Chất dinh dưỡng

Selen là gì? Tác dụng của selenium ra sao? Bổ sung thế nào?

Bạn có biết huyện Như Cao, Tô Châu (TQ) được dân gian quen miệng gọi là “huyện trường thọ”, “làng cao niên” vì ở đây có rất nhiều người cao tuổi sinh sống, đặc biệt có tới trên 300 người sống trên trăm tuổi.

Đây được xem là 1 trong 6 vùng có tuổi thọ cao nhất thế giới. Để tìm ra bí mật cho việc này các nhà khoa học đã dành hơn 2 tháng để nghiên cứu nhiều tiêu chí, đặc biệt là lấy các mẫu đất đai, nước, thực phẩm và nhiều mẫu khác để tiến hành phân tích và họ đã tìm ra: Đó là khu vực Như Cao có tỉ lệ Selen trong môi trường sống khá cao, có nơi cao gấp 5 lần so với những vùng còn lại trong nhóm khảo sát. Đặc biệt, chúng có khá nhiều trong nước và thực phẩm.

Tuy nhiên 98% người được hỏi lại không biết Selen là gì và có tác động tới sức khỏe như thế nào. Nếu bạn cũng giống 98% này, bài viết sau đây là dành cho bạn.

Trong bài viết này hãy cùng mình tìm hiểu xem:

  • Selenium là gì?
  • Tác dụng của Selenium đối với sức khỏe
  • Các nguồn thực phẩm giàu Selen
  • Nguyên nhân gây thiếu Selen
  • Làm thế nào để biết bạn đang bị thiếu hụt Selen
  • Các tác dụng không mong muốn của Selen

Nào bắt đầu thôi!

Selenium là gì?

Selenium

Selen hay Selenium là một khoáng chất vi lượng tự nhiên được tìm thấy trong đất, trong các loại thực phẩm giàu Selen và thậm chí còn có một lượng nhỏ trong nước. Selenium còn có mặt trong cơ thể với hàm lượng rất ít nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Thiếu hụt Selen có thể làm tăng nguy cơ của một số vấn đề sức khỏe như: Ung thư, xơ vữa động mạch, xơ gan, đái tháo đường, đột quỵ, suy tim… Nó là một chất giải độc kỳ diệu chuyên “săn bẫy” các kim loại nặng độc hại rồi thải trừ chúng ra khỏi cơ thể. Người ta cũng chứng minh được Se đóng vai trò then chốt trong quá trình oxy hóa, chống lão hóa cơ thể.

Selenium có lợi cho cơ thể của bạn như thế nào?

Hàng ngày cơ thể chúng ta cần khoảng 0,05 – 0,10mg Selen, nó được hấp thu ở ruột non và thải trừ qua phân, nước tiểu, mồ hôi.

Selenium đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ cơ thể vì nó làm tăng khả năng chống oxy hóa và chất lượng dòng máu, do đó tăng cường sức đề kháng của cơ thể từ đó chống lại bệnh tật và căng thẳng. Selen thường được ca ngợi vì vai trò chống oxy hóa, làm giảm tổn thương do gốc tự do và viêm nhiễm. Điều này được cho là do các loại Selenoprotein khác nhau được tìm thấy trong Selen.

Điều này có nghĩa là Selen có lợi cho cơ thể của bạn bằng cách giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư thông thường, chống lại virus, chống lại bệnh tim và làm chậm các triệu chứng trầm trọng của bệnh hen suyễn.

Các nguồn thực phẩm tự nhiên giàu Selen gồm có các loại hạt Brazil, trứng, gan, cá ngừ, cá tuyết và hạt hướng dương, ngoài ra còn có thịt gia cầm và một số loại thịt nhất định.

Thực phẩm nguyên chất là nguồn cung cấp Selen tốt nhất, đặc biệt là các loại thực phẩm được chế biến một cách tinh tế, vì Selen có thể bị phá hủy trong quá trình chế biến và trong các phương pháp nấu bằng nhiệt rất cao.

