Chất dinh dưỡng

Lutein là gì? Tác dụng của Lutein với sức khỏe ra sao? Bổ sung thế nào?

Lutein được mệnh danh là “vitamin mắt”, là một loại chất chống oxy hóa carotenoid được biết đến nhiều nhất để bảo vệ sức khỏe mắt. Hãy tự hỏi mình câu hỏi: Có bao nhiêu màu trong thực phẩm yêu thích của bạn? Câu trả lời sẽ cho bạn biết bạn nhận được bao nhiêu lutein. Cũng giống như nhiều loại chất chống oxy hóa khác, lutein được tìm thấy trong các loại thực phẩm có màu sắc tươi sáng như trái cây và rau quả – đặc biệt là rau xanh và các loại quả có màu cam đậm hoặc màu vàng.

Cùng với một chất chống oxy hóa có vai trò với thị lực gọi là zeaxanthin, lutein có nhiều trong các loại thực phẩm chống viêm, chống ung thư bao gồm cải xoăn, bông cải xanh và nhiều loại rau xanh khác, lòng đỏ trứng, trái cây họ cam quýt – tất cả đều giúp bảo vệ mắt khỏi mất cân bằng oxy hóa.

Cơ thể con người không thể tổng hợp lutein hoặc zeaxanthin một mình, có nghĩa là để có được những chất dinh dưỡng quan trọng này, chúng ta cần thu nhận từ chế độ ăn uống (hoặc trong một số trường hợp cần dùng chất bổ sung). Bạn đã biết ăn nhiều trái cây và rau quả rất tốt cho sức khỏe và đây chỉ là một ví dụ nho nhỏ minh họa điều này.

Vậy lutein là gì? Tác dụng của Lutein đối với sức khỏe? Sử dụng thực phẩm nào là tốt nhất? Có lưu ý gì khi sử dụng không?

Nếu là người quan tâm tới sức khỏe, muốn giữ gìn bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” thì còn chần chừ gì nữa mà không đọc tiếp bài viết này thôi nào!

Lutein là gì?

lutein

Theo tiếng Latin luteus có nghĩa là “vàng”. Lutein là hợp chất Carotenoid tồn tại nhiều nhất trong não và điểm vàng của mắt. Ở cơ thể con người carotenoid đóng vai trò là chất chống oxy hóa cũng như là thành phấn thiết yếu cấu tạo nên cơ thể. Cơ thể con người không có khả năng tự tổng hợp được lutein mà cần bổ sung nó thông qua các loại rau xanh và hoa quả có màu đậm hoặc qua các chất bổ sung khác.

Lutein được tìm thấy nhiều trong chiết xuất Marigold flower (Chiết xuất cúc hoa) là một loại thảo dược phổ biến. Nguồn gốc ban đầu ở Mexico, hiện tại được trồng ở nhiều nơi như tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Nội Mông, Thiểm Tây, Vân Nam của Trung Quốc với quy mô lớn.

Lutein hoạt động như một chất chống oxy hoá, bảo vệ tế bào chống lại các tác hại của các gốc tự do. Lutein còn được gọi là progesterone thực vật, là chất tạo màu tự nhiên có trong chuối, kiwi, cải bắp và hoa oải hương. Lutein có cấu trúc hóa học rất phức tạp và không thể tổng hợp được. Lutein chỉ có thể được chiết xuất từ ​​thực vật. Lutein sau khi chiết xuất có ứng dụng rất quan trọng trong lĩnh vực thực phẩm và sức khoẻ.

Lutein hoạt động như thế nào?

Khi chúng ta ăn thức ăn có lutein hoặc dùng lutein ở dạng bổ sung, nó dễ dàng di chuyển khắp cơ thể, đặc biệt là tới các phần của mắt gọi là điểm vàng và thủy tinh thể. Trong thực tế, có hơn 600 loại carotenoids khác nhau được tìm thấy trong tự nhiên, nhưng chỉ có khoảng 20 loại được đưa vào mắt. Trong số 20 loại đó, lutein và zeaxanthin là hai loại duy nhất được lắng đọng với số lượng cao vào điểm vàng của mắt.

(Điểm vàng là một bộ phận nằm tại vùng trung tâm võng mạc ở phần sau nhãn cầu, là nơi tập trung nhiều tế bào thần kinh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu nhận hình ảnh, đảm nhận tới 90% thị lực. Điểm vàng giúp nhận biết màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh)

Khả năng chống oxy hóa của lutein giúp chống lại các tổn thương do gốc tự do gây ra bởi ánh sáng xanh hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chế độ ăn kém và các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mất thị lực liên quan đến tuổi tác như thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể. Trong quá trình này, các chất chống oxy hóa như lutein bảo vệ các tế bào khỏe mạnh trong khi ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ác tính.

Trong mắt, một trong những chức năng quan trọng nhất của thủy tinh thể là thu thập và tập trung ánh sáng vào võng mạc, bạn có thể hiểu nó giống như thấu kính của mắt vậy. Đó là lý do tại sao thủy tinh thể cần phải “sạch” và không bị đục. Lý do chính khiến thủy tinh thể trở nên đục và hư hại là do quá trình oxy hóa, đó là lý do tại sao chúng ta cần chất chống oxy hóa để giúp trung hòa các gốc tự do.

Ngay cả ở những người đã bị tổn thương mắt, bổ sung nhiều lutein trong chế độ ăn uống của họ có thể giúp ngăn chặn tình trạng tổn thương tiến triển và ảnh hưởng tầm nhìn. Lutein không chỉ mang lại lợi ích cho người lớn tuổi, nó thực sự là biện pháp phòng ngừa là để bảo vệ thị giác. Cả người lớn tuổi và người trẻ tuổi nên tiêu thụ nhiều lutein để giảm nguy cơ tổn thương oxy hóa có thể dẫn đến các rối loạn mắt.

Mặc dù lutein và các carotenoid khác cực kỳ quan trọng đối với thị giác và mắt của bạn, nhưng lợi ích của chúng không dừng ở đó. Ngoài việc bảo vệ mắt, lutein còn được sử dụng để giúp ngăn ngừa rối loạn ở da, một số loại ung thư bao gồm ung thư đại tràng hoặc ung thư vú, tiểu đường typ 2 và các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh mạch vành.

6 tác dụng của Lutein với sức khỏe

1. Bảo vệ chống lại rối loạn mắt như thoái hóa điểm vàng

Bệnh thoái hóa điểm vàng (THĐV) hay còn gọi là bệnh thoái hóa hoàng điểm, là sự thoái hóa của tế bào điểm vàng khiến cho mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở vùng trung tâm thị giác dẫn đến giảm thị lực trung tâm làm cho hình ảnh được nhìn thấy bị mờ, phần chính giữa hình ảnh bị méo mó, biến dạng.

Lutein được coi là một phương pháp điều trị cho bệnh thoái hóa điểm vàng (AMD), được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù ở người lớn tuổi. Ước tính cho thấy hơn 25 triệu người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi thoái hóa điểm vàng hoặc đục thủy tinh thể do tuổi tác, đặc biệt là những người từ 55 tuổi trở lên sống ở các quốc gia công nghiệp phương Tây. Đáng buồn thay, tỷ lệ mắc AMD dự kiến ​​sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2025 (theo American Optometric Association)

Ở Việt Nam, bệnh thoái hóa điểm vàng đang có xu hướng trẻ hóa bởi thói quen và thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, tivi, laptop, máy tính bảng… Ánh sáng xanh từ các thiết bị này sẽ gây ra tổn thương cho mắt, nhất là thói quen dùng các thiết bị điện tử ban đêm thiếu ánh sáng.

Lutein bảo vệ mắt bằng cách lọc ra tỷ lệ tia UV có bước sóng ngắn gây ảnh hưởng tiêu cực đến các bộ phận nhạy cảm của mắt như võng mạc (điểm vàng). Lutein giúp lọc đi 90% các bước sóng màu xanh (loại ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính, bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng, đèn huỳnh quang… ) có năng lượng cao do các ánh sáng hữu hình và các quang phổ gây ra. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã phát hiện rằng việc bổ sung 6 milligram lutein hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng trung bình là 43%.

Một nghiên cứu khác cho thấy bổ sung dinh dưỡng có chứa lutein và zeaxanthin có hiệu quả làm tăng mật độ quang học của các sắc tố võng mạc trong mắt – yếu tố giúp bảo vệ võng mạc mắt, chống lại sự phát triển của thoái hóa điểm vàng.

Tương tự, các nghiên cứu khác cho thấy lượng lớn lutein và zeaxanthin trong khẩu phần ăn cùng với vitamin E có liên quan tới giảm đáng kể nguy cơ hình thành đục thủy tinh thể. Mặc dù nghiên cứu vẫn còn trong giai đoạn đầu tuy nhiên kết quả cho thấy dùng lutein ba lần mỗi tuần trong tối đa hai năm đã được chứng minh giúp cải thiện thị lực ở những người lớn tuổi đã bị đục thủy tinh thể. Các lợi ích khác của lutein với sức khỏe của mắt bao gồm giúp giảm mỏi mắt, lóa và nhạy cảm ánh sáng, giúp giữ thấu kính và võng mạc ở mật độ thích hợp, tăng cường mô mắt và giúp tăng cường thị lực.

Khi nói đến sức khỏe của mắt, mỗi người có nhu cầu về lutein khác nhau. Có thể đối với một số người, thậm chí với lượng thức ăn có chất chống oxy hóa tương đối cao, nồng độ lutein trong máu có thể cao nhưng trong kiểm tra các mô trong mắt sẽ cho thấy nồng độ lutein trong võng mạc vẫn còn thấp.

May mắn thay, các bác sĩ hiện nay có khả năng đo lường mức độ sắc tố của lutein trong mắt của một người nào đó để xác định xem mức độ đó có đủ hay không. Bằng cách thực hiện thử nghiệm macular pigment optical density test (MPOD), các bác sĩ có thể đưa ra khuyến cáo chế độ ăn uống chuyên biệt hơn cho lutein và các chất dinh dưỡng bảo vệ khác dựa trên phản ứng cá nhân, khuynh hướng di truyền và các yếu tố lối sống.

2. Giúp bảo vệ sức khỏe làn da

Ngoài vai trò quan trọng đối với mắt, carotenoids bao gồm lutein và zeaxanthin cũng mang lại lợi ích đối với làn da. Để bảo vệ sức khỏe da và chống lại ung thư da, lutein giúp lọc các bước sóng năng lượng cao của ánh sáng mặt trời, làm chậm tốc độ quá trình oxy hóa. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy bằng chứng rằng lutein bảo vệ chống lại tổn thương da do ánh sáng gây ra , chẳng hạn như dấu hiệu lão hóa và ung thư da.

3. Giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường

Theo một số nghiên cứu trên động vật, mức độ cao của lutein và các carotenoids khác trong máu có liên quan đến kiểm soát lượng đường trong máu và có nguy cơ thấp hơn đối với bệnh tiểu đường hoặc các biến chứng liên quan. Một nghiên cứu năm 2000 được tiến hành trên chuột bị bệnh tiểu đường cho thấy bổ sung lutein và DHA (một loại axit béo omega-3 quan trọng) đã giúp các thay đổi sinh hóa do tiểu đường gây ra trở lại mức bình thường.

So với chuột không dùng lutein và DHA, chuột bị tiểu đường dùng các chất bổ sung có tỷ lệ mất cân bằng oxy hóa thấp hơn và có tổn thương võng mạc của mắt ít hơn mặc dù đang ở trong tình trạng tăng đường huyết.

4. Có thể giúp giảm nguy cơ ung thư

Một số bằng chứng cho thấy rằng những người tiêu thụ nhiều lutein từ chế độ ăn uống của họ có tỷ lệ ung thư vú, đại tràng, cổ tử cung và phổi thấp hơn. Mặc dù chúng ta chưa biết chính xác cách lutein tác động tới ung thư nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra tương quan những người trưởng thành có mức lutein trong máu cao hơn sẽ giảm nguy cơ phát triển một số dạng ung thư phổ biến.

Lutein có thể hoạt động như một phương pháp điều trị ung thư tự nhiên vì thực phẩm giàu lutein (như rau xanh và trái cây họ cam quýt) cũng cung cấp các chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng có lợi khác làm giảm viêm gây bệnh và mất cân bằng oxy hóa. Tuy nhiên, tại thời điểm này, cần thêm nghiên cứu để giúp chúng ta hiểu rõ tác dụng của lutein và các carotenoids khác về ung thư, miễn dịch, hormone và sức khỏe tim mạch.

5. Có thể giúp duy trì sức khỏe tim mạch

Một số nghiên cứu quan sát cho thấy rằng carotenoids xanthophyll bao gồm lutein có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tim và đột quỵ. Cũng giống như các nghiên cứu đã đề cập trước đây cho thấy tác dụng tiềm năng bảo vệ trước ung thư của lutein, các nhà nghiên cứu không chắc chắn chính xác làm thế nào lutein cải thiện sức khỏe tim mạch. Bởi vì lutein có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, có vẻ như nó có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách giảm viêm – là một nguyên nhân cơ bản của bệnh tim mạch.

Các nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Nam California cho thấy mức độ thấp của lutein trong máu có thể đóng góp vào sự dày lên của thành động mạch. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển xơ cứng động mạch và tắc nghẽn động mạch vành có thể dẫn đến các cơn đau tim. Các nghiên cứu quan sát của USC cho thấy những người có mức lutein cao nhất trong máu sẽ bị ít tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch, điều ngược lại cũng đúng: dùng ít thực phẩm thực vật giàu lutein hơn, các động mạch bị nghẽn càng nhiều.

Một yếu tố thuyết phục khác là sau khi các nhà nghiên cứu thử nghiệm tác dụng của lutein trên động mạch ở người, có ít tế bào bạch cầu có trong động mạch sau khi bổ sung lutein so với nhóm chứng, có nghĩa là sẽ ít viêm và tắc nghẽn hơn.

6. Vai trò đối với trẻ nhỏ

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra DHA khi kết hợp cùng lutein và vitamin E tự nhiên sẽ hoạt động hiệu quả hơn và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ. Kết quả này được đưa ra bởi nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng, Học hỏi và Trí nhớ (Mỹ) thực hiện.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra lutein, vitamin E tự nhiên và DHA được tìm thấy ở những vùng não bộ quan trọng liên quan đến khả năng học hỏi. Sự kết hợp của 3 dưỡng chất này tạo ra 81% kết nối thần kinh trong các tế bào não so với một mình DHA. Những kết nối này sẽ tạo nên các chức năng não bộ và khả năng học hỏi của trẻ, đặt nền móng cho trí tuệ bé trong tương lai.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lutein và vitamin E tự nhiên giúp bảo vệ màng tế bào và axit béo omega-3 như DHA khỏi bị oxy hóa. DHA dễ bị ảnh hưởng bởi các gốc tự do và lutein cùng vitamin E tự nhiên đóng vai trò bảo vệ DHA khỏi sự oxy hóa đó.

Vì não trẻ phát triển nhanh nhất trong những năm đầu đời, nên việc cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ là rất quan trọng. Cần lưu ý lutein là một dưỡng chất mà cơ thể người không tự tổng hợp được mà cần phải bổ sung từ thực phẩm hằng ngày. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể nhận lutein qua sữa mẹ hoặc thức ăn dặm khi lớn lên. Cơ thể không tự tổng hợp được lutein, vitamin E tự nhiên và DHA mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm. Ba dưỡng chất này đều có trong sữa mẹ, nhưng nồng độ các chất ở trong sữa mẹ khác nhau và phụ thuộc vào khẩu phần ăn của người mẹ.

Cần lưu ý khẩu phần ăn của người mẹ cho con bú và lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ có đầy đủ bộ ba dưỡng chất thiết yếu này, để giúp trẻ hấp thu DHA tốt hơn và phát triển trí não tối ưu.

Cách bổ sung Lutein hiệu quả, an toàn

Nhu cầu lutein hàng ngày

  • Tuy chưa có khuyến cáo chính xác về liều lượng lutein bạn cần nạp vào cơ thể mỗi ngày, nhưng các nhà khoa học và dinh dưỡng học đều cho rằng 1 người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 10 mg lutein/ngày hoặc nhiều hơn tuỳ vào nhu cầu và chỉ định của bác sỹ. Số lượng này có thể thu được khá dễ dàng bằng cách ăn một chế độ ăn lành mạnh (một cốc cải xoăn có hơn 22 mg!)
  • Để ngăn chặn tổn thương do oxy hóa và giảm các triệu chứng rối loạn thị giác hoặc bệnh da liễu, nên tiêu thụ 6 – 30mg/ngày đối với người trưởng thành. Những người không ăn nhiều rau củ quả, người lớn tuổi, nghiện thuốc lá và phụ nữ sau mãn kinh nên tham khảo thêm các sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung lutein dưới dạng viên nang mềm liều cao
  • Liều thông thường dùng để giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng: uống 6 mg/ngày hoặc bổ sung các thực phẩm giàu lutein qua chế độ ăn.
  • Liều thông thường dùng để giảm triệu chứng của thoái hóa điểm vàng: uống 10 mg/ngày cùng với chế độ ăn giàu lutein.
  • Với trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ trong giai đoạn từ 0-3 tuổi, cách bổ sung lý tưởng nhất vẫn là thông qua nguồn sữa. Hàm lượng lutein trong sữa mẹ tương đương 200 mcg/lít trong khi hàm lượng lutein mà cơ thể trẻ cần là 2 mg/1kg cân nặng. Do vậy, việc bổ sung lutein thông qua nguồn thực phẩm bổ sung như sữa công thức hay thức ăn dặm cho trẻ có chứa hàm lượng lutein đúng và đủ cũng sẽ là một giải pháp tối ưu mà mẹ có thể lựa chọn.

Có 2 cách để bạn có thể bổ sung lutein hàng ngày:

  1. Bổ sung bằng thực phẩm giàu lutein
  2. Bổ sung bằng thực phẩm chức năng

Bổ sung lutein trong khi ăn là tốt nhất vì lutein tan trong chất béo và được hấp thụ tốt hơn khi ăn kèm với thực phẩm giàu omega 3 (cá da trơn, hạt lanh, hạt chia, bí, đậu phụ…).

Nguồn thực phầm giàu lutein

Theo American Macular Degeneration Association, các loại thực phẩm sau đây là nguồn tự nhiên tốt nhất của lutein (chưa kể chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất có giá trị khác) :

  1. Cải xoăn: 1 chén chưa nấu: 22 miligam
  2. Củ cải xanh: 1/2 chén nấu chín: 9 miligam
  3. Cải rổ (collard greens): 1/2 chén nấu chín: 8,7 miligam
  4. Rau chân vịt: 1 chén chưa nấu: 6.7 miligam
  5. Bông cải xanh: 1 chén nấu chín: 3,3 miligam
  6. Cải Brussels: 1 chén nấu chín: 2 miligam
  7. Ngô: 1 chén nấu chín: 1,4 miligam
  8. Đậu xanh: 1 chén: 0,8 milligram
  9. Trứng: 2 quả: 0,3 miligram
  10. Cam: 1 quả: 0,2 miligam
  11. Đu Đủ: 1 quả: 0,2 miligam

Khi bé có thể ăn dặm, các bà mẹ nên chú ý bổ sung rau củ quả có chứa lutein trong khẩu phần ăn, như rau có màu xanh đậm (bó xôi, cải, xúp lơ xanh…), các loại củ quả như bắp ngô, ớt chuông đỏ, cà rốt, quả bơ, quả kiwi, hay lòng đỏ trứng gà… Bên cạnh đó các thực phẩm thay thế như sữa công thức có chứa lutein hay thực phẩm ăn dặm, ăn kèm có bổ sung lutein cũng là biện pháp tối ưu cho trẻ nhỏ.

Bạn muốn tăng lượng lutein hàng ngày? Hãy bắt đầu bằng cách ăn nhiều trái cây, rau và trái cây có màu sắc rực rỡ, giàu lutein. Bạn có thể tham khảo vài công thức nấu ăn sau:

  • Sinh tố cam cà rốt gừng và dưa chuột
  • Sinh tố đu đủ
  • Canh tôm với rau chân vịt
  • Cháo lươn nấu cùng rau chân vịt
  • Cải Brussels nấu canh sườn non
  • Cải Brussels trộn thịt nguội nướng
  • Canh xương nấu với cà rốt, khoai tây

Cũng giống như việc ăn các loại thực phẩm chứa lutein tự nhiên – hãy thử ghép những thứ như bí, cà rốt hoặc trứng với các loại chất béo lành mạnh bao gồm các loại hạt, dừa, dầu ô liu hoặc bơ để tăng hiệu quả của chúng.

Bạn nên uống bổ sung lutein cùng với các bữa ăn vì lutein hoạt động như một chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo và được hấp thụ tốt hơn khi ăn với các loại thực phẩm omega-3

Khả năng hấp thu lutein

Như với các chất chống oxy hóa khác, mọi người có khả năng hấp thu lutein khác nhau. Một số có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng lutein và chất chống oxy hóa khác từ thực phẩm và vận chuyển chúng đến các mô trong mắt hoặc các cơ quan khác. Điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển những thiếu sót và rối loạn về mắt khi họ già đi.

Đối với những người có khuynh hướng di truyền đối với các rối loạn về mắt hoặc ung thư, việc dùng thêm lutein là cần thiết. Một nhóm người thường cần thêm lutein là những người bị xơ nang. Dường như những người bị rối loạn này có thể không hấp thụ tốt một số carotenoids từ thức ăn và thường có nồng độ lutein trong máu thấp.

Tác dụng phụ và tương tác của lutein

Theo các nghiên cứu lutein không độc hại và an toàn cho tiêu thụ ở liều tương đối cao. Các chất bổ sung lutein sử dụng cho người lớn một cách an toàn với liều tối đa 15 mg/ngày trong hai năm mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, quá liều lutein có thể làm da hơi vàng. Nghiên cứu cho thấy liều lutein 20 mg mỗi ngày vẫn khá an toàn. Không có tác dụng phụ đặc biệt nào được biết đến đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, tuy nhiên bạn nên nói chuyện với bác sĩ khi mang thai trước khi bắt đầu dùng liều bổ sung.

Trước khi dùng thuốc lutein, bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với thuốc hoặc bất kì loại tá dược trong chế phẩm mà bạn sử dụng. Những thành phần này được trình bày chi tiết trong tờ thông tin thuốc. Thận trọng khi dùng lutein cho người lớn tuổi.

Thức ăn hoặc rượu có thể tương tác với lutein, làm thay đổi cơ chế hoạt động của thuốc hoặc tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc. Rượu bia làm tăng nguy cơ buồn ngủ khi dùng chung với lutein.

Đôi điều về lutein mà bạn nên nhớ:

  • Lutein là hợp chất Carotenoid tồn tại nhiều nhất trong não và điểm vàng của mắt. Ở cơ thể con người carotenoid đóng vai trò là chất chống oxy hóa cũng như là thành phấn thiết yếu cấu tạo nên cơ thể.
  • Lutein có lợi ích: Bảo vệ chống lại rối loạn mắt như thoái hóa điểm vàng, duy trì sức khỏe tim mạch, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, giảm nguy cơ mắc tiểu đường, bảo vệ sức khỏe làn da và vai trò hỗ trợ não bộ trẻ nhỏ.
  • 1 người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 10mg lutein/ngày hoặc nhiều hơn tuỳ vào nhu cầu và chỉ định của bác sỹ
  • Lutein có nhiều nhất trong cải xoăn, cải Brussels, rau chân vịt, củ cải xanh,cải rổ, ngô, cam, cà rốt, đu đủ, đậu xanh, trứng…Cơ thể không tự sản xuất lutein nên bạn cần cung cấp nó thông qua thực phẩm hàng ngày.
  • Mỗi người có khả năng hấp thu lutein khác nhau. Một số có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng lutein và chất chống oxy hóa khác từ thực phẩm và vận chuyển chúng đến các mô trong mắt hoặc các cơ quan khác. Điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển những thiếu sót và rối loạn về mắt khi họ già đi.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp vài thông tin hữu ích cho bạn. Chúc các bạn luôn có đôi mắt sáng khỏe!

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment