Ung thư

Xạ trị ung thư: Những điều bạn cần biết về xạ trị điều trị ung thư

Bạn có biết WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1). Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bạn có biết cứ 2 bệnh nhân ung thư thì có một người được chỉ định xạ trị. Xạ trị là một trong những phương pháp chính để điều trị ung thư bên cạnh phẫu thuật ung thư và hóa trị liệu.

Hầu hết những bệnh nhân ung thư khi được các bác sĩ giới thiệu về phương pháp điều trị bằng xạ trị đều rất băn khoăn và thường chưa hiểu rõ về phương pháp điều trị ung thư bằng xạ trị là gì. Phương pháp này có gây ra những tác dụng phụ nào không, nó có nguy hiểm không và liệu rằng sau khi điều trị xong thì có khỏi hẳn được bệnh ung thư không?

Bạn hãy đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu kĩ hơn về phương pháp xạ trị nhé! Nào, bắt đầu thôi!

Xạ trị ung thư là gì?

xạ trị ung thư

Xạ trị là một liệu pháp điều trị ung thư sử dụng phóng xạ liều cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Ở liều thấp, người ta sử dụng tia X như trong chụp Xquang, CT.

Hầu hết các phương pháp xạ trị hiện nay sử dụng tia X mang năng lượng cao để bắn phá các khối u. Một số phương pháp khác sẽ sử dụng tia gamma, chùm electron hoặc proton. Một số hạt vật chất có khối lượng nặng cũng có thể được sử dụng.

Xạ trị chống lại ung thư như thế nào?

Bởi tia X mang năng lượng rất cao, nó có khả năng xuyên vào trong cơ thể bệnh nhân, xạ trị sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng bằng cách làm hư hại tới DNA. Khi các tế bào ung thư bị hư hỏng và chết, chúng bị phá vỡ và bị cơ thể loại bỏ.

Xạ trị không lập tức tiêu diệt các tế bào ung thư. Phải mất nhiều ngày hoặc vài tuần điều trị trước khi DNA bị tổn thương đủ để các tế bào ung thư chết. Sau đó, các tế bào ung thư tiếp tục chết trong nhiều tuần hoặc vài tháng sau khi xạ trị kết thúc.

Các loại liệu pháp xạ trị

Có hai loại xạ trị chính là xạ trị ngoài và xạ trị trong. Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng loại nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Loại ung thư mắc phải là gì?
  • Kích thước của khối u
  • Vị trí của khối u trong cơ thể
  • Khối u có gần với mô bình thường nhạy cảm với bức xạ không?
  • Tình trạng sức khỏe hiện tại và tiền sử bệnh tật của bạn
  • Các biện pháp điều trị ung thư khác sẽ được áp dụng
  • Tuổi, điều kiện y tế

Liệu pháp xạ trị ngoài

Liệu pháp xạ trị ngoài là dùng máy để hướng trực tiếp chùm bức xạ tới vùng khối u. Máy xạ trị khá lớn và khi hoạt động gây ra tiếng có thể hơi ồn ào. Nó không chạm vào bạn, nhưng có thể di chuyển xung quanh bạn, phát ra bức xạ tới vị trí khối u thư từ nhiều hướng. Mỗi phiên xạ trị diễn ra nhanh chóng và không đau, kéo dài khoảng 15 phút. Thông thường, bệnh nhân có các buổi điều trị 5 lần mỗi tuần (Thứ Hai đến Thứ Sáu). Lịch trình này tiếp tục trong 3 đến 9 tuần.

Liệu pháp xạ trị tia ngoài là phương pháp điều trị cục bộ, có nghĩa là nó xử lý tại vị trí có khối u. Ví dụ, nếu bạn bị ung thư phổi, bạn sẽ chỉ phóng xạ vào ngực, chứ không xạ trị bộ cơ thể.

Các chùm tia bức xạ được sử dụng trong xạ trị ngoài đến từ ba loại hạt: Photon, Proton, Electron.

Có 6 cách xạ ngoài:

  • Xạ trị điều biến liều (IMRT) là dùng các chùm bức xạ được điều chỉnh đúng với hình dáng khối u để giảm thiểu tổn thương các mô lành xung quanh.
  • Xạ trị có hướng dẫn của hình ảnh (IGRT): Cần chụp ảnh khối u để lên kế hoạch và hướng điều trị riêng biệt.
  • Xạ trị không gian ba chiều (3D-CRT): Chụp ảnh khối u ba chiều, chiếu chùm bức xạ liều cao thẳng vào khối u, nhờ đó giảm đáng kể lượng bức xạ ảnh hưởng tới các tế bào khác.
  • Xạ phẫu: Chiếu các chùm tia xạ tập trung từ nhiều hướng, phát ra một liều xạ mạnh nhắm thẳng vào khu vực khối u.
  • Xạ trị lập thể: Dựa vào hình ảnh chi tiết, lập kế hoạch điều trị bằng máy tính 3D và thiết lập chiến lược điều trị để đưa ra liều lượng chính xác nhất.
  • Xạ trị bằng máy cung cấp liều xạ từng lát, có thể sử dụng để diệt nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Xạ trị ngoài thường dùng cho những bệnh nhân điều trị ngoại trú tại bệnh viện hoặc nằm viện 5 ngày cho đến vài tuần. Với xạ trị ngoài, trên cơ thể của người bệnh sẽ không mang chất phóng xạ trong người, trong lúc điều trị hay sau khi điều trị kết thúc.

Tìm hiểu thêm về liệu pháp xạ trị ngoài tại đây.

Liệu pháp xạ trị trong

Xạ trị trong sử dụng một dạng thức có tên gọi là xạ áp sát. Theo đó, tia xạ được đưa vào bên trong cơ thể người bệnh bằng cách cấy phóng xạ vào trong hoặc tiếp giáp với khối u. Nguồn bức xạ có thể là chất rắn hoặc lỏng.

Các loại liệu pháp xạ trị trong

Điều trị xạ trị trong với một nguồn xạ là chất lỏng được gọi là liệu pháp xạ trị hệ thống. Hệ thống có nghĩa là thuốc phóng xạ sẽ đi vào máu đến các mô khắp cơ thể, tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc phóng xạ được hấp thụ bằng cách uống, truyền tĩnh mạch hoặc tiêm.

Chất thường được dùng trọng xạ trị hệ thống là iod phóng xạ hoặc I-131, thường được sử dụng để điều trị một số loại ung thư tuyến giáp nhất định.

Một loại liệu pháp xạ trị hệ thống khác, được gọi là liệu pháp xạ trị phân tử trúng đích, được sử dụng để điều trị một số bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt tiến triển hoặc khối u thần kinh nội tiết dạ dày- ruột- tụy (GEP-NET). Loại điều trị này cũng có thể được gọi là xạ trị phân tử.

Điều trị xạ trị trong với một nguồn rắn được gọi là brachytherapy. Trong loại điều trị này, hạt, dải hoặc viên nang có chứa nguồn bức xạ được đặt trong cơ thể bạn hoặc gần khối u. Giống như xạ trị ngoài, brachytherapy là một điều trị tại chỗ và chỉ xử lý ở một vị trí cụ thể phần cụ thể trên cơ thể của bạn.

Brachytherapy thường được sử dụng để điều trị ung thư ở vùng đầu và cổ, vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt và mắt.

Xạ trị trong bắt buộc người bệnh phải nằm viện vài ngày. Vì các chất phóng xạ cấy vào bên trong người bệnh tạm thời hay thường trực. Do mức độ chất phóng xạ trên người bệnh nhân khá cao trong suốt quá trình nằm viện nên người nhà bệnh nhân không được phép thăm, nếu có chỉ được thăm trong thời gian ngắn, nhằm tránh lây nhiễm chất phóng xạ cho những người khác. Sau khi gở bỏ chất phóng xạ ra khỏi cơ thể, thì sẽ không còn hoạt tính phóng xạ lưu lại trong cơ thể nữa. Lượng chất phóng xạ thường trực giảm xuống tới mức an toàn khi người bệnh ra viện.

Tìm hiểu thêm về liệu pháp xạ trị trong tại đây.

Tại sao những người bị ung thư được điều trị xạ trị?

Xạ trị được sử dụng để điều trị ung thư và giảm các triệu chứng của ung thư.

Khi được sử dụng để điều trị ung thư, liệu pháp xạ trị có thể chữa khỏi bệnh ung thư, ngăn ngừa bệnh ung thư hoặc ngăn chặn, làm chậm sự tăng trưởng của ung thư.

Khi được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng, chúng được gọi là phương pháp điều trị giảm nhẹ. Xạ trị giảm nhẹ được áp dụng để giảm triệu chứng trong trường hợp khối u phát triển hoặc di căn. Mục đích là làm giảm khả năng tàn phá của khối u và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Thông thường, các bác sĩ sử dụng liệu pháp này nhằm làm giảm kích thước các khối u đã lan ra sát cột sống, thực quản hoặc phổi u để điều trị đau và các vấn đề khác do khối u gây ra, chẳng hạn như khó thở hoặc đại tiểu tiện không tự chủ. Đau do ung thư di căn xương có thể được điều trị bằng các thuốc xạ trị được gọi là các dược phẩm phóng xạ.

Các loại ung thư được điều trị bằng liệu pháp xạ trị

Liệu pháp xạ trị ngoài được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư.

Liệu pháp xạ trị trong thường được sử dụng để điều trị ung thư vùng đầu và cổ, vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, mắt và một số loại ung thư tuyến giáp nhất định.

Kết hợp xạ trị với các phương pháp điều trị khác

Đối với một số người, bức xạ có thể là phương pháp điều trị duy nhất bạn cần. Nhưng, đa phần việc điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như phẫu thuật, hóa trị và liệu pháp miễn dịch. Điều trị bức xạ có thể được đưa ra trước, trong hoặc sau khi áp dụng các phương pháp điều trị khác để cải thiện cơ hội điều trị. Thời điểm xạ trị phụ thuộc vào loại ung thư đang được điều trị và mục tiêu của xạ trị là điều trị ung thư hay giảm bớt các triệu chứng.

Khi bức xạ được kết hợp với phẫu thuật, nó có thể được sử dụng khi:

  • Trước khi phẫu thuật, để thu nhỏ kích thước của ung thư để nó có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật và ít có khả năng tái phát.
  • Trong khi phẫu thuật, để nó tác động trực tiếp khối ung thư mà không cần đi qua da. Xạ trị được sử dụng theo cách này được gọi là xạ trị trong phẫu thuật. Với kỹ thuật này, các bác sĩ có thể dễ dàng bảo vệ các mô bình thường ở khu vực lân cận khỏi bức xạ.
  • Sau khi phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư còn lại.

Giới hạn liều lượng trọn đời

Có một giới hạn đối với lượng bức xạ mà một khu vực của cơ thể bạn có thể nhận được một cách an toàn trong suốt cuộc đời của bạn. Tùy thuộc vào vị trí đó đã được nhận bao nhiêu lượng bức xạ , bạn có thể không cần xạ trị vị đó lần thứ hai. Nhưng, nếu một khu vực của cơ thể đã nhận được liều lượng bức xạ suốt đời an toàn, một khu vực khác vẫn có thể được xạ trị nếu khoảng cách giữa hai khu vực này đủ lớn.

Tác dụng phụ của liệu pháp xạ trị

Bức xạ không chỉ giết chết hoặc làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào ung thư, nó cũng có thể ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh gần đó. Mô tế bào lành tính bị tổn thương dẫn đến các triệu chứng được gọi là tác dụng phụ

Tác dụng phụ của xạ trị khác nhau đáng kể giữa từng bệnh nhân. Nhưng họ đều có điểm chung là mệt mỏi. Các tác dụng phụ khác bao gồm tiêu chảy, ăn mất ngon, khô miệng.

Tùy thuộc vào vị trí chiếu xạ, các tác dụng phụ sẽ biểu hiện khác nhau. Ví dụ như nếu chiếu vào vùng đầu cổ sẽ ảnh hưởng tới niêm mạc miêng, loét miệng, đau họng, thay đổi vị giác… tác dụng phụ của nó sẽ khác với ung thư phổi. Hay khi chiếu xạ vùng bụng sẽ xuất hiện những biểu hiện như rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy. Xạ trị ung thư vùng cổ gây khó nuốt. Trong khi đó, gần khu vực xương chậu gây ra suy giảm chức năng tình dục và mất kiểm soát tiểu tiện.

Ảnh hưởng lâu dài của xạ trị đặt ra một mối quan tâm lớn cho các bác sĩ và nhà khoa học, đặc biệt đối với trẻ em. Ví dụ, bức xạ để điều trị khối u não ở trẻ em có thể gây suy giảm nhận thức, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, thành tích học tập và nói chung là chất lượng cuộc sống.

Các tế bào khỏe mạnh bị hư hại trong quá trình điều trị bức xạ thường hồi phục trong vòng vài tháng sau khi điều trị kết thúc .Thông thường tác dụng phụ sau xạ trị sẽ giảm dần và hết, như sau 3-6 tháng sau xạ trị sẽ hết sạm da, nếu người bệnh mệt mỏi, chán ăn thì sau một thời gian cũng hết, rối loạn tiêu hóa thì cũng sau khi ngừng là hết. Nhưng đôi khi mọi người có thể thấy phản ứng phụ không cải thiện.

Các tác dụng phụ khác có thể xuất hiện nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi xạ trị kết thúc. Chúng được gọi là tác dụng muộn. Chúng phụ thuộc vào vị trí xạ trị, các biện pháp điều trị kết hợp, yếu tố di truyền và các yếu tố khác, chẳng hạn như hút thuốc lá. Hãy hỏi bác sĩ hoặc y tá của bạn về những tác dụng muộn mà bạn nên theo dõi.

Bên cạnh đó, xạ trị cũng gây tổn thương hệ miễn dịch, dễ bị viêm nhiễm, sốt cao. Hệ miễn dịch yếu cũng là điều kiện thuận lợi để tế bào ung thư phát triển, tái phát sau điều trị. Do đó, để giảm tác dụng phụ do xạ trị như mệt mỏi, viêm nhiễm cũng như phòng ung thư tái phát, cần hỗ trợ để nâng cao hệ miễn dịch đặc hiệu, nâng cao thể trạng cho người bệnh.

Cân nhắc liều lượng bức xạ là một cách cân bằng tốt giữa hiệu quả điều trị và tác dụng phụ. Một cách phổ biến hiện nay mà các bác sĩ sử dụng để cải thiện tỷ lệ lợi/hại là bắn nhiều chùm tia tới khối u từ các hướng khác nhau. Nếu các tia đan cài vào lên nhau, chúng có thể tối ưu tác động đến khối u trong khi giảm thiểu thiệt hại cho các mô khỏe mạnh.

Chi phí cho việc xạ trị là bao nhiêu?

Xạ trị có thể tốn kém. Nó sử dụng các máy phức tạp và liên quan đến các dịch vụ của nhiều nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chi phí chính xác của xạ trị phụ thuộc vào chi phí chăm sóc sức khỏe nơi bạn sống, loại xạ trị bạn nhận được và bạn cần bao nhiêu phương pháp điều trị.

Bạn cần biết bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho việc điều trị của bạn bao nhiêu. Để tìm hiểu thêm, bạn cần hỏi nơi điều trị cho bạn (khoa, phòng, bệnh viện).

Chế độ ăn cho bệnh nhân xạ trị

Bức xạ có thể gây ra các tác dụng phụ khiến khó ăn, chẳng hạn như buồn nôn, lở loét miệng và các vấn đề về cổ họng như viêm thực quản. Vì cơ thể bạn sử dụng rất nhiều năng lượng để chữa lành trong khi xạ trị nên điều quan trọng là bạn cần ăn đủ calo và protein để duy trì cân nặng trong khi điều trị.

Nếu bạn gặp khó khăn khi ăn và duy trì cân nặng, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá của bạn. Nếu có thể, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.

Làm việc trong khi xạ trị

Một số người có thể làm việc toàn thời gian trong khi xạ trị. Những người khác chỉ có thể làm việc bán thời gian hoặc không làm việc gì cả. Bạn có thể làm việc bao nhiêu tùy thuộc vào bạn cảm thấy yếu hay khỏe.

Bạn có thể cảm thấy đủ khỏe mạnh để làm việc khi bạn bắt đầu điều trị xạ trị lần đầu tiên. Khi thời gian trôi qua, đừng ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hơn, ít năng lượng hơn hoặc cảm thấy yếu đuối hơn. Một khi bạn đã hoàn thành điều trị, nó có thể mất một vài tuần hoặc vài tháng để bạn cảm thấy tốt hơn.

Trong thời gian xạ trị, có một thời điểm bạn sẽ cảm thấy quá mệt mỏi để làm việc, hãy nói chuyện với sếp của bạn về việc nghỉ phép và đại diện bên bảo hiểm về việc thanh toán cho việc điều trị nếu bạn có mua một loại bảo hiểm nào đó.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment