Triệu chứng

Tiêu chảy: Nguyên nhân, biểu hiện, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Tiêu chảy là tình trạng đi cầu phân lỏng với lượng nhiều và số lần đi cầu nhiều hơn so với bình thường. Đây là tình trạng thường gặp đối với nhiều người.

May mắn thay, tiêu chảy thường là ngắn ngủi, kéo dài không quá vài ngày. Nhưng, khi tiêu chảy kéo dài hàng tuần, thì đó có thể là một vấn đề khác. Nếu bạn bị tiêu chảy trong nhiều tuần hoặc lâu hơn, bạn có thể mắc một chứng bệnh như rối loạn ruột kích thích hoặc rối loạn nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nhiễm trùng kéo dài hoặc bệnh viêm ruột.

Nguyên nhân gây tiêu chảy

tiêu chảy

Một số bệnh và tình trạng có thể gây ra tiêu chảy, bao gồm:

Virus

Các loại virus có thể gây tiêu chảy bao gồm virus Norwalk, cytomegalovirus và virus viêm gan. Rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp ở trẻ em.

Vi khuẩn và ký sinh trùng

Thực phẩm bị ô nhiễm hoặc nước có thể truyền vi khuẩn và ký sinh trùng đến cơ thể bạn. Khi đi du lịch ở các nước đang phát triển, tiêu chảy do vi khuẩn và ký sinh trùng thường được gọi là tiêu chảy do du lịch. Ngoài ra, rau sống không được sạch do tưới bằng nước bẩn, phân tươi sẽ truyền vi khuẩn E.coli, giun sán. Còn trong môi trường nước bẩn, các bệnh gây dịch lớn như tả, lỵ, thương hàn rất dễ bùng phát.

Clostridium difficile là một loại vi khuẩn khác có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng gây tiêu chảy, và nó có thể xảy ra sau một đợt điều trị bằng kháng sinh hoặc trong khi nhập viện. Chúng ưa môi trường không có oxy nên hay xuất hiện ở thịt hộp, đồ hộp. Độc tố của vi khuẩn clostridium không chỉ gây tiêu chảy mà còn dẫn đến liệt cơ.

Thế giới cũng ghi nhận bệnh do vi khuẩn Listeria dù tương đối hiếm gặp. Chúng thường gây bệnh ở người có sức đề kháng yếu như phụ nữ có thai (đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ), trẻ sơ sinh. Bệnh thường có tính rải rác, nhưng đôi khi có thể thành dịch nếu ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, đặc biệt là thực phẩm sữa bò không thanh trùng.

Tiêu chảy nhiễm trùng là tên gọi chung cho nhóm bệnh tiêu chảy do các tác nhân vi sinh gây ra. Tiêu chảy nhiễm bao gồm “ tiêu chảy do vi trùng”, “ tiêu chảy do virus” và “ tiêu chảy do ký sinh trùng hoặc vi nấm”. Phân biệt với tiêu chảy không nhiễm trùng như tiêu chảy do rối loạn nội tiết, do ăn uống không đúng cách.Nhiều vi sinh bao gồm nấm men, ký sinh trùng, virus hoặc vi khuẩn đều có thể gây nhiễm trùng đường ruột.

Thuốc

Nhiều loại thuốc, như kháng sinh, có thể gây tiêu chảy. Thuốc kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn tốt và xấu, có thể làm xáo trộn sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong ruột của bạn. Các loại thuốc khác gây tiêu chảy là thuốc ung thư và thuốc kháng axit có magiê.

Không dung nạp Lactose

Lactose là một loại đường được tìm thấy trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác. Những người gặp khó khăn trong việc tiêu hóa lactose bị tiêu chảy sau khi ăn các sản phẩm từ sữa. Tỉ lệ không dung nạp Lactose có thể tăng theo tuổi tác vì nồng độ enzyme giúp tiêu hóa lactose giảm theo tuổi tác.

Fructose

Fructose là một loại đường được tìm thấy tự nhiên trong trái cây và mật ong. Đôi khi nó được thêm vào như một chất làm ngọt cho một số đồ uống. Ở những người gặp khó khăn trong việc tiêu hóa fructose có thể dẫn đến tiêu chảy.

Chất ngọt nhân tạo

Sorbitol và mannitol – chất làm ngọt nhân tạo có trong kẹo cao su và các sản phẩm không đường khác – có thể gây tiêu chảy ở một số người khỏe mạnh.

Phẫu thuật

Phẫu thuật liên quan tới bụng hoặc túi mật đôi khi có thể gây ra tiêu chảy.

Rối loạn tiêu hóa khác

Tiêu chảy mãn tính có một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh celiac và hội chứng ruột kích thích.

Ngoài một số bệnh gây ra tiêu chảy, một số thói quen hằng ngày sau đây cũng có thể gây ra tiêu chảy:

  • Không thường xuyên rửa tay sau khi đi vệ sinh
  • Bảo quản thực phẩm không an toàn và hợp vệ sinh
  • Không làm sạch bếp thường xuyên
  • Nguồn nước không sạch
  • Ăn đồ ăn thừa chưa hâm nóng
  • Không rửa tay bằng xà phòng.

Triệu chứng liên quan

Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến tiêu chảy có thể bao gồm:

  • Phân lỏng, hoặc toàn nước
  • Đau bụng
  • Sốt
  • Máu trong phân
  • Chất nhầy trong phân
  • Đầy hơi
  • Buồn nôn

Cần lưu ý tới tình trạng tiêu chảy nhiễm trùng sẽ có các triệu chứng sau đây:

Giai đoạn đầu

Sốt và tiêu chảy

Giai đoạn sau

Tiêu chảy một cách dữ dội: Khi mầm bệnh di chuyển ra xa hơn trong đường tiêu hóa, chúng có thể gây tiêu chảy. Trường hợp mắc tả, một người có thể sẽ đi ngoài 20 – 50 lần/ngày. Đi phân ngoài dạng nước, phân màu đục hay màu của nước vo gạo hoặc màu trong. Trong phân có lợn cợn nhiều vảy trắng, các vảy này mang nhiều vi khuẩn tả. Phân có mùi hôi tanh khó chịu, không lẫn máu.

Người mắc nôn nhiều kết hợp tiêu chảy nhiều dễ khiến cơ thể họ bị mất nước, điều này làm người bệnh có vẻ mặt hốc hác, mắt trũng, lờ đờ tim đập yếu và hạ thân nhiệt.

Đau bụng thường gặp trong những trường hợp nhu động ruột tăng cao hoặc trường hợp tiêu chảy do tác nhân xâm lấn vào thành ruột, đau bụng dọc khung đại tràng là biểu hiện của tổn thương ở ruột già. Mót rặn là biểu hiện của tổn thương ở trực tràng. Khi nhiễm trùng nặng hơn, người mắc thường thấy đau hoặc chướng vùng bụng. Mức độ nghiêm trọng của cơn đau này sẽ phụ thuộc vào vị trí và nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Chán ăn: Đây dấu hiệu chung của tiêu chảy nhiễm trùng cũng như các loại nhiễm trùng đường tiêu hóa khác.

Co thắt: Nhiễm trùng do vi khuẩn thường gây ra cơn co thắt ở bụng. Mỗi cơn sẽ thường kéo dài 3- 4 phút một lần, và có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Buồn nôn: do ăn không ngon thường kèm theo buồn nôn.

Trầm cảm: Những người bị nhiễm trùng nấm men có thể gặp nguy cơ cao mắc trầm cảm.

Rối loạn giấc ngủ: Khó chịu liên quan đến nhiễm trùng đường ruột sẽ khiến bạn khó ngủ. Đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy gan đang làm việc quá sức vì đang cố gắng loại trừ các tác nhân gây nhiễm trùng.

Nghiến răng: Trong một số ít trường hợp, những người bị nhiễm trùng sẽ nghiến răng trong khi ngủ.

Nhức đầu: Tình trạng mất nước hoặc xuất hiện các chất kích thích như nấm men trong hệ thống tiêu hóa sẽ làm tăng nguy cơ nhức đầu liên tục.

Nhiễm siêu vi đường hô hấp – mầm bệnh virus gây bệnh nhiễm trùng đường ruột có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Bạn có thể bị nhiễm trùng hoặc ho khi tình trạng nhiễm trùng xảy ra.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu bạn là người lớn, hãy gặp bác sĩ nếu:

  • Tiêu chảy của bạn kéo dài hơn một vài ngày
  • Bạn bị mất nước
  • Bạn bị đau bụng dữ dội
  • Phân của bạn có máu hoặc màu đen
  • Bạn bị sốt trên 102 F (39 C)

Tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Trong đó, tác nhân chính gây tiêu chảy nặng, đe dọa tính mạng trẻ và hay gây thành dịch là Rotavirus.Ngoài ra, bạn cần chú ý một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiêu chảy để phòng tránh:

  • Tuổi hay gặp: Trẻ từ 6-11 tháng tuổi (bắt đầu tập ăn dặm)
  • Bé bị suy dinh dưỡng
  • Suy giảm miễn dịch: Sau mắc sởi, hoặc bé bị HIV
  • Do vi khuẩn, đặc biệt là rotavirus vào mùa khô lạnh
  • Tập quán không tốt: Bú chai, ăn dặm không đúng cách, nước ô nhiễm, không rửa tay khi dọn phân, khi chế biến thức ăn, xử lý phân không hợp vệ sinh.

Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 6 tháng, có thể có tần suất đi tiêu nhiều lần trong ngày, trung bình từ 3 – 10 lần/ ngày, hoặc hơn. Phân của trẻ nhìn có thể sệt, lỏng, nhiều màu vàng, xanh, hoặc nâu.

Trẻ bú sữa mẹ có thể dễ sản xuất phân nhiều lần hơn và phân có nước nhiều hơn so với trẻ uống sữa công thức. Trẻ từ 1 tuổi trở lên, thông thường có khoảng 1 – 2 lần đi tiêu một ngày.

Phân trong tiêu chảy cấp thường lỏng nhiều, có nhiều nước, mùi hôi tanh. Bên cạnh đó, vì đây là một hiện bệnh đường ruột, trẻ sẽ có thêm những triệu chứng khác, như mệt, quấy khóc nhiều, sốt, buồn nôn và nôn, đau bụng,..

Thông thường, ở trẻ dưới 1 tuổi, tiêu chảy được định nghĩa khi trẻ đi tiêu gấp đôi số lần đi tiêu bình thường. Đối với trẻ trên 1 tuổi, là khi trẻ đi tiêu phân lỏng nước từ 3 lần một ngày trở lên.

Không nên sử dụng dung dịch điện giải khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Vì việc cho trẻ uống điện giải có thể làm trẻ giảm uống sữa mẹ/sữa công thức và làm trẻ mệt mỏi hơn. Đối với những trẻ lớn hơn, chúng ta có thể sử dụng dung dịch điện giải thoải mái hơn.Không nên cho trẻ uống nước trái cây nguyên chất vì sẽ làm cho tiêu chảy của trẻ nặng hơn, vì nước trái cây chứa nhiều đường. Nếu bạn vẫn muốn cho trẻ uống pha loãng phần nước chín với một phần nước trái cây. Các loại nước ngọt, cũng như các loại nước “điện giải” được bán ngoài thị trường, cũng là một lựa chọn xấu, vì sẽ làm trẻ bị khó chịu đường ruột hơn và bị tiêu ngoài nhiều hơn, trong giai đoạn bệnh.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, tiêu chảy có thể nhanh chóng dẫn đến mất nước. Đưa em bé đến gặp bác sĩ nếu tiêu chảy của con bạn không cải thiện trong vòng 24 giờ hoặc nếu em bé của bạn:

  • Bị mất nước: khóc không ra nước mắt, môi khô, mắt trũng
  • Bị sốt trên 102 F (39 C)
  • Có phân có máu hoặc màu đen
  • Bỏ bú
  • Li bì, lay gọi không tỉnh.

Biến chứng của tiêu chảy

Tiêu chảy có thể gây mất nước, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Mất nước đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.

Nếu bạn có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Dấu hiệu mất nước ở người lớn bao gồm :

  • Khát nước nhiều
  • Khô miệng hoặc da khô
  • Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu
  • Yếu, chóng mặt hoặc choáng váng
  • Mệt mỏi
  • Nước tiểu màu sẫm

Dấu hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:

  • Không có tã ướt trong ba giờ trở lên
  • Khô miệng và lưỡi
  • Sốt trên 102 F (39 C)
  • Khóc mà không có nước mắt
  • Buồn ngủ lim dim, không phản ứng khi chạm vào hoặc khó chịu, quấy khóc nhiều
  • Thóp trũng

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử, bệnh sử của bạn, xem xét các loại thuốc bạn dùng, tiến hành kiểm tra thể chất và có thể yêu cầu các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy của bạn. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

Xét nghiệm máu

Một xét nghiệm công thức máu hoàn chỉnh có thể giúp chỉ ra những gì gây ra tiêu chảy của bạn.

Kiểm tra phân

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm phân để xem có vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây tiêu chảy hay không.

Soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng

Sử dụng một ống soi mềm đưa vào đại tràng qua đường hậu môn, ngược lên qua đại tràng sigma, đại tràng xuống và tới đại tràng ngang, đại tràng lên. Các tổn thương trong lòng ống đại tràng sẽ được quan sát qua màn hình video thông qua một camera gắn ở đầu ống soi. Thiết bị này cũng được trang bị một công cụ cho phép bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) từ đại tràng của bạn. Soi đại tràng sigma cung cấp hình ảnh của đại tràng dưới, trong khi nội soi đại tràng cho phép bác sĩ nhìn thấy toàn bộ đại tràng.

Điều trị

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy tự khỏi trong vòng một vài ngày mà không cần điều trị. Nếu bạn đã thử thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà cho bệnh tiêu chảy mà không thành công, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác.

Kháng sinh

Thuốc kháng sinh có thể giúp điều trị tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Nếu virus gây ra bệnh tiêu chảy của bạn, thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích gì.

Bổ sung nước

Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn cần uống bù nước khi bị tiêu chảy. Đối với hầu hết người lớn, điều đó có nghĩa là uống nước, nước trái cây hoặc soup. Nếu uống chất lỏng làm bạn đau bụng hoặc gây nôn, bác sĩ có thể khuyên bạn nên truyền dịch qua tĩnh mạch.

Nước là một cách tốt để bổ sung khi bạn mất nước, nhưng nó không chứa muối và chất điện giải – các khoáng chất như natri và kali – rất cần thiết cho cơ thể bạn hoạt động. Bạn có thể giúp duy trì mức độ chất điện giải bằng cách uống nước ép trái cây có chứa kali hoặc ăn súp để nhận natri. Nhưng một số loại nước ép trái cây, chẳng hạn như nước táo, có thể làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn.

Đối với trẻ em, hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng dung dịch bù nước đường uống, chẳng hạn như Pedialyte, để ngăn ngừa mất nước hoặc thay thế chất lỏng bị mất.

Điều chỉnh thuốc bạn đang dùng

Nếu bác sĩ xác định rằng một loại kháng sinh bạn đang dùng gây ra tiêu chảy, bác sĩ có thể giảm liều hoặc chuyển sang một loại thuốc khác.

Điều trị cơ bản

Nếu tiêu chảy của bạn là do một tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh viêm ruột, bác sĩ sẽ làm việc để kiểm soát tình trạng đó. Bạn có thể được giới thiệu đến một chuyên gia, chẳng hạn như bác sĩ tiêu hóa, người có thể giúp đưa ra kế hoạch điều trị cho bạn.

Thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Tiêu chảy thường hết nhanh chóng mà không cần điều trị. Để giúp bạn đối phó với các dấu hiệu và triệu chứng của bạn cho đến khi tiêu chảy biến mất, hãy thử:

Uống nhiều chất lỏng, bao gồm nước, soup và nước trái cây. Tránh chất caffeine và rượu.

Tiêu chảy khiến cơ thể mất nhiều nước. Để ngăn tình trạng mất nước, bạn cần uống nhiều nước. Nước tuy quan trọng, nhưng bạn cũng nên tìm các đồ uống khác có chứa chất điện giải như natri, clorua và kali. Chỉ uống nước sẽ không giúp bổ sung đủ chất điện giải cho cơ thể khi đang mất nước nghiêm trọng.

Nam/nữ giới trưởng thành khỏe mạnh nên uống ít nhất 8 cốc/2 lít nước mỗi ngày. Có thể cần phải uống nhiều hơn để chống mất nước khi bị tiêu chảy.

Nước lọc, nước ép rau quả (đặc biệt là cần tây và cà rốt), nước uống thể thao, các chế phẩm bổ sung chất điện giải, trà thảo dược (không chứa caffeine), bia gừng và canh mặn như súp Miso là những lựa chọn tốt cho người lớn.

Uống nước lúa mạch cũng là một cách tốt để bù nước. Ủ 1 cốc lúa mạch nguyên chất trong 1 lít nước sôi trong vòng 20 phút. Chắt lấy nước và uống suốt cả ngày.

Trẻ em nên uống dung dịch bù nước bằng đường uống như Pedialyte và Infalyte. Chúng giúp cân bằng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ và được bán ở hầu hết các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc.Nước ép nho trắng cũng rất tốt cho trẻ bị mất nước do tiêu chảy.

Tránh xa đồ uống chứa caffeine và đồ uống có ga. Đồ uống như cà phê và soda gây kích ứng ruột và có thể làm bệnh tiêu chảy nặng hơn. Nếu muốn uống các loại đồ uống như bia gừng, hãy khuấy lên hoặc để mở qua đêm để cacbonat bay đi.

Tránh uống đồ uống chứa cồn khi bị tiêu chảy. Cồn sẽ khiến cơ thể mất nước có thể làm triệu chứng tiêu chảy thêm trầm trọng.

Thử dùng gừng

Gừng có thể giúp chống buồn nôn và viêm. Bạn có thể uống bia gừng (loại không có ga) hoặc trà gừng để làm dịu cơn đau bụng và giảm tình trạng viêm ruột. Nếu muốn uống bia gừng, bạn nên tìm mua thương hiệu sử dụng gừng thật; một số loại bia gừng không sử dụng đủ gừng thật nên sẽ không hiệu quả.

Có thể tự làm trà gừng bằng cách đun sôi 12 lát gừng tươi với 3 cốc nước. Đun nhỏ lửa và để trà cạn bớt trong 20 phút. Khuấy một ít mật ong vào trà trước khi uống. Mật ong có thể giúp giảm triệu chứng tiêu chảy.

Trà gừng an toàn cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không nên dùng nhiều hơn 1 g gừng mỗi ngày.

Không cho trẻ em dưới 2 tuổi dùng gừng. Trẻ em trên 2 tuổi có thể dùng liều nhỏ bia gừng hoặc trà gừng để điều trị buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Gừng có thể phản ứng với thuốc làm loãng máu như aspirin hoặc thuốc chống đông máu (Coumadin). Vì vậy, không nên dùng gừng nếu đang dùng thuốc làm loãng máu.

Bổ sung nhiều chất xơ

Chất xơ có thể giúp hấp thụ nước và làm cứng phân, từ đó làm giảm tiêu chảy. Viện Dinh dưỡng và Chế độ Ăn Hoa Kỳ khuyên bổ sung ít nhất 25 g chất xơ mỗi ngày đối với nữ giới, và 38 g đối với nam giới. Hãy thử kết hợp thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan, hoặc “thức ăn thô” vào chế độ ăn của người bị tiêu chảy.

Gạo lứt, lúa mạch và các loại ngũ cốc nguyên cám khác là nguồn cung cấp chất xơ không hòa tan.Nấu ngũ cốc cùng với gà hoặc súp Miso để giúp bù lại lượng muối bị mất.

Thực phẩm chứa kali và chất xơ bao gồm khoai tây và chuối nghiền hoặc luộc.

Cà rốt nấu chín là một nguồn chất xơ tốt. Bạn có thể nghiền cà rốt nấu chín nếu muốn.

Tránh thưc phẩm khó tiêu

Tránh một số thực phẩm như các sản phẩm từ sữa, thực phẩm béo hoặc thực phẩm khó tiêu trong vài ngày. Những thực phẩm này có thể gây tiêu chảy ở người không dung nạp lactose. Ngay cả cơ thể có thể dung nạp lactose cũng cảm thấy khó tiêu hóa các sản phẩm từ sữa khi bị tiêu chảy.

Hỏi bác sĩ về thuốc chống tiêu chảy

Các loại thuốc chống tiêu chảy không kê đơn (OTC), chẳng hạn như loperamid và bismuth subsalicylate, có thể giúp giảm số lần đi ngoài và kiểm soát các triệu chứng nghiêm trọng.

Một số tình trạng bệnh lý và nhiễm trùng – vi khuẩn và ký sinh trùng – có thể trở nên tồi tệ hơn bởi các loại thuốc này vì chúng ngăn cơ thể bạn thoát khỏi những gì gây ra tiêu chảy. Ngoài ra, những loại thuốc này không phải lúc nào cũng an toàn cho trẻ em. Kiểm tra với bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc này hoặc sử dụng cho con bạn.

Cân nhắc dùng men vi sinh

Những vi sinh vật này có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng lành mạnh cho đường ruột bằng cách tăng số lượnh vi khuẩn tốt, mặc dù không rõ liệu chúng có thể giúp rút ngắn cơn tiêu chảy hay không. Probiotic có sẵn ở dạng viên nang hoặc dạng lỏng và cũng được thêm vào một số loại thực phẩm, chẳng hạn như một số sản phẩm sữa chua. Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để hiểu rõ hơn về chủng vi khuẩn nào hữu ích nhất hoặc liều lượng nào là cần thiết.

Trong nhiều trường hợp, tốt nhất bạn nên để bệnh tiêu chảy diễn ra tự nhiên. Tiêu chảy do nhiễm khuẩn hoặc do ký sinh trùng nghĩa là cơ thể bạn đang lợi dụng bệnh tiêu chảy để tống vi khuẩn hoặc ký sinh trùng ra khỏi cơ thể. Lúc này, bạn hãy thử điều trị bệnh bằng chế độ ăn trước khi dùng thuốc tiêu chảy.

Chuẩn bị cho cuộc hẹn của bạn

Bạn có thể bắt đầu bằng cách gặp bác sĩ chăm sóc chính của bạn. Nếu bạn bị tiêu chảy kéo dài, bạn có thể được giới thiệu đến một bác sĩ chuyên về hệ thống tiêu hóa (bác sĩ tiêu hóa).

Đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng cho cuộc hẹn của bạn.

Bạn có thể làm gì?

Khi bạn thực hiện cuộc hẹn, hãy hỏi nếu có bất cứ điều gì bạn cần làm trước, chẳng hạn như nhịn đói để lấy máu xét nghiệm. Lập danh sách:

Các triệu chứng của bạn, bao gồm cả khi chúng bắt đầu và bất kỳ điều gì có vẻ không liên quan đến lý do bạn lên lịch hẹn.

Thông tin cá nhân chính, bao gồm bất kỳ căng thẳng lớn, thay đổi cuộc sống gần đây hoặc du lịch.

Thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung bạn dùng, bao gồm cả liều lượng. Nếu gần đây bạn đã dùng một loại thuốc kháng sinh, hãy lưu ý loại nào, trong bao lâu và khi nào bạn dừng lại.

Câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn:

  • Đối với tiêu chảy, một số câu hỏi cơ bản để hỏi bác sĩ bao gồm:
  • Điều gì có khả năng gây ra bệnh tiêu chảy của tôi?
  • Tiêu chảy có thể gây ra bởi một loại thuốc tôi đang dùng?
  • Tôi cần những xét nghiệm gì?
  • Tình trạng này là tạm thời hay mãn tính?
  • Tôi có thể ăn những thực phẩm nào?
  • Thực phẩm/ đồ uống nào tôi nên hạn chế?
  • Tôi có bệnh lý mãn tính khác. Làm thế nào tôi có thể ổn định cả hai bệnh?
  • Có những hạn chế nào tôi nên tuân theo?
  • Tôi có thể dùng thuốc như loperamid để làm giảm bớt tiêu chảy không?
  • Cách phòng ngừa lây lan cho các thành viên khác trong gia đình?

Đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác.

Những gì mong đợi từ bác sĩ của bạn?

Bác sĩ của bạn có thể hỏi bạn câu hỏi, bao gồm:

  • Khi nào các triệu chứng của bạn bắt đầu?
  • Các triệu chứng của bạn là liên tục hay ngắt quãng?
  • Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng đến mức nào?
  • Điều gì có thể cải thiện các triệu chứng của bạn?
  • Điều gì dường như làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn?
  • Có phải tiêu chảy đánh thức bạn vào ban đêm?
  • Bạn có thấy máu trong phân hoặc phân có màu đen không?
  • Xung quanh bạn có bất cứ ai bị tiêu chảy không?
  • Gần đây bạn đã ở trong bệnh viện hoặc viện dưỡng lão không?
  • Gần đây bạn có dùng thuốc kháng sinh không?

Bạn có thể làm gì trong lúc này

Trong khi bạn chờ đợi cuộc hẹn, bạn có thể giảm bớt các triệu chứng nếu bạn:

  • Uống nhiều nước hơn. Để giúp tránh mất nước, hãy uống nước, nước trái cây và soup.
  • Tránh các thực phẩm có thể làm nặng thêm bệnh tiêu chảy. Tránh chất béo, thực phẩm nhiều chất xơ hoặc thực phẩm khó tiêu.

Phòng ngừa

Ngăn ngừa tiêu chảy do virus

Rửa tay

Để ngăn ngừa sự lây lan của tiêu chảy do virus. Để đảm bảo rửa tay đầy đủ:

  • Rửa thường xuyên. Rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thức ăn. Rửa tay sau khi xử lý thịt chưa nấu chín, sử dụng nhà vệ sinh, thay tã, hắt hơi, ho và xì mũi.
  • Rửa tay với xà phòng trong ít nhất 20 giây. Sau khi đặt xà phòng lên tay, chà hai bàn tay vào nhau trong ít nhất 20 giây. Đây là khoảng thời gian bằng vời thời gian để hát “Chúc mừng sinh nhật” hai lần.
  • Sử dụng chất sát khuẩn tay nhanh khi không tiện rửa ray. Sử dụng chất sát khuẩn tay nhanh chứa cồn khi bạn không thể đi đến bồn rửa. Sử dụng chất sát khuẩn tay như bạn sẽ dùng kem dưỡng da tay, đảm bảo che kín mặt trước và mặt sau của cả hai tay. Sử dụng một sản phẩm có chứa ít nhất 60 % cồn.

Tiêm phòng

Bạn có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi rotavirus, nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy do virus ở trẻ em. Hỏi bác sĩ của em bé của bạn về việc tiêm chủng cho em bé của bạn.

Với trẻ nhỏ: Khi được bú mẹ ít nhất 6 tháng, kéo dài tới 2 tuổi sẽ giảm nguy cơ tiêu chảy. Cho trẻ nhỏ uống vitamin A cũng có thể giúp hạn chế trẻ bị tiêu chảy. Tiêm phòng sởi cũng là biện pháp gián tiếp phòng ngừa tiêu chảy vì tiêu chảy hay xảy ra khi trẻ bị bệnh sởi.

Khi tiếp xúc với gia cầm, gia súc bị bệnh, chúng ta phải sử dụng dụng cụ bảo hộ, quần áo, giày khi vào chuồng trại. Tránh ôm ấp hay gần gũi với thú cưng trong nhà khi chúng bị bệnh. Chất thải của gia súc, gia cầm… cần xử lý và cách ly an toàn khỏi nơi ta sinh sống, tránh để vi sinh vậy gây bệnh từ môi trường bên ngoài tấn công con người.

Rửa sạch rau củ quả

Bề mặt của nông sản tươi (hoa quả và rau củ) thường bị nhiễm khuẩn (ví dụ như khuẩn E. coli) từ thành phần trong đất trồng và giun sán từ ấu trùng. Do đó, cần rửa sạch tất cả nông sản tươi trước khi chế biến và/hoặc tiêu thụ.

Ngâm rau củ quả trong nước ấm khoảng 30 phút và dùng bàn chải sạch cùng một ít muối nở để chà sạch, cuối cùng rửa lại bằng nước.

Chất khử trùng tự nhiên thích hợp để rửa rau củ quả gồm có giấm trắng, i-ốt pha loãng, axit citric, nước cốt chanh tươi, nước muối và keo bạc.

Không tiêu thụ chế phẩm từ sữa động vật nếu cơ thể không dung nạp lactose. Giảm hoặc tránh tiêu thụ chế phẩm từ sữa động vật, đặc biệt là sữa, kem bông, kem lạnh và sữa lắc, nếu nghi ngờ cơ thể không dung nạp lactose. Cẩn trọng khi uống sữa chưa tiệt trùng và ăn phô mai mềm vì chúng có nguy cơ cao chứa vi khuẩn có hại gây tiêu chảy.

Nấu chín thực phẩm dễ bị hỏng

Thực phẩm nhiễm vi khuẩn (thường được gọi là ngộ độc thực phẩm) là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy. Bạn nên chế biến kỹ Hamburger, bít tết, thịt gia cầm, hải sản và trứng, đồng thời chế biến bằng nhiệt độ cao để tiêu diệt vi khuẩn bên trong.

Chế biến thức ăn bằng lò vi sóng không phải là cách hiệu quả và đáng tin cậy để tiêu diệt vi khuẩn. Thay vào đó, dùng nồi hầm, chảo chiên, chảo lòng sâu và vỉ nướng được vệ sinh sạch để chế biến thức ăn sẽ tốt hơn.

Dùng riêng thớt để chuẩn bị thịt sống và khử trùng thớt thường xuyên.

Tránh tiêu thụ thực phẩm gây tiêu chảy

Một số thực phẩm thường gây kích thích hoặc co thắt dạ dày/đường ruột, từ đó gây tiêu chảy trong thời gian ngắn, đặc biệt là ở người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc có vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích. Thực phẩm cần tránh tiêu thụ gồm có đồ chiên nhiều dầu mỡ, sốt cay từ ớt, thực phẩm quá nhiều chất xơ không hòa tan (ví dụ như vỏ hoa quả hoặc rau củ) và thực phẩm nhiều fructose, bánh nướng ngọt.

Kết hợp nhiều nhóm thực phẩm với nhau trong cùng bữa ăn có thể gây tiêu chảy ở một số người. Kết hợp thực phẩm thường gây tiêu chảy vì một số loại (ví dụ như thịt) cần thời gian tiêu hóa dài hơn các thực phẩm khác (ví dụ như hoa quả) nên dạ dày phải đưa hoặc là thực phẩm chưa được tiêu hóa một phần, hoặc là thực phẩm được tiêu hóa quá nhiều vào đường ruột khi bạn kết hợp thực phẩm với nhau.

Gluten cũng có thể gây kích thích đường ruột và tiêu chảy nên người nhạy cảm với gluten (đặc biệt là người bệnh Celiac) nên tránh ăn ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch và hắc mạch.

Nước uống có thể kích thích tiêu chảy gồm có cà phê, thức uống chứa nhiều caffeine và nước có ga chứa đường hóa học

Ngăn ngừa tiêu chảy

Tiêu chảy thường ảnh hưởng đến những người đi du lịch đến các quốc gia nơi không đủ điều kiện vệ sinh và thực phẩm bị ô nhiễm. Để giảm rủi ro:

Quan sát những gì bạn ăn. Ăn thức ăn nóng, nấu chín. Tránh trái cây và rau sống trừ khi bạn có thể tự rửa chúng. Ngoài ra, tránh các loại thịt sống hoặc nấu chưa chín và thực phẩm từ sữa.

Quan sát những gì bạn uống. Uống nước đóng chai, soda, bia hoặc rượu vang còn nguyên tem và còn hạn sử dụng. Tránh nước máy và đá viên. Sử dụng nước đóng chai ngay cả khi đánh răng. Tránh để nước vào miệng trong khi bạn tắm.

Đồ uống được làm bằng nước đun sôi, chẳng hạn như cà phê và trà, có lẽ an toàn. Nhưng hãy nhớ rằng rượu và caffeine có thể làm nặng thêm bệnh tiêu chảy và làm mất nước trầm trọng hơn.

Hỏi bác sĩ về thuốc kháng sinh. Nếu bạn đi du lịch đến một quốc gia đang phát triển trong một thời gian dài, hãy hỏi bác sĩ về thuốc kháng sinh trước khi bạn đi, đặc biệt là nếu bạn có một hệ thống miễn dịch yếu.

Kiểm tra cảnh báo du lịch. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh duy trì trang web về sức khỏe của khách du lịch nơi các cảnh báo về bệnh được đăng cho nhiều quốc gia khác nhau. Nếu bạn dự định đi du lịch nước ngoài, hãy kiểm tra các cảnh báo và mẹo để giảm thiểu rủi ro.

Chú ý:

  • Nếu trong phân có máu, chất nhầy hoặc mủ, hãy đến khám bác sĩ ngay lập tức.
  • Không điều trị tại nhà cho trẻ em dưới 2 tuổi. Hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa để được tư vấn.
  • Nếu bạn hoặc con bạn bị sốt cao (trên 39 độ C) đi kèm tiêu chảy, hãy đến gặp với bác sĩ ngay lập tức.
  • Nếu trẻ không uống nước hoặc đi tiểu, hãy đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa ngay.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment