Mang thai

Những điều cần biết khi mang thai: Chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh!

Bạn đã sẵn sàng có thêm một em bé trong cuộc sống của mình chưa? Bạn có từng nghĩ có em bé không đơn giản chỉ là việc quan hệ tình dục?

  • Bạn có biết phải chuẩn bị những gì trước khi mang thai?
  • Thời điểm nào là tốt nhất để có thai?
  • Điều gì ảnh hưởng tới khả năng mang thai của bạn?
  • Bạn có thể làm gì để có thai nhanh hơn?

Hãy đọc bài viết sau để biết tất cả mọi thứ bạn cần để có một thai kì khỏe mạnh ngay từ lúc bắt đầu!

Tỷ lệ có thai

Trung bình, một cặp vợ chồng khỏe mạnh ở độ tuổi 30 có khoảng 20% đến 25% cơ hội mang thai mỗi tháng. Mặc dù con số đó có vẻ thấp, nhưng trong khoảng 1 năm, cơ hội là vào khảng 75% đến 85%. Nên nhớ rằng cơ hội sẽ giảm dần theo độ tuổi.

Điều gì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn?

những điều cần biết khi mang thai

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới khả năng mang thai. Nếu có bất kì điều nào dưới đây bạn nghĩ đang ảnh hưởng tới bạn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay và luôn trước khi cố gắng mang thai.

Tuổi tác

Một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất chính là tuổi tác, vì khả năng sinh sản giảm dần theo thời gian. Ví dụ, một người khỏe mạnh 30 tuổi có trung bình khoảng 20% cơ hội mang thai mỗi tháng nếu cố gắng có thai, nhưng nếu bước sang tuổi 40, tỉ lệ có thai giảm xuống dưới 5% mỗi tháng.

Hút thuốc

Theo Hiệp hội y học sinh sản Hoa Kỳ (American Society for Reproductive Medicine – ASRM), 13% phụ nữ không có khả năng mang thai do hút thuốc lá. Hút thuốc lá cũng có thể dẫn đến các vấn đề sinh sản ở nam giới vì nó có thể làm giảm sản xuất tinh trùng.

Cân nặng

Có chỉ số BMI ở mức thừa cân hoặc béo phì khiến cơ thể sản xuất quá nhiều estrogen làm phá vỡ chu kì sinh sản, trong khi đó thiếu cân lại có thể gây ngừng rụng trứng. Theo ASRM, 12% các trường hợp vô sinh là phụ nữ có cân nặng quá ít hoặc quá thừa.

Các vấn đề sức khỏe

Lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, u xơ tử cung và các bất thường của tử cung gây ra do các phẫu thuật trước đó hoặc sẹo có thể làm giảm khả năng thụ thai. Các tình trạng bệnh lý khác không được điều trị như bệnh thận, bệnh Celiac (không dung nạp gluten), bệnh lý tuyến giáp và thiếu máu hồng cầu hình liềm ở nam giới có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Chu kì kinh nguyệt không đều

Nếu bạn có chu kì kinh nguyệt không đều do mất cân bằng nội tiết tố như hội chứng buồng trứng đa nang, vấn đề cân nặng hoặc do thuốc bạn đang sử dụng, điều này làm bạn khó khăn hơn khi xác định ngày rụng trứng và không biết khi nào cần giao hợp nên việc mang thai sẽ khó khăn hơn.

Rối loạn tự miễn dịch

Bệnh rối loạn tự miễn dịch như lupus ban đỏ có thể làm phụ nữ khó có thai hoặc duy trì thai nghén.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu và nhiễm chlamydia không được điều trị có thể dẫn tới viêm vùng chậu, gây tổn thương vĩnh viễn cho ống dẫn trứng, tủ cung và các mô xung quanh làm khó có khả năng có thai. May mắn thay, điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục kịp thời có thể giúp bạn tránh khỏi biến chứng này.

Phơi nhiễm nghề nghiệp với độc tố môi trường

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc lâu dài với tuốc trừ sâu, chất ô nhiễm và hóa chất công nghiệp – thường gắn với một số công việc nhất định có thể làm giảm khả năng thụ thai. Những chất độc này có thể phá vỡ chu kì kinh nguyệt hoặc làm giảm sản xuất hormone và giảm khả năng sinh sản đối với nữ giới. Đối với nam giới, chất độc có thể làm giảm ham muốn tình dục, giảm số lượng tinh trùng, rối loạn cương dương hoặc làm giảm mức độ hormone.

Tập thể dục quá sức

Ngay cả khi cân nặng của bạn ở mức vừa phải, tập thể dục quá sức có thể ảnh hưởng tới việc sinh con. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy những người  phụ nữ có cân nặng bình thường (chỉ số BMI dưới 25) tập thể dục quá sức trong hơn 5 giờ mỗi tuần thụ thai khó khăn hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các thành viên trong phòng tập của bạn đều bất lực. Tập thể dục thường xuyên, ở mức độ vừa phải làm tăng khả năng sinh sản cho tất cả phụ nữ ở bất kể cân nặng nào.

Độ tuổi mang thai

Cuối cùng, bạn quyết định có em bé khi nào là tùy thuộc ở bạn và cơ thể bạn. tuy nhiên có một vài lợi thế và khó khăn ở từng độ tuổi.

Mang thai ở độ tuổi dưới 35

Lợi thế

  • Giả sử nếu không có tình trạng bệnh lý nào ảnh hưởng, phụ nữ dưới 35 tuổi thường dễ có thai hơn
  • Mang thai sớm hơn có nghĩa là bạn sẽ có nhiều sức khỏe hơn để chăm sóc em bé và trông chừng một em bé luôn hiếu động.
  • Tỷ lệ sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh, bất thường về di truyền và các biến chứng thai kì như huyết áp cao và tiểu đường thai kì đều thấp hơn ở phụ nữ dưới 35 tuổi.
  • Có con khi bạn trẻ hơn cũng có nghĩa là ông bà của con bạn cũng trẻ hơn .

Khó khăn

  • Các cặp vợ chồng trẻ có thể không ổn định về tài chính như những cặp vợ chồng lớn tuổi hơn. Tuy nhiên một gia đình cần nguồn thu nhập đến từ cả vợ và chồng do đó có thể một trong hai sẽ phải làm thêm giờ hoặc làm part-time.
  • Mối quan hệ của các cặp vợ chồng trẻ có thể không ổn định và việc có thêm một em bé có lẽ sẽ gây nhiều phiền toái và căng thằng hơn.
  • Trở thành cha mẹ sớm hơn có nghĩa là bạn sẽ ít có thời gian tụ tập bạn bè hơn.

Lưu ý: Phụ nữ dưới 35 tuổi nên đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu không có thai sau 12 tháng quan hệ không dùng các biện pháp an toàn.

Mang thai ở độ tuổi trên 35

Lợi thế

  • Khi đó, tài chính của bạn có thể ổn định hơn
  • Các bà mẹ trên 35 tuổi có vị trí nghề nghiệp vững chắc hơn và có thể dễ dàng quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ sinh con
  • Mối quan hệ vợ chồng ổn định và vững chắc hơn, điều này có lợi cho cả người mẹ, người cha và em bé.
  • Có em bé ở độ tuổi muộn hơn giúp bạn có nhiều thời gian hơn để đi du lịch và đạt được những mục tiêu khác của tuổi trẻ, do đó bạn sẽ không có cảm giác bị bỏ lỡ.

Nhược điểm

  • Có thể khó có thai hơn
  • Nếu bạn khó khăn trong việc thụ thai, bạn có thể cần phải làm thụ tinh trong ống nghiệm hoặc các biện pháp điều trị sinh sản khác, điều này khá tốn kém.
  • Mang thai ở tuổi cao làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung, sảy thai, sinh non, thai chết lưu, tiền sản giật, tiểu đường thai kì và dị tật bẩm sinh. Phụ nữ lớn tuổi thường muốn sinh mổ hơn.
  • Bạn có thể không có được nhiều năng lượng như cha mẹ trẻ, khiến việc trông nom một đứa trẻ hiếu động trở nên khó khăn hơn.
  • Khi bạn nhiều tuổi hơn, khả năng mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường cũng tăng lên, điều này ảnh hưởng tới cơ hội mang thai và làm chất lượng chăm sóc cho em bé của bạn.

Lưu ý: Phụ nữ trên 35 tuổi cố gắng mang thai trong vòng 6 tháng nhưng không thành công nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Phụ nữ trên 40 tuổi có ý muốn sinh con nên đi khám ngay lập tức.

Một số lời khuyên trong việc thụ thai

Bất kể tuổi tác của bạn là gì, cho dù bạn đang có mong muốn có con vào năm tới hay ngay bây giờ, những lời khuyên sau đây sẽ giúp tăng khả năng thụ thai của bạn và đảm bảo bạn có 9 tháng thai kì khỏe mạnh hơn khi thực hiện theo.

Bắt đầu vẽ biểu đồ

Ngay cả khi bạn và người ấy không quan hệ thường xuyên, bạn vẫn có thể có thai vào đúng thời điểm mong muốn. Tìm hiểu làm thế nào để biết khi nào bạn rụng trứng để giúp dự đoán khi nào bạn có khả năng thụ thai cao nhất.

Hãy xem lịch sử mang thai của bạn

Nếu bạn đã bị mất thai nhiều lần, sinh non hoặc biến chứng ở những lần mang thai trước, hãy nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào bạn có thể thực hiện ngay bây giờ.

Kiểm tra sức khỏe

Kiểm tra 2 bên gia đình xem có ai mắc các bệnh di truyền hoặc bệnh về nhiễm sắc thể như bệnh Down, bệnh bệnh Tay-Sachs, thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh máu khó đông, bệnh xơ nang, loạn dưỡng cơ hoặc hội chứng Fragile X (hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy)

Sàng lọc bệnh di truyền nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh di truyền

Tiên phòng

Tiêm phòng các loại vaxcin thiết yếu như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu trước khi muốn mang thai.

Điều trị bệnh đang có

Điều trị bệnh hiện có như tăng huyết áp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các bệnh phụ khoa ảnh hưởng đến thai kì như polyp tử cung, u xơ, u nang, lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu trước khi có ý định mang thai.

Điều trị và kiểm soát các bệnh mạn tính như tiểu đường, hen suyễn, bệnh tim, lupus, động kinh hoặc bất kì tình trạng mạn tính nào khác.

Tránh các nguy cơ từ môi trường

Một số hóa chất có thể gây hại cho buồng trứng và sau đó là cho em bé đang phát triển của bạn. Vì vậy, đối với một số nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực như y học, nha khoa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng, cảnh quan, làm tóc, mỹ phẩm, giặt là và một số công việc trong nhà máy, hãy xem xét cẩn thận các hóa chất mình có thể phơi nhiễm và xem liệu chúng có an toàn với em bé hay không.

Nếu môi trường làm việc có tiếp xúc với chất độc hại như hóa chất, thuốc trừ sâu, chất phóng xạ… thì nên thay đổi công việc hoặc có biện pháp giảm thiểu tối đa rủi ro từ môi trường.

Tránh tiếp xúc với bức xạ nếu không cần thiết

Nếu bạn cần phải chụp X-quang cho một vấn đề sức khỏe nào đó, hãy chắc chắn rằng cơ quan sinh sản của bạn được bảo vệ.

Cải thiện lại chế độ ăn

Không chỉ phụ nữ mới cần thiết lập lại chế độ ăn mà ngay cả nam giới cũng cần để có được sức khỏe tốt nhất cho việc tạo ra em bé. Ăn uống đủ dưỡng chất và an toàn giúp cơ thể và tinh trùng được khỏe mạnh. Ăn nhiều thực phẩm giàu axit folic, kẽm, vitamin C, ngũ cốc, rau lá xanh đậm, thịt hải sản, trứng, bưởi, cam, chanh, nho…

Hạn chế thuốc lá, rượu bia, chất kích thích. Đối với phụ nữ cần bổ sung acid folic mỗi ngày trước khi mang thai, tăng cường thực phẩm giàu sắt từ rau (rau ngót, rau muống), thịt nạc (thịt bò, thịt trâu), cá biển… Sắt từ thịt hấp thu tốt hơn từ rau 2-3 lần, nâng cao tiêu chuẩn dinh dưỡng, chọn thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng, giàu protein, thêm rau quả. Các loại cá chứa hàm lượng Hg cao như cá mập, cá kiếm, cá thu, cá kình… có thể gây tổn thương não thai, thai chậm phát triển.

Kiểm tra lại cân nặng

Thiếu cân hoặc thừa cân có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Kiểm tra cân nặng để đảm bảo sự khởi đầu khỏe mạnh nhất cho em bé của bạn.

Vận động ra mồ hôi

Hoạt động thể lực có thể giúp bạn đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm thiểu stress và giúp làm dịu những cơn đau liên quan đến thai kì trong tương lai.

Chợp mắt khi có thể

Thiếu ngủ khiến khả năng thụ thai khó khăn hơn. Hãy cố gắng ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm.

Loại bỏ bất kì tật xấu nào

Một số thói quen như hút thuốc hoặc uống quá nhiều rượu hoặc caffeine có thể tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản. Trước khi có ý đinh muốn có em bé, tốt nhất bạn nên bỏ những thói quen này.

Khám nha sĩ

Khám nha sĩ cũng quan trọng như việc đi khám bác sĩ phụ khoa do việc mang thai trong tương lai có thể ảnh hưởng đến răng miệng của bạn. Viêm nướu răng có thể phát triển nặng trong thai kì do thay đổi nội tiết tố và rối loạn các phản ứng chống lại vi khuẩn trong miệng. Bệnh nướu răng không được điều trị trong thai kì đã được chứng minh là làm tăng khả năng sinh non và tiền sản giật. Hãy đảm bảo sức khỏe răng miệng trước khi bắt đầu thai kì.

Bổ sung vitamin trước khi mang thai

Phụ nữ nên bổ sung ít nhất 1 đến 2 tháng trước khi cố gắng thụ thai. Các loại vitamin có tác dụng ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh ở thai, giảm buồn nôn do thai nghén, giảm tự kỉ ở trẻ, giảm sinh non và giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh.

Các loại cần bổ sung như acid folic 400-600 mcg/ngày, sắt 30 mg/ngày, iod 150 mcg/ngày, vitamin B6 2 mg/ngày, DHA 200 – 300 mg/ngày, vitamin A không bổ sung nhiều hơn 4000 UI hay 800 mg/ ngày, vitamin D ít nhất 400 UI/ ngày, kẽm 15 mg/ngày, đồng 2 mg/ngày, vitamin C 50-80 mg/ngày và các loại khác như canxi, vitamin B12, niacin, thiamin, riboflavin, vitamin E, magie, selen, biotin…

Kiểm tra lại các thuốc bạn đang sử dụng

Hỏi ý kiến bác sĩ hoặc xem lại hướng dẫn sử dụng thuốc để chắc chắn rằng thuốc đó có an toàn cho việc có em bé hay không. Hoặc nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc để điều trị tình trạng bệnh lý nào đó, hỏi ý kiến bác sĩ để đổi sang loại thuốc tốt hơn cho thai kì. Ví dụ: uống quá Vitamin A liều cao để trị mụn có thể gây nguy hiểm cho việc mang thai.

Đừng quên vai trò của người cha trong việc thụ thai

Sức khỏe và lối sống của người cha đóng một vai trò quan trọng trong khả năng thụ thai. Ví dụ như: giảm stress, loại bỏ các thói quen xấu, bổ sung chất dinh dưỡng, quan hệ tình dục điều độ…

Đối xử tốt với chính mình

Đây có lẽ là việc quan trọng nhất. Stress không giúp gì cho những nỗ lực có thai của bạn. Hãy cố gắng thư giãn, có thể bằng việc tập các bài yoga và cắt giảm càng nhiều stress trong cuộc sống nhất có thể.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment