Chăm sóc trẻ

Sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi và cách chăm sóc bé

Vượt qua tháng thứ 7, khi bé bắt đầu mọc răng, đến tháng này em bé của bạn rất có thể bận rộn vì chúng thích bò và khám phá thế giới chủ yếu bằng cách đưa mọi thứ vào miệng. Một thế giới mới sẽ được mở ra trước mắt khi trẻ bắt đầu tự di chuyển được. Nhờ vào sự phát triển của não bộ, trẻ trở nên tò mò và tự tin hơn, có đủ khả năng để đến những nơi trẻ muốn. Bằng những tác động thông minh qua các trò chơi với con  và cung cấp cho con một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bạn sẽ góp phần thúc đẩy khả năng suy nghĩ và tự lập của trẻ.

Đừng nên quá lo lắng nếu sự tăng trưởng của trẻ không hoàn toàn tuân theo những cột mốc này, bởi trẻ vẫn có thể đang cố gắng bộc lộ những đặc điểm của những tháng trước hoặc  “làm trước” những kỹ năng của những tháng sau này. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin cho bạn về sự phát triển bình thường của bé và cách chăm sóc bé yêu trong tháng này.

Xem thêm: Nuôi con bằng sữa mẹ: Tất cả những gì các mẹ PHẢI biết!

Sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi

trẻ 8 tháng tuổi

Nếu bạn lo lắng về sự tăng trưởng của bé, bạn có thể đưa bé đến trung tâm dinh dưỡng và sức khoẻ để kiểm tra. Mỗi bé đều là một cá thể riêng biệt và duy nhất nên sự tăng trưởng cũng sẽ khác nhau.

Chiều cao trung bình của bé ở tháng này là:

  • Bé trai: 66.5 – 74.7 cm
  • Bé gái: 64.3 – 73.2 cm

Cân nặng trung bình của bé ở tháng này là:

  • Bé trai: 7.0 – 10.5 kg
  • Bé gái: 6.3 – 10.0 kg

Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng đây chỉ là những con số tham khảo. Mỗi bé sẽ dịch chuyển ít nhiều so với cân nặng và chiều cao nằm trong khoảng trên, miễn bé luôn ổn định sức khỏe thì bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này.

Các mốc phát triển

Thân hình

  • Chuyền đồ vật từ tay này sang tay kia
  • Lật người từ ngửa sang sấp và ngược lại
  • Ngồi mà không cần hỗ trợ của bố mẹ
  • Mẹ có thể giữ thăng bằng cho bé đứng và tập bước
  • Bò ra xung quanh
  • Nhìn rõ khắp phòng (thị lực đang đến gần tới mức của người lớn)
  • Có thể vừa cầm vật vừa trườn về phía trước
  • Có thể tự vịn vào cũi, thành giường để bước
  • Khi nằm ngửa biết cong lưng lên để mình có thể nhìn được xung quanh
  • Có thể dùng ngón trái, ngón trỏ, ngón giữa để cầm khối xếp hình; biết phối hợp ngón cái và ngón trỏ để cầm đồ vật; biết nhặt những vật nhỏ từ dưới đất lên.
  • Khi đặt khối xếp hình trước mặt bé, hai tay bé sẽ cầm hai khối hơn 1 phút và còn biết đập chúng vào nhau.
  • Cho một quả bóng nhỏ vào trong cái lọ miệng rộng, rồi đưa cho bé, bé biết đổ quả bóng từ trong lọ ra; khi thấy quả bóng lăn ra, bé sẽ đưa tay cầm lấy.

Trí não

  • Bộc lộ cảm xúc vui vẻ hay khó chịu hoặc buồn bã bằng âm thanh
  • Đáp lại khi người khác nói chuyện cùng
  • Phản ứng khi được gọi tên
  • Nhận ra khuôn mặt quen thuộc của người nhà
  • Có phản xạ nếu gặp ai đó là người lạ (sợ hãi, khóc lóc hoặc ngó tìm người thân)
  • Thích ngắm mình trong gương
  • Bắt đầu kết hợp các nguyên âm với nhau khi nói chuyện
  • Mỉm cười, cười lớn khi nói được phụ âm như b,m
  • Tìm hiểu về thế giới thông bên ngoài qua vị giác và xúc giác, cho đồ vật vào miệng, mút.
  • Nhận biết các từ cơ bản như ba, mẹ, chào, tạm biệt…
  • Bắt  đầu quan sát hành vi của người lớn, khi người lớn đứng trước mặt bé và đưa hai tay để gọi bé, bé sẽ cười và đưa tay ra để đòi bế.
  • Biết bắt chước hành vi của người lớn, khi người lớn mi gió  và yêu cầu bé làm lại, bé sẽ làm theo. Khi chơi trò vỗ tay với bé, bé sẽ tích cực phối hợp và cố bắt chước.
  • Có thể nghe hiểu lời nói  và tình cảm của người lớn, dần dần biết cách phân biệt tâm trạng của người lớn, như khi được khen, bé sẽ cười vui sướng; khi bị mắng, bé sẽ xịu mặt xuống; khi thấy mẹ vui vẻ thì bé sẽ cười.

Khi nào cần đưa bé đi khám

Mặc dù mỗi em bé sẽ có một sự phát triển khác nhau, nhưng nếu em bé của bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây, hãy chắc chắn trao đổi với bác sĩ hoặc đưa bé đi khám ngay:

  • Không cố gắng với tới các đồ vật xung quanh chúng
  • Không đáp lại tình cảm từ bạn
  • Không có phản ứng để đáp ứng với âm thanh bên ngoài
  • Không thể mang đồ xung quanh, như đồ chơi vào miệng
  • Không thể tạo ra âm thanh bộc lộ cảm xúc
  • Không thể lật người
  • Không cười hoặc không nói bi bô
  • Có vẻ khó hoặc không thể di chuyển đầu dễ dàng
  • Không tăng cân.

Một ngày của trẻ 8 tháng tuổi diễn ra như thế nào?

Một ngày trong cuộc sống của một đứa trẻ 8 tháng tuổi như thế nào? Một ngày của bé có thể trông giống như thế này:

  • 7:00 sáng thức dậy, bú mẹ và ăn sáng
  • 08:00 thời gian vui chơi
  • 10:00 ngủ trưa
  • 12:30 tỉnh giấc, bú mẹ hoặc ăn dặm
  • 13:00 hoặc 14:00 ngủ trưa
  • 17h30 ăn tối, chơi đùa
  • 19:00 ngủ

Cách chăm sóc em bé 8 tháng tuổi

Nếu em bé của bạn chưa biết bò, đừng quá lo lắng. Các em bé phát triển theo các mốc thời gian khác nhau là điều bình thường, đặc biệt là đối với các cột mốc lớn của bé như bò và tập đi. Đến 8 tháng, phần lớn trẻ sơ sinh đã biết bò, nhưng nếu con nhỏ của bạn chưa thể bò đước thì không sao. Bạn có thể khuyến khích bé bằng cách cho bé trườn bụng và thậm chí có thể lên chiến lược đặt một vài đồ chơi ngoài tầm với để tạo cho bé động lực để bò với lấy.

Giai đoạn này, bé sẽ tập bò và tự vật lộn để có thể ngồi được 1 mình. Bé có thể leo trèo khắp nơi rồi trườn khắp sàn nhà. Bé sẽ lăn để di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Bé biết cách phối hợp tứ chi để di chuyển đến nơi mình muốn, dù bé cũng chỉ có thể di chuyển từng đoạn ngắn mà thôi. Bé cũng bắt đầu chập chững tập đứng. Bé biết vịn vào cũi để đứng lâu hơn. Mỗi khi không với tới đồ chơi hoặc có gì bất an, bé biết tỏ thái độ để làm bạn chú ý. Các kỹ năng sẽ phát triển và hoàn thiện dần. Bạn nên vỗ tay khen bé mỗi khi bé cố gắng tự kiểm soát cơ thể mình.

Trẻ 8 tháng tuổi đã hoàn thiện nhiều kỹ năng của đôi bàn tay. Nhờ khả năng điều khiển tốt bàn tay và các ngón tay, lúc này, bé đã dễ dàng thả một đồ vật rơi xuống. Bên cạnh đó, bé cũng thích thử một trò chơi mới: Ném các đồ vật đi. Đó là lý do bạn vẫn nên ưu tiên chọn những món đồ chơi mềm mại, có độ đàn hồi tốt cho các bé ở tuổi này.

Dinh dưỡng cho trẻ 8 tháng tuổi

Đến 8 tháng, em bé của bạn sẽ dần bắt đầu chuyển sang ăn nhiều thức ăn đặc hơn sữa mẹ hoặc sữa công thức. Sự phát triển lớn nhất trong tháng này là trẻ sơ sinh của bạn có thể điều khiển bàn tay tốt hơn, vì vậy chúng có thể lấy thức ăn bằng ngón tay trỏ và ngón cái. Kỹ năng mới này mở ra một thế giới hoàn toàn mới về thực phẩm! Bạn có thể bắt đầu cho bé ăn thức ăn bằng các bốc, chẳng hạn như đậu Hà Lan ngọt nấu chín, trái cây được thái hạt lựu, cơm viên, thịt được cắt nhỏ… Điều này cũng khuyến khích sự phối hợp giữa tay và mắt bé.

Mặc dù chuyển sang nhiều thực phẩm rắn hơn, bé yêu của bạn vẫn sẽ cần khoảng một nửa lượng calo của chúng, khoảng 450 calo mỗi ngày, từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Điều đó có nghĩa là em bé của bạn nên uống khoảng 720 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày. Bé yêu có thể bú mẹ hoặc bú bình suốt cả ngày trước khi bạn cho bé ăn thức ăn đặc trong bữa ăn, và trước khi ngủ trưa và đi ngủ tối. Nếu bé bú mẹ, bạn sẽ thấy bé không đòi bú nhiều như trước. Vì lúc này, thức ăn đặc giúp bé no lâu hơn. Nhưng dù là bú bình hay bú mẹ, bạn vẫn nên duy trì khoảng 4 bữa bú/ngày cho bé 8 tháng tuổi nhé.

Đối với các bữa ăn dặm bạn mẹ nên cho con ăn bột ngũ cốc, hoa quả, rau cải và các loại thịt nghiền. Một số bé sẽ rất hứng thú với việc ăn dặm trong khi một số sẽ thờ ơ. Sau đây là các lời khuyên cho chế độ ăn dặm của trẻ 8 tháng tuổi:

  • Ít nhất 3 bữa ăn dặm mỗi ngày
  • Một ngày cho bé uống không quá 60-120ml nước để đảm bảo con vẫn bú sữa mẹ hoặc sữa công thức đầy đủ.
  • 2-3 phần ngũ cốc trẻ em một ngày. (1 phần = 1 thìa cà phê)
  • 2-3 phần rau
  • 1 phần protein
  • Bú mẹ 4 bữa/ ngày.

Bạn cũng có thể tiếp tục giới thiệu thực phẩm mới cho bé, tăng sự đa dạng trong chế độ ăn uống của chúng với nhiều kết cấu và mùi vị hơn. Hãy nhớ rằng không phải tất cả các em bé đều mọc răng cùng một lúc. Nếu em bé của bạn đã mọc răng, bé có thể sẵn sàng nhận thức ăn có kết cấu đặc hơn, nhưng nếu em bé chưa mọc răng, bạn nên cho bé ăn thức ăn mềm.

Dưới đây là một số mẹo khác cần ghi nhớ trong giai đoạn chuyển đổi này với thực phẩm:

  • Trung bình bạn phải cho bé ăn một loại thức ăn mới vài lần trước khi bé chấp nhận. Vì vậy, nếu lúc đầu bạn không thành công, điều đó không nhất thiết có nghĩa là con bạn ghét thức ăn đó, chúng có thể chỉ cần thêm một vài lần cho ăn để quen với mùi vị và kết cấu mới.
  • Nhu động ruột của bé cũng có thể trông khác khi bé ăn nhiều thức ăn đặc hơn.
  • Bắt đầu với 1-2 muỗng ăn dặm trong 2-3 lần mỗi ngày khi bạn bắt đầu cho ăn và từ từ tăng lên khoảng 4 hoặc 5 muỗng mỗi lần cho ăn khi bé lớn lên.
  • Không bao giờ ép bé hoàn thành một phần ăn. Nếu bé quay đầu đi hoặc ngậm miệng, dừng cho ăn.
  • Các loại thực phẩm ngoài giới hạn duy nhất là bất kỳ loại thực phẩm nào có thể gây nghẹt thở và mật ong. Em bé dưới 1 tuổi không nên ăn mật ong .

Ở tuổi này, một số bé cũng phải vật lộn với việc nhai thức ăn. Bé của bạn có thể đang học cách nhai và nuốt, có thể quá nhiệt tình với thức ăn và “quên” nhai, hoặc trong một số trường hợp, bé có thể bị nôn trớ. Ở trẻ sơ sinh, có tới 20 – 50% trẻ bị nôn trớ sau ăn và thường tự khỏi khi bé 6 – 12 tháng tuổi. Nôn trớ còn hay gặp trong nhiều bệnh khác nhau của trẻ nhỏ. Nôn trớ làm rối loạn chất điện giải và nước, gây tổn hại đến sức khỏe bé, vì thế cần cho bé đi khám nếu bé thường xuyên nôn trớ để tìm nguyên nhân và được xử trí kịp thời.

Bởi vì em bé của bạn ăn nhiều thức ăn đặc và trở nên náo động hơn trong khoảng thời gian này, bạn có thể ít quan tâm đến việc cho con bú hoặc trở nên mất tập trung hơn trong khi bú. Có thể bé của bạn đang muốn cai sữa. Một số bé sẽ tự cai sữa sớm hơn những bé khác. Nhưng theo các bác sĩ, tốt nhất bạn nên cố gắng cho con bú đến một tuổi. Cố gắng giảm thiểu phiền nhiễu và khuyến khích bé của bạn thông qua các bữa bú bằng cách:

  • Đến một không gian yên tĩnh để cho bé bú
  • Sử dụng âm nhạc du dương cho bé thư giãn
  • Tương tác với bé bằng ánh mắt và giọng nói.

Giấc ngủ của bé 8 tháng tuổi

Một đứa trẻ 8 tháng tuổi sẽ ngủ trung bình 13-14 giờ mỗi ngày. Nhiều khả năng, em bé của bạn sẽ ngủ trưa đều đặn, thường có những giấc ngủ ngắn từ hai đến ba giờ, 2 tới 3 cữ ban ngày, ban đêm ngủ khoảng 8-10 giờ. Ở giai đoạn này, cũng có thể bé sẽ khó đi ngủ và khó ngủ trưa hơn, tuy nhiên việc này sẽ không còn cho đến khi bé 2 tuổi nên cha mẹ đừng quá lo lắng nếu bé tỏ ra khó chịu mỗi khi bạn cố gắng rời khỏi phòng.

Ở tuổi này, bé cưng của bạn đã phát triển ý thức về sự tồn tại của người thân, điều đó có nghĩa là bé cảm thấy an tâm khi có bạn trong phòng. Bé cũng đã tìm ra rằng hành động của bé sẽ có ảnh hưởng như thế nào với bạn. Khi bé khóc, bé biết bạn sẽ quay lại phòng và đón bé.

Kết nối mới này có thể gây ra một số thay đổi trong thói quen ngủ của bạn vì bé sẽ cố gắng kiểm tra xem bạn có ở bên bé mọi lúc không. Bé sẽ ngủ những giấc dài hơn trong đêm nên bạn cũng ngủ được nhiều hơn. Tuy nhiên, bé rất nhạy cảm với sự hiện diện của bạn trong phòng. Bạn có thể sắp xếp nôi của bé sao cho bé nhìn thấy được bạn. Nếu chính bạn không ngủ được thì bạn hãy xem lại cách bố trí phòng ngủ của mình. Thùng đồ giặt, quần áo bé, đồ chơi và nhiều vật dụng bừa bãi khắp phòng. Bạn hãy dọn cho gọn gàng. Cất bớt đồ vào những phòng khác. Tạo không khí thoải mái cho phòng ngủ của mình.

Khi bé ngủ, bạn hãy tranh thủ nghỉ ngơi một chút. Dành thời gian này cho riêng bạn. Đừng bỏ bê bản thân nhé, vì nếu bỏ bê bản than lâu ngày, bạn có thể bị ức chế và trở nên nóng nảy. Cố gắng tự chăm sóc và quý trọng bản thân mình

Sức khỏe và an toàn cho bé 8 tháng tuổi

Bé yêu của bạn sẽ tiếp tục mọc răng trong vài tháng tới, vì vậy bạn có thể giữ các mẹo chăm sóc răng miệng như tháng thứ 7 để cả hai cùng có thể vượt qua. Đừng quên tiếp tục thực hành vệ sinh răng miệng cho trẻ, bắt đầu ngay cả khi bé  chưa có răng. Khi răng đầu tiên của bé xuất hiện, bạn cũng có thể thêm một lượng nhỏ kem đánh răng để vệ sinh cho bé.

Khi bé học cách nhặt đồ vật và thức ăn, hãy chú ý cẩn thận. Bé của bạn có thể cho bất cứ thứ gì vào miệng, thậm chí cả những thứ không phải là thực phẩm. Vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi em bé, để những vật dụng không an toàn tránh xa tầm với của bé. Ngôi nhà lúc này cũng nên được sắp xếp lại để đảm bảo an toàn cho trẻ. Bạn có thể thực hiện những phương pháp sau đây:

  • Sử dụng ổ cắm an toàn
  • Giữ sàn nhà sạch sẽ, bỏ giày dép ở ngoài
  • Đặt đồ vật sắc nhọn, thuốc men ở ngoài tầm với của trẻ, trong tủ khóa cẩn thận
  • Không bao giờ để em bé của bạn ăn mà không có sự giám sát.
  • Tránh các nguy cơ nghẹt thở thông thường, chẳng hạn như tiền xu, sỏi, đá, đồ chơi nhỏ…
  • Cố định bất kỳ đồ đạc nặng nào vào tường, như tủ quần áo, kệ tivi và tủ sách. Khi em bé của bạn học cách kéo với đồ vật, nguy cơ những loại đồ vật này đổ vào bé là rất lớn.
  • Nếu bé của bạn bị dị ứng thực phẩm, hãy lên lịch hẹn với bác sĩ và cho bé đi khám sớm nhất có thể. Hãy chắc chắn rằng bạn hoặc người nhà không nấu thực phẩm gây dị ứng hoặc có nguy cơ gây dị ứng cho bé.
  • Khi bé tập bò hoặc tập đi, đảm bảo rằng luôn luôn có người giám sát bé.

Khi bước sang tháng tuổi thứ 8 bé bắt đầu tập ăn nhiều loại thức ăn mới có nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, ngoài những bệnh thông thường như: cảm cúm, rôm sảy, mụn nhọt do sự thay đổi thời tiết, trẻ còn rất dễ mắc phải một số bệnh có tính chất nguy hiểm hơn như dị ứng thức ăn, hoặc sặc, hóc thức ăn…Do đó, bạn và người nhà cần đặc biệt chú ý khi cho bé ăn nhé!

Những điều cần ghi nhớ khác

Cho bé nghe nhạc

Não của bé bây giờ là một miếng bọt biển, vì vậy hãy thử nghiệm cho bé nghe các loại nhạc khác nhau và xem phản ứng của bé. Bé đang giai đoạn tò mò, háo hức thông qua bất cứ thứ gì gây hứng thú cho bé. Ba mẹ nên nói chuyện nhiều với con về mọi việc ở trong nhà. Việc này sẽ giúp bé học được thêm nhiều từ mới và phát triển khả năng giao tiếp tốt hơn. Hãy lắng nghe và đáp lại những lời bập bẹ của bé. Con sẽ cảm thấy được yêu quý và lắng nghe. Vào thời gian này, bé rất thích nghe giọng nói của ba mẹ và chú ý đến những biểu cảm trên gương mặt người nói chuyện.

Dạo chơi bên ngoài

Em bé của bạn đã đủ tuổi để dùng kem chống nắng, vì vậy bạn có thể bắt đầu cho em bé sử dụng kem chống nắng dành riêng cho trẻ nhỏ và đưa bé ra ngoài dạo chơi. Hãy nhớ tránh khung giờ nắng gắt 10h-15h để ánh nắng không tổn hại đến em bé.

Giữ an toàn cho bé

Các bé ở tuổi này đang rất hứng thú với việc tập đứng lên. Bé sẽ bám vào thành nôi, ghế sofa hay chân bàn để kéo thân thể đứng dậy. Đây cũng là thời điểm mẹ nhận thấy bé bị té ngã liên tục. Để con không bị chấn thương, bên cạnh việc để bé tự do khám phá thì mẹ vẫn nên ở gần con để giúp bé xử lý những tình huống mất thăng bằng hoặc té ngã.

Chia sẻ

Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi với việc trông bé 24/24, hãy nghĩ tới việc thuê người giữ trẻ. Bạn nên chia sẻ với chồng về cảm giác của bạn hoặc tâm sự với những người mẹ khác để có người hiểu bạn hơn. Bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn thêm về cảm xúc giai đoạn này và làm sao để làm tốt mọi việc.

Xem thêm: Trẻ 9 tháng tuổi: Sự phát triển và cách chăm sóc bé

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment