Chăm sóc trẻ

Trẻ 10 tháng tuổi: Sự phát triển của bé và cách chăm sóc

Vào lúc bé cưng 10 tháng tuổi thường có một bước ngoặt lớn đối với rất nhiều em bé khi đạt được các mốc phát triển mới như đứng, tự xếp đồ và tự ăn. Bé cưng của bạn đang nhanh chóng đến gần sinh nhật đầu tiên của bé và mỗi ngày mang đến rất nhiều điều mới mẻ và thú vị để học tập cho cả hai mẹ con. Bạn sẽ thấy khó khăn khi phải cân bằng giữa việc bảo vệ bé và cho bé tự do khám phá. Hãy bảo đảm môi trường bé chơi được an toàn và thân thiện. Bạn phải đặt những món đồ quý giá lên cao và cố định chắc những vật nặng. Nhà cửa có thể thay đổi vì sự an toàn của bé và sự yên tâm của bạn mới là quan trọng nhất.

Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn thông tin về sự phát triển khi trẻ 10 tháng tuổi và cách chăm sóc bé tốt nhất.

Xem thêm: Nuôi con bằng sữa mẹ: Tất cả những gì các mẹ PHẢI biết!

Sự phát triển của trẻ 10 tháng tuổi

trẻ 10 tháng tuổi

Chiều cao:

  • Bé trai: 68,9 – 78,9cm; trung bình: 73,9cm
  • Bé gái: 67,7 – 77,3cm; trung bình: 72,5cm

Cân nặng:

  • Bé trai: 7,5 – 11,5kg; trung bình: 9,5kg
  • Bé gái: 6,9 – 10,9 kg; trung bình: 8,9 kg

Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng đây chỉ là những con số tham khảo. Mỗi bé sẽ dịch chuyển ít nhiều so với cân nặng và chiều cao nằm trong khoảng trên, miễn bé luôn ổn định sức khỏe thì bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này.

Các mốc phát triển của trẻ 10 tháng tuổi

Dưới đây là một số phát triển về thể chất và tinh thần bạn có thể thấy ở bé trong tháng 10 này:

Thân hình

  • Khi bé bò, tứ chi đã có thể duỗi thẳng
  • Có thể dùng tay chống xuống đất
  • Có thể vịn vào đồ vật trong nhà vừa di chuyển tay vừa bước ngang
  • Có thể tự mình bò lên ghế rồi từ ghế bò thở xuống
  • Khi bé đứng một mình hoặc được vịn, bé đã biết từ đứng chuyển sang ngồi, rồi từ ngồi chuyển sang nằm một cách có ý thức
  • Khi đứng vịn vào vật, bé biết một tay vịn vào vật, rồi khom người xuống, dùng tay kia để nhặt đồ chơi lên
  • Biết bỏ vật trong tay mình
  • Có thể dùng ngón tay cái và ngón trỏ một cách thành thục.
  • Một tay có thể cầm được hai vật nhỏ. Một số bé còn biết phân công sử dụng hai tay, một tay giữ vật, một tay chơi.
  • Sau khi treo những đồ chơi lên, bé biết dùng tay đẩy những đồ chơi này cho  nó lay động.
  • Biết dùng tay chỉ ra những bộ phận trên cơ thể như đầu, tay, chân….
  • Biết chú ý lắng nghe người khác nói chuyện hoặc hát. Ngoài tên gọi của mình, bé còn biết phản ứng với vài chữ khác như “không được”…
  • Có thể nghe hiểu những câu đơn giản như đi lấy đồ chơi
  • Có thể phát ra những từ đơn giản như ba, má
  • Có thể phối hợp giữa động tác và lời nói như “không” và lắc đầu; “tạm biệt” và vẫy tay….

Trí não

  • Có thể nhìn thấy màu sắc tốt
  • Bắt đầu có sở thích rõ ràng, có thể có các loại thực phẩm yêu thích và không yêu thích
  • Tò mò, hiếu động
  • Khám phá cách mọi thứ hoạt động
  • Có thể bày tỏ sự lo lắng khi không thấy bố mẹ hoặc phải xa bố mẹ
  • Nhớ nơi bố mẹ cất đồ chơi của bé
  • Có thể phân biệt được mình và mẹ trong gương.
  • Khi biểu diễn trước mặt mọi người  mà được động viên, khích lệ, bé sẽ biểu diễn lại.
  • Thích chơi trò đuổi bắt, vỗ tay và biết bắt chước động tác của người lớnKhá nhạy cảm với những bé khác, khi thấy bé khác khóc, bé cũng sẽ khóc theo
  • Hiểu các cụm từ hoặc yêu cầu một từ đơn giản
  • Yêu âm nhạc

Khi nào cần đưa bé đi khám

Nếu em bé của bạn không cố bò, không thể lật mình và không trả lời các từ của bạn, hãy chắc chắn đưa bé đi khám bác sĩ nhi khoa.

Một ngày của bé 10 tháng tuổi diễn ra như thế nào?

Lúc 10 tháng tuổi, bé cưng của bạn là một con ong nhỏ bận rộn. Tất cả các bé đều đang khám phá thế giới xung quanh, cố gắng mở những cánh cửa để khám phá những gì đằng sau đó và đôi khi thử thách sự kiên nhẫn của bạn. Lịch trình hàng ngày của bé có thể như thế này:

  • 7 giờ sáng thức dậy
  • 8:00: Bữa sáng đã xong, bây giờ là thời gian để khám phá và chơi.
  • 10:00 ngủ trưa
  • 12:30 ăn trưa
  • 14:00 giấc ngủ ngắn
  • 17:30 bữa tối và thời gian chơi
  • 19:30 bắt đầu ngủ tối

Dấu hiệu mệt mỏi ở lứa tuổi này khá giống nhau như là ngáp, dụi mắt, đòi ôm mẹ hoặc đôi khi ngủ gục khi đang chơi. Nhưng bé 10 tháng tuổi cũng biết nói lớn tiếng và tỏ thái độ khi chúng muốn thức lâu hơn. Bạn hãy cứ bình tĩnh và nên dùng cùng một cách giống nhau để dụ bé ngủ dù là sáng hay tối.

Chăm sóc em bé 10 tháng tuổi

Một trong những cách quan trọng nhất để chăm sóc em bé lúc 10 tháng tuổi là chơi cùng bé. Em bé của bạn học mọi thứ thông qua chơi ngay từ bây giờ, từ những gì xung quanh em bé, đến các hoạt động thể chất, đến cách yêu thương và tin tưởng của bạn dành cho bé. Nếu bé cưng của bạn ở nhà trẻ vào ban ngày hoặc ở nhà với người chăm sóc trẻ, hãy nhớ hỏi loại trò chơi, hoạt động và đồ chơi tương tác dành cho các bé. Nếu bạn ở nhà với bé cưng, hãy thử kết hợp một số hoạt động vui chơi sau đây vào thói quen hàng ngày của bạn:

  • Chơi ú òa cùng bé
  • Xếp chồng các khối nhiều màu sắc lại với nhau
  • Chơi theo sự dẫn dắt của bé, như trả lời điện thoại hoặc nhận những món quà nhỏ từ chúng
  • Cùng nhau hát những bài hát đơn giản
  • Lăn bóng qua lại

Thế giới đối với trẻ là một phòng thí nghiệm. Trừ những lúc ngủ, trẻ dành hầu hết thời gian để tìm hiểu mọi vật xung quanh. Trẻ nhận ra rằng mỗi vật đều có những mục đích sử dụng khác nhau và bắt đầu thử nghiệm chúng theo bằng cách bắt chước bạn hay áp dụng phương pháp thử sai.

Hãy chuẩn bị thấy trẻ đập, chọc phá, đưa vào miệng hoặc thậm chí ném những món đồ chơi đi vì những hành động này là một phần tất yếu của quá trình tìm hiểu. Trẻ cũng sẽ bắt đầu học cách sử dụng những vật dụng thường ngày  như đưa ly lên miệng hoặc bấm phím điện thoại (Đừng quên ngắt mọi kết nối trước khi đưa cho trẻ nhé!)

Bé 10 tháng tuổi chỉ mới bắt đầu hiểu được những từ và cụm từ đơn giản, vì vậy quan trọng hơn tại thời điểm này là thường xuyên nói chuyện với bé. Định hướng cho bé với những mẫu câu đúng bằng cách lặp lại cho bé những từ bé nói với ngôn ngữ của người lớn. Ví dụ, khi bé đòi một vật gì, nhẹ nhàng sửa phát âm của bé bằng cách hỏi lại: “Con muốn cái muỗng phải không?”. Với các bé mới chỉ hơn 10 tháng tuổi, cố gắng tránh xu hướng dùng lời của con trẻ, việc lặp lại lời bé có thể vui nhưng nghe ngôn từ đúng sẽ tốt hơn cho sự phát triển của bé.

Khi nhắc đến chăm sóc em bé, điều quan trọng là sự tương tác của bạn với em bé. Nếu bạn là cha mẹ ở nhà, và đặc biệt nếu em bé của bạn vẫn có giấc ngủ ngắn ban ngày, bạn có thể cảm thấy mắc kẹt giữa thời gian biểu của bé. Mặc dù chăm sóc em bé là công việc rất quan trọng, thỉnh thoảng, bạn có thể dành cho mình một chút thời gian riêng tư. Ra khỏi nhà, lên lịch hẹn chơi với bạn bè, đăng ký cho bé cưng vào nhà giữ trẻ trong lúc bạn đến phòng gym và bạn có thể tập luyện hoặc chỉ cần ra ngoài nhiều hơn. Chăm sóc bản thân và đảm bảo sức khỏe tinh thần, thể chất và cảm xúc là một phần trong thói quen hàng ngày của bạn cũng quan trọng như đảm bảo sức khỏe cho em bé vậy.

Dinh dưỡng cho trẻ 10 tháng tuổi

Đến tháng thứ 10, em bé của bạn đã khá cứng cáp để cho ăn các loại thực phẩm. Sữa vẫn là yếu tố quan trọng cho bé 10 tháng tuổi nhưng thức ăn đặc cũng không kém phần quan trọng. Bạn không nên cho bé ăn thức ăn giống nhau mỗi ngày vì như thế sẽ hạn chế nguồn dinh dưỡng. Hãy trổ tài nấu cho bé thật phong phú và sáng tạo. Thức ăn nấu ở nhà bao giờ cũng ngon và bổ dưỡng hơn thức ăn làm sẵn. Từ 1 tuổi trở đi, đa số bé sẽ giới hạn số loại thực phẩm chúng thích ăn. Nên nếu bây giờ bé sẵn sàng ăn nhiều thứ thì bạn đừng giới hạn khẩu phần của bé.

Bé 10 tháng tuổi đã quen thuộc với bột gạo, rau và thịt. Và giờ đây bé sẽ tiếp tục làm quen với các thức ăn mới như:

  • Sữa chua và sữa nguyên kem
  • Pho mát cứng như Muenster, cheddar và pho mát Thụy Sĩ
  • Đậu hũ
  • Nui, bún, phở
  • Các loại đậu

Các thực phẩm được bổ sung trong chế độ dinh dưỡng cho bé 10 tháng tuổi nhằm đem đến những dưỡng chất quan trọng giúp bé phát triển bên cạnh sữa mẹ và sữa công thức. Chính vì đóng vai trò hỗ trợ nên chúng không thể thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ hay sữa công thức. Muốn bé chấp nhận các thực phẩm bổ sung mới, bạn nên để bé làm quen với mỗi thực phẩm ít nhất 4 ngày. Nên cho bé thử món mới từ ít đến nhiều và tránh ép ăn đúng với lượng dùng của các món quen thuộc ngay trong lần đầu làm quen.

Lúc này, thói quen ăn 3 bữa ăn chính của bé đã hình thành và mỗi bé sẽ có sự lựa chọn riêng về lượng thực phẩm dùng trong bữa ăn. Để bổ sung dinh dưỡng cho bé 10 tháng với đủ 3 bữa ăn trong ngày, bạn có thể dựa theo thực đơn mẫu sau:

  • Bữa sáng: 1/2 chén bột ngũ cốc yến mạch, thêm vài miếng chuối và 1 cữ sữa.
  • Ăn trưa: ½ chén ngũ cốc, vài miếng thịt gà, ít miếng bơ tươi và 1 cữ sữa.
  • Ăn tối: Cháo yến mạch, thịt gà cùng với lê, khoai tây và 1 cữ sữa.

Các loại thực phẩm dinh dưỡng cho bé 10 tháng tuổi dùng mỗi ngày bao gồm:

  • 3-4 cữ sữa mẹ hoặc sữa công thức
  • 2 phần bột ngũ cốc: 1 phần ăn tương đương 1-2 muỗng canh bột ngũ cốc)
  • 1-2 phần ngũ cốc: 1 suất = 2 bánh ngũ cốc hoặc ½ lát bánh mì; ½ cốc Cheerios (bánh dùng để trộn chung với sữa; ½ chén mì
  • 2 phần trái cây: 1 phần = 2-4 muỗng canh
  • 2 phần rau: 1 phần = 2-4 muỗng canh)
  • 2-3 khẩu phần dinh dưỡng từ protein: 1 phần ăn = 1-2 muỗng canh
  • 1 khẩu phần các sản phẩm từ sữa: 1 suất = 1/3 miếng phô mai hoặc ½ cốc sữa chua; ½ chén phô mai bào.

Mặc dù em bé của bạn có thể ăn nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là khi chúng có nhiều răng hơn, bạn vẫn cần tránh đồ có thể gây nghẹn cho bé. Một số mối nguy hiểm đối với trẻ em dưới 1 tuổi bao gồm bỏng ngô, nho khô, các loại hạt, kẹo cứng và xúc xích. Nếu bạn quyết định cho trẻ ăn xúc xích và nho, hãy chắc chắn cắt chúng theo chiều dọc trước để các miếng dài không phải hình tròn. Các mảnh hình tròn có nhiều khả năng bị mắc kẹt trong cổ họng của em bé và có thể nhanh chóng làm bé bị nghẹt thở.

Kể từ khi bé bắt đầu tập ăn dặm bạn nên xây dựng nề nếp ăn uống cho bé ngay từ khi còn nhỏ: ăn theo giờ cố định, đến giờ ăn thì bé được cho vào ghế, việc bé ngồi ăn uống đúng chỗ, không chạy nhảy linh tinh, không vừa ăn vừa chơi hay xem tivi, không ăn rong hết giờ ăn thì bé được cho ra khỏi ghế sẽ giúp bé rèn được tính kỷ luật và chăm chú vào việc ăn uống hơn. Bé sẽ ăn uống nhanh mà chỉ cần ngồi im một chỗ khiến ba mẹ cảm thấy vui vẻ mà không hề vất vả chạy nhảy theo bé cho bé ăn. Bạn nên sắm một bộ bàn ghế ngồi ăn dành riêng cho bé. Để bát và thìa của bé lên bàn, cho vào bát những gì bé có thể cầm ăn được.

10 tháng cũng là một thời điểm tốt để giới thiệu cho bé dùng thìa trong mỗi bữa ăn để con bạn có thể quen với việc sử dụng nó. Một số em bé sẽ sử dụng thìa một cách tự nhiên hơn những đứa trẻ khác, vì vậy nếu em bé của bạn không cảm thấy thoải mái khi sử dụng chiếc thìa đó ngay lập tức, hãy tiếp tục thử. Hãy kiên nhẫn, bé cần thời gian để làm quen với những điều mới lạ.

Hãy nhớ rằng, em bé của bạn sẽ học hỏi từ việc quan sát bạn, vì vậy hãy cùng nhau ngồi xuống dùng bữa trong gia đình và làm mẫu cho việc sử dụng thìa và bát. Khi bé cưng của bạn học cách sử dụng thìa, bạn nên sử dụng yếm cho bé để tránh rớt thức ăn vào áo bé. Bạn cũng có thể cho bé tập làm quen với cốc nhỏ để bé tự cầm và uống nước hoặc uống sữa.

Vấn đề cai sữa mẹ

Khi bé sắp tròn 1 tuổi, bạn có thể cân nhắc việc cai bú sữa cho bé. Trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo trẻ nên được bú sữa mẹ cho đến khi hai tuổi, hoặc khi người mẹ thấy phù hợp.

Bạn sẽ cho con bú mẹ bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Bạn có thể cho con bú hơn một năm, hoặc bạn có thể cai bú sữa mẹ nhưng vẫn vắt sữa và cho vào bình cho bé bú. Bạn cũng có thể quyết định chuyển sang sữa bột trẻ em hoặc kết hợp với sữa công thức tùy vào bạn. Miễn là em bé của bạn nhận được dinh dưỡng cần thiết, hãy chọn phương pháp và lịch trình phù hợp nhất với bạn, con bạn và gia đình bạn.

Giấc ngủ của trẻ 10 tháng tuổi

Khi được 10 tháng tuổi, một số bé có thể bắt đầu không có các giấc ngủ ngắn và thay vào đó chỉ ngủ trưa một giấc dài. Bạn sẽ thấy rằng khi các em bé chuyển ra khỏi giấc ngủ ngắn sẽ có một khoảng thời gian điều chỉnh lại, khi đó bé cưng của bạn có thể mệt mỏi và quấy khóc hơn bình thường một chút. Bạn có thể cần điều chỉnh thời gian ngủ trưa (sớm hơn) hoặc cho bé đi ngủ tối sớm hơn nếu chúng không thể ngủ ban ngày. Hầu hết các bé ở độ tuổi này đều ngủ ngon suốt đêm, thỉnh thoảng bị gián đoạn giấc ngủ do bệnh hoặc mọc răng.

Nếu em bé của bạn chưa ngủ qua đêm, có một vài phương pháp bạn có thể thử để tăng chất lượng giấc ngủ:

  • Thử tập luyện ngủ: Tìm hiểu thêm về các phương pháp khác nhau và biết rằng luyện ngủ không có nghĩa là nhốt em bé trong phòng để bé khóc và tự ngủ. Luyện ngủ hiệu quả là một quá trình dần dần, nhẹ nhàng có thể có hiệu quả, để em bé có thể ngủ trọn vẹn cả đêm.
  • Đừng làm gián đoạn giấc ngủ ngắn hàng ngày: Những giấc ngủ ngắn vào ban ngày thực sự thúc đẩy một giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm.
  • Yêu cầu sự giúp đỡ từ một thành viên trong gia đình: Nếu bạn quyết định thử tập luyện ngủ cho bé, có thể rất khó để tự mình bắt đầu. Ngay cả hành động nhỏ khiến người khác đặt bé xuống ngủ cũng có thể thay đổi thói quen đủ để tạo sự khác biệt cho bé.
  • Hãy xem xét về việc mời bác sĩ hoặc chuyên gia: Giấc ngủ có thể là một kỹ năng được dạy cho trẻ sơ sinh, giống như chúng sẽ học cách sử dụng thìa hoặc nói chuyện. Mặc dù giá của bác sĩ hoặc chuyên gia có thể cao, nhưng nhiều gia đình thấy rằng việc thuê một bác sĩ có thể có hiệu quả chỉ trong một buổi tập vì vậy đó là một khoản đầu tư rất đáng giá.

Sức khỏe và an toàn cho bé 10 tháng tuổi

Trong tháng này, có lẽ đã đến lúc đóng gói tất cả các vật dụng dành cho trẻ sơ sinh đã từng là một phần của thói quen hàng ngày của bạn, chẳng hạn như nôi, cũi, ghế ngồi ô tô cho trẻ sơ sinh… Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có thêm em bé trong tương lai, hãy bảo quản những vật phẩm đó để sử dụng lại chúng, hãy chắc chắn kiểm tra hạn sử dụng trên các vật phẩm nếu bạn có em bé khác. Nếu bạn không muốn cất đi các món đồ đó, bạn có thể tặng chúng cho bạn bè và họ hàng.

Đến tháng 10, em bé của bạn sẽ trải qua rất nhiều thay đổi. Răng đầu tiên của em bé bắt đầu mọc vào khoảng 6 tháng tuổi và sẽ tiếp tục đến gần 3 năm. Đến 10 tháng, răng cửa giữa và răng cửa bên có thể bắt đầu mọc ở hàm trên và dưới.

Sự khó chịu của việc mọc răng thường diễn ra vài ngày hoặc thậm chí một tuần trước khi răng thực sự mọc lên, vì vậy trong thời gian đó, bạn có thể giữ cho bé thoải mái với một liều NSAID phù hợp với cân nặng, như ibuprofen hoặc Motrin, đồ dành cho trẻ mọc răng, hoặc thậm chí khăn ướt để làm dịu nướu của chúng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi bạn định dùng thuốc nào đó cho bé.

Việc giữ bé luôn sạch sẽ ở giai đoạn 10 tháng tuổi là chuyện không thể. Bạn cho bé ra ngoài chơi, bé sẽ hào hứng lăn lê bò trườn khắp nơi trong vườn, trong công viên. Bạn hãy cứ tưởng tượng bé có thể cho mọi thứ xung quanh vào miệng. Và bạn không thể nào cản được đâu. Do đó, bạn nên tập thói quen đem theo xe đẩy và một tấm thảm để giữ bé khi cần.

Nếu bạn sửa sang lại nhà cửa và bạn lo sợ sơn trong nhà có chứa chất chì, bạn nên kiểm tra cho chắc. Trẻ con đặc biệt nhạy cảm với nồng độ chì trong máu cao và có thể ảnh hưởng khả năng học tập. Bạn nên chọn lựa kĩ các dụng cụ vệ sinh nhà cửa, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, phân bón…Tất cả đều có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ bé nên bạn cần lưu ý hơn.

Những điều cần ghi nhớ

Vui vẻ

Tháng 10 là một giai đoạn vô cùng vui vẻ. Em bé của bạn vẫn sẽ hiếu động rất nhiều cùng với sự nhí nhảnh, đầy nụ cười và tiếng cười khúc khích và bé thích mẹ ôm. Bé có thể đang chập chững mới biết đi vì vậy đây là thời điểm tuyệt vời để đắm mình trong giai đoạn ngọt ngào này trước khi con nhỏ của bạn đi vững và có vô số điều cần lo ập đến.

Lên lịch chụp ảnh

1 tuổi là một cột mốc rất quan trọng mà bạn và gia đình sẽ rất vui. Hãy dành thời gian trong tháng này để đặt buổi chụp ảnh 1 năm cho bé ngay bây giờ để bạn bớt lo lắng về tháng tới. Nếu bạn muốn bất kỳ đạo cụ đặc biệt nào cho buổi chụp ảnh, hãy đặt hàng ngay để đồ sẽ đến kịp. Một buổi chụp ảnh bé cùng gia đình sẽ rất tuyệt và bạn có thể phóng to ảnh treo trong phòng của bé.

Nếu bé không thích chơi với các bé khác, bạn cũng đừng lo

Ở tuổi này, bé nghĩ bé là trọng tâm của thế giới, nên bé thường không quan tâm đến cảm xúc của bạn bè xung quanh. Bạn nên theo sát bé khi bé ở với những bé khác hoặc với vật nuôi, vì bé chưa đủ nhận thức để biết những gì nên làm và an toàn.

Giai đoạn này công việc hằng ngày có nề nếp hơn

Nếu bạn cảm giác mệt mỏi và kiệt sức, bạn có thể đến gặp bác sĩ của bạn để tư vấn thêm. Nên phân biệt rõ ràng giữa có bệnh thật sự hay chỉ là kiệt sức. Đôi khi bạn rất dễ dàng bỏ qua những nhu cầu của bản thân. Bạn nên sắp xếp nhờ người giữ bé trong khi bạn đến gặp bác sĩ. Nếu bạn lo là trí nhớ bạn dạo này kém, bạn có thể ghi lại những triệu chứng bạn gặp phải.

Bạn không nên chăm sóc bé nếu chính bạn cảm thấy không khoẻ. Sau 10 tháng qua trôi qua, đây là lúc bạn cảm thấy năng lượng tràn trề trở lại chứ không phải cảm giác quá tải và mệt mỏi. Các bệnh lý liên qua tuyến giáp, hệ nội tiết và thiếu dinh dưỡng đều có thể ảnh hưởng nguồn năng lượng.

Giấc ngủ của bạn

Bạn không nên nhảy vọt ra khỏi giường mỗi khi bé khóc trong đêm. Nếu bạn đã cho bé bú no và bảo đảm nôi bé an toàn thì bạn nên chậm lại chút. Vì các bé 10 tháng tuổi có khả năng tự xoa dịu và trấn an bản thân. Hãy để bé tự làm điều đó. Đừng lơ là nhu cầu ngủ đủ giấc của bạn. Hãy dành thời gian trải cho bạn một tấm ga giường bằng linen, dọn dẹp quần áo trong phòng gọn gàng. Hãy dành thời gian và suy nghĩ để tạo ra không khí thoải mái cho chính bạn. Không cần phải dành hết năng lượng cho bé đâu. Ngay cả khi phần còn lại của ngôi nhà rất bừa bộn, bạn vẫn nên có một nơi của riêng bạn để nghỉ ngơi cuối ngày.

Xem thêm: Trẻ 11 tháng tuổi: Sự phát triển của bé và cách chăm sóc

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment