Nếu bạn bị đau ở bên trái ngực, suy nghĩ đầu tiên của bạn có thể là bạn đang bị đau tim. Mặc dù đau ngực trái thực sự có thể là một triệu chứng của bệnh tim mạch nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.
Tiếp tục đọc bài viết dưới đây để hiểu một số nguyên nhân gây đau ngực, các triệu chứng đi kèm có thể là gì và bạn nên làm gì nếu gặp tình trạng như vậy.
Khi nào cần sự trợ giúp khẩn cấp:
Đau ngực bên trái có thể là do một cơn đau tim hoặc tình trạng đe dọa tính mạng khác mà thời gian chính là yếu tố quan trọng. Gọi 115 ngay khi bạn gặp các triệu chứng sau:
- Cảm giác đè nặng ở ngực hoặc tức ngực nhiều
- Đau lan ra cánh tay, hàm hoặc xuyên ra sau lưng
- Khó thở
- Mệt mỏi, chóng mặt hoặc hụt hơi
- Buồn nôn hoặc nôn mửa nhiều
Sau đây là những nguyên nhân gây ra đau ngực trái mà bạn cần biết:
Mục lục
Nguyên nhân tim mạch
Bệnh động mạch vành
Như đã lưu ý trước đó, bệnh tim có thể gây đau ở cả hai bên ngực hoặc chỉ ở bên trái. Bệnh mạch vành là tình trạng xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị cản trở do sự hình thành những mảng bám tích tụ bên trong. Các động mạch trong cơ thể chúng ta vốn dĩ mềm mại và đàn hồi, nay trở nên hẹp và cứng hơn do sự xuất hiện có các mảng bám qua thời gian, như cholesterol và các chất khác bám trên thành mạch máu, gọi là chứng xơ vữa động mạch.
Khi bệnh mạch vành tiến triển, sự lưu thông máu qua động mạch trở nên khó khăn hơn. Hậu quả là cơ tim không thể nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết, dẫn đến tình trạng đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim. Hầu hết các cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi một cục máu đông đột ngột di chuyển đến đoạn hẹp của mạch máu, gây tắc mạch và chấm dứt nguồn cung cấp máu cho tim, gây tổn thương tim vĩnh viễn.
Triệu chứng bệnh mạch vành phổ biến nhất là đau thắt ngực hay đau vùng tim. Tình trạng này có thể được mô tả với các dấu hiệu sau:
- Nặng nề vùng ngực
- Cảm giác nén ép tim
- Đau ran vùng ngực
- Nóng rát
- Tê vùng ngực
- Đầy bụng
- Cảm giác tim bị bóp chặt lại
- Đau ngực âm ỉ.
Triệu chứng của bệnh mạch vành ở phụ nữ thường nhẹ hơn so với nam giới. Trong cơn đau ngực điển hình có thể kèm theo buồn nôn, đổ mồ hôi, mệt mỏi và khó thở. Các dấu hiệu khác có thể xảy ra với bệnh động mạch vành, bao gồm: Đánh trống ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, chóng mặt, nôn và buồn nôn, đổ nhiều mồ hôi.
Đau tim
Một cơn đau tim là khi cơ tim bị tổn thương vì nó không thể nhận đủ máu giàu oxy. Một số cơn đau tim bắt đầu với đau ngực nhẹ tích tụ từ từ. Cơn đau cũng có thể bắt đầu khá đột ngột, với cơn đau dữ dội ở bên trái hoặc giữa ngực của bạn. Các triệu chứng khác của đau tim có thể bao gồm:
- Cảm giác bóp nặng hoặc đè áp lực trong ngực.
- Đau lan sang cánh tay trái hoặc cũng có ít trường hợp đau lan sang cánh tay phải.
- Đau lan đến cổ, hàm hoặc cánh tay
- Khó thở
- Đổ mồ hôi lạnh
- Ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn
- Đau bụng
- Chóng mặt, tức nặng ở đầu.
Các triệu chứng đau tim khác nhau ở mỗi người. Các triệu chứng phổ biến ở cả nam giới và phụ nữ là đau ngực hoặc khó chịu. Phụ nữ có nhiều khả năng có các triệu chứng sau đây:
- Khó thở
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau lưng hoặc đau quai hàm
Nếu bạn hoặc ai đó gần bạn gặp phải các triệu chứng này, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Với một cơn đau tim, mỗi giây đều có giá trị. Cơ tim bị thiếu oxy càng lâu thì khả năng tổn thương sẽ là càng nặng nề.
Chăm sóc khẩn cấp có thể bắt đầu ngay khi nhân viên y tế đến. Sau khi nằm viện, bạn có thể cần tiếp tục dùng thuốc. Các thay đổi lối sống nên thực hiện bao gồm:
- Một chế độ ăn uống có lợi cho tim
- Tập thể dục hàng ngày
- Duy trì cân nặng
- Không hút thuốc
Viêm màng ngoài tim
Viêm màng ngoài tim là bệnh lý trong đó màng ngoài tim bị viêm và sưng. Màng ngoài tim là lớp bao sợi mỏng bao bọc quanh trái tim. Lớp sợi mỏng này như một tấm màng giữ tim cố định trong lồng ngực và bôi trơn cho tim.
Chứng viêm này có thể khiến màng ngoài tim hóa sẹo, mỏng đi và tim có thể bị siết lại. Nó có thể gây ra những triệu chứng khác như giảm dòng máu đi ra từ tim. Điều này có thể xảy ra khi mà có quá nhiều dịch đọng lại trong màng gây ra áp lực quá mức lên trái tim làm cho tim không bơm đầy máu như bình thường. Trong trường hợp nặng, huyết áp có thể giảm ở mức nguy hiểm và có thể gây ra tử vong. Có bốn loại viêm màng ngoài tim, được xác định bởi các triệu chứng kéo dài bao lâu. Bốn loại này là:
- Cấp tính: Các triệu chứng kéo dài dưới ba tuần.
- Không liên tục : Các triệu chứng liên tục và kéo dài bốn đến sáu tuần.
- Tái phát: Các triệu chứng tái phát sau bốn đến sáu tuần sau đó mà không có triệu chứng nào giữa các lần trước.
- Mạn tính: Các triệu chứng kéo dài hơn ba tháng.
Các triệu chứng thay đổi một chút đối với từng loại và có thể bao gồm:
- Đau nhói ở giữa hoặc bên trái ngực có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn hít vào
- Có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức hoặc yếu
- Ho
- Phù ở chân hoặc trướng bụng
- Khó thở khi nằm
- Tim đập nhanh
- Sốt nhẹ
Bệnh cơ tim
Bệnh cơ tim là thuật ngữ mô tả tình trạng cơ tim bất thường. Đây là một loại bệnh tim tiến triển làm cho tim giãn nở, dày lên hoặc cứng lại bất thường.
Khi bạn bị bệnh cơ tim, tim khó bơm và cung cấp máu cho phần còn lại của cơ thể. Có nhiều loại bệnh cơ tim do một loạt các yếu tố từ bệnh mạch vành đến một số loại thuốc, có thể là nguyên nhân dẫn đến nhịp tim bất thường, suy tim, bệnh van tim hoặc các biến chứng khác.
Trong giai đoạn đầu, những người bị bệnh cơ tim có thể không có dấu hiệu và triệu chứng gì. Nhưng khi tình trạng tiến triển, dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cơ tim có thể bao gồm:
- Khó thở khi gắng sức hoặc thậm chí khi nghỉ ngơi
- Sưng chân, mắt cá chân và bàn chân
- Chướng bụng do ứ dịch
- Ho khi nằm
- Mệt mỏi
- Nhịp tim bất thường, cảm thấy nhanh, đập mạnh hoặc rung
- Đau ngực
- Chóng mặt, đầu óc quay cuồng và ngất xỉu
- Đánh trống ngực
- Nhiều cơn ngất xỉu
- Huyết áp cao
Bất kể loại bệnh cơ tim nào bạn mắc phải, dấu hiệu và triệu chứng có xu hướng trở nên xấu hơn trừ khi được điều trị. Ở một số người, tình trạng xấu hơn xảy ra nhanh chóng, trong khi ở những người khác, bệnh cơ tim có thể không xấu đi trong một thời gian dài.
Điều trị bao gồm thuốc, thủ tục tim và phẫu thuật. Một số thay đổi lối sống cũng có thể có lợi. Bao gồm các phương pháp sau:
- Giảm lượng muối
- Giảm cân
- Kiêng uống rượu
- Tham gia tập thể dục nhẹ đến vừa phải một cách thường xuyên.
Đau thắt ngực
Đau thắt ngực là một tình trạng liên quan đến tim có thể gây đau ở khu vực này.
Đau thắt ngực là tình trạng đau ngực gây ra bởi động mạch vành bị hẹp vì tắc nghẽn hoặc co thắt. Lượng máu để nuôi tim không đủ, dẫn đến tình trạng tim bị thiếu oxy để bơm máu. Cơn đau thắt ngực có thể là dấu hiệu của một căn bệnh về tim nghiêm trọng nào đó cần được lưu ý ngay lập tức. Bất kỳ ai cũng có thể bị đau thắt ngực do nhiều nguyên nhân. Những người đã hoặc đang gặp phải vấn đề về tim mạch thường sẽ bị đau thắt ngực hơn. Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nhiều nguy cơ mắc chứng đau thắt tim hơn những thanh thiếu niên.
Đau và có cảm giác khó chịu là những triệu chứng ban đầu của bệnh đau thắt ngực. Cơn đau có thể bắt đầu ở ngực và thỉnh thoảng lan đến lưng, cổ, vai trái và cả xuống cánh tay (đặc biệt là cánh tay trái). Đôi lúc người bệnh có thể có các triệu chứng như ợ nóng hoặc khó tiêu.
Cơn đau thắt ngực có thể kèm theo các triệu chứng mổ hôi, buồn nôn, ngất xỉu, kiệt sức, choáng váng, khó thở.
Ngoài ra, triệu chứng của bệnh còn tùy thuộc vào loại đau thắt ngực mà bạn mắc phải. Có 3 loại đau thắt ngực kèm theo các triệu chứng như sau:
Đau thắt ngực ổn định
Xảy ra khi người bệnh vận động quá sức dẫn đến tim đập nhanh hơn bình thường.
Cơn đau thường có thể cảm nhận trước được và diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 5 phút).
Cảm giác ợ nóng hoặc khó tiêu.
Cơn đau ngực có thể lan tỏa đến tay, lưng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Đau thắt ngực không ổn định
Cơn đau thường xuất hiện lúc nửa đêm khi bạn đang ngủ hoặc khi bạn đang nghỉ ngơi.
Cơn đau thường đến một cách đột ngột.
Thường cơn đau sẽ kéo dài đến 30 phút.
Theo thời gian, nếu không được chữa trị cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.
Đau thắt ngực mao mạch (Đau thắt ngực vi mạch)
Cơn đau thường trầm trọng và kéo dài hơn các cơn đau thắt ngực khác.
Thường kèm theo những triệu chứng thở gấp, khó ngủ, mệt mỏi.
Cơn đau thường xuyên xảy ra trong các hoạt động thường ngày và khi bạn cảm thấy căng thẳng.
Điều trị đau thắt ngực
Các lựa chọn điều trị đau thắt ngực phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Lựa chọn điều trị bao gồm:
- Thuốc như thuốc chống đông và thuốc chẹn beta.
- Thay đổi lối sống để giảm nguy cơ mắc bệnh tim
- Phẫu thuật như đặt stent.
Cơn hoảng loạn tấn công
Cơn hoảng loạn là một tập hợp đột ngột của sự sợ hãi mãnh liệt gây nên các phản ứng vật lý nghiêm trọng khi không có mối nguy hiểm thực sự hay nguyên nhân rõ ràng. Các cơn hoảng loạn có thể rất đáng sợ. Khi cơn hoảng loạn xảy ra, bạn có thể nghĩ rằng mình đang mất kiểm soát, có cơn đau tim hoặc thậm chí đang chết.
Nhiều người chỉ bị một hoặc hai cơn hoảng loạn trong cuộc đời và biến mất, có lẽ khi một tình huống căng thẳng chấm dứt. Nhưng nếu bị tái phát các cơn hoảng loạn bất ngờ và nỗi sợ hãi trong một thời gian dài, bạn có thể mắc tình trạng rối loạn hoảng sợ.
Các triệu chứng phổ biến của cơn hoảng loạn và rối loạn hoảng sợ là:
- Cảm giác sắp xảy ra nguy hiểm
- Sợ mất kiểm soát hoặc tử vong
- Nhịp tim tăng nhanh
- Đổ mồ hôi
- Run rẩy hoặc rung lắc
- Khó thở hoặc tức trong cổ họng
- Ớn lạnh
- Nóng bừng
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Tức ngực
- Đau đầu
- Chóng mặt, choáng hay nhát gan
- Tê hoặc ngứa ran cảm giác
- Cảm giác hư ảo hoặc tách rời.
Các cơn hoảng loạn thường bắt đầu đột ngột, không báo trước. Chúng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào-khi bạn đang lái xe trong một chiếc xe hơi, tại các trung tâm, khi đang ngủ hoặc ở giữa một cuộc họp kinh doanh. Bạn có thể thỉnh thoảng bị những cơn hoảng loạn hoặc chúng có thể xảy ra thường xuyên.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nếu có triệu chứng hoảng loạn, bạn hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Các cơn hoảng loạn thường gây khó chịu nhưng không nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn rất khó có thể kiểm soát được cơn hoảng loạn của mình và bệnh có thể nghiêm trọng hơn mà không điều trị.
Do các triệu chứng của cơn hoảng loạn cũng có thể giống với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, chẳng hạn như đau tim, vì vậy điều quan trọng là bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định nếu không chắc chắn nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Ngoài ra, có một số phương pháp có thể hỗ trợ cho bạn bao gồm:
- Thư giãn, hạn chế căng thẳng
- Trao đổi với bác sĩ tâm lý
- Kiêng caffeine, thuốc lá, rượu và các loại chất kích thích khác
- Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên
- Ngủ đúng giờ đủ giấc.
Phình tách động mạch chủ
Bóc tách động mạch chủ xuất hiện khi có một vết rách ở lớp trong của động mạch làm máu đẩy 2 lớp trong và lớp ngoài của động mạch chủ rời khỏi nhau. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này chưa được xác định rõ, nhưng bóc tách động mạch chủ thường đi cùng với tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và bệnh lý mô liên kết (hội chứng Marfan và Ehlers-Danlos).
Các loại nhiễm trùng như bệnh giang mai cũng có thể dẫn đến phình động mạch chủ nhưng trường hợp này rất hiếm.
Trong đa số các trường hợp, bóc tách động mạch chủ xuất hiện rất đột ngột và đi kèm các triệu chứng sau:
- Cơn đau dữ dội ở dưới xương ức
- Cơn đau lan đến vai, cổ, cánh tay, hai bả vai hoặc trên lưn
- Thở gấp và khó thở khi nằm thẳn
- Vã mồ hôi
- Lú lẫ
- Ngất xỉu hoặc chóng mặ
- Buồn nô
- Chênh lệch huyết áp ở 2 cánh tay.
Bóc tách động mạch chủ là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng như đau ngực nặng, ngất xỉu, đột ngột cảm thấy khó thở hoặc triệu chứng của một cơn đột quỵ, hãy gọi bác sĩ hoặc đến các trung tâm y tế ngay lập tức.
Nguyên nhân tiêu hóa gây đau ngực trái
Chứng ợ nóng
Chứng ợ nóng là một vấn đề phổ biến liên quan đến đau từ nhẹ đến nặng ở ngực. Người ta ước tính rằng hơn 60 triệu người Mỹ bị ợ nóng ít nhất mỗi tháng một lần. Chứng ợ nóng thường xảy ra sau khi ăn.
Nó thường xảy ra khi axit đi ngược từ dạ dày vào thực quản. Điều này gây ra cảm giác nóng rát và khó chịu trong ngực của bạn. Cơn đau có thể cảm thấy sắc nét, nóng rát hoặc giống như cảm giác thắt chặt trong ngực. Một số người cũng có thể mô tả chứng ợ nóng như đốt cháy di chuyển xung quanh cổ họng, hoặc là sự khó chịu nằm phía sau xương ức.
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau:
- Cảm thấy đau ngực
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Ợ nóng xảy ra nhiều lần 1 tuần
- Bạn không thể kiểm soát cơn đau với thuốc không kê đơn
- Nôn mửa hoặc buồn nôn
- Giảm vị giác gây sụt cân.
- Điều trị chứng ợ nóng
Tùy thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị của bạn, chứng ợ nóng có thể kéo dài hai giờ trở lên. Bạn có thể kiểm soát chứng ợ nóng của mình bằng cách:
- Giảm cân
- Bỏ hút thuốc
- Ăn ít thức ăn béo
- Tránh thức ăn cay hoặc axit.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hay còn gọi là viêm thực quản trào ngược, là bệnh xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản (ống tiêu hóa nối giữa miệng với dạ dày), điều này có thể gây ra triệu chứng ợ nóng hoặc các triệu chứng khác.
Những cơn trào ngược thường xảy ra sau bữa ăn, trong thời gian ngắn và không kèm theo các triệu chứng và hiếm khi xảy ra khi ngủ. Tuy nhiên, những cơn trào ngược bình thường này sẽ trở thành bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi các triệu chứng xảy ra thường xuyên (khoảng từ 2 đến 3 lần mỗi tuần) hoặc làm thực quản bị tổn thương.
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh thực quản trào ngược bao gồm:
- Béo phì
- Uống rượu hoặc các chất có cồn
- Thoát vị cơ hoành
- Mang thai
- Hút thuốc
- Khô miệng
- Hen suyễn
- Tiểu đường
- Bệnh mô liên kết.
Các triệu chứng của GERD cũng có thể bao gồm:
- Trào ngược axit
- Khàn tiếng
- Đau ngực
- Đau họng
- Ho
- Hôi miệng
- Khó nuốt
Các lựa chọn điều trị cho GERD khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của bạn. Điều trị thường bao gồm kết hợp của thay đổi lối sống và thuốc.
Thay đổi lối sống có thể giúp giảm bớt GERD bao gồm:
- Duy trì cân nặng phù hợp: Tình trạng thừa cân gây áp lực lên toàn bộ cơ thể bạn, khiến dạ dày bị đẩy lên và làm axit dễ dàng trào ngược lên thực quản.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ vòng thực quản, dẫn đến axit từ dạ dày trào lên thực quản.
- Đừng vội nằm sau khi ăn: Không ăn tối quá muộn, tốt nhất là trước 8h tối. Sau khi ăn 2- 3 hãy nằm xuống hoặc đi ngủ.
- Ăn chậm, nhai kỹ: Cố gắng nhai kỹ và nuốt hết phần ăn trong miệng trước khi bắt đầu lấy thêm một phần ăn khác.
- Chia nhỏ bữa ăn để không ăn quá no, thức ăn trong dạ dày quá đầy sẽ dễ trào lên thực quản.
- Tránh các loại đồ ăn thức uống kích thích trào ngược axit: Thực phẩm béo, chiên, sốt cà chua, rượu, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành tây và cafein. Bổ sung trái cây, rau xanh.
- Tránh mặc quần áo bó sát: Quần áo quá chật sẽ gây áp lực lên phần bụng và cơ vòng thực quản dưới, tạo điều kiện gây ra trào ngược dạ dày thực quản.
- Sử dụng thảo dược: Cam thảo và hoa cúc đôi khi được sử dụng để giảm trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, các thảo dược tự nhiên thỉnh thoảng lại có tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến thuốc đang điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ một loại thảo dược nào.
- Thư giãn, giảm stress: Các bằng chứng cho thấy, giảm căng thẳng và bớt lo âu có thể làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản một cách rõ ràng.
Thoát vị
Thoát vị hoành là sự nhô lên của phần trên của dạ dày thông qua cơ hoành – cơ dạng hình vòm phân chia hai khoang ngực và bụng. Điều này có nghĩa là một phần của dạ dày bất thường nhô ra vào trong khoang lồng ngực.
Hầu hết các trường hợp đều nhẹ và phần lớn không có triệu chứng, trong trường hợp nghiêm trọng thoát vị hoành có thể gây khó chịu và đau đớn, có thể dẫn đến trào ngược.
Có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoát vị cơ hoành do áp lực ở bụng tăng như: béo phì, mang thai, ho, táo bón lâu dài, thắt bụng khi đại tiện hay bị thương ở bụng. Ngoài ra độ tuổi trên 50 tuổi cũng có nguy cơ mắc thoát vị hoành cao hơn bình thường.
Thường thì người bệnh không có triệu chứng, nhưng nếu có thì các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 1 giờ đồng hồ sau bữa ăn. Các triệu chứng bao gồm: -Ợ nóng, đau ngực; ợ hơi hoặc có thể bị khó nuốt.
- Việc nằm xuống hoặc co người càng làm cho tình trạng ợ nóng tệ hơn.
- Một biến chứng gây ra do sự kích ứng ở thực quản là xuất huyết.
- Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bạn cần lưu ý tuân thủ một số điều trong thói quen sinh hoạt để có thể kiểm soát được thoát vị hoành như:
- Giảm cân nếu bạn thừa cân
- Ăn chậm: ăn 4-5 bữa nhỏ thay vì ăn 1-2 bữa lớn
- Tránh những thức ăn làm ợ chua như: socola, thực phẩm cay, thức ăn làm từ khoai tây, hành, trái cây họ cam, quýt…
Các nguyên nhân khác gây đau ngực trái
Vấn đề về thực quản
Đau ngực có thể có nghĩa là có gì đó không ổn với thực quản của bạn. Ví dụ:
- Một cơn co thắt cơ thực quản có thể có kiểu đau ngực giống như một cơn đau tim.
- Lớp niêm mạc thực quản của bạn có thể bị viêm (viêm thực quản), gây đau rát hoặc đau ngực. Viêm thực quản cũng có thể gây đau sau bữa ăn, ảnh hưởng tới nuốt và có máu trong chất nôn hoặc phân.
- Thực quản rò rỉ hoặc rách, cho phép thực phẩm rò rỉ vào khoang ngực, gây đau ngực từ nhẹ đến nghiêm trọng. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến buồn nôn, nôn và thở nhanh.
Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân. Thực quản tổn thương như rách nghiêm trọng có thể cần phải phẫu thuật.
Co kéo cơ và chấn thương thành ngực
Đau ngực có thể là kết quả của các cơ co kéo, chấn thương ở ngực hoặc tổn thương các xương sườn. Bất kỳ tổn thương cho ngực nào cũng có thể gây đau ngực. Các tình trạng này có thể bao gồm:
- Thành ngực bị bầm tím
- Gãy xương ức
- Gãy xương sườn.
Loại chấn thương này cũng có thể gây đau khi bạn hít thở sâu hoặc ho.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn bị gãy xương, hãy đi khám bác sĩ ngay. Có thể mất vài tuần để cải thiện và thậm chí lâu hơn để phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, bạn sẽ phải tránh hoạt động nặng nhọc.
Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi xảy ra khi có không khí tràn vào giữa phổi và thành ngực. Tràn khí màn phổi có 2 loại là tràn khí màn phổi tự phát (đột ngột xảy ra ở người khỏe mạnh, chưa có tiền sử bị bệnh) và tràn khí màn phổi thứ phát (xuất hiện từ các biến chứng khác về phổi). Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong.
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị tràn khí màng phổi, bao gồm:
- Giới tính: nam giới thường mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
- Hút thuốc: nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng nếu bạn hút thuốc thời gian càng lâu và càng nhiều.
- Di truyền: một vài loại tràn khí màng phổi có thể có tính di truyền.
- Bệnh phổi: nếu bạn đã mắc một số bệnh về phổi trước đó thì khả năng bị bệnh của bạn sẽ tăng lên.
- Thông khí cơ học: nếu bạn được giúp thở bằng máy, bạn có khả năng bị tràn khí màng phổi.
- Từng bị tràn khí màng phổi trước đây.
Các triệu chứng tràn khí màn phổi thường gặp nhất là thở nhanh và đau nhói ở ngực, đặc biệt là khi hít vào và thở ra. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:
- Khó thở
- Ngất xỉu
- Da xanh xao
- Dễ mệt mỏi
- Nhịp tim nhanh.
Bệnh zona
Bệnh zona là tình trạng xảy ra khi virus thủy đậu (sống trong rễ thần kinh) được kích hoạt lại. Nếu virus đã nằm im trong rễ thần kinh bên phải của ngực, cơn đau có thể xảy ra ở khu vực này.
Các triệu chứng zona thần kinh đầu tiên và đáng chú ý nhất thường là đau và nóng rát. Cơn đau thường điển hình ở một bên cơ thể và xuất hiện từng mảng nhỏ, theo sau là phát ban đỏ. Các biểu hiện phát ban bao gồm:
- Các mảng đỏ
- Bóng nước đầy dịch và dễ vỡ
- Phát ban khu trú xung quanh từ cột sống đến thân mình
- Phát ban trên mặt và tai
- Ngứa.
Một số người có dấu hiệu và triệu chứng ngoài đau và phát ban. Những triệu chứng này có thể bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Nhức đầu
- Mệt mỏi
- Yếu cơ.
Một số yếu tố điển hình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona bao gồm:
- Trên 50 tuổi: Bệnh zona thường gặp nhất ở những người lớn hơn 50 tuổi. Nguy cơ này tăng theo tuổi tác. Một số chuyên gia ước tính rằng một nửa những người 80 tuổi trở lên sẽ bị bệnh zona.
- Một số bệnh nhất định: Bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch, chẳng hạn như HIV/AIDS và ung thư, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh.
- Điều trị ung thư: Xạ trị hoặc hóa trị có thể làm giảm sức đề kháng với bệnh và có thể gây ra bệnh zona thần kinh.
- Thuốc: Thuốc được dùng để ngăn thải ghép có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh nếu sử dụng lâu dài, chẳng hạn như thuốc steroid prednisone.
Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ quá nhiều chất lỏng trong phổi hoặc giữa phổi và lồng ngực. Bình thường, trong phổi có một lượng nhỏ chất lỏng để bôi trơn màng phổi, giúp phổi di động mượt mà trong khoang phổi. Quá nhiều chất lỏng tích tụ có thể gây áp lực lên phổi, làm cho bạn thở khó khăn. Có rất nhiều tình trạng có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi.
Tràn dịch màng phổi là do một kích thích hoặc nhiễm trùng ở phổi gây ra. Nhiều bệnh có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi như:
- Nhiễm trùng phổi (viêm phổi), bệnh lao và ung thư có thể gây ra viêm phổi và màng phổi
- Suy tim sung huyết
- Xơ gan
- Ung thư hệ bạch huyết
- U trung biểu mô
- Tắc mạch phổi
- Bệnh thận nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể giữ chất lỏng
- Lupus và các bệnh tự miễn khác.
Bạn có thể cảm thấy đau ngực nhưng tràn dịch màng phổi thường không gây đau. Các triệu chứng phổ biến của tràn dịch màng phổi là:
- Ho khan
- Sốt
- Khó thở khi nằm xuống
- Tức ngực
- Khó thở
Viêm phổi
Viêm phổi, đặc biệt là nhiễm trùng phổi trái của bạn có thể gây đau ngực ở bên trái ngực. Viêm phổi là nhiễm trùng cấp tính ở một thùy phổi phải hay trái hoặc toàn bộ phổi. Có rất nhiều loại vi sinh vật gây ra viêm phổi. Bất cứ ai cũng có thể bị viêm phổi. Người trưởng thành, trẻ em và người bị bệnh mạn tính như COPD và hen suyễn có nguy cơ cao bị viêm phổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi như:
- Hút thuốc
- Nhiễm trùng đường hô hấp – cảm lạnh, viêm thanh quản, cúm
- Bệnh phổi mạn tính
- Các bệnh nghiêm trọng khác như bệnh tim, xơ gan hoặc tiểu đường
- Suyễn
- Có hệ miễn dịch yếu
- Bị HIV hoặc ung thư
- Trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi.
Các triệu chứng thường gặp của viêm phổi là:
- Ho nặng
- Sốt
- Ớn lạnh
- Khó thở
- Đau ngực tăng khi bạn thở sâu hoặc ho
- Đau đầu
- Chán ăn
- Mệt mỏi
- Buồn nôn và ói mửa.
Bạn nên liên lạc với bác sĩ nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào sau đây:
- Sốt dai dẳng kèm lạnh run
- Đau ngực và khó thở
- Bạn dùng thuốc cho trẻ nhỏ tuổi (5 tuổi) hoặc người lớn tuổi (65 tuổi)
- Ho có máu hoặc đờm từ phổi
- Khó thở, thở nông, thở nhanh và hụt hơi.
Ung thư phổi
Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào phổi tăng trưởng với một tốc độ nhanh bất thường, làm hình thành một khối u. Phổi giúp bạn thở và cung cấp oxy cho các phần còn lại của cơ thể. Theo WHO, ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư. Ung thư phổi có thể gây tàn phế và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bạn.
Khối u ở phổi trái, niêm mạc phổi trái hoặc các hạch bạch huyết gần đó có thể gây đau ở bên trái của ngực. Trong khi hầu hết các triệu chứng của bệnh ung thư phổi xảy ra ở phổi, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng ở những nơi khác trên cơ thể. Điều này là do ung thư đã di căn tới các bộ phận khác. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này cũng khác nhau. Một số người thậm chí có thể không cảm thấy các triệu chứng hoặc chỉ cảm thấy mệt mỏi chung chung. Một số triệu chứng có thể găp là:
- Khó chịu hoặc đau ở ngực
- Ho không giảm hoặc nặng dần theo thời gian
- Khó thở
- Thở khò khè
- Có máu trong đờm
- Khàn tiếng
- Khó nuốt
- Ăn không ngon
- Sụt cân không có lý do
- Cảm thấy rất mệt mỏi
- Viêm hoặc tắc nghẽn trong phổi
- Hạch sưng hoặc phì đại ở trong ngực hoặc vùng giữa 2 phổi.
Vì ung thư phổi thường được chẩn đoán ở giai đoạn sau khi nó đã lan rộng, điều quan trọng là có bất kỳ cơn đau không giải thích được ở bên trái của ngực của bạn cần được đánh giá sớm.
Các triệu chứng có thể không xuất hiện trong ung thư phổi giai đoạn đầu. Nói chung, bạn càng được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì kết quả càng tốt.
Tăng áp động mạch phổi
Tăng huyết áp phổi, hay còn gọi là tăng áp động mạch phổi, là tình trạng áp suất trong các mạch máu từ tim đến phổi tăng quá cao. Tim sẽ bơm máu từ tâm thất phải đến phổi để lấy oxy. Bởi vì máu không phải đi xa, nên áp lực ở động mạch đưa máu từ tâm thất phải đến phổi thường thấp hơn nhiều so với huyết áp tâm thu hay tâm trương. Khi áp suất quá cao, các động mạch ở phổi có thể có lại khiến cho lưu lượng máu giảm xuống, kết quả là máu sẽ nhận được ít oxy hơn.
Khó thở hay choáng váng khi đang hoạt động thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh tăng huyết áp phổi. Nhịp tim của bạn cũng có thể nhanh hơn bình thường (đánh trống ngực). Theo thời gian, các triệu chứng bắt đầu xảy ra với các hoạt động nhẹ nhàng hơn hoặc thậm chí trong lúc nghỉ ngơi.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Mắt cá chân và cẳng chân bị sưng
- Da hoặc môi xanh xao (chứng xanh tím)
- Đau hoăc cảm giác bị áp lực ở ngực (thường ở phía trước ngực)
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Mệt mỏi
- Bụng to ra
- Yếu lả người.
Khi bệnh tiến triển, nó có thể dẫn đến nhịp tim không đều. Không được điều trị, nó có thể dẫn đến suy tim.
Viêm màng phổi
Viêm màng phổi là tình trạng viêm xuất hiện ở màng phổi. Bệnh viêm màng phổi gây đau ngực và cơn đau sẽ tăng lên khi bạn hít thở. Màng phổi là hai lớp mô mỏng bảo vệ phổi, nằm giữa phổi và thành ngực. Giữa hai lớp màng là dịch màng phổi có tác dụng bôi trơn hai lớp màng, để chúng có thể trượt dễ dàng lên nhau. Khi màng phổi bị viêm, chúng không thể trượt lên nhau dễ dàng được, do đó dẫn đến đau đặc biệt là khi bạn ho hoặc hắt hơi.
Viêm màng phổi có thể do nhiễm trùng hoặc có thể do các thủ thuật y tế tác động lên màng phổi. Nguyên nhân của viêm màng phổi bao gồm:
- Nhiễm virus, chẳng hạn như bệnh cúm (cúm).
- Nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm phổi.
- Nhiễm nấm.
- Bệnh khớp dạng thấp
- Một số loại thuốc.
- Ung thư phổi ở gần bề mặt màng phổi.
Các triệu chứng của viêm màng phổi có thể bao gồm:
- Đau ngực khi bạn ho, hắt hơi hoặc thở
- Ho
- Sốt
- Khó thở
Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi, hay còn gọi là thuyên tắc mạch phổi, là tình trạng tắc nghẽn mạch máu đột ngột ở phổi. Tắc nghẽn xảy ra khi các cục máu đông di chuyển từ các bộ phận khác (nhất là ở chân) đến phổi bị tắc nghẽn. Do thuyến tắc phổi luôn xảy ra cùng với bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu nên bác sĩ thường gộp chung hai bệnh này là bệnh huyết khối tĩnh mạch. Thuyên tắc phổi có thể đe dọa mạng sống và cần điều trị ngay lập tức.
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc thuyên tắc phổi tăng bao gồm:
- Sau khi sinh
- Sau cơn đau tim, phẫu thuật tim hoặc đột quỵ
- Bị chấn thương nặng, bị gãy xương hông hoặc đùi
- Không vận động trong thời gian dài như nằm hồi phục sau phẫu thuật, hoặc ngồi lâu trên máy bay hoặc xe
- Phẫu thuật ở chân, hông, bụng hoặc não sẽ dễ tụ huyết khối
- Mắc các bệnh như ung thư, suy tim, đột quỵ và nhiễm trùng nghiêm trọng
- Dùng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp estrogen.
Triệu chứng phổ biến nhất của thuyên tắc phổi là đau ngực, khó thở, ho ra máu và tim đập nhanh. Đau ngực có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Một số triệu chứng khác bao gồm nôn mửa, huyết áp thấp, ngất, đổ mồ hôi, ho (có thể ho ra máu), thở khò khè và da tái xanh.
Bạn cần đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ nếu bạn bị hụt hơi không rõ nguyên nhân, đau ngực, ho ra máu hoặc bất kỳ triệu chứng nào kể trên. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Viêm sụn sườn
Viêm sụn sườn xảy ra khi sụn giữa xương sườn với xương ức của bạn bị viêm. Đây là tình trạng đau và căng tức ngực do khớp sụn sườn bị sưng viêm. Khớp sụn sườn là đoạn mô xốp dày và đàn hồi nối giữa xương sườn và xương ức. Viêm sụn sườn thường tự khỏi sau vài ngày. Nó có thể có các triệu chứng tương tự như một cơn đau tim.
Các triệu chứng của viêm sụn sườn bao gồm:
- Đau và khó chịu ở một hoặc hai bên ngực.
- Cơn đau có thể kéo dài trong vài ngày hoặc lâu hơn.
- Đau dữ dội hơn khi hắt hơi, ho hoặc hít thở sâu.
- Thở gấp, thở ngắn, khó thở.
Xem thêm: Đau ngực phải: Nguyên nhân, biểu hiện, khi nào cần gặp bác sĩ
Chẩn đoán
Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn và các yếu tố khác, có một số xét nghiệm mà bác sĩ có thể yêu cầu. Điều đầu tiên bác sĩ sẽ đảm bảo các chỉ số sinh tồn của bạn ổn định. Đảm bảo lưu thông đường thở, các chỉ số tim và phổi của bạn ổn định. Nếu bạn có vẻ ổn định, bác sĩ sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi (về tiền sử, bệnh sử tìm kiếm bất kỳ yếu tố rủi ro nào) và làm các nghiệm pháp cần thiết để kiểm tra.
Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:
- Chụp X-quang ngực và / hoặc chụp CT ngực ( X-quang ngực có thể bỏ sót ung thư phổi và những người không hút thuốc vẫn có thể bị ung thư phổi)
- Siêu âm tim, mạch máu
- Điện tâm đồ
- Nội soi phế quản
- MRI
- Công thức máu, sinh hóa máu
- Nội soi tiêu hóa
- Xét nghiệm nước tiểu…
Tóm lại
Có nhiều tình trạng bệnh lý có thể dẫn đến đau ngực trái. Nếu bạn bị đau ngực mà không rõ lý do, hãy đi khám bác sĩ để có thể giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất.
Đau ngực đột ngột kèm theo các triệu chứng như khó thở, đè nặng ngực, ngộp thở và chóng mặt có thể là dấu hiệu khẩn cấp đe dọa tính mạng. Gọi 115 và kêu gọi sự trợ giúp của những người xung quanh lập tức.