Tâm lý

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Khi mắc bệnh, các suy nghĩ và nỗi sợ không mong muốn (hay còn gọi là sự ám ảnh) xuất hiện liên tục và khiến bệnh nhân lặp đi lặp lại các hành động cưỡng chế.

Đây là một tình trạng riêng biệt nhưng nằm trong danh mục “rối loạn ám ảnh cưỡng chế và liên quan”.

Những sự thật về rối loạn ám ảnh cưỡng chế

rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Cầu toàn và quan tâm về sự đồng đều hoặc chính xác là những nỗi ám ảnh rõ ràng trong OCD.

Những hành vi mang tính chất cưỡng chế lặp đi lặp lại thường là rửa, làm sạch và kiểm tra.

Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) tuyên bố rằng tỉ lệ phụ nữ bị ảnh hưởng cao hơn một chút so với nam giới và OCD ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi chủng tộc và nền kinh tế xã hội.

Một số người mắc OCD thường che giấu một cách hoàn hảo các triệu chứng của họ vì sợ xấu hổ hoặc kỳ thị.

Lựa chọn điều trị bao gồm trị liệu và thuốc.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay OCD là một tình trạng sức khỏe tâm thần xoay quanh những nỗi sợ hoặc ám ảnh phi lý khiến người bệnh có những hành vi cưỡng chế để giảm bớt hoặc giải tỏa sự lo âu của họ, dù người bệnh nhận biết đó là sai, tìm cách chống lại nhưng không sao thắng được.

Ví dụ: Rất nhiều người bị ám ảnh là tay mình bị bẩn, vì vậy họ rửa tay rất nhiều lần, rất lâu (hàng trăm, hàng nghìn lần/ngày), rửa nhiều đến nỗi da bị đỏ lên. Một báo cáo về sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2001 ước tính rằng OCD nằm trong số 20 nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật liên quan đến bệnh tật trên toàn thế giới ở những người từ 15 đến 44 tuổi.

Báo cáo cũng cho rằng OCD là bệnh tâm thần phổ biến thứ tư sau ám ảnh sợ, lạm dụng chất gây nghiện và trầm cảm chính.

OCD có liên quan đến một loạt suy giảm chức năng và có tác động đáng kể đến đời sống xã hội và công việc.

Các loại OCD

Có một số loại OCD xuất hiện theo những cách khác nhau. Mặc dù đây không phải là các loại OCD duy nhất, nhưng nỗi ám ảnh và sự ép buộc thường sẽ rơi vào các loại này.

Kiểm tra

Đây là một hành vi liên tục kiểm tra một cái gì đó do lo sợ tác hại, rò rỉ, thiệt hại hoặc hỏa hoạn. Kiểm tra có thể là: nhiều lần theo dõi vòi nước, báo động, cửa xe, đèn nhà hoặc các thiết bị khác và thậm chí là “kiểm tra người”.  Việc kiểm tra này có thể xảy ra hàng trăm lần và thường trong nhiều giờ.

Kiểm tra cũng có thể liên quan đến việc xác nhận nhiều lần tính đúng đắn của ký ức. Một người mắc OCD có thể liên tục xác nhận thư và e-mail vì sợ mắc lỗi. Có thể có một nỗi sợ đã vô tình xúc phạm người nhận.

Sợ sự ô nhiễm, dơ bẩn

Những chất thải, chất tiết ra từ cơ thể, như nước tiểu, nước bọt và máu. Đất và vi khuẩn – thôi thúc phải lau chùi tắm giặt liên tục và quá mức

Tích trữ

Khiên cưỡng khi phải vứt đồ vật đi, bất kể giá trị hay tính hữu dụng của vật đó. Lục thùng rác để đảm bảo rằng các đồ vật giá trị không bị vứt đi. Sưu tầm những đồ vật vô dụng.

Nghiền ngẫm ám ảnh

Lặp lại một luồng suy nghĩ ám ảnh kéo dài, tập trung vào các vấn đề rộng lớn, bao la và thường mang tính triết học, như những gì xảy ra sau khi chết hoặc bắt đầu vũ trụ hay vì sao trái đất lại tròn, điều gì sẽ xảy ra nếu như nó là hình vuông…

Ý nghĩ ám ảnh (obsessional thoughts)

Các từ, cụm từ xuất hiện lặp đi lặp lại trong đầu, gây khó chịu cho người bệnh.

Tôn giáo

Sợ bị trừng phạt, hoặc cảm thấy tồi tệ vì có những ý nghĩ xúc phạm, báng bổ hoặc có những phát ngôn xấu. Lo lắng về tôn giáo, tín ngưỡng. Nhắc đi nhắc lại hoặc luôn luẩn quẩn trong những ý nghĩ, hình ảnh về tôn giáo.

Hung dữ

Ý nghĩ ám ảnh về việc tự làm hại bản thân, làm hại người thân hoặc những người xung quanh. Sợ buột miệng nói ra những câu chửi rửa, tục tĩu. Sợ rằng mình sẽ làm theo những ý nghĩ thôi thúc dù không mong muốn, như đâm chém hoặc đâm xe vào ai đó.

Trách nhiệm

Sợ rằng mình sẽ làm hại người khác vì bản thân vô ý. Nhặt những mảnh vỡ thủy tinh trên đường, báo với mọi người đèn giao thông bị hỏng, thu dọn những thứ có thể làm bị thương người khác. Sợ rằng những hành động vô ý này hoặc những hành động khác của mình có thể dẫn đến những tai họa khủng khiếp, như cháy nhà, hay trộm cắp đột nhập. Sợ những lời nói của mình có thể bị hiểu sai và làm tổn thương người khác, bắt người khác phải đảm bảo. Đây cũng là một trong những biểu hiện của sự thôi thúc luôn phải nói những điều “hoàn hảo”.

Tình dục

Những thôi thúc/hình ảnh/ý nghĩ về tình dục có thể trở nên đáng lo ngại. Ý nghĩ ám ảnh về việc xâm hại con mình hoặc con người khác (mặc dù không bao giờ xảy ra). Nghi ngờ giới tính của bản thân. Việc nhìn một người cùng giới có thể gây ra những ý nghĩ này vì họ cảm thấy mình có thể đang phát những tín hiệu “đồng tính”, hoặc nghĩ rằng việc chỉ đi qua những người đồng tính cũng có thể bị “lây nhiễm”. Ý nghĩ hoặc hình ảnh có xu hướng tình dục bạo lực đối với người khác.

Mê tín

Sợ hãi khi nói/nghĩ đến những từ nhất định vì những hậu quả có thể gây ra. Không thể dùng một số màu, con số, chữ cái nhất định vì cho rằng nó có tính tiêu cực, một số chữ số mang đến điều không may mắn. Tuân thủ một cách hà khắc những nỗi sợ hãi mê tín. Mọi thứ đều có thể trở nên “tích cực” hay “tiêu cực” và cách nghĩ này vô cùng cứng nhắc và luôn thường trực trong cuộc sống hằng ngày.

Sắp xếp

Muốn mọi thứ luôn hài hòa, đối xứng. Sắp xếp tất cả mọi thứ xung quanh. Muốn mọi thứ đều “hoàn hảo”, chính xác. Luôn tìm kiếm cảm giác “hài hòa, cân bằng”. Luôn bận rộn với việc sắp xếp các đồ vật như giấy tờ, sách báo một cách “hoàn hảo”.

Hoàn hảo

Sự thôi thúc phải ghi nhớ những điều nhất định như các câu slogan, biển sổ xe, họ tên, từ ngữ hoặc những sự việc trong quá khứ. Đây cũng có thể được coi là “Nỗi sợ quên”. Sợ nói điều gì đó không đúng hoặc không “hoàn hảo” và/hoặc để sót các chi tiết. Điều này khiến họ luôn cố gắng hết sức để kể tất cả mọi thứ một cách chính xác nhất. Lo lắng về việc mắc lỗi. Hay bị khó chịu bởi cảm giác của quần áo, bề mặt da. Những khiếm khuyết này có thể khiến họ điên lên vì khó chịu.

Triệu chứng

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế được tách ra khỏi các tình trạng sức khỏe tâm thần khác bởi sự hiện diện của nỗi ám ảnh, sự ép buộc hoặc cả hai. Những ám ảnh hoặc sự ép buộc gây ra đau khổ rõ rệt, tốn thời gian và ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của một người.

OCD có thể xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên, với bệnh xuất hiện dần dần và xấu đi theo tuổi tác. Các triệu chứng của OCD có thể nhẹ hoặc nặng. Một số người chỉ xuất hiện những suy nghĩ ám ảnh, mà không có những hành vi cưỡng chế.

Một số người mắc OCD thành công che giấu các triệu chứng của họ vì xấu hổ hoặc sợ bị kỳ thị. Tuy nhiên, bạn bè và gia đình có thể nhận thấy một số dấu hiệu.

Sự ám ảnh

Nỗi ám ảnh không chỉ là những lo lắng hàng ngày của hầu hết những người khỏe mạnh khi nghĩ về các vấn đề thực tế. Thay vào đó, những người bị OCD  có những suy nghĩ và lo lắng quá mức, khiến họ có các hành động hoặc suy nghĩ nỗ lực để làm giảm hoặc kìm nén nỗi sợ hãi và lo lắng.

Một người mắc OCD thường:

  • Có những suy nghĩ, hình ảnh lặp đi lặp lại hoặc thôi thúc mà họ cảm thấy không thể kiểm soát
  • Nhận thức được những suy nghĩ và cảm xúc lo lắng này và không muốn có những ý tưởng này
  • Nhận thấy những suy nghĩ đang lo ngại và không muốn có. Trong trường hợp trẻ lớn và người lớn, nhận thức được rằng những lo lắng này là vô nghĩa.
  • Có những cảm giác không thoải mái, chẳng hạn như sợ hãi, ghê tởm, nghi ngờ hoặc cảm giác rằng mọi việc phải được thực hiện theo cách “đúng đắn”
  • Dành một lượng thời gian không chính đáng cho những nỗi ám ảnh này, gây cản trở các hoạt động cá nhân, xã hội và nghề nghiệp

Những ám ảnh OCD thường gặp bao gồm:

  • Sợ bị bẩn: dịch tiết cơ thể, vi trừng và bụi bẩn.
  • Sợ mất kiểm soát: Sợ  hành động muốn làm hại chính mình hoặc người khác
  • Đòi hỏi tính cân đối và chính xác: cầu toà, cảm thấy lo ngại về tính chính xác, cần phải nhớ mọi thứ và sợ mất đồ
  • Sợ tác hại: nỗi sợ phải chịu trách nhiệm cho điều gì đó khủng khiếp xảy ra
  • Suy nghĩ về tình dục một cách vô ích: bao gồm nỗi ám ảnh về đồng tính luyến ái hoặc loạn luân
  • Nỗi ám ảnh tôn giáo: bao gồm những lo ngại về việc xúc phạm đến Thiên Chúa

Cưỡng chế

Đa số người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế có các hành vi lặp lại gọi là hành vi cưỡng chế nó có ý nghĩa như sự đáp trả lại những ý nghĩ ám ảnh.

Nhưng không phải tất cả các hành vi lặp đi lặp lại đều là sự ép buộc. Các hành vi lặp đi lặp lại bình thường có trong cuộc sống hàng ngày có thể là thói quen đi ngủ, hoạt động tôn giáo và học một kỹ năng mới.

Hành vi cũng phụ thuộc vào bối cảnh. Ví dụ, một người làm việc trong một cửa hàng video sắp xếp DVD trong 8 giờ mỗi ngày, đây không phải là hành động bắt buộc.

Các hành vi cưỡng chế phổ biến bao gồm:

  • Rửa và làm sạch: ví dụ rửa tay liên tục
  • Kiểm tra: ví dụ kiểm tra các bộ phận cơ thể hoặc kiểm tra xem có gì khủng khiếp đang xảy ra không.
  • Lặp đi lặp lại: ví dụ đọc lại và lặp lại các hoạt động thường ngày như đứng dậy khỏi ghế.
  • Cưỡng chế tinh thần: ví dụ cầu nguyện để ngăn chặn tác hại và hồi tưởng lại các sự kiện

Nguyên nhân

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu, nguyên nhân chính xác của OCD vẫn chưa được xác định.

OCD được cho là nguyên nhân thần kinh. Các nghiên cứu về thần kinh cho thấy não hoạt động khác nhau ở những người mắc chứng rối loạn. Một sự bất thường, hoặc sự mất cân bằng trong dẫn truyền thần kinh, được cho là có liên quan đến OCD.

Các rối loạn là phổ biến như nhau giữa nam giới và phụ nữ trưởng thành.

OCD ở trẻ em

OCD bắt đầu từ thời thơ ấu phổ biến ở trẻ trai hơn trẻ gái, thời gian khởi phát OCD ở trẻ gái muộn hơn ở trẻ trai.

Tình trạng này có thể được khởi phát do sự kết hợp của các yếu tố di truyền, thần kinh, hành vi, nhận thức và môi trường.

Nguyên nhân di truyền

OCD có tính chất di truyền trong các gia đình và có thể được coi là một “rối loạn gia đình”. Bệnh có thể kéo dài trong nhiều thế hệ, và người thân của những người mắc OCD có nhiều khả năng phát triển OCD hơn đáng kể.

Các nghiên cứu sinh đôi ở người trưởng thành cho thấy các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế có khả năng di truyền ở mức độ vừa phải, với các yếu tố di truyền đóng góp từ 27 đến 47%. Tuy nhiên, không có gen đơn lẻ nào được xác định là “nguyên nhân” của OCD.

Nguyên nhân tự miễn

Một số trường hợp khởi phát nhanh OCD ở trẻ em có thể là hậu quả của nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A, gây viêm và rối loạn chức năng ở hạch nền (basal ganglia).

Những trường hợp này được gom lại và gọi là rối loạn tâm thần kinh tự miễn ở trẻ em liên quan đến nhiễm trùng liên cầu khuẩn (PANDAS).

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các mầm bệnh khác, chẳng hạn như vi khuẩn gây bệnh Lyme và vi-rút cúm H1N1, cũng có liên quan đến sự khởi phát nhanh chóng OCD ở trẻ em. Do đó, các bác sĩ lâm sàng đã thay đổi từ viết tắt thành  PANS, viết tắt của Hội chứng tâm thần kinh cấp tính khởi phát ở trẻ em (Pediatric Acute-onset Neuropsychiatric Syndrome).

Nguyên nhân hành vi

Lý thuyết hành vi cho thấy rằng những người mắc OCD liên kết một số đối tượng hoặc tình huống nhất định với nỗi sợ hãi. Họ học cách tránh những điều đó hoặc học cách thực hiện “các nghi thức” để giúp giảm bớt nỗi sợ hãi. Chu kì của nỗi sợ hãi và tránh né hoặc hành động này có thể bắt đầu trong giai đoạn căng thẳng mạnh mẽ, chẳng hạn như khi bắt đầu một công việc mới hoặc ngay sau khi một mối quan hệ quan trọng kết thúc.

Khi mối liên hệ giữa một đối tượng và cảm giác sợ hãi được thiết lập, những người mắc OCD bắt đầu tránh đối tượng đó và nỗi sợ mà nó tạo ra, thay vì đối mặt hoặc chịu đựng nỗi sợ hãi.

Nguyên nhân nhận thức

Lý thuyết hành vi được nêu ở trên tập trung vào cách những người mắc OCD tạo ra mối liên hệ giữa một đối tượng và nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, lý thuyết nhận thức tập trung vào cách những người mắc OCD hiểu sai suy nghĩ của họ.

Hầu hết mọi người có những suy nghĩ không phù hợp, đi trái với lương tâm của họ, thường là những ý nghĩ bạo lực, vào những thời điểm nhất định, nhưng đối với những người bị OCD, tầm quan trọng của những suy nghĩ đó là quá mức.

Ví dụ, một người chăm sóc trẻ sơ sinh và đang chịu nhiều áp lực có thể có một ý nghĩ xâm phạm là làm hại trẻ sơ sinh một cách cố ý hoặc vô tình.

Hầu hết mọi người có thể nhún vai và coi thường ý nghĩ, nhưng một người bị OCD có thể phóng đại tầm quan trọng của suy nghĩ và phản ứng như thể nó biểu thị một mối đe dọa. Miễn là cá nhân bị OCD diễn giải những suy nghĩ xâm phạm này là thảm khốc và chân thực, họ sẽ tiếp tục các hành vi tránh né.

Nguyên nhân thần kinh

Các phương pháp chụp não đã cho phép các nhà nghiên cứu nghiên cứu hoạt động của các vùng cụ thể của não, và phát hiện ra rằng một số vùng khác nhau ở những người mắc OCD khi so sánh với những người không mắc.

Mặc dù có phát hiện này, nhưng người ta không biết chính xác những khác biệt này liên quan gì đến sự phát triển của OCD.

Sự mất cân bằng serotonin và glutamate có thể đóng một phần trong OCD.

Nguyên nhân môi trường

Các yếu tố gây stress từ môi trường có thể là tác nhân gây ra OCD ở những người có xu hướng phát triển tình trạng này.

Chấn thương sọ não (TBI) ở thanh thiếu niên và trẻ em cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng ám ảnh cưỡng chế. Một nghiên cứu cho thấy 30% trẻ em từ 6 đến 18 tuổi bị TBI phát triển các triệu chứng OCD trong vòng 12 tháng sau chấn thương.

Nhìn chung, các nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc OCD thường xuyên báo cáo rằng họ cảm thấy các vấn đề cuộc sống trở nên căng thẳng và khó chịu trước khi bệnh bắt đầu.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế, theo ICD-10, các ý nghĩ ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế hoặc cả hai phải hiện diện hằng ngày trong ít nhất hai tuần lễ liên tiếp, gây khổ sở cho người bệnh hoặc ảnh hưởng đến các sinh hoạt thường ngày. Các triệu chứng ám ảnh phải có những đặc điểm sau đây:

  • Người bệnh thừa nhận đó là những ý nghĩ hoặc xung động của chính mình
  • Có ít nhất một ý nghĩ hoặc một hành vi đang được người bệnh tiếp tục chống lại, mặc dù không có kết quả (tuy nhiên có thể kèm theo các triệu chứng khác mà người bệnh không chống lại nữa)
  • Ý nghĩ ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế không mang lại một sự thích thú nào cho người bệnh, chú ý rằng sự giảm căng thẳng hoặc lo âu không được coi là thích thú
  • Các ý nghĩ, biểu tượng hoặc xung động phải lặp đi lặp lại và gây khó chịu

Một số rối loạn tâm thần và thần kinh khác, chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng, có các đặc điểm tương tự như OCD và có thể xảy ra cùng với tình trạng này.

Điều trị

OCD thường phát triển thành một tình trạng mãn tính nếu không được điều trị,  cùng với các giai đoạn mà các triệu chứng dường như được cải thiện. Nếu không điều trị, tỷ lệ thuyên giảm thấp, khoảng 20%.

Tuy nhiên, khoảng 40% những người mắc OCD trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên có sự thuyên giảm ở đầu tuổi trưởng thành. Điều trị OCD sẽ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của người đó.

Các phương pháp điều trị đầu tay cho OCD thường bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
  • Kết hợp giữa SSRI và CBT

Liệu pháp nhận thức hành vi

CBT là một phương pháp hiệu quả để điều trị OCD. CBT là một loại trị liệu tâm lý (trị liệu nói chuyện) nhằm mục đích giúp cá nhân thay đổi cách họ suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. Nó đề cập đến hai phương pháp điều trị riêng biệt:

  • Tiếp xúc và phòng ngừa phản ứng (ERP)
  • Liệu pháp nhận thức

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng 75% những người bị OCD được giúp đỡ đáng kể bằng liệu pháp nhận thức hành vi. Phương pháp điều trị tiếp xúc và phòng ngừa đáp ứng (ERP), bao gồm những điều sau đây:

Tiếp xúc

Liên quan đến việc tiếp xúc với các tình huống và đối tượng kích hoạt nỗi sợ hãi và lo lắng. Theo thời gian, sự lo lắng này giảm dần và cuối cùng. Các tín hiệu ám ảnh gây ra ít hoặc không lo lắng. Điều này được gọi là thói quen.

Phản ứng

Phòng ngừa các đáp ứng đề liên quan đến các hành vi cững chế mà những người mắc OCD làm để giảm bớt lo lắng. Cách điều trị này giúp mọi người học cách chống lại sự ép buộc thực hiện các hành vi cưỡng chế.

Các phương pháp khác chỉ tập trung vào liệu pháp nhận thức để loại bỏ hành vi cưỡng chế. Điều này được thực hiện bằng cách xác định và đánh giá lại niềm tin của họ về hậu quả của việc thực hiện hay không thực hiện hành vi cưỡng chế.

Thuốc nhóm SSRI

Có một số loại thuốc để điều trị OCD, với sự phát triển của SSRIs mở rộng phạm vi các lựa chọn điều trị. Các SSRI có thể được bác sĩ kê toa để giúp kiểm soát sự ám ảnh và các hành vi cưỡng chế, bao gồm:

  • clomipramine
  • fluoxetine
  • fluvoxamine
  • paroxetine hydrochloride
  • sertraline
  • citalopram
  • escitalopram

SSRI thường được sử dụng với liều cao hơn cho OCD so với trầm cảm. Có thể mất đến 3 tháng để có thể thấy được kết quả.

Khoảng một nửa số người mắc OCD không đáp ứng với điều trị SSRI đơn thuần, các thuốc chống loạn thần không điển hình sẽ được thêm vào điều trị.

Tiên lượng

Nếu không điều trị, OCD nhẹ có thể cải thiện, nhưng OCD từ trung bình đến nặng sẽ không cải thiện và thường trở nên tồi tệ hơn.

Điều trị thành công cải thiện đáng kể và thậm chí chữa khỏi OCD. Tuy nhiên, bệnh tình có thể tái phát lại sau này.

Tiên lượng của OCD nói chung là tốt và điều trị thường có hiệu quả.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment