Đờm là hỗn hợp nước bọt và chất nhầy khi mà bạn bị ho. Đờm có máu xuất hiện khi đờm có những vệt máu có thể nhìn thấy trong đó. Máu đến từ dọc theo đường hô hấp bên trong cơ thể bạn. Đường hô hấp bao gồm:
- Đường hô hấp trên bao gồm miệng, mũi, xoang, cổ họng, thanh quản và khí quản.
- Đường hô hấp dưới bao gồm các ống phế quản và phổi.
Đờm có máu được xác định bằng tình trạng khạc đờm ra máu trong lúc gắng sức ho. Đờm khi khạc ra có thể kèm máu đỏ tươi hoặc hồng. Trước khi ho, bệnh nhân có biểu hiện nóng rát sau xương ức, đau ngực và rát họng. Lượng máu này sẽ giảm dần theo cơn ho và hết sạch sau đó.
Đôi khi đờm có máu là triệu chứng của một tình trạng y tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, đờm có máu là hiện tượng tương đối phổ biến và thường không gây lo ngại ngay lập tức.
Nếu bạn ho ra máu với số lượng ít hoặc không có đờm, bạn nên đi khám ngay lập tức.
Mục lục
Nguyên nhân gây ra đờm có máu
Nguyên nhân phổ biến của đờm có máu bao gồm:
- Ho kéo dài
- Viêm phế quản
- Chảy máu cam
- Nhiễm trùng ngực khác
Viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản là một chứng viêm lớp niêm mạc ống phế quản, do nhiễm trùng. Phế quản là ống để không khí di chuyển. Những người bị viêm phế quản thường ho ra chất đờm dày, có thể bị đổi màu.
Viêm phế quản cấp tính thường do nhiễm virus. Loại virus này cùng loại với virus cúm.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản mạn tính là do hút thuốc lá. Ô nhiễm không khí, bụi hoặc khí độc trong môi trường hoặc nơi làm việc sẽ làm tình trạng xấu đi.
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, như:
- Bạn nghiện hút thuốc. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản
- Sức đề kháng yếu. Sức đề kháng yếu có thể do một bệnh khác gây ra, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc do một bệnh mạn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch
- Tuổi tác. Người cao tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc nhiễm trùng cao hơn
- Bạn làm việc xung quanh các chất kích thích phổi nhất định. Bạn tiếp xúc với ngũ cốc hoặc bông dệt hay khói hóa học sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Trào ngược dạ dày. Nếu bạn thường xuyên bị trào ngược dạ dày, cổ họng có thể bị kích ứng và làm cho bạn dễ bị viêm phế quản.
Viêm phế quản có hai loại gồm:
- Viêm khí phế mạc cấp tính (viêm phế quản cấp tính): tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn làm cho đường hô hấp trong phổi sưng và đầy chất nhầy. Loại cấp tính thường kéo dài trong vài tuần
- Viêm phế quản mạn tính: loại này kích thích liên tục các ống phế quản. Bệnh có thể kéo dài hàng tháng hoặc nhiều năm. Viêm phế quản mạn tính nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính.
Các triệu chứng viêm phế quản phổ biến gồm:
- Ho kéo dài
- Ho ra chất nhầy, có lẫn máu
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Sốt
- Tức ngực.
Nếu bị viêm phế quản cấp tính, bạn sẽ ho dai dẳng kéo dài trong vài tuần sau khi chứng viêm đã hết. Nếu bạn bị viêm phế quản mạn tính, có thể mất nhiều thời gian hơn trước khi bệnh trở nên tồi tệ. Vào những thời điểm đó, bạn sẽ có dấu hiệu và triệu chứng như viêm phế quản cấp tính.
Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn của đờm có máu có thể bao gồm:
Ung thư phổi hoặc ung thư vòm họng
Triệu chứng phế quản là đặc trưng nhất ở ung thư phổi, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện: Ho nhiều, ho dai dẳng. Dấu hiệu này giống với các bệnh cảm mạo thông thường vì vậy nhiều bệnh nhân không đi kiểm tra. Trên thực tế, ho dai dẳng kéo dài dẫn đến khàn tiếng, mất tiếng có thể do phổi gây ra do viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi.
Viêm phế quản, viêm phổi tái phát nhiều lần
Nếu bạn bị viêm phổi, viêm phế quản đã được điều trị cho hết ho, hết sốt nhưng trên X quang vẫn thấy tổn thương tồn tại trên 1 tháng thì rất có thể bạn có vấn đề nghiêm trọng ở phổi
Viêm phổi thùy
Nguyên nhân thường thấy nhất của viêm phổi thùy là do vi khuẩn phế cầu, các triệu chứng điển hình của viêm phổi thùy do phế cầu:
Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao 39-40 độ C, sốt kèm rét run, mạch nhanh mặt đỏ, kích thích vật vã, sau vài giờ xuất hiện khó thở, toát mồ hôi, môi tím, thở nhanh, có thể li bì, hôn mê
Đối với người già các triệu chứng thường ít rầm rộ hơn
Cơn sốt có thể kèm theo triệu chứng co giật nhất là với trẻ nhỏ nhưng chọc dò dịch não tủy bình thường.
Đau ngực
Là triệu chứng điển hình thường xuyên xuất hiện, đau bên tổn thương, đau tăng khi người bệnh nằm nghiêng về bên tổn thương.
Ho khan lúc đầu, ho nhẹ sau đó ho có đờm đặc có màu gỉ sắt(đặc trưng của viêm phổi thùy do phế cầu), ho nhiều từng cơn
Rối loạn tiêu hóa nôn, buồn nôn, chướng bụng, đau bụng.
Thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi):
Thuyên tắc phổi chỉ tình trạng trong phổi có máu đông và gây tắc nghẽn động mạch phổi. Nguyên nhân chính của tắc mạch phổi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Các yếu tố làm tăng nguy cơ cho sự phát triển DVT và tắc mạch phổi bao gồm ung thư, gãy xương hông hoặc chân, béo phì.
Các triệu chứng nghẽn mạch phổi có thể bao gồm thở ngắn, lo lắng, đau ngực, ho ra máu và sưng tấy bắp chân. Thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng và được xem là trường hợp nguy hiểm.
Phù phổi
Phù phổi là một tình trạng phổi chứa đầy dịch. Dịch này đi vào nhiều túi khí trong phổi gây ra khó thở. Phù phổi còn được gọi là tắc nghẽn phổi.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các dấu hiệu và triệu chứng phù phổi có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển theo thời gian. Các dấu hiệu và triệu chứng của phù phổi cấp tính như khó thở trầm trọng khi vận động hoặc khi nằm xuống, thở khò khè, thở dốc, lo âu, bồn chồn, cảm giác sợ hãi, ho có đờm và máu, môi tái nhợt, tim đập nhanh bất thường.
Các dấu hiệu và triệu chứng của phù phổi dài hạn (mãn tính) như hơi thở ngắn hơn bình thường khi vận động, khó thở khi gắng sức hoặc nằm, thở khò khè, ho hoặc khó thở vào ban đêm, tăng cân nhanh, sưng ở chi, mệt mỏi.
Nếu phù phổi không được điều trị, nó có thể làm tăng áp lực lên động mạch phổi, sau đó sẽ làm cho tâm thất phải của tim bị suy yếu. Trong một số trường hợp, phù phổi có thể gây tử vong.
Xơ nang
Xơ nang là một tình trạng di truyền của hệ hô hấp thường được chẩn đoán trong thời thơ ấu. Đây là bệnh di truyền kéo dài suốt đời khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi và dịch nhầy. Thông thường, dịch nhầy là chất dịch trơn, hơi dính giúp bôi trơn và bảo vệ các màng nhầy. Tuy nhiên, khi mắc bệnh xơ nang, dịch nhầy sẽ trở nên dày và dính bất thường. Nó có thể làm tắc nghẽn phổi và gây nhiễm trùng phổi.
Một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh lao
Bệnh lao (còn gọi là TB) là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Nếu vi trùng lao thâm nhập vào một cơ quan nào đó trong cơ thể và sinh sôi đồng thời cơ thể không thể chống lại nó, khi đó sẽ hình thành bệnh lao
Những triệu chứng lao phổi điển hình gồm:
- Ho kéo dài hơn 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng quan trọng nhất liên quan đến lao phổi
- Đau ngực, thỉnh thoảng khó thở
- Cảm thấy mệt mỏi mọi lúc
- Đổ mồ hôi trộm về đêm
- Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều
- Chán ăn, gầy sút
Ngoài ra còn có một só nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng đờm có máu là:
- Uống thuốc chống đông máu, làm loãng máu để ngăn ngừa đông máu
- Chấn thương hệ hô hấp
- Hít dị vật vào phổi
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới hoặc hít phải dị vật là những nguyên nhân có thể gây ra đờm có máu ở trẻ em.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bạn nên gọi bác sĩ ngay nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Chủ yếu ho ra máu, có rất ít đờm
- Khó thở hoặc thở hụt hơi
- Mệt mỏi nhiều
- Chóng mặt
- Đổ mồ hôi
- Nhịp tim nhanh
- Giảm cân không giải thích được
- Hoa mắt, choáng váng
- Đau ngực
- Máu cũng có trong nước tiểu hoặc phân của bạn
Những triệu chứng này có liên quan đến một tình trạng y tế nghiêm trọng.
Chẩn đoán
Khi bạn gặp bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân đờm có máu, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi bạn nếu có bất kỳ nguyên nhân đáng chú ý nào như:
- Ho
- Sốt
- Cúm
- Viêm phế quản
Bác sĩ cũng có thể sẽ hỏi: Bạn bị đờm có máu trong bao lâu, đờm trông như thế nào, bạn ho bao nhiêu lần trong ngày, lượng máu trong đờm.
Bác sĩ sẽ nghe tim phổi của bạn và có thể tìm kiếm các triệu chứng đáng lo ngại khác, như nhịp tim nhanh, thở khò khè hoặc tiếng rale trong phổi. Bác sĩ cũng hỏi về tiền sử bệnh tật của bạn và gia đình.
Bác sĩ cũng có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân và điều trị:
- Chụp X-quang ngực để chẩn đoán nhiều tình trạng khác nhau. Đây thường là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tiên được chỉ định.
- Chụp CT ngực để cung cấp hình ảnh rõ ràng hơn về các mô mềm để đánh giá.
- Nội soi phế quản, bác sĩ sẽ nhìn vào đường thở của bạn để kiểm tra các dị vật hoặc bất thường bằng cách hạ thấp ống soi phế quản xuống phía sau cổ họng và vào phế quản.
- Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu để chẩn đoán các tình trạng khác, cũng như xác định số lượng hồng cầu và kiểm tra xem bạn có bị mất quá nhiều máu đến mức bạn bị thiếu máu hay không.
- Nếu bác sĩ nhận thấy sự bất thường về cấu trúc trong phổi của bạn, họ có thể yêu cầu sinh thiết. Họ sẽ lấy một mẫu mô từ phổi của bạn và gửi đến phòng thí nghiệm để đánh giá.
Phương pháp điều trị
Điều trị đờm có máu sẽ dựa vào việc điều trị nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nó. Trong một số trường hợp, điều trị cũng có thể liên quan đến việc giảm viêm hoặc các triệu chứng liên quan khác mà bạn gặp phải.
Phương pháp điều trị đờm có máu có thể bao gồm:
- Kháng sinh đường uống cho nhiễm trùng như viêm phổi do vi khuẩn.
- Thuốc chống siêu vi, như oseltamivir (Tamiflu), để giảm thời gian hoặc mức độ nghiêm trọng của nhiễm virus.
- Thuốc giảm ho cho ho kéo dài
- Uống nhiều nước hơn, có thể giúp loại bỏ đờm còn lại
- Phẫu thuật để điều trị khối u hoặc cục máu đông
Đối với những người ho ra một lượng máu lớn, trước tiên, việc điều trị tập trung vào việc cầm máu, ngăn ngừa hít phải máu sau đó điều trị nguyên nhân cơ bản.
Gọi cho bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc giảm ho nào, ngay cả khi bạn biết nguyên nhân cơ bản của các triệu chứng của bạn. Thuốc ức chế ho có thể dẫn đến tắc nghẽn đường thở hoặc giữ đờm bị mắc kẹt trong phổi của bạn, kéo dài hoặc làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng.
Phòng ngừa đờm có máu
Đờm có máu đôi khi có thể là triệu chứng của một tình trạng tiềm ẩn không thể tránh khỏi nhưng một số phương pháp có thể giúp ngăn ngừa một số trường hợp. Bước phòng ngừa đầu tiên là thực hiện các biện pháp để tránh nhiễm trùng đường hô hấp có khả năng gây ra bệnh này.
Bạn có thể làm như sau để ngăn ngừa ho ra đờm có máu:
- Ngừng hút thuốc nếu bạn hút thuốc. Hút thuốc gây kích ứng và viêm và cũng làm tăng khả năng mắc các bệnh nghiêm trọng.
- Nếu bạn cảm thấy bị nhiễm trùng đường hô hấp, hãy uống nhiều nước hơn. Uống nước có thể làm loãng đờm và ho ra đờm dễ hơn.
- Giữ nhà của bạn sạch sẽ vì bụi dễ hít vào và nó có thể gây kích ứng phổi và làm cho các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn nếu bạn bị COPD, hen suyễn hoặc nhiễm trùng phổi. Nấm mốc cũng có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp và kích thích, có thể dẫn đến ho ra đờm có máu.
- Ho ra đờm màu vàng và màu xanh lá cây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp. Gặp bác sĩ để điều trị sớm để giúp ngăn ngừa các biến chứng hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng sau này.