Chất dinh dưỡng

Methionie là gì? Tác dụng của methionie với sức khỏe ra sao?

Bạn đã nghe về methionine đôi lần? Bạn đã nghe nói rằng nó có tác dụng bổ gan?

Nó được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà vi trùng học người Mỹ John Howard Mueller vào năm 1921. L-methionine hoặc methionine, là một axit amin thiết yếu trong cơ thể được sử dụng để tạo ra protein và peptide. Nó được tìm thấy trong thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, cũng như các loại hạt và ngũ cốc. Hàng ngày bạn đều cung cấp cho cơ thể methionine mà bạn có thể không hề biết.

Methionine có vai trò quan trọng liên quan đến sự phát triển của các mạch máu mới. Cơ thể không thể tự sản xuất methionine, bổ sung L-methionine giúp chữa lành vết thương, hỗ trợ bệnh nhân tâm thần phân liệt, xạ trị, ngộ độc đồng, hen suyễn, dị ứng, nghiện rượu và trầm cảm. Đặc biệt gần đây, nó được sử dụng hỗ trợ gan rất nhiều. Và bạn biết đấy, gan là cơ quan cực kỳ quan trọng trong cơ thể.

Vậy methionine là gì? Tác dụng của nó với sức khỏe ra sao? Thực phẩm nào giàu methionine? Bổ sung như nào cho hiệu quả? Có tác dụng phụ nào khi dùng không?

Trong bài viết dưới đây mình sẽ cung cấp vài thông tin hữu ích về methionine. Chúng ta cùng đi tìm hiểu tiếp nhé!

Methionine là gì?

Methionine

Methionine là một axit amin thiết yếu trong cơ thể. Có khoảng 20 axit amin có vai trò quan trọng với cơ thể. Các axit amin thiết yếu không hẳn là quan trọng hơn so với các axit amin khác mà chúng thiết yếu là do cơ thể không tự tổng hợp được mà phải lấy từ thức ăn. Do đó, bạn cần cung cấp methionine thông qua thực phẩm hàng ngày.

Cơ thể con người sử dụng L-methionine để tạo ra creatine, một loại amino acid khác. Ngoài ra, L-methionine chứa lưu huỳnh, được cơ thể sử dụng để tăng trưởng và chuyển hóa, nó có vai trò tạo ra một hợp chất được gọi là s-adenosylmethionine hoặc “SAMe” có tác dụng hỗ trợ chức năng của hệ miễn dịch, dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin, melatonin và tạo nên màng tế bào.

Nhà vi khuẩn học người Mỹ, nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia ở New York, John Howard Mueller đã phát hiện ra methionine vào năm 1921. Cuốn hồi ký tiểu sử của ông từ Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ có ghi:

“Ông ấy sớm nhận thấy rằng mặc dù ông có thể thủy phân axit của protein động vật bổ sung với tryptophane- thay vì” peptones ” – làm cơ sở cho sự phát triển của Streptococcus hemolyticus, thủy phân không thể thay thế bằng hỗn hợp của các axit amin đã biết. Điều này dẫn đến sự phân đoạn của thủy phân casein và phát hiện ra một amino acid có chứa lưu huỳnh, phân bố phổ biến ở khắp mọi nơi – methionine”

Mueller đã chia sẻ khám phá này trong một bài báo ông viết trong Tạp chí Hóa học Sinh học năm 1923.

Tuy nhiên, dường như công thức này hơi sai lệnh và được đồng nghiệp của ông, Odake, ở Nhật Bản nghiên cứu trong ba năm sau, người đã đặt tên nó là methionine. Sáu năm sau, G. Barger và FP Coyne đưa ra định nghĩa cuối cùng về cấu trúc của methionine.

Sau đó, nước Đức tiếp tục nghiên cứu methionine với hy vọng điều trị phù nề dinh dưỡng, thiếu protein cho nhiều binh sĩ trở về từ chiến tranh. “Sự tổng hợp D, L-methionine tại Degussa được thực hiện bởi Werner Schwarze, Hans Wagner và Hermann Schulz vào năm 1946/47”

Tác dụng của Methionine với sức khỏe

1. Có thể giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng

Theo nghiên cứu Melbourne Colorectal Cancer, được tiến hành ở Melbourne Australia, methionine cùng với vitamin B và các khoáng chất khác, có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu đã quan sát các loại thực phẩm được ăn cũng như vi chất dinh dưỡng, như folate, methionine, vitamin B6, B12 và những chất chống oxy hóa như selen, vitamin E & C và lycopene. Mặc dù các xét nghiệm nghiên cứu nhiều loại vitamin, khoáng chất và axit amin riêng lẻ nhưng nói chung các dữ liệu kết luận rằng một chế độ ăn chứa tất cả các vi chất dinh dưỡng, bao gồm methionine, có thể giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

2. Hỗ trợ bệnh nhân Parkinson

Bệnh Parkinson (hay còn gọi là PD) là một rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân. Bệnh Parkinson thuộc nhóm các bệnh rối loạn vận động. Nó có đặc điểm cứng cơ, run, tư thế và dáng đi bất thường, chuyển động chậm chạp và trong trường hợp bệnh nặng người bệnh có thể mất đi một số chức năng vận động vật lý.

Một nghiên cứu được tiến hành trên 11 bệnh nhân Parkinson không điều trị bệnh. Những người tham gia đã được điều trị bằng methionine trong thời gian từ hai tuần đến sáu tháng và cho thấy có cải thiện về chứng rối loạn vận động, giảm cứng cơ dẫn đến ít run hơn. Điều này cho thấy methionine có thể có lợi trong điều trị triệu chứng Parkinson.

Ngoài ra, Michael J. Fox Foundation nghiên cứu Parkinson chỉ ra rằng các nghiên cứu tiếp theo đang được tiến hành cho thấy một phần của hệ thống enzyme chống oxy hóa, cụ thể là methionine, có vai trò quan trọng trong việc phòng chống lão hóa liên quan đến tổn thương oxy hóa và mất dopamine, cuối cùng cung cấp tiềm năng điều trị cho bệnh Parkinson. (Xem tiếp nghiên cứu tại đây)

3. Nâng cao hiệu suất thể thao

Methionine có thể giúp tăng cường hiệu suất hoạt động thể thao (và thậm chí giảm cân) do tác động của nó lên xương. Để hiểu rõ vai trò của methionine đến sức chịu đựng của cơ thể, các nhà nghiên cứu tại Viện Giáo dục thể chất, Sức khỏe và Giải trí tại Đại học Quốc gia Cheng Kung ở Đài Loan đã cho chuột ăn các chế độ ăn khác nhau, một số có bổ sung thực phẩm methionine và một số khác không có và cho thực hiện các bài tập luyện. Sau 8 tuần, nhóm chuột có dùng L-methionine có trọng lượng cơ thể thấp hơn 9,2 % và có độ bền cao hơn so với nhóm chứng. Methionine có ảnh hưởng đến khối lượng xương và hàm lượng khoáng xương của nhóm chuột ăn methionine so với những con chuột ăn khẩu phần mà không bổ sung methionine.

Kết quả chỉ ra rằng sử dụng methionine kết hợp với bài tập sức chịu đựng làm tăng cường sức mạnh tổng thể của xương. Điều này có thể là lý do tại sao có những công bố rằng nó có thể giúp tăng hiệu suất thể thao. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

4. Hỗ trợ giảm cân, tăng cường cơ bắp

Creatine là một chất có nguồn gốc từ methionine và creatine không chỉ giúp cải thiện hiệu suất thể thao, nó còn có thể kích thích tăng trưởng cơ bắp. Chúng ta có được creatine trong cơ thể hầu hết bằng cách ăn thịt, cá, cũng như các sản phẩm sữa, lòng trắng trứng và các loại hạt. Mặc dù cơ thể con người lưu trữ một lượng lớn creatine để hồi phục và tăng cường sức mạnh cơ bắp, nhưng cũng khá khó để tiêu thụ một lượng thực phẩm đủ để cung cấp đủ lượng creatine cần thiết, nhất là với những người thường vận động nặng. Trong trường hợp bạn không tiêu thụ đủ creatine cho phù hợp với yêu cầu của cơ thể, cơ thể có thể tổng hợp từ các amino acid như arginine, glycine và methionine. Quá trình sản xuất diễn ra trong thận, gan và tuyến tụy.

Vai trò của creatine trong quá trình sản xuất năng lượng là đặc điểm nổi bật nhất nhưng có bằng chứng chỉ ra rằng creatine có thể kích thích sự tăng trưởng cơ bắp. Nó thực hiện điều này bằng vài cách khác nhau:

  • Thứ nhất, nó kích thích quá trình tổng hợp protein
  • Thứ hai, khi một nguồn creatine phosphate phong phú được dự trữ trong cơ, cơ bắp sẽ trữ thêm nước trong các tế bào và trở thành “tăng thể tích” hay “ngậm nước”.

Khi cơ bắp càng tăng thể tích nó càng thúc đẩy quá trình tổng hợp protein và hạn chế việc phá vỡ protein. Tăng thể tích cơ cũng tạo ra một môi trường để tăng quá trình tổng hợp glycogen. Tăng tổng hợp protein cùng với việc tập luyện sẽ dẫn tới việc tăng trưởng cơ bắp. Cũng có bằng chứng khoa học chỉ ra rằng việc bổ sung creatine sẽ giúp cơ bắp hồi phục nhanh chóng hơn.

5. Hỗ trợ cai nghiện

Tạp chí Neuroscience đã tiến hành một nghiên cứu trên những con chuột có sử dụng cocaine và ảnh hưởng của methionin tới chất gây nghiện này. Khi các đối tượng được dùng methionine, nó ngăn chặn tác dụng của cocaine, khiến nó ít gây nghiện hơn là không có methionine (Xem thêm nghiên cứu tại đây). Mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng điều này cho thấy L-methionin có thể giúp những người đang cai nghiện bằng cách từ từ làm giảm tác dụng của ma túy và giúp họ giảm liều dần để cai nghiện.

6. Hỗ trợ chức năng gan

American Society of Nutrition báo cáo rằng bằng chứng cho thấy sự trao đổi chất methionine có thể ảnh hưởng tích cực đến bệnh gan do rượu. Bệnh gan vô cùng phổ biến ở các khu vực trên thế giới- nơi có vấn đề về suy dinh dưỡng, nhưng nó cũng là một vấn đề ở khắp mọi nơi khi nói đến lạm dụng rượu. Methionine giúp việc chuyển hóa mỡ, ngăn chặn sự tích tụ mỡ ở gan gây ra gan nhiễm mỡ. Khi sử dụng methionine, đặc biệt là SAMe, kết hợp với folate, vitamin B6 và B12, có thể giúp điều trị các tác động xấu lên gan. (Xem thêm nghiên cứu tại đây)

Nó còn giúp gan sản xuất glutathion dùng cho việc hóa giải chất độc (như khi nhiễm độc do dùng paracetamol liều cao). Methionine tăng cường tổng hợp gluthation và được sử dụng thay thế cho acetylcystein để điều trị ngộ độc paracetamol đề phòng tổn thương gan. Methionine dùng theo đường uống để làm giảm pH nước tiểu. Hiện nay methionine chủ yếu được dùng để điều trị quá liều paracetamol khi không có acetylcystein và toan hóa nước tiểu. Chống chỉ định không dùng methionine cho người bị tổn thương gan nặng vì chất này được chuyển hóa ở gan.

Nhu cầu methionine hàng ngày

Chủ đề này vẫn đang được nghiên cứu, nhưng một nghiên cứu thú vị được báo cáo trong Science News đã đánh giá tác động của methionine vì nó liên quan đến hạn chế calo. Một số nhà nghiên cứu tin rằng có thể có một cuộc sống lâu dài hơn bằng cách cắt giảm lượng calo trong khi tăng cường lượng dinh dưỡng để bao gồm việc tiêu thụ methionine.

Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta cần bao nhiêu methionine? Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như bao nhiêu axit amin khác được bạn bổ sung hàng ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, dưới đây là lượng methionine nên bổ sung hàng ngày:

  • Trẻ em từ 2–5 tuổi cần 27 mg / kg / ngày
  • Trẻ em từ 10–12 tuổi cần 22 mg / kg / ngày
  • Người lớn trên 18 tuổi cần 13 mg / kg / ngày

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người lớn cần khoảng 13 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày và tốt nhất là đảm bảo bạn không lạm dụng nó vì có thể gây ra vấn đề sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều một cách thường xuyên.

Cách bổ sung Methionine hiệu quả, an toàn

Có 2 cách để bạn có thể bổ sung methionine hàng ngày:

  1. Bổ sung bằng thực phẩm tự nhiên
  2. Sử dụng thực phẩm chức năng

Ngoài ra còn có dạng thuốc viên hoặc dịch truyền chỉ được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sỹ tại cơ sở y tế.

Thực phẩm giàu Methionine

Vì axit amin này không thể được sản xuất bởi cơ thể, cần phải đảm bảo một lượng thông qua dinh dưỡng – hầu như tất cả các loại thực phẩm có chứa protein cũng chứa L-methionine.

Hầu như không có bất kỳ sự khác biệt giữa các sản phẩm thực vật và động vật liên quan đến số lượng L-methionine chứa bên trong nó và khả dụng sinh học. Vì L-methionine hòa tan khá tốt, thực phẩm có chứa L-methionine không nên được đun sôi hoặc ngâm quá lâu, vì điều này có thể dẫn đến một lượng đáng kể bị rửa trôi, chỉ để lại một số lượng nhỏ cho cơ thể hấp thụ.

Nhiệt độ cao trong khi nấu hoặc nướng cũng có thể phá vỡ cấu trúc của các axit amin và sự tiếp xúc kéo dài với nhiệt dẫn đến mất hoàn toàn chất quan trọng này từ thực phẩm. Sử dụng thực phẩm là cách tốt nhất để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Có một vài loại thực phẩm giàu methionine dưới đây mà bạn có thể bổ sung hàng ngày:

  • Thịt
  • Cá: cá bơn, cá mú cam, cá ngừ, cá tuyết, cá trắng, cá hồi, cá lăng
  • Lòng trắng trứng

Đối với những người ăn chay, dưới đây là một số loại thực phẩm có thể giúp người ăn chay có được methionine hàng ngày:

  • Rong biển, tảo xoắn
  • Hạt mè
  • Quả hạch brazil
  • Yến mạch
  • Đậu
  • Hạt hướng dương

Lưu ý khi dùng methionine

Như đã nói ở trên, chúng ta có thể thu được methionine từ thức ăn và mình luôn khuyên rằng đây là lựa chọn đầu tiên. Quá nhiều methionine có thể gây ra vấn đề về sức khỏe, vì vậy, trừ khi bạn biết rằng bạn đang thiếu methionine thì hãy bổ sung. Nếu bạn chọn methionine, creatine hoặc SAMe cho bất kỳ mục đích sức khỏe nào, tốt nhất hãy trao đổi với bác sỹ.

  • Methionine là thuốc trợ giúp chức năng gan, nhưng nhiều người lại lầm tưởng rằng methionine là thuốc bổ gan và lạm dụng chúng (tự ý mua dùng, dùng quá liều hoặc dùng liên tục trong thời gian dài, dùng quá nhiều thuốc có chứa chất methionine …)
  • Dùng quá liều hoặc lạm dụng thuốc có thể bị bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ và thiếu axit folic cấp trong huyết thanh rất nguy hiểm.
  • Việc dùng methionine đường uống ở những người bị bệnh gan như xơ gan do uống rượu cũng làm tình trạng thiếu hụt axit folic trở nên trầm trọng.
  • Dùng quá liều methionine cũng có nguy cơ làm tăng huyết khối trầm trọng.
  • Những bệnh nhân bị tắc động mạch não hoặc ngoại biên thường có lượng homocystein máu quá mức, nếu dùng thuốc thì lại càng làm tăng homocystein, gây ra tình trạng homocystein niệu dẫn tới các bệnh nguy hiểm như chậm phát triển tinh thần, loãng xương, nguy cơ cao bị tắc mạch do huyết khối.
  • Methionine còn là một acid amin có nguy cơ gây bệnh não ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan. Vai trò chữa trị hiện nay chỉ là thay thế acetylcystein trong quá trình chữa trị ngộ độc paracetamol cấp tính do nó có phản ứng liên kết với chất chuyển hóa của paracetamol.
  • Ở những người suy gan, methionine làm cho tổn thương gan nặng thêm và có thể làm bệnh não do gan tiến triển mạnh; làm giảm chức năng chuyển hóa của gan, giảm chu trình acid folic gan – ruột.

Vì vậy không nên lạm dụng cũng như sử dụng nó trong 1 thời gian dài vì các tác hại của chúng.

Cuối cùng vài điều về Methionine mà bạn nên nhớ:

  • Được phát hiện đầu tiên bởi nhà vi trùng học người Mỹ John Howard Mueller năm 1921, L methionine hoặc methionine, là một axit amin thiết yếu được tìm thấy trong cơ thể được sử dụng để tạo ra protein và peptide. Cơ thể không tự sản xuất được axit amin này vì vậy bạn cần bổ sung nó qua thực phẩm.
  • Cơ thể sử dụng methionine để tạo ra creatine, chứa lưu huỳnh và chịu trách nhiệm cho SAMe, đóng một vai trò quan trọng trong chức năng thích hợp của hệ thống miễn dịch, các chất dẫn truyền thần kinh và màng tế bào.
  • Lợi ích của methionine bao gồm khả năng giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, hỗ trợ những người bị Parkinson, tăng cường sức mạnh của xương, tăng khối lượng cơ, giảm cân, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy và hỗ trợ gan.
  • Các loại thực phẩm chứa methionine, với mức độ cao nhất là thịt và cá. Với người ăn thuần chay có thể sử dụng rong biển, tảo xoắn, hạt mè, các loại hạt Brazil, yến mạch, đậu.
  • Bạn nên bổ sung methionine từ thực phẩm. Bổ sung quá nhiều có thể gây ra vấn đề sức khỏe, vì vậy, trừ khi bạn biết rằng bạn đang thiếu methionine thì hãy bổ sung. Nếu bạn chọn methionine, creatine hoặc SAMe bổ sung cho bất kỳ mục đích sức khỏe nào, hãy trao đổi với bác sỹ.
  • Cuối cùng, methionine không là thuốc bổ gan như mọi người lầm tưởng, mà chỉ là thuốc trợ chức năng gan. Vì thế không được lạm dụng thuốc quá liều và cần có sự hướng dẫn của bác sỹ chuyên môn.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment