Mang thai

Mang thai 3 tháng đầu: Những điều mẹ bầu cần biết

Trong tam cá nguyệt thứ nhất hay mang thai 3 tháng đầu, nhìn bạn không khác gì so với bình thường, nhưng trong sâu thẳm, bạn nhận ra thay đổi trong cơ thể mình. Đó là bởi vì một loạt các hormone thai kỳ đang chuẩn bị cho cơ thể của bạn đóng vai trò là bà bầu trong chín tháng tới – vì vậy bạn có thể bị đau nhức khá nhiều, từ mệt mỏi hoặc đầy hơi. Mặc dù bạn có thể có ít hoặc phải chịu đựng nhiều triệu chứng này, hãy thử tự nhắc nhở bản thân rằng những khó chịu tạm thời này là một phần của quá trình đáng kinh ngạc đang xảy ra bên trong: Em bé đang lớn lên!

Có rất nhiều thứ đang diễn ra trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ. Dưới đây là thông tin về tam cá nguyệt thứ nhất và những công việc mà bạn cần chuẩn bị.

Xem thêm: Những điều cần biết khi mang thai: Chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh!

Tam cá nguyệt thứ nhất diễn ra khi nào?

mang thai 3 tháng đầu

Tam cá nguyệt đầu tiên kéo dài từ tuần 1 đến hết tuần 13 của thai kỳ.

Nếu bạn không chắc chắn tuần nào bạn bắt đầu có thai? Bước đầu tiên là tính theo ngày đầu kỳ kinh cuối của bạn. Hãy nhớ rằng ngày của bạn có thể thay đổi (đặc biệt là nếu bạn có chu kỳ không đều).

Sự tăng trưởng của em bé trong ba tháng đầu

Trong ba tháng đầu tiên, em bé của bạn thay đổi từ một tế bào được thụ tinh (hợp tử), thành phôi tự cấy vào thành tử cung của bạn, cho đến hình thành tay, chân và hệ thống cơ thể đang phát triển. Các cơ quan hình thành và em bé bắt đầu di chuyển. Dưới đây là một vài điểm nổi bật lớn xảy ra trong thời gian thú vị này:

  • Xương của bé: Đến khoảng tuần thứ 6, trên thân của “chú nòng nọc” đã bắt đầu chồi ra những mầm bé xíu mà sau này sẽ thành chân và tay.Đến tuần thứ 8, cánh tay và chân của bé đang phát triển, trên bàn tay cũng đã bắt đầu hình thành các ngón. Bé bắt đầu có một số cử động, tuy nhiên rất nhẹ nên bạn hầu như không cảm nhận được điều gì.
  • Tóc và móng : Da bắt đầu hình thành từ tuần thứ 5 đến thứ 8, vào tuần thứ 10 bé bắt đầu có móng. Tóc và lông tơ cũng bắt đầu phát triển trên da.
  • Hệ thống tiêu hóa : Vào khoảng tuần thứ 8, ruột của bé sẽ bắt đầu hình thành.
  • Thụ thể: Em bé của bạn sẽ có các thụ thể cảm ứng trên mặt (chủ yếu là môi và mũi) vào khoảng tuần thứ 8. Đến tuần thứ 12, bé sẽ có các thụ thể ở bộ phận sinh dục, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Thị lực : Các dây thần kinh thị giác (truyền thông tin từ mắt đến não) và đồng tử bắt đầu hình thành vào tuần thứ 6, với võng mạc bắt đầu hình thành vào khoảng tuần thứ 8.
  • Tim: Đến tuần thứ 5, một hạt nhỏ ở giữa phôi sẽ sớm phát triển thành trái tim của con bạn. Đến tuần thứ 6, time m bé dù chỉ nhỏ bằng một hạt vừng cũng đã bắt đầu đập. Nó sẽ trở nên mạnh mẽ và đều đặn hơn và bạn sẽ có thể nghe thấy nó- vào khoảng tuần 9 hoặc 10 (mặc dù đôi khi muộn hơn, tùy thuộc vào vị trí của em bé trong tử cung của bạn). Bác sĩ siêu âm có thể thấy sớm hơn, vào khoảng tuần thứ 7 của thai kỳ.
  • Não: Vào khoảng tuần thứ 8 của thai kỳ, não của bé sẽ chỉ huy chân tay ngọ nguậy,
  • Vị giác: Em bé của bạn sẽ phát triển vị giác kết nối với não vào khoảng tuần thứ 8 – en bé có thể nếm nước ối xung quanh (nó có vị giống như bữa ăn gần đây nhất của bạn)
  • Phản xạ: Đến tuần thai thứ 11, sự phát triển đặc biệt nhất của bé trong tuần thai này là phản xạ. Bé đã có thể bắt đầu nuốt và đá chân. Ngón tay bé có thể bắt đầu xòe ra và nắm lại được, các ngón chân cụp lại, và miệng sẽ có cử động mút.

Các cột mốc quan trọng khác trong ba tháng đầu tiên bao gồm sự hình thành cơ bắp, sản xuất các tế bào bạch cầu để chống lại vi trùng và sự phát triển của dây thanh âm.

Những thay đổi trong cơ thể bạn

Rất nhiều điều xảy ra với bạn trong ba tháng đầu tiên. Một vài triệu chứng ban đầu phổ biến nhất của thai kỳ bạn có thể gặp:

  • Ốm nghén: Thật không may, nó không chỉ tấn công vào buổi sáng, nó có thể tấn công bất cứ lúc nào trong ngày và thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ. Trà gừng hoặc chanh có thể giúp bạn giảm triệu chứng, và bạn cũng phải chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Nếu tình trạng này nghiêm trọng hơn, bạn nên trao đổi bác sĩ về các loại thuốc để điều trị các triệu chứng buồn nôn liên quan đến thai kỳ.
  • Thay đổi trên ngực: Ngực của bạn sẽ trở nên to hơn và mềm mại hơn! (nhất là từ tuần thứ 6 trở đi)
  • Tâm trạng thất thường: Bạn có thể (hoặc có thể không) cảm thấy khó chịu, hoặc tâm trạng thay đổi thất thường, tăng trở lại vào tuần thứ 7. Nếu bạn có tiền sử trầm cảm hoặc nghĩ rằng nó có thể nghiêm trọng hơn, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc sàng lọc trầm cảm trước khi sinh.

Khi thai kỳ của bạn tiến triển trong tam cá nguyệt này, bạn có thể gặp nhiều triệu chứng mang thai khác như ợ nóng, táo bón, thấy miệng có vị kim loại, ác cảm với thức ăn và đau đầu. Hãy bình tĩnh, các triệu chứng này có thể giảm khi bạn bước vào tam cá nguyệt thứ hai. Hãy nhớ rằng, mỗi người phụ nữ là một cá thể riêng biệt. Vì vậy, chỉ vì mẹ hoặc chị gái của bạn bị chuột rút hoặc đi tiểu nhiều khi mang thai không có nghĩa là các triệu chứng đó cũng sẽ xảy ra với bạn.

Tăng cân

Em bé của bạn vẫn còn rất nhỏ – điều đó có nghĩa là bạn chỉ cần tăng khoảng ba đến bốn cân trong ba tháng đầu. Nếu bạn đang bị mất cảm giác ngon miệng, bạn thậm chí có thể giảm một vài cân. Điều đó không sao cả, miễn là bạn tăng cân thêm trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Hiện tại, chỉ cần tập trung vào việc ăn thường xuyên các bữa ăn nhẹ của bất kỳ loại thực phẩm dinh dưỡng cao (ví dụ như bơ, sữa chua, chuối, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt hoặc bánh quy giòn) đến khi bạn no bụng.

Bạn cảm thấy lo lắng ăn không đủ? Cố gắng kiểm tra lượng calo của bạn trong thai kỳ để kiểm tra: Bạn thực sự không cần thêm bất kỳ calo nào trong ba tháng đầu (mặc dù lượng tiêu thụ của bạn sẽ tăng lên đáng kể trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba). Nếu cuối cùng bạn đạt được nhiều hơn mức khuyến nghị bây giờ, tất cả sẽ không bị mất. Chỉ cần tập trung vào việc trở lại theo dõi trong suốt thời gian mang thai của bạn.

Các triệu chứng cần kiểm tra

Với tất cả những thay đổi diễn ra trong cơ thể bạn khi mang thai, bạn có thể thắc mắc điều gì là bất thường. Bạn cần biết rằng, nguy cơ sảy thai cao nhất trong ba tháng đầu. Dưới đây là một số triệu chứng mà bạn cần đi khám bác sĩ ngay lập tức:

  • Chảy máu âm đạo nhiều
  • Đau bụng nhiều:
    • Cơn đau bụng di chuyển khắp vùng bụng, đau dữ dội cảnh báo mang thai ngoài dạ con.
    • Cơn đau bụng kéo dài, vùng bụng bị co thắt kèm theo hiện tượng ra huyết khi mang thai là triệu chứng sảy thai.
  • Khát nước đột ngột
  • Đi tiểu đau
  • Sốt trên 38 độ, ớn lạnh và / hoặc đau lưng
  • Phù nhiều ở tay, mặt
  • Rối loạn thị lực

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy đi khám bác sĩ sản khoa ngay.

Những việc bạn cần làm trong 3 tháng mang thai đầu tiên

Bổ sung các vitamin trước sinh

Nếu bạn chưa bổ sung,  hãy bắt đầu dùng vitamin trước sinh ngay lập tức. Sử dụng vitamin như trong ba tháng đầu tiên đã được chứng minh là làm giảm đáng kể nguy cơ dị tật ống thần kinh (như tật nứt đốt sống). Axit folicl à một trong những dưỡng chất cần thiết nhất trong các vitamin dành cho bà bầu, nó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các bà mẹ mang thai 3 tháng đầu – làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Chọn bác sĩ sản khoa

Tốt nhất bạn nên lựa chọn bác sĩ sản khoa sớm. Bạn sẽ cần đi khám và siêu âm nhiều lần trong suốt thai kỳ. Vì vậy, hãy dành thời gian để chọn lựa bác sĩ sản khoa phù hợp, người sẽ theo dõi bạn đến tận lúc bạn sinh hoặc ngay cả khi sau sinh.

Lên lịch đi khám

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các lần mang thai trước (nếu có), các bệnh lý bạn đã hoặc đang mắc và sẽ làm xét nghiệm cần thiết cho bạn. Bạn có thể sẽ trải qua một loạt các xét nghiệm, bao gồm xét nghiệm Pap smear, phân tích nước tiểu và phân tích máu để xác định nhóm máu, Rh, nồng độ hCG và sự hiện diện của bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào.

Bạn có thể sẽ siêu âm ban đầu để xác nhận nhịp tim, ngày mang thai và chắc chắn mọi thứ đang tiến triển như bình thường. Bạn cũng có thể được kiểm tra các bệnh di truyền hoặc bệnh tiểu đường, tùy thuộc vào lịch sử gia đình của bạn. Trong khi đi khám, hãy chuẩn bị để hỏi các câu hỏi của bạn: Bây giờ là lúc để hỏi về sự an toàn của bất kỳ loại thuốc nào bạn hiện đang dùng, bỏ thuốc lá hoặc bất cứ vấn đề sức khỏe nào của bạn.

Xem xét các xét nghiệm di truyền

Bạn có thể sẽ được làm các xét nghiệm (giữa tuần 10 và 13 của thai kỳ) để kiêm tra hội chứng Down và dị tật tim bẩm sinh; dựa trên các yếu cố nguy cơ của bạn, bác sĩ cũng có thể đề nghị làm NIPT vào khoảng tuần thứ 9 (sàng lọc máu không xâm lấn tìm kiếm bất thường nhiễm sắc thể) và / hoặc xét nghiệm trước sinh xâm lấn ( lấy mẫu lông nhung màng đệm hoặc chọc ối ).

Lựa chọn bảo hiểm y tế

Chi phí mang thai thay đổi dựa trên một số yếu tố (và sẽ đắt hơn rất nhiều nếu bạn không có bảo hiểm y tế). Vì vậy, bây giờ là thời gian để bạn lựa chọn các gói bảo hiểm thai sản.

Lập kế hoạch chi tiêu

Ngay từ bây giờ bạn nên lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Để một khoản tiền cho sinh đẻ và chi phí phát sinh. Những chi phí đó bao gồm quần áo, thức ăn, tã, đồ chơi và những chi phí này có thể đội lên rất nhanh đấy.  Hơn nữa, nuôi một em bé cũng rất tốn kém đúng không nào?

Ăn uống hợp lý

Bây giờ là thời gian để cắt giảm caffeine cũng như tìm hiểu những loại thực phẩm bạn nên tránh. Nếu bạn đang phải chịu đựng tình trạng ốm nghén, hãy cố gắng đảm bảo ăn uống đầy đủ trong khả năng của mình nhé. Bạn có thể tham khảo một số cách trị ốm nghén để cảm thấy dễ chịu hơn trong giai đoạn này. Tìm hiểu về chế độ ăn uống cho bà bầu trong những tháng tiếp theo. 3 tháng đầu có thể bạn ốm nghén không ăn được nhiều nhưng đến tam cá nguyệt thứ hai cảm giác thèm ăn sẽ quay lại nhanh thôi.

Tìm hiểu những thứ cấm kỵ với bà bầu

Để tránh nguy cơ sảy thai trong ba tháng đầu, bạn nên tìm hiểu những thứ cấm kỵ. Chắc hẳn bạn từng nghe ai đó nhắc đến việc tránh ăn dứa, đu đủ xanh, rau răm, rau ngót, rau chùm ngây, ngải cứu hay cam thảo… khi mang thai 3 tháng đầu. Nguyên do là những thực phẩm khiến tử cung co thắt mạnh và có thể gây sẩy thai.

Không chỉ riêng lúc mới mang thai mà trong suốt thai kỳ, bạn không nên sử dụng sữa chưa tiệt trùng vì chúng thường chứa một lượng vi khuẩn, vi sinh vật gây hại. Trứng lòng đào hay trứng sống cũng có chứa vô vàn vi khuẩn có hại. Do đó, trong 3 tháng đầu thai kỳ bạn nên tránh xa nhé. Ăn trứng lòng đào là nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ bầu có nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella.

Một số hoạt động mà mẹ bầu cần tránh

Chạy nhảy, đặc biệt ở nơi trơn trượt, cưỡi ngựa, đạp xe, trượt patin… cũng là những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ té ngã gây động thai mà bạn cần tránh. Một số trò mạo hiểm, cảm giác mạnh hay đu quay… ở các công viên giải trí có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, đau đầu và rất dễ dẫn tới nôn ói. Đặc biệt, nếu bạn có nguy cơ cao thiếu máu thai kỳ hay ốm nghén nặng thì cần tránh xa những trò giải trí này bạn nhé.

Dành thời gian tập luyện hàng ngày

Có rất nhiều lợi ích của việc tập thể dục khi mang thai cho bạn và em bé – đó có thể là động lực tốt để bạn dành 30 phút cho hoạt động thể chất trong hầu hết các ngày trong tuần. Không biết nên bắt đầu từ đâu? Hãy tập yoga, bơi lội hoặc các bài tập Kegels.

Quan hệ tình dục khi mang thai

Nhiều người cho rằng không thể quan hệ trong thai kỳ, điều này là không đúng. Trong ba tháng đầu bạn vẫn có thể sinh hoạt vợ chồng. Nguyên do là bởi 3 tháng đầu của thai kỳ, bụng bầu của bạn còn tương đối nhỏ ít gây trở ngại đến chuyện đó. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không chèn ép mạnh lên vùng bụng, nâng đỡ cơ thể hợp lý, không quan hệ thô bạo và thời gian quan hệ không nên kéo quá dài.

Ngoài ra, nếu sau quan hệ tình dục mà bạn bị đau bụng, ra máu, rò rỉ dịch ối… bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Bắt đầu nghĩ về tên của em bé

Nếu bạn chưa có cái tên nào sẽ không bao giờ là quá sớm để bắt đầu nghĩa các ý tưởng. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bố mẹ và người thân để đặt tên cho bé yêu.

Lên kế hoạch thông báo mang thai

Hãy suy nghĩ về cách thức và thời điểm bạn muốn nói với bạn bè và gia đình của bạn về tin tốt này. Hầu hết phụ nữ chờ đợi cho đến khi kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên để làm điều đó, khi nguy cơ sảy thai thấp hơn. Và bạn cũng cần thông báo cho cơ quan, hãy bắt đầu suy nghĩ khi nào nên nói với sếp rằng bạn đang mang thai và phải nói gì; nghiên cứu chính sách thai sản của công ty bạn.

Tránh mang vác vật nặng

Sự thay đổi nội tiết trong thai kỳ khiến các khớp xương, dây chằng và liên kết cơ của bạn lỏng lẻo hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Bạn sẽ cảm thấy mình yếu sức hơn, dễ mệt hơn và luôn nhức mỏi mọi thời điểm trong ngày. Vì vậy đây không phải là lúc để bạn thử sức mạnh của mình với những việc bưng bê, mang vác nặng nhọc. Hãy để người đàn ông khoẻ mạnh của bạn làm những việc như di chuyển hay kê lại đồ đạc và đồ vật nặng trong gia đình,x ách hàng hoá cho bạn khi đi siêu thị hay mua sắm, mang đồ cồng kềnh giúp vợ lên xuống cầu thang (dù đó chỉ là giỏ quần áo bẩn cần giặt)…

Mẹ bầu mới mang thai đừng quên chăm sóc da để luôn xinh đẹp

Một số chị em thường có làn da sạch mụn sau khi mang thai nhưng một số khác lại ngược lại, da nổi mụn, thậm chí là sạm, nám. Đây là những thay đổi phổ biến khi hormone cơ thể thay đổi. Bạn cần trao đổi với chuyên gia da liễu hoặc bác sĩ của mình trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào nhé. Đảm bảo chúng không có chứa các hóa chất độc hại và bạn chỉ nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.

Lựa chọn trang phục phù hợp

Khi bụng bầu ngày một lớn lên, bạn sẽ phải cần đến những loại trang phục thoải mái nhất. Những chiếc đầm free size, áo phom rộng, … phù hợp với vóc dáng và quan trọng hơn cả là sự thoải mái sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều. Và đừng quên cất đi những đôi giày cao gót, chúng làm bạn đau mỏi và tăng nguy cơ trơn trượt nguy hiểm cho em bé. Hãy đi những đôi giày đế bằng để có thể đi lại thoải mái nhất.

Hãy cố gắng dành thời gian thư giãn

Đây cũng là bí quyết quan trọng để bạn giữ gìn sức khỏe và sắc đẹp khi mang thai 3 tháng đầu. Những khó khăn trong lúc mang thai chắc chắn sẽ khiến bạn không ít lần căng thẳng nhưng bạn cần giữ bình tĩnh, không nên nổi giận vì nó có thể ảnh hưởng đến cả bé yêu trong bụng đấy.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment