Ung thư

Hóa trị ung thư: Những điều bạn cần biết về hóa trị liệu điều trị ung thư

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao tóc của các bệnh nhân ung thư lại rụng tóc không? Đó chính là do một trong số các tác dụng phụ của điều trị ung thư bằng hóa chất (hóa trị ung thư). Vậy bạn có biết hóa trị liệu là gì không? Tại sao hóa chất lại điều trị được ung thư? Tác dụng không mong muốn của hóa trị là gì? Những việc cần làm trước, trong và sau khi hóa trị?

Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu về hóa trị liệu ung thư nhé!

Hóa trị ung thư là gì?

hóa trị ung thư

Đây là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng một hoặc nhiều thuốc kháng ung thư – gây độc tế bào. Hóa trị liệu thường phối hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác như: xạ trịphẫu thuật, nhiệt trị. Các thuốc hóa trị cũng được sử dụng điều trị các bệnh khác, như viêm cứng khớp đốt sống, bệnh đa xơ cứng, bệnh Crohn, bệnh vẩy nến, viêm khớp vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp và bệnh xơ cứng bì.

Hóa trị liệu có thể làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư – là các tế bào phân chia và phát triển một cách nhanh chóng.

Hóa trị liệu thường được sử dụng để:

  • Điều trị ung thư: Hóa trị thường được dùng để điều trị ung thư, giảm khả năng tái phát, ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của ung thư.
  • Giảm nhẹ các triệu chứng của ung thư: Hóa trị có thể làm thu nhỏ lại khối u, do vậy có thể giảm đau và một số các vấn đề khác. Trong các trường hợp bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối, hóa trị được sử dụng để làm giảm đau.

Đối tượng nào được điều trị bằng hóa trị?

Hóa trị được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư. Đối với một số người, hóa trị có thể là phương pháp điều trị duy nhất. Nhưng thông thường, hóa trị sẽ được sử dụng kết hợp với các loại phương pháp khác. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại ung thư bạn mắc phải, vị trí khối u, nó đã lan rộng hay chưa và các vấn đề sức khỏe khác bạn đang có.

Một số loại thuốc hóa trị liệu đã tỏ ra hữu ích trong điều trị các bệnh khác, chẳng hạn như:

  • Bệnh tủy xương: Bệnh ảnh hưởng đến tủy xương và các tế bào máu có thể được điều trị bằng cấy ghép tế bào gốc tủy xương. Hóa trị liệu thường được sử dụng để chuẩn bị cho việc cấy ghép tế bào gốc tủy xương.
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch: Liều thấp hơn của các loại thuốc hóa trị liệu có thể giúp kiểm soát hệ thống miễn dịch trong một số bệnh, chẳng hạn như lupus và viêm khớp dạng thấp.

Điều trị kết hợp hóa trị với các phương pháp khác như thế nào?

Khi được sử dụng với các phương pháp điều trị khác, hóa trị có thể:

  • Hóa trị cũng được áp dụng trước khi áp dụng các phương pháp điều trị khác. Làm cho một khối u nhỏ hơn trước khi phẫu thuật hoặc xạ trị. Điều này được gọi là hóa trị trước phẫu thuật.
  • Phá hủy các tế bào ung thư có thể vẫn còn sau khi điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị. Điều này được gọi là hóa trị bổ trợ. Ví dụ: Nếu bạn vừa trải qua phẫu thuật loại bỏ khối u ung thư, ví dụ như cắt bỏ khối u ung thư vú, bác sĩ có thể khuyên bạn nên điều trị hóa trị để đảm bảo rằng nếu có các tế bào ung thư còn sót lại sẽ bị tiêu diệt.
  • Giúp các phương pháp điều trị khác làm việc tốt hơn.
  • Tiêu diệt các tế bào ung thư đã quay trở lại hoặc lan sang các bộ phận khác trong cơ thể bạn.

Tác dụng phụ của hóa trị liệu

Hóa trị được coi là một phương pháp điều trị hệ thống, nghĩa là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Mặc dù hóa trị được chứng minh là có thể tấn công các tế bào ung thư một cách rất hiệu quả, nhưng hóa trị cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Các thuốc hóa trị liệu tiêu diệt các tế bào sinh trưởng nhanh, đây là đặc tính điển hình của tế bào ung thư. Nhưng cũng vì vậy các thuốc này cũng gây hại đến các tế bào bình thường có chu kỳ sinh trưởng nhanh như: tế bào ở tủy xương, hệ tiêu hóa, nang tóc. Do đó gây ra các phản ứng phụ như: suy tủy (giảm sản xuất các tế bào máu), viêm niêm mạc (viêm trên đường tiêu hóa) như loét miệng và rụng tóc.

Một số các tác dụng phụ hay gặp:

  • Buồn nôn và nôn:  Xảy ra trong lúc hóa trị hoặc sau vài giờ, vài ngày sau hóa trị. Nôn tuy không nguy hiểm nhưng sẽ làm bệnh nhân mất sức, tinh thần hoang mang, lo sợ. Hiện nay có nhiều thuốc chống nôn rất hiệu quả nên ngày càng ít gặp hiện tượng này. Tuy vậy vẫn có thể bị nôn nếu bệnh nhân thuộc loại quá nhạy cảm.
  • Rụng tóc: Thường xuất hiện sau hóa trị vài tuần. Tóc rụng từ từ, từng mảng, đa số bệnh nhân sẽ cạo sạch tóc trước khi tóc rụng nhiều. Không có cách ngăn ngừa rụng tóc. Tốt nhất là đội tóc giả hoặc khăn. Không phải bệnh nhân hóa trị nào cũng rụng tóc, tuỳ cơ thể của từng người và loại thuốc. Do vậy không bị rụng tóc không có nghĩa là thuốc không có hiệu quả.
  • Tiêu chảy.
  • Mất cảm giác ngon miệng.
  • Mệt mỏi.
  • Đau.
  • Táo bón.
  • Sốt: Hóa trị làm giảm bạch cầu khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng và khi bị nhiễm trùng thì rất nặng vì cơ thể không đủ sức đề kháng. Sau hóa trị một tuần, nếu bị sốt, bệnh nhân phải đến bệnh viện ngay để được thử máu, đếm số lượng bạch cầu và kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.
  • Miệng lở loét: Sau hóa trị vài tuần có thể sẽ bị lở miệng. Nên uống thuốc giảm đau, uống thuốc giảm viêm nếu lở miệng nặng. Giữ vệ sinh miệng bằng cách đánh răng.
  • Dễ thâm tím, chảy máu: Bệnh nhân có thể bị chảy máu mũi, nướu răng, vết bầm (chảy máu dưới da) hoặc nặng hơn là chảy máu trong não gây hôn mê. Nguyên nhân là do hóa trị làm giảm sinh sản tiểu cầu ở trong tủy xương, giống như giảm bạch cầu như đã nói ở trên. Tiểu cầu giúp đông máu, giảm tiểu cầu làm máu chảy không cầm được.

Tác dụng phụ thường trở nên tốt hơn hoặc biến mất sau khi bạn kết thúc hóa trị. Nhưng vẫn có khả năng có một số ảnh hưởng kéo dài của hóa trị sẽ phát triển thậm chí sau khi điều trị một vài năm, phụ thuộc vào vào loại hóa trị bạn đã sử dụng.

Những ảnh hưởng lâu dài này bao gồm các tổn thương lên: Tim, thận, phổi, các dây thần kinh, các cơ quan sinh sản.

Tác dụng phụ phổ biến nhất là mệt mỏi, cảm thấy kiệt sức. Bạn có thể chuẩn bị cho điều này bằng cách:

  • Nhờ ai đó đưa bạn đi lại từ nhà tới nơi điều trị hóa trị
  • Lên kế hoạch thời gian nghỉ ngơi vào ngày hóa trị và sau đó
  • Nếu nhà có trẻ nhỏ, hãy nhờ ai đó chăm sóc ít nhất 1 ngày sau hóa trị
  • Chuẩn bị nhà cửa: Giặt quần áo hoặc làm bất cứ công việc nặng nào trước khi hóa trị bởi sau khi tiến hành hóa trị lần đầu tiên, bạn có thể sẽ rất yếu và không thể làm được những công việc này.

Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ vui lòng xem thêm tại đây

Chi phí hóa trị là bao nhiêu?

Chi phí hóa trị phụ thuộc vào:

  • Loại hóa chất và liều lượng sử dụng
  • Thời gian hóa trị kéo dài bao lâu và mức độ thường xuyên của điều trị hóa chất
  • Nơi điều trị hóa trị, bạn có thể dùng thuốc tại nhà hay phải nằm viện điều trị?

Bạn cần biết bảo hiểm y tế và các loại bảo hiểm khác sẽ chi trả cho việc điều trị của bạn bao nhiêu. Để tìm hiểu thêm, bạn cần hỏi nơi điều trị cho bạn (khoa, phòng, bệnh viện) và nhân viên bảo hiểm.

Việc cần chuẩn bị trước khi hóa trị

Vì hóa trị là một phương pháp điều trị dành cho những bệnh nặng nên việc lên kế hoạch trước khi tiến hành hóa trị là rất quan trọng.

  • Trước khi tiến hành hóa trị, bạn sẽ phải tiến hành rất nhiều xét nghiệm để biết rằng liệu bạn có đủ khỏe mạnh để tiến hành hóa trị không. Các xét nghiệm này bao gồm kiểm tra tim và xét nghiệm máu để xác định chức năng gan của bạn. Những loại xét nghiệm này còn có thể giúp bác sĩ xác định được loại hóa trị nào nên dùng với bạn.
  • Bác sĩ cũng có thể sẽ khuyên bạn nên khám răng trước khi bắt đầu hóa trị. Bởi vì hóa trị ảnh hưởng lên khả năng tự làm lành vết thương của cơ thể, nên bất cứ tình trạng nhiễm trùng nào ở răng hoặc lợi cũng có thể sẽ lan đến khắp cơ thể.
  • Lường trước các tác dụng không mong muốn: Hỏi bác sĩ về loại tác dụng không mong muốn nào bạn sẽ phải trải qua và lên kế hoạch đối phó với nó.
  • Nếu bạn có khả năng sẽ bị vô sinh sau khi hóa trị và bạn lại đang muốn có con, bạn có thể sẽ cần phải dự trữ và đông lạnh tinh trùng, trứng hoặc đông lạnh phôi đã thụ tinh.
  • Bạn có thể sẽ phải chuẩn bị mũ, khăn đội đầu hoặc tóc giả nếu bạn có khả năng bị rụng tóc.
  • Bắt đầu tham gia nhóm hỗ trợ: Nói chuyện với những người khác, không phải là thành viên gia đình và bạn bè về những việc bạn sắp phải trải qua có thể giúp bạn giữ được thái độ lạc quan. Họ cũng có thể giúp bạn bình tĩnh hơn trước những nỗi lo sợ về quá trình điều trị của bạn.

Hóa trị được tiến hành như thế nào?

Hóa trị có thể được sử dụng theo nhiều cách. Một số cách phổ biến bao gồm:

  • Uống: Hóa trị liệu có chứa trong thuốc viên, viên nang hoặc dạng dung dịch uống
  • Tiêm, truyền tĩnh mạch: Đưa hóa chất vào cơ thể qua đường tĩnh mạch
  • Tiêm bắp: Tiêm vào phần bắp thịt ở cánh tay, đùi hoặc mông
  • Tiêm dưới da: Tiêm vào phần mô mỡ ở cánh tay, chân hoặc bụng
  • Tiêm tủy sống: Hóa chất được tiêm vào khoang chứa dịch não tủy bao quanh tủy sống và não bộ
  • Tiêm màng bụng (IP): Hóa trị đi thẳng vào khoang màng bụng
  • Nội động mạch (IA): Hóa chất được tiêm trực tiếp vào động mạch dẫn tới đến khối ung thư
  • Bôi tại chỗ: Hóa chất dưới dạng một loại kem bôi da

Để tiêm truyền hóa chất, điều dưỡng sẽ đặt 1 kim luồn nhỏ, được làm bằng nhựa. Kim này sẽ được luồn vào một tĩnh mạch, thường ở tay. Kim sẽ được luồn vào lúc bắt đầu điều trị và tháo khi kết thúc điều trị. Truyền hóa chất cũng có thể catheter hoặc buồng tiêm tĩnh mạch dưới da.

Catheter (ống thông)

Catheter là một ống mỏng, mềm. Một bác sĩ hoặc y tá sẽ đặt một đầu của ống thông trong một tĩnh mạch lớn, thường ở vùng ngực của bạn. Đầu kia của ống thông nằm ngoài cơ thể. Hầu hết các ống thông được đặt cho đến khi bạn kết thúc đợt điều trị hóa trị. Ngoài ra, việc lấy máu hoặc truyền một số thuốc khác cũng được thực hiện qua catheter.

Buồng tiêm tĩnh mạch dưới da

Là một hệ thống bao gồm ống thông và buồng tiêm (portal chamber), trong đó ống thông được đặt vào tĩnh mạch lớn và buồng tiêm được cấy hoàn toàn vào mô dưới da. Buồng tiêm được đặt trước khi điều trị và lấy ra khi điều trị kết thúc.

Nơi điều trị hóa chất

Địa điểm tiến hành hóa trị phụ thuộc vào cách đưa thuốc hóa trị vào cơ thể. Ví dụ, nếu bạn dùng thuốc hóa trị dưới dạng kem bôi hoặc viên uống, bạn có thể tự điều trị ở nhà. Các phương pháp khác thường được tiến hành tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế.

Bác sĩ sẽ quyết định điều trị cho bạn bằng loại thuốc nào

Có nhiều loại thuốc hóa trị khác nhau. Việc lựa chọn sử dụng thuốc nào trong kế hoạch điều trị của bạn phụ thuộc chủ yếu vào:

  • Loại ung thư bạn mắc phải và mức độ tiến triển của nó
  • Bạn đã được hóa trị liệu trước đó hay chưa?
  • Các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim

Tần suất điều trị hóa chất

Lịch trình điều trị cho hóa trị liệu rất khác nhau. Tần suất và thời gian bạn trị liệu phụ thuộc vào:

  • Loại ung thư của bạn và mức độ tiến triển của nó
  • Mục đích của hóa trị liệu là gì? Để chữa ung thư hay kiểm soát sự phát triển ung thư hay điều trị giảm nhẹ triệu chứng?
  • Loại hóa trị bạn điều trị là gì?
  • Cơ thể bạn phản ứng thế nào với hóa trị?

Thông thường, bạn sẽ điều trị hóa chất theo chu kì. Một chu kỳ là tổng thời gian 1 lần điều trị hóa chất và thời gian nghỉ ngơi sau lần đó cho tới đợt điều trị hóa chất tiếp theo. Chẳng hạn, bạn được điều trị hóa chất trong vòng 1 tuần, sau đó là 3 tuần mà không cần hóa trị. 4 tuần này tạo thành một chu kỳ. Thời gian nghỉ ngơi giúp cơ thể bạn có cơ hội phục hồi và xây dựng các tế bào khỏe mạnh mới.

Có khi nào phải thay đổi lịch trình điều trị hóa chất không?

Tốt nhất là không bỏ bất kì một đợt điều trị hóa chất nào. Nhưng, đôi khi bác sĩ có thể thay đổi lịch trình hóa trị liệu nếu bạn có một số tác dụng phụ. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ hoặc y tá của bạn sẽ giải thích phải làm gì và khi nào bắt đầu điều trị lại.

Hóa trị có thể ảnh hưởng đến bạn như thế nào?

Hóa trị ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Bạn cảm thấy thế nào phụ thuộc vào:

  • Loại hóa trị bạn đang nhận được
  • Liều hóa trị bạn đang dùng
  • Loại ung thư của bạn
  • Ung thư của bạn tiến triển đến mức nào
  • Tình trạng sức khỏe của bạn trước khi điều trị

Vì mỗi người khác nhau phản ứng với hóa trị liệu theo những cách khác nhau, do đó bác sĩ và y tá của bạn không thể biết chắc chắn bạn sẽ cảm thấy như thế nào trong quá trình hóa trị.

Làm sao tôi biết nếu hóa trị của tôi hoạt động?

Bác sĩ điều trị sẽ thường xuyên kiểm soát ảnh hưởng của phương pháp điều trị này. Bạn sẽ tái khám thường xuyên. Trong những lần khám này, bác sĩ sẽ hỏi bạn cảm thấy thế nào, khám sức khỏe và yêu cầu kiểm tra một số xét nghiệm máu và chụp MRI, CT hoặc PET.

Quá trình điều trị của bạn sẽ tốt hơn nếu bạn thường xuyên chia sẻ với bác sĩ về việc hóa trị ảnh hưởng như thế nào đến bạn. Bạn nên nói với bác sĩ về bất cứ tác dụng không mong muốn nào liên quan đến việc điều trị để các bác sĩ có thể đưa ra các điều chỉnh, nếu cần thiết. Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh phương pháp điều trị của bạn bất cứ lúc nào.

Bạn không thể biết liệu hóa trị liệu có hoạt động dựa trên các tác dụng phụ của nó. Một số người nghĩ rằng tác dụng phụ nghiêm trọng có nghĩa là hóa trị liệu đang hoạt động tốt hoặc không có tác dụng phụ có nghĩa là hóa trị không hoạt động. Sự thật là các tác dụng phụ không liên quan gì đến việc hóa trị liệu chống lại căn bệnh ung thư của bạn có tốt hay không.

Chế độ ăn sau hóa trị

Hóa trị có thể làm tổn hại các tế bào khỏe mạnh ở miệng và ruột và gây ra vấn đề ăn uống. Hãy báo cho bác sĩ hoặc y tá nếu bạn gặp khó khăn trong việc ăn uống khi bạn đang được hóa trị. Nếu có thể, hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.

Làm việc trong thời gian hóa trị

Nhiều người có thể làm việc trong quá trình hóa trị, miễn là phù hợp với lịch làm việc và cảm giác của họ. Việc bạn có thể làm việc hay không có thể phụ thuộc vào loại công việc của bạn. Nếu công việc của bạn cho phép, hãy xem bạn có thể làm việc ở nhà hay giảm tải công việc khi cảm thấy không khỏe hoặc cho đến khi bạn biết được loại tác dụng không mong muốn nào sẽ xảy đến với mình.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment