt thì là và tinh dầu bạc hà được cho là có tính chống co thắt và đã được sử dụng ở trẻ bị colic. Mặc dù một số nghiên cứu đã cho thấy có sự cải thiện ở trẻ được cho uống trà với hỗn hợp các loại thảo mộc khác nhau, tuy nhiên các cha mẹ nên thận trọng khi thử phương pháp này.

Gripe water

Là một hỗn hợp các thảo dược và nước được giới thiệu là có thể điều trị colic, tuy nhiên có nhiều loại gripe water khác nhau đã được phát hiện là chứa thành phần gây hại trong đó bao gồm cả cồn. Liệu pháp vi lượng đồng căn cũng được xác định có chứa một số chất gây hại.

Hãy trao đổi trước với bác sĩ nếu bạn có ý định sử dụng một phương pháp thảo dược cho con mình. Liệu pháp thảo dược có thẻ không phù hợp và đôi khi gây hại trong một số trường hợp.

Các biện pháp làm dịu khác cho trẻ sơ sinh bị đau bụng co thắt

Gần gũi với bé

Không chỉ âu yếm mà địu hay bế đều có thể mang lại cho bé niềm vui an toàn và gần gũi về thể xác với bạn do bé đã quen với việc 9 tháng liên tục nằm trong bụng mẹ.

Quấn em bé chặt hơn

Quấn em bé của bạn trong một chiếc chăn nhỏ hay một chiếc ỏm có thể khiến bé cảm thấy ấm áp và an toàn. Các chuyên gia cho rằng quấn chặt hơn có thể làm em bé có cảm giác như đang ở trong dạ con của mẹ. Có nhiều ông bố bà mẹ cũng công nhận rằng quấn chặt làm em bé bình tĩnh hơn và ngủ lâu hơn. Tất nhiên, bạn không được quấn trùm cả đầu và mặt bé sẽ khiến bé không thở được. Ngoài ra, cần đảm bảo bé không bị nóng quá.  Sự kết hợp giữa ấm áp và cảm giác an toàn có thể giúp bé lau khô nước mắt.

Tạo tiếng ồn trắng

Tiếng kêu của máy hút bụi hoặc máy sấy có thể an ủi trẻ sơ sinh (đây là âm thanh gợi nhớ đến môi trường ở trong tử cung mẹ khi bé còn là bào thai). Bạn thậm chí có thể muốn đầu tư mua một chiếc máy tạo tiếng ồn trắng cho con.

Cho bé nghe nhạc êm dịu

Một em bé đang khóc cũng có thể đáp ứng với tiếng hát lặng lẽ của một bài hát ru hoặc một đĩa CD nhạc cổ điển nhẹ nhàng. Những trẻ sơ sinh khác thích những âm thanh của thiên nhiên hoặc tiếng quạt rít. Hay tạo ra tiếng suỵt hay âm thanh kiểu Shhhhhh…shhhh…shhhh… cũng có thể giúp ích.

Cho bé mút ti giả

Một số em bé bị đau bụng dường như muốn ăn mọi lúc – và cũng có thể là vì mút rất dễ chịu, không phải vì chúng đói. Vì vậy, nếu bé con của bạn lúc nào cũng có vẻ giận dỗi dù bạn đã cho ăn đầy đủ nhưng cũng không làm em bé thỏa mãn, núm vú giả cũng có thể giúp ích. Hỏi ý kiến bác sĩ xem lượng sữa bạn cho bé ăn mỗi bữa có đủ hay không.

Xem thêm: Cách chọn bình sữa và núm vú tốt nhất cho bé

Bế bé ra ngoài trời

Đôi khi, chỉ cần thay đổi địa điểm sẽ thay đổi tâm trạng của em bé một cách kỳ diệu. Sự thay đổi về ánh sáng, không khí, nhiệt độ, tầm nhìn, âm thanh và mùi có khả năng cải thiện tâm trạng của bé – và cho cả của bạn nữa.

Có nên đưa bé đi khám?

Tình trạng quấy khóc dai dẳng của bé đa phần là do đau bụng co thắt, tuy nhiên đưa bé đi khám cũng là một điều nên làm để có thêm sự trấn an và những tư vấn về cách làm dịu bé. Hãy mô tả  kiểu khóc (thời gian, cường độ, triệu chứng kèm theo…) sẽ giúp bác sĩ loại trừ bất kì tình trạng tiềm ẩn nào như trào ngược, nhiễm trùng, dị ứng sữa có thể gây ra quấy khóc.

Khi nào tiếng khóc cảnh báo tình trạng nguy hiểm?

Trong một số trường hợp, tiếng khóc của bé sơ sinh đồng nghĩa với dấu hiệu nguy hiểm về sức khỏe. Đó là:

  • Bé khóc kèm với triệu chứng khó thở, tím tái
  • Bé khóc thét lên rồi lặng đi vài giây, tiếng khóc có âm độ cao bất thường
  • Bé khóc kèm với sốt cao trên 38.5 độ, co giật
  • Bé khóc kèm nôn trớ nhiều lần

Nếu thấy những dấu hiệu trên, bạn cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có sự trợ giúp của các y bác sĩ.

Sức khỏe của trẻ sơ sinh là vấn đề vô cùng phức tạp, vì vậy đừng lơ là, chủ quan dựa vào kinh nghiệm hoặc phỏng đoán cá nhân.

Làm thế nào để bố mẹ đối phó với đau bụng co thắt ở trẻ?

Nếu bé của bạn khóc dai dẳng và bạn không thể dỗ bé nín, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy kiệt sức. Hội chứng colic có thể gây ra stress cho bạn và cả chồng bạn. Bạn càng lo lắng, căng thẳng, bạn càng khó xoa dịu được bé. Hãy thử các cách sau:

Thay phiên nhau nghỉ ngơi

Nếu có cả bố và mẹ khi bé quấy khóc, hãy chia thời gian trông bé (một giờ nghỉ, một giờ trông bé hoặc bất kì sự sắp xếp nào tốt nhất cho cả 2 bạn)

Sử dụng nút tai, tai nghe khử tiếng ồn hoặc nghe nhạc

Nhằm mục đích để giảm bớt ảnh hưởng của tiếng khóc của bé. Tuy nhiên, đừng để tới mức bạn không nghe được gì từ em bé, chí ít những cơn quấy khóc của em bé sẽ không ồn ào trong một khoảng thời gian ngắn.

Chia sẻ và nhờ sự giúp đỡ

Bạn hãy chia sẻ việc chăm sóc bé với chồng của bạn nhé. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhờ bạn bè hay họ hàng chăm sóc bé một lúc để bạn có thể đi bộ thư giãn hoặc tắm táp để lấy lại năng lượng.

Nếu bạn cảm thấy mình bắt đầu cáu giận và buồn bực với con, hãy hít một hơi thật sâu và đặt bé trong chiếc giường cũi. Sau đó gọi cho bạn bè và người thân đến giữ hộ bé để bạn có thể bình tĩnh lại.

Điều quan trọng cần ghi nhớ việc bé khóc quấy không phải do lỗi của ai cả cũng như bé sẽ không hề bị tổn hại gì. Đau bụng co thắt là một “hiện tượng thoáng qua” trong giai đoạn phát triển của bé. Khi bé càng lớn, hội chứng này càng bớt đi và sẽ biến mất trước khi bạn nhận ra điều đó. Vậy nên, hãy bình tĩnh cùng bé vượt qua giai đoạn khủng hoảng này!

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment