Triệu chứng

Đau hạ sườn phải: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Bụng của bạn được chia thành bốn phần. Hãy tưởng tượng một đường thẳng đứng chia đôi bụng. Sau đó, tưởng tượng một đường ngang ở mức rốn của bạn. Góc phần tư trên cùng bên phải của bạn chính là góc hạ sườn phải.

Góc hạ sườn phải chứa nhiều cơ quan quan trọng, bao gồm các cơ quan gan, thận phải, túi mật, tuyến tụy và một phần ruột non, ruột già.

Điều quan trọng là bạn cần chú ý đến cơn đau hạ sườn phải nếu có vì đó có thể là một dấu hiệu về một số bệnh lý tiềm ẩn.

Xem thêm: Đau bụng: Nguyên nhân, phân loại, cách điều trị và phòng ngừa

Triệu chứng đi kèm với đau hạ sườn phải

đau hạ sườn phải

Đau vùng hạ sườn phải có thể khác nhau về cường độ tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý. Cơn đau có thể cảm thấy như đau âm ỉ hoặc đau nhói, đau dữ dội.

Nếu bạn bị đau bụng kéo dài hơn một vài ngày, bạn nên đặt cuộc hẹn với bác sĩ để đánh giá các triệu chứng.

Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể chỉ ra một trường hợp y tế khẩn cấp. Bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn có một trong các dấu hiệu sau:

  • Đau bụng dữ dội
  • Sốt
  • Buồn nôn và ói mửa nhiều lần
  • Có máu trong phân
  • Đau bụng, trướng bụng
  • Sụt cân đột ngột không có nguyên do
  • Vàng da

Nguyên nhân gây đau bụng vùng hạ sườn phải

Vấn đề về thận

Các vấn đề về thận như sỏi thận , nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) , nhiễm trùng thận hoặc ung thư thận có thể dẫn đến đau vùng hạ sườn phải. Thận là cơ quan nằm ở phía đằng sau bụng, sát với xương sống cùng thắt lưng. Những bệnh gây viêm thận phải có thể dẫn đến đau hạ sườn phải. Tuy nhiên, cơn đau sẽ xuất phát từ lưng và kéo lan xuống phần thân dưới cơ thể. Sỏi thận cũng có thể kích thích ngăn chặn dòng chảy nước tiểu nước tiểu từ thận, gây tắc nghẽn và tạo ổ viêm dẫn đến đau bụng gần hạ sườn phải.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là những nguyên nhân trực tiếp gây đau hạ sườn. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn ở bất kỳ cơ quan nào thuộc đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao gồm các cơ quan sản xuất, lưu trữ và đào thải nước tiểu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, bàng quang và niệu đạo thường bị nhiễm trùng nhất.

Các triệu chứng có thể đi kèm với đau hạ sườn phải do vấn đề về thận bao gồm:

  • Đau lan xuống vùng thắt lưng hoặc háng
  • Đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Có máu trong nước tiểu của bạn
  • Sốt
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

Nếu bạn bị đau vùng hạ sườn phải và nghi ngờ đó có thể là do vấn đề về thận, bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ.

Xét nghiệm nước tiểu (tổng phân tích nước tiểu) sẽ được tiến hành. Mẫu nước tiểu phải là nước tiểu không bị ngoại nhiễm. Để lấy mẫu nước tiểu này, bệnh nhân cần lấy nước tiểu giữa dòng. Phân tích nước tiểu đôi khi được kèm với cấy nước tiểu – một xét nghiệm dùng mẫu nước tiểu để nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm. Xét nghiệm này sẽ cho bác sĩ biết được loại vi khuẩn nào gây nhiễm trùng đường tiết niệu và  xác định loại thuốc kháng sinh có hiệu quả nhất.

Nếu bác sĩ nghi ngờ có bất thường ở đường tiết niệu khiến bệnh tái phát, bạn sẽ được siêu âm hoặc chụp CT để có hình ảnh rõ ràng hơn. Trong một số tình huống, bác sĩ có thể dùng thuốc cản quang để làm rõ cấu trúc đường tiết niệu. Một xét nghiệm khác là chụp cản quang đài-bể thận bằng tia X cùng chất cản quang để thu được hình ảnh. Trước đây, những xét nghiệm này thường được sử dụng để ghi hình ảnh đường tiết niệu, nhưng chúng đang dần được thay thế bằng siêu âm hoặc CT.

Bệnh lý về gan

Gan là cơ quan nội tạng đặc lớn nhất trong cơ thể, nằm ở khu vực hạ sườn phải, được cấu tạo bởi nang cùng với các ống mao dẫn và dây thần kinh nằm dọc theo bề mặt. Gan là nơi dịch mật được sản xuất ra hàng ngày và sẽ được đổ vào dự trữ tại túi mật. Do vị trí của gan là ở phần bên phải, góc hạ sườn, nên khi có bất kỳ tổn thương nào tại gan, hay dịch mật chậm luân chuyển ra khỏi gan, cũng sẽ làm xuất hiện cơn đau ở khu vực này.

Nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C… viêm gan do rượu, gan nhiễm mỡ, xơ gan, sỏi đường mật trong gan hoặc áp xe gan là nguyên nhân chính có thể gây đau đớn ở vùng gan (vùng hạ sườn phải). Trong một số trường hợp, nhiễm trùng từ cơ quan lân cận cũng có thể lan đến vùng hạ sườn phải.

Ngoài đau vùng hạ sườn gan, các triệu chứng khác của bệnh lý gan có thể bao gồm:

  • Vàng da
  • Đau bụng
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Giảm cân không rõ nguyên do

Nếu bạn bị đau hạ sườn phải và các triệu chứng phù hợp với bệnh lý gan, bạn nên đi khám bác sĩ.

Viêm gan thường được chẩn đoán thông qua những lần khám sức khỏe định kỳ. Cách tốt nhất để kiểm tra viêm gan là xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ cho bác sĩ biết tình trạng và chức năng gan của bạn. Các xét nghiệm này bao gồm:

  • Alanineaminotransferase (ALT), aspartateaminotransferase (AST) và alkalinephosphatase (ALP) – đây là những enzyme sản xuất bởi gan. Quá nhiều những enzyme này có nghĩa là gan đang tổn thương.
  • Bilirubin– nồng độ trong máu của bilirubin sẽ tăng trong bệnh gan.
  • Albumin và protein (TP) – nồng độ hai chất này bình thường trong máu cho thấy gan vẫn còn đảm bảo chức năng.

Ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm gan thông qua khám bệnh và phát hiện ra các triệu chứng như vàng da, vàng mắt. Bác sĩ sẽ hỏi lại quá trình mắc bệnh của bạn đã xác định nguyên nhân bạn bị lây virus viêm gan.

Tiền sản giật

Tiền sản giật là tình trạng thường xảy ra ở những phụ nữ mang thai ít nhất 20 tuần. Tình trạng này cũng có thể phát triển sớm hơn trong thai kỳ, hoặc, trong một số trường hợp, sau sinh. Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng do huyết áp tăng cao và có các dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác, thường là thận. Phụ nữ mang thai dù có huyết áp bình thường cũng có thể bị tiền sản giật vào tuần thứ 21 của thai kỳ. Huyết áp tăng nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến sản giật gây những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và bé.

Dấu hiệu của tiền sản giật là tăng huyết áp, nhưng đau vùng hạ sườn phải cũng thường xảy ra.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau đầu dữ dội
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Tiểu ít
  • Protein trong nước tiểu
  • Vấn đề về thận hoặc gan
  • Mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng
  • Khó thở

Bác sĩ của bạn sẽ theo dõi huyết áp của bạn qua các lần khám thai. Tuy nhiên, nếu bạn gặp các triệu chứng tiền sản giật như đau hạ sườn phải, nhìn mờ hoặc khó thở, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức vì nó có thể đe dọa đến tính mạng cho cả bạn và con bạn nếu không được điều trị.

Không có xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán bệnh tiền sản giật. Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng như: huyết áp tăng và khó thở. Để xác định bệnh tiền sản giật, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu và kiểm tra protein trong nước tiểu cho bạn. Các dấu hiệu chính là huyết áp tăng cao và có protein trong nước tiểu. Ngoài ra, siêu âm và kiểm tra nhịp tim khi thai nhi chuyển động cũng sẽ được thực hiện. Dựa vào các dấu hiệu này, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận tình trạng tiền sản giật.

Vấn đề về túi mật

Các vấn đề về túi mật, chẳng hạn như sỏi đường dẫn mật hoặc sỏi túi mật, có thể gây đau hạ sườn phải. Túi mật là cơ quan nhỏ nằm dưới bờ gan phải, có chức năng dự trữ dịch mật giữa các bữa ăn và tống xuất dịch mật vào đường ruột khi đến bữa ăn. Vì một lý do nào đó, sỏi mật hình thành và phát triển ngăn chặn dòng chảy của mật ra khỏi túi mật, làm ứ tắc và gây đau bụng bên phải.

Bên cạnh đó, ung thư túi mật và polyp túi mật cũng có thể gây nên đau hạ sườn phải nhưng những nguyên nhân này thường ít gặp hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sỏi túi mật, trong đó có 2 nguyên nhân chính sau:

  • Mật của bạn chứa quá nhiều cholesterol. Thông thường, mật của bạn có đủ chất để hòa tan cholesterol do gan bài tiết. Nhưng nếu gan đào thải cholesterol nhiều hơn khả năng hòa tan của mật, phần cholesterol dư thừa có thể hình thành nên các tinh thể và cuối cùng thành sỏi túi mật.
  • Mật của bạn chứa quá nhiều bilirubin. Bilirubin là một chất được tạo ra khi cơ thể của bạn phá vỡ các hồng cầu. Một số bệnh lý làm cho gan sản xuất quá nhiều bilirubin như xơ gan, nhiễm trùng đường mật… Phần bilirubin dư thừa góp phần hình thành nên sỏi túi mật.

Cơn đau hạ sườn phải do sỏi mật có thể kéo dài vài giờ và thường xảy ra sau bữa ăn lớn hoặc buổi tối. Các triệu chứng khác cần chú ý có thể bao gồm:

  • Buồn nôn và ói mửa
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc phân nhạt màu
  • Vàng da

Nếu bạn đang gặp các triệu chứng phù hợp với sỏi đường mật hoặc sỏi túi mật, bạn nên đi khám bác sĩ. Sỏi trong ống mật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng kể trên, hoặc có một trong các dấu hiệu sau:

  • Đau bụng dữ dội
  • Vàng da hoặc vàng mắt
  • Sốt cao và cảm thấy ớn lạnh.

Siêu âm là phương pháp đầu tiên để tìm ra sỏi túi mật. Khi siêu âm cho thấy kết quả không rõ ràng, bác sĩ có thể sử dụng một phương đặc biệt khác là HIDA, ERCP hoặc MRI. Đặc biệt trong phương pháp ERCP, các sỏi túi mật sẽ được loại bỏ trong quá trình chẩn đoán.

Các vấn đề về đường tiêu hóa

Một loạt các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như khó tiêu, viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng , có thể gây đau hạ sườn phải.

Mặc dù ít gặp hơn, nhưng những rối loạn và tổn thương ở đường ruột cũng có thể gây đau và lan đến phần hạ sườn, ví dụ như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, nhiễm khuẩn đường ruột. Ngoài ra, đau hạ sườn phải có thể có nguyên nhân do viêm ruột thừa và hội chứng ruột kích thích. Thông thường, cơn đau do rối loạn đường ruột sẽ thường khởi phát ở vùng bụng dưới và có thể kèm theo tiêu chảy. Trong khi đó, đau do viêm ruột thừa sẽ bắt đầu từ bên trái, phía gần xương chậu.

Thông thường, cơn đau gây ra bởi những tình trạng này là cảm giác đau đớn âm ỉ, nóng rát. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Cảm giác khó tiêu
  • Chướng hơi trong bụng
  • Ợ hơi, ợ nóng
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

Hầu hết các trường hợp khó tiêu và viêm dạ dày đều nhẹ và sẽ tự khỏi, bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn có triệu chứng trong một tuần hoặc lâu hơn. Nếu bạn nghi ngờ rằng bạn bị loét dạ dày, bạn nên đi khám bác sĩ.

Bệnh lý tụy

Bạn có thể cảm thấy đau hạ sườn phải nếu tuyến tụy của bạn bị viêm, được gọi là viêm tụy. Viêm tụy cấp là chứng viêm (sưng) ở tụy và thường xảy ra đột ngột.  Tuyến tụy sản xuất ra một chất được gọi là dịch tụy (chứa enzyme tiêu hóa) và hormone bao gồm insulin để cơ thể điều chỉnh lượng glucose. Sự tổn thương liên tục của tuyến tụy có thể dẫn đến tình trạng mãn tính. Viêm tụy cấp tính có thể gây chết người với nhiều biến chứng.

Những đối tượng thường mắc phải bệnh viêm tụy cấp có thể là:

  • Người nghiện rượu
  • Người bị sỏi mật
  • Bệnh nhân phẫu thuật ở bụng
  • Người nghiện hút thuốc
  • Người có tiền sử gia đình đã từng mắc bệnh viêm tụy
  • Người có nồng độ canxi trong máu cao
  • Bệnh nhân ung thư tuyến tụy

Cơn đau mà bạn gặp phải do viêm tụy dần dần xấu đi theo thời gian và các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Sốt
  • Tăng nhịp tim

Hầu hết các trường hợp viêm tụy cần nhập viện để điều trị.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa trên tiền sử bệnh hay kiểm tra sức khỏe, cùng với xét nghiệm máu và nước tiểu. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành chụp cắt lớp (CT) hay siêu âm ổ bụng.

Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ amylase hay lipase (enzyme tiêu hóa được tạo ra ở tuyến tụy), amylase hoặc lipase có thể tăng cao khi tụy bị viêm. Nồng độ canxi, magiê, muối, kali, bicarbonate ở trong máu có thể thay đổi. Nồng độ đường và chất béo (lipid) trong máu cũng có thể tăng. Sau khi tuyến tụy hồi phục, các nồng độ chất này sẽ thường trở lại ở mức bình thường.

Vấn đề ở phổi

Cơ hoành và phổi phải nằm ngay phía trên khu vực hạ sườn phải. Mặc dù phổi không ở phần bụng, nhưng các dây thần kinh có thể dẫn truyền cảm giác đau đến hạ sườn phải, hiện tượng này gọi là đau xuất chiếu (referred pain) – cảm nhận vị trí đau khác với vị trí bị tổn thương. Vì thế, đôi khi nhiều tổn thương phổi cũng dẫn đến đau phía hạ sườn như viêm phổi ở thùy dưới phổi phải, viêm màng phổi. Đau hạ sườn do phổi không kèm đầy chướng, khó tiêu và người bệnh có thể sẽ có các cơn ho nặng ngực.

Đau dây thần kinh liên sườn

Đau vùng hạ sườn phải còn có thể là dấu hiệu của đau dây thần kinh liên sườn, cơn đau thường xảy ra âm ỉ đôi khi kéo dài cả ngày, đêm. Đau khi thay đổi tư thế, ấn vào thấy đau hơn. Đau dây thần kinh liên sườn nếu có nguyên nhân do vận động sai tư thế thường không nguy hiểm và chỉ gây gây đau, khó chịu cho người bệnh.

Tình trạng này sẽ cải thiện sau 1 vài ngày hoặc sau khi dùng thuốc giảm đau. Ngược lại, nếu đau dây thần kinh liên sườn do nguyên nhân thứ phát thì cần thăm khám sớm và điều trị kịp thời theo chỉ định cụ thể của bác sỹ.

Các nguyên nhân khác

Ngoài các tình trạng bệnh lý ở trên, một số nguyên nhân khác có thể gây ra đau vùng hạ sườn phải, bao gồm chấn thương vùng bụng, viêm phổi và bệnh zona.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau ha sườn phải, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn và thực hiện khám tổng quát.

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm để chẩn đoán, bao gồm:

  • Công thức máu và xét nghiệm sinh hóa máu để đánh giá chức năng gan, số lượng tế bào máu và nồng độ các chất điện giải.
  • Xét nghiệm nước tiểu để đánh giá chức năng hoặc để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng đường tiểu hoặc sỏi thận.
  • Cấy phân để xem có mầm bệnh nào trong phân của bạn không
  • Nội soi đường tiêu hóa để kiểm tra xem có loét đường tiêu hóa không
  • Xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm, X-quang hoặc CT scan để quan sát gián tiếp các cơ quan trong bụng.
  • Chụp X-quang ngực thẳng có thể cho thấy một tổn thương của thùy dưới phải. Hình ảnh xẹp phổi do nhiễm trùng và nhồi máu trên X-quang phổi trông tương tự nhau. Chụp X-quang bụng thẳng, tư thế đứng hay nằm ngửa, có thể cho thấy các bất thường tại ruột, mức chất lỏng, khí hoặc chất lỏng dưới cơ hoành.

Điều trị đau vùng hạ sườn phải

Điều trị đau hạ sườn phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Có thể bao gồm:

  • Thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen để giảm bớt sự khó chịu
  • Thuốc kháng axit giúp trung hòa axit dạ dày
  • Các loại thuốc như thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc kháng axit để giảm lượng axit trong dạ dày.
  • Kháng sinh diệt vi khuẩn đang gây nhiễm trùng.
  • Phẫu thuật để loại bỏ sỏi hoặc cắt bỏ một khối u.
  • Phương pháp điều trị ung thư, như hóa trị , xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch.

Thông thường, bác sĩ sẽ cố gắng tránh thực hiện phẫu thuật hay các can thiệp xâm lấn vào cơ thể bạn. Đôi khi bắt buộc phải phẫu thuật để tránh các biến chứng hoặc khi bệnh trở nên tồi tệ hơn đe dọa đến tính mạng.

Ví dụ, nếu sỏi mật chặn ống mật (sỏi túi mật) không được loại bỏ, có thể có các biến chứng đe dọa tính mạng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chọn phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn túi mật của bạn.

Nếu sỏi thận của bạn quá lớn và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể mổ nội soi hoặc tán sỏi qua da. Đôi khi có thể cần mổ mở.

Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thận hoặc gan, phẫu thuật có thể cần thiết để loại bỏ một khối u, tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư .

Biến chứng

Vì vùng hạ sườn phải chứa nhiều cơ quan quan trọng, do đó cần phải theo dõi cơn đau vùng này và bất kỳ triệu chứng bổ sung nào để tìm cách điều trị kịp thời và tránh các biến chứng.

Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm:

  • Nhiễm trùng thận do nhiễm trùng đường tiểu không được điều trị
  • Huyết áp cao, suy thận hoặc sẹo thận do nhiễm trùng thận không được điều trị
  • Nhẹ cân, sinh non, tổn thương nội tạng hoặc tử vong do tiền sản giật không điều trị
  • Viêm hoặc nhiễm trùng túi mật hoặc tuyến tụy do sỏi mật không được điều trị
  • Tăng nguy cơ loét hoặc ung thư dạ dày do viêm dạ dày không được điều trị
  • Tiến triển của bệnh ung thư không được phát hiện sớm

Phòng ngừa

Bạn có thể găn ngừa một số trường hợp đau vùng hạ sườn phải bằng cách:

Ăn chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm:

  • Thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và đậu
  • Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh , chẳng hạn như dầu ô liu và dầu cá, đồng thời tránh các chất béo không lành mạnh như thực phẩm chiên, nướng.
  • Tránh thực phẩm có chứa carbohydrate tinh chế, đường và muối.
  • Uống đủ nước, bởi vì uống nhiều nước có thể giúp loại bỏ vi khuẩn từ đường tiết niệu của bạn.
  • Sử dụng bổ sung canxi một cách thận trọng để tránh sỏi thận.
  • Tránh chứng khó tiêu bằng cách đảm bảo thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn và tránh thực phẩm hoặc đồ uống có vị cay, nhiều dầu mỡ hoặc chứa nhiều axit hoặc caffeine.

Bỏ hút thuốc, giảm uống rượu.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Tóm lại

Các nguyên nhân gây ra đau vùng hạ sườn phải có thể khác nhau. Một số trong số đó, chẳng hạn như khó tiêu, rất phổ biến và thường sẽ tự biến mất. Những nguyên nhân khác, chẳng hạn như tiền sản giật hoặc viêm tụy, cần được giải quyết ngay lập tức.

Vì vùng hạ sườn phải của bạn chứa nhiều loại cơ quan quan trọng, do đó cần theo dõi sát cơn đau khu vực này.

Nếu bạn bị đau vùng hạ sườn phải một tuần hoặc lâu hơn, bạn nên hẹn gặp bác sĩ.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment