Triệu chứng

Đau hạ sườn trái có những nguyên nhân nào? Điều trị ra sao?

Điều gì gây ra cơn đau hạ sườn trái?

Bụng của bạn được chia thành bốn phần. Hãy tưởng tượng một đường thẳng đứng chia đôi bụng. Sau đó, tưởng tượng một đường ngang ở mức rốn của bạn. Góc phần tư trên cùng bên trái của bạn chính là góc hạ sườn trái. Đau ở vùng này có thể có nhiều nguyên nhân vì có một số cơ quan quan trọng nằm trong khu vực này, bao gồm:

  • Tim
  • Lách
  • Thận
  • Tuyến tụy
  • Dạ dày
  • Đại tràng
  • Phổi

Một số nguyên nhân có thể được điều trị tại nhà, nhưng một số nguyên nhân khác có thể đe dọa tính mạng. Vì lý do này, điều quan trọng là bạn cần biết các triệu chứng nguy hiểm và đến viện kịp thời để có thể kịp thời điều trị.

Dưới đây là thông tin về các nguyên nhân gây ra đau hạ sườn trái, triệu chứng của chúng và những gì bạn nên làm khi gặp tình trạng này.

Xem thêm: Đau bụng: Nguyên nhân, phân loại, cách điều trị và phòng ngừa

Nguyên nhân đe dọa tính mạng

đau hạ sườn trái

Đau tim

Nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị đau tim hoặc đang trong một tình huống cấp cứu khác, hãy gọi 115 ngay lập tức. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của cơn đau tim là đau ngực trái, cảm giác tức nặng đè ép trong ngực hoặc cơn đau lan xuống cánh tay của bạn. Cơn đau cũng có thể lan đến hàm, lưng hoặc cổ của bạn.

Các triệu chứng phổ biến khác của đau tim bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt đột ngột
  • Buồn nôn, khó tiêu, ợ nóng hoặc đau bụng
  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi lạnh

Bạn có thể có tất cả hoặc chỉ một hoặc hai trong số các triệu chứng này, nhưng nếu bạn gặp bất kỳ trong số chúng và nghĩ rằng bạn có thể bị đau tim, hãy gọi 115 hoặc số khẩn cấp tại địa phương của bạn ngay lập tức.

Điều trị các cơn đau tim

Các cơn đau tim phải được điều trị trong bệnh viện. Các lựa chọn điều trị bao gồm dùng thuốc và phẫu thuật, bao gồm:

  • Thuốc chống đông
  • Aspirin
  • Thuốc giảm đau
  • Nitroglycerin
  • Thuốc ức chế angiotensine
  • Thuốc chẹn beta
  • Phẫu thuật đặt stent
  • Phẫu thuật bắc cầu tim

Đau thắt ngực

Đau thắt ngực là một tình trạng liên quan đến tim có thể gây đau ở khu vực này.

Đau thắt ngực là tình trạng đau ngực gây ra bởi động mạch vành bị hẹp vì tắc nghẽn hoặc co thắt. Lượng máu để nuôi tim không đủ, dẫn đến tình trạng tim bị thiếu oxy để bơm máu. Cơn đau thắt ngực có thể là dấu hiệu của một căn bệnh về tim nghiêm trọng nào đó cần được lưu ý ngay lập tức. Bất kỳ ai cũng có thể bị đau thắt ngực do nhiều nguyên nhân. Những người đã hoặc đang gặp phải vấn đề về tim mạch thường sẽ bị đau thắt ngực hơn. Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nhiều nguy cơ mắc chứng đau thắt tim hơn những thanh thiếu niên.

Đau và có cảm giác khó chịu là những triệu chứng ban đầu của bệnh đau thắt ngực. Cơn đau có thể bắt đầu ở ngực và thỉnh thoảng lan đến lưng, cổ, vai trái và cả xuống cánh tay (đặc biệt là cánh tay trái). Đôi lúc người bệnh có thể có các triệu chứng như ợ nóng hoặc khó tiêu.

Cơn đau thắt ngực có thể kèm theo các triệu chứng mổ hôi, buồn nôn, ngất xỉu, kiệt sức, choáng váng, khó thở.

Ngoài ra, triệu chứng của bệnh còn tùy thuộc vào loại đau thắt ngực mà bạn mắc phải. Có 3 loại đau thắt ngực kèm theo các triệu chứng như sau:

Đau thắt ngực ổn định

Xảy ra khi người bệnh vận động quá sức dẫn đến tim đập nhanh hơn bình thường.

Cơn đau thường có thể cảm nhận trước được và diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 5 phút).

Cảm giác ợ nóng hoặc khó tiêu.

Cơn đau ngực có thể lan tỏa đến tay, lưng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Đau thắt ngực không ổn định

Cơn đau thường xuất hiện lúc nửa đêm khi bạn đang ngủ hoặc khi bạn đang nghỉ ngơi.

Cơn đau thường đến một cách đột ngột.

Thường cơn đau sẽ kéo dài đến 30 phút.

Theo thời gian, nếu không được chữa trị cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.

Đau thắt ngực mao mạch (Đau thắt ngực vi mạch)

Cơn đau thường trầm trọng và kéo dài hơn các cơn đau thắt ngực khác.

Thường kèm theo những triệu chứng thở gấp, khó ngủ, mệt mỏi.

Cơn đau thường xuyên xảy ra trong các hoạt động thường ngày và khi bạn cảm thấy căng thẳng.

Điều trị đau thắt ngực

Các lựa chọn điều trị đau thắt ngực phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Thuốc như thuốc chống đông và thuốc chẹn beta.
  • Thay đổi lối sống để giảm nguy cơ mắc bệnh tim
  • Phẫu thuật như đặt stent

Viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim là bệnh lý trong đó màng ngoài tim bị viêm và sưng. Màng ngoài tim là lớp bao sợi mỏng bao bọc quanh trái tim. Lớp sợi mỏng này như một tấm màng giữ tim cố định trong lồng ngực và bôi trơn cho tim.

Chứng viêm này có thể khiến màng ngoài tim hóa sẹo, mỏng đi và tim có thể bị siết lại. Nó có thể gây ra những triệu chứng khác như giảm dòng máu đi ra từ tim. Điều này có thể xảy ra khi mà có quá nhiều dịch đọng lại trong màng gây ra áp lực quá mức lên trái tim làm cho tim không bơm đầy máu như bình thường. Trong trường hợp nặng, huyết áp có thể giảm ở mức nguy hiểm và có thể gây ra tử vong. Có bốn loại viêm màng ngoài tim, được xác định bởi các triệu chứng kéo dài bao lâu. Bốn loại này là:

  • Cấp tính: Các triệu chứng kéo dài dưới ba tuần.
  • Không liên tục : Các triệu chứng liên tục và kéo dài bốn đến sáu tuần.
  • Tái phát: Các triệu chứng tái phát sau bốn đến sáu tuần sau đó mà không có triệu chứng nào giữa các lần trước.
  • Mạn tính: Các triệu chứng kéo dài hơn ba tháng.

Các triệu chứng thay đổi một chút đối với từng loại và có thể bao gồm:

  • Đau nhói ở giữa hoặc bên trái ngực có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn hít vào
  • Có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức hoặc yếu
  • Ho
  • Phù ở chân hoặc trướng bụng
  • Khó thở khi nằm
  • Tim đập nhanh
  • Sốt nhẹ

Điều trị viêm màng ngoài tim

Điều trị tùy thuộc vào loại, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim đều nhẹ và chỉ cần nghỉ ngơi và điều trị đơn giản là có thể khỏi bệnh. Phương pháp điều trị chủ yếu là bằng thuốc. Một số trường hợp hiếm gặp có thể phải sử dụng một số kỹ thuật y tế hoặc phẫu thuật.

Trong bước đầu tiên của quá trình điều trị, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nghỉ ngơi cho đến khi khỏe hơn và hết sốt. Bạn có thể sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng viêm như aspirin và ibuprofen để giúp bạn giảm đau và viêm.

Nếu cơn đau vẫn tiếp tục và trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc mạnh hơn như colchicine và prednisone (một loại thuốc có chứa steroid). Nếu bị nhiễm trùng do vi trùng gây viêm màng ngoài tim, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh hoặc một số loại thuốc khác để điều trị nhiễm trùng.

Ngoài ra, trong một số trường hợp bệnh chuyển biến nặng hơn. Bạn có thể cần phải điều trị các biến chứng của viêm màng ngoài tim như chèn ép tim và viêm màng ngoài tim thắt mạn tính.

Bác sĩ sẽ điều trị chèn ép tim bằng một thủ thuật gọi là chọc màng ngoài tim. Trong đó, một kim tiêm hoặc ống dẫn (gọi là ống thông) được chèn vào thành ngực để loại bỏ chất lỏng dư thừa trong màng ngoài tim. Thủ tục này sẽ giúp làm giảm áp lực cho tim.

Cách chữa trị duy nhất của viêm màng ngoài tim thắt mãn tính là phẫu thuật để loại bỏ màng tim.

Nguyên nhân tiêu hóa

Ứ khí

Ứ khí xảy ra khi khí chậm hoặc không thể di chuyển qua đường tiêu hóa của bạn. Nó có thể được gây ra bởi thực phẩm hoặc bệnh lý tiêu hóa. Các triệu chứng của ứ khí bao gồm:

  • Đau bụng
  • Đau tăng khi ăn, giảm khi trung tiện hoặc đại tiện
  • Chướng khí trong bụng

Điều trị ứ khí

Khí là một phần bình thường của quá trình tiêu hóa, nhưng nó có thể gây khó chịu. Ứ khí có thể được điều trị bằng cách:

  • Thay đổi chế độ ăn uống của bạn
  • Giảm hoặc loại bỏ các thực phẩm có thể gây ra khí, như: thực phẩm giàu chất xơ, sữa, thực phẩm chiên, đồ uống có ga
  • Thay đổi thói quen ăn uống của bạn bằng cách ăn chậm hơn và ăn những phần nhỏ hơn
  • Ngừng nhai kẹo cao su hoặc sử dụng ống hút
  • Dùng thuốc không kê đơn (OTC) như Beano , GasX hoặc Mylanta

Nếu bạn gặp phải tình trạng ứ khí mãn tính, bạn nên kiểm tra với bác sĩ để xem liệu đó có phải là do bệnh lý tiêu hóa hay không.

Táo bón

Táo bón, hay còn gọi là bón, là tình trạng đại tiện khó và khoảng cách giữa các lần đại tiện kéo dài hơn bình thường. Mỗi người có thói quen đại tiện khác nhau, không nhất thiết phải có quy định chung cho thói quen này. Táo bón được tính khi bạn đi đại tiện ít hơn 3 lần trong một tuần.

Táo bón thường tự hết nếu bạn thay đổi lối sống, nhưng táo bón mãn tính sẽ khó điều trị hơn và thường là triệu chứng của một tình trạng bệnh khác.

Táo bón không phải là một bệnh mà là triệu chứng của các bệnh ở đại trực tràng (ruột già và ruột kết) khác. Các bệnh gây táo bón có thể là bệnh nhẹ và phổ biến như polyp đại trực tràng hoặc nghiêm trọng như ung thư đại trực tràng.Táo bón là nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ phàn nàn về đau bụng.

Các triệu chứng táo bón bao gồm:

  • Khó thải phân, phân khô hay cứng
  • Bụng trướng
  • Đau bụng
  • Có máu trong phân hoặc chảy máu sau khi đi đại tiện
  • Sau khi đại tiện xong vẫn còn cảm giác muốn đại tiện.

Dù là một triệu chứng phổ biến, nhưng bạn nên gặp bác sĩ nếu táo bón kéo dài hơn hai tuần vì đó có thể là dấu hiệu cho các bệnh khác. Ngoài ra bạn cũng cần đi khám khi trong phân có máu, sụt cân dù không ăn kiêng hoặc táo bón kèm theo đau bụng nghiêm trọng.

Điều trị táo bón

Điều trị bệnh táo bón nhẹ rất đơn giản. Bạn phải thay đổi lối sống, như tập thể dục nhiều hơn và uống thêm nước (1.5 đến 2 lít mỗi ngày) và ăn thêm chất xơ. Tốt nhất nên tránh sử dụng thuốc nhuận tràng vì bạn dễ bị phụ thuộc vào thuốc. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng phương thuốc nhuận tràng thiên nhiên như rau mông tơi, đu đủ hoặc chuối.

Bạn nên cân bằng thời gian mỗi ngày cho việc đại tiện được thoải mái. Uống nước và cà phê nóng vài phút trước khi đi có thể giúp kích thích nhu động trực tràng.

Đối với tình trạng táo bón vừa và nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc đặt làm mềm phân, thuốc nhuận tràng, và thụt tháo. Bác sĩ sẽ không dùng thuốc nhuận tràng quá mạnh trừ khi các cách trên không hiệu quả.

Một thói quen sống lành mạnh là liều thuốc tốt nhất cho bệnh táo bón. Một số lời khuyên sau sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị táo bón:

  • Ăn nhiều chất xơ trong chế độ ăn, như là trái cây, rau củ và cả ngũ cốc
  • Uống đủ nước, đặc biệt là trong thời tiết ấm
  • Tránh những thuốc không kê đơn như là thuốc chống dị ứng có thể gây ra táo bón.

Chứng ợ nóng

Chứng ợ nóng là một vấn đề phổ biến liên quan đến đau từ nhẹ đến nặng ở ngực. Người ta ước tính rằng hơn 60 triệu người Mỹ bị ợ nóng ít nhất mỗi tháng một lần. Chứng ợ nóng thường xảy ra sau khi ăn.

Nó thường xảy ra khi axit đi ngược từ dạ dày vào thực quản. Điều này gây ra cảm giác nóng rát và khó chịu trong ngực của bạn. Cơn đau có thể cảm thấy sắc nét, nóng rát hoặc giống như cảm giác thắt chặt trong ngực. Một số người cũng có thể mô tả chứng ợ nóng như đốt cháy di chuyển xung quanh cổ họng, hoặc là sự khó chịu nằm phía sau xương ức.

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau:

  • Cảm thấy đau ngực
  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Ợ nóng xảy ra nhiều lần 1 tuần
  • Bạn không thể kiểm soát cơn đau với thuốc không kê đơn
  • Nôn mửa hoặc buồn nôn
  • Giảm vị giác gây sụt cân.

Điều trị chứng ợ nóng

Tùy thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị của bạn, chứng ợ nóng có thể kéo dài hai giờ trở lên. Bạn có thể kiểm soát chứng ợ nóng của mình bằng cách:

  • Giảm cân
  • Bỏ hút thuốc
  • Ăn ít thức ăn béo
  • Tránh thức ăn cay hoặc axit

Ợ nóng có thể được điều trị tại nhà với các loại thuốc không cần kê đơn, bao gồm:

  • Antacids để trung hòa lập tức axit dạ dày
  • Thuốc kháng thụ thể H2 giúp giảm lượng axit dạ dày tiết ra và giảm đau
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) như lansoprazole và omeprazole.

Nếu các loại thuốc này không có tác dụng thì bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn những phương pháp điều trị khác. Đôi khi bạn sẽ cần phẫu thuật trong trường hợp trào ngược nghiêm trọng mà không thể kiểm soát bằng thuốc và gây ra khan giọng, viêm phổi hay thở khò khè.

Chứng ợ nóng có thể là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn như trào ngược axit hoặc GERD.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), thường được gọi là trào ngược axit, là một tình trạng xảy ra khi bạn bị ợ nóng hơn hai lần mỗi tuần. Các triệu chứng của GERD cũng có thể bao gồm:

  • Trào ngược axit
  • Khàn tiếng
  • Đau ngực
  • Đau họng
  • Ho
  • Hôi miệng
  • Khó nuốt

Điều trị GERD

Các lựa chọn điều trị cho GERD khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của bạn. Điều trị thường bao gồm kết hợp của thay đổi lối sống và thuốc.

Thay đổi lối sống có thể giúp giảm bớt GERD bao gồm:

  • Duy trì cân nặng phù hợp: Tình trạng thừa cân gây áp lực lên toàn bộ cơ thể bạn, khiến dạ dày bị đẩy lên và làm axit dễ dàng trào ngược lên thực quản.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ vòng thực quản, dẫn đến axit từ dạ dày trào lên thực quản.
  • Đừng vội nằm sau khi ăn: Không ăn tối quá muộn, tốt nhất là trước 8h tối. Sau khi ăn 2- 3 hãy nằm xuống hoặc đi ngủ.
  • Ăn chậm, nhai kỹ: Cố gắng nhai kỹ và nuốt hết phần ăn trong miệng trước khi bắt đầu lấy thêm một phần ăn khác.
  • Chia nhỏ bữa ăn để không ăn quá no, thức ăn trong dạ dày quá đầy sẽ dễ trào lên thực quản.
  • Tránh các loại đồ ăn thức uống kích thích trào ngược axit: Thực phẩm béo, chiên, sốt cà chua, rượu, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành tây và cafein. Bổ sung trái cây, rau xanh.
  • Tránh mặc quần áo bó sát: Quần áo quá chật sẽ gây áp lực lên phần bụng và cơ vòng thực quản dưới, tạo điều kiện gây ra trào ngược dạ dày thực quản.
  • Sử dụng thảo dược: Cam thảo và hoa cúc đôi khi được sử dụng để giảm trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, các thảo dược tự nhiên thỉnh thoảng lại có tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến thuốc đang điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ một loại thảo dược nào.
  • Thư giãn, giảm stress: Các bằng chứng cho thấy, giảm căng thẳng và bớt lo âu có thể làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản một cách rõ ràng.

Các loại thuốc cho GERD bao gồm:

  • Thuốc kháng axit
  • Thuốc chẹn thụ thể H2
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
  • Prokinetic

Phần lớn các trường hợp nhẹ, mới xuất hiện chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, bệnh cũng có thể được cải thiện (bỏ thuốc lá, bỏ bia rượu, giảm cân, giảm stress…). Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán và liệu trình điều trị phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh nếu bệnh kéo dài. Các phương pháp khác có thể áp dụng với trào ngược dạ dày nặng và kéo dài như phẫu thuật: Bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho bạn phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích là một hội chứng rối loạn ở ruột già có thể gây đau bụng kèm táo bón hoặc tiêu chảy. Thức ăn trong đường tiêu hóa đi từ ruột non đến ruột già. Chức năng chính của ruột già là hấp thụ nước và đẩy phân ra nhờ các nhu động ruột. Ở những người mắc bệnh hội chứng ruột kích thích, nhu động ruột do cơ co thắt sẽ diễn ra bất thường. Cơ co thắt quá mức sẽ gây tiêu chảy. Ngược lại, cơ co thắt chậm hoặc ít sẽ dẫn đến táo bón. Nhu động ruột không liên tục và bất thường có thể gây đau bụng hoặc cảm giác muốn đi ngoài ngay lập tức.

Các triệu chứng khác nhau về mức độ nghiêm trọng và thời gian đối với những người mắc. Những dấu hiệu thường gặp của hội chứng ruột kích thích bao gồm: đầy hơi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy hoặc xuất hiện cả hai. Trong đó triệu chứng phổ biến nhất là đau hoặc khó chịu ở bụng. Cơn đau có thể khiến bệnh nhân có cảm giác giống như bị chuột rút, và kèm theo những dấu hiệu sau:

  • Cơn đau cải thiện sau khi bạn đại tiện
  • Tần suất đi ngoài có sự thay đổi
  • Phân của bạn không giống lúc trước.

Những triệu chứng khác có thể có bao gồm: cảm giác muốn đi ngoài khẩn cấp, hoặc đi ngoài không hết phân. Những triệu chứng này tái đi tái lại hàng ngày, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.

Điều trị IBS

Không có cách chữa trị cho IBS. Điều trị nhằm mục đích giảm triệu chứng và quản lý tình trạng này. Trước hết, việc thay đổi lối sống có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, bao gồm thiết lập chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, loại bỏ các thức ăn chứa khí hoặc tạo ra nhiều khí, uống đủ nước, luyện tập thể dục và khống chế căng thẳng. Bác sĩ có thể giúp bạn lựa chọn những loại thuốc tốt nhất cho bệnh. Các loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc bổ sung chất xơ
  • Thuốc chống tiêu chảy
  • Thuốc kháng cholinergic và chống co thắt
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc kháng sinh.

Để hạn chế diễn tiến của bệnh này, bạn nên duy trì những hoạt động sau:

  • Tìm hiểu những loại thức ăn làm cho triệu chứng trầm trọng hơn và hạn chế ăn những loại thức ăn đó
  • Duy trì một chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, ngũ cốc và rau quả
  • Có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nhiều chất xơ
  • Hãy uống nhiều nước để giúp ruột già hoạt động tốt
  • Hãy uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Hãy tập thể dục vừa phải khoảng 30 phút mỗi ngày
  • Hãy cố tránh bị stress.

Bệnh viêm ruột (IBD)

Viêm ruột là tình trạng viêm xảy ra ở ruột. Viêm ruột là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm nói chung ở ruột gây ra bởi cả vi khuẩn lẫn virus. Bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng mạn đều thuộc viêm ruột. Viêm ruột là một phần trong bệnh lý viêm đường tiêu hóa.

Các triệu chứng của IBD có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Đau bụng bất thường
  • Chán ăn
  • Đi ngoài ra máu
  • Đi ngoài phân nhiều nhầy
  • Tiêu chảy nặng và cấp tính.

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu dưới đây:

  • Các triệu chứng kéo dài hơn 3 hoặc 4 ngày
  • Sốt hơn 380C
  • Có máu trong phân

Có các dấu hiệu bị mất nước bao gồm khô miệng, mắt trũng, ít nước mắt, tiểu ít, nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, có những chỗ mềm trên đỉnh đầu đối với trẻ sơ sinh, chóng mặt, đặc biệt là khi đứng lên.

Điều trị IBD

Nếu bệnh nhẹ, bạn sẽ không cần đến điều trị vì bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày. Đối với các triệu chứng tiêu chảy, bạn chỉ cần phải bổ sung nước. Nếu bạn không thể uống đủ nước, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung nước bằng dung dịch điện giải, đó là hợp chất của nước với các chất điện giải cần thiết bao gồm natri (muối) và kali. Nếu bạn bị tiêu chảy cấp, bạn sẽ cần truyền dịch tĩnh mạch, uống thuốc hoặc thậm chí là nhập viện. Với trẻ em, trường hợp trẻ bị tiêu chảy và mất nước sẽ cần được chăm sóc y tế và truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Nếu bạn bị viêm ruột do phóng xạ, bác sĩ có thể phải thay đổi xạ trị hoặc ngừng hẳn. Thậm chí bạn có thể cần phải được phẫu thuật để loại bỏ một phần ruột non bị hư hại.

Các loại thuốc tiêu chảy dù ít được dùng nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ làm chậm tiến triển bệnh bằng cách làm chậm quá trình đào thải mầm bệnh. Nếu bạn bị tiêu chảy sau khi dùng thuốc lợi tiểu, bạn nên dừng sử dụng thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bạn sẽ có thể kiểm soát viêm ruột nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Rửa tay cẩn thận trước khi ăn, khi nấu ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tránh sử dụng các thức uống không hợp vệ sinh như nước từ dòng suối, nước giếng và nước chưa được đun sôi.
  • Khi ăn trứng hoặc thịt gia cầm, bạn chỉ nên dùng dụng cụ đã được vệ sinh sạch sẽ.
  • Bạn nên ăn thực phẩm được nấu chín kỹ và dự trữ thực phẩm trong ngăn mát tủ lạnh.
  • Hạn chế hút thuốc và uống rượu bia.

Sỏi thận

Sỏi thận là những tinh thể rắn hình thành trong thận từ các chất trong nước tiểu. Quá trình này được gọi là quá trình tạo sỏi thận. Sỏi thận có thể nhỏ hoặc lớn đến vài cm. Những viên sỏi lớn lấp đầy bể thận và các ống mang nước tiểu từ thận đến bàng quang (niệu quản) được gọi là sỏi san hô. Bệnh sỏi thận có nhiều nguyên nhân và có thể ảnh hưởng bất kỳ phần nào của đường tiết niệu – từ thận đến bàng quang của bạn.. Các triệu chứng phổ biến của sỏi thận bao gồm:

  • Đau lưng, đùi, bẹn, cơ quan sinh dục
  • Tiểu máu
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Cơn đau quặn thận thường xuyên
  • Đi tiểu gấp
  • Đổ mồ hôi.

Điều trị sỏi thận

Điều trị bệnh sỏi thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như kích thước và số lượng, vị trí của những viên sỏi thận và liệu có xảy ra nhiễm trùng hay không. Hầu hết những viên sỏi thận nhỏ có thể đi tiểu ra tự nhiên mà không cần sự giúp đỡ của bác sĩ.

Cách đơn giản nhất để điều trị những viên sỏi thận nhỏ là uống nhiều nước để cơ thể tự thải ra. Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc giúp giảm đau và thuốc kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.

Nếu viên sỏi thận không thể tự thải ra ngoài, bạn phải đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành các phương pháp phẫu thuật tùy thuộc vào tình trạng của bạn.

Viêm tụy

Viêm tụy xảy ra khi tuyến tụy của bạn bị viêm. Tụy tạng là một tuyến phẳng dài nằm ẩn phía sau dạ dày ở vùng bụng trên. Tụy phóng thích các men tiêu hóa vào ruột non để giúp tiêu hóa thức ăn và tiết ra hormone insulin và glucagon để điều chỉnh đường huyết (glucose). Có hai loại viêm tụy: cấp tính và mạn tính. Có hai loại viêm tụy: cấp tính và mãn tính.

Các triệu chứng viêm tụy cấp có thể bao gồm:

  • Cơn đau bắt đầu từ bụng phía trên, sau đó lan sau lưng. Cơn đau bụng có thể trầm trọng hơn khi ăn uống, đặc biệt là sau khi ăn thực phẩm giàu chất béo
  • Sưng và chướng bụng
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Sốt
  • Tăng nhịp tim

Các triệu chứng viêm tụy mãn tính có thể bao gồm:

  • Đau bụng trên
  • Giảm cân không chủ ý
  • Phân lỏng

Điều trị viêm tụy

Lựa chọn điều trị cho viêm tụy cấp bao gồm:

  • Thuốc giảm đau
  • Nhịn ăn tạm thời: Bạn sẽ ngừng ăn trong một vài ngày tại bệnh viện để tuyến tụy có thời gian để hồi phục. Một khi tình trạng viêm tuyến tụy được kiểm soát, bạn có thể bắt đầu uống chất lỏng trong suốt (ví dụ như nước lọc) và ăn thức ăn nhạt. Dần dần, bạn có thể quay trở lại chế độ ăn uống bình thường. Nếu bệnh viêm tụy vẫn còn và bạn vẫn bị đau bụng khi ăn, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng dung dịch dinh dưỡng tĩnh mạch để giúp bạn có được chế độ dinh dưỡng tốt.
  • Truyền tĩnh mạch.

Khi bệnh viêm tụy đã được kiểm soát, bác sĩ có thể điều trị các nguyên nhân cơ bản của bệnh viêm tụy. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh viêm tụy, có thể bao gồm:

  • Can thiệp lấy sỏi đường mật
  • Phẫu thuật túi mật
  • Phẫu thuật tụy
  • Điều trị bệnh nghiện rượu.

Các lựa chọn điều trị cho viêm tụy mãn tính có thể bao gồm tất cả các phương pháp điều trị viêm tụy cấp cũng như:

  • Kiểm soát cơn đau
  • Phẫu thuật
  • Bổ sung các enzyme để cải thiện tiêu hóa
  • Những thay đổi trong chế độ ăn uống.

Lách to

Lách to là một triệu chứng của nhiều bệnh. Nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra lách to. Các vấn đề đối với gan, chẳng hạn như xơ gan và xơ nangcũng có thể gây ra lách to.

Các triệu chứng bạn có thể gặp phải cùng với lách to bao gồm:

  • Cảm thấy no ngay cả sau khi ăn rất ít
  • Đau lưng bên trái của bạn
  • Đau lưng lan đến vai của bạn
  • Khó thở
  • Mệt mỏi

Bạn cũng có thể không có triệu chứng đi kèm với lách to.

Điều trị lách to

Điều trị lách to phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Kháng sinh
  • Thuốc
  • Phẫu thuật
  • Nghỉ ngơi

Nguyên nhân khác

Viêm phổi

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng xảy ra ở một hoặc cả hai phổi của bạn. Nó có thể có nhiều nguyên nhân bao gồm nấm, vi khuẩn và virus. Sau đây là những triệu chứng phổ biến nhất của viêm phổi:

  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Ho có đờm nhày
  • Đau đầu
  • Khó thở
  • Đau ngực dữ dội khi ho hoặc thở sâu
  • Cực kỳ mệt mỏi

Điều trị viêm phổi

Viêm phổi thường có thể được điều trị tại nhà dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Những phương pháp điều trị tại nhà này bao gồm:

  • Nghỉ ngơi
  • Uống nhiều nước
  • Uống thuốc kháng sinh
  • Dùng thuốc hạ sốt

Viêm phổi nặng hoặc kéo dài cần điều trị tại bệnh viện, bao gồm:

  • Truyền tĩnh mạch
  • Kháng sinh
  • Thở oxy
  • Bài tập phục hồi chức năng.

Viêm màng phổi

Viêm màng phổi là tình trạng viêm của màng tế bào xung quanh phổi, cũng như ở bên trong của thành ngực. Các triệu chứng của viêm màng phổi có thể bao gồm:

  • Đau ngực khi bạn ho, hắt hơi hoặc thở
  • Ho
  • Sốt
  • Khó thở

Điều trị viêm màng phổi

Các lựa chọn điều trị cho viêm màng phổi bao gồm:

  • Kháng sinh
  • Thuốc giảm đau và ho
  • Thuốc chống đông máu
  • Thuốc giãn phế quản thông qua các bình hít có định liều, chẳng hạn như những thiết bị được sử dụng để điều trị hen suyễn
  • Thuốc chống viêm OTC và thuốc giảm đau

Xẹp phổi

Xẹp phổi là tình trạng phổi hoặc thùy phổi xẹp hoàn toàn hoặc một phần, xuất hiện khi các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi bị xẹp. Đây là một biến chứng hô hấp sau phẫu thuật.

Xẹp phổi cũng có thể là một biến chứng của các vấn đề hô hấp khác, bao gồm cả xơ nang, hít phải các vật lạ, các khối u phổi, dịch trong phổi, hô hấp yếu và chấn thương ngực.

Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Đau ngực
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Tăng nhịp thở nông
  • Ho

Điều trị xẹp phổi

Điều trị xẹp phổi phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Xẹp phổi ở một vùng nhỏ của phổi có thể thuyên giảm mà không cần điều trị. Nếu có nguyên nhân tiềm ẩn chẳng hạn như khối u thì phương pháp điều trị có thể bao gồm việc loại bỏ hoặc làm nhỏ khối u bằng phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.

Vật lý trị liệu ngực: Kỹ thuật này rất quan trọng nhằm giúp bệnh nhân có thể hít thở sâu sau khi phẫu thuật để tái mở rộng mô phổi bị xẹp. Bạn sẽ được hướng dẫn về các kỹ thuật này trước khi phẫu thuật, bao gồm:

Ho

Vỗ tay (gõ) trên ngực ở vùng xẹp phổi để làm lỏng chất nhầy. Bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị cơ học làm sạch chất nhầy, chẳng hạn như một máy xung đẩy khí hoặc một dụng cụ cầm tay

Thực hiện các bài tập thở sâu (khuyến khích đo phế dung) và sử dụng một thiết bị để có thể ho mạnh

Để đầu thấp hơn so với ngực của bạn (thoát dịch tư thế) giúp chất nhầy dẫn lưu tốt hơn từ phía dưới của phổi. Oxy hỗ trợ có thể giúp làm giảm tình trạng khó thở.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác: Bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ các vật cản đường dẫn khí thông qua quy trình hút chất nhầy hoặc nội soi phế quản. Trong thủ thuật nội soi phế quản, bác sĩ sẽ dùng luồng ống xuống cổ họng để làm sạch đường hô hấp. Sử dụng áp lực dương tính liên tục có thể hữu ích đối với một số người không thể ho và có nồng độ oxy thấp (thiếu oxy) sau khi phẫu thuật.

Viêm sụn sườn

Viêm sụn sườn xảy ra khi sụn giữa xương sườn với xương ức của bạn bị viêm. Đây là tình trạng đau và căng tức ngực do khớp sụn sườn bị sưng viêm. Khớp sụn sườn là đoạn mô xốp dày và đàn hồi nối giữa xương sườn và xương ức. Viêm sụn sườn thường tự khỏi sau vài ngày. Nó có thể có các triệu chứng tương tự như một cơn đau tim.

Các triệu chứng của viêm sụn sườn bao gồm:

  • Đau và khó chịu ở một hoặc hai bên ngực.
  • Cơn đau có thể kéo dài trong vài ngày hoặc lâu hơn.
  • Đau dữ dội hơn khi hắt hơi, ho hoặc hít thở sâu.
  • Thở gấp, thở ngắn, khó thở.

Điều trị viêm sụn sườn

Thông thường, viêm sụn sườn sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc naproxen để giảm sưng viêm. Trước khi dùng thuốc, hãy báo với bác sĩ nếu bạn bị bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, loét dạ dày hoặc có tiền sử xuất huyết. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng biện pháp chườm nóng. Tuy nhiên, hãy lưu ý không nên chườm quá nóng hoặc trong thời gian quá dài. Nếu những phương pháp điều trị trên không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm cortisone nếu cần.

Gãy xương sườn

Gãy xương sườn thường được gây ra bởi một chấn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bạn bị loãng xương hoặc một tình trạng khác ảnh hưởng đến xương của bạn, bạn có thể bị gãy xương sườn do chấn thương nhẹ. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau ngực dữ dội
  • Cơn đau nặng hơn khi bạn thở
  • Đau khiến bạn khó thở
  • Cơn đau kéo dài trong một thời gian dài, đôi khi vài tuần

Điều trị gãy xương sườn

Gãy xương sườn thường được điều trị bằng:

Xương sườn bị gãy thường tự lành trong vòng sáu tuần. Bạn hãy hạn chế hoạt động và chườm lạnh nơi tổn thương thường xuyên để mau lành và giảm đau. Ngoài ra, các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Thuốc. Bạn phải uống thuốc giảm đau đầy đủ. Nếu bạn cảm thấy đau khi hít thở sâu thì có nguy cơ đã mắc bệnh viêm phổi. Nếu thuốc uống không đủ, bác sĩ có thể đề nghị tiêm thuốc gây tê kéo dài xung quanh các dây thần kinh có vai trò cung cấp dưỡng chất cho xương sườn
  • Khi cơn đau của bạn được kiểm soát, bác sĩ có thể hướng dẫn tập thở để giúp bạn thở sâu hơn vì thở nông có thể đặt bạn vào nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.

Viêm nội tâm mạc

Viêm nội tâm mạc hay viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng và viêm các van tim cũng như lớp lót bên trong các buồng tim (nội tâm mạc). Viêm nội tâm mạc xảy ra khi các sinh vật gây bệnh chẳng hạn như vi khuẩn hoặc nấm đi vào máu và ở lại trong tim. Trong hầu hết các trường hợp, những sinh vật này là liên cầu, tụ cầu hoặc các loài vi khuẩn thường sống trên bề mặt cơ thể. Các triệu chứng của viêm nội tâm mạc có thể bao gồm:

  • Sốt nhẹ (dưới 39 độ C)
  • Ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Đau cơ và khớp
  • Cảm giác mệt mỏi dai dẳng
  • Đau đầu
  • Khó thở
  • Chán ăn
  • Sụt cân
  • Các nốt nhỏ, mềm trên các ngón tay hoặc ngón chân
  • Các mạch máu nhỏ bị vỡ ở lòng trắng của mắt, vòm miệng, bên trong má, trên ngực hoặc trên các ngón tay và ngón chân.

Điều trị viêm nội tâm mạc

Các lựa chọn điều trị cho viêm nội tâm mạc bao gồm kháng sinh và phẫu thuật. Nếu nhiễm trùng làm tổn thương van tim, bạn có thể gặp các triệu chứng và biến chứng trong nhiều năm sau khi điều trị. Đôi khi, bạn cần phải phẫu thuật để điều trị nhiễm trùng dai dẳng hoặc thay thế một van bị hỏng, điều trị viêm nội tâm mạc do nhiễm nấm.

Tùy thuộc vào tình trạng của bạn, bác sĩ có thể khuyên phẫu thuật van bị hư hỏng hay thay thế nó bằng một van nhân tạo làm từ mô động vật hoặc các vật liệu nhân tạo.

Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa xảy ra khi ruột thừa của bạn bị viêm. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau bụng thường ở góc phần tư phía dưới bên phải và lan ra các khu vực khác trong bụng
  • Đau dữ dội ở khu trú và liên tục trong vài giờ
  • Đau hơn khi xoay, thở mạnh, ho, hắt hơi, đi lại hoặc bị đụng vào
  • Táo bón và khó trung tiện nhưng đôi khi lại có thể bị tiêu chảy
  • Sốt cao kèm lạnh run
  • Nhịp tim nhanh
  • Bụng chướng (giai đoạn trễ)

Điều trị viêm ruột thừa

Một vài trường hợp bệnh hiếm hoi có thể không cần phải phẫu thuật, điều trị bằng kháng sinh và truyền dịch. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bạn đều cần được phẫu thuật. Kiểu phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Nếu như bạn có ổ áp xe nhưng chưa vỡ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ sẽ dẫn lưu ổ áp xe thông qua da và sẽ phẫu thuật sau khi điều trị nhiễm trùng. Nếu như ổ áp xe vỡ, bạn cần được phẫu thuật cắt ruột thừa ngay lập tức.

Bác sĩ có thể mổ mở hoặc mổ nội soi. Tuy nhiên, mổ nội soi ít xâm lấn hơn và thời gian bình phục nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn phải sẽ mổ mở khi bị áp xe hoặc viêm phúc mạc.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Như bạn có thể thấy, nguyên nhân của cơn đau hạ sườn trái thay đổi đáng kể và đôi khi có thể là do chứng ợ nóng. Tuy nhiên, nếu cơn đau mới, dai dẳng và nghiêm trọng, bạn nên đến bác sĩ.

Nếu các triệu chứng của bạn bao gồm bất kỳ triệu chứng đe dọa tính mạng nào được đề cập trong bài viết này, bạn nên gọi 115  hoặc các dịch vụ khẩn cấp tại địa phương ngay lập tức.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment