Chất dinh dưỡng

Axit Linoleic là gì? Tác dụng của Linoleic acid với sức khỏe ra sao?

Có thể bạn đã nghe nói rằng tiêu thụ quá nhiều axit béo omega 6 có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như viêm và bệnh tim mạch, nhưng bạn có biết rằng omega 6, giống như axit linoleic, thực sự là chất dinh dưỡng thiết yếu có vai trò quan trọng cho chức năng não bộ, trao đổi chất cũng như phát triển của cơ thể?

Ở các nước phương Tây, mọi người có xu hướng tiêu thụ các axit béo omega 6 vượt xa lượng khuyến cáo hàng ngày. Chính vì vậy, thay vì tập trung vào những lợi ích của các axit béo đa không bão hòa này, chúng ta thường nghe về các tác hại của chúng khi ăn quá nhiều. Tuy nhiên, việc tiêu thụ axit linoleic có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng cường sức khỏe của bộ não và thậm chí cải thiện sức khỏe sinh sản của bạn. Ngoài ra, gần đây axit linoleic đã thâm nhập vào thị trường làm đẹp và đang trở thành một thành phần chăm sóc da của chị em.

Axit linoleic, chiếm khoảng 90% lượng axit béo omega-6 trong chế độ ăn uống, đóng một vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh hóa. Thiếu axit linoleic sẽ gây ra tóc khô, rụng tóc, lâu lành các vết thương, miễn dịch suy giảm…. Nhưng nó cũng có thể là con dao hai lưỡi nếu tiêu thụ quá nhiều. Điều quan trọng là bạn cần lựa chọn các nguồn thực phẩm tốt nhất và dùng đúng liều lượng hàng ngày.

  • Vậy axit linoleic là gì?
  • Nó có vai trò như thế nào đối với sức khỏe?
  • Lựa chọn thực phẩm nào là tốt nhất cho việc bổ sung linoleic acid?
  • Có lưu ý gì khi sử dụng không?

Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây. Vậy còn chần chừ gì mà không đọc tiếp thôi nào!

Axit linoleic là gì?

axit linoleic

Axit linoleic là một axit béo thiết yếu không bão hòa đa được tìm thấy chủ yếu trong dầu thực vật. Nó được biết đến như là “trùm” của các loại axit béo omega-6. Cơ thể con người không tự sản sinh ra nó, do đó cần lấy nó từ bên ngoài cơ thể.

Về mặt khoa học, axit linoleic là một chất dinh dưỡng có nhóm chức năng cacbonyl chứa hai liên kết đôi ở cacbon 9 và 12. Tại sao axit linoleic lại cần thiết? Bởi vì con người không thể kết hợp một liên kết đôi ngoài cacbon thứ 9 của axit béo nên nó không thể được tổng hợp trong cơ thể và phải được cung cấp hàng ngày.

Giống như tất cả các axit béo, axit linoleic được cơ thể sử dụng như một nguồn năng lượng. Nó là một chất nền cho các quá trình tổng hợp eicosanoids, bao gồm prostaglandin, prostacyclins, thromboxanes và leukotrienes. Đây là những hormone trung gian của nhiều quá trình sinh hóa, như điều hòa huyết áp, điều chỉnh mức lipid máu, chức năng miễn dịch, đông máu, viêm và sinh sản.

(Eicosanoid là những phân tử truyền tín hiệu, có vai trò điều khiển nhiều hệ thống trong cơ thể, nhưng quan trọng nhất là hoạt động trong quá trình viêm, đáp ứng miễn dịch và những tác động đến hệ thống thần kinh trung ương)

Axit linoleic cũng là một thành phần cấu trúc quan trọng của màng tế bào và ảnh hưởng đến các tính chất màng tế bào như tính lưu động, linh hoạt và tính thấm.

Mặc dù ăn các loại thực phẩm omega-6 có thể có lợi cho sức khỏe của chúng ta tuy nhiên việc tiêu thụ dư thừa các axit béo này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tiêu thụ cân bằng hợp lý axit béo omega-3 và omega-6, với tỷ lệ 1:1 đến 2:1. Khi được tiêu thụ hợp lý, axit linoleic có thể được khử bão hòa thành các omega-6 khác, như axit arachidonic, sau đó được chuyển thành các hợp chất gọi là eicosanoid. Axit linoleic có thể chuyển thành axit arachidonic, vì vậy hàm lượng axit linoleic là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị sinh học của chất béo. Vai trò của các axit béo chưa no rất quan trọng và đa dạng, đặc biệt là đối với các tổ chức não, tim, gan, các tuyến sinh dục.

Eicosanoid rất quan trọng đối với chức năng trao đổi chất bình thường của các tế bào và mô nhưng khi chúng được tạo ra quá mức, chúng có thể là yếu tố bất lợi cho một số bệnh mãn tính.

Axit Linoleic so với CLA và Axit Oleic

Axit linoleic

Axit linoleic là một axit béo omega-6 không bão hòa đa. Nó như một chất nền cần cho sự tổng hợp các hormone như prostaglandin – chịu trách nhiệm cho nhiều quá trình sinh hóa. Ăn thực phẩm giàu axit linoleic và giữ cân bằng hợp lý với các loại thực phẩm omega-3 có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, chức năng não, khả năng miễn dịch, sức khỏe của da và xương. Axit này có trong dầu thực vật như dầu hướng dương và dầu cây rum.

Rất dễ tiêu thụ quá nhiều axit linoleic vì các loại dầu này thường được sử dụng để chế biến các loại thực phẩm, thường được ăn quá nhiều ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, khi axit linoleic và các omega-6 khác được tiêu thụ kết hợp với các axit béo omega-3, chúng sẽ có lợi cho sức khỏe.

CLA (Conjugated Linoleic Axit)

Là axit linoleic liên hợp, từ “liên hợp” liên quan đến sự sắp xếp các liên kết đôi trong phân tử axit béo. Về cơ bản, CLA là dạng axit béo không bão hòa đa, với cả hai liên kết cis và trans. CLA là một chất béo chuyển hóa, nhưng là chất béo chuyển hóa tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm lành tính. Vi khuẩn trong đường tiêu hóa của động vật nhai lại (như trâu, bò, dê, cừu) chuyển đổi axit linoleic thành CLA thông qua quá trình biohydrogenation. CLA có cấu trúc tương tự như axit linoleic, với sự khác biệt duy nhất là vị trí của hai liên kết đôi của chúng.

Những lợi ích của CLA bao gồm khả năng giúp giảm cân, cải thiện chức năng miễn dịch, điều chỉnh lượng đường trong máu, tăng cường sức khỏe tim mạch, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thích hợp.

CLA được tìm thấy trong các loại thực phẩm, như thịt và các sản phẩm từ sữa. CLA còn có trong các loại dầu thực vật có trong điều kiện kiềm. Cách tốt nhất để tiêu thụ CLA là thêm các sản phẩm từ thịt và sữa vào chế độ ăn uống của bạn.

Axit Oleic

Axit oleic là một axit béo omega-9 không bão hòa đơn không được coi là “thiết yếu” bởi vì nó được tạo ra bởi cơ thể con người. Có rất nhiều lợi ích của omega-9, vì vậy việc tiêu thụ thực phẩm có chứa axit oleic có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng mức năng lượng và tăng cường chức năng của não.

Axit oleic được tìm thấy trong chất béo thực vật và động vật, với dầu ô liu là nguồn phổ biến nhất của omega-9. Một số nguồn thực phẩm axit oleic khác bao gồm hạt dẻ, hạt macadamia và dầu hướng dương.

6 lợi ích của axit linoleic

1, Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ axit linoleic có thể giúp giảm cholesterol LDL, cải thiện huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Trong năm 2009, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng ít nhất 5% đến 10% năng lượng từ axit béo omega-6, chủ yếu là axit linoleic giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Kết luận cũng chỉ ra rằng việc giảm mức tiêu thụ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu đã cho rằng điều này đúng khi có sự cân bằng hợp lý của các axit béo omega-3 và omega-6, với tỷ lệ 1: 1. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

Trong năm 2014, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y tế Công cộng Minnesota đã tiến hành phân tích các nghiên cứu thuần tập với hơn 310.000 đối tượng. Họ đã nghiên cứu và thấy rằng axit linoleic trong chế độ ăn uống cao nhất tương ứng với giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành 15% so với nhóm bổ sung axit linoleic thấp nhất. Việc thay thế 5% năng lượng từ các axit béo bão hòa bằng axit linoleic có liên quan đến việc giảm 9% các bệnh tim mạch và giảm 13% nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành.

Axit linoleic có thể thu được từ dầu thực vật cũng như các loại hạt. Nhưng bạn hãy nhớ, lựa chọn dầu thực vật tự nhiên tốt và an toàn hơn nhiều dầu từ thực vật biến đổi gen (GMO). Quả óc chó là một nguồn tuyệt vời của omega 6, cung cấp khoảng 11 gam axit linoleic. Đồng thời, nó chứa axit alpha-linolenic, một axit béo omega 3 có nguồn gốc thực vật, vì vậy bạn có thể nhận được cả hai cùng một lúc đồng thời tránh tiêu thụ quá nhiều chất béo.

Lưu ý rằng đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng axit linoleic không làm giảm sự phát triển của bệnh tim, do đó, một kết luận dứt khoát về lợi ích của axit linoleic đối với sức khỏe tim mạch cần thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai. Tuy nhiên, các nghiên cứu được thực hiện đến nay đã cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn của axit linoleic với bệnh tim mạch.

2. Thúc đẩy chức năng não bộ

Có bằng chứng rằng axit linoleic đóng một vai trò quan trọng trong màng tế bào của chúng ta, tác động đến chức năng não bộ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng nồng độ axit linoleic của não tăng lên sau chấn thương não, điều này cho thấy rằng axit linoleic hoặc các chất chuyển hóa của nó có thể liên quan đến phản ứng tự nhiên đối với các chấn thương liên quan đến não. Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng axit này có thể liên quan đến sự dẫn truyền thần kinh và tham gia phản ứng với tổn thương não thiếu máu cục bộ, chẳng hạn như đột quỵ. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các rối loạn tâm trạng có tương quan với nồng độ rất thấp của axit linoleic. Một nghiên cứu cho thấy có sự giảm nhẹ axit linoleic trong khu vực ra quyết định của não ở các đối tượng tự tử hoặc mắc rối loạn lưỡng cực.

Axit linoleic là nguyên liệu thô để tổng hợp thành AA (arachidonic acid). So với các mô khác của cơ thể thì não chứa một một lượng DHA và AA rất cao. DHA đặt biệt tập trung ở màng tế bào não có chức năng hoạt động như các xinap. DHA và AA cần cho sự phát triển thị lực, hệ thần kinh, não và màng não.

3. Chăm sóc làn da và mái tóc

Sự thiếu hụt axit linoleic có thể dẫn đến tróc vảy và ngứa da – điều này đã được chứng minh trong các nghiên cứu trên động vật. Khi cơ thể thiếu dưỡng chất sẽ dẫn đến tóc khô, rụng, da khô sần, vết thương chậm lành, người ta thấy rằng axit linoleic trong mỹ phẩm có thể hỗ trợ cải thiện những vấn đề này.

Axit linoleic có vai trò trực tiếp trong việc duy trì hàng rào ngăn mất nước của da, nhờ đó duy trì độ ẩm cho da. Nó cũng giúp điều chỉnh việc lành các vết thương trên da. Với đặc tính chống viêm, làm giảm tình trạng viêm da và mụn trứng cá. Thêm vào đó, một chất chuyển hóa chính của axit linoleic có đặc tính chống tăng sinh, có nghĩa là nó có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của các tế bào ác tính vào các mô xung quanh. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

Axit linoleic cũng góp phần tạo ra prostaglandin, kích thích lưu thông qua giãn mạch và tăng cường cơ chế phòng thủ tự nhiên của cơ thể, hỗ trợ ức chế viêm, giúp điều trị chàm và dị ứng da. 1 nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition cho thấy ảnh hưởng khi kết hợp axit linoleic và Vitamin C trên hơn 30.000 người, kết quả cho thấy sự cải thiện đáng kể tình trạng da khô và lão hóa, cũng như hiện tượng da mỏng (teo da).

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc sử dụng các loại dầu giàu axit linoleic, như dầu rum và dầu argan, trên tóc của bạn có thể giúp thúc đẩy sự tăng trưởng tóc và có thể giúp tóc dầy lên. Axit linoleic là tiền thân của axit arachidonic, một axit béo omega-6 thúc đẩy các yếu tố chịu trách nhiệm cho sự phát triển của tóc.

4. Cải thiện sức khỏe sinh sản

Sức khỏe sinh sản bị suy yếu là một triệu chứng của thiếu hụt axit linoleic. Bởi vì axit linoleic có chứa các thành phần thiết yếu của tất cả các màng tế bào, nó có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh sản và làm thay đổi sự sản xuất prostaglandin. Hơn nữa, hệ thống sinh sản đòi hỏi hàm lượng axit béo không bão hòa cao để cung cấp màng plasma với tính lưu động cần thiết cho sự thụ tinh.

Một nghiên cứu trên động vật được công bố trên tạp chí Advanced Pharmaceutical Bulletin phát hiện rằng việc bổ sung axit linoleic thúc đẩy hoạt động estrogen và cải thiện hiệu quả sinh sản của chuột cái ngay cả khi đã loại bỏ 1 buồng trứng. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những kết quả này cho thấy vai trò có lợi của axit linoleic trong việc điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh, bao gồm cơn bốc hỏa, teo âm đạo, giảm sức khỏe tim mạch và chứng loãng xương.

5. Tăng cường chức năng miễn dịch

Chất béo không bão hòa đa trong đại gia đình omega-6 và omega-3 rất hữu ích trong các rối loạn tự miễn dịch ở người. Nghiên cứu được tiến hành tại tại Khoa Hóa học và Đời sống của Đại học Greenwich ở Anh cho thấy rằng các axit béo omega-6 giúp ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tự miễn bằng cách tăng cường chức năng miễn dịch và điều chỉnh các phản ứng miễn dịch của tế bào.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi bạn có chế độ ăn uống cân bằng omega-3 và omega-6. Khi bạn ăn quá nhiều thực phẩm omega-6, nó có thể sẽ gây ra phản ứng viêm.

6. Bảo vệ mật độ xương

Các nghiên cứu trên những người tiêu thụ một lượng lớn các axit béo đa không bão hòa, bao gồm cả các axit béo omega-3 và omega-6, cho thấy mật độ khoáng xương cao hơn và giảm nguy cơ gãy xương. Các axit béo này ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của tế bào xương, giúp duy trì sự hình thành xương và có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

Cách bổ sung Axit linoleic an toàn, hiệu quả

Liều lượng bổ sung axit linoleic

Các tổ chức bao gồm Phòng chống dịch bệnh và khuyến khích sức khỏe, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị sử dụng dầu để thay thế chất béo dạng rắn để có sức khỏe tốt hơn. Theo các tổ chức này, lượng axit linoleic ở mức 2% năng lượng sẽ đáp ứng các yêu cầu axit béo thiết yếu của bạn. Dữ liệu cũng cho thấy rằng 5 % đến 10 % lượng năng lượng của axit này có thể giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành.

Mặc dù không có khuyến cáo liều lượng hàng ngày cụ thể cho axit linoleic nhưng lượng hấp thu cần thiết đã được ước tính dựa trên lượng hấp thu trung bình của những người khỏe mạnh sống tại Hoa Kỳ (Rất tiếc là không có của Việt Nam). Dưới đây là khuyến cáo lượng axit linoleic cho trẻ em và người lớn, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advances in Nutrition :

  • Nam giới trưởng thành (19–50 tuổi): 17 gram mỗi ngày
  • Phụ nữ trưởng thành (19–50 tuổi): 12 gram mỗi ngày
  • Đàn ông trưởng thành (51–70 tuổi): 14 gram mỗi ngày
  • Phụ nữ trưởng thành (51–70 tuổi): 11 gram mỗi ngày
  • Trẻ em (1–3 tuổi): 7 gram mỗi ngày
  • Trẻ em (4 tuổi đến tuổi trưởng thành): Tăng dần từ 7 gram mỗi ngày khi trẻ lớn lên
  • Trẻ sơ sinh (0-6 tháng): 4,4 gram mỗi ngày
  • Trẻ sơ sinh (7-12 tháng): 4,6 gram mỗi ngày

Ở nước ta, Viện Dinh dưỡng Bộ Y tế đã khuyến nghị mức tiêu thụ chất béo hàng ngày cho người trưởng thành (chung cho cả nữ và nam) từ 18-25% tổng năng lượng khẩu phần. Có 3 nhóm đối tượng cần tiêu thụ nhiều chất béo hơn là trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú. Ở trẻ đang bú mẹ, vì 50-60% năng lượng ăn vào là do chất béo trong sữa mẹ cung cấp, nên trẻ dưới 6 tháng được bú sữa mẹ hoàn toàn là đảm bảo đủ nhu câu chất béo. Nhưng nếu vì một lý do đặc biệt phải nuôi trẻ bằng thức ăn thay thế sữa mẹ, cần đảm bảo năng lượng chất béo tối thiểu đạt 40% tổng năng lượng cho lứa tuổi này.

Nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật) giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, tăng trưởng và hỗ trợ hấp thu các vitamin A, D, E, K. Mỡ động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa, khó hấp thu, vì thế nên sử dụng hạn chế. Mỡ cá và mỡ gia cầm lại có nhiều chất béo chưa bão hòa, đặc biệt là omega 3, omega 6, omega 9, rất có lợi cho sức khỏe. Các loại dầu thực vật cũng thường có nhiều chất béo chưa bão hòa nên có tác dụng tốt cho tim mạch và được khuyến khích tiêu thụ như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải…

Một số thực phẩm chứa axit linoleic nên sử dụng:

  • Dầu rum: 10 gram trong 1 muỗng canh
  • Hạt hướng dương: 9,7 gram trong 1 ounce
  • Hạt thông: 9,4 gram trong 1 ounce
  • Dầu đậu tương: 8,9 gram trong 1 muỗng canh
  • Dầu hướng dương: 8,9 gram trong 1 muỗng canh
  • Dầu ngô: 7.3 gram trong 1 muỗng canh
  • Hồ đào: 6,4 gam trong 1 ounce
  • Dầu mè: 5,6 gram trong 1 muỗng canh
  • Hạt hạch Brazil: 5,8 gram trong 1 ounce

Thịt – bao gồm thịt bò, thịt cừu và thịt gà – sữa, phô mai và trứng cũng là những nguồn tốt của axit linoleic, nhưng chúng còn phụ thuộc vào chế độ ăn của động vật. Bạn nên chọn nguồn thực phẩm sạch, không dùng các chất kích thích tăng trưởng. Các sản phẩm từ động vật ăn cỏ có hàm lượng axit linoleic cao hơn. Dầu, mỡ để rán chỉ lấy một lượng vừa đủ, dùng một lần rồi đổ bỏ, không dùng lại nhiều lần; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư.

Không quá khó khăn để bạn chọn các loại thực phẩm có chứa axit linoleic, vì hầu hết các loại thực phẩm chế biến và đóng gói sử dụng các loại dầu thực vật có chứa chất béo không bão hòa đa. Nhưng để hưởng lợi từ việc tiêu thụ axit linoleic, tốt nhất là tiêu thụ chất béo trong thực phẩm hữu cơ, không biến đổi gen, bao gồm thịt bò, thịt gà, trứng và dầu thực vật. Tránh ăn quá nhiều thực phẩm không lành mạnh có chứa axit linoleic, bao gồm thịt chế biến sẵn như xúc xích, khoai tây chiên và nước sốt xà lách mua tại cửa hàng.

Bạn có thể dử dụng vài công thức nấu ăn đơn giản dưới đây:

  • Salad rau xà lách thêm quả chà là và ½ muỗng dầu mè hoặc dầu dầu dừa
  • Bò bít tết, hàu nướng phô mai: bao gồm cả omega-3 và omega-6
  • Sữa đậu nành, sữa tươi

Hoặc bạn có thể chọn sử dụng thực phẩm chức năng. Có các chất bổ sung chứa cả các axit béo omega-6 và omega-3, giúp bạn giữ được tỉ lệ cân bằng cần thiết cho sức khỏe tối ưu.

Lưu ý khi sử dụng axit linoleic

Axit linoleic có hại cho bạn không? Như mình đã đề cập ở trên, tiêu thụ quá nhiều axit béo omega-6 và không đủ omega-3 có thể làm giảm cân bằng axit béo của bạn, điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm và một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu như lượng omega-6 quá cao sẽ gây hại cho sức khỏe. Trong quá trình cơ thể sử dụng, hai chất omega -6 và omega-3 đều sử dụng chung một số enzymes, vitamins (B3, B6, C, E), các chất khoáng magie và kẽm. Nếu omega- 6 quá nhiều, nó sẽ chiếm lấy hết các enzymes và vitamin cần thiết khiến omega- 3 không thể hoạt động một cách hoàn hảo được, nhất là trong việc bảo vệ tim mạch và còn có thể gây nên cơn đau nhức viêm sưng chẳng hạn như viêm khớp và hen suyễn. Do đó, nên có sự cân bằng giữa các axit thiết yếu của cả omega-6 và omega-3. Tỷ lệ được khuyến cao là khoảng 2:1 giữa omega-6:omega-3. Vì lý do này bạn nên có chế độ ăn uống hợp lý hàng ngày nhé.

Cuối cùng vài điều bạn nên nhớ về axit linoleic:

  • Axit linoleic là một axit béo omega-6 không bão hòa đa được biết đến như một axit béo thiết yếu bởi vì nó không thể được tạo ra bởi cơ thể con người.
  • Có bằng chứng rõ ràng rằng ăn một chế độ ăn có cân bằng omega-6 và axit béo omega-3 với tỷ lệ thích hợp 2:1 hoặc 1:1 có thể giúp: giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện chức năng não bộ, tăng cường sức khỏe cho da và tóc, cải thiện sức khỏe sinh sản, tăng cường chức năng miễn dịch, bảo vệ mật độ xương.
  • Một nguồn axit linoleic tốt là gì? Các nguồn thực phẩm tốt nhất bao gồm dầu thực vật hữu cơ, không biến đổi gen, như dầu hướng dương, dầu rum, dầu mè và các loại hạt, sản phẩm thịt, trứng, pho mát và sữa.
  • Mọi thực phẩm đều có những lợi ích và cả những tác dụng bất lợi, nhất là khi sử dụng quá nhiều. Do đó nên sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm trong từng món ăn và từng bữa ăn để có chế độ ăn hợp lý giàu dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó cũng không quên đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm để có những bữa ăn an toàn cho gia đình bạn.

Câu nói ” bạn như thế nào là do thức ăn mà bạn dùng” (You are what you eat) có giá trị thật về y khoa. Vì vậy, hãy là người tiêu dùng thông minh nhé!

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment