Tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp của bạn cao hơn 140/90 mmHg. Tình trạng tăng huyết áp là một nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai.
Không phải tăng huyết áp thai kỳ lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng nó lại có thể gây những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Mục lục
- Nguyên nhân gây tăng huyết áp thai kỳ
- Các nguy cơ của tăng huyết áp thai kỳ
- Các loại tăng huyết áp có liên quan tới thai kỳ
- Theo dõi huyết áp trong thai kỳ
- Thay đổi huyết áp khi mang thai
- Các biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ
- Phòng chống tăng huyết áp thai kỳ
- Thuốc điều trị tăng huyết áp khi mang thai
- Tổng kết
Nguyên nhân gây tăng huyết áp thai kỳ
Có một số nguyên nhân gây tăng huyết áp trong thai kỳ như:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Ít vận động
- Hút thuốc lá
- Uống rượu
- Mang thai lần đầu
- Tiền sử gia đình
- Đa thai
- Tuổi trên 40
- Các công nghệ hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm)
Các nguy cơ của tăng huyết áp thai kỳ
Các lối sống không lành mạnh có thể gây ra tăng huyết áp thai kỳ như thừa cân, béo phì hay lười vận động. Phụ nữ có thai lần đầu có nguy cơ bị tăng huyết áp, tuy nhiên những nguy cơ của lần mang thai sau thường thấp hơn.
Phụ nữ mang song thai hoặc nhiều hơn có nhiều nguy cơ bị tăng huyết áp, vì những áp lực, căng thẳng mà cơ thể người phụ nữ phải chịu đựng trong quá trình mang thai tăng lên rất nhiều.
Ngoài ra tuổi tác cũng là một yếu tố quan trọng. Phụ nữ mang thai ở tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, nhất là trên 40 tuổi.
Các thống kê cho thấy việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp ở phụ nữu mang thai.
Phụ nữ mắc tăng huyết áp trước khi mang thai cũng sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng cao hơn so với những người có huyết áp bình thường.
Các loại tăng huyết áp có liên quan tới thai kỳ
- Tăng huyết áp mạn tính: Có nhiều trường hợp người phụ nữ đã mắc tăng huyết áp từ trước khi mang thai. Gọi là tăng huyết áp mạn tính, thường được điều trị bằng thuốc tăng huyết áp.
- Tăng huyết áp thai kỳ: Là tăng huyết áp phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Huyết áp thường trở lại bình thường sau khi sinh và biến chứng thường gặp nhất đó là tăng cơn co tử cung. Khi được chẩn đoán trước 30 tuần thì nhiều khả năng tăng huyết áp thai kỳ sẽ tiến triển thành tiền sản giật
- Tăng huyết áp mạn tính kết hợp với tiền sản giật: Một biến thể khác của tăng huyết áp mạn tính đó là một người phụ nữ bị tăng huyết áp trước khi mang thai và trong quá trình mang thai phát hiện có protein trong nước tiểu hoặc các biến chứng khác trong quá trình mang thai.
Theo dõi huyết áp trong thai kỳ
Huyết áp bình thường khi mang thai
Để xác định được huyết áp bình thường khi mang thai, thì bác sĩ sẽ đo huyết áp của bạn trong lần khám thai đầu tiên. Sau đó sẽ đo huyết áp ở những lần khám sau và so sánh. Huyết áp bình thường sẽ dao động ở mức 120/80 mmHg
Khi nào thì được coi là tăng huyết áp thai kỳ?
Nếu huyết áp của bạn cao hơn 140/90mmHg hoặc cao hơn 15 mmHg so với trước khi mang thai thì bạn nên cẩn thận. Vì rất có thể bạn đã bị tăng huyết áp thai kỳ.
Thường trong quá trình mang thai, từ tuần thứ 5 tới giữa tam cá nguyệt thứ hai, huyết áp của phụ nữ có thể trở lại bình thường. Nguyên nhân là do các kích thích tố mang thai có thể làm giãn mạch và hạ huyết áp.
Huyết áp thấp khi mang thai
Mặc dù không có chỉ số rõ ràng cho huyết áp thấp thai kỳ, tuy nhiên có rất nhiều triệu chứng liên quan tới huyết áp thấp như:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Nổi da gà
Thay đổi huyết áp khi mang thai
Trong quá trình mang thai, huyết áp của người phụ nữ có thể thay đổi hoặc trở lại như trước khi mang thai. Có nhiều lý do dẫn tới thay đổi huyết áp ở phụ nữ có thai. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé
Trong quá trình mang thai, lượng máu trong cơ thể người phụ nữ sẽ tăng lên, theo nghiên cứu thì khối lượng máu của người phụ nữ tăng tới 45% trong quá trình mang thai. Đây là một khối lượng công việc rất lớn mà tim phải làm việc để bơm máu đi khắp cơ thể.
Đi kèm với đó thì tâm thất trái phải trở nên dày hơn và lớn hơn để có thể hoạt động đáp ứng lại khối lượng máu tăng lên đáng kể.
Trong quá trình mang thai, thận giải phóng nhiều vasopressin hơn, đây là một loại hormon làm tăng giữ nước của cơ thể.
Trong hầu hết các trường hợp thì huyết áp sẽ giảm dần sau khi sinh. Nếu sau khi sinh mà huyết áp không được cải thiện thì bạn nên đi khám để sử dụng thuốc hạ huyết áp.
Có nhiều các để theo dõi huyết áp của bạn trong quá trình mang thai. Bạn có thể sử dụng máy đo huyết áp điện tử hoặc huyết áp kế thủ công. Để có kết quả so sánh tốt nhất thì bạn nên đo huyết áp của mình vào cùng một thời điểm mỗi ngày, đo đúng tư thế và đo cùng một tay.
Bạn phải tới ngay các cơ sở y tế hoặc gọi cho bác sĩ nếu huyết áp của bạn tăng cao lặp lại sau 4h hoặc xuất hiện các triệu chứng của tăng huyết áp.
Các biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ
Nếu huyết áp của bạn tăng cao sao tuần thứ 20 của thai kỳ thì nguy cơ xảy ra biến chứng là rất cao. Lúc đó tăng huyết áp thai kỳ có thể phát triển thành tiền sản giật.
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan của bạn, đặc biệt là não và thận. Tiền sản giật hay còn gọi là nhiễm độc thai nghén do tăng huyết áp thai kỳ gây ra. Tiền sản giật xuất hiện động kinh được gọi là sản giật, và có thể gây tử vong.
Các triệu chứng của tiền sản giật bao gồm:
- Protein trong nước tiểu
- Phù bàn tay, bàn chân
- Hội chứng HELLP
Hội chứng HELLP là một từ viết tắt của tan máu, tăng men gan và giảm tiểu cầu. Hội chứng HELLP xảy ra đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng và được coi là một biến chứng của tiền sản giật. Hội chứng HELLP có các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn mửa và đau bụng trên. Hội chứng HELLP có thể làm tổn thương nghiêm trọng các hệ cơ quan quan trọng nên cần phải được cấp cứu khẩn cấp. Trong một số trường hợp bắt buộc phải đẻ non để giữ an toàn cho cả mẹ và con.
Tăng huyết áp trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của em bé, gây ra tình trạng trẻ sơ sinh nhẹ cân. Ngoài ra còn nhiều biến chứng khác như:
- Rau bong non: là nhau thai bong ra sớm trước khi quá trình chuyển dạ xảy ra.
- Sinh non: Được định nghĩa là sinh trước tuần thứ 38 của thai kỳ
- Bắt buộc phải mổ đẻ
Phòng chống tăng huyết áp thai kỳ
Các yếu tố phổ biến gây tăng huyết áp thai kỳ như béo phì hay tiền sử tăng huyết áp có thể được cải thiện thông qua thay đổi chế độ ăn, tập thể dục. Tuy nhiên khi mang thai khó tránh khỏi sự tăng cân, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn tăng cân một cách an toàn và khỏe mạnh.
Quá trình mang thai gây thay đổi hormone, cũng như thay đổi tâm lý và thể chất gây căng thẳng và tăng huyết áp. Bạn hãy thử các kỹ thuật giảm stress như thiền hoặc yoga. Những phương pháp này rất hiệu quả trong giảm stress và hạ huyết áp.
Thuốc điều trị tăng huyết áp khi mang thai
Trong quá trình mang thai, bạn nên tránh sử dụng các loại thuốc sau để hạ huyết áp
- Thuốc ức chế ACE
- Thuốc ức chế renin
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin
Vì những loại thuốc này qua được hàng rào rau thai để vào tuần hoàn của trẻ. Gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của trẻ
Methyldopa và labetalol là hai loại thuộc được coi là an toàn để sử dụng đối với phụ nữ có thai bị tăng huyết áp. Tốt nhất là bạn phải tới cơ sở y tế để được khám, điều trị tư vấn đúng cách.
Tổng kết
Tăng huyết áp khi mang thai thường ít dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được điều trị và theo dõi một cách thích đáng, tăng huyết áp có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Các rối loạn về tăng huyết áp là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho các bà mẹ trong thai kỳ.
Hãy đi khám thai thường xuyên để được theo dõi, và đảm bảo quá trình mang thai khỏe mạnh nhé.