Bụng của bạn không phải là thứ to lên trong những ngày này, bạn có thể thấy sưng nhẹ khắp cơ thể khi mang thai và, nhờ vào luật hấp dẫn, đặc biệt là ở bàn chân và mắt cá chân. Tình trạng sưng hay phù chân có thể thay đổi theo thời gian (tăng vào buổi tối) và theo thời tiết (nhiệt độ ấm hơn dự báo sưng nhiều hơn).
Đa số mẹ bầu bước vào tam cá nguyệt thứ 3 thường bị phù chân hay còn gọi là “xuống máu chân”. Hiện tượng này không quá nguy hiểm với thai phụ mà khiến chị em thấy khó chịu, kém thoải mái khi đi lại, di chuyển do bàn chân sưng to. Đôi khi là sự bất tiện vì khó tìm được đôi giày dép có cỡ vừa với bàn chân sưng phù.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phù chân có thể là dấu hiệu cho nhiều bệnh lý.
Mục lục
Phù chân khi mang thai xảy ra vào lúc nào?
Phù ảnh hưởng đến khoảng 3/4 phụ nữ mang thai bắt đầu từ tuần 22 đến tuần 27 của thai kỳ và nó có thể sẽ tồn tại cho đến khi bạn sinh em bé. Đây còn gọi là tình trạng “xuống máu”. Bị phù chân khi mang thai biểu hiện rõ ràng nhất là phần chân từ cổ chân trở xuống, rõ nhất là ở bàn chân bị sưng lên, phù nề, không gây đau đớn nhưng bất tiện và không thoải mái trong hoạt động hàng ngày. Không chỉ sưng ở mặt tình trạng này còn xảy ra ở tay, mặt ở nhiều chị em.
Xem thêm: Tam cá nguyệt thứ 3 và những điều mẹ bầu cần biết
Nguyên nhân gây phù chân khi mang thai là gì?
Ở những phụ nữ có thai có hai nguyên nhân quan trọng gây ra phù chân, đó là
Sự cản trở máu trở về tim
Khi có thai, càng về những tháng cuối thai nhi sẽ lớn dần làm tăng áp lực trong ổ bụng và tạo nên một lực ép khá lớn lên các tĩnh mạch vùng chậu làm cho máu khó chảy trở về tim được.
Ngoài ra sự cản trở máu về tim có thể do: Mặc đồ quá chật, có thai và thai lớn, chơi các môn thể thao nặng làm gia tăng áp lực trong ổ bụng hay trong lồng ngực như tập tạ, khiêng vác nặng, ho nhiều và ho lâu trong các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, táo bón thường xuyên là nguyên nhân thường gặp ở người lớn tuổi, ngồi lâu hoặc ngồi bắt chéo chân ở nhân viên văn phòng, dư cân và béo phì, sự rối loạn của các nội tiết tố trong thời kỳ mang thai cũng làm giãn thành tĩnh mạch, góp phần vào sự ứ trệ tuần hoàn và làm máu về tim khó khăn hơn.
Giảm hoạt động bơm máu của cơ vùng chân
Có thể do: Bà bầu phải đứng làm việc hoặc ngồi lâu trong một thời gian dài, thói quen mang giày cao gót. Việc sử dụng các loại giày cao gót sẽ khiến trọng lượng cơ thể sẽ bị dồn về phía trước, không cân bằng, xương chậu bị nghiêng đi theo khiến đau nhiều ở vùng lưng dưới. Đồng thời, việc này khiến bàn chân bị gò bó, bức bối, khó chịu và phát sinh chứng viêm kẽ chân, nhất là kẽ ngón chân cái
Ngoài ra, bà bầu bị phù chân cũng do các nguyên nhân sau: Nhiệt độ cao, làm việc nhiều và ít nghỉ ngơi, thiếu kali, ăn nhiều natri, dùng nhiều caffeine.
Hai yếu tố chính này làm máu ứ trệ trong lòng của tĩnh mạch chân, tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch và thoát dịch ra ngoài gây phù. Nếu không được điều trị kịp thời càng gần đến ngày sinh thai phụ càng bị phù nhiều hơn và các van tĩnh mạch cũng như hệ thống tĩnh mạch chi dưới bị suy giãn ra và không hồi phục được ngay cả sau khi sinh.
Phù chân khi mang thai có nguy hiểm không?
Có thể nói sưng nhẹ mắt cá chân và bàn chân do phù là hoàn toàn bình thường. ¼ phụ nữ mang thai có thể sẽ không gặp triệu chứng này hoặc có phù nhưng rất ít. Tuy nhiên, nếu bàn tay và / hoặc khuôn mặt của bạn trở nên sưng húp hoặc nếu sưng kéo dài hơn một ngày tại một thời điểm (không cải thiện qua đêm), hãy gọi cho bác sĩ của bạn. Sưng phù quá mức có thể là một dấu hiệu của tiền sản giật, nó đi kèm với một loạt các triệu chứng khác (như huyết áp tăng, tăng cân nhanh và có protein trong nước tiểu). Nếu huyết áp và nước tiểu của bạn bình thường (kiểm tra mỗi lần khám thai) thì không có gì phải lo lắng.
Khi nào khi cần đi khám bác sĩ?
Ngay khi thấy những dấu hiệu sau đi kèm với phù chân, bạn nên chủ động đến bệnh viện để kiểm tra:
- Mặt, chân, tay sưng lên một cách bất ngờ.
- Đau đầu dữ dội
- Thị giác gặp vấn đề như nhìn mọi thứ bị nhòe, chói
- Đau dữ dội dưới các xương sườn
- Nôn mửa
Nếu bạn thuộc các nhóm sau đây thì càng nên cẩn thận với tình trạng phù chân hay sưng phù ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể:
- Trên 40 tuổi
- Khoảng cách giữa 2 lần mang thai từ 10 năm trở lên
- Mang thai đôi hoặc đa thai
- Chưa từng mang thai hoặc sinh con trước đó
- Trong gia đình từng có người bị tiền sản giật.
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30
- Bị cao huyết áp từ trước khi mang thai
- Đã từng bị tiền sản giật
Tình trạng tiền sản giật xảy ra không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Do đó, bạn cần hết sức chú ý những bất thường đi kèm với tình trạng sưng phù chân.
Làm thế nào để giảm tình trạng phù chân?
Tránh thời gian dài đứng hoặc ngồi quá lâu
Điều này có thể khó khăn nếu chị em làm việc trong một văn phòng, nhưng việc thay đổi vị trí trong khi làm việc có thể giúp giảm phù nề trong thai kỳ. Chị em có thể tranh thủ đi lại khi đi lấy nước, đi vệ sinh bên ngoài để giúp lưu thông máu tốt hơn. Bạn nên đi bộ 5 phút sau khi ngồi một giờ. Không nên ngồi xếp bằng hoặc chân nọ bắt chéo chân kia, vì các tư thế này có thể ngăn cản quá trình tuần hoàn máu xuống hai chân, dễ dẫn đến tình trạng bị tê chân. Ngoài ra, thai phụ nên thường xuyên duỗi thẳng chân mỗi khi ngồi và tranh thủ làm động tác “duỗi thẳng”, đầu tiên đặt gót chân xuống và nhẹ nhàng nhấn chân xuống để làm căng các cơ bắp, xoay xoay cổ chân và ngọ nguậy các ngón chân.
Gác chân cao
Nếu có thể, hãy nâng cao chân khi bạn đang ngồi. Đặt một chiếc ghế nhỏ ở dưới và gác chân lên đó khi ngồi làm việc. Nếu ở nhà, hãy cố gắng giữ chân các mẹ ngang tầm với tim nhé.
Nằm nghiêng về một phía
Bạn có thể làm giảm bớt áp lực lên các tĩnh mạch bằng cách nằm nghiêng về một phía. Vì tĩnh mạch chủ ở phía bên phải cơ thể, nên nằm nghiêng về phía bên trái giúp làm giảm áp lực. Khi ngủ, đặt gối để kê chân cũng là một giải pháp xoa dịu và giảm chứng phù chân hiệu quả. Ngoài ra, nằm nghiêng trái đã được chứng minh là tốt cho thai nhi.
Tập thể dục thường xuyên
Mặc dù tập thể dục có thể gây ra một số phù nề (có bao giờ chị em nhận thấy bàn tay sẽ sưng hơn sau khi tập luyện không?) nhưng lợi ích nó mang lại lớn hơn nhiều. Tập thể dục vừa phải, đều đặn (đi bộ, bơi, hoặc đi xe đạp) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng xuống các chi dưới. Bạn có thể tham gia lớp tập thể dục dưới nước, vì ngâm mình trong nước có thể tạm thời giúp làm giảm sưng, đặc biệt ở mực nước gần đến vai bạn.
Mang giày thoải mái
Phụ nữ mang thai cần từ bỏ giày cao gót vì độ cao của giày khiến cơ thể khó giữ thăng bằng, xương chậu bị nghiêng khiến lưng dưới bị đau, thậm chí dễ gây nguy hiểm cho mẹ và bé khi mẹ bầu trơn trượt bị ngã. Tốt nhất chị em nên chọn mua nhưng đôi giầy đế thấp, chất liệu mềm mại và quan trọng là đúng với cỡ chân. Khi thấy chân sưng phù đừng nên tiết kiệm không thay giầy mới mà cố sử dụng đôi giày chật sẽ càng làm bạn khó chịu. Không nên mang giày, dép quá chật vì chính những đôi giày, dép sẽ là nguyên nhân phát sinh của chứng viêm tấy kẽ chân, chai, sần ngón chân…
Các vết chai sần được hình thành như những đốm da cứng để chống lại sự ma sát của giày dép lên chân. Những khi có điều kiện như ngồi trong phòng làm việc hay ở nhà thì nên để chân được thư giãn bằng cách cởi giày, dép ra mà thay bằng dép mềm đi trong nhà.
Chế độ ăn hợp lý
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai đóng vai trò không nhỏ trong việc điều trị phù chân ở bà bầu. Vì vậy, mẹ bầu cần cân bằng và bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như các loại vitamin C, E, thực phẩm chứa nhiều kali để tăng cường bảo vệ thành tĩnh mạch.
Uống nhiều nước hơn
Nghe có vẻ phản khoa học, nhưng uống nhiều nước hơn sẽ thực sự giúp bạn loại bỏ các chất lỏng dư thừa. Khi cơ thể bị mất nước, thận của bạn sẽ chủ động giữ nước lại trong cơ thể khiến chị em sưng phù nhiều hơn. Cung cấp cho cơ thể đủ nước sẽ là một tín hiệu nhắc nhở thận không cần phải tích nước mà hãy thải bớt phần chất lỏng dư thưa.
Hạn chế ăn mặn
Muối rất quan trọng cho việc giữ nước đúng cách. Nên bổ sung muối tinh lành mạnh trong chế độ ăn uống hàng ngày. Và ngoài việc nạp muối (natri), có 3 chất điện giải chính khác (kali, magiê và canxi) cần thiết để giữ cho cơ thể mẹ mang thai đủ nước. Điều quan trọng là giữ cho các chất điện giải này ở mức cân bằng thích hợp. Ví dụ, quá nhiều muối nhưng không có đủ kali có thể gây ra vấn đề về tim. Đó là lý do tại sao cân bằng chất điện giải thường quan trọng hơn là chỉ thêm muối vào chế độ ăn uống.
Các chị em có thể nhận được các chất điện giải ở dạng bổ sung chất lỏng, ở dạng bột, hoặc từ thực phẩm.
Giảm ăn và uống đồ có caffeine
Caffeine là một thuốc lợi tiểu, có nghĩa là nó làm tăng lượng chất lỏng cơ thể loại bỏ thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, nó cũng gây ra tình trạng mất nước, khiến cho thận của bạn phát tín hiệu giữ nước lại. Cố gắng giảm lượng caffeine uống mỗi ngày – đó là lời khuyên tốt cho việc mang thai các mẹ nên áp dụng.
Massage chân
Càng gần đến ngày sinh, đôi chân của mẹ bầu sẽ càng đau mỏi hơn. Trước khi đi ngủ chị em có thể ngâm chân nước ấm pha chút rượu gừng hoặc một nắm muối rồi kết hợp xoa bóp chân sẽ giúp các mẹ thoải mái và dễ ngủ hơn.
Một lý do khác làm cho chân to hơn
Ngoài chứng phù nề, còn có một yếu tố khác làm chân bạn to hơn: Giống các dây chằng trong cơ thể, nhờ vào tác dụng của hormone relaxin, các dây chằng và khớp ở xương chân giãn ra. Nếu bạn vẫn đi đôi giày cũ của bạn, bàn chân của bạn có thể bị chèn ép. Sau một vài tháng, sưng phù ở bàn chân sẽ giảm đi. Nhưng mặc dù các khớp và dây chằng của bạn sẽ thắt chặt lại, bàn chân của bạn có thể vẫn lớn hơn trước khi sinh.
Như đã nói ở trên, phù chân, tay, mặt kèm theo các triệu chứng đau đầu, đau bụng, mờ mắt thì bà bầu cần đi khám càng sớm càng tốt vì sưng phù cũng là dấu hiệu của tiền sản giật nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Gặp phải tình trạng phù chân khi mang thai, trước hết, bạn nên bình tĩnh bởi đây không phải là biểu hiện bệnh mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể tích nước. Bên cạnh việc áp dụng những tuyệt chiêu giảm phù chân kể trên, bạn nhớ duy trì lối sống năng động với các bài tập nhẹ nhàng hàng ngày.
Chúc bạn một thai kỳ khỏe mạnh!