Bệnh về da Chăm sóc da

Ung thư hắc tố da là gì? Tất cả những điều bạn cần biết về nó

Ung thư hắc tố da là gì?

ung thư tế bào hắc tố da

Melanoma, loại ung thư da nghiêm trọng nhất, phát triển trong các tế bào melanocytes sản xuất melanin – sắc tố mang lại cho làn da của bạn màu sắc. U hắc tố cũng có thể hình thành trong mắt và hiếm khi xuất hiện trong các cơ quan nội tạng, chẳng hạn như ruột.

U tế bào hắc tố, hay còn gọi là ung thư tế bào hắc tố, u hắc tố ác tính. Là một loại ung thư da nguy hiểm nhất khởi đầu từ sự rối loạn của các tế bào hắc tố. Hầu hết các khối u ác tính xuất hiện như nốt ruồi và lan ra các vùng lân cận. Sau đó, các khối u này sẽ xâm lấn đến da, võng mạc, tĩnh mạch, các hạch bạch huyết, cuối cùng di căn đến gan, não, phổi và xương.

Nguyên nhân chính xác của tất cả các u hắc tố không rõ ràng, nhưng tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời hoặc giường tắm nắng làm tăng nguy cơ phát triển u hắc tố. Hạn chế tiếp xúc với bức xạ UV có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư da.

Nguy cơ u ác tính dường như đang gia tăng ở những người dưới 40 tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Biết các dấu hiệu cảnh báo ung thư da có thể giúp đảm bảo rằng những thay đổi ung thư được phát hiện và điều trị trước khi ung thư lan rộng. Khối u ác tính có thể được điều trị thành công nếu được phát hiện sớm.

Ung thư tế bào hắc tố (Malignant melanoma – MM) chiếm khoảng 5% các ung thư da và khoảng 1% các loại ung thư. Theo nhiều nghiên cứu thì số lượng bệnh nhân ung thư tế bào hắc tố ngày càng tăng. Riêng ở Na Uy và châu Úc, chỉ trong thời gian 10 năm từ 1970 đến 1980 số bệnh nhân bị ung thư tế bào hắc tố đã tăng lên gấp đôi. Theo một số nghiên cứu những năm gần đây, tốc độ tăng của bệnh vẫn duy trì ở mức độ cao trên toàn thế giới, đặc biệt ở châu Úc, Bắc Mỹ và các nước Bắc Âu. Ở Mỹ năm 2006 có 111.900 trường hợp ung thư tế bào hắc tố được phát hiện.

[wpsm_box type=”red” float=”none” text_align=”center”]
Xem thêm: Tổng hợp các bệnh về da phổ biến nhất hiện nay
[/wpsm_box]

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ của ung thư hắc tố

Nguyên nhân gây ung thư hắc tố da hiện chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên tiếp xúc nhiều với tia UV từ ánh nắng mặt trời là yếu tố nguy cơ chính của bệnh.

Ung thư hắc tố da xảy ra khi các tế bào sản xuất melanin – sắc tố da của cơ thể bị phát triển quá mức không thể kìm hãm, dẫn đến hình thành khối u ác tính. Nguyên nhân là do các tổn thương DNA ở tế bào bình thường. Tuy nhiên tại sao DNA bị tổn thương và dẫn tới hình thành các khối u vẫn chưa được biết rõ.

Thông thường, các tế bào da phát triển một cách có kiểm soát và có trật tự – các tế bào mới khỏe mạnh đẩy các tế bào cũ về phía bề mặt da của bạn, nơi chúng chết đi và cuối cùng rơi ra. Nhưng khi một số tế bào phát triển tổn thương DNA, các tế bào mới có thể bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát và cuối cùng có thể tạo thành một khối các tế bào ung thư.

Những gì làm hỏng DNA trong các tế bào da và làm thế nào điều này dẫn đến khối u ác tính hiện vẫn không rõ ràng. Có khả năng đó là sự kết hợp của các yếu tố, bao gồm các yếu tố môi trường và di truyền, gây ra khối u ác tính. Tuy nhiên, các bác sĩ tin rằng việc tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ mặt trời và từ giường tắm nắng là nguyên nhân hàng đầu của khối u ác tính ở da.

Yếu tố nguy cơ

Tia UV không phải là nguyên nhân gây ra tất cả các trường hợp ung thư hắc tố, đặc biệt ở các vị trí không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (kẽ tay chân, gan bàn tay, bàn chân…). Điều đó chứng tỏ có nhiều yếu tố nguy cơ khác của ung thư hắc tố, bao gồm:

Da trắng

Có ít các sắc tố (melanin) trên da có nghĩa rằng bạn có ít khả năng bảo vệ khỏi các bức xạ UV hơn. Người tóc vàng, người dễ dàng có các tàn nhang, rám nắng có nguy cơ phát triển ung thư hắc tố hơn người da da đen.

Tiếp xúc với tia cực tím (UV) quá mức

Tiếp xúc với bức xạ tia cực tím, đến từ mặt trời và từ ánh sáng giường tắm nắng, có thể làm tăng nguy cơ ung thư da, bao gồm cả ung thư hắc tố da. Tia UVA và UVB đều gây nguy hiểm cho da, và có thể gây ung thư da, trong đó có ung thư hắc tố. Đặc biệt, khi còn nhỏ, cháy nắng sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. Những người sống ở những nơi có số giờ nắng nhiều như Florida, Hawaii và Australia – thường dễ mắc ung thư da; tại một số địa điểm phía Bắc bán cầu, người dân da sáng cũng có khả năng gặp phải một số dạng ung thư da. Không nên lạm dụng nhuộm da vì nó làm tăng tiếp xúc với tia UV, do đó tăng nguy cơ phát triển ung thư hắc tố và nhiều dạng ung thư da khác

Tiền sử cháy nắng

Cháy nắng là yếu tố thuận lợi đối với ung thư tế bào hắc tố. Hầu hết các trường hợp mắc ung thư tế bào hắc tố đều có tiền sử bị cháy nắng khi còn trẻ. Người ta thấy rằng những người da trắng, làm việc trong văn phòng ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chỉ bị cháy nắng 1 đến 2 lần trong dịp nghỉ mỗi năm có tỉ lệ mắc bệnh cao.

Sống gần xích đạo hơn hoặc ở độ cao cao hơn

Những người sống gần xích đạo trái đất, nơi các tia mặt trời trực tiếp hơn, sẽ nhận lượng bức xạ UV cao hơn so với những người sống ở vĩ độ cao hơn. Ngoài ra, nếu bạn sống ở độ cao lớn, bạn sẽ tiếp xúc với nhiều bức xạ UV hơn.

Có nhiều nốt ruồi hoặc các nốt ruồi không bình thường

Có nhiều hơn 50 nốt ruồi là yếu tố nguy cơ của ung thư hắc tố. Tương tự, có nhiều các nốt ruồi bất thường cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh. Có hai loại nốt ruồi: nốt ruồi bình thường – những điểm nhỏ màu nâu xuất hiện trong vài chục năm đầu đời, chúng có ở gần như tất cả mọi người – và nốt ruồi không điển hình, còn được gọi là các vết chàm bất thường (dysplastic nevi). Nốt ruồi không điển hình có thể là tiền thân của khối u hắc tố. Tuy nhiên, càng nhiều nốt ruồi (dù là loại bình thường), nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Tiền sử gia đình bị ung thư hắc tố

Người có tiền sử gia đình mắc ung thư hắc tố, đặc biệt là người thân thế hệ 1 như bố mẹ, anh chị em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Tiền sử mắc ung thư da

Một khi bạn đã có khối u ác tính, tỉ lệ tái phát bệnh rất cao. Những người đang có hoặc đã có ung thư biểu mô tế bào đáy (basal cell carcinoma) và ung thư tế bào vảy (squamous cell carcinoma) cũng có nguy cơ tiến triển thành ung thư hắc tố.

Suy giảm hệ miễn dịch

Người có hệ miễn dịch bị suy giảm có nguy cơ ung thư hắc tố da cao hơn. Những người có hệ thống miễn dịch yếu, chẳng hạn như những người đã trải qua cấy ghép nội tạng, có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao hơn.

Hormon

Mối liên quan giữa hormon sinh dục nữ (oestrogen) và ung thư tế bào hắc tố cho đến hiện nay vẫn còn được tranh luận. Một vài nghiên cửu cho thấy tỉ lệ ung thư tế bào hắc tố cao hơn ở những người dùng thuốc tránh thai so với nhóm chứng và ung thư tế bào hắc tố xuất hiện trong thời kỳ thai nghén có tiên lượng xấu hơn. Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc tránh thai cũng như thai nghén không phải là yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện, phát triển cũng như tiên lượng của ung thư tế bào hắc tố.

Triệu chứng của ung thư hắc tố

Ung thư hắc tố da có thể biểu hiện ở mọi vị trí trên cơ thể. Chúng thường phát triển trên các vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như lưng, chân, tay và mặt.

Ung thư hắc tố da cũng có thể xảy ra ở các vùng ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như gan bàn chân, gan bàn tay và móng tay, đặc biệt ở người có làn da đen.

Các dấu hiệu ban đầu của ung thư hắc tố da:

  • Thay đổi trên nốt ruồi cũ: Đột ngột thay đổi về hình dáng, kích thước hay chảy máu, ngứa ngáy. Nốt ruồi có màu sẫm dần hoặc có thể loét sùi, đường viền không đều, nham nhở, bất đối xứng.
  • Xuất hiện nốt tăng sắc tố hoặc khác thường trên da.

Đặc biệt: Ung thư hắc tố không phải luôn bắt đầu từ nốt ruồi có sẵn mà có thể xảy ra ở các vị trí da bình thường khác. Sự khác nhau giữa nốt ruồi bình thường và bất thường:

Dấu hiệu ABCDE

Nốt ruồi, đốm nâu trên da thường vô hại. Tuy nhiên những ai có hơn 100 nốt ruồi trên cơ thể có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao hơn bình thường. Những dấu hiệu bệnh đầu tiên có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều nốt ruồi không điển hình. Đó là lý do tại sao việc nhận ra các thay đổi của nốt ruồi là vô cùng quan trọng. Hãy tìm những dấu hiệu ABCDE của căn bệnh ung thư hắc tố và nếu bạn nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu sau, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

A: Asymmetrical/ Tính bất đối xứng

Nốt ruồi lành tính có dạng đối xứng. Nếu bạn vẽ một đường thẳng qua tâm, nó sẽ chia nốt ruồi thành hai phần bằng nhau. Nếu bạn vẽ một đường thẳng qua nốt ruồi bất thường, hai nửa sẽ tạo hai phần không đối xứng – chính là một dấu hiệu cảnh báo cho khối u ác tính.

B: Borders/ Đường viền

Một nốt ruồi lành tính có bề mặt và viền nhẵn. Trong khi đó, viền của một khối u hắc tố ác tính ở giai đoạn đầu có xu hướng không đồng đều, thường có dạng vỏ sò hoặc có các khe hình chữ V.

C: Color/ Màu

Hầu hết các nốt ruồi lành tính có màu đồng đều – thường là màu nâu. Nốt ruồi nhiều màu là một tín hiệu cảnh báo. Một số sắc thái khác nhau của màu nâu, chàm hoặc đen có thể xuất hiện. Khối u hắc tố cũng có thể chuyển thành màu đỏ, trắng hoặc màu xanh.

D: Diameter/ Đường kính

Nốt ruồi lành tính thường có đường kính nhỏ hơn so với những khối u ác tính. Đường kính u hắc tố thường lớn khoảng ¼ inch hoặc 6mm, nhưng đôi khi chúng trông nhỏ hơn khi phát hiện sớm.

E: Evolving/ Phát triển (mở rộng)

Thông thường, nốt ruồi lành tính không biến đổi theo thời gian. Hãy cảnh giác khi một nốt ruồi bắt đầu phát triển hoặc thay đổi theo bất kỳ cách nào. Những thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc, độ cao. Các triệu chứng như chảy máu, ngứa hoặc đóng vảy đều là những dấu hiệu nguy hiểm.

Ung thư tế bào hắc tố nông

Thể này thường gặp ở người da trắng (chiếm 70% ung thư tế bào hắc tố ở người da trắng), lứa tuổi từ 40 đến 50. Tổn thương xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể. Tuy nhiên, phụ nữ thường bị ở cẳng chân và nam giới lại gặp nhiều ở lưng. Lúc đầu tổn thương có màu nâu xen kẽ màu xanh, bờ không đều, kích thước nhỏ và phẳng sau tiến triển lan rộng ra xung quanh, để lại sẹo teo hoặc nhạt màu ở giữa. Sau một thời gian tổn thương trở nên dày, xuất hiện các nốt, cục, loét, chảy máu. Một đặc điểm nổi bật của ung thư tế bào hắc tố là hiện tượng màu sắc không đồng nhất với sự xen kẽ giữa màu nâu và màu đen hay màu xám ở tổn thương.

Những nốt ruồi không điển hình thường xuất hiện từ bé hay trong quá trình phát triển của cơ thể, kích thước nhỏ, giới hạn không rõ với da lành. Điều đặc biệt là chúng có thể hư biến thành ung thư tế bào hắc tố. Chúng ta có thể xác định mức độ lành tính hay đã hư biến của thương tổn bằng dermatoscope (một dụng cụ có độ phóng đại trên 10 lần, giúp cho chúng ta có thể phát hiện ung thư tế bào hắc tố giai đoạn sớm dựa vào những thay đổi về sắc tố của tồn thương). Trường hợp nghi ngờ, nên phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tổn thương và làm xét nghiệm mô bệnh học để xác định.

Ung thư tế bào hắc tố thể u

Thể này thường hay gặp ở lứa tuổi 50 đến 60 tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ.

Thương tổn là những u nhỏ, nồi cao trên mặt da, hình vòm đôi khi có cuống, thường có màu nâu đỏ. Thương tổn có thể loét, dễ chảy máu, hay tăng sắc tố rải rác trên bề mặt. Thương tổn hay gặp ở thân mình, tuy nhiên có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Bệnh tiến triển nhanh nên thường được chẩn đoán muộn hơn so với thể nông bề mặt và có tiên lượng xấu.

Ung thư tế bào hắc tố Dubreuilh

Loại ung thư này thường gặp ở người nhiều tuổi. Thương tổn là các dát màu nâu hay đen hình dạng không đều. Các dát này thường xuất hiện ở vùng da hở như má, thái dương và trán. Thương tổn tiến triển lâu nhiều tháng, nhiều năm có xu hướng lan rộng ra xung quanh đôi khi lành ở giữa, sau đó xuất hiện u ở trên tổn thương, báo hiệu sự xâm lấn sâu xuống phía dưới.

Các thể khác của ung thư tế bào hắc tố

Thể đầu chi

Thương tổn thường gặp ở lòng bàn tay, bàn chân, đặc biệt là ở gót chân (chiếm 50% ung thư tế bào hắc tố ở bàn chân). Khởi đầu là một vùng da tăng sắc tố màu sắc không đồng nhất, màu nâu xen kẽ màu đen xám, giới hạn khồng rõ ràng, không đau, không ngứa. Thương tổn lan rộng ra xung quanh, có thể loét hay xuất hiện các khối u nổi cao. Một số tác giả cho rằng nốt ruồi ở một số vị trí dễ sang chấn như bàn tay, bàn chân hay vùng cạo râu dễ bị hư biến thành ung thư tế bào hắc tố và khuyên nên cắt bỏ sớm những nốt ruồi ở những vị trí này.

Thể dưới móng

Ung thư tế bào hắc tố dưới móng biểu hiện bàng các thương tổn tăng sắc tố không đều, chiếm một phần hay toàn bộ nền của móng. Thương tổn có thề lan sang phần da phủ móng. Ung thư tế bào hắc tố dưới móng thường được chẩn đoán muộn vì dễ nhầm với các bệnh khác như nốt ruồi dưới móng, xuất huyết do sang chấn, viêm quanh móng, nhiễm nấm, hạt cơm dưới móng. Do vậy, với bất kỳ một thương tổn tăng sắc tố dưới móng, phải được khám kỹ, nhất là với những thương tổn lan hết chiều dài của móng.

Thể niêm mạc

Ung thư tế bào hắc tố có thể thấy ở niêm mạc miệng, sinh dục, quanh hậu môn, nhưng hiếm gặp. Thương tổn thường là mảng da tăng sắc tố, tiến triển nhanh chóng lan ra xung quanh, nhưng cũng có thể phát triển rất chậm nhiều năm trước khi nổi cao trên mặt da. Đối với tất cả những thương tổn tăng sắc tố ở niêm mạc, cần làm sinh thiết mặc dù về mặt lâm sàng chưa có biểu hiện ác tính.

Ung thư tế bào hắc tố phát triển từ nốt ruồi

Trên 50% các trường hợp ung thư tế bào hắc tố xuất hiện ở vùng da bình thường. Tuy nhiên, ung thư tế bào hắc tố có thể xuất phát từ những tổn thương sắc tố (nốt ruồi, bớt sắc tố bẩm sinh). Bệnh nhân càng có nhiều nốt ruồi không điển hình càng có nguy cơ biến thành ung thư tế bào hắc tố. Những bệnh nhân có nốt ruồi không điển hình mà không có tiền sử gia đình có người mắc ung thư tế bào hắc tố thì nguy cơ hư biến cao gấp 80 lần so với người bình thường và những người có các nốt ruồi không điển hình kết hợp với có tiền sử gia đình có người bị ung thư tế bào hắc tố thì nguy cơ này tăng lên từ 100 đến 400 lần. Do vậy, cần theo dõi sự tiến triển của các nốt ruồi. Trong trường hợp nốt ruồi có những thay đổi, cần phẫu thuật cắt bỏ và nên theo dõi 3 đến 6 tháng một lần. Trường hợp cần thiết có thể chụp ảnh để dễ so sánh.

Ung thư tế bào hắc tố ở mắt

Thường xuất hiện ở lớp hắc mạc. Người bệnh có thay đổi thị lực (nhìn mờ) khi có ung thư hắc tố ở mắt, có thể chẩn đoán qua khám mắt.

Chẩn đoán ung thư hắc tố

Sàng lọc ung thư da

Tự sàng lọc ung thư da: Tự khám da giúp chúng ta hiểu rõ được các nốt ruồi, các tàn nhang… trên cơ thể do đó có thể phát hiện sớm các thay đổi của chúng. Khám toàn diện các vị trí: thân mình, lưng, tay và chân. Ngoài ra kiểm tra các vị trí ít chú ý đến như: Móng chân, móng tay, gan bàn chân, kẽ các ngón chân, ngón tay, háng và da đầu.

Sàng lọc ung thư da tại cơ sở y tế: Các bác sỹ sẽ khám toàn bộ các vị trí nghi ngờ.

Các biện pháp chẩn đoán ung thư da

Ung thư hắc tố da được phát hiện bằng khám da tuy nhiên bệnh chỉ có thể được khẳng định qua sinh thiết tổn thương. Các phương pháp sinh thiết tổn thương:

  • Sinh thiết khoan bằng dụng cụ bấm (Punch biopsy)
  • Sinh thiết trọn tổn thương (Excisional biopsy)
  • Sinh thiết một phần tổn thương (Incisonal biopsy)

Lựa chọn phương pháp sinh thiết phụ thuộc vào đặc điểm khối u. Sinh thiết khoan bằng dụng cụ bấm và sinh thiết trọn tổn thương được khuyến cáo hơn vì có thể lấy hết các tổn thương nếu cần thiết. Tuy nhiên trong trường hợp tổn thương lớn cần áp dụng sinh thiết một phần tổn thương.

Điều trị ung thư tế bào hắc tố

Ung thư hắc tố có chữa được không? Bệnh có thể chữa khỏi thành công nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Cách điều trị ung thư hắc tố da phụ thuộc và giai đoạn và thể trạng của bệnh nhân.

Giai đoạn sớm

Với các ung thư hắc tố da giai đoạn sớm điều trị là phẫu thuật loại bỏ tổn thương.

Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật khối u hắc tố mới có thể được thực hiện tại phòng mổ của bác sĩ hoặc như là một quy trình ngoại trú gây tê tại chỗ. Chỉ khâu vẫn được giữ nguyên trong 1-2 tuần, và hầu hết các bệnh nhân được khuyên nên tránh những bài tập nặng trong thời gian này. Phẫu thuật để lại sẹo nhỏ và cải thiện theo thời gian bằng cách sử dụng mỹ phẩm phù hợp.

Phẫu thuật cắt bỏ (Surgical excision) sử dụng để điều trị tất cả các dạng ung thư da. Đây là phương pháp cho hiệu quả y học cũng như thẩm mỹ.

Các bác sĩ bắt đầu bằng việc khoanh vùng các khối u với một cây bút đánh dấu và sau đó tiến hành gây tê cục bộ và cắt dọc theo đường đã vẽ. Toàn bộ quy trình mất khoảng ba mươi phút cho các tổn thương nhỏ.

Vết thương lành nhanh chóng, thường là trong một hoặc hai tuần. Sẹo hình thành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm vị trí của khối u và quá trình chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật.

Các mẫu mô này sẽ được gửi đến một phòng thí nghiệm, để kiểm tra liệu “ngưỡng an toàn” có bị xâm chiếm bởi khối u. Nếu trường hợp này xảy ra, rất có thể khối u vẫn còn hiện diện, và cần phẫu thuật bổ sung. Đôi khi, phẫu thuật Mohs micrographic là một lựa chọn tốt vào thời điểm này.

Các tổn thương rất nhỏ có thể được loại bỏ hoàn toàn trong quá trình sinh thiết và không yêu cầu điều trị thêm.

Giai đoạn lan tràn

  • Phẫu thuật: Bao gồm phẫu thuật tổn thương và các hạch bạch huyết vùng để phòng ngừa tái phát và di căn xa.
  • Hóa chất: Sử dụng thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Xạ trị: Bổ trợ sau phẫu thuật. Có thể sử dụng xạ trị triệu chứng.
  • Liệu pháp miễn dịch: Giúp hệ miễn dịch của cơ thể có thể tiêu diệt các tế bào ung thư. Một số miễn dịch đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam như Pembrolizumab (Keytruda).

Phòng ngừa ung thư hắc tố

Bạn có thể giảm nguy cơ bị khối u ác tính và các loại ung thư da khác nếu bạn:

Tránh ánh nắng mặt trời vào giữa ngày

Đối với nhiều người ở Bắc Mỹ, các tia nắng mặt trời mạnh nhất trong khoảng 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Dời lịch trình các hoạt động ngoài trời vào các thời điểm khác trong ngày, ngay cả trong mùa đông hoặc khi trời nhiều mây.

Bạn hấp thụ bức xạ UV quanh năm và các đám mây bảo vệ rất ít khỏi các tia gây hại. Tránh ánh nắng mặt trời mạnh nhất giúp bạn tránh được những vết cháy nắng và nắng nóng gây tổn thương da và tăng nguy cơ phát triển ung thư da. Phơi nắng tích lũy theo thời gian cũng có thể gây ung thư da.

Sử dụng kem chống nắng quanh năm

Kem chống nắng không lọc được tất cả các bức xạ tia cực tím có hại, đặc biệt là bức xạ có thể dẫn đến khối u ác tính. Nhưng chúng đóng một vai trò quan trọng trong chống nắng tổng thể.

Sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF ít nhất là 30. Thoa kem chống nắng lượng đủ nhiều và bôi lại sau mỗi hai giờ – hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi. Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyên bạn nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng, chống nước với chỉ số SPF ít nhất là 30.

Mặc quần áo bảo hộ

Kem chống nắng không cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn khỏi tia UV. Vì vậy, hãy che phủ làn da của bạn bằng quần áo dệt tối màu, che kín cánh tay và chân của bạn và một chiếc mũ rộng vành, giúp bảo vệ nhiều hơn mũ lưỡi trai. Đừng quên kính râm. Hãy tìm những loại chặn cả hai loại bức xạ UV – tia UVA và UVB.

Tránh giường tắm nắng

Giường tắm nắng phát ra tia UV và có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.

Làm quen với làn da của bạn để bạn nhận thấy những thay đổi

Kiểm tra làn da của bạn thường xuyên để phát hiện các sự thay đổi mới của da hoặc thay đổi trong các nốt ruồi, tàn nhang, vết sưng và vết bớt hiện có.

Với sự trợ giúp của gương, kiểm tra khuôn mặt, cổ, tai và da đầu của bạn. Kiểm tra ngực và thân của bạn, mặt dưới của cánh tay và bàn tay của bạn. Kiểm tra cả mặt trước và mặt sau của chân và bàn chân của bạn, bao gồm cả gót chân và khoảng trống giữa các ngón chân. Cũng đừng quên kiểm tra khu vực sinh dục của bạn và giữa mông.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment