Mục lục
Tổng quan
Đau bụng, hay có điểm đau ở bụng là khi tác động một lực lên vùng bụng và bạn cảm thấy đau. Có thể là đau nhói hoặc đau âm ỉ.
Nếu khi kích thích bằng cách ấn xuống và bỏ ra đột ngột mà có cảm giác đau chói tại điểm kích thích, thì đó được gọi là phản ứng dội (+) hoặc dấu hiệu Blumberg. Điểm đau thường là một dấu hiệu cho thấy có gì đó không ổn với một hoặc nhiều cơ quan trong bụng của bạn.
Khi nào cần trợ giúp y tế
Tất cả các bệnh lý gây đau bụng đều có thể là cấp cứu y tế. Tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn bị đau bụng nhiều, đặc biệt là khi bạn cũng đang bị sốt. Đau bụng không được điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng. Một số điều kiện có thể gây đau điểm trên bụng là:
- Viêm ruột thừa có thể dẫn đến vỡ ruột thừa và viêm phúc mạc (viêm niêm mạc bên trong bụng).
- Thai ngoài tử cung có thể gây mất máu nghiêm trọng, có thể gây tử vong.
- Một ống dẫn trứng bị xoắn hoặc bệnh viêm vùng chậu (PID) có thể gây ra sẹo ở tử cung và vô sinh. Bạn càng trì hoãn việc điều trị, hoặc số lần bị viêm vùng chậu càng nhiều thì nguy cơ bạn không có thai càng cao. Sau khi bị bệnh, khi có thai phụ nữ có nguy cơ cao bị thai ngoài tử cung (túi thai ở ngoài tử cung). Bệnh này có thể gây đau bụng, chảy máu trong cơ thể, thậm chí tử vong.
- Nhiễm trùng trong đường tiêu hóa ( viêm túi thừa ) có thể gây tử vong.
Nguyên nhân phổ biến của đau bụng
Đau bụng nói chung là một dấu hiệu của viêm hoặc các quá trình cấp tính khác trong một hoặc nhiều cơ quan. Các cơ quan có vấn đề có thể ở trực tiếp dưới điểm đau hoặc ở xung quanh điểm đau. Quá trình đau cấp tính có nghĩa là có áp lực đột ngột gây ra bởi một cái gì đó. Ví dụ, các cơ quan bị xoắn hoặc bị chặn mất lưu thông có thể gây điểm đau trên bụng.
Một số nguyên nhân phổ biến của đau bụng là:
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm. Sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa có thể là nguyên nhân viêm ruột thừa. Vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, khiến phần ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ. Nếu không được chữa trị kịp thời, ruột thừa có thể vỡ. Thường không đau dữ dội, có thể kèm theo hội chứng nhiễm trùng như: sốt nhẹ, môi khô, lưỡi bẩn, trừ vài trường hợp khó chẩn đoán, còn lại nếu thấy đau âm ỉ hố chậu phải đến ngay bệnh viện để bác sĩ khám ngay và theo dõi kỹ, nếu là bệnh viêm ruột thừa thì phải mổ cắt ruột thừa kịp thời, không để xảy ra biến chứng.
Áp xe bụng
Áp xe trong ổ bụng là một túi mô viêm chứa mủ nằm trong ổ bụng. Ổ áp xe có thể được hình thành bên trong thành bụng, ở phần sau của ổ bụng, hoặc xung quanh các cơ quan trong ổ bụng như gan, túi mật, thận, ruột thừa, đại tràng… Áp xe trong ổ bụng thường xảy ra không có nguyên nhân rõ ràng, nhưng chúng thường liên quan đến một vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như sau các phẫu thuật trong ổ bụng, vỡ các tạng trong bụng hoặc chấn thương vùng bụng.
Túi thừa Meckel
Túi thừa Meckel là bệnh bẩm sinh xảy ra khi có túi nhỏ phình ra ngoài thành ruột non. Túi nhỏ này thường dài từ 2,5 đến 5cm. Túi thừa có thể được tạo nên từ mô giống với mô của dạ dày hoặc tụy. Nếu mô này là mô giống với dạ dày, chúng sẽ tạo axit dạ dày gây loét hoặc chảy máu niêm mạc ruột non. Ngoài ra, túi thừa Meckel và các túi thừa khác đều có thể bị viêm hoặc gây lồng ruột. (xảy ra ở khoảng 2% dân số Hoa Kỳ)
Viêm túi thừa
Khi mắc bệnh viêm túi thừa, một phần của thành ruột bị yếu và những nơi này có thể phồng ra như những túi nhỏ. Mỗi túi như vậy được gọi là một túi thừa. Các túi này có thể trở nên đỏ và sưng, đây gọi là viêm túi thừa.
Viêm túi thừa là tình trạng các túi thừa bị viêm sưng đỏ. Viêm túi thừa có thể nhẹ hoặc cũng có thể là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Các biến chứng bao gồm xuất huyết (chảy máu từ ruột già), thủng ruột, tắc nghẽn ruột và áp-xe.
Đau dạ dày
Đôi khi tự chẩn đoán vì rất nhiều người biết dạ dày nằm vùng trên rốn (thượng vị), đau dạ dày thường đau âm ỉ, tùy theo bệnh lý khác nhau: có người đau lúc đói, có người đau lúc no, hoặc đau về đêm hay đau ban ngày.
Đau dạ dày phần lớn có chu kỳ, mùa đông đau nhiều hơn mùa hè. Người làm việc thần kinh căng thẳng bị đau nhiều hơn người lao động chân tay, có người đau kèm theo ợ hơi ợ chua. Khi có các triệu chứng trên cần đến bác sĩ khám để tiến hành soi dạ dày tìm nguyên nhân điều trị.
Tiêu chảy
Đau bụng cũng có thể được gây ra bởi tiêu chảy nặng. Tiêu chảy là tình trạng đi tiêu ra phân lỏng và nước. Tiêu chảy được định nghĩa là đi phân lỏng trên ba lần một ngày. Tiêu chảy cấp tính là một bệnh thường gặp và thường kéo dài 1 hoặc 2 ngày. Hãy khám bác sĩ nếu tình trạng tiêu chảy của bạn kéo dài hơn 2 ngày. Đây có thể là một dấu hiệu của một nhiễm trùng dạ dày hoặc một bệnh nghiêm trọng khác. Tiêu chảy có thể gây mất nước và mất chất điện giải cần thiết.
Táo bón
Táo bón được định nghĩa là gặp khó khăn khi đi tiêu hoặc không đi cầu trong hơn ba ngày liên tục. Phân của bạn sẽ ứ đọng lại bên trong ruột của bạn. bụng dưới của bạn có thể sẽ bị phồng lên và gây ra đau đớn. Táo bón có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Để tránh táo bón, bạn nên uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống thường ngày của bạn. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp bạn đi tiêu dễ dàng hơn.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một bệnh thường gặp, và kéo dài của hệ tiêu hóa. Bệnh có thể gây ra cơn đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và/ hoặc táo bón. Hội chứng ruột kích thích thường ảnh hưởng phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bạn có thể làm giảm các triệu chứng bệnh bằng cách tránh các loại thực phẩm nhất định có thể kích hoạt cơn đau bụng, thay đổi lối sống ăn uống điều độ.
Khó tiêu
Đau bụng do khó tiêu thường gây ra bởi các loại thực phẩm nhất định. Cơn đau thường được mô tả như là một cảm giác khó chịu ở phần bụng trên. Chứng khó tiêu thường được gây ra bởi các loại thực phẩm giàu chất béo và ăn bữa ăn quá nhiều. Khi dạ dày của bạn không thể giữ và tiêu hóa lượng thức ăn quá lớn thì thức ăn sẽ tràn lên thực quản, gây khó chịu đau đớn. Bạn có thể cảm thấy như ợ nóng thường xuyên và có một vị chua chua trong miệng của bạn. Cơn đau có thể kéo dài trong vài giờ và có thể nặng hơn nếu bạn đang gặp phải stress.
Nguyên nhân thường gặp ở phụ nữ bao gồm:
Thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn là túi phình ở vùng bẹn. Thoát vị bẹn xảy ra khi mô mềm – thường là một phần của màng tế bào lót các khoang bụng (mạc nối) hoặc một phần của ruột bị trồi ra và chui vào túi thoát vị. Bệnh có thể gây đau, đặc biệt là khi bạn ho, cúi xuống hoặc nhấc một vật nặng.Thoát vị bẹn không nguy hiểm. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng
Vỡ u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là tình trạng xuất hiện các khối u hay túi chứa dịch lỏng ở buồng trứng nữ giới, đặc biệt là trong độ tuổi sinh sản. Thông thường các khối u này đều lành tính và sẽ tự mất đi mà không cần phải can thiệp điều trị. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp các khối u không thể tự mất đi mà lại phát triển lớn hơn nữa, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vỡ u nang là biến chứng của u nang buồng trứng, cần thực hiện can thiệp ngoại khoa ngay để bảo toàn tính mạng người bệnh.
Vỡ thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là trường hợp thai không làm tổ trong buồng tử cung. Có thể gặp thai làm tổ ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi tử cung, buồng trứng, tại cổ tử cung, trong ổ bụng, thậm trí ngoài ổ phúc mạc. Tuy nhiên khoảng hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở vòi tử cung. Khi thai ngoài tử cung bị vỡ, các mạch máu tại nơi làm tổ sẽ vỡ theo, gây tình trạng chảy máu ồ ạt tràn vào ổ bụng. Khi vỡ gây đau bụng dưới rốn, tùy theo khối thai nằm bên phải hay bên trái mà triệu chứng đau hơi lệch bên phải hay bên trái, đau bụng và chảy nhiều máu làm cho người bệnh choáng, tái nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt. Việc này khiến người bệnh mất nhiều máu, nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể bị tử vong do sốc mất máu.
Ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh nở nếu có những triệu chứng trên cần khẩn trương đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.
Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Viêm vùng chậu (PID) hay còn gọi là viêm đường sinh dục trên. Đây là bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản của phụ nữ bao gồm tử cung, cổ tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Bệnh này xảy ra do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục chẳng hạn như chlamydia và lậu. Nhiễm trùng có xu hướng lây lan dễ nhất trong khi đang hành kinh. Viêm vùng chậu có thể gây sẹo cho ống dẫn trứng và buồng trứng, làm cho việc mang thai trở nên khó khăn hơn hoặc dẫn đến mang thai ngoài tử cung (thai nhi phát triển trong ống dẫn trứng).
Những bệnh lý trên hầu như có liên quan tới một số loại viêm. Viêm gây ra sưng, tạo ra áp lực bên trong bụng và dẫn đến đau.
Các triệu chứng liên quan
Các triệu chứng thường đi kèm với đau bụng:
- Ăn không ngon
- Đầy hơi
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau bụng
- Táo bón
- Bệnh tiêu chảy
- Phân bạc màu
- Phình bụng
- Vàng da
- Ngất xỉu
- Trễ chu kỳ kinh nguyệt
- Sốt
Chẩn đoán
Đi khám bác sĩ
Bác sĩ sẽ cần bệnh sử, tiền sử đầy đủ và thực hiện kiểm tra các cận lâm sàng cần thiết. Họ sẽ muốn biết về tất cả các triệu chứng bạn có và khi chúng bắt đầu. Bác sĩ cũng sẽ muốn biết những gì làm cho các triệu chứng của bạn cảm thấy giảm đi hoặc tăng lên
Các phần của bụng
Bác sĩ của bạn có thể kiểm tra bụng bằng khám lâm sàng. Vùng bụng bị đau có thể có vấn đề với một số cơ quan. Ví dụ:
- Góc phần tư phía trên bên phải (gan và túi mật)
- Góc phần tư phía trên bên trái (dạ dày và tá tràng)
- Góc phần tư phía dưới bên phải (ruột thừa)
- Góc phần tư phía dưới bên trái (đoạn cuối của đại tràng hoặc đường tiêu hóa)
Điểm đau được biết đến nhiều nhất là điểm McBurney. Nó nằm ở góc phần tư phía dưới bên phải, trong khu vực của ruột thừa của bạn. Nếu ấn điểm McBurney mà bạn có cảm giác đau chói có nghĩa là nhiều khả năng ruột thừa của bạn bị viêm. Tại thời điểm này, ruột thừa của bạn có nguy cơ bị vỡ.
Các vấn đề với các cơ quan vùng chậu, bao gồm buồng trứng và ống dẫn trứng, cũng có thể gây ra đau nửa bụng bên phải hoặc bên trái.
Xét nghiệm
Bạn có thể cần thực hiện các xét nghiệm sau đây để giúp xác định nguyên nhân gây đau bụng:
X-quang bụng
X quang bụng không chuẩn bị thường được sẵn sàng thực hiện và rẻ tiền hơn siêu âm hay CT và có thể hữu ích trong một số trường hợp. X quang ngực hay bụng tư thế đứng có thể phát hiện khí tụ dưới hoành, gợi ý lỗ thủng thường tiêu hóa. Sự vôi hóa bất thường có thể thấy được trên một phim X quang không chuẩn bị; bao gồm 10% sỏi mật, 90% sỏi thận và 5% sỏi ruột thừa ở bệnh nhân viêm ruột thừa. X quang bụng không chuẩn bị có thể giúp chẩn đoán tắc ruột với nhiều quai ruột giãn và mức nước hơi, mặc dù kết quả có thể xảy ra tương tự với liệt ruột..
Chụp cắt lớp vi tính bụng (CT)
Một xét nghiệm không xâm lấn sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh độ phân giải cao của các cơ quan bụng của bạn để xác định vị trí bất thường cấu trúc. Chụp cắt lớp vi tính (CT) có cản quang đường tĩnh mạch được đề nghị để đánh giá người lớn có cơn đau cấp ở góc phần tư dưới phải; CT có cản quang đường uống và tĩnh mạch được khuyên dùng cho bệnh nhân đau góc phần tư dưới trái. Viêm túi thừa đại tràng sigma là nguyên nhân gây đau góc phần tư dưới trái phổ biến nhất người lớn, và CT được báo cáo là có độ nhạy 79-99% trong việc phát hiện. CT tốt hơn so với siêu âm trong chẩn đoán viêm ruột thừa và có thể phát hiện nguyên nhân ngoài ruột của đau bụng.
Công thức máu (CBC)
Xét nghiệm máu giúp đánh giá sức khỏe tổng quát của bạn (Số lượng bạch cầu tăng cao cho bác sĩ biết rằng có tình trạng viêm, cho thấy có nhiễm trùng hoặc bệnh.)
Xét nghiệm protein phản ứng C
Xét nghiệm máu dương tính khi có viêm
Xét nghiệm sinh hóa máu
Định lượng amylase và lipase, men gan, điện giải đồ, đường máu….
Xét nghiệm progesterone huyết thanh
Xét nghiệm máu cho thai kỳ, nhạy cảm hơn xét nghiệm bằng nước tiểu, có thể giúp xác định xem bạn có đang mang thai ngoài tử cung không.
Siêu âm bụng
Một xét nghiệm không xâm lấn sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan vùng bụng, có thể giúp xác định vị trí thoát vị, u nang buồng trứng.
Siêu âm qua ngả âm đạo
Nếu nghi ngờ thai ngoài tử cung, siêu âm qua ngả âm đạo có thể được thực hiện. Độ nhạy của phương pháp này trong phát hiện thai ngoài tử cung là 95% ở bệnh nhân có xét nghiệm thai dương tính và có phát hiện siêu âm bất thường, trong khi đó ở xét nghiệm thai âm tính và siêu âm bình thường hầu như loại trừ thai ngoài tử cung. Siêu âm qua ngả âm đạo cũng hữu ích trong chẩn đoán các bệnh phụ khoa khác như u xơ tử cung,u buồng trứng,xoắn buồng trứng và áp xe buồng trứng.
Điều trị
Điều trị đau bụng nói chung phụ thuộc vào nguyên nhân. Tránh dùng aspirin, ibuprofen hoặc naproxen để giảm đau vì điều này làm tăng nguy cơ loét dạ dày và xuất huyết tiêu hóa. Nó cũng có thể làm xấu đi tình trạng của bạn và che lấp các triệu chứng dẫn đến bác sĩ khó xác định.
Phẫu thuật
Đối với viêm ruột thừa, bạn có thể được bác sĩ cho dùng thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch và chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa. Chủ yếu có 2 phương pháp là mổ mở và mổ nội soi cắt ruột thừa. Ngày nay mổ nội soi rất phổ biến, sau mổ nội soi bạn có thể phục hồi nhanh chóng.
Bạn có thể cần phẫu thuật để loại bỏ một phần của đại tràng nếu nó bị tắc nghẽn.
Thoát vị, một ống dẫn trứng xoắn và mang thai ngoài tử cung cũng có thể cần phẫu thuật để điều chỉnh những bất thường về cấu trúc như vậy.
Bác sĩ của bạn có thể thực hiện kiểm tra nội soi nếu nghi ngờ một số bệnh lý và các xét nghiệm không cho thấy cơ quan nào gây đau bụng. Nội soi ổ bụng là một thủ tục phẫu thuật đòi hỏi phải gây mê toàn thân. Nội soi ổ bụng chẩn đoán là dạng phẫu thuật nội soi được dùng để quan sát các cơ quan vùng bụng và vùng chậu. Trong quá trình nội soi, nếu thấy có bất thường, bác sĩ có thể thực hiện luôn một số tiểu phẫu. Nội soi ổ bụng chẩn đoán rất hữu ích trong việc tìm ra nguyên nhân gây đau vùng bụng dưới và vùng chậu, một số vấn đề kinh nguyệt và vô sinh. Phẫu thuật này rất hiệu quả trong việc giúp chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, nhiễm trùng, xơ dính vùng chậu, tổn thương ống dẫn trứng, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng hoặc u xơ tử cung.
Bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi (một ống mảnh có gắn đèn) đưa vào bụng thông qua một vết mổ nhỏ trên da. Nó cho phép các bác sĩ xem cơ quan nào bên trong bụng hoặc vùng chậu của bạn đang gây ra vấn đề.
Phương pháp điều trị khác
Buồn nôn, nôn và tiêu chảy có thể gây mất nước nghiêm trọng và dẫn đến tụt huyết áp. Nếu bạn đã bị nôn mửa và tiêu chảy, bác sĩ có thể truyền dịch và điện giải qua đường tĩnh mạch cho bạn để bù khối lượng dịch bị mất. Dịch truyền này giúp duy trì huyết áp và cân bằng axit-bazơ.
Mất nước nghiêm trọng có thể gây ra huyết áp thấp nguy hiểm ( sốc ). Sốc làm giảm lưu lượng máu đến tất cả các cơ quan quan trọng. Nó cũng có thể làm hỏng thận, tim và não của bạn.
Biện pháp xử trí tại nhà
Khi bạn đã giải quyết được nguyên nhân chính gây đau bụng, có vài cách giúp giảm bớt mọi triệu chứng khác bằng một số phương pháp điều trị đơn giản tại nhà.
Những lời khuyên sau đây có thể giúp giảm viêm:
- Sử dụng một chai nước nóng hoặc túi chườm nóng vào khu vực đau để giúp giảm đau bụng: Sức nóng có thể tăng cường lưu thông máu lên bề mặt da. Khi được chườm lên bụng, nguồn nhiệt có thể giúp giảm đau và giãn các cơ. Bạn có thể sử dụng túi chườm nóng hoặc chai nước nóng khoảng 10-20 phút và nghe xem có đỡ đau không. Tránh đặt nguồn nhiệt trực tiếp lên da để ngăn ngừa tổn thương. Nếu thấy da đỏ và rát, bạn cần bỏ nguồn nhiệt ra ngay lập tức
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như yoga, thiền và thở sâu. Căng thẳng có thể làm nặng thêm tình trạng viêm và đau: Thiền mỗi ngày có thể giúp hạ mức căng thẳng nói chung và giảm các triệu chứng thể chất có liên quan đến stress. Tập thiền đều đặn cũng có thể giúp giảm các vấn đề về dạ dày do viêm và rối loạn đường ruột gây ra. Bạn hãy thiền mỗi ngày tối thiểu 15-20 phút bằng cách ngồi yên tĩnh và tập trung vào hơi thở với từng đợt chậm và có kiểm soát.
Phòng ngừa
Gặp bác sĩ để kiểm tra thường xuyên là phương pháp phòng ngừa tốt nhất. Một số nguyên nhân không thể ngăn chặn được, nhưng bạn có thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Bạn có thể:
Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh
Ăn các bữa ăn nhỏ hơn trong suốt cả ngày. Ăn các thực phẩm lên men để hỗ trợ tiêu hóa. Các loại thức ăn và thức uống lên men có chứa lợi khuẩn giúp cho cơ thể tiêu hóa thức ăn dễ dàng. Bạn nên cố gắng kết hợp mỗi tuần 2-3 khẩu phần các sản phẩm này vào chế độ ăn để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa. Các thực phẩm này bao gồm: Kefir (một sản phẩm sữa lên men), Kombucha (một loại trà lên men), Sauerkraut (một hỗn hợp bắp cải lên men), Miso (một loại bột làm từ đậu nành lên men).
Chọn carbohydrate đơn và phức dễ tiêu hóa
Các thức ăn khiến cơ thể phải làm việc vất vả để tiêu hóa có thể khiến cơn đau bụng nặng thêm khi bạn đang cố gắng hồi phục. Bạn nên chọn các loại carbohydrate đơn hoặc phức như bánh mì và cơm. Chuối và sốt táo là các thực phẩm được biết là giúp làm dịu dạ dày. Ví dụ, bạn nên tránh các thức ăn như bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt và rau bina trong thời gian dạ dày đang hồi phục.
Ăn nhiều chất xơ
Nhiều người ăn chế độ ăn điển hình của người phương tây thường không nạp đủ chất xơ, dẫn đến các vấn đề như táo bón. Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: Bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt, ngũ cốc giàu chất xơ, hoa quả, rau củ. Các thực phẩm bổ sung chất xơ như sữa chua, bánh quy, các thanh bổ sung chất xơ và những thực phẩm tương tự.
Tránh các thức ăn cay có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày
Đau dạ dày thường do niêm mạc dạ dày bị viêm, vì vậy điều quan trọng là cần phải chọn thức ăn nhẹ nhàng cho hệ tiêu hóa trong thời gian bình phục. Chọn các thức ăn nhẹ, không cay và ít gia vị. Để tránh các nguyên liệu không thích hợp trong thức ăn, bạn nên tự nấu ăn trong khi điều trị đau dạ dày
Uống nước thường xuyên
Ngủ ít nhất bảy đến tám giờ mỗi đêm
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
Các bài tập thể dục có thể giúp làm dịu và ngăn ngừa đau bụng nhờ tác dụng giảm stress và nâng cao khả năng trao đổi chất. Để tận dụng tối đa hiệu quả của việc tập luyện cường độ trung bình, bạn hãy tập mỗi buổi 30 phút với các bài tập cardio, mỗi tuần 4-5 lần. Bạn có thể thử các hoạt động như: Chạy bộ, đạp xe, bơi lội, đi bộ nhanh…
Thực hành tình dục an toàn để giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm vùng chậu
Nếu thường xuyên bị đau bụng, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Đau bụng có thể là một triệu chứng của nhiều bệnh lý đòi hỏi phải được điều trị cấp cứu, sử dụng thuốc men hoặc phẫu thuật.