Chăm sóc trẻ

Trẻ 7 tháng tuổi: Sự phát triển và cách chăm sóc hiệu quả

Bé yêu của bạn đã được 7 tháng tuổi! Rất nhiều em bé ở độ tuổi này đã có thể ngồi dậy, chộp lấy đồ chơi và đồ vật mà chúng mong muốn, và (có thể) tập bò xung quanh. Cuộc sống đối với bạn đột nhiên trở nên bận rộn hơn rất nhiều. Thời gian này có vẻ rất thú vị cho cả hai mẹ con, bởi ngay khi bạn tin rằng mình đã thành công trong việc thiết lập các thói quen sinh hoạt cho em bé của bạn, thì bé lại “giở chứng” xáo tung cả lên.

Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn thông tin về sự phát triển của bé trong tháng thứ 7 và cách chăm sóc bé tốt nhất!

Xem thêm: Nuôi con bằng sữa mẹ: Tất cả những gì các mẹ PHẢI biết!

Sự phát triển của trẻ 7 tháng tuổi

trẻ 7 tháng tuổi

Bây giờ em bé của bạn có lẽ đã tăng hơn gấp đôi trọng lượng lúc mới ra đời. Bạn sẽ thấy đầu, chiều dài và hình dáng chân tay bé thay đổi và bé dường như đã trở thành một người nhỏ bé với cơ thể rắn chắc. Bạn cũng dễ bế trẻ 7 tháng tuổi hơn bởi vì bé đã tự giữ được đầu và có thể tự ngồi trên đùi của bố mẹ.

Bé tăng trưởng cả về chiều cao lẫn cân nặng. Khác với 6 tháng đầu đời, từ tháng thứ 7 này, tốc độ tăng trưởng của bé sẽ chậm hơn, chỉ còn 0,4 – 0,7 kg mỗi tháng. Tuy nhiên, bé đã cứng cáp hơn và sẵn sàng cho những cột mốc phát triển tiếp theo.

Chiều cao trung bình của bé ở tháng này là:

  • Bé trai : 64,0 -73.0cm
  • Bé gái : 62,6 -71.2cm

Cân nặng trung bình của bé ở tháng này là:

  • Bé trai : 6,66 -9.97kg
  • Bé gái : 6,23 -9.23kg

Bạn có thể phải sắm loạt quần áo mới có size lớn hơn cho bé, khi nhận ra chân bé đã dài hơn. Các bé gái thường dài chân hơn bé trai ở độ tuổi này, nhưng những yếu tố di truyền cá nhân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chiều cao của riêng từng bé.

Các mốc phát triển

Thân hình

  • Chuyền đồ vật từ tay này sang tay kia
  • Lật người từ ngửa sang sấp và ngược lại
  • Ngồi mà không cần hỗ trợ của bố mẹ
  • Mẹ có thể giữ thăng bằng cho bé đứng và tập bước
  • Bắt đầu bò hoặc có thể bò tốt
  • Nhìn rõ khắp phòng (thị lực đang đến gần tới mức của người lớn)
  • Có thể vừa cầm vật vừa trườn về phía trước
  • Cầm nắm, có thể dùng ngón cái và những ngón còn lại để vặn, nhổ đồ vật.

Trí não

  • Bộc lộ cảm xúc vui vẻ hay khó chịu hoặc buồn bã bằng âm thanh
  • Đáp lại khi người khác nói chuyện cùng
  • Phản ứng khi được gọi tên
  • Nhận ra khuôn mặt quen thuộc của người nhà
  • Có phản xạ nếu gặp ai đó là người lạ (sợ hãi, khóc lóc hoặc ngó tìm người thân)
  • Thích ngắm mình trong gương
  • Bắt đầu kết hợp các nguyên âm với nhau khi nói chuyện
  • Mỉm cười, cười lớn khi nói được phụ âm như b,m
  • Tìm hiểu về thế giới thông bên ngoài qua vị giác và xúc giác, cho đồ vật vào miệng, mút.
  • Nhận biết các từ cơ bản như ba, mẹ, chào, tạm biệt…

Khi nào cần đưa bé đi khám?

Mặc dù mỗi em bé sẽ có một sự phát triển khác nhau, nhưng nếu em bé của bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây, hãy chắc chắn trao đổi với bác sĩ hoặc đưa bé đi khám ngay:

  • Không cố gắng với tới các đồ vật xung quanh chúng
  • Không đáp lại tình cảm từ bạn
  • Không có phản ứng để đáp ứng với âm thanh bên ngoài
  • Không thể mang đồ xung quanh, như đồ chơi vào miệng
  • Không thể tạo ra âm thanh bộc lộ cảm xúc
  • Không thể lật người
  • Không cười hoặc không nói bi bô
  • Có vẻ khó hoặc không thể di chuyển đầu dễ dàng
  • Không tăng cân.

Bé tập bò

Khi được 7 tháng tuổi, em bé của bạn sẽ năng động hơn rất nhiều so với những tháng trước và sẽ cần rất nhiều sự chăm sóc từ cha mẹ. Bé đang trở nên linh hoạt hơn, ăn nhiều thức ăn cứng hơn và khám phá với các kỹ năng mới như bò. Hãy dành cho con bạn một chút thời gian để khám phá thế giới xung quanh, tập thói quen ngủ trưa và đi ngủ buổi tối đúng giờ cho bé sẽ giúp cả bạn và bé chung sống với nhau dễ chịu hơn nhiều. Hãy nhớ rằng giấc ngủ là lúc tất cả sự tăng trưởng quan trọng của em bé diễn ra trong thời gian bận rộn này, vì vậy giấc ngủ nên là ưu tiên hàng đầu cho tất cả mối quan tâm của bạn tại thời điểm này.

Thực sự không có mốc chính xác nào cho việc em bé của bạn bắt đầu biết bò nhưng hầu hết các bé bắt đầu bò ở trong khoảng từ 6 đến 10 tháng tuổi. Một số bé sẽ bò sớm hơn, một số có thể bò muộn hơn hay bỏ qua việc bò hoàn toàn. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng em bé của bạn có kiểu bò khác lạ. Việc trẻ bò bằng nhiều cách khác nhau là rất bình thường, bao gồm:

  • Bò kiểu truyền thống: Dùng hai gối đỡ thân người để di chuyển về trước hoặc sau. Tay và gối có thể chống lên mặt giường để làm động tác bò. Khi dùng tay và đầu gối bò về trước, bụng ép sát mặt giường, đỡ thân người trườn về trước
  • Bò bụng: Bé giữ bụng lết trên sàn nhà. Một số bé có thể duy trì bò bụng cho đến khi tập đi
  • Bò kiểu gấu con; Dùng cả hai tay và hai chân, nhưng một chân thì gập lại, một chân thì bung ra.
  • Bò kiểu con cua: Bé đẩy tay thay vì kéo và kết quả, có thể bò lùi.
  • Kiểu cái cầu: Bé cong người như cầu nối giữa cánh tay và chân, sau đó đẩy về phía trước.
  • Trườn: Một số bé dùng cách trườn nghiêng người để di chuyển xung quanh.

Có thể bé chậm biết ngồi hoặc chậm biết bò thậm chí không trải qua giai đoạn biết bò hầu như không có liên quan đến thể chất và trí tuệ cũng như thiếu canxi. Bạn không cần quá lo lắng. Đơn giản là bé thích “nhảy cóc” qua giai đoạn này, tiến thẳng tới giai đoạn học đi. Thiếu canxi hay không bác sĩ khám mới biết được.

Nói chung, miễn là em bé của bạn tìm ra cách di chuyển theo hướng mà bé muốn, bạn không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu em bé của bạn không thể di chuyển hoặc có vẻ bị đau, hãy cho bé đi khám bác sĩ Nhi khoa ngay nhé!

Chăm sóc trẻ 7 tháng tuổi

Có khả năng bạn vẫn đang cố gắng điều chỉnh cuộc sống với em bé trong khi cố gắng dành thời gian cho sở thích và tập thể dục, thậm chí có thể đọc một cuốn sách hoặc đi dạo buổi tối. Nói cách khác, bạn kiệt sức và hoàn toàn dễ hiểu tại sao bạn lại quá mệt mỏi. Đây là thời điểm bé yêu của bạn tập bò và không còn nằm ngoan ngoãn một chỗ như những tháng trước nữa.

Bạn có thể cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Nhiều bà mẹ chọn phương án bật màn hình TV, điện thoại hoặc máy tính bảng đó chuyển sang các hoạt hình kênh của trẻ em để bạn có thể có một số thời gian nghỉ ngơi trong khi bé của bạn khám phá những điều kỳ diệu của giải trí. Nhưng bạn có nên cho tiếp xúc với công nghệ ở độ tuổi này?

Câu trả lời chính xác là không. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nêncho bé xem bất cứ loại màn hình nào với các bé dưới 2 tuổi, vì vậy, tốt nhất là bạn nên tránh cho bé tiếp xúc màn hình càng lâu càng tốt. Thay vào đó, hãy cố gắng nghe nhạc, trò chuyện, chơi cùng bé hoặc cùng nhau đọc sách. Ở độ tuổi này, bé yêu của bạn rất thích nghe bạn đọc sách vì bé cảm thấy thú vị, tò mò và muốn khám phá mọi thứ xung quanh . Hãy tìm những cuốn sách màu sắc sặc sỡ, có động vật hoặc âm thanh, hoặc những cuốn sách có thể tương tác với bé.

Bạn phát hiện ra bản thân mình cũng là một đứa trẻ khi chơi đùa với con. Em bé của bạn không hề chê bai những cố gắng của bạn trong các trò chơi, mà chỉ quan tâm tới sự thích thú mà bạn thể hiện khi chơi cùng bé. Bạn hãy cố gắng thể hiện các cử chỉ phù hợp với những từ ngữ mà bạn đang nói cho bé nghe. Bé sẽ học nói thông qua việc kết nối hành động bé nhìn thấy với âm thanh bé nghe được, sau khi trải qua hàng giờ giao tiếp với mọi người xung quanh. Bạn đừng ngăn cách bé với thế giới, hay hạn chế bé trải nghiệm cuộc sống. Bé sẽ nhận được rất nhiều điều khi tiếp xúc với các tiếng ồn, màu sắc, các trò chơi và sự vận động xung quanh, miễn là bạn giữ cho bé được an toàn và đầy tình yêu thương.

Hãy tìm cho bé món đồ chơi có thể tạo tiếng động, cũng như bé có thể tương tác với nó. Độ tuổi 7 tháng là lúc bé đang làm quen với khái niệm nguyên nhân và hệ quả, và bé sẽ rất hứng thú áp dụng lên món đồ chơi bé nhỏ của mình.

Dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi

Khi em bé 7 tháng tuổi, bạn nên tiếp tục cho bé ăn các loại thực phẩm và thức ăn đặc hơn trước đó. Hãy ghi nhớ, không có gì phải vội vàng và em bé của bạn cần có thời gian để điều chỉnh. Một số bé vẫn có thể cần sữa mẹ hoặc sữa công thức là nguồn dinh dưỡng chính ở độ tuổi này. Nhưng hãy nhớ rằng, tất cả các bé đều khác nhau và bạn nên cho bé ăn những gì bé thích.

Tới 7 tháng tuổi, bé đã quen với việc ăn dặm nên mẹ có thể chế biến các bữa ăn dặm cho bé đa dạng và phong phú hơn. Có thể thay đổi các loại thực phẩm để nấu bột cho bé như: thịt lợn, thịt gà, thị bò, bột gạo sữa… cho bé đỡ ngán. Đồng thời số bữa ăn và lượng ăn mỗi bữa cũng cần tăng nhiều hơn trước. Mỗi ngày cho bé ăn 2-3 bữa bột tùy theo khả năng ăn và độ hào hứng của bé. Và lượng sữa mỗi ngày bé uống khoảng 750-800ml. Ngoài bữa chính, mẹ nên cho bé ăn thêm sữa chua và hoa quả chín. Vào tháng thứ 7, mức tăng cân của bé vẫn phát triển nhanh, có thể tăng 500 – 600g mỗi tháng nên cha mẹ cần cho bé ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng cân một cách tốt nhất.

Với bé 7 tháng tuổi, không cần thiết phải ngày nào cũng ăn bột thịt, thỉnh thoảng mẹ có thể cho bé ăn bột rau, củ, bột sữa… điều này sẽ mang lại cho bé cảm giác lạ miệng, các loại bột này vẫn có thể cung cấp cho bé nhiều vitamin và khoảng chất từ rau củ. Nhưng với mỗi món mới, bạn nên cho bé ăn liên tục vài lần trước khi giới thiệu món khác, để cho bé kịp làm quen và chấp nhận mùi vị mới này đã. Thế nên, bạn hãy đừng nôn nóng.

Bạn hãy tạo một thói quen ăn uống lành mạnh cho bé và đừng bao giờ kiểm soát lượng thức ăn mà bé ăn mỗi bữa. Nhiệm vụ của bạn chỉ là chuẩn bị bữa ăn và đút cho bé thôi, còn chuyện bé có thích ăn hay không, hay ăn được bao nhiêu hoàn toàn là do bé quyết định.

Giấc ngủ của bé

Giấc ngủ của bé yêu của bạn có thể bị gián đoạn trong một tháng hoặc lâu hơn khi bé bắt đầu mọc răng lần đầu tiên. Mặc dù bạn có thể cảm thấy khó khăn như đang quay trở lại những ngày đầu mới sinh, điều quan trọng là phải kiên nhẫn với bé yêu và hiểu rằng, rất có thể, bé chỉ đơn giản là không thoải mái và bị đau do mọc răng. Để giúp cả hai nghỉ ngơi, vài mẹo sau đây sẽ giúp bạn:

  • Cho bé bú thoải mái trong giai đoạn mọc răng
  • Cho bé sử dụng núm vú giả nhiều hơn trong khi chúng đang mọc răng
  • Sử dụng thuốc giảm đau như ibuprofen trước khi ngủ để giúp trẻ sơ sinh thoải mái, tất nhiên chỉ sử dụng khi bạn đã trao đổi với bác sĩ
  • Cùng với bố trẻ phân chia thời gian chăm bé để cả hai có thể nghỉ ngơi
  • Nếu bạn vẫn mệt mỏi vào buổi trưa thì hãy tự cho mình quyền được nghỉ ngơi. Hãy đảm bảo bạn ăn uống đầy đủ trong các bữa chính và không ăn vặt. Chính chế độ dinh dưỡng hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn có đủ năng lượng cho cuộc sống bận rộn của mình hay không. Nếu bạn không ăn đủ chất, đủ lượng, bạn sẽ không thể giữ cho bản thân mình khỏe mạnh suốt cả ngày.

Bạn cũng có thể nhận thấy em bé của bạn đã bắt đầu lật người từ ngửa sang sấp và ngược lại, hoạt động nhiều hơn trong khi ngủ, điều này có thể khiến bạn lo lắng. AAP hiện khuyến nghị các bậc cha mẹ luôn đặt bé ngủ ngửa. Không cần điều chỉnh lại nếu em bé trở mình trong khi ngủ. Tuy nhiên, bạn nên tiếp tục duy trì các thói quen ngủ an toàn và đảm bảo rằng hoàn toàn không có gì trong cũi của em bé bao gồm chăn, giường, hoặc đệm lót cũi.

Chăm sóc sức khỏe cho bé 7 tháng tuổi

Chăm sóc răng miệng

Như đã đề cập ở trên, hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu mọc răng ở đâu đó khoảng sáu tháng trở đi. Nếu chiếc răng đầu tiên của bé không bắt đầu đến vào tháng sáu, hãy sẵn sàng cho tháng này! Bác sĩ nhi khoa có thể sẽ khuyên bạn theo dõi các triệu chứng mọc răng của con bạn, giữ cho bé thoải mái và dùng thuốc nếu cần để giảm đau và bắt đầu vệ sinh răng miệng. Triệu chứng mọc răng của bé bao gồm:

  • Chảy nước dãi nhiều
  • Nướu sưng to và đỏ
  • Thèm ăn các thức ăn đặc, cứng
  • Kéo tai, dùng tay chà xát vào má
  • Bị ho
  • Thường xuyên nhai cắn
  • Quấy khóc
  • Hay cáu
  • Sốt
  • Thức dậy vào ban đêm

Khi bé bước vào giai đoạn mọc răng, nướu sưng căng có thể khiến nhiệt độ cơ thể của bé cao hơn bình thường một chút, nhưng sốt mọc răng thường không cao hoặc không tiêu chảy. Nếu sốt cao hơn 38°C và tiêu chảy, bé có thể đang bị một bệnh nào khác mà không phải sốt mọc răng. Do đó, hãy đưa con đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Nếu bé đang mọc răng và bị đau nướu, bạn có thể cho bé ngậm một vòng bằng silicon để bé nhai hoặc bạn rửa tay sạch và dùng đầu ngón tay chà nhẹ lên nướu của bé. Để quá trình mọc răng của bé diễn ra dễ dàng hơn, bạn nên áp dụng một vài mẹo sau đây:

  • Một số bé bước vào giai đoạn mọc răng hay bị chảy nước dãi. Do đó, bạn hãy lau miệng cho bé thường xuyên hơn để giữ vệ sinh và nhằm ngăn ngừa tình trạng phát ban. Nếu bé chảy nhiều dãi, bạn có thể cho con đeo yếm.
  • Rửa tay thật sạch mỗi khi chà nướu cho bé.

Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ trước khi bé mọc cái răng đầu tiên là rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng lâu dài của trẻ. Hàng ngày, bạn hãy lau sạch nướu răng của bé bằng khăn, gạc sạch, gạc rơ lưỡi hoặc chải nhẹ nhàng bằng bàn chải dành cho trẻ nhỏ và nước. Khi bé đã mọc răng, hãy chải răng cho bé 2 lần/ngày, đặc biệt là sau bữa ăn.

Bệnh chàm

Một số trẻ sơ sinh sẽ bị bệnh chàm ở những thời điểm khác nhau trong năm đầu đời, điều này dường như liên quan đến việc bắt đầu ăn nhiều thức ăn đặc hơn. Các vết chàm thường trông giống da khô, dày và nổi vảy hoặc những chấm đỏ li ti sau đó to dần. Đôi khi, do các bé cào vào vết chàm khiến da dày lên, sẫm màu hoặc thành sẹo theo thời gian. Bệnh chàm thường xuất hiện rồi tự hết trong vài ngày. Đây không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng nó thường gây ngứa ngáy và khó chịu. Nếu không được điều trị, những vết chàm này có thể để lại sẹo và gây mất thẩm mỹ.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh chàm bằng cách kiểm tra da của bé. Do đó, nếu bé có những triệu chứng của bệnh chàm, bạn nên đưa bé đến bác sĩ da liễu để khám và điều trị. Không có cách nào biết được khi nào bé sẽ mắc bệnh nhưng khả năng mắc bệnh sẽ giảm dần khi bé lớn.

Lời khuyên đặc biệt cần nhớ

Tập trung vào nâng cao tinh thần của bạn

Mặc dù trầm cảm sau sinh thường xuất hiện nhiều nhất trong sáu tháng đầu đời của em bé nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên. Hãy chắc chắn kiểm tra bạn và chồng của bạn mỗi tháng về cảm xúc và trạng thái tinh thần của bạn. Một số phụ nữ có thể nhận thấy sự thay đổi tâm trạng xảy ra khi em bé giảm bú, vì vậy hãy lưu ý rằng việc cai sữa hoặc em bé ăn dặm cũng có thể ảnh hưởng đến bạn. Nếu bất cứ lúc nào bạn cảm thấy muốn làm tổn thương chính mình hoặc em bé, hãy gọi bác sĩ của bạn ngay lập tức.

Cân nhắc biện pháp tránh thai

Nhiều phụ nữ đã nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt của họ trở lại vào khoảng thời gian khi em bé được 6 tháng hoặc 7 tháng tuổi. Một số phụ nữ sẽ thấy sự trở lại của kinh nguyệt sớm hơn nhiều. Có thể mất một thời gian để cơ thể điều chỉnh trở lại, do đó bạn có thể thấy các chu kỳ kéo dài hoặc ngắn hơn trong khi bạn tiếp tục cho con bú. Vì cho con bú có thể làm gián đoạn chu kỳ đều đặn của bạn, điều quan trọng là phải quyết định hình thức tránh thai phù hợp với bạn. Bạn thực sự có thể mang thai một lần nữa sớm hơn bạn nghĩ!

Thời điểm này có lẽ bạn đã được đền đáp một chút cho những vất vả mà bạn đã phải gánh chịu

Em bé 7 tháng tuổi có thể mang đến cho bạn nhiều niềm vui, hạnh phúc, và mặc dù bạn vẫn còn cảm thấy mệt mỏi thì quả thật sự chịu đựng gần như kiệt sức của những tháng đầu tiên đã giảm đi. Bé yêu của bạn đã trở nên dễ chịu hơn, thói quen ăn, ngủ cũng trở nên đều đặn hơn, và bé cũng đủ cứng cáp để bế dễ dàng. Điều này có nghĩa là bạn có cơ hội đi ra ngoài, dành thời gian cho bản thân khi mà em bé của bạn không cần quá nhiều sự chăm sóc của bạn.

Nếu như bạn đã quên mất thói quen chăm sóc vẻ bề ngoài của mình từ ngày sinh em bé, thì bây giờ hãy sửa soạn làm tóc, hay chăm sóc sắc đẹp lại là vừa. Hãy chia sẻ mối quan tâm về em bé với một người bạn, và tận hưởng cảm giác được chăm sóc, thay vì đã liên tục là người chăm sóc. Một khoảng thời gian dành riêng cho bản thân sẽ thực sự diệu kỳ khi giúp bạn lấy lại phong độ vốn có của mình.

Cho bé thời gian

Cuối cùng, thời gian 7 tháng là thời gian chuyển tiếp cho bé. Một số bé có thể bò, một số có thể cần nhiều thời gian hơn. Một số có thể thích ăn thức ăn đặc, một số khác khác có thể vẫn tập trung vào việc bú mẹ hoặc sữa công thức. Đừng để bị cuốn vào việc so sánh bé yêu với các bé khác hoặc thúc đẩy em bé của bạn đạt các mốc quan trọng trước khi chúng sẵn sàng. Em bé của bạn sẽ phát triển theo cách riêng của bé.

Xem thêm: Sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi và cách chăm sóc bé

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment