Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất và là thủ phạm gây ra 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Bị ung thư phổi sống được bao lâu còn phụ thuộc vào: loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi tác, thể trạng bệnh nhân…
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi, trong đó gần 20.000 ca tử vong.
Ung thư phổi cũng là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thứ 3 ở nữ giới. Bệnh khó phát hiện ở giai đoạn sớm nên nhiều người khi phát hiện mắc ung thư phổi thì khối u đã bắt đầu di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị hiệu quả.
Mục lục
- Ung thư phổi tế bào nhỏ là gì?
- Các yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân của ung thư phổi tế bào nhỏ
- Các triệu chứng của ung thư phổi tế bào nhỏ
- Các xét nghiệm giúp phát hiện và chẩn đoán ung thư phổi
- Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng và lựa chọn điều trị
- Xét nghiệm giúp phân giai đoạn của ung thư phổi tế bào nhỏ
- Các giai đoạn của ung thư phổi tế bào nhỏ
- Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ
- Thử nghiệm lâm sàng
- Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ theo giai đoạn
- Tiên lượng cho ung thư phổi tế bào nhỏ
- Sàng lọc ung thư phổi tế bào nhỏ
- Phòng ngừa ung thư phổi
Ung thư phổi tế bào nhỏ là gì?
Ung thư phổi là tình trạng khi các tế bào phổi bắt đầu phát triển nhanh chóng không kiểm soát được. Ung thư có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của phổi.
Có hai loại ung thư phổi
- Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC), đôi khi được gọi là ung thư biểu mô tế bào nhỏ, gây ra khoảng 10–15% tất cả các bệnh ung thư phổi
- Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) gây ra các bệnh ung thư phổi còn lại.
Sự khác nhau giữa ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ gồm:
- Ung thư phổi tế bào nhỏ phát triển nhanh chóng
- Ung thư phổi tế bào nhỏ lây lan nhanh
- Ung thư phổi tế bào nhỏ đáp ứng tốt với hóa trị (sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư) và xạ trị (sử dụng tia X liều cao hoặc tia năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư).
- Ung thư phổi tế bào nhỏ thường liên quan đến hội chứng cận ung thư.
Ung thư phổi tế bào nhỏ là một bệnh trong đó các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong các mô của phổi. Cơ thể có 2 lá phổi trái và phải trong lồng ngực. Phổi mang oxy vào cơ thể khi bạn hít vào và thải ra carbon dioxide khi bạn thở ra. Mỗi phổi có các phần được gọi là thùy. Phổi trái có hai thùy, phổi phải có ba thùy. Một màng mỏng gọi là màng phổi bao quanh phổi. Hai ống được gọi là phế quản dẫn từ khí quản đến phổi phải và phổi trái. Các phế quản đôi khi cũng bị ảnh hưởng bởi ung thư phổi. Các ống nhỏ gọi là tiểu phế quản và các túi khí nhỏ gọi là phế nang bên trong phổi.
Có hai loại ung thư phổi tế bào nhỏ:
- Ung thư biểu mô tế bào nhỏ
- Ung thư biểu mô tế bào nhỏ kết hợp
Các tế bào trong 2 dạng ung thư này đều phát triển và lây lan theo nhiều cách khác nhau. Tên của các ung thư này được đặt theo hình dạng của tế bào ung thư được quan sát dưới kính hiển vi.
Các yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân của ung thư phổi tế bào nhỏ
Bất cứ điều gì làm tăng khả năng mắc bệnh của bạn được gọi là yếu tố nguy cơ hay yếu tố rủi ro. Có một yếu tố rủi ro không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư; không có các yếu tố rủi ro không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có nguy cơ bị ung thư phổi.
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính của ung thư phổi tế bào nhỏ.
Các yếu tố nguy cơ ung thư phổi bao gồm:
Hút thuốc lá, xì gà và thuốc lào
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư phổi. Thuốc lá, xì gà và hút thuốc lào đều làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Hút thuốc lá gây ra khoảng 9 trên 10 trường hợp ung thư phổi ở nam giới và khoảng 8 trong số 10 trường hợp ung thư phổi ở phụ nữ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá có hàm lượng tar thấp hoặc nicotine thấp không làm giảm nguy cơ ung thư phổi.
Các nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc lá tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc.
Tiếp xúc với khói thuốc
Tiếp xúc với khói thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư phổi. Khói thuốc là khói bốc ra từ thuốc lá đang cháy hoặc sản phẩm thuốc lá khác, những người xung quanh vô tình hít phải khói thuốc. Những người hít phải khói thuốc lá tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư tương tự như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Hít khói thuốc lá được gọi là hút thuốc không tự nguyện hoặc thụ động.
Tiền sử gia đình
Gia đình có người mắc bệnh ung thư phổi là yếu tố nguy cơ của ung thư phổi. Những người có người thân bị ung thư phổi có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp đôi so với những người không có người thân bị ung thư phổi. Bởi vì hút thuốc lá có xu hướng nối tiếp trong các gia đình (cha hút, con cũng hút) và các thành viên gia đình tiếp xúc với khói thuốc lá, thật khó để biết liệu nguy cơ ung thư phổi gia tăng là từ tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi hay do tiếp xúc với khói thuốc lá.
Có bệnh HIV
Bị nhiễm virus HIV, nguyên nhân gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người, được cho rằng là nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi. Những người bị nhiễm HIV có thể có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn gấp đôi so với những người không bị nhiễm bệnh. Vì tỷ lệ hút thuốc ở những người nhiễm HIV cao hơn ở những người không nhiễm, nên không rõ liệu nguy cơ ung thư phổi tăng lên là do nhiễm HIV hay do tiếp xúc với khói thuốc lá.
Yếu tố rủi ro từ môi trường
Phơi nhiễm phóng xạ
Tiếp xúc với bức xạ là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Bức xạ bom nguyên tử, xạ trị, xét nghiệm hình ảnh và radon là nguồn bức xạ
- Bức xạ bom nguyên tử: Tiếp xúc với bức xạ sau vụ nổ bom nguyên tử làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
- Xạ trị: Liệu pháp xạ trị vào ngực có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư vú và ung thư hạch Hodgkin. Xạ trị sử dụng tia X, tia gamma hoặc các loại phóng xạ khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Càng sử dụng liều cao bức xạ càng có nhiều rủi ro. Nguy cơ ung thư phổi sau xạ trị cao hơn ở những bệnh nhân hút thuốc so với những người không hút thuốc.
- Xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT, cho bệnh nhân tiếp xúc với bức xạ. Chụp CT xoắn ốc liều thấp làm cho bệnh nhân tiếp xúc với bức xạ ít hơn so với chụp CT liều cao. Trong sàng lọc ung thư phổi, việc sử dụng CT scan xoắn ốc liều thấp có thể làm giảm tác hại của phóng xạ.
- Radon: Radon là một loại khí phóng xạ xuất phát từ sự phân hủy uranium trong đá và đất. Nó thấm qua mặt đất và rò rỉ vào không khí hoặc nguồn nước. Radon có thể vào nhà thông qua các vết nứt trên sàn, tường hoặc nền móng và mức độ radon có thể tích tụ theo thời gian.
Các nghiên cứu cho thấy rằng lượng khí radon cao trong nhà hoặc nơi làm việc làm tăng số ca mắc ung thư phổi mới và số ca tử vong do ung thư phổi. Nguy cơ ung thư phổi cao hơn ở những người hút thuốc tiếp xúc với radon so với những người không hút thuốc tiếp xúc với nó. Ở những người chưa bao giờ hút thuốc, khoảng 26% trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến việc tiếp xúc với radon.
Tiếp xúc tại nơi làm việc
Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với các chất sau đây làm tăng nguy cơ ung thư phổi:
- Amiăng
- Asen
- Crom
- Niken
- Beryllium
- Cadmium
- Tar
Những chất này có thể gây ung thư phổi với những người tiếp xúc với chúng tại nơi làm việc và chưa bao giờ hút thuốc. Khi mức độ tiếp xúc với các chất này tăng lên, nguy cơ ung thư phổi cũng tăng theo. Nguy cơ ung thư phổi thậm chí còn cao hơn ở những người tiếp xúc khói thuốc và hút thuốc.
Ô nhiễm không khí
Các nghiên cứu cho thấy sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Bổ sung beta carotene ở người nghiện thuốc lá nặng
Uống bổ sung beta carotene (thuốc viên) làm tăng nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt ở những người hút thuốc hút trên một gói mỗi ngày. Nguy cơ cao hơn ở những người hút thuốc và dùng rượu bia hàng ngày.
Tuổi cao
Là yếu tố nguy cơ chính của hầu hết các bệnh ung thư. Khả năng bị ung thư tăng lên khi bạn già đi.
Khi hút thuốc kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác, nguy cơ ung thư phổi sẽ tăng lên.
Các triệu chứng của ung thư phổi tế bào nhỏ
Các dấu hiệu hay triệu chứng của ung thư phổi tế bào nhỏ bao gồm ho, khó thở và đau ngực.
Những dấu hiệu và triệu chứng khác có thể do ung thư phổi tế bào nhỏ hoặc do các bệnh lý khác. Ung thư phổi tế bào nhỏ thường không có triệu chứng, có nghĩa là bệnh không gây ra triệu chứng. Một khi các triệu chứng xuất hiện, có nghĩa là ung thư đã xâm chiếm các bộ phận khác của cơ thể. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng thường tăng lên khi ung thư càng phát triển và lây lan.
Hãy đi khám ngay nếu bạn có bất kỳ điều sau đây:
Thở khó khăn, nặng nhọc
Bởi đây không phải một triệu chứng nghiêm trọng cho nên khiến nhiều người chủ quan. Tình trạng này xuất hiện do khối u ở phổi gây ra, cản trở quá trình hô hấp của bạn.
Ho nhiều
Dấu hiệu này giống với các bệnh cảm mạo thông thường vì vậy nhiều bệnh nhân không đi kiểm tra. Trên thực tế, ho dai dẳng kéo dài dẫn đến khàn tiếng, mất tiếng có thể do phổi gây ra do viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi.
Đau tức ngực
Đây là dấu hiệu điển hình nhất của bệnh ung thư phổi. Cơn đau thường xuất hiện mỗi khi người bệnh hoạt động mạnh, ho hay cười nói.
Sút cân một cách bất thường, không rõ nguyên nhân
Việc giảm sút cân nặng không phải do chế độ ăn uống, tập luyện gây ra đều rất có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó, trong đó có ung thư phổi. Nguyên nhân có thể do xuất hiện khối u ở phổi khiến gia tăng đột ngột sự trao đổi chất gây ra tình trạng trên.
Đờm có lẫn máu
Ngay cả khi lượng máu lẫn trong đờm nhỏ thì bạn cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra lại sức khỏe của mình.
Thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp
Ung thư phổi gây ảnh hưởng lớn đến đường hô hấp dẫn đến các bệnh như viêm phế quản và các bệnh nhiễm trùng khác.
Dấu hiệu khác thường ở các mô vú
Đây là dấu hiệu thường gặp ở nam giới khi vùng ngực to lên bất thường do tế bào ung thư kích thích ảnh hưởng đến nội tiết tố.
Đau vai
Hiện tượng này xảy ra khi có một khối u phát triển và chèn lên phần trên của phổi tạo áp lực dẫn đến đau nhức ở vai, cánh tay, bàn tay.
Các triệu chứng khác
- Khàn tiếng, khó nuốt
- Mất cảm giác ngon miệng
- Sưng phù ở mặt và cổ
Các xét nghiệm giúp phát hiện và chẩn đoán ung thư phổi
Trước tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám tổng quát, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh, chẳng hạn như cục u hoặc bất cứ điều gì khác có vẻ bất thường. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh tật, phương pháp điều trị đã sử dụng, các thói quen sinh hoạt hàng ngày, có sử dụng thuốc là không, công việc trước đây, tiền sử bệnh tật gia đình và xung quanh.
Sau đó bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để xác định xem có ung thư phổi hay không, chẳng hạn như:
Xét nghiệm máu, nước tiểu, đờm
Những xét nghiệm này giúp chẩn đoán bệnh, lên kế hoạch điều trị hoặc theo dõi bệnh tiến triển.
Chụp X-quang ngực
Chụp X-quang là sử dụng tia X đi xuyên qua cơ thể và lên phim, tạo nên hình ảnh của các khu vực bên trong cơ thể, có thể phát hiện u phổi, nhưng với những tổn thương nhỏ đôi khi không thấy.
Chụp CT scanner não, ngực và bụng
Là sử dụng máy tính và máy X-quang để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cơ thể. Những hình ảnh này cung cấp thông tin chi tiết hơn so với hình ảnh X-quang thông thường. Chúng có thể cho bác sĩ thấy các mô mềm, mạch máu và xương ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Một thuốc cản quang có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc nuốt để giúp các cơ quan hoặc mô hiển thị rõ ràng hơn. Phương pháp này cũng được gọi là chụp cắt lớp vi tính.
Phương pháp này có thể phát hiện u phổi (kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn), kể cả những tổn thương nhỏ, ngoài ra có thể thấy hạch trung thất, tổn thương di căn phổi, màng phổi. Ngoài ra, CT còn là phương tiện giúp định hướng trong sinh thiết xuyên thành ngực để chẩn đoán xác định mô bệnh học ung thư phổi.
Chụp MRI (cộng hưởng từ)
Chụp MRI là phương pháp có độ nhạy cảm cao trong đánh giá tổn thương thành ngực nguyên phát, nhiễm trùng và xâm lấn. Phương pháp này có thể đánh giá xâm lấn và đè đẩy mạch máu, đánh giá tổn thương màng phổi (hiệu quả của phương pháp chụp MRI được đánh giá nổi trội hơn so với chụp CT trong thăm khám các bệnh màng phổi), đánh giá tổn thương cạnh cột sống, đánh giá các tổn thương ở trung thất và rốn phổi, đánh giá tổn thương nhu mô phổi
MRI còn nhiều hạn chế trong việc đánh giá tổn thương nhu mô phổi do độ phân giải không gian kém, nhiễu ảnh do chuyển động sinh lý của nhu mô phổi, độ nhạy tín hiệu giữa thành phế nang và phế nang thấp. Tuy nhiên trong bệnh tổ chức kẽ, MRI có thể phân biệt tổn thương dạng tiến triển hay đã ổn định xơ hóa
Soi phế quản
Qua soi phế quản ta có thể quan sát được khối u xuất phát từ phế quản và thực hiện được các kĩ thuật để lấy bệnh phẩm làm tế bào học, mô bệnh học như sinh thiết phế quản, chải rửa phế quản, sinh thiết phế quản xuyên thành ở vùng tương ứng với khối u.
Xét nghiệm mô bệnh học
Giúp chẩn đoán xác định thông qua bệnh phẩm được lấy từ nội soi phế quản, hoặc qua sinh thiết xuyên thành ngực dưới dưới dẫn cắt lớp vi tính.
Nội soi lồng ngực
Là đưa vào khoang màng phổi một ống soi cứng hoặc mềm để khảo sát tình trạng của khoang màng phổi (màng phổi, lá thành, lá tạng, cơ hoành). Kỹ thuật này vừa cho phép quan sát tổn thương, lấy bệnh phẩm chẩn đoán đồng thời cũng qua đó để điều trị (cắt dây dính, bơm thuốc điều trị…).
Trên thế giới kỹ thuật này đã được thực hiện từ lâu, nhưng ở nước ta mới chỉ có một số cơ sở y tế lớn thực hiện kỹ thuật này. Kỹ thuật nội soi lồng ngực vừa giúp cho chẩn đoán vừa giúp cho điều trị.
Sinh thiết
Việc sinh thiết các tế bào hoặc mô để kiểm tra dưới kính hiển vi là phương pháp chẩn đoán xác định ung thư.
Sinh thiết phổi bằng kim nhỏ (FNA): Lấy bệnh phẩm là mô hoặc chất lỏng từ phổi, sử dụng kim nhỏ để sinh thiết. Chụp CT, siêu âm hoặc các phương pháp hình ảnh khác để tìm mô hoặc chất lỏng bất thường trong phổi.
Một vết mổ nhỏ có thể được thực hiện ở da nơi kim sinh thiết để lấy bệnh phầm. Bệnh phẩm lấy ra sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ xem mẫu đó dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư. X-quang ngực được thực hiện sau thủ thuật để đảm bảo không có không khí rò rỉ từ phổi vào ngực.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng và lựa chọn điều trị
Các tiên lượng) và các lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào những điều sau đây:
- Giai đoạn của ung thư
- Tuổi, giới tính và sức khỏe chung của bệnh nhân.
- Đối với một số bệnh nhân, tiên lượng cũng phụ thuộc vào việc bệnh nhân đáp ứng được điều trị bằng cả hóa trị và xạ trị.
Xét nghiệm giúp phân giai đoạn của ung thư phổi tế bào nhỏ
Đối với hầu hết bệnh nhân bị ung thư phổi tế bào nhỏ, các phương pháp điều trị hiện tại không chữa khỏi ung thư. Nếu phát hiện ung thư phổi, bệnh nhân nên suy nghĩ về việc tham gia vào một trong những thử nghiệm lâm sàng đang được thực hiện để cải thiện điều trị.
Sau khi chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ, các xét nghiệm tiếp theo được thực hiện để tìm hiểu xem các tế bào ung thư đã lan rộng trong ngực hay đến các bộ phận khác của cơ thể. Quá trình này được gọi là phân giai đoạn ung thư. Điều quan trọng là phải biết giai đoạn để lên kế hoạch điều trị. Một số xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ cũng được sử dụng để xác định giai đoạn bệnh. Các xét nghiệm có thể được tiến hành tiếp theo bao gồm:
- MRI (chụp cộng hưởng từ) não: phát hiện di căn não
- Chụp CT scanner: đánh giá tổn thương di căn.
- Chụp PET (chụp cắt lớp phát xạ positron): để tìm các tế bào của khối u ác tính trong cơ thể. Một lượng nhỏ glucose được tiêm vào tĩnh mạch. Máy quét PET xoay quanh cơ thể và tái hiện hình ảnh về nơi glucose đang được sử dụng trong cơ thể. Các tế bào khối u ác tính xuất hiện sáng hơn trong hình ảnh vì chúng hoạt động nhiều hơn và chiếm nhiều glucose hơn các tế bào bình thường.
- Xạ hình xương: để kiểm tra xem có di căn xương không. Một lượng rất nhỏ chất phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch. Các chất phóng xạ thu thập trong xương bị ung thư và được phát hiện bởi một máy quét.
Có ba cách mà ung thư lây lan trong cơ thể:
- Mô: Ung thư lây lan từ nơi nó bắt đầu bằng cách phát triển sang các khu vực lân cận.
- Hệ bạch huyết: Ung thư lây lan từ nơi nó bắt đầu bằng cách xâm nhập vào hệ thống bạch huyết. Ung thư di chuyển qua các mạch bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể.
- Máu: Ung thư lây lan từ nơi nó bắt đầu bằng cách đi vào máu. Ung thư di chuyển qua các mạch máu đến các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư có thể lây lan từ nơi nó bắt đầu đến các bộ phận khác của cơ thể. Khi ung thư lan sang một bộ phận khác của cơ thể, nó được gọi là di căn. Các tế bào ung thư tách khỏi nơi chúng bắt đầu (khối u nguyên phát) và đi qua hệ thống bạch huyết hoặc máu.
Khối u di căn là loại ung thư giống như khối u nguyên phát. Ví dụ, nếu ung thư phổi tế bào nhỏ lan đến não, các tế bào ung thư trong não thực sự là tế bào ung thư phổi . Bệnh là ung thư phổi tế bào nhỏ di căn, không phải ung thư não.
Các giai đoạn của ung thư phổi tế bào nhỏ
Có nhiều cách để phân giai đoạn ung thư phổi tế bào nhỏ, sau đây là 2 cách phổ biến nhất
Phân giai đoạn theo cách truyền thống
Giai đoạn giới hạn
Được định nghĩa là giai đoạn mà ung thư xuất hiện chỉ ở một bên phổi và/hoặc trong các hạch bạch huyết (hạch lympho) ở trung thất (vùng ở giữa ngực, giữa hai phổi). Giai đoạn này tương đương với giai đoạn I, II, hoặc III nếu sử dụng hệ thống phân kỳ chi tiết hơn.
Khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn giới hạn vào thời điểm chẩn đoán. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ung thư đã lan ra ngoài vùng ngực nhưng không thấy được trên tất cả các xét nghiệm hình ảnh hiện có.
Hầu hết những người bị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn giới hạn đều được điều trị bằng hóa trị kết hợp với xạ trị chiếu vào khối u trong ngực. Sau điều trị ban đầu này, bệnh nhân thường được xạ trị tiếp vào não để ngăn ngừa sự xuất hiện di căn não và cải thiện khả năng sống sót. Mục tiêu điều trị bệnh giai đoạn này là chữa khỏi hẳn ung thư.
Mặc dù rất hiếm, một số ít bệnh nhân được chẩn đoán khi ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), khi chỉ có một khối u trong phổi. Khi đó, phẫu thuật cắt bỏ nên được xem xét và bệnh nhân thường sẽ tiếp tục hóa trị sau mổ, kèm theo hoặc không kèm theo xạ trị
Giai đoạn lan rộng
Được định nghĩa là giai đoạn mà ung thư đã lan sang phía bên kia ngực (phổi bên kia) hoặc lan đến các vị trí xa hơn trong cơ thể. Các vị trí di căn phổ biến bao gồm phổi, gan, tuyến thượng thận, xương hoặc não.
Hầu hết bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn lan rộng tại thời điểm chẩn đoán.
Những bệnh nhân bị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn này thường được điều trị bằng hóa trị; phẫu thuật không còn là lựa chọn. Bệnh giai đoạn này không được coi là có thể chữa lành, và mục đích điều trị là làm giảm các triệu chứng do ung thư gây ra và kéo dài thời gian sống. Những người có đáp ứng tốt với hóa trị có thể được xạ trị vào não để ngăn ngừa sự xuất hiện di căn não, và cũng có thể được xạ trị vào ngực. Xạ trị cũng có thể được sử dụng để điều trị các vùng khác của cơ thể để làm giảm các triệu chứng do di căn.
Ngày nay, người ta có thể phân giai đoạn ung thư phổi tế bào nhỏ cho bệnh nhân có thể phẫu thuật được theo TNM.
Phân loại theo TNM
Khối u nguyên phát (T):
T1: Khối u có đường kính >3 cm không xâm lấn tới phế quản phân thùy .
T 2: Khối u có đường kính >3cm hoặc khối u có đường kính bất kỳ với ít nhất một trong những đặc điểm sau:
- Xâm lấn vào màng phổi
- Xẹp phổi không vượt quá một phổi
- Xâm lấn vào phế quản trung tâm cách carina ít nhất 2cm
T3: Khối u có kích thước bất kỳ và có ít nhất một trong những đặc điểm sau:
- Xâm lấn thành ngực
- Xâm lấn cơ hoành, màng phổi trung thất hoặc màng ngoài tim
- Xâm lấn vào phế quản trung tâm cách carina < 2cm
T4: Khối u có kích thước bất kỳ và có ít nhất một trong những đặc điểm sau: ngoài tim ác tính:
- Xâm lấn vào trung thất
- Xâm lấn vào tim hoặc các mạch máu lớn
- Xâm lấn vào khí quản hoặc thực quản
- Xâm lấn vào thân đốt sống hoặc carina
- Tràn dịch ác tính màng phổi hoặc màng ngoài tim
- Có khối u vệ tinh ở cùng thùy với khối u nguyên phát
Tổn thương hạch (N):
- N0: Không có tổn thương hạch khu vực
- N1: Hạch quanh phế quản cùng bên
- N2 : Hạch dưới carina
- N3: Di căn tới hạch trung thất hoặc hạch rốn phổi đối bên, hạch cơ bậc thang hoặc hạch thượng đòn cùng bên hoặc đối bên
Di căn xa (M):
- M0: Không có di căn xa
- M1: Có di căn xa (bao gồm cả các nốt di căn tới các thùy phổi khác)
Ung thư phổi tế bào nhỏ tái phát
Ung thư phổi tế bào nhỏ tái phát là ung thư quay trở lại sau khi nó được điều trị. Ung thư có thể tái phát ở ngực, hệ thống thần kinh trung ương hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể.
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ
Có nhiều cách điều trị khác nhau cho bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ. Một số phương pháp điều trị là tiêu chuẩn (phương pháp điều trị hiện đang được sử dụng), và một số phương pháp đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng. Một thử nghiệm điều trị lâm sàng là một nghiên cứu có ý nghĩa giúp cải thiện các phương pháp điều trị hiện tại hoặc có được thông tin về các phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư.
Khi các thử nghiệm lâm sàng cho thấy một phương pháp điều trị mới tốt hơn điều trị tiêu chuẩn, phương pháp điều trị mới có thể trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Bệnh nhân có thể tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng. Một số thử nghiệm lâm sàng chỉ sử dụng cho những bệnh nhân chưa bắt đầu điều trị.
Các loại điều trị tiêu chuẩn được sử dụng:
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được sử dụng nếu ung thư được tìm thấy trong một phổi và chỉ trong các hạch bạch huyết gần đó. Bởi vì loại ung thư phổi này thường được tìm thấy ở cả hai phổi, phẫu thuật đơn thuần không thường được sử dụng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cũng sẽ loại bỏ các hạch bạch huyết để xem hạch có bị ung thư hay không. Đôi khi, phẫu thuật có thể được sử dụng để sinh thiết một mẫu mô phổi để tìm ra loại ung thư phổi.
Sau khi bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ u phổi, một số bệnh nhân có thể được hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Điều trị được sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát được gọi là liệu pháp bổ trợ.
Hóa trị
Hóa trị là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng hóa chất để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, bằng cách tiêu diệt các tế bào hoặc bằng cách ngăn chặn chúng phân chia. Khi hóa trị được thực hiện bằng tiêm vào tĩnh mạch hoặc cơ, thuốc sẽ xâm nhập vào máu và có thể đến các tế bào ung thư trên toàn cơ thể (hóa trị liệu toàn thân). Khi hóa trị được dùng trực tiếp vào dịch não tủy, một cơ quan hoặc khoang cơ thể như bụng, các loại thuốc chủ yếu ảnh hưởng đến các tế bào ung thư ở những khu vực đó (hóa trị liệu khu vực). Cách thức hóa trị được đưa ra tùy thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh ung thư đang được điều trị.
Mặc dù hóa trị đã có hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng nó có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bao gồm:
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Ói mửa
- Rụng tóc nhiều
- Chán ăn
- Khô miệng
- Lở miệng
- Đau do tổn thương thần kinh
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại phóng xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển. Có hai loại xạ trị:
- Xạ trị bên ngoài sử dụng một máy bên ngoài cơ thể để phóng bức xạ về phía ung thư.
- Xạ trị bên trong là dùng một vật chứa chất phóng xạ sẽ được đặt vào bên trong khối u hoặc bên trong khoang của cơ thể gần với khối u. Ưu điểm của phương pháp này là có thể truyền một liều xạ lớn đến một vùng nhỏ. Nó hữu ích trong những trường hợp cần liều xạ cao hoặc liều xạ cao hơn mức chịu dựng của những mô bình thường nếu được đưa vào từ bên ngoài.
Cách thức xạ trị được sử dụng tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư được điều trị.
Liệu pháp nhắm đích
Liệu pháp nhắm đích là một loại điều trị sử dụng thuốc hoặc các chất khác để tấn công các tế bào ung thư cụ thể. Các liệu pháp nhắm đích thường gây ra ít tác hại cho các tế bào bình thường so với hóa trị hoặc xạ trị. Liệu pháp kháng thể đơn dòng là một loại trị liệu nhắm đích đang được nghiên cứu để điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan rộng và tái phát
- Kháng thể đơn dòng: Kháng thể đơn dòng được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ một loại tế bào của hệ thống miễn dịch. Những kháng thể này có thể xác định các chất trên tế bào ung thư hoặc các chất bình thường có thể giúp các tế bào ung thư phát triển. Các kháng thể gắn vào các chất và tiêu diệt các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của chúng hoặc giữ cho chúng không lan rộng. Kháng thể đơn dòng sử dụng theo đường tiêm truyền. Chúng có thể được sử dụng một mình hoặc để mang thuốc, chất độc hoặc chất phóng xạ trực tiếp đến các tế bào ung thư.
- Liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch là một loại liệu pháp kháng thể đơn dòng. PD-1 là một protein trên bề mặt tế bào T giúp kiểm soát các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Khi PD-1 gắn vào một protein khác gọi là PDL-1 trên tế bào ung thư, nó ngăn không cho tế bào T tiêu diệt tế bào ung thư. Các chất ức chế PD-1 gắn vào PDL-1 và cho phép các tế bào T tiêu diệt tế bào ung thư. Nivolumab, ipilimumab, và pembrolizumab là những loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch đang được nghiên cứu để điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn rộng và tái phát.
Liệu pháp laser
Liệu pháp laser là phương pháp điều trị ung thư sử dụng chùm tia laser (một chùm ánh sáng cực mạnh) để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Đặt stent nội soi
Dụng cụ nội soi là một ống mỏng dùng để nhìn vào các mô trong cơ thể. Một ống nội soi có thể được sử dụng để đặt stent trong cấu trúc cơ thể để giữ cho cấu trúc đó mở. Một stent nội soi có thể được sử dụng để mở đường thở bị chặn bởi các mô bất thường.
Thử nghiệm lâm sàng
Đối với một số bệnh nhân, tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể là lựa chọn điều trị tốt nhất. Thử nghiệm lâm sàng là một phần của quá trình nghiên cứu ung thư. Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện để tìm hiểu xem phương pháp điều trị ung thư mới có an toàn và hiệu quả hay tốt hơn so với điều trị chuẩn.
Nhiều phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn ngày nay dựa trên các thử nghiệm lâm sàng trước đó. Bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể được điều trị theo tiêu chuẩn hoặc là một trong những người đầu tiên được điều trị theo phương pháp mới.
Bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng cũng giúp cải thiện cách điều trị ung thư trong tương lai. Ngay cả khi các thử nghiệm lâm sàng không dẫn đến các phương pháp điều trị mới hiệu quả, vẫn có những thông tin quan trọng sẽ thu nhận được và giúp tiến hành nghiên cứu trong tương lai
Bệnh nhân có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng trước, trong hoặc sau khi bắt đầu điều trị ung thư. Một số thử nghiệm lâm sàng chỉ áp dụng cho những bệnh nhân chưa được điều trị. Các thử nghiệm khác điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư không đỡ hơn. Cũng có những thử nghiệm lâm sàng thử nghiệm những cách mới để ngăn chặn ung thư tái phát hoặc giảm tác dụng phụ của điều trị ung thư. Tham gia vào thử nghiệm lâm sàng có thể cho cơ hội để thử các phương pháp điều trị mới nhất, nhưng nó không thể đảm bảo chữa bệnh. Thảo luận về các thử nghiệm lâm sàng có sẵn với bác sĩ và cẩn thận cân nhắc những lợi ích và rủi ro.
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ theo giai đoạn
Một số xét nghiệm đã được thực hiện để chẩn đoán ung thư hoặc tìm ra giai đoạn ung thư có thể được lặp lại. Một số xét nghiệm sẽ được lặp lại để xem điều trị có hiệu quả như thế nào. Quyết định về việc có nên tiếp tục, thay đổi hoặc ngừng điều trị dựa trên kết quả của các xét nghiệm này.
Một số xét nghiệm sẽ tiếp tục được thực hiện sau khi điều trị kết thúc. Kết quả của các xét nghiệm này có thể cho thấy nếu tình trạng của bệnh nhân đã thay đổi hoặc ung thư đã tái phát. Những xét nghiệm này đôi khi được gọi là xét nghiệm theo dõi hoặc kiểm tra.
Giai đoạn giới hạn
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn giới hạn có thể bao gồm:
- Kết hợp hóa trị và xạ trị.
- Hóa trị cho những bệnh nhân không thể xạ trị.
- Phẫu thuật sau đó là hóa trị
- Phẫu thuật sau đó là hóa trị và xạ trị.
- Liệu pháp xạ trị lên não có thể dùng với những bệnh nhân có đáp ứng hoàn toàn, để ngăn ngừa sự lây lan của ung thư lên não.
- Thử nghiệm lâm sàng hóa trị mới, phẫu thuật và xạ trị.
Giai đoạn lan rộng
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan rộng có thể bao gồm:
- Hóa trị kết hợp
- Xạ trị lên não, cột sống, xương hoặc các bộ phận khác của cơ thể nơi ung thư đã lan rộng, là liệu pháp giảm nhẹ để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống
- Liệu pháp xạ trị lên ngực có thể sử dụng những bệnh nhân đáp ứng với hóa trị
- Liệu pháp xạ trị lên não có thể được sử dụng cho những bệnh nhân đã có đáp ứng hoàn toàn để ngăn ngừa sự lây lan của ung thư lên não.
- Thử nghiệm lâm sàng các phương pháp điều trị mới bằng hóa trị hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu với các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch.
Ung thư phổi tế bào nhỏ tái phát
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ tái phát có thể bao gồm:
- Hóa trị
- Điều trị nhắm mục tiêu với các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch
- Xạ trị như một liệu pháp giảm nhẹ để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống
- Liệu pháp laser, đặt stent để giữ cho đường thở mở và / hoặc xạ trị bên trong như liệu pháp giảm nhẹ để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Thử nghiệm lâm sàng phương pháp điều trị hóa trị mới.
Tiên lượng cho ung thư phổi tế bào nhỏ
Tiên lượng sống cho bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ rất khác nhau. Tỷ lệ sống 5 năm trung bình là 31% cho giai đoạn 1, 19% cho giai đoạn 2, 8% cho giai đoạn 3, và 2% cho giai đoạn 4.
Các yếu tố có liên quan đến cải thiện tỷ lệ sống như giới tính (nữ giới mắc bệnh có tiên lượng sống tốt hơn), tình trạng sức khỏe tại thời điểm chẩn đoán. Tiếp tục hút thuốc sau chẩn đoán có thể làm giảm tiên lượng sống.
Sàng lọc ung thư phổi tế bào nhỏ
Sàng lọc là phát hiện ung thư trước có bất kỳ triệu chứng nào. Điều này có thể giúp tìm ra ung thư ở giai đoạn đầu. Khi mô bất thường hoặc ung thư được phát hiện sớm có thể dễ điều trị hơn. Vào thời điểm các triệu chứng xuất hiện, ung thư có thể đã bắt đầu lan rộng.
Các nhà khoa học đang cố gắng để hiểu rõ hơn những người có khả năng mắc một số loại ung thư nhất định. Họ cũng nghiên cứu những điều chúng ta làm và những thứ xung quanh chúng ta để xem chúng có gây ung thư hay không. Thông tin này giúp các bác sĩ khuyên ai nên sàng lọc ung thư, nên sử dụng xét nghiệm sàng lọc nào và tần suất các xét nghiệm nên được thực hiện.
Điều quan trọng cần nhớ là bác sĩ không nhất thiết nghĩ rằng bạn bị ung thư nếu bác sĩ đề nghị kiểm tra sàng lọc. Xét nghiệm sàng lọc được đưa ra khi bạn không có triệu chứng ung thư.
Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc là bất thường, bạn có thể cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm để tìm hiểu xem mình có bị ung thư hay không. Chúng được gọi là xét nghiệm chẩn đoán.
Các triệu chứng bệnh ung thư phổi giai đoạn sớm thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý đường hô hấp và có một thực tế đáng buồn là có tới 70% người phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn và di căn (III, IV).
Tầm soát ung thư phổi được các bác sĩ khuyến khích nhằm mục đích phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm, tăng cơ hội điều trị và cơ hội sống cho người bệnh.
Các bước sàng lọc ung thư phổi
- Khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa ung bướu: Khám lâm sàng là bước không thể thiếu trong tầm soát bệnh ung thư. Khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ nắm được tình trạng sức khỏe hiện tại của người khám, tìm hiểu bệnh cá nhân, gia đình, một số triệu chứng bệnh nghi ngờ…
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư có những giá trị nhất định trong sàng lọc ung thư sớm. Xét nghiệm máu tuy không thể khẳng định chính xác bạn có mắc ung thư phổi hay không nhưng đây là xét nghiệm mang tính chất gợi ý, làm cơ sở để bác sĩ thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu khác.
- Chụp X-quang: Hình ảnh thu được qua phim chụp X-quang giúp bác sĩ xác định vị trí, kích thước của khối u
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực CT scan có thể phát hiện những bất thường sớm ở phổi như khối u với kích thước rất nhỏ mà chụp X quang phổi đôi khi không phát hiện được do bị che lấp.
Sàng lọc ung thư phổi được khuyến khích cho tất cả mọi người, đặc biệt là người trên 40 tuổi và có nguy cơ mắc ung thư phổi cao như đã nêu ở phần trên. Những người có các yếu tố nguy mắc mắc ung thư phổi nêu trên cần chủ động tầm soát ung thư phổi định kỳ. Bệnh ung thư phổi nếu được phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn sớm, cơ hội chữa khỏi sẽ cao hơn việc phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn
Phòng ngừa ung thư phổi
Phòng ngừa ung thư là hành động được thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Bằng cách ngăn ngừa ung thư, số trường hợp ung thư mới được giảm xuống. Hy vọng, điều này sẽ làm giảm số người chết do ung thư.
Để ngăn ngừa ung thư mới bắt đầu, các nhà khoa học xem xét các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ. Bất cứ điều gì làm tăng cơ hội phát triển ung thư của bạn được gọi là yếu tố nguy cơ ung thư; bất cứ điều gì làm giảm cơ hội phát triển ung thư của bạn được gọi là yếu tố bảo vệ ung thư.
Một số yếu tố nguy cơ ung thư có thể tránh được, nhưng nhiều yếu tố không thể. Ví dụ, cả hút thuốc và di truyền gen là các yếu tố nguy cơ đối với một số loại ung thư, nhưng bạn chỉ có thể tránh hút thuốc. Tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh có thể là yếu tố bảo vệ cho một số loại ung thư. Tránh các yếu tố nguy cơ và tăng các yếu tố bảo vệ có thể làm giảm nguy cơ của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư.
Các biện pháp phòng tránh ung thư phổi là:
- Không hút thuốc: Cách tốt nhất để ngăn ngừa ung thư phổi là không hút thuốc.
- Bỏ hút thuốc: Những người hút thuốc có thể giảm nguy cơ ung thư phổi bằng cách bỏ thuốc lá. Ở những người hút thuốc đã được điều trị ung thư phổi, bỏ hút thuốc làm giảm nguy cơ ung thư phổi mới. Ở một người đã bỏ hút thuốc, cơ hội ngăn ngừa ung thư phổi phụ thuộc vào số năm và số người hút thuốc và thời gian kể từ khi bỏ thuốc. Sau khi bỏ thuốc lá 10 năm, nguy cơ ung thư phổi giảm 30% đến 50%.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất nơi ở và nơi làm việc: Sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động khỏi tiếp xúc với các chất gây ung thư, chẳng hạn như amiăng, asen, niken và crom, có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi.
- Tránh xa không khí ô nhiễm: Không khí ô nhiễm, nước thải sinh hoạt, khói xe cộ… đều chứa các chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Vì vậy, bạn nên chú ý khử trùng nơi ở, sử dụng các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp như đeo khẩu trang khi tham gia giao thông.
- Giảm mức radon trong nhà ở: Giảm mức radon có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt là ở những người hút thuốc lá. Có thể giảm mức radon cao trong nhà bằng cách mở cửa thường xuyên, bật quạt, thông gió…
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Một số nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều trái cây hoặc rau quả có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp hơn so với những người ăn hoa quả ít. Tuy nhiên, vì những người hút thuốc có xu hướng có chế độ ăn ít lành mạnh hơn những người không hút thuốc, thật khó để biết liệu nguy cơ giảm là do có chế độ ăn uống lành mạnh hay không hút thuốc.
- Hoạt động thể chất: Một số nghiên cứu cho thấy những người hoạt động thể chất có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp hơn những người không mắc bệnh.
- Tầm soát ung thư phổi định kỳ, đặc biệt là người hút thuốc lá lâu năm, người trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi…