Ung thư

Bệnh bạch cầu mạn tính: Triệu chứng, giai đoạn, điều trị và tiên lượng

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh bạch cầu hay còn gọi là bệnh ung thư máu, bệnh máu trắng đã và đang tiếp tục gia tăng, gây ra mối quan tâm lo ngại không chỉ đối với những người trẻ tuổi mà kể cả người lớn tuổi, cộng đồng người làm trong ngành sức khỏe y tế cũng vô cùng quan tâm.

Trước đây, những người trẻ tuổi hiếm khi bị bệnh bạch cầu nếu họ không phải thuộc nhóm người có yếu tố di truyền bẩm sinh, nhưng trong những năm gần đây đã có sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như hít phải hóa chất và sống trong môi trường độc hại.

Mặc dù bệnh bạch cầu không phải là một căn bệnh nan y đáng sợ, nhưng một khi mắc bệnh thì chi phí điều trị lại rất tốn kém về cả tiền bạc và thời gian, cả tâm trí lẫn cơ thể đều bị ảnh hưởng lớn trong và sau khi điều trị.

Bệnh bạch cầu mạn tính là gì?

Bệnh bạch cầu mạn tính

Bình thường, máu gồm 2 thành phần chính là tế bào máu và huyết tương. Tế bào máu bao gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Mỗi loại tế bào máu có chức năng riêng biệt.

Bệnh bạch cầu lympho mạn tính là một loại ung thư trong đó tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào bạch cầu loại lympho. Khi một trong những tế bào tạo máu của tủy xương thay đổi và trở thành một tế bào ung thư, nó không còn trưởng thành theo cách bình thường và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Các tế bào bạch cầu cũng không chết khi cần. Điều này làm chúng tích tụ trong tủy xương. Tại một số thời điểm, các tế bào bạch cầu ung thư rời khỏi tủy xương và tràn vào máu. Điều này làm tăng số lượng bạch cầu trong máu lên quá cao. Khi trong máu, các tế bào bạch cầu ung thư có thể lan sang các cơ quan khác, ngăn chặn các tế bào khác trong cơ thể hoạt động bình thường.

Bệnh bạch cầu lympho mạn tính khác với các loại ung thư khác bắt đầu ở các cơ quan như phổi, đại tràng hoặc vú và sau đó lan sang tủy xương. Nó là một trong những loại bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở người lớn. Nó thường xảy ra trong hoặc sau tuổi trung niên, hiếm khi xảy ra ở trẻ em.

Bệnh bạch cầu có thể ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Thông thường, các tế bào gốc tạo máu (tế bào máu chưa trưởng thành) cần một khoảng thời gian để trở thành tế bào máu trưởng thành. Một tế bào gốc có thể trở thành tế bào gốc tủy xương hoặc tế bào gốc lympho.

Tế bào gốc tủy xương có thể trở thành một trong ba loại tế bào máu trưởng thành:

  • Các tế bào hồng cầu mang oxy và các chất khác đến tất cả các mô của cơ thể.
  • Các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng và bệnh tật.
  • Tiểu cầu hình thành cục máu đông để cầm máu.

Tế bào gốc lympho trở thành một tế bào lympho chưa trưởng thành và qua quá trình biệt hóa trở thành một trong ba loại tế bào lympho (bạch cầu):

  • Tế bào lympho B tạo kháng thể giúp chống nhiễm trùng.
  • Tế bào lympho T giúp tế bào lympho B tạo kháng thể để chống nhiễm trùng.
  • Tế bào NK giúp tấn công các tế bào ung thư và virus.

Trong bệnh bạch cầu lympho mạn tính, quá nhiều tế bào gốc trở thành tế bào lympho bất thường đồng nghĩa với việc chúng không trở thành tế bào bạch cầu khỏe mạnh. Các tế bào lympho bất thường cũng có thể được gọi là tế bào bạch cầu. Các tế bào lympho này không có khả năng chống nhiễm trùng. Ngoài ra, khi số lượng tế bào lympho tăng trong máu và tủy xương sẽ làm giảm số lượng tế bào hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu. Điều này có thể gây nhiễm trùng, thiếu máu và dễ chảy máu.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu lympho mạn tính

Bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn được gọi là yếu tố nguy cơ hay yếu tố rủi ro. Có một yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư, không có các yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng bạn có các nguy cơ ung thư máu. Các yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu lympho mạn tính là:

  • Tuổi: Hầu hết mọi người được chẩn đoán bệnh bạch cầu lympho mạn tính trên 50 tuổi.
  • Giới tính: Đàn ông có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn phụ nữ
  • Chủng tộc: Người da trắng có nhiều khả năng phát triển bệnh bạch cầu lympho mạn tính hơn là những người của các chủng tộc khác.
  • Tiền sử gia đình có bệnh ung thư máu và tủy xương
  • Tiếp xúc với hóa chất: Một số chất diệt cỏ và thuốc trừ sâu, bao gồm cả chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tăng nguy cơ bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính.
  • Tiếp xúc với các nguồn phóng xạ, như trường hợp các nạn nhân bom nguyên tử ở Nhật vào cuối Thế Chiến II, vụ tai nạn nổ lò nguyên tử Chernobyl (Ukraine) năm 1986 hoặc ở bệnh nhân tiếp nhận xạ trị.

Các triệu chứng của bệnh bạch cầu lympho mạn tính

Các dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh bạch cầu lympho mạn tính bao gồm sưng các hạch bạch huyết và mệt mỏi. Thông thường bệnh bạch cầu lympho mạn tính không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, ngay cả trong xét nghiệm máu thường quy. Hãy đi khám nếu bạn có bất kỳ điều sau đây:

  • Hạch bạch huyết sưng to nhưng không đau ở cổ, nách…
  • Đốm đỏ: Đốm đỏ hoặc tím trên da là hệ quả của việc sụt giảm số lượng tiểu cầu trong cơ thể.
  • Nhức đầu: nhức đầu dữ dội, đi kèm đó là hiện tượng đổ mồ hôi, da dẻ xanh xao. Do sự suy thoái lưu lượng máu đưa lên não khiến cho não không được cung cấp đủ oxy nên gây đau đầu.
  • Đau xương: một trong những triệu chứng chính của ung thư máu chính là đau xương. Các cơn đau có thể xuất hiện tùy theo mức độ của bệnh và thường xuất hiện ở khớp xương chân, đầu gối, cánh tay, lưng.
  • Xanh xao, mệt mỏi: Khi mắc ung thư máu, lượng hồng cầu có trong máu bị suy giảm đáng kể, hiện tượng này còn gọi dễ hiểu hơn là thiếu máu.Thiếu máu khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, xanh xao bởi cơ thể không đáp ứng được nhu cầu trao đổi dưỡng khí.
  • Chảy máu cam: chảy máu cam là hiện tượng khá thường gặp nhưng nếu trong trường hợp chảy máu nhiều, liên trục nhiều ngày thì ngay lập tức phải khám bệnh càng sớm càng tốt bởi đây có thể là hệ quả của việc suy giảm số lượng tiểu cầu – tế bào có tác dụng cầm máu.
  • Sốt là triệu chứng bệnh có nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ lý do nhiễm trùng, nhưng không phải tất cả các trường hợp sốt đều có khả năng cảnh báo triệu chứng của bệnh bạch cầu.

Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu sẽ có nhiều bạch cầu hơn so với người bình thường, các tế bào máu trắng dư thừa là các tế bào khối u ác tính và chúng không thể ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.

Khi khả năng phòng thủ và đề kháng của người bệnh giảm sút, rất dễ bị phát sốt do nhiễm trùng. Sau khi kiểm soát nhiễm trùng, số lượng bạch cầu sẽ giảm và các triệu chứng sẽ được giảm bớt.

  • Đau bụng: khi ung thư máu đã tiến triển đến gan và lá lách, nó có thể gây sưng tấy ở các bộ phận này. Vì thế, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau bụng, đầy hơi, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, hoặc ói mửa.

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh bạch cầu lympho mạn tính

Trước tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám tổng quát, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh, chẳng hạn như cục u hoặc bất cứ điều gì khác có vẻ bất thường. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh tật, phương pháp điều trị đã sử dụng, các thói quen sinh hoạt hàng ngày, tiền sử bệnh tật gia đình và xung quanh.

Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để kiểm tra:

Xét nghiệm công thức máu

Giúp kiểm tra số lượng hồng cầu, tiểu cầu, số lượng và loại tế bào bạch cầu, lượng huyết sắc tố…

Immunophenotyping

Thực hiện phương pháp này bác sĩ buộc phải tiến hành chọc lấy khoảng 2ml tủy sau đó sử dụng “kháng thể đơn dòng” để xác định và phân loại ung thư máu.

FISH

Một kỹ thuật trong phòng thí nghiệm được sử dụng để xem xét các gen hoặc nhiễm sắc thể trong các tế bào và mô. Các mảnh DNA có chứa thuốc nhuộm huỳnh quang được thêm vào các tế bào hoặc mô trên phiến kính. Khi các đoạn DNA này liên kết với các gen hoặc vùng nhiễm sắc thể cụ thể, chúng sẽ sáng lên khi nhìn dưới kính hiển vi với ánh sáng đặc biệt.

Xét nghiệm tủy

Phương pháp chọc tủy xét nghiệm là bắt buộc phải thực hiện để phân loại và xác định các loại tế bào máu trong tủy.

Bình thường, lượng tế bào máu chưa trưởng thành có trong trong tủy không được vượt quá 5%, những bệnh nhân mắc ung thư máu thì lượng tế bào này tăng cao, có thể vượt quá 30%.

Xét nghiệm tế bào di truyền

Tiến hành phương pháp này bệnh nhân sẽ bị lấy khoảng 2ml tủy, mục đích của phương pháp này dùng để xem xét bản chất tế bào máu và nhiễm sắc thể có biến đổi bất thường không, xem có đột biến gen IgVH không. Bệnh nhân có đột biến gen IgVH có tiên lượng tốt hơn.

Phương pháp xét nghiệm dịch não tủy

Các bác sĩ sẽ lấy một lượng dịch não tủy từ cột sống thắt lưng của bệnh nhân để tiến hành kiểm tra hệ thần kinh trung ương có bị ảnh hưởng không (hệ thần kinh trung ương thông thường là não và tủy sống).

Sinh thiết tủy xương

Bác sĩ lấy tủy từ xương hông hoặc những xương lớn khác trong cơ thể. Có hai cách để bác sĩ lấy tủy, một số bệnh nhân sẽ cần cả 2 cách lấy tủy:

  • Hút tủy (bone marrow aspiration): Bác sĩ dùng kim để hút ra một ít tủy, lấy tủy và xương (bone marrow biopsy): Bác sĩ dùng một kim lớn lấy tủy và cả một mảnh xương. Bác sĩ dùng thuốc tê để giúp bệnh nhân không cảm thấy đau đớn khó chịu khi lấy tủy.
  • Cytogenetics: Thử nghiệm nhiễm sắc thể (chromosome) từ máu, tủy hoặc hạch bạch huyết, lấy dịch não tủy. Bác sĩ lấy dịch não tủy (cerebralspinalfluid) qua khoảng cách giữa các đốt xương sống để tìm tế bào ung thư bạch cầu.

Sinh thiết là cách thử nghiệm chính xác nhất để tìm ung thư bạch cầu tại tủy xương.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị và tiên lượng

Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào:

  • Giai đoạn của bệnh.
  • Số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu
  • Các triệu chứng chẳng hạn như sốt, ớn lạnh hoặc giảm cân.
  • Tình trạng gan, lách, các hạch bạch huyết
  • Các đáp ứng với điều trị ban đầu.
  • Ung thư lần đầu hay tái phát

Các tiên lượng (khả năng phục hồi ) phụ thuộc vào:

  • Có sự thay đổi trong DNA và loại thay đổi
  • Có di căn chưa
  • Giai đoạn của bệnh.
  • Đáp ứng với điều trị
  • Ung thư là lần đầu hay tái phát
  • Sức khỏe của bệnh nhân: tuổi tác, bệnh kèm theo…

Xét nghiệm giúp phân giai đoạn của bệnh bạch cầu mạn tính

Sau khi chẩn đoán xác định bệnh bạch cầu lympho mạn tính, các xét nghiệm tiếp theo được thực hiện để tìm hiểu ung thư đã lan rộng đến đâu trong máu và tủy xương.

Điều quan trọng là phải biết giai đoạn của bệnh để lập kế hoạch điều trị tốt nhất. Các xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng để phân giai đoạn của bệnh:

  • X-quang ngực: Chụp X-quang là sử dụng chùm năng lượng của tia X có thể đi xuyên qua cơ thể và tạo nên hình ảnh của các khu vực bên trong cơ thể, chẳng hạn như các hạch bạch huyết, các khối u…
  • MRI (chụp cộng hưởng từ): Nguyên lý cơ bản của chụp MRI là một phương pháp thu hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể sống và quan sát lượng nước bên trong các cấu trúc của các cơ quan. Ảnh cộng hưởng từ hạt nhân dựa trên một hiện tượng vật lý là hiện tượng cộng hưởng từ hạt nhân. MRI có một ưu điểm hơn một số phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác đó là độ tương phản rõ rệt giữa các loại mô từ mô mềm, dịch trong tổ thương… tuy nhiên với các chất vôi như xương, hình xơ vữa động mạch có đóng vôi thì hình ảnh của nó kém so với CT scanner.
  • CT-scanner: Là sử dụng máy tính và máy X-quang để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cơ thể. Những hình ảnh này cung cấp thông tin chi tiết hơn so với hình ảnh X-quang thông thường. Chúng có thể cho bác sĩ thấy các mô mềm, mạch máu và xương ở các bộ phận khác nhau của cơ thể.
  • Chụp PET-CT: Là sự kết hợp các hình ảnh từ chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và chụp cắt lớp vi tính (CT). để tìm các tế bào của khối u ác tính trong cơ thể. Một lượng nhỏ glucose được tiêm vào tĩnh mạch. Máy quét  PET xoay quanh cơ thể và tái hiện hình ảnh về nơi glucose đang được sử dụng trong cơ thể. Các tế bào khối u ác tính xuất hiện sáng hơn trong hình ảnh vì chúng hoạt động nhiều hơn và chiếm nhiều glucose hơn các tế bào bình thường.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Để đo nồng độ một số chất nhất định được giải phóng vào máu bởi các cơ quan và mô trong cơ thể. Nồng độ bất thường (cao hơn hoặc thấp hơn bình thường) của một chất có thể là dấu hiệu của bệnh.
  • Xét nghiệm Antiglobulin : Một xét nghiệm trong đó mẫu máu được nhìn dưới kính hiển vi để tìm xem có bất kỳ kháng thể nào trên bề mặt tế bào hồng cầu hoặc tiểu cầu. Những kháng thể này có thể phản ứng và phá hủy các tế bào hồng cầu và tiểu cầu. Thử nghiệm này cũng được gọi là thử nghiệm Coombs.

Các giai đoạn của bệnh bạch cầu lympho mạn tính

Bệnh bạch cầu lympho mạn tính được chia thành các giai đoạn sau:

Giai đoạn 0

Trong giai đoạn, có quá nhiều tế bào lympho trong máu nhưng không có dấu hiệu hoặc triệu chứng khác của bệnh bạch cầu. Giai đoạn 0 bệnh bạch cầu lympho mạn tính không rõ ràng (diễn biến chậm).

Giai đoạn I

Trong giai đoạn I bệnh bạch cầu lympho mạn tính có quá nhiều tế bào lympho trong máu và các hạch bạch huyết lớn hơn bình thường. Các hạch bạch huyết lớn hơn do sự gia tăng đột ngột của số lượng lympho. Giai đoạn này nếu phát hiện ra sớm thì tỷ lệ chữa khỏi khá cao bởi ung thư vẫn chưa lây lan hoặc ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào khác.

Giai đoạn II

Trong bệnh bạch cầu lympho mạn tính giai đoạn II có quá nhiều tế bào lympho trong máu, gan hoặc lách lớn hơn bình thường và các hạch bạch huyết lớn hơn bình thường.

Giai đoạn III

Trong bệnh bạch cầu lympho mạn tính giai đoạn III có quá nhiều tế bào lympho trong máu và tế bào hồng cầu giảm mạnh dẫn đến tình trạng thiếu máu. Các hạch bạch huyết, gan hoặc lách có thể lớn hơn bình thường.

Giai đoạn IV

Trong giai đoạn IV bệnh bạch cầu lymphomạn tính có quá nhiều tế bào lympho trong máu và số lượng tiểu cầu giảm mạnh. Các hạch bạch huyết, gan hoặc lách có thể lớn hơn bình thường và số lượng tế bào hồng cầu cũng giảm mạnh. Đây là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm và khó điều trị, người bệnh đến giai đoạn này có tỷ lệ sống không cao

Các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn tính

Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu lympho mạn tính.

Các phương pháp điều trị khác nhau có sẵn cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu lympho mạn tính. Một số phương pháp điều trị là tiêu chuẩn (phương pháp điều trị hiện đang được sử dụng), và một số phương pháp đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng. Một thử nghiệm điều trị lâm sàng là một nghiên cứu giúp cải thiện các phương pháp điều trị hiện tại hoặc có được thông tin về các phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư. Khi các thử nghiệm lâm sàng cho thấy một phương pháp điều trị mới tốt hơn điều trị tiêu chuẩn, phương pháp điều trị mới có thể trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Bệnh nhân có thể tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng. Một số thử nghiệm lâm sàng chỉ sử dụng cho những bệnh nhân chưa bắt đầu điều trị.

Các loại điều trị tiêu chuẩn được sử dụng:

Thận trọng theo dõi

Thận trọng theo dõi là theo dõi chặt chẽ tình trạng của bệnh nhân mà không đưa ra bất kỳ điều trị nào cho đến khi các dấu hiệu hoặc triệu chứng xuất hiện hoặc thay đổi. Điều này cũng được gọi là quan sát. Trong thời gian này, các triệu chứng gây ra bởi bệnh chẳng hạn như nhiễm trùng được điều trị.

Những người giai đoạn đầu bệnh bạch cầu lympho mãn tính thường không được điều trị. Nghiên cứu cho thấy điều trị sớm không kéo dài cuộc sống cho những người giai đoạn đầu bệnh bạch cầu lympho mãn tính. Thay vì trải qua các tác dụng phụ và các biến chứng của điều trị, các bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận tình trạng và điều trị dự phòng khi bệnh bạch cầu tiến triển. Thận trọng theo dõi không làm cho phương pháp điều trị ít hiệu quả hơn trong tương lai.

Khoảng một trong số ba người có bệnh bạch cầu lympho mãn tính được chẩn đoán ở giai đoạn đầu sẽ không bao giờ cần điều trị.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại phóng xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển. Có hai loại xạ trị:

  • Xạ trị bên ngoài sử dụng một máy bên ngoài cơ thể để phóng bức xạ về phía ung thư.
  • Xạ trị bên trong sử dụng một dạng thức có tên gọi là xạ áp sát. Theo đó, tia xạ được đưa vào bên trong cơ thể người bệnh bằng cách cấy phóng xạ vào trong hoặc tiếp giáp với khối u.

Cách thức xạ trị được sử dụng tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư được điều trị.

Xạ trị ngoài được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn tính.

Hóa trị

Hóa trị là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng hóa chất để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, bằng cách tiêu diệt các tế bào hoặc bằng cách ngăn chặn chúng phân chia tế bào. Khi hóa trị được thực hiện bằng tiêm hoặc truyền vào tĩnh mạch, thuốc sẽ xâm nhập vào máu và có thể đến các tế bào ung thư trên toàn cơ thể (hóa trị liệu toàn thân ). Khi hóa trị được dùng trực tiếp vào dịch não tủy, một cơ quan hoặc khoang cơ thể như bụng, thuốc chủ yếu ảnh hưởng đến các tế bào ung thư ở những khu vực đó (hóa trị liệu tại chỗ). Cách thức hóa trị được đưa ra tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư được điều trị. Hóa trị được làm theo chu kỳ, mỗi chu kỳ có khoảng thời gian điều trị nhất định.

Phẫu thuật

Cắt lách là phẫu thuật chủ yếu.

Liệu pháp nhắm đích

Liệu pháp nhắm đích là một loại điều trị sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công các tế bào ung thư cụ thể mà không gây hại cho các tế bào bình thường. Liệu pháp kháng thể đơn dòng, liệu pháp ức chế tyrosine kinase và liệu pháp ức chế BCL2 là những loại trị liệu nhắm đích được sử dụng trong điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn tính.

  • Liệu pháp kháng thể đơn dòng: Là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng các kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ một loại tế bào của hệ thống miễn dịch. Những kháng thể này có thể xác định các chất trên tế bào ung thư hoặc các chất bình thường có thể giúp các tế bào ung thư phát triển. Các kháng thể gắn vào các chất và tiêu diệt các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của chúng hoặc giữ cho chúng không lan rộng. Kháng thể đơn dòng sử dụng theo đường tiêm truyền. Chúng có thể được sử dụng một mình hoặc để mang thuốc, chất độc hoặc chất phóng xạ trực tiếp đến các tế bào ung thư.
  • Liệu pháp ức chế Tyrosine kinase: Là một phương pháp điều trị ung thư ngăn chặn các tín hiệu cần thiết cho các khối u phát triển.
  • Liệu pháp ức chế BCL2: Là một phương pháp điều trị ung thư ngăn chặn một loại protein là BCL2. Liệu pháp ức chế BCL2 có thể tiêu diệt tế bào ung thư và có thể khiến chúng nhạy cảm hơn với các thuốc chống ung thư khác.

Các loại điều trị mới đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng

Cấy ghép tế bào gốc tủy xương

Sử dụng loại thuốc hóa trị mạnh để diệt các tế bào gốc trong tủy xương đang gây bệnh lympho. Sau đó các tế bào gốc máu được truyền vào máu, nó đến tủy xương và bắt đầu tạo các tế bào máu khỏe mạnh. Cấy ghép tế bào gốc tủy xương tương tự như ghép tế bào gốc chuẩn, nhưng nó sử dụng liều các loại thuốc hóa trị thấp hơn. Tế bào gốc tủy xương có thể là một lựa chọn điều trị cho những người không cải thiện với phương pháp điều trị khác.

Liệu pháp sinh học

Liệu pháp sinh học là phương pháp điều trị sử dụng hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại ung thư. Các chất được tạo ra bởi cơ thể hoặc được sản xuất trong phòng thí nghiệm được sử dụng để tăng cường, chỉ đạo hoặc khôi phục khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại ung thư. Loại điều trị ung thư này gọi là liệu pháp sinh học hoặc liệu pháp miễn dịch.

Liệu pháp tế bào T kháng thụ thể (CAR)

Liệu pháp tế bào T CAR là một loại liệu pháp miễn dịch thay đổi tế bào T của bệnh nhân (một loại tế bào hệ thống miễn dịch ) để chúng tấn công một số protein trên bề mặt tế bào ung thư. Các tế bào T được lấy từ bệnh nhân và các thụ thể đặc biệt được thêm vào bề mặt của chúng trong phòng thí nghiệm. Các tế bào thay đổi được gọi là tế bào T thụ thể kháng nguyên chimeric (CAR). Các tế bào CAR T được phát triển trong phòng thí nghiệm và đưa vào cơ thể bệnh nhân theo đường tĩnh mạch. Các tế bào CAR T nhân lên trong máu của bệnh nhân và tấn công các tế bào ung thư. Liệu pháp tế bào CAR đang được nghiên cứu trong điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn tính.

Điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn tính có thể gây ra tác dụng phụ

Những phương pháp chữa trị ung thư thường gây hư hại cho những tế bào hoặc cả bộ phận bình thường, vì thế thường có nhiều biến chứng. Các biến chứng xảy ra tùy thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả cách chữa trị. Biến chứng của cùng cách trị liệu có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân, và có thể khác nhau với cùng một bệnh nhân trong những kỳ chữa trị khác nhau.

Hóa trị liệu

Tùy theo loại hóa chất và lượng hóa chất được sử dụng mà có các biến chứng thường khác nhau. Nói chung, những loại hóa chất chữa ung thư ảnh hưởng đến những tế bào sinh trưởng nhanh chóng trong cơ thể, nhất là những tế bào bạch cầu bị ung thư. Trong cơ thể bình thường, những tế bào tăng trưởng và sinh sôi nhanh chóng là:

  • Tế bào máu: Khi tế bào máu bị hủy hoại, bệnh nhân thường bị nhiễm trùng, bị xuất huyết, và cảm thấy yếu sức, mệt mỏi
  • Tế bào tại chân tóc: Bị hủy hoại gây rụng tóc. Tóc có thể sẽ mọc trở lại nhưng màu tóc và sợi tóc có thể đổi khác.
  • Tế bào lót đường tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn): Bệnh nhân bị lở miệng, môi, tiêu chảy, biếng ăn.
  • Một vài loại hóa chất có thể ảnh hưởng đến việc sinh sản. Phái nữ có thể bị mất kinh, kinh nguyệt không đều, hoặc tắt kinh và có những triệu chứng do sự tắt kinh như nóng lạnh, khô âm đạo. Nam giới có thể mất tinh trùng. Những biến chứng này có thể vĩnh viễn, vì thế, một số nam bệnh nhân cần dự trữ tinh trùng bằng cách làm đông lạnh trước khi chữa trị ung thư để sau này có thể tiếp tục việc sinh sản.

Liệu pháp nhắm đích

Thường chỉ ảnh hưởng đến loại tế bào bị “nhắm” đến là các tế bào bạch cầu bị ung thư nên những tế bào khác không bị ảnh hưởng, vì thế nó không gây nhiều biến chứng trầm trọng. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể tạo ra việc “giữ nước”, vì thế, bệnh nhân thường bị sưng phù nhiều.

Liệu pháp sinh học

Có thể là da bị ngứa ngáy, tấy đỏ, sốt, đau bắp thịt, nhức đầu, những triệu chứng tương tự như khi bị cảm cúm.

Ghép tế bào gốc

Khi được chữa trị với một lượng hóa chất cao, các bệnh nhân thường bị nhiễm trùng, xuất huyết và mất sức trước khi tế bào gốc (được ghép) tăng trưởng và trở thành những tế bào hữu dụng. Ngoài ra, tế bào dùng để ghép có thể gây phản ứng với cơ thể, nhất là tế bào ghép đến từ người cho. Bởi có thể có xu hướng đào thải những gì không thuộc về nó. Khi điều này xảy ra, gan, da, và bộ phận tiêu hóa bị ảnh hưởng, nó có thể rất nhẹ (tiêu chảy, da tấy đỏ) hoặc rất trầm trọng (viêm gan) và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thời gian ghép tế bào, ngay cả sau nhiều năm khi chữa trị.  Bác sĩ dùng steroid để chữa trị phản ứng này.

Thử nghiệm lâm sàng

Đối với một số bệnh nhân, tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể là lựa chọn điều trị tốt nhất. Thử nghiệm lâm sàng là một phần của quá trình nghiên cứu ung thư. Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện để tìm hiểu xem phương pháp điều trị ung thư mới có an toàn và hiệu quả hay tốt hơn so với điều trị chuẩn.

Nhiều phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn ngày nay dựa trên các thử nghiệm lâm sàng trước đó. Bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể được điều trị theo tiêu chuẩn hoặc là một trong những người đầu tiên được điều trị theo phương pháp mới.

Bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng cũng giúp cải thiện cách điều trị ung thư trong tương lai. Ngay cả khi các thử nghiệm lâm sàng không dẫn đến các phương pháp điều trị mới hiệu quả, vẫn có những thông tin quan trọng sẽ thu nhận được và giúp tiến hành nghiên cứu trong tương lai

Bệnh nhân có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng trước, trong hoặc sau khi bắt đầu điều trị ung thư.

Một số thử nghiệm lâm sàng chỉ áp dụng cho những bệnh nhân chưa được điều trị. Các thử nghiệm khác điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư không đỡ hơn. Cũng có những thử nghiệm lâm sàng thử nghiệm những cách mới để ngăn chặn ung thư tái phát hoặc giảm tác dụng phụ của điều trị ung thư. Tham gia vào thử nghiệm lâm sàng có thể cho cơ hội để thử các phương pháp điều trị mới nhất, nhưng nó không thể đảm bảo chữa bệnh. Thảo luận về các thử nghiệm lâm sàng có sẵn với bác sĩ và cẩn thận cân nhắc những lợi ích và rủi ro.

Điều trị bệnh bạch cầu lympho theo giai đoạn

Một số xét nghiệm đã được thực hiện để chẩn đoán ung thư hoặc tìm ra giai đoạn ung thư có thể được lặp lại. Một số xét nghiệm sẽ được lặp lại để xem điều trị có hiệu quả như thế nào. Quyết định về việc có nên tiếp tục, thay đổi hoặc ngừng điều trị có thể dựa trên kết quả của các xét nghiệm này.

Một số xét nghiệm sẽ tiếp tục được thực hiện định kỳ sau khi điều trị kết thúc. Kết quả của các xét nghiệm này có thể cho thấy điều trị ung thư có hiệu quả hoặc ung thư đã tái phát (quay trở lại). Những xét nghiệm này đôi khi được gọi là xét nghiệm theo dõi hoặc kiểm tra.

Điều trị theo giai đoạn của bệnh:

Giai đoạn 0

Trong giai đoạn này thường là theo dõi thận trọng.

Giai đoạn I, II, III và IV

Điều trị giai đoạn I , giai đoạn II , giai đoạn III , và giai đoạn IV bệnh bạch cầu lympho mạn tính có thể bao gồm:

  • Theo dõi thận trọng khi có ít hoặc không có dấu hiệu hoặc triệu chứng .
  • Điều trị nhắm đích với một kháng thể đơn dòng, một chất ức chế tyrosine kinase hoặc một chất ức chế BCL2 .
  • Hóa trị liệu với 1 loại thuốc trở lên, có hoặc không có steroid hoặc liệu pháp kháng thể đơn dòng.
  • Liệu pháp xạ trị ngoài liều thấp đến các khu vực của cơ thể nơi phát hiện ung thư , chẳng hạn như lách hoặc hạch bạch huyết .

Điều trị hỗ trợ

Những người bị bệnh bạch cầu lympho mạn tính thường xuyên mệt mỏi. Bác sĩ có thể điều trị mệt mỏi bằng cách kiểm soát các nguyên nhân tiềm ẩn, nhưng thường dùng mỗi thuốc là không đủ. Có các biện pháp hỗ trợ chẳng hạn như:

  • Tập thể dục.
  • Thiền.
  • Yoga.

Tiên lượng bệnh bạch cầu lympho mạn tính

Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu lympho mạn tính có thể sống thêm trung bình khoảng 6 năm và 25% bệnh nhân sống trên 10 năm. Bệnh nhân ở giại đoạn 0 hay giai đoạn I có thời gian sống thêm trung bình là 10 năm, mặc dù có chẩn đoán đáng sợ là bị bệnh bạch cầu nhưng họ vẫn sống một cuộc sống bình thường trong nhiều năm. Bệnh nhân ở giai đoạn III hay IV chỉ sống thêm trung bình dưới 2 năm.

Phòng tránh bệnh bạch cầu lympho mạn tính

Ung thư máu là căn bệnh khó chữa trị nếu được phát hiện muộn, vì thế, mỗi người cần chú ý quan tâm đến các vấn đề về sức khỏe của bản thân cũng như chú ý phòng ngừa bệnh từ trước.Bệnh nhân điều trị khỏi bệnh cũng có những nguy cơ tái phát nếu không có một chế độ và lối sống lành mạnh.Việc phòng ngừa ung thư máu tái phát và mắc mới có điểm chung như sau:

  • Tránh tiếp xúc với hóa chất: các loại hóa chất hư thuốc diệt cỏ, benzen.. là một trong những nguy cơ chính cho việc phát triển bệnh ung thư máu. Trong trường hợp bất khả kháng, cố gắng giảm thiểu thời gian tiếp xúc và mang đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang…
  • Tránh tiếp xúc bức xạ: bức xạ cũng có thể làm thay đổi các thành phần trong máu, vì vậy sẽ tốt hơn nếu giảm thiểu thời gian tiếp xúc với các tia nồng độ cao.
  • Tập thể dục thường xuyên: thể dục đã được chứng minh rằng có thể ngăn ngừa ung thư, và ung thư máu cũng không phải ngoại lệ. Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày cho sức khỏe của bạn.
  • Chế độ ăn uống hợp lý: nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, đồng thời giảm thiểu tiêu thụ các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
  • Khám tổng quát định kỳ 1-2 lần/ năm để sớm phát hiện ra các bất thường của cơ thể

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment