Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 164.671 ca mắc mới ung thư, 114.871 người chết do ung thư, đây thực sự là con số đáng báo động. Tuy nhiên nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, tỉ lệ khỏi bệnh rất cao, tỉ lệ người sống trên 5 năm tương đối cao. Có rất nhiều phương pháp để điều trị ung thư trong đó có 3 phương pháp chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
Điều trị ung thư bằng phẫu thuật là phương pháp loại bỏ khối u ác tính ra khỏi cơ thể, điều này được thực hiện bởi các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật.
Mục lục
- Phẫu thuật được thực hiện như thế nào?
- Các loại phẫu thuật
- Ai là người được phẫu thuật?
- Phẫu thuật hoạt động như thế nào để chống lại ung thư?
- Rủi ro của phẫu thuật
- Chi phí cho phẫu thuật là bao nhiêu?
- Bạn có thể phẫu thuật ở đâu?
- Điều gì sẽ xảy ra trước, trong và sau phẫu thuật?
- Chế độ ăn đặc biệt trước và sau khi phẫu thuật
- Làm việc sau khi phẫu thuật
Phẫu thuật được thực hiện như thế nào?
Bác sĩ phẫu thuật thường sử dụng loại dao nhỏ và lưỡi mỏng, được gọi là dao mổ và các dụng cụ sắc bén khác để loại bỏ khối ung thư trong khi phẫu thuật. Phẫu thuật thường đòi hỏi phải rạch xuyên qua da, cơ và đôi khi là xương. Sau khi phẫu thuật, những vết mổ này có thể gây đau và mất một thời gian để hồi phục.
Để giúp bạn không bị đau trong phẫu thuật, bác sĩ gây mê sẽ gây tê hoặc gây mê cho bạn. Bác sĩ gây mê sẽ sử dụng phối hợp các loại thuốc như thuốc an thần, thuốc giảm đau họ morphin, thuốc giãn cơ, thuốc tê tùy theo vị trí phẫu thuật, mục đích để gây ngủ, an thần, giảm đau cho bạn.
Có 3 loại gây mê:
- Gây tê tại chỗ, gây mất cảm giác ở một vị trí nhỏ trên cơ thể
- Gây tê vùng gây mất cảm giác ở một phần cơ thể, chẳng hạn như cánh tay hoặc chân
- Gây mê toàn thể gây mất cảm giác và nhận thức hoàn toàn, giống như bạn ngủ một giấc ngủ sâu vậy.
Có nhiều cách khác để thực hiện phẫu thuật mà không cần sử dụng đến dao mổ. Một số trong số này bao gồm:
Phẫu thuật lạnh (Cryosurgery)
Phẫu thuật lạnh (Cryosurgery) hay còn được gọi là liệu pháp áp lạnh (Cryo Therapy), là một dạng phẫu thuật loại bỏ phần da tăng sinh bằng cách sử dụng nhiệt độ cực lạnh. Đây là một trong các phương pháp chữa trị hữu hiệu để loại bỏ mụn cóc và các tổn thương tiền ung thư.
Phương pháp phẫu thuật lạnh thường sử dụng nitơ lỏng, dù cho carbon dioxide và argon cũng có thể được dùng. Nitơ lỏng ở nhiệt độ −210°C đến −195°C có thể đóng băng bất kỳ thứ gì, nhưng một mình loại khí này không thể loại bỏ hoàn toàn vùng bị thương tổn mà phải cần hơn một phương pháp điều trị.
Những thương tổn có thể có tiến triển tốt khi sử dụng phương pháp áp lạnh bao gồm:
- Dày sừng quang hóa (actinic keratosis), những tổn thương này đôi khi là dấu hiệu tiền ung thư
- Ung thư da giai đoạn sớm
- Mụn cóc do virus HPV
- U nguyên bào võng mạc
- Ung thư cổ tử cung
Phương pháp áp lạnh chỉ nên được áp dụng nếu thương tổn (Lesion) được chẩn đoán chính xác. Phương pháp này không nên được áp dụng để chữa ung thư tế bào hắc tố (Melanoma) hay bất kỳ thương tổn nào liên quan đến sắc tố chưa được chẩn đoán. Phương pháp áp lạnh được cho là có ít nguy cơ hơn phẫu thuật truyền thống, nhưng bạn vẫn có thể gặp những biến chứng sau đây trong quá trình điều trị:
- Các vết phồng rộp và mụt nhọt có thể dẫn đến nhiễm trùng và đau
- Đau hoặc nhức trong và sau khi kết thúc quá trình điều trị
- Để lại sẹo
- Da thường chuyển sang màu trắng.
Xem thêm về phương pháp phẫu thuật lạnh tại đây
Laser
Đây là một loại phương pháp điều trị sử dụng chùm ánh sáng mạnh để cắt xuyên qua mô. Laser có thể tập trung rất chính xác trên các khu vực nhỏ, vì vậy chúng có thể được sử dụng cho các ca phẫu thuật cần độ chính xác cao. Laser cũng có thể được sử dụng để thu nhỏ hoặc tiêu diệt các khối ung thư hoặc tiền ung thư.
Laser thường được sử dụng để điều trị các ung thư bề mặt của cơ thể (ung thư da hoặc niêm mạc các cơ quan nội tạng). Ví dụ như ung thư biểu mô tế bào đáy, những tổn thương có thể biến đổi thành ung thư ở cổ tử cung và ung thư cổ tử cung, âm đạo, thực quản và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Xem thêm về phương pháp Laser tại đây.
Liệu pháp tăng thân nhiệt (Hyperthermia)
Các bác sĩ có thể gây tăng thân nhiệt như là một phần của phương pháp điều trị đối với một số loại ung thư. Tăng nhiệt độ của một số khối u làm cho chúng dễ bị ảnh hưởng của hóa trị liệu hoặc xạ trị. Nó cũng có thể làm cho các tế bào ung thư dễ bị tổn thương hơn đối với một số loại thuốc ung thư. Cắt đốt bằng sóng cao tần sử dụng sóng vô tuyến năng lượng cao để tạo ra nhiệt. Liệu pháp tăng thân nhiệt hiện đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng và chưa được áp dụng rộng rãi.
Xem thêm về Liệu pháp tăng thận nhiệt tại đây.
Quang động liệu pháp (Photodynamic Therapy)
Quang động liệu pháp (photodynamic therapy – PDT) là sự kết hợp một dược phẩm gọi là chất gây cảm quang (photosensitizer) với một loại ánh sáng thích hợp để diệt các tế bào ung thư. Khi khối u tiếp xúc với ánh sáng này, những loại thuốc này sẽ hoạt động và tiêu diệt các tế bào ung thư gần đó. Hiện tại Cơ quan thực – dược phẩm Hoa Kỳ chấp nhận chất cảm quang portfimer sodium trong PDT để điều trị ung thư vòm họng và ung thư phổi (dạng tế bào không nhỏ).
Porfitmer sodium được công nhận là có tác dụng giảm bớt triệu chứng của ung thư vòm họng khi ung thư làm nghẹn cuống họng hay khi ung thư không đáp ứng tốt với laser. Portfimer sodium được dùng trong điều trị ung thư phổi (dạng tế bào không nhỏ) khi căn bệnh không thể áp dụng những liệu pháp cổ điển hay khi bệnh làm nghẹt khí quản.
Xem thêm Quang động liệu pháp tại đây.
Các loại phẫu thuật
Có nhiều loại phẫu thuật. Phân loại dựa trên mục đích của phẫu thuật, vị trí cần phẫu thuật, số lượng mô cần được loại bỏ và trong một số trường hợp, dựa vào những gì bệnh nhân yêu cầu.
Phẫu thuật có thể mở hoặc xâm lấn tối thiểu:
- Trong phẫu thuật mổ mở, bác sĩ phẫu thuật rạch một đường lớn để loại bỏ khối u ác tính cùng với một số mô lành và có thể nạo vét một số hạch bạch huyết gần đó.
- Trong phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch da một số lỗ nhỏ thay vì rạch một đường lớn. Sau đó phẫu thuật viên đưa một camrera qua một lỗ nhỏ. Bên ngoài có một màn hình kết nối với camera để phẫu thuật viên biết họ đang làm gì bên trong cơ thể bệnh nhân. Các dụng cụ phẫu thuật nội soi được đưa qua các lỗ nhỏ khác để cắt bỏ khối u.
- Phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu do đó bệnh nhân sẽ nhanh chóng phục hồi hơn phẫu thuật mổ mở.
Ai là người được phẫu thuật?
Phẫu thuật có thể được áp dụng để điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư. Phẫu thuật tốt nhất cho các khối u rắn ở một vị trí nhất định. Đây cũng chính là một phương pháp điều trị tại chỗ, nghĩa là nó chỉ điều trị tại vị trí cơ thể ung thư. Do vậy, đối với ung thư máu hoặc ung thư đã lan rộng, phương pháp này không được sử dụng.
Đôi khi, bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật, nhưng điều trị ung thư bằng cách kết hợp nhiều phương pháp vẫn phổ biến hơn.
Phẫu thuật hoạt động như thế nào để chống lại ung thư?
Tùy thuộc vào loại ung thư và mức độ tiến triển của nó, phẫu thuật có thể được sử dụng để:
- Loại bỏ toàn bộ khối u: Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u tại một vị trí nào đó.
- Loại bỏ một phần khối u: Phẫu thuật chỉ cắt bỏ một phần, nhưng không phải tất cả, của một khối u ung thư. Phương pháp này được sử dụng khi loại bỏ toàn bộ khối u có thể làm mất chức năng của một cơ quan hoặc cơ thể. Loại bỏ một phần của khối u có thể giúp các phương pháp điều trị khác hoạt động tốt hơn.
- Giảm nhẹ các triệu chứng ung thư: Là loại phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ các khối u gây đau hoặc chèn ép.
Rủi ro của phẫu thuật
Rủi ro là một điều không thể tránh khỏi khi phẫu thuật và đây là điều không ai mong muốn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn ngừa các vấn đề trong quá trình phẫu thuật. Mặc dù vậy, đôi khi có một số vấn đề xảy ra. Các vấn đề thường gặp là:
Đau đớn
Sau khi phẫu thuật, hầu hết mọi người sẽ bị đau ở phần cơ thể được phẫu thuật. Mức độ đau tùy thuộc vào mức độ phẫu thuật, vị trí phẫu thuật và bạn cảm thấy đau như thế nào.
Bác sĩ hoặc y tá sẽ là người giúp bạn kiểm soát cơn đau sau khi phẫu thuật. Cần nói chuyện với bác sĩ trước khi phẫu thuật về cách kiểm soát đau. Sau khi phẫu thuật, hãy cho họ biết nếu cơn đau của bạn không được kiểm soát.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là một vấn đề khác có thể xảy ra sau phẫu thuật. Để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, hãy làm theo hướng dẫn của y tá về việc chăm sóc vị trí đã phẫu thuật. Nếu bạn bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh để điều trị.
Các rủi ro khác của phẫu thuật bao gồm chảy máu, tổn thương các mô gần đó và tai biến gây mê.
Chi phí cho phẫu thuật là bao nhiêu?
Đây cũng là một vấn đề rất được quan tâm do việc điều trị ung thư rất tốn kém và lâu dài.
Chi phí phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Loại phẫu thuật mà bạn điều trị
- Có bao nhiêu chuyên gia tham gia phẫu thuật của bạn
- Phương pháp gây mê, gây tê là gì? Tê tại chỗ, tê vùng hay gây mê toàn thể?
- Bệnh viện bạn chọn để phẫu thuật? Bệnh viện công hay bệnh viện tư?
- Thời gian bạn cần nằm điều trị trong bệnh viện là bao lâu?
- Bạn được chi trả bao nhiêu từ bảo hiểm y tế?
Bạn có thể phẫu thuật ở đâu?
Nơi có thể phẫu thuật được cho bạn phụ thuộc vào:
- Loại phẫu thuật là gì?
- Phẫu thuật có rộng không?
- Bác sĩ phẫu thuật là ai?
- Bảo hiểm y tế của bạn được đăng kí ở đâu, điều kiện chuyển tuyến?
Điều gì sẽ xảy ra trước, trong và sau phẫu thuật?
Trước khi phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được làm một số các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu
- X-quang ngực
- Điện tim đồ (ECG)
- Các xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường máu.
Y tá trong khoa phẫu thuật sẽ nhắc nhở bạn về việc nhịn ăn trước mổ để làm rỗng dạ dày, tránh các nguy cơ nôn, trào ngược khi gây mê. Thời gian cần nhịn ăn phụ thuộc vào từng loại thức ăn, ví dụ:
- Đối với thức ăn đặc và sữa, bạn cần nhịn 8 giờ trước khi mổ
- Sữa mẹ: 4 giờ
- Nước: 2 giờ
Nếu không tuân thủ, phẫu thuật của bạn có thể rất nguy hiểm và bạn sẽ bị hoãn mổ sang ngày hôm khác.
Trong thời gian phẫu thuật
Trong thời gian phẫu thuật bạn sẽ được gây mê hoặc gây tê, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối u cùng với một phần mô lành xuang quanh khối u, đôi khi sẽ loại bỏ cả hạch bạch huyết lân cận. Những mô này sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi xem ung thư đã di căn hay chưa để lên phương án điều trị tiếp theo cho bạn sau khi phẫu thuật kết thúc.
Sau khi phẫu thuật
Khi tình trạng của bạn đã có thể ra viện, bác sĩ và y tá sẽ cho bạn biết làm thể nào để chăm sóc bản thận. Các vấn đề sẽ được giải thích bao gồm:
- Cách kiểm soát cơn đau
- Các hoạt động bạn nên và không nên làm
- Cách chăm sóc vết thương
- Cách phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng và các bước cần thực hiện sau đó nếu có nhiễm trùng
- Khi nào bạn có thể trở lại làm việc
Bác sĩ sẽ lên lịch khám lại cho bạn tùy thuộc vào loại ung thư, loại phẫu thuật. Nếu cần, bạn sẽ phải quay lại viện để cắt chỉ vết mổ.
Chế độ ăn đặc biệt trước và sau khi phẫu thuật
Phẫu thuật làm tăng nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người. Do đó, nếu bạn yếu hoặc nhẹ cân, bạn có thể cần phải ăn một chế độ ăn giàu protein, có hàm lượng calo cao trước khi phẫu thuật.
Một số loại phẫu thuật có thể thay đổi cách cơ thể bạn sử dụng thức ăn. Phẫu thuật cũng có thể ảnh hưởng đến việc ăn nếu bạn có vị trí phẫu thuật tại miệng, dạ dày, ruột hoặc cổ họng. Nếu bạn gặp khó khăn khi ăn sau phẫu thuật, bạn có thể được cung cấp chất dinh dưỡng qua ống sonde dạ dày đặt qua miệng hoặc mũi hoặc truyền qua đường tĩnh mạch.
Nếu có thể, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng về các vấn đề ăn uống do phẫu thuật gây ra.
Làm việc sau khi phẫu thuật
Bạn sẽ cần phải dành thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi sau phẫu thuật. Bạn có thể chỉ cần 1 ngày hoặc phải mất nhiều tuần để hồi phục. Thời gian bạn cần tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Các loại gây mê của cuộc phẫu thuật. Nếu bạn có gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng, bạn có thể hồi phục và quay trở lại làm việc nhanh hơn so với gây mê toàn thể.
- Loại phẫu thuật là gì? Độ lớn của cuộc phẫu thuật.
- Loại công việc bạn làm. Nếu bạn có một công việc cần đi lại, hoạt động nhiều, thì bạn có thể cần phải mất nhiều thời gian hơn nếu bạn làm công việc chỉ cần ngồi một chỗ.
Hãy hỏi bác sĩ về thời gian phục hồi của bạn là bao lâu. Nếu bạn cần một thời gian dài, hãy nói chuyện với sếp của bạn để xem bạn có thể nghỉ phép hay không. Nên nhớ, hãy kiểm tra về việc bạn sẽ được thanh toán bao nhiêu từ bảo hiểm của mình.