Những người khỏe mạnh thường không bị thiếu hụt Selen. Tuy nhiên, những người có tình trạng sức khỏe nhất định, chẳng hạn như HIV, bệnh Crohn và các rối loạn khác làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, có thể dẫn đến thiếu hụt Selen.

8 tác dụng của Selenium

Đây chỉ là 8 lợi ích chính của Selen đối với cơ thể bạn.

1. Hoạt động như một chất chống oxy hóa

Các gốc tự do được sinh ra trong quá trình chuyển hóa hoặc bị nhiễm từ bên ngoài vào cơ thể, có khả năng oxy hóa cao, là thủ phạm gây nên hoặc làm nặng thêm một số bệnh, làm tăng quá trình lão hóa. Selen được coi là đứng đầu bảng trong số các chất chống oxy hóa mạnh để vô hiệu hóa gốc tự do, chống lão hóa.

Selen có khả năng chống lại quá trình lão hóa và giúp hệ thống miễn dịch bằng cách giảm tổn thương do các gốc tự do. Selenium có tác dụng hiệp đồng với các chất chống oxy hóa khác như vitamin E, giúp cơ thể chống lại stress oxy hóa và phòng chống ung thư như ung thư tuyến tiền liệt và đại tràng.

Selen là chất cần thiết để chống lại sự thoái hóa của tế bào và bảo vệ chống đột biến, tổn thương DNA – những yếu tố có thể gây bệnh.

2. Chống lại ung thư

Selen đặc biệt hữu ích nếu bạn có hệ miễn dịch yếu hoặc gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh ung thư. Các can thiệp sử dụng phương pháp điều trị Selenium liều cao cho thấy nó có khả năng chống ung thư trong cơ thể.

Theo các nghiên cứu, Selen có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ ung thư, tỷ lệ tử vong do ung thư và mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư – đặc biệt là ở gan, tuyến tiền liệt, đại trực tràng và phổi. Ở những người có hàm lượng Selen trong máu thấp, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 4-5 lần so với người bình thường.

Selenium hoạt động như một thợ cơ khí nhỏ bé trong cơ thể. Nó đi vào nhân của tế bào nơi DNA và bộ gen được lưu trữ và tìm thấy cấu trúc bị tổn thương. Nó gắn với chất bảo vệ chống oxy hóa như glutathione để giảm và sửa chữa thiệt hại cho DNA (nếu không kiểm soát được có thể dẫn đến đột biến tế bào ung thư và tăng kích thước khối u).

Selen làm được điều này vì nó có một công việc đặc biệt là kích hoạt Selenoprotein – hoạt động như một enzyme giúp chất chống oxy hóa hoạt động tốt nhất có thể. Có bằng chứng cho thấy lợi ích của Selenium không chỉ có thể làm giảm nguy cơ ung thư, mà còn giúp làm chậm tiến triển ung thư và tăng trưởng khối u.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một liều cao 200 mg Selen mỗi ngày có thể có hiệu quả trong việc bảo vệ DNA, điều này có thể làm giảm nguy cơ đột biến tế bào cũng như sự phát triển ung thư.

Các nghiên cứu khác cho thấy rằng ở những khu vực trên thế giới có lượng Selen thấp nhất trong đất, có nguy cơ ung thư cao hơn những nơi có nồng độ Selen cao hơn. Do đó, trong một số trường hợp, Selen giúp ngăn ngừa sự phát triển của ung thư.

3. Tăng cường khả năng miễn dịch

Selenium là thành phần quan trọng tham gia vào cấu tạo của các globulin miễn dịch (IgG, IgM, IgA) và coenzym của glutathion peroxydase – chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào của cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do trong đó có các tế bào miễn dịch (bạch cầu trung tính, đại thực bào và tế bào lympho). Do đó, Selen rất cần thiết cho hệ thống miễn dịch của con người đặc biệt là trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện.

Theo các nghiên cứu, Selen cần thiết cho hoạt động chính xác của hệ thống miễn dịch và cũng có thể là một chất dinh dưỡng quan trọng trong việc chống lại sự phát triển của virus, bao gồm cả HIV. Ở những bệnh nhân đã nhiễm HIV, Selenium cũng được chứng minh là có ích trong việc làm chậm sự tiến triển của căn bệnh này sang giai đoạn AIDS.

4. Cải thiện lưu lượng máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Nồng độ Selen thấp có liên quan với tăng nguy cơ của bệnh tim mạch. Người ta tin rằng Selenium có thể có lợi cho sức khoẻ tim mạch là nhờ khả năng chống viêm, tăng lưu lượng máu, giảm stress oxy hóa do gốc tự do và giúp chống lại quá trình oxy hóa.

Đến nay, ở một vài nghiên cứu quan sát thấy nồng độ Selen có liên quan tỉ lệ nghịch với nguy cơ bệnh mạch vành. Tuy nhiên, các nghiên cứu đôi khi có thể dẫn đến những bằng chứng gây hiểu lầm và do đó vẫn chưa xác định được Selen có nên được kê toa cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hay không (xem thêm tại đây).

5. Điều chỉnh chức năng tuyến giáp

Có một sự liên quan giữa sự trao đổi chất của tuyến giáp và thiếu hụt Selen. Selenium như một chất xúc tác cho việc sản xuất các hormon tuyến giáp.

Nếu bạn tưởng tượng rằng cơ thể của bạn là một cơ sở sản xuất, thì tuyến giáp của bạn sẽ là ông chủ chính chịu trách nhiệm điều chỉnh toàn bộ hệ điều hành, vì vậy khi tuyến giáp không hoạt động đúng sẽ có nhiều hậu quả nghiêm trọng dễ dàng nhận thấy xảy ra.

Tuyến giáp kiểm soát nhiều chức năng cơ thể quan trọng, bao gồm sự thèm ăn, giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể, trọng lượng, năng lượng và nhiều hơn nữa.

Chỉ cần có một vấn để về tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng tiêu cực, như khó chịu, yếu cơ, mệt mỏi, tăng cân hoặc gầy sut, khó ngủ và nhiều phản ứng khác. Do đó bổ sung đầy đủ Selen có lợi cho tuyến giáp và cơ thể theo nhiều cách.

Sự thiếu hụt Selen tương quan với các vấn đề trong tuyến giáp và cách tổng hợp các hormon thích hợp. Vì vậy, chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều giá trị của việc sử dụng bổ sung Selen để điều trị các rối loạn tự miễn dịch và tuyến giáp.

Selen hoạt động như một chất bảo vệ mạnh mẽ của tuyến giáp. Nó điều chỉnh sự sản sinh các phản ứng oxy trong tuyến và bảo vệ nó khỏi các kháng thể có thể tạo ra bệnh tuyến giáp (xem thêm tại đây).

Selen có trong thành phần của iodothyronin deiodina. Selenium có liên quan đến tổng hợp hormon triiodothyronin (T3) từ thyroxin (T4). Cộng đồng dân cư sống trong những vùng thường xuyên thiếu Selen thì có thể thiếu cả iốt, do đó Selenium cần phải được cung cấp đầy đủ để phòng bệnh tuyến giáp, đặc biệt là cung cấp đầy đủ cho trẻ em.

Vì những lý do này, lợi ích của Selen cũng đang được nghiên cứu để xem liệu chúng có thể giúp bệnh nhân bị bệnh Hashimoto, bệnh Grave và ở phụ nữ có thai có kháng thể kháng TPO hay không. Selen có thể làm tăng khả năng miễn dịch, giảm phản ứng tự miễn và giảm viêm ở những bệnh nhân trên.

6. Tăng tuổi thọ

Như đã được nói tới ở ngay phần đầu bài viết, bí mật của huyện Như Cao đó chính là Selenium. Các nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của khoáng chất quan trọng này đối với sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta. Nếu bạn muốn sống một cuộc sống lâu dài, sống động, Selen chắc chắn là một khoáng chất bạn muốn đưa vào chế độ ăn uống của mình.

Selenium cũng đã được nghiên cứu để điều trị hàng chục tình trạng từ hen suyễn đến viêm khớp, rối loạn tuyến giáp và bệnh tim. Nguy cơ của những bệnh này tăng lên khi chúng ta già đi, do đó bổ sung đầy đủ Selen có thể giúp bảo vệ cơ thể và góp phần tạo nên một cuộc sống lâu dài.

Selen là một khoáng chất vi lượng, có nghĩa là chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ. Tuy nhiên, cơ thể có thể đào thải Selen một cách nhanh chóng. Vì nó đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng của cơ thể – do đó điều quan trọng là tiêu thụ nó thường xuyên, đặc biệt là khi bạn già, để tận dụng tất cả những lợi ích Selen.

7. Giúp giảm triệu chứng hen suyễn

Các nghiên cứu quan sát đã chứng minh rằng bệnh nhân bị hen mạn tính có thể có nồng độ Selen trong máu thấp hơn. Theo các nghiên cứu, khi những người bị hen suyễn uống bổ sung Selen, họ gặp ít triệu chứng liên quan đến hen hơn so với những người dùng giả dược.

Các chuyên gia nghĩ rằng bổ sung Selen có thể là một điều trị bổ sung hữu ích bên cạnh việc điêìu trị bằng thuốc cho bệnh nhân hen suyễn mãn tính. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi điều này trở nên thường xuyên, vì các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được tác dụng đầy đủ của Selen đối với chức năng phổi.

8. Có thể giúp tăng khả năng sinh sản

Selenium là cần thiết cho sự di chuyển của tinh trùng và cũng làm tăng lưu lượng máu, hai thành phần chính liên quan đến thụ thai và đánh bại vô sinh. Selen được kết hợp trong màng ty thể của tinh trùng và có thể ảnh hưởng đến hành vi và chức năng của tinh trùng khi chúng di chuyển qua âm đạo.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng Selen có thể làm giảm nguy cơ sẩy thai, nhưng vào thời điểm này, nhiều nghiên cứu về bổ sung Selen đã được dành riêng cho vô sinh ở nam giới hơn là ở phụ nữ (xem thêm tại đây).

Ngoài ra Selen còn có khả năng khử độc do nó thể liên kết với các kim loại nặng (thủy ngân, chì, asen, cadimi…) cùng với một loại protein đặc biệt làm mất tác dụng của các kim loại này và tăng cường đào thải chúng theo đường nước tiểu.

Liều lượng Selenium

Điều quan trọng cần lưu ý là nếu bạn đã tiêu thụ đủ lượng Selen từ một chế độ ăn uống lành mạnh, tiêu thụ nhiều Selen hơn có thể không có lợi và liều cao đạt tới 400 microgram thậm chí có thể có hại.

Các chuyên gia khuyên bạn nên bổ sung bằng việc ăn các loại thực phẩm giàu Selen. Không ai nên vượt quá khuyến cáo bằng cách bổ sung liều rất cao mà không tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Theo nghiên cứu, bổ sung Selen có thể có lợi cho những người có tình trạng thiếu hụt, nhưng với những ai đã đủ Selen thì có thể bị ảnh hưởng bất lợi và độc tính.

Liều Selen hàng ngày được đề nghị tùy thuộc vào độ tuổi của bạn như sau (theo USDA):

  • Trẻ em 1-3 tuổi: 20 microgam / ngày
  • Trẻ em 4–8 tuổi: 30 microgam / ngày
  • Trẻ em 9–13 tuổi: 40 microgram / ngày
  • Người lớn và trẻ em từ 14 tuổi trở lên: 55 microgam / ngày
  • Phụ nữ mang thai: 60 microgam / ngày
  • Phụ nữ cho con bú: 70 microgam / ngày

Nguồn thực phẩm giàu Selen

Selen có mặt trong các loại cá (cá thu, cá ngừ, cá cơm, cá trích, cá chỉ vàng, cá hồi, cá mòi) trong đó cá biển có nhiều Selenium hơn cả. Selen cũng có ở động vật có vỏ (hàu, sò điệp, tôm hùm), trong nấm, lòng đỏ trứng, các loại ngũ cốc nguyên hạt, hạt hướng dương, quả hạch, men bia, mầm lúa….

Lưu ý: Selen dễ bị phá hủy khi thực phẩm được tinh chế hoặc chế biến qua nhiều công đoạn. Ăn nhiều loại thực phẩm thô chưa qua chế biến cũng là một cách tốt để có Selen trong chế độ ăn uống của bạn.

Dưới đây là 12 loại thực phẩm hàng đầu có hàm lượng Selenium cao (tỷ lệ phần trăm dựa trên RDA là 55 mcg / ngày đối với người lớn):

  • Brazil Nuts – 1 cup: 607 micgroam (1,103%  DV)
  • Trứng – 1 trứng trung bình: 146 microgram (265% DV)
  • Hạt hướng dương – 1 chén: 105 microgram (190% DV)
  • Gan (cừu, bò) – 3 ounces: 99 microgram (180% DV)
  • Cá quân (Rockfish) – 3 ounce: 64 microgram (116% DV)
  • Cá ngừ – 3 ounces: 64 microgram (116% DV)
  • Cá trích – 3 ounces: 39 microgram (71% DV)
  • Ức gà – 3 ounce: 33,2 microgram (58% DV)
  • Cá hồi – 3 ounces: 31 microgram (56% DV)
  • Gà Tây – 3 ounces: 25 microgram (45% DV)
  • Hạt Chia – 1 ounce: 15,6 microgram (28% DV)
  • Nấm – 1 chén hỗn hợp: 15 microgram (27% DV)

Tác dụng phòng chống ung thư, bệnh tim mạch… của Selen được tăng cường với sự có mặt của vitamin E hoặc vitamin C (Nghiên cứu SU.VI.MAX – Pháp). Vì vậy, hãy bổ sung vào khẩu phần ăn của bạn một số thực phẩm giàu Selen và giàu vitamin E, C cùng với nhau.

Nguyên nhân gây thiếu hụt Selen

Selen có thể được tìm thấy trong đất và từ các nguồn thực phẩm. Thực tế có bốn loại khoáng chất Selenium vi lượng. Bốn trạng thái tự nhiên của Selen là Selen nguyên tố, Selenua, Selenit và Selenat.

Hai loại, Selenat và Selenite, được tìm thấy chủ yếu trong nước, trong khi hai loại kia là các loại được tìm thấy trong đất và do đó chúng được tìm thấy trong các nguồn thực phẩm. Đối với con người, con đường chính của việc tiêu thụ Selen là qua thức ăn, tiếp theo là nước và sau đó bằng đường không khí.

Hàm lượng Selen trong đất khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào vị trí. Ví dụ, một số nghiên cứu lo ngại rằng các phần của châu Âu và châu Phi có lượng Selen thấp trong đất và dân số sống trong những khu vực đó có thể có miễn dịch kém hơn vì điều này.

Các nghiên cứu khác có nhiều bằng chứng hơn cho thấy sự suy giảm nồng độ Selen trong máu trong các quần thể ở các vùng của Vương quốc Anh và các nước Liên minh châu Âu khác, điều này khiến các chuyên gia y tế lo lắng về một số tình trạng sức khỏe có thể gây ra do thiếu hụt Selen.

Một trong những mối quan tâm chính là những quần thể này bắt đầu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh mãn tính cao hơn chẳng hạn như ung thư và bệnh tim.

Ngay cả trong các nguồn thực phẩm, lượng Selen phụ thuộc phần lớn vào điều kiện đất mà thực phẩm phát triển. Do đó ngay cả trong cùng một loại thực phẩm, lượng Selen có thể thay đổi rất nhiều và lợi ích của Selen cũng thay đổi theo.

Thiếu hụt Selen và thiếu iốt cũng được coi là phổ biến ở những vùng bị ảnh hưởng bởi bệnh Kashin-Beck, một chứng rối loạn xương mãn tính.

Thiếu Selen và những hậu quả

Cho tới nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, thiếu Se sẽ gây nên nhiều bệnh tật đối với động vật. Có thể kể tới một số bệnh như bệnh Keshan, bệnh cơ trắng, bệnh kashin-beck, ung thư, rối loạn nội tiết, v.v..

Bệnh cơ trắng (white muscle), hay còn gọi là bệnh loạn dưỡng cơ, là một trong các bệnh rất phổ biến đối với gia súc ăn cỏ còn non. Nguyên nhân chính là do trong khẩu phần ăn thiếu Se. Khi cơ thể bị thiếu Se lâu dài, hệ thống cơ bị tổn thương dưới dạng thoái hóa hoại tử, đặc biệt là cơ tim và kèm theo loạn dưỡng cơ ở gan, do vậy gia súc thường bị đột tử. Từ thực tế này, việc đánh giá tỷ lệ trẻ sơ sinh bị mắc các bệnh tim mạch ở các vùng thiếu hụt Se là điều nên làm. Bởi lẽ, Se có mối liên quan chặt chẽ với hoạt động của tim, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời của trẻ.

Bệnh Keshan được mô tả lần đầu tiên ở Trung Quốc trên trăm năm trước đây và được quan tâm nhiều trong những thập kỷ gần đây khi người ta xác định được nguyên nhân gây bệnh là do cơ thể thiếu hụt Se. Người mắc bệnh Keshan chủ yếu tập trung ở những vùng có hàm lượng Se trong đất thấp.

Trước đây trong các sách giáo khoa, dinh dưỡng bao gồm cả sách phổ cập giáo dục… nói về các chất khoáng cần cho cơ thể, người ta chỉ đề cập tới các nguyên tố vi lượng như sắt, đồng iốt, mangan, coban… còn Selen thì rất ít. Thế nhưng vào năm 1932, người ta đã quan sát những cái chết đột ngột không giải thích được ở vùng Keshan (Vũ Hán), Trung Quốc, với hàng nghìn người chết trong vài ngày. Điều khác thường duy nhất thấy được là bề dày cơ tim giảm đến mức tim không hoạt động được nữa. Mãi 25 năm sau mới khám phá ra rằng những cái chết nói trên là do thiếu nghiêm trọng khoáng chất Selen, vì đất nơi đây có hàm lượng Selen cực kỳ thấp. Và phải mất 22 năm nữa (1979) mới chứng tỏ được rằng Selen là rất cần cho con người và giải thích được rằng khoảng 10 triệu người Trung Quốc đã chết vì thiếu Selen. Từ đó mà xuất hiện cụm từ “Hội chứng Keshan” và chỉ cần bổ sung Selen thì tình trạng bệnh được cải thiện rõ rệt.

Ngoài ra, thiếu Selen còn làm tăng nguy cơ vô sinh của nam giới và làm giảm khả năng thụ thai của nữ, làm mất độ bóng, dễ gãy tóc và móng, gây rối loạn chuyển hóa hormon ảnh hưởng tới sự phát triển và hoàn thiện của cơ thể.

Do vậy, trong khẩu phần ăn uống cần phải được cung cấp đủ Selen, đặc biệt là đối với trẻ em và người cao tuổi, nhằm giúp cơ thể phát triển bình thường và giảm nguy cơ bị những bệnh như đã nói. Khi có biểu hiện thiếu Selen cần được bổ sung kịp thời bằng các sản phẩm chiết xuất từ tự nhiên có chứa Selen.

Làm thế nào để biết bạn đang thiếu hụt Selen

Nếu bạn ở trong một tình trạng khiến bạn có nguy cơ bị thiếu hụt Selen, bạn có thể muốn kiểm tra lượng Selen của mình để xem liệu bạn có thể có thêm các lợi ích từ việc bổ sung Selen bằng cách uống thuốc hay không. Để tìm hiểu lượng Selen hiện tại của bạn, bạn có thể làm xét nghiệm máu hoặc tóc do bác sĩ thực hiện.

Tuy nhiên, xét nghiệm máu sẽ chỉ cho bạn thấy lượng Selen mà bạn đã dùng gần đây. Ngoài ra, độ chính xác của các xét nghiệm tóc không hẳn là rất phù hợp, vì khoáng chất được lưu trữ khác nhau trong các cơ quan và hệ thống khác nhau.

Ví dụ, tuyến giáp của bạn lưu trữ nhiều Selen hơn bất cứ nơi nào khác trong cơ thể vì Selen đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất.

Thận trọng và tác dụng phụ của Selen

Nhu cầu Selen của cơ thể rất nhỏ nhưng không thể thiếu. Uống ở liều bình thường, Selen thường không có tác dụng phụ tiêu cực. Tuy nhiên, nếu bổ sung Selen bằng đường uống cần lưu ý hàm lượng Selen trong máu cao (>100mg/ml) có thể dẫn đến một tình trạng gọi là Selenosis.

Quá liều Selen có thể gây ra các triệu chứng như hơi thở hôi, sốt, buồn nôn và các biến chứng gan – thậm chí là các vấn đề về thận và tim – mặc dù chúng chỉ xảy ra ở nồng độ Selen rất cao, đạt trạng thái “ngộ độc”.

Một lần nữa, độc tính của hầu hết các loại Selen là hiếm và thường chỉ xuất hiện ở những người bổ sung với hàm lượng Selen cao. Mức độ quá cao có thể dẫn đến ngộ độc Selen và điều này có thể gây tử vong hoặc dẫn đến đau tim và suy hô hấp.

Selen cũng có thể tương tác với các loại thuốc và chất bổ sung khác. Chúng bao gồm thuốc kháng acid, thuốc hóa trị, corticosteroid, niacin, thuốc statin hạ cholesterol và thuốc ngừa thai. Nếu bạn dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này, tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung bất kỳ vitamin và khoáng chất nào, kể cả Selen.

Do đó, nếu không có chỉ định của bác sĩ thì không nên bổ sung Selen bằng đường thuốc mà nên sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên có nguồn Selen tốt. Các nguyên tố Selen trong tế bào sống sẽ tương thích với cơ thể người hơn các Selen được tổng hợp trong phòng thí nghiệm bởi vậy cơ thể sẽ hấp thu nhanh hơn, tác dụng tốt hơn.

Những điều bạn nên nhớ về Selen

  • Selen là một khoáng chất vi lượng được tìm thấy tự nhiên trong đất. Nó cũng xuất hiện trong các loại thực phẩm nhất định và thậm chí còn có một lượng nhỏ trong nước.
  • Selenium có lợi cho cơ thể theo nhiều cách. Các lợi ích sức khỏe Selen hàng đầu bao gồm bảo vệ chống lại stress oxy hóa, bệnh tim và ung thư; tăng cường khả năng miễn dịch; điều chỉnh chức năng tuyến giáp; tăng tuổi thọ; giảm triệu chứng hen suyễn; thúc đẩy khả năng sinh sản.
  • Các nguồn thực phẩm tốt nhất của Selen bao gồm các loại hạt Brazil, trứng, hạt hướng dương, gan, cá tuyết, cá ngừ, cá trích, ức gà, cá hồi, gà tây, hạt chia và nấm.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment