Đến tam cá nguyệt thứ 3, bạn có thể cảm thấy như đã đạt đến được một cột mốc quan trọng. Bắt đầu quý 3 là bạn đã có thể bắt đầu đếm ngược ngày cho đến khi bạn sinh em bé. Giai đoạn 3, chính thức là khoảng thời gian từ tuần 26 cho đến tuần 40 của thai kỳ. Trên thực tế, còn tùy vào cách tính tuổi thai mà có thể có một hoặc hai tuần thêm bớt. Bạn và em bé trong bụng của bạn có thể đã đi được hai phần ba quãng đường rồi đó, nhưng em bé của bạn vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bạn có thể cảm thấy như bụng của bạn không thể nào to hơn nữa, nhưng bạn nên biết là nó sẽ trở nên to hơn trong suốt ba tháng cuối của thai kỳ. Kích cỡ của bụng sẽ tăng nhanh chóng. Đây là giai đoạn mà tất cả các cơ quan và các hệ thống trong cơ thể em bé đã sẵn sàng để sống thêm một quãng thời gian nữa trong tử cung của mẹ. Mặc dù các bộ phận đã được hình thành đầy đủ từ lúc 12 tuần, nhưng chúng cũng cần phải phát triển và trưởng thành hơn rất nhiều cho đến thời điểm này. Các chuyển động của em bé giờ đây mạnh mẽ và chủ động hơn. Khi bé lớn lên thì cũng đồng nghĩa là có ít không gian hơn để di chuyển tự do, vì vậy, bạn sẽ có thể cảm nhận được rõ hơn những chuyển động của bé bên trong.
Dưới đây là vài thông tin hữu ích cung cấp cho bạn về giai đoạn mang thai cuối cùng này.
Mục lục
Khi nào tam cá nguyệt thứ ba bắt đầu?
Tam cá nguyệt thứ ba bắt đầu vào tuần 28 của thai kỳ và kéo dài cho đến khi bạn sinh con, có thể là khoảng tuần thứ 40 của thai kỳ. Nói cách khác, tam cá nguyệt thứ ba của bạn kéo dài từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9 của thai kỳ. Tuy nhiên, có khả năng chuyển dạ sẽ bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn vài tuần – thực tế, khoảng 30 % tất cả trẻ sơ sinh đẻ ra sau mốc 40 tuần. Nếu đó là trường hợp của bạn, bạn có thể thử một vài thủ thuật để chuyển dạ tự nhiên. Nếu sau tuần thứ 42 của thai kỳ mà bạn vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, đây được coi là chuyển dạ muộn, lúc đó bác sĩ sẽ gây chuyển dạ.
Xem thêm: Tam cá nguyệt thứ 2 và những điều bạn cần biết
Sự thay đổi của em bé trong tam cá nguyệt thứ ba
Em bé của bạn sẽ lớn hơn rất nhiều trong tam cá nguyệt thứ ba, tăng từ 1005 gam (ở tuần 28) đến 3685 gam (ở tuần 42). Vào 3 tháng cuối thai kỳ, tất cả các cơ quan và các phần cơ thể của thai nhi đã hình thành, tiếp tục phát triển, hoàn thiện và bắt đầu hoạt động. Em bé đang phát triển nhanh – vì vậy đừng ngạc nhiên nếu sự gia tăng kích thước của em ấy cùng với việc thu hẹp không gian trong bụng dẫn đến những chuyển động của em bé một cách rõ rệt mà bạn có thể cảm nhận được.
Dưới đây là một vài điểm nổi bật xảy ra trong ba tháng cuối của thai kỳ:
Xương
Khi em bé của bạn có quá trình biến đổi sụn thành xương trong tháng 7 và 8, bé sẽ nhận được tất cả canxi từ bạn – vì vậy hãy chắc chắn ăn nhiều thực phẩm giàu canxi. Ở 3 tháng cuối thai kỳ, mỗi ngày chị em cần khoảng 1.500mg canxi để giúp xương và răng của bé chắc khỏe, ngoài ra hỗ trợ phát triển hệ thần kinh. Mẹ bầu nên uống sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai tiệt trùng…; ăn các loại cua, cá đồng cũng rất tốt.
Tóc, da và móng
Vào tuần thứ 32 của thai kỳ, phần da trước đây của em bé sẽ trở nên mờ đục. Vào tuần thứ 36, chất béo tiếp tục tích tụ khi em bé của bạn rụng chất sáp trắng (chất sáp bảo vệ da khỏi nước ối trong bụng) và lông tơ (chiếc áo lông giữ ấm cho bé trong bụng mẹ)
Hệ thống tiêu hóa
Trong những tuần cuối cùng của thai kỳ, phân su-hay phân đầu tiên của em bé, bao gồm chủ yếu là các tế bào máu, chất nhầy, dịch… bắt đầu tích tụ trong ruột của em bé.
Năm giác quan
Các thụ thể cảm ứng của em bé sẽ được phát triển đầy đủ vào khoảng tuần 29 hoặc tuần 30. Đến tuần 31 của thai kỳ, em bé sẽ nhận được tín hiệu từ cả năm giác quan, cảm nhận ánh sáng và bóng tối, nếm những gì bạn ăn và nghe âm thanh của giọng nói của bạn .
Não
Trong ba tháng cuối thai kỳ, não của bé sẽ phát triển nhanh hơn bao giờ hết, bao gồm một số kỹ năng như chớp mắt, mơ mộng và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của chính mình.
Vào khoảng tuần thứ 34 của thai kỳ, đầu của em bé sẽ xoay dần xuống phía dưới, ổn định ở tư thế đầu ở dưới mông ở trên – tất nhiên, vẫn có trường hợp em bé của bạn vẫn bướng bỉnh giữ tư thế đầu ở trên mông ở dưới (trong trường hợp đó bác sĩ sẽ cố gắng xoay bé ở tuần 37).
Những thay đổi trong cơ thể bạn
Khi em bé đang phát triển tích cực trong bụng có lẽ bạn cũng sẽ cảm nhận được nhiều hoạt động của thai nhi. Bạn cũng có thể đang trải qua những thay đổi trong cơ thể trong ba tháng cuối này, hãy sẵn sàng để chuẩn bị tinh thần đón nhận nhé. Một số thay đổi đó là:
Tăng cân
Trong tam cá nguyệt thứ ba, bạn có thể tăng thêm 5-7kg. Thông thường mỗi tuần, chị em sẽ tăng thêm 0,5 kg/tuần hoặc 2 -2,5 kg/tháng. Vào cuối thai kỳ, tùy thai nhi sẽ nặng trung bình khoảng 3,0-3,4kg.
Đau bụng
Khi dây chằng tròn tử cung (hỗ trợ bụng dưới) căng ra để phù hợp với bụng bầu đang phát triển của bạn, bạn có thể cảm thấy chuột rút hoặc đau nhói. Cơ thể của bạn lúc này chắc chắn sẽ to hơn, bụng cao và nhô ra nhiều hơn, làm bạn khó thở sâu được như lúc trước. Bạn có thể cảm giác ngày càng cồng kềnh, khó thở và phù lên, một cảm giác không dễ chịu chút nào.
Một số phụ nữ khi có thai rất gọn gàng, như thể là có một quả bóng rổ bên dưới áo. Một số khác thì lại trông to từ trước ra sau. Vậy rõ ràng là hình dáng to hay gọn thực sự phụ thuộc vào thể trạng của từng người, và vào sự tăng trưởng của đứa bé bên trong. Không phải bà bầu nào cũng có hình dáng giống nhau.
Mệt mỏi
Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn trong tam cá nguyệt này, sẽ cảm nhận được rõ ràng những ảnh hưởng của việc nuôi dưỡng em bé lớn lên ở bên trong cơ thể mình. Càng gần thời hạn sinh nở thì càng có nhiều lúc bạn cảm thấy kiệt sức hơn, và bắt đầu thấy chán ngán việc mang thai. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc chung của bạn. Vì vậy hãy ăn uống tốt và thường xuyên duy trì hoạt động giải trí nhẹ nhàng, giải quyết các vấn đề về giấc ngủ khi mang thai .
Chứng ợ nóng
Trong vài tuần cuối của thai kỳ, tử cung của bạn sẽ đẩy dạ dày và lên cao, có thể gây ra trào ngược dạ dày. Bạn có thể cảm thấy rát nóng ở cổ họng hoặc ở ngực. Nếu điều đó thực sự làm phiền bạn, hãy trao đổi với bác sĩ về thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc thuốc chẹn H2, an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.
Cơn co sinh lý Braxton-Hicks
Trong những tháng cuối thai kỳ, bạn có thể cảm thấy tử cung có những cơn gò nhẹ trong khoảng 30 đến 60 giây, một vài lần trong ngày, đó là những cơn gò sinh lý Braxton-Hicks (cơn đau giả). Chúng là một dấu hiệu hoàn toàn bình thường khi mang thai, thường xảy ra trong ba tháng cuối của thai kỳ, tuy nhiên cũng có thể bắt đầu xuất hiện vào quý thứ hai và không phải mẹ bầu nào cũng sẽ trải nghiệm chúng.
Giãn tĩnh mạch
Bạn có thể nhận thấy các tĩnh mạch bị giãn (bao gồm cả bệnh trĩ, cũng là một loại giãn tĩnh mạch) ở phần dưới cơ thể của bạn. Nguyên nhân có rất nhiều, trong đó bao gồm cả việc trọng lượng cơ thể tăng lên gây áp lực đến tĩnh mạch ở 2 chân và tim, làm chậm quá trình lưu thông máu. Hormone mang thai và quá trình tích nước của cơ thể cũng ảnh hưởng đến vấn đề giãn tĩnh mạch và khiến chúng bị sưng phồng. Tin tốt là nếu bạn không bị giãn tĩnh mạch trước khi mang thai, chúng có thể sẽ biến mất sau khi bạn sinh em bé.
Vết rạn da
Trên thực tế, không ai có thể biết trước được mình có bị rạn da hay không. Tuy vậy gene đóng một vai trò không nhỏ bởi mỗi người đều được thừa hưởng mẫu da từ cha mẹ – điều đó có nghĩa là nếu mẹ bạn bị rạn da khi mang bầu bạn thì rất có thể bạn cũng sẽ bị rạn da khi mang bầu em bé của mình. Ngoài ra những người mang thai đôi hoặc thai ba sẽ dễ bị rạn da hơn bởi bụng họ sẽ to hơn, da phải giãn nhiều hơn để có đủ “chỗ ở” cho các bé. Sử dụng kem dưỡng ẩm có thể sẽ hỗ trợ bạn trong vấn đề này.
Đau lưng
Khi hormone thai kỳ thay đổi làm lỏng các khớp của bạn và bụng bầu phát triển kéo trọng tâm của bạn về phía trước, bạn có thể bắt đầu đau lưng. (Mặt khác, đau từ lưng xuống chân, có thể là dấu hiệu của đau thần kinh tọa)
Những giấc mơ điên rồ
Nhờ các hormone thai kỳ, giấc mơ của bạn có thể sống động hơn bao giờ hết khi bạn gần đến ngày dự sinh. Chúng hoàn toàn bình thường. Kể cả khi gặp những giấc mơ không tốt, hãy bình tĩnh, bụng bầu lớn khiến mẹ bầu ngủ không ngon và có thể có những giấc mơ lạ. Chia sẻ với người thân để có thể giải tỏa tâm lý nhé!
Vụng về
Một cái bụng lớn cộng với cơ thể tăng cân chóng mặt và sự thay đổi hormone khiến mẹ bầu thường vụng về, dễ làm đổ vỡ đồ đạc hơn trước kia. Thậm chí tâm chí mẹ bầu cũng hay quên hơn do sự thay đổi hormone thai kỳ. Sau sinh nở, hiện tượng này sẽ biến mất.
Són tiểu
Khung xương chậu của mẹ đang phải rất vất vả để đỡ thai nhi vì vậy có thể sẽ xảy ra hiện tượng đi tiểu không kiểm soát. Trọng lượng của thai nhi và bọc ối đặt áp lực lên bàng quang khiến mẹ dễ bị són tiểu và không kiểm soát được hiện tượng này. Để khắc phục vấn đề này, bạn có thể thử các bài tập Kegel. Kegel là những bài tập giúp tăng cường cơ bắp của sàn chậu đồng thời hỗ trợ niệu đạo, bàng quang, tử cung và trực tràng. Các bài tập này được đặt theo tên bác sĩ sản phụ khoa Arnold Kegel (Mỹ), người đã tư vấn phương pháp tập luyện giúp phụ nữ mang thai xử lý các vấn đề thường gặp trong thai kỳ và sau khi sinh nở.
Giọng nói thay đổi
Phụ nữ mang thai không nên hốt hoảng khi nhận thấy sự thay đổi về âm lượng giọng nói của mình trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân do chất lỏng tăng lên cộng với những vết sưng nhẹ trong thanh quản khiến giọng nói mẹ bầu trầm hơn.
Giác mạc dày hơn
Không chỉ có bụng bầu lớn lên, nhãn cầu của mẹ bầu cũng thay đổi do quá trình tích nước của cơ thể khiến giác mạc dường như dày hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến mắt mẹ bầu mờ hơn trong thai kỳ. Dù vậy đây chỉ là hiện tượng tạm thời, sau sinh sẽ biến mất.
Bạn có thể gặp một vài triệu chứng khó chịu này trong ba tháng cuối của thai cần, chỉ cần cố gắng và nhớ rằng, bạn sắp được gặp thiên thần bé nhỏ của mình, mọi mệt mỏi buồn phiền sẽ tan biến nhanh thôi!
Tam cá nguyệt thứ ba nhất thiết phải có gì?
Kem trị rạn da hay các loại dầu được tạo ra đặc biệt để giữ ẩm cho vùng da bụng của bạn. Khi mang thai, bụng bầu phát triển nhanh hơn bất kỳ vùng nào trên cơ thể, da bụng có thể không phát triển kịp, điều này có thể dẫn đến các vết rạn da. Các loại dầu cho da bụng và các loại kem trị rạn da khác giữ ẩm cho da, để hạn chế tối đa vết rạn da trên bụng của bạn.
Các triệu chứng cần kiểm tra
Khi ngày dự sinh ngày càng đến gần, và bạn có thể gặp các triệu chứng chuyển dạ giả. Một số dấu hiệu chuyển dạ cần chú ý bao gồm:
Cảm giác đi lại nặng nề, khó khăn
Hiện tượng này xuất hiện ở 2-3 tuần cuối thai kỳ, khi trọng lượng của thai nhi đã đạt ở mức lớn nhất và chèn ép lên ổ bụng, xương chậu của mẹ. Lúc này, mẹ bầu có cảm giác mệt mỏi thực sự, đau lưng, đau hông, dáng đi khệ nệ, dạng chân sang hai bên. Đây chưa phải dấu hiệu chuyển dạ thực sự một cách rõ ràng, mà chỉ là tín hiệu thông báo, cơ thể của thai phụ đã quá sức để nâng đỡ thai nhi và ngày sinh nở sắp đến gần.
Đau bụng dưới
Sau khi đi vệ sinh liên tục, mẹ bầu bắt đầu thấy đau bụng lâm râm giống như đau bụng đến ngày hành kinh. Điều này cho thấy đầu thai nhi đang bắt đầu thúc xuống xương chậu để quá trình chuyển dạ bắt đầu. Mặc dù đau bụng như vậy, nhưng không phải em bé sẽ sinh ra ngay mà có thể mất 12-24 giờ tiếp bạn mới thực sự sinh bé. Bạn vẫn còn thời gian để sắp xếp đồ đạc vào viện sinh con.
Ra máu cá
Sau khi cơn đau bụng lâm ran xuất hiện, mẹ bầu có thể thấy đáy quần lót ẩm ướt hơn, do dịch nhầy âm đạo ra nhiều, có lẫn máu. Màu máu hồng hoặc ngả nâu cho thấy nút nhầy cổ tử cung đã bong do cơn đau bụng co bóp tử cung đã bắt đầu. Mẹ bầu nên đóng băng vệ sinh dành cho sản phụ để theo dõi lượng máu hoặc đề phòng tình trạng vỡ ối có thể xảy ra.
Vỡ ối
Thai phụ có thể vỡ ối hoàn toàn, nước ối ào ra một cách bất ngờ hoặc rỉ ra từ từ. Thông thường nước ối không màu, không mùi nhưng khi chuyển dạ, nước ối chảy ra ngoài sẽ mùi nặng và màu đậm hơn. Khi thấy có dấu hiệu chảy ối, mẹ bầu cần đóng bỉm người lớn thay vì băng vệ sinh để thấm hút, tránh nhiễm khuẩn. Lúc này thời điểm bạn sinh nở chỉ còn vài tiếng đồng hồ.
Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn biết khi nào là thời gian để gọi hoặc đến bệnh viện – có thể là khoảng thời gian chuyển dạ tích cực bắt đầu. Chúc mừng! Em bé đang đến rất gần với bạn rồi.
Tuy nhiên, tại bất kỳ thời điểm nào, bạn bị chảy máu vùng âm đạo nhiều, sốt trên 37.5 độ C, đau bụng dưới nghiêm trọng, tăng cân đột ngột, có dấu hiệu sinh non hoặc bất kỳ dấu hiệu nào khác nguy hiểm, hãy đi khám ngay lập tức.
Những việc cần chuẩn bị trong tam cá nguyệt thứ ba
Theo dõi chuyển động của thai nhi
Thai nhi trong bụng mẹ luôn lớn dần lên từng ngày. Đến tam cá nguyệt thứ ba, bé đã to hơn rất nhiều, vì thế mẹ có thể cảm nhận được những chuyển động của con trong bụng. Mỗi bé đều có cách cử động khác nhau mỗi khi thức giấc hoặc đang ngủ, mẹ phải biết được đâu là tình trạng bình thường của con. Nếu có bất kỳ động thái khác thường nào, bạn cần báo với hộ lý hoặc bác sĩ ngay lập tức. Từ khoảng tuần thứ 28 trở đi, nên đếm những cú đá của em bé thường xuyên và lưu ý mọi thay đổi trong hoạt động, đặc biệt là trong tháng 9.
Theo dõi cân nặng của bạn
Ba tháng cuối là giai đoạn bạn tăng cân nhanh, thông thường là tăng từ 5-7kg. Nếu bạn không tăng đủ (hoặc nếu bạn tăng quá nhiều), hãy trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh chế độ ăn uống khi mang thai để tăng cân hợp lý.
Tập các bài tập dành riêng cho bà bầu
Miễn là bạn có sự đồng ý của bác sĩ và bạn tuân theo một số biện pháp an toàn khi tập thể dục, bạn hoàn toàn có thể tập các bài tập nhẹ nhàng cho bà bầu đến ngày dự sinh, có thể tập bài Kegel mà mình gợi ý ở trên.
Khám tiền sản thường xuyên
Trong lần khám ba tháng cuối của thai kỳ, nữ hộ sinh sẽ nói với bạn về việc chuẩn bị cho chuyển dạ và sinh nở, bao gồm cách nhận biết những dấu hiệu đầu tiên của chuyển dạ và cách đối phó với những cơn đau đẻ. Bạn nên làm các xét nghiệm về nồng độ glucose máu, thiếu máu trong tháng 7 và 8. Vào tháng 9, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra cổ tử cung của bạn để xem liệu cổ tử cung đã giãn và sắp mở chưa. Nếu bạn được phân loại là nguy cơ cao, thì bác sĩ cũng có thể lên lịch kiểm tra sức khỏe hoặc xét nghiệm trong vài tuần liên tục để đảm bảo mọi thứ đang diễn ra như mong đợi.
Đi tham quan bệnh viện
Nếu bạn chưa biết bệnh viện, tháng 7 là thời điểm tuyệt vời để tham quan bệnh viện hoặc trung tâm sinh sản nơi bạn dự định sinh. Đây là điều quan trọng nếu bạn quyết định sẽ sinh ở một bệnh viện. Hãy tìm hiểu kỹ quy trình và các chế độ sinh nở ở bệnh viện để có trải nghiệm tốt nhất.
Chọn bác sĩ nhi khoa của bé
Lên danh sách những bác sĩ nhi khoa bạn cảm thấy phù hợp để có thể đi khám cho bé sau này.
Mua đồ cho bé
Hãy chắc chắn rằng bạn có đầy đủ đồ dùng cần thiết cho bé – đặc biệt là cũi, xe đẩy, ghế ngồi ô tô (bạn sẽ cần đưa bé về nhà từ bệnh viện), tã lót, quần áo, bình sữa… Giặt và xếp sẵn quần áo sơ sinh, tận hưởng niềm vui chuẩn bị đón bé chào đời. Hãy dành ít phút mỗi ngày ngồi trong phòng của bé và nghĩ về cuộc sống mới của bạn khi có em bé. Đó thực sự là một điều đáng yêu và thú vị.
Tham gia các lớp học tiền sản hay câu lạc bộ của mẹ bầu
Đó sẽ là nơi bạn có thể vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa tích lũy kiến thức lại còn có thể sẻ chia những câu chuyện của riêng mình. Bởi suy cho cùng, trải nghiệm làm mẹ không chỉ vô cùng thiêng liêng mà còn thú vị đúng không? Ngoài ra, tham gia một lớp tiền sản sẽ giúp bạn cảm thấy chuẩn bị tốt hơn cho toàn bộ quá trình sinh nở, bạn cũng có thể muốn tham gia các lớp học về CPR trẻ sơ sinh và chăm sóc em bé.
Học cách cho con bú
Càng chuẩn bị kỹ, bạn sẽ càng đỡ vất vã hơn để chăm con khi mới sinh. Cho con bú là một trong những điều bạn cần học. Bạn có thể hỏi xin kinh nghiệm từ những bà mẹ khác hoặc tham gia những lớp học hữu ích dành cho các thai phụ sắp sinh.
Tìm hiểu về quá trình vượt cạn trước
Đây là cách mà bạn chuẩn bị tinh thần và cả kiến thức vững vàng khi sắp sửa làm mẹ. Không thể đoán trước được việc chuyển dạ sẽ diễn ra như thế nào và kéo dài bao lâu, nhưng việc tìm hiểu về nó có thể giúp bạn cảm thấy sẵn sàng hơn.
Tìm hiểu các cơn co thắt
Chỉ sau tháng thứ tư mang thai, bạn có thể bắt đầu cảm thấy cơ bắp của mình thắt chặt theo thời gian. Những cơn co thắt này được gọi là những cơn co Braxton Hicks. Không phải ai cũng có chúng. Nếu bạn gặp phải Braxton Hicks, hãy ghi lại cảm giác và mức độ thường xuyên xảy ra, vì điều này có thể giúp phân biệt chúng với những dấu hiệu thực sự của chuyển dạ.
Xem xét phương pháp bạn muốn kiểm soát cơn đau chuyển dạ
Bạn muốn dùng thuốc gây tê ngoài màng cứng hoặc thuốc khác để kiểm soát cơn đau chuyển dạ ? Suy nghĩ về việc sinh nở tự nhiên hoặc mổ lấy thai. Thảo luận với bác sĩ để có phương pháp tốt nhất.
Đừng bỏ qua các triệu chứng tiền sản giật
Tiền sản giật là tình trạng mang thai xảy ra khi nhau thai không hoạt động đúng cách. Nó có thể xảy ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ, nhưng cũng rất có thể phát triển trong tam cá nguyệt thứ ba. Các nữ hộ sinh sẽ tìm ra dấu hiệu tiền sản giật trong lần khám tiền sản định kỳ. Các triệu chứng bao gồm cao huyết áp và protein trong nước tiểu.
Mặc dù các xét nghiệm của hộ sinh mà mẹ bầu thực hiện là cách hiệu quả nhất để nhận biết sự phát triển của triệu chứng tiền sản giật, mẹ bầu cũng nên để ý những triệu chứng này: nhức đầu trầm trọng, thị lực giảm, nôn mửa, buồn nôn, bàn tay bị sưng. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên mẹ bầu nhé!
Mua quần áo cho con
Bố mẹ nên nghĩ đến quần áo, giường ngủ và những đồ cần thiết khác, chẳng hạn như tã lót, mà bé sẽ cần rồi đấy! Tuy vậy, trước hết hãy mua những thứ cơ bản thôi nhé và dành dụm một khoản tiền để mua sau khi đã sinh bé, bởi vì biết đâu bạn sẽ nhận được nhiều quần áo từ bạn bè và gia đình như quà tặng. Bố mẹ hãy lưu ý giặt kỹ đồ bé trong bột giặt phi sinh học trước khi sử dụng để tránh làm hại làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh.
Sửa soạn túi đồ mang đến bệnh viện
Nếu bạn không chuẩn bị đồ để mang đến bệnh viện, có thể bạn sẽ gặp khó khăn đấy. Mọi thứ cần sẵn sàng để khi sinh bạn sẽ không phải “thiếu trước hụt sau”. Tốt nhất bạn nên có hai túi: một túi dành cho việc sinh nở của bạn, túi khác bao gồm những đồ dùng cho bé mới chào đời. Ngoài ra, bố cũng cần chuẩn bị sẵn một túi cho mình nữa đấy!
Mua sẵn những mặt hàng gia dụng
Hãy làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn ngay từ bây giờ. Khi làm bố mẹ, bạn cần tích lũy các kiến thức cơ bản như sản phẩm làm sạch, thực phẩm đóng hộp và đông lạnh trước khi bé chào đời và công việc mua sắm trở nên nặng nề hơn gấp đôi. Bạn cũng nên nấu sẵn một phần bữa ăn và để trong tủ lạnh, sẵn sàng cho chuỗi ngày bận rộn sắp tới.
Chú trọng ăn uống
Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng ở giai đoạn này của thai kỳ rất quan trọng đối với sức khoẻ của mẹ lẫn bé. Đặc biệt, mẹ bầu cần bổ sung chất sắt, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu. Thai nhi hấp thu sắt từ mẹ nên ít khi thiếu sắt nhưng người mẹ lại có nguy cơ cao.
Các thực phẩm cung cấp lượng chất sắt dồi dào như thịt nạc, rau xanh và ngũ cốc nên được ưu tiên trong thực đơn của mẹ bầu. Bên cạnh đó, một ly nước cam sau bữa ăn cũng giúp cơ thể thai phụ hấp thụ thêm chất sắt.
Massage vòng bụng
Khi bụng ngày càng lớn lên, bạn sẽ muốn dành thời gian để hiểu nhiều hơn đứa con sắp chào đời của mình. Đây là thời điểm cực kỳ thích hợp để cả hai bạn gần hơn với con bằng việc massage nhẹ nhàng theo những đường cong của bụng. Có thể bé sẽ “trả lời” sự vuốt ve của bố mẹ bằng việc cử động đấy.
Lập kế hoạch tài chính
Xem xét các chi phí chi tiêu cho em bé của bạn, sau khi em bé ra đời, có kha khá khoản chi tiêu mà bạn cần đấy.
Tìm hiểu những gì xảy ra sau khi sinh
Đọc về những gì xảy ra trong 24 giờ đầu sau khi sinh khi cơ thể bạn cần hồi phục và chế độ ăn uống rất quan trọng. Bạn cần chuẩn bị không chỉ cho em bé mà còn cho chính bạn nữa. Trước hết bạn cần khỏe mạnh mới có thể chăm sóc em bé đúng không nào?
Kỷ niệm cho bé
Sắp xếp một buổi chụp ảnh chuyên nghiệp cho bé hoặc chụp một vài bức ảnh đẹp cho riêng bạn – bạn có thể treo chúng trong phòng của bé hoặc thêm vào album ảnh của bé sau này.
Chuẩn bị cho năm đầu tiên của bé
Tìm hiểu thêm về tất cả các cột mốc thú vị xảy ra trong năm đầu đời của em bé – có rất nhiều điều để mong đợi!
Nhanh thôi, bạn sẽ gặp em bé của mình trong vòng vài tuần nữa. Vì vậy, hãy chuẩn bị mọi thứ thật tốt nhé!