Triệu chứng

Đau bụng quanh rốn và những nguyên nhân phổ biến

Có nhiều lý do có thể dẫn đến đau bụng vùng quanh rốn. Một số nguyên nhân có liên quan đến các tình trạng nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong, trong khi những nguyên nhân khác có thể là các vấn đề đơn giản, có thể giải quyết.

Bất cứ ai bị đau bụng vùng quanh rốn nên nói chuyện với bác sĩ, người có thể xác định tốt nhất liệu cơn đau có nghiêm trọng hay không. Nhiều tình trạng có thể gây đau ở vùng rốn và thậm chí lan ra các khu vực khác của cơ thể, bao gồm vùng bụng dưới, chân và ngực.

Nguyên nhân phổ biến bao gồm khó tiêu, táo bón và mang thai. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này.

Một vài sự thật về đau bụng quanh rốn:

  • Mang thai có thể khiến phụ nữ bị đau quanh rốn.
  • Một số tình trạng tạm thời có thể gây đau bụng.
  • Bất cứ ai đã phẫu thuật bụng đều có thể bị đau bụng quanh rốn.
  • Táo bón có thể gây đau bụng quanh rốn, nhưng nó thường không phải là một tình trạng nghiêm trọng.

Khó tiêu

đau bụng quanh rốn

Chứng khó tiêu thường phát triển sau khi bạn ăn hoặc uống thứ gì đó. Đau thường xảy ra ở bụng trên, mặc dù đôi khi cũng có thể đau lan xuống vùng quanh rốn. Chứng khó tiêu thường được gây ra bởi các loại thực phẩm giàu chất béo và ăn bữa ăn quá nhiều. Khi dạ dày của bạn không thể giữ và tiêu hóa lượng thức ăn quá lớn thì thức ăn sẽ tràn lên thực quản, gây khó chịu đau đớn. Bạn có thể cảm thấy như ợ nóng thường xuyên và có một vị chua chua trong miệng của bạn. Cơn đau có thể kéo dài trong vài giờ và có thể nặng hơn nếu bạn đang gặp phải stress.

Các triệu chứng khó tiêu cũng bao gồm:

  • Ợ nóng
  • Đầy hơi
  • Ấm ách
  • Cảm giác no sớm
  • Ợ hơi
  • Ợ chua
  • Trung tiện
  • Cảm giác nặng nề sau khi ăn

Chứng khó tiêu có thể được điều trị bằng thuốc kháng axit và thuốc giảm tiết dạ dày. Theo National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases, cứ 4 người ở Mỹ thì có 1 người mắc chứng khó tiêu. Hơn nữa, trong số những người đi khám bác sĩ vì khó tiêu, 3 trong 4 người được chẩn đoán mắc chứng khó tiêu.

Chứng khó tiêu nhẹ sẽ hết khá nhanh và có thể được điều trị bằng thuốc không kê đơn. Nhưng nếu các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần, bạn nên gặp bác sĩ để loại trừ các vấn đề tiêu hóa tiềm ẩn.

Mang thai

Đau vùng quanh rốn nhẹ không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng phụ nữ đang mang thai có bất kỳ khó chịu và đau đớn nhiều, liên tục nên đi khám bác sĩ ngay.

Có 3 loại thoát vị có thể gặp trong thai kỳ:

  • Thoát vị rốn: Loại phổ biến nhất. Chúng sẽ xuất hiện ngay gần rốn của bạn.
  • Thoát vị peraumbilical: Nằm gần nhưng không hoàn toàn trên rốn của bạn.
  • Thoát vị bẹn: hiếm hơn các loại khác, chúng xuất hiện thấp hơn về phía háng của bạn. Chúng xảy ra khi cơ háng của bạn bị suy yếu bởi em bé đang lớn lên trong tử cung

Một thoát vị rốn trong khi mang thai là một lý do có thể khiến đau bụng quanh rốn trong thai kỳ. Tuy nhiên, những loại thoát vị này rất hiếm và thường gặp ở những phụ nữ mang đa thai hoặc những người béo phì đang mang thai.

Các triệu chứng của thoát vị rốn bao gồm:

  • Có khối sưng phồng tại rốn
  • Đau nhiều xung quanh rốn
  • Tăng cảm giác đau khi cười, khóc, ho hoặc căng thẳng
  • Đôi khi gây cảm giác đau âm ỉ
  • Táo bón
  • Cảm giác khó chịu
  • Buồn nôn, nôn mửa

Dấu hiệu của một thoát vị nghiêm trọng:

  • Bạn không thể đẩy nó trở lại.
  • Đau dữ dội tại vị trí thoát vị.

Trong trường hợp này, bạn cần đi gặp bác sĩ ngay.

Táo bón

Đau bụng quanh rốn có thể xảy ra khi một người bị táo bón.

Táo bón là một tình trạng phổ biến được xác định khi một người đi ngoài ít hơn 3 lần trong thời gian 1 tuần, theo National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases.

Thói quen sống thường là lý do chính gây ra táo bón nhẹ. Nếu bạn có một trong những thói quen sau đây, bạn sẽ có nguy cơ bị táo bón cao hơn:

  • Lớn tuổi
  • Phụ nữ mang thai
  • Bị thiếu hoặc mất nước
  • Chế độ ăn uống ít hoặc thiếu chất xơ
  • Béo phì
  • Ít hoặc không vận động
  • Đang điều trị bằng một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc tê hoặc thuốc giảm huyết áp.

Những triệu chứng táo bón bao gồm:

  • Khó thải phân, phân khô hay cứng
  • Bụng trướng
  • Đau bụng vùng quanh rốn
  • Có máu trong phân hoặc chảy máu sau khi đi đại tiện
  • Sau khi đại tiện xong vẫn còn cảm giác muốn đại tiện

Hầu như tất cả mọi người đều bị táo bón trong khoảng thời gian nào đó, và táo bón kéo dài trong một thời gian ngắn thì hầu như không nghiêm trọng. Táo bón thường xuyên được điều trị bằng chất làm mềm phân và bằng cách thêm chất xơ chế biến hoặc tổng hợp vào chế độ ăn uống.

Dù là một triệu chứng phổ biến, nhưng bạn nên gặp bác sĩ nếu táo bón kéo dài hơn hai tuần vì đó có thể là dấu hiệu cho các bệnh khác. Ngoài ra bạn cũng cần đi khám khi trong phân có máu, sụt cân dù không ăn kiêng hoặc táo bón kèm theo đau bụng nghiêm trọng.

Xem thêm: Đau bụng trên rốn: Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này

Các nguyên nhân tiềm ẩn khác

Các nguyên nhân tiềm ẩn khác của đau bụng quanh rốn bao gồm đau sau phẫu thuật, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), nhiễm khuẩn và viêm dạ dày ruột .

Đau sau phẫu thuật

Hầu hết thời gian, cơn đau do phẫu thuật sẽ được giải quyết khi cơ thể lành lại. Thuốc giảm đau có thể giúp giảm nhẹ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau.

Bất kỳ cơn đau và sưng nghiêm trọng nào bao gồm những điều sau đây nên được kiểm tra thêm:

  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Bệnh tiêu chảy

Những người gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này nên đến bác sĩ vì đây là những dấu hiệu của nhiễm trùng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn ở bất kỳ cơ quan nào thuộc đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao gồm các cơ quan sản xuất, lưu trữ và đào thải nước tiểu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, bàng quang và niệu đạo thường bị nhiễm trùng nhất. UTI phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, nhưng bất kỳ ai, kể cả trẻ em, đều có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng niệu có thể gây đau ở bụng vùng quanh rốn.

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, bao gồm:

  • Giới tính: niệu đạo nữ ngắn hơn nam nên con đường vi khuẩn đến bàng quang ngắn hơn, khiến nữ dễ bệnh hơn nam
  • Hoạt động tình dục không an toàn
  • Sử dụng các biện pháp tránh thai: phụ nữ sử dụng màng ngăn hoặc thuốc diệt tinh trùng có khả năng mắc bệnh cao hơn
  • Đã mãn kinh: sau mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen gây thay đổi đường tiết niệu, làm bạn dễ nhạy cảm với nhiễm trùng hơn
  • Bất thường đường tiết niệu: trẻ sơ sinh có dị tật đường tiết niệu làm cho nước tiểu không thải ra ngoài như bình thường được hoặc làm nước tiểu ứ lại trong niệu đạo có nguy cơ mắc bệnh cao
  • Bị tắc nghẽn đường tiểu: sỏi hoặc tuyến tiền liệt phì đại có thể làm nước tiểu bị ứ lại trong bàng quang
  • Bị suy giảm miễn dịch: tiểu đường và các bệnh lý khác gây suy yếu hệ miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Đặt ống thông tiểu: gặp ở những người không thể tự đi tiểu được và phải đặt ống thông để rút nước tiểu ra. Đó có thể là những bệnh nhân đang nằm viện, bệnh nhân bị bệnh lý thần kinh không kiểm soát được chức năng tiểu tiện và bệnh nhân bị liệt.

Các triệu chứng của nhiễm trùng tiết niệu là:

  • Đau bụng vùng quanh rốn, đau hai bên lưng phía dưới
  • Buồn tiểu thường xuyên
  • Tiểu buốt
  • Tiểu lắt nhắt, không kiểm soát được dòng chảy,
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
  • Có mủ hoặc máu trong nước tiểu
  • Đau vùng xương mu
  • Sốt, buồn nôn, nôn mửa
  • Đau lưng

Nhiễm trùng niệu là do vi khuẩn và được điều trị bằng kháng sinh. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, đặc biệt là tiểu buốt, thì bạn nên khám bác sĩ. Hãy gọi bác sĩ nếu bạn vẫn còn sốt sau khi dùng kháng sinh được 48 giờ hay các triệu chứng xuất hiện trở lại sau khi uống thuốc xong.

Nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn

Vi khuẩn đường ruột xấu có thể xâm nhập vào cơ thể và sống trong đường tiêu hóa trong nhiều năm. Với thời gian đủ lâu, vi khuẩn có thể gây ra vết loét đau ở niêm mạc dạ dày và ruột non. H. pylori là một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (còn gọi là H. pylori). Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Nhiễm H. pylori rất phổ biến, nhưng đa số chúng ta không nhận ra rằng mình đã mắc bệnh vì thường không xuất hiện bất cứ triệu chứng gì. Tuy nhiên trong một số trường hợp, H. pylori có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm loét và ung thư dạ dày.

H. pylori thường bị lây nhiễm lúc còn nhỏ. Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm H. pylori có liên quan đến điều kiện sống trong thời thơ ấu của bạn, chẳng hạn như:

  • Điều kiện đông đúc: bạn có nguy cơ bị nhiễm H. pylori nếu bạn sống trong một gia đình nhiều người
  • Khu vực sống thiếu nước sạch
  • Sống ở những nước đang phát triển: người dân sống ở các nước đang phát triển, nơi mà điều kiện sống chật chội và mất vệ sinh có nguy cơ cao bị lây nhiễm H. pylori
  • Sống chung với người đã bị nhiễm H. pylori.

Những triệu chứng thường gặp là:

  • Đau bụng sau khi ăn
  • Buồn nôn
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Ợ nóng thường xuyên
  • Đầy hơi
  • Hôi miệng
  • Giảm cân không chú ý

Nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn H.P có thể được điều trị bằng kháng sinh. Khi kháng sinh bắt đầu hoạt động, đau bụng và các triệu chứng khác thường sẽ hết.

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu đang lo lắng về các triệu chứng của mình. Ngoài ra, hãy tìm sự hỗ trợ y tế ngay nếu bạn đang trải qua:

  • Cơn đau bụng dữ dội và dai dẳng
  • Khó nuốt
  • Phân lẫn máu hoặc có màu đen
  • Nôn ra máu hoặc dung dịch nôn có màu đen hay trông như bã cà phê.

Viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm niêm mạc ruột, thường do nhiễm trùng. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi một loại virus nhưng cũng có thể gây ra do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Các vi sinh vật này lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với người bệnh. Các vấn đề thường gặp nhất với viêm dạ dày ruột là mất nước. Điều này xảy ra khi bạn bị mất quá nhiều chất lỏng do nôn mửa và tiêu chảy.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm dạ dày ruột như:

  • Người cao tuổi thường có hệ thống miễn dịch yếu khiến họ dễ bị nhiễm trùng hơn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có hệ thống miễn dịch yếu.
  • Hệ thống miễn dịch yếu. Các tình trạng sức khỏe có thể làm giảm hệ miễn dịch như HIV và AIDS cũng như sau hóa trị.
  • Các khu vực nước kém vệ sinh. Nếu khu vực bạn sống hạn chế sử dụng nước sạch, bạn có nhiều nguy cơ bị viêm dạ dày ruột.
  • Vệ sinh kém. Khi không rửa tay thường xuyên, bạn có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm dạ dày ruột thường gặp là:

  • Đau hoặc co thắt bụng
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Giảm cân
  • Sốt
  • Ớn lạnh hoặc đau đầu.

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Phân lỏng liên tục trong 24 giờ hoặc có máu trong phân
  • Ói mửa kéo dài hơn 2 ngày hoặc nôn ra máu
  • Nếu bạn bị mất nước (dấu hiệu bao gồm khát nước, khô miệng, nước tiểu vàng đậm, ít hoặc không có nước tiểu, chóng mặt)
  • Sốt từ 40°C trở lên.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu con bạn:

  • Bị sốt cao trên 38,5°C
  • Nhõng nhẽo hay cáu kỉnh
  • Có vẻ uể oải hay yếu
  • Tiêu chảy ra máu
  • Có dấu hiệu mất nước
  • Nôn mửa kéo dài hơn vài giờ
  • Tã không ướt trong vòng 6 giờ
  • Giấc ngủ bất thường.

Nguyên nhân nghiêm trọng hơn của đau bụng quanh rốn

Một số bệnh lý gây đau bụng quanh rốn đặc biệt đau đớn, nhưng hầu hết đều có thể chữa được. Ngay cả những bệnh lý không thể chữa khỏi vẫn có thể điều trị được và cơn đau có thể được kiểm soát.

Sỏi mật

Sỏi túi mật là những viên rắn chứa cholesterol và các chất khác hình thành trong túi mật. Sỏi túi mật có thể chỉ nhỏ bằng hạt cát (sỏi bùn) hoặc lớn như một quả bóng golf và chúng có thể mềm hoặc rắn. Bạn có thể có một hoặc rất nhiều sỏi mật trong túi mật. Bệnh sỏi túi mật cũng có thể mang tính di truyền. Sỏi mật là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau ở bụng phía trên bên phải.

Hầu hết sỏi túi mật không có triệu chứng. Tuy nhiên, những sỏi túi mật có kích thước lớn sẽ bị kẹt trong trong ống dẫn mật đến ruột, túi mật lúc này sẽ co bóp khó hơn và người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng bụng trên bên phải hoặc lan xuống quanh rốn. Bạn cần chú ý đến khả năng mắc bệnh nếu có những dấu hiệu sau:

  • Đau vai phải
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau giữa hai xương bả vai, đặc biệt là vai phải
  • Cơn đau đột ngột và dữ dội ở giữa bụng, bên dưới xương ức.

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật, bao gồm:

  • 60 tuổi trở lên
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Mang thai
  • Chế độ ăn giàu chất béo, giàu cholesterol nhưng lại ít chất xơ
  • Có tiền sử gia đình bị sỏi túi mật
  • Mắc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng gan, xơ gan
  • Dùng một số thuốc hạ cholesterol, thuốc tránh thai, thuốc có chứa estrogen (các loại thuốc điều trị nội tiết)

Đau do sỏi mật có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc để hòa tan sỏi mật, nhưng quá trình điều trị có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm để có tác dụng. Thông thường, nếu như sỏi túi mật nhỏ và không gây ra triệu chứng đau thì không cần phẫu thuật lấy sỏi. Ngược lại, một khi sỏi túi mật gây đau, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cấp cứu hoặc lên kế hoạch phẫu thuật nếu đi kèm một số bệnh lý túi mật khác.

Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm. Sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa có thể là nguyên nhân viêm ruột thừa. Vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, khiến phần ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ. Nếu không được chữa trị kịp thời, ruột thừa có thể vỡ. Thường không đau dữ dội, có thể kèm theo hội chứng nhiễm trùng như: sốt nhẹ, môi khô, lưỡi bẩn, trừ vài trường hợp khó chẩn đoán, còn lại nếu thấy đau âm ỉ hố chậu phải đến ngay bệnh viện để bác sĩ khám ngay và theo dõi kỹ, nếu là bệnh viêm ruột thừa thì phải mổ cắt ruột thừa kịp thời, không để xảy ra biến chứng.

Một báo cáo đã ghi nhận có gần 400.000 chẩn đoán viêm ruột thừa ở Bắc Mỹ vào năm 2015. Viêm ruột thừa không được điều trị có thể gây viêm phúc mạc, xảy ra nếu vỡ ruột thừa và nhiễm trùng lan rộng trong bụng. Viêm phúc mạc là một tình trạng viêm nguy hiểm và có khả năng gây tử vong khi viêm ruột thừa vỡ không được phẫu thuật kịp thời.

Các triệu chứng khác của viêm ruột thừa có thể bao gồm:

Tình trạng thường đòi hỏi có sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Vì vậy, nếu bạn gặp phải những triệu chứng này, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Sau khi bác sĩ chẩn đoán tình trạng của bạn, họ có thể cho bạn về nhà với kế hoạch điều trị tại nhà hoặc giữ bạn ở bệnh viện để theo dõi thêm.

Bác sĩ có thể xác định viêm ruột thừa và tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa của bạn. Cắt ruột thừa là cần thiết để ngăn tình trạng ruột thừa vỡ và gây ra các biến chứng khác. Nếu viêm ruột thừa của bạn nghiêm trọng, bác sĩ có thể loại bỏ ruột thừa của bạn ngay lập tức.

Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng của viêm ruột thừa, bạn không nên dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc nhuận tràng, vì chúng có thể khiến ruột thừa của bạn bị vỡ.  Bất cứ ai nghi ngờ họ có thể bị viêm ruột thừa vì họ bị đau bụng dữ dội hoặc bất kỳ triệu chứng nào được ghi nhận ở trên nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Viêm tụy

Viêm tụy là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng viêm ở tuyến tụy. Tụy tạng là một tuyến phẳng dài nằm ẩn phía sau dạ dày ở vùng bụng trên. Tụy phóng thích các men tiêu hóa vào ruột non để giúp tiêu hóa thức ăn và tiết ra hormone insulin và glucagon để điều chỉnh đường huyết (glucose). Có hai loại viêm tụy: cấp tính và mạn tính.

Viêm tụy cấp tính là tình trạng viêm đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn. Độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi từ mức gây khó chịu nhẹ cho đến gây nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết những người bị viêm tụy cấp tính đều hồi phục hoàn toàn sau khi được điều trị đúng cách. Trong trường hợp bệnh nặng, viêm tụy cấp tính có thể dẫn đến xuất huyết tụy, tổn thương mô nghiêm trọng, nhiễm trùng và hình thành nang giả tụy. Viêm tụy nặng cũng có thể gây tổn hại cho cơ quan quan trọng khác như tim, phổi, thận.

Viêm tụy mạn tính là viêm tụy lâu dài và thường xảy ra sau một đợt viêm tụy cấp tính. Uống rượu nhiều cũng là một nguyên nhân chính gây bệnh. Thiệt hại đến tuyến tụy từ việc sử dụng nhiều rượu có thể không gây ra triệu chứng trong nhiều năm nhưng sau đó đột nhiên phát triển các triệu chứng viêm tụy nặng.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nguy cơ mắc bệnh viêm tụy, chẳng hạn như:

  • Uống nhiều rượu trong một khoảng thời gian dài
  • Một số điều kiện di truyền, chẳng hạn như bệnh xơ nang
  • Sỏi mật
  • Các tình trạng như tăng triglycerides.

Các triệu chứng khác của viêm tụy cấp có thể bao gồm:

  • Cơn đau bắt đầu từ bụng phía trên, sau đó lan sau lưng và có thể lan xuống quanh rốn. Cơn đau bụng có thể trầm trọng hơn khi ăn uống, đặc biệt là sau khi ăn thực phẩm giàu chất béo.
  • Rất đau khi chạm vào bụng
  • Chướng bụng
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Sốt
  • Tăng nhịp tim.

Các triệu chứng của viêm tụy mãn tính cũng có thể bao gồm:

  • Giảm cân đột ngột
  • Phân có mùi dầu

Hãy liên lạc với bác sĩ nếu bạn bị đau bụng dai dẳng. Bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bị đau bụng nghiêm trọng mà không thể ngồi yên hoặc không có tư thế giảm đau

Bệnh Crohn

Bệnh Crohn, còn được gọi là viêm ruột từng vùng, là tình trạng viêm mãn tính ở đường ruột. Bệnh Crohn thường ảnh hưởng ở cả ruột non, ruột già, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến ruột kết. Bệnh Crohn có thể gây đau dữ dội vùng bụng xung quanh rốn.

Bạn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn nếu bạn:

  • Hút thuốc lá
  • Nghiện rượu bia
  • Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Sống ở vùng có nguồn nước bị ô nhiễm
  • Có người thân trong gia đình đã từng bị bệnh Crohn.

Cũng như các triệu chứng của các bệnh viêm đường ruột khác, các dấu hiệu của bệnh Crohn là:

  • Chán ăn và sụt cân
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng dưới
  • Viêm loét đường ruột
  • Có máu trong phâ
  • Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng khác như:
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Viêm ở khớp, da hoặc mắt
  • Viêm gan hoặc viêm ống dẫn mật
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm

Đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh Crohn, đặc biệt là:

  • Đau bụng
  • Có máu trong phân
  • Tiêu chảy kéo dài không tự khỏi trong 3 ngày
  • Sốt kéo dài hơn một hoặc hai ngày không rõ nguyên nhân

Khi nào đi khám bác sĩ?

Đau bụng quanh rốn có rất nhiều nguyên nhân. Các trường hợp đau bụng quanh rốn sau đây có thể cần được chăm sóc y tế ngay lập tức:

  • Đau dữ dội ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày
  • Cơn đau gây ra thức giấc vào ban đêm
  • Đau kèm theo nôn mửa dữ dội
  • Đau với phân có máu
  • Đau do chấn thương

Hầu hết đau bụng quanh rốn không nghiêm trọng, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể là trường hợp cấp cứu. Xác định nguyên nhân đau bụng có thể giúp khắc phục bằng các phương pháp điều trị thích hợp.

Do đó, bất cứ ai trải qua cơn đau bụng quanh rốn rất đau hoặc bất thường nên tới khám bác sĩ.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment