Tại hội thảo Diễn đàn chuyên gia ung thư các nước Đông Dương do Bệnh viện K tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.
Trong xếp hạng 172 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ chết vì bệnh ung thư do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng 5/2014, Việt Nam đứng ở vị trí 78.
Căn bệnh này ngày nay đã trở thành mối đe dọa lớn cho bất cứ ai ở bất kỳ độ tuổi nào. Phòng chống ung thư là hành động được thực hiện để giảm nguy cơ bị ung thư, bao gồm duy trì một lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư đã biết, dùng thuốc hoặc vắc-xin có thể ngăn ngừa ung thư phát triển.
Tuy nhiên liệu bạn có biết: Nguyên nhân của ung thư là gì? Có những tác nhân nào gây ra căn bệnh này? Nếu bạn chưa biết thì bài viết này dành cho bạn!
Mục lục
- Yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân gây ung thư
- Tuổi và nguy cơ ung thư
- Rượu
- Các chất gây ung thư trong môi trường
- Viêm mãn tính
- Chế độ ăn
- Hormones
- Ức chế miễn dịch
- Tác nhân truyền nhiễm
- Virus Epstein-Barr (EBV)
- Vi-rút viêm gan B và viêm gan C (HBV và HCV)
- Virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV)
- Human Papillomaviruses (HPVs)
- Human T-Cell Leukemia/Lymphoma Virus Type 1 (HTLV-1)
- Kaposi Sarcoma-Associated Herpesvirus (KSHV)
- Merkel Cell Polyomavirus (MCPyV)
- Helicobacter pylori (H. pylori)
- Opisthorchis viverrini
- Schistosoma hematobium
- Béo phì
- Sự bức xạ
- Ánh sáng mặt trời
- Thuốc lá
Yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân gây ung thư
Thông thường, không thể biết chính xác lý do tại sao có người lại bị ung thư trong khi người khác thì không mắc. Nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ở con người. Chính vì vậy để cho chính xác chúng ta phải gọi là yếu tố nguy cơ chứ không phải là nguyên nhân gây ung thư! Ngoài ra còn có các yếu tố làm giảm nguy cơ ung thư. Những yếu tố này đôi khi được gọi là yếu tố bảo vệ tiềm ẩn hoặc là yếu tố bảo vệ.
Các yếu tố nguy cơ ung thư bao gồm tiếp xúc với các hóa chất hay một số hành vi nhất định. Chúng cũng bao gồm những thứ mọi người không thể kiểm soát được như tuổi tác và tiền sử gia đình. Tiền sử gia đình của một số bệnh ung thư có thể liên quan đến hội chứng ung thư di truyền.
Hầu hết các yếu tố nguy cơ ung thư (và yếu tố bảo vệ) được xác định trong các nghiên cứu dịch tễ học. Trong những nghiên cứu này, các nhà khoa học nghiên cứu những nhóm người và so sánh những người mắc ung thư với những người không mắc bệnh ung thư. Những nghiên cứu này có thể chỉ ra rằng những người bị ung thư ít nhiều có những hành vi nhất định hoặc tiếp xúc với một số chất nhất định so với những người không mắc ung thư.
Các nghiên cứu như vậy, đơn lẻ, không thể chứng minh rằng một hành vi hoặc một chất nào đó sẽ gây ung thư. Ví dụ, trong nghiên cứu phát hiện ra một yếu tố nguy cơ nào đó, đó có thể là yếu tố nguy cơ thực sự hoặc nghi ngờ là yếu tố nguy cơ. Nhưng những phát hiện này đôi khi nhận được sự chú ý quá mức trong giới truyền thông và điều này có thể dẫn đến những quan niệm sai lầm về ung thư và bắt đầu lan rộng ra xung quanh.
Khi có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa một yếu tố nguy cơ tiềm tàng với khả năng mắc ung thư và có một cơ chế rõ ràng có thể giải thích được yếu tố nguy cơ có thể gây ra ung thư như thế nào, các nhà khoa học mới có thể khẳng định về mối quan hệ này.
Danh sách dưới đây bao gồm các yếu tố nguy cơ được biết đến hoặc yếu tố nghi ngờ nhất về ung thư. Một số yếu tố nguy cơ có thể tránh được, những yếu tố khác – chẳng hạn như già đi – đương nhiên là không thể. Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có thể tránh được có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư nhất định:
- Tuổi tác
- Rượu
- Các chất gây ung thư
- Viêm mãn tính
- Chế độ ăn
- Hormones
- Ức chế miễn dịch
- Tác nhân truyền nhiễm
- Béo phì
- Sự bức xạ
- Ánh sáng mặt trời
- Thuốc lá
Tuổi và nguy cơ ung thư
Tuổi tác là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với nhiều bệnh nói chung và với nhiều loại ung thư nói riêng. Theo số liệu thống kê gần đây nhất từ Surveillance, Epidemiology, and End Results của NCI, tuổi trung bình của các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư là 66. Điều này có nghĩa là một nửa số ca ung thư xảy ra ở những người dưới độ tuổi này và một nửa ở những người trên độ tuổi này. 1/4 các ca ung thư mới được chẩn đoán ở những người từ 65 đến 74 tuổi.
Tuổi tác cao cũng là yếu tố nguy cơ trong nhiều loại ung thư phổ biến. Ví dụ, tuổi trung bình ung thư vú lúc chẩn đoán là 61 tuổi, đối với ung thư đại trực tràng là 68 tuổi, 70 tuổi đối với ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt là 66 tuổi. Dựa vào độ tuổi, người ta có thể đưa ra các khuyến cáo hay tầm soát ung thư đối với người lớn tuổi tùy vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác và các yếu tố khác.
Nhưng ung thư có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không chỉ đối với người cao tuổi. Ví dụ, ung thư xương thường được chẩn đoán nhiều nhất ở những người dưới 20 tuổi với hơn 1/4 các trường hợp xảy ra ở nhóm tuổi này. Và 10% bệnh leukemia (bệnh bạch cầu) được chẩn đoán ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi, trong khi trung bình chỉ có 1% ung thư được chẩn đoán ở nhóm tuổi đó. Một số loại ung thư, chẳng hạn như u nguyên bào thần kinh, phổ biến ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên hơn so với người lớn.
Rượu
Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng, vòm họng, thực quản, thanh quản, gan và vú. Càng uống nhiều rượu thì nguy cơ càng cao. Nguy cơ ung thư cao hơn nhiều đối với những người uống cả rượu và hút thuốc lá.
Các bác sĩ khuyên mọi người nên uống rượu với số lượng vừa phải. Nam giới không nên uống quá hai ly rượu vang 100 ml, hai cốc bia hơi 330 ml mỗi ngày và không uống quá năm ngày trong một tuần.
Có một vài ý kiến cho rằng một số chất trong rượu vang đỏ, chẳng hạn như resveratrol, có đặc tính chống ung thư. Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy uống rượu vang đỏ làm giảm nguy cơ ung thư.
Các chất gây ung thư trong môi trường
Ung thư gây ra bởi một số thay đổi của một số gen làm thay đổi hoạt động của tế bào. Một số thay đổi di truyền xảy ra tự nhiên khi DNA được nhân lên trong quá trình phân chia tế bào, một số khác là do ảnh hưởng tiếp xúc với môi trường làm tổn thương DNA. Những tiếp xúc này có thể bao gồm các chất, chẳng hạn như các hóa chất trong khói thuốc lá hoặc bức xạ, chẳng hạn như tia cực tím từ mặt trời.
Mọi người có thể tránh một số yếu tố tiếp xúc gây ung thư, chẳng hạn như khói thuốc lá và ánh nắng mặt trời. Nhưng một số tác nhân khác khó tránh khỏi, đặc biệt là khi nó đang ở trong không khí chúng ta hít thở, nước chúng ta uống, thức ăn chúng ta ăn hàng ngày hoặc các vật liệu chúng ta sử dụng để làm việc thường xuyên. Các nhà khoa học đang nghiên cứu phơi nhiễm nào có thể gây ra hoặc đóng góp vào sự phát triển của bệnh ung thư. Cần tìm hiểu chất nào là có hại và những nơi chất đó thường được tìm thấy để có thể giúp mọi người tránh tiếp xúc.
Các chất được liệt kê dưới đây là một trong những chất gây ung thư có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhất. Một chất đã được xác định là chất gây ung thư, tuy nhiên, không có nghĩa là chất này nhất thiết sẽ gây ung thư. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc một người tiếp xúc với chất gây ung thư có phát triển thành ung thư hay không, bao gồm số lượng, thời gian tiếp xúc và di truyền của cá nhân. Sau đây là danh sách các chất mà bạn nên tránh tiếp xúc:
- Aflatoxin: Có trong lạc mốc, ngô, một số loại hạt có dầu, trong lúa gạo, khoai mì, sữa mốc và các thực phẩm chế biến từ nguyên liệu này như cơm, xôi, tương, rượu để lên men tự nhiên.
- Axit aristolochic: Có trong các cây thân gỗ thuộc chi mộc hương nam (aristolochia), được dùng làm thuốc ngừa ký sinh trùng và thúc đẩy quá trình chữa lành lúc sinh nở trong Đông y.
- Asen
- Amiăng
- Benzen
- Benzidine
- Beryllium
- 1,3-Butadiene
- Cadmium
- Than đá và nhựa than đá
- Khí thải than cốc
- Silica tinh thể
- Erionite
- Ethylene Oxide
- Formaldehyde
- Hexavalent Chromium Compounds
- Khí thải từ đốt than của hộ gia đình
- Dầu khoáng chưa xử lý
- Hợp chất Nickel
- Radon
- Khói thuốc lá
- Muội than
- Mùi axit vô cơ mạnh có chứa axit sulfuric
- Thori
- Vinyl clorua
- Bụi gỗ
Viêm mãn tính
Viêm là một phản ứng sinh lý bình thường xảy ra tại mô bị thương để chữa lành. Một quá trình viêm bắt đầu khi các mô bị hư hỏng sinh ra các chất trung gian. Đáp lại, các tế bào bạch cầu tạo ra các chất gây ra phân chia các tế bào và phát triển để tái tạo mô giúp sửa chữa thương tổn. Khi vết thương lành, quá trình viêm kết thúc.
Trong viêm mãn tính, quá trình viêm có thể bắt đầu ngay cả khi không có tổn thương và nó không kết thúc khi cần. Tình trạng viêm tiếp tục xảy ra thầm lặng kéo dài. Viêm mãn tính có thể do nhiễm trùng không mất đi, phản ứng miễn dịch bất thường với các mô bình thường hoặc các tình trạng như béo phì. Theo thời gian, tình trạng viêm mãn tính có thể gây tổn thương DNA và dẫn đến ung thư. Ví dụ, những người mắc bệnh viêm ruột mãn tính, chẳng hạn như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn có nguy cơ gia tăng ung thư đại tràng.
Nhiều nghiên cứu đã điều tra xem liệu thuốc chống viêm, chẳng hạn như aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid có làm giảm nguy cơ ung thư không. Tuy nhiên, một câu trả lời rõ ràng là chưa có bằng chứng cụ thể về điều này.
Chế độ ăn
Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều loại thực phẩm và các thành phần chế độ ăn uống có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư.
Nhiều nghiên cứu đã xem xét khả năng các thành phần hoặc chất dinh dưỡng cụ thể có liên quan đến tăng hoặc giảm nguy cơ mắc ung thư. Các nghiên cứu về tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm và trên mô hình động vật đôi khi cung cấp bằng chứng cho thấy một số hợp chất có thể gây ung thư (hoặc có hoạt tính chống ung thư).
Nhưng các nghiên cứu trên quần thể người vẫn chưa thể hiện rõ ràng rằng bất kỳ thành phần nào trong chế độ ăn uống gây ra hoặc bảo vệ chống lại ung thư. Đôi khi kết quả của các nghiên cứu dịch tễ so sánh khẩu phần ăn của những người mắc và không mắc ung thư đã chỉ ra rằng có sự khác nhau trong chế độ ăn uống cụ thể.
Tuy nhiên, những kết quả này chỉ cho thấy rằng thành phần trong chế độ ăn uống có liên quan đến sự thay đổi về nguy cơ ung thư, không phải là thành phần chế độ ăn uống là nguyên nhân hay là thay đổi rủi ro bị ung thư. Ví dụ, những người tham gia nghiên cứu mắc và không mắc ung thư có thể khác nhau nhiều yếu tố ngoài chế độ ăn uống và có thể do yếu tố đó liên quan tới ung thư.
Khi có bằng chứng xuất hiện từ một nghiên cứu dịch tễ rằng một thành phần trong chế độ ăn uống có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư, một thử nghiệm ngẫu nhiên có thể được thực hiện để kiểm tra khả năng này. Phân công ngẫu nhiên cho các nhóm có chế độ ăn uống đảm bảo rằng có sự khác biệt giữa lượng chất dinh dưỡng cao và thấp. (Vì lý do đạo đức, các nghiên cứu ngẫu nhiên thường không được thực hiện khi bằng chứng cho thấy một thành phần chế độ ăn uống có thể có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư)
Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều chất phụ gia, chất dinh dưỡng và các thành phần dinh dưỡng khác cho các mối liên quan đến nguy cơ ung thư. Bao gồm các chất sau đây:
Acrylamide
Acrylamide là một hóa chất được tìm thấy trong khói thuốc lá và một số loại thực phẩm. Nó có thể được sản xuất khi một số loại thực phẩm, chẳng hạn như khoai tây, được đun nóng ở nhiệt độ cao. Các nghiên cứu trên mô hình động vật đã phát hiện ra rằng tiếp xúc acrylamide làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng chứng minh rằng tiếp xúc acrylamide trong chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ của bất kỳ loại ung thư nào ở người.
Rượu
Mặc dù có ý kiến cho rằng rượu vang đỏ có thể làm giảm nguy cơ ung thư nhưng không có bằng chứng khoa học nào rõ ràng. Ngoài ra, rượu là một nguyên nhân gây ung thư. Tiêu thụ rượu nặng thường xuyên làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khoang miệng (trừ môi), vòm họng, thanh quản, thực quản, gan, vú, đại tràng và trực tràng. Nguy cơ phát triển ung thư tăng lên khi lượng rượu mà một người uống tăng lên.
Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là những hóa chất ngăn chặn hoạt động của các hóa chất khác được gọi là các gốc tự do có thể làm hư tổn các tế bào. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng các chất chống oxy hóa ngoại sinh có thể giúp ngăn ngừa các tổn thương gốc tự do liên quan đến sự phát triển của ung thư, nhưng nghiên cứu ở người đã không đủ thuyết phục để chứng minh rằng việc bổ sung chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ phát triển hoặc chết vì ung thư. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho thấy chúng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Chất tạo ngọt nhân tạo
Các nghiên cứu đã được tiến hành về sự an toàn của một số chất làm ngọt nhân tạo, bao gồm saccharin, aspartame, acesulfame kali, sucralose, neotame và cyclamate. Không có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh rằng chất tạo ngọt nhân tạo có sẵn trên thị trường ở Hoa Kỳ có liên quan đến nguy cơ ung thư ở người.
Canxi
Canxi là khoáng chất cần thiết có thể thu được từ thực phẩm hoặc chất bổ sung. Kết quả nghiên cứu tổng thể đã chứng minh mối quan hệ giữa hàm lượng canxi cao và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, nhưng kết quả nghiên cứu không phải lúc nào cũng nhất quán. Mối quan hệ giữa lượng canxi cao và giảm nguy cơ ung thư khác, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư buồng trứng vẫn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu cho thấy rằng lượng canxi cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Thịt nướng cháy
Một số hóa chất, được gọi là HCA và PAHs, hình thành khi thịt bao gồm thịt bò, thịt lợn, cá và gia cầm, được nấu ở nhiệt độ cao. Tiếp xúc với nồng độ HCA và PAHs cao có thể gây ung thư ở động vật; tuy nhiên, việc tiếp xúc có gây ung thư ở người không thì chưa có nghiên cứu rõ ràng.
Các loại rau họ cải
Các loại rau họ cải có chứa các hóa chất được gọi là glucosinolates, có khả năng phân hủy thành nhiều hợp chất đang được nghiên cứu có các tác dụng chống ung thư có thể xảy ra. Một số hợp chất này đã cho thấy tác dụng chống ung thư ở tế bào trên động vật, nhưng kết quả nghiên cứu với con người chưa rõ ràng.
Florua
Florua trong nước giúp ngăn ngừa quá trình sâu răng. Nhiều nghiên cứu, ở cả người và động vật, cho thấy không có mối liên quan giữa nước có fluoride và nguy cơ ung thư.
Tỏi
Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng tiêu thụ tỏi có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa. Tuy nhiên, bằng chứng chưa rõ ràng.
Trà
Trà có chứa các hợp chất polyphenol, đặc biệt là catechin, là chất chống oxy hóa. Kết quả của các nghiên cứu dịch tễ kiểm tra mối liên quan giữa tiêu thụ trà và nguy cơ ung thư đã không có kết luận rõ ràng. Rất ít thử nghiệm lâm sàng về tiêu thụ trà và phòng chống ung thư đã được tiến hành và kết quả vẫn còn đang bàn cãi.
Vitamin D
Vitamin D giúp cơ thể sử dụng canxi và phốt-pho để tạo xương và răng chắc khỏe. Vitamin D thu được chủ yếu thông qua tiếp xúc của da với ánh sáng mặt trời nhưng nó cũng có thể thu được từ một số loại thực phẩm và bổ sung qua chế độ ăn uống. Các nghiên cứu dịch tễ học ở người đã gợi ý rằng lượng vitamin D hoặc hàm lượng vitamin D cao hơn trong máu có thể có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, nhưng kết quả của các nghiên cứu ngẫu nhiên đã không ghi nhận như vậy.
Hormones
Estrogen, một nhóm các hormone nữ, được biết đến là có thể gây ung thư ở người. Mặc dù các kích thích tố này có vai trò sinh lý cần thiết ở cả phụ nữ và nam giới nhưng chúng cũng có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư nhất định. Ví dụ, dùng liệu pháp hormon kết hợp trong thời ký mãn kinh (estrogen cộng progestin, là sự tổng hợp của hormone progesterone ở nữ) có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú của phụ nữ. Liệu pháp hormon chỉ có estrogen làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và chỉ được sử dụng ở những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung.
Nếu bạn định sử dụng liệu pháp hormon mãn kinh bạn nên trao đổi về những rủi ro và lợi ích có thể xảy ra với bác sỹ.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ ung thư vú của phụ nữ có liên quan đến estrogen và progesterone do buồng trứng tạo ra (được gọi là estrogen nội sinh và progesterone). Tiếp xúc trong một thời gian dài và / hoặc đến nồng độ cao của các kích thích tố này có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú. Tăng tiếp xúc có thể gây ra bởi bắt đầu kinh nguyệt sớm, trải qua thời kỳ mãn kinh muộn, lần mang thai đầu tiên khi lớn tuổi và chưa bao giờ sinh con. Ngược lại, sinh con là yếu tố bảo vệ trước ung thư vú.
Diethylstilbestrol (DES) là một dạng estrogen đã được sử dụng cho một số phụ nữ mang thai ở Hoa Kỳ từ năm 1940 đến 1971 để ngăn ngừa sẩy thai, sinh non và các vấn đề liên quan đến thai kỳ. Phụ nữ dùng DES trong khi mang thai có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn. Con gái của họ cũng có nguy cơ bị ung thư âm đạo hoặc cổ tử cung. Những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với con trai và cháu của những phụ nữ đã dùng DES trong khi mang thai đang được nghiên cứu.
Ức chế miễn dịch
Những người nhận nội tạng cấy ghép dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch để cơ thể không loại bỏ cơ quan cấy ghép. Những loại thuốc ức chế miễn dịch này làm cho hệ thống miễn dịch giảm hoạt động, ít phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư hơn hoặc giảm chống lại các bệnh nhiễm trùng gây ung thư. Nhiễm HIV cũng làm suy giảm hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nhận tạng cấy ghép có nguy cơ gia tăng lượng lớn các bệnh ung thư khác nhau. Một số bệnh ung thư có thể do các tác nhân nhiễm trùng gây ra, một số khác thì không do nhiễm trùng. Bốn loại ung thư phổ biến nhất trong số những người nhận cấy ghép và xảy ra phổ biến hơn ở những người này so với mọi người nói chung là u lympho không Hodgkin (NHL), ung thư phổi, thận và gan. NHL có thể xảy ra do nhiễm vi-rút Epstein-Barr (EBV), ung thư gan có thể do nhiễm siêu vi viêm gan eB (HBV) và viêm gan C (HCV) mạn tính. Ung thư phổi và thận thường không được cho là có liên quan đến nhiễm trùng.
Những người bị nhiễm HIV/AIDS cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn do các tác nhân nhiễm trùng, bao gồm EBV; herpesvirus 8, hoặc virus liên quan đến Kaposi sarcoma; HBV và HCV gây ung thư gan; papilloma virus gây ra ung thư cổ tử cung, hậu môn, họng và các bệnh ung thư khác. Nhiễm HIV cũng có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư mà không do tác nhân nhiễm trùng gây ra, chẳng hạn như ung thư phổi.
Tác nhân truyền nhiễm
Một số tác nhân truyền nhiễm nhất định, bao gồm vi-rút, vi khuẩn và ký sinh trùng có thể gây ung thư hoặc tăng nguy cơ ung thư. Một số vi-rút có thể phá vỡ tín hiệu thông thường giữ tế bào tăng trưởng và tăng sinh trong mức kiểm soát. Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm cho cơ thể ít có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng gây ung thư khác. Một số loại virus, vi khuẩn và ký sinh trùng cũng gây viêm mãn tính, có thể dẫn đến ung thư.
Hầu hết các virus có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư có thể truyền từ người này sang người khác thông qua máu và/hoặc các chất dịch cơ thể khác. Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách tiêm chủng ngừa, quan hệ tình dục an toàn và không dùng chung kim tiêm.
Một số tác nhân truyền nhiễm có liên quan tới ung thư:
- Virus Epstein-Barr (EBV)
- Vi-rút Viêm gan B và Vi-rút Viêm gan C (HBV và HCV)
- Virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV)
- Human Papillomaviruses (HPVs)
- T-Leukemia / Lymphoma Virus Type 1 (HTLV-1)
- Kaposi Sarcoma-Associated Herpesvirus (KSHV)
- Merkel Cell Polyomavirus (MCPyV)
- Helicobacter pylori (H. pylori)
- Opisthorchis viverrini
- Schistosoma hematobium
Virus Epstein-Barr (EBV)
Mononucleosis là bệnh truyền nhiễm đôi khi được gọi là “mono” hoặc “bệnh của những nụ hôn” thường được gây ra bởi các Epstein-Barr (EBV). Epstein-Barr có mặt ở mọi nơi trên trái đất và trong cơ thể của 97% số người trưởng thành. Đường truyền chủ yếu của virus này là nước bọt, chẳng hạn như dùng chung bàn chải đánh răng hoặc ly nước hay nụ hôn nên các bệnh do nó gây ra được gọi là “bệnh của nụ hôn”. EBV là rất phổ biến và nhiều người đã tiếp xúc với virus này ngay khi còn bé. Nó cũng có thể lây lan qua quan hệ tình dục, truyền máu và cấy ghép nội tạng. Nhiễm trùng EBV có thể gặp suốt đời. Hơn 90% người trên toàn thế giới sẽ bị nhiễm EBV trong suốt cuộc đời của họ và hầu hết không phát triển bất kỳ triệu chứng nào. Do các triệu chứng bệnh không rõ ràng và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác nên bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn cảm thấy sốt, đau họng, hay mệt mỏi bất thường. Khi chẩn đoán, các bác sĩ phải làm xét nghiệm máu để xác định bệnh. Không có vắc-xin phòng ngừa nhiễm trùng EBV và không có cách điều trị cụ thể cho nhiễm EBV.
Vi-rút viêm gan B và viêm gan C (HBV và HCV)
Nhiễm trùng mạn tính với HBV hoặc HCV có thể gây ung thư gan. HBV thường được lây truyền qua máu hoặc các sản phẩm máu bị nhiễm hoặc do tiếp xúc tình dục và có trong nước bọt, tinh dịch và chất tiết âm đạo. Người mẹ có HBsAg dương tính có thể truyền HBV cho trẻ sơ sinh trong lúc đẻ; nguy cơ của nhiễm trùng mạn tính ở trẻ nhỏ cao tới 90%. Virus viêm gan B (HBV) có tỷ lệ cao ở những người đồng tính luyến ái và những người lạm dụng thuốc đường tĩnh mạch, nhưng hầu hết các trường hợp được ghi nhận ở Mỹ hiện nay là do lây truyền qua tình dục khác giới. Những nhóm có nguy cơ cao khác bao gồm những bệnh nhân và nhân viên ở các trung tâm lọc máu, các bác sĩ, nha sĩ, y tá và nhân viên ở các phòng xét nghiệm lâm sàng, mô bệnh học và các ngân hàng máu.
HCV chịu trách nhiệm hơn 90% các trường hợp viêm gan C có thể được qui cho là do truyền máu. Nguy cơ của nhiễm HCV do truyền máu hiện nay dưới 1/100.000 đơn vị truyền máu ở Mỹ. Ít nhất 50% các trường hợp có liên quan đến dùng thuốc đường tĩnh mạch. Nguy cơ của lây truyền qua đường tình dục và mẹ – trẻ sơ sinh là nhỏ và có thể chỉ giới hạn ở nhóm các bệnh nhân có mức RNA của HCV lưu hành cao. Sự lây truyền qua sữa mẹ chưa được ghi nhận.
Hiện nay trẻ em khi mới sinh ra được tiêm chủng ngay viêm gan B. Các chuyên gia khuyên rằng những người trưởng thành chưa được chủng ngừa HBV sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm HBV và nên được chủng ngừa càng sớm càng tốt. Chủng ngừa đặc biệt quan trọng đối với nhân viên y tế, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với máu người.
Mặc dù hiện tại không có vắc-xin chống lại HCV nhưng các liệu pháp mới có thể chữa trị cho những người bị nhiễm HCV. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có nguy cơ nhiễm HBV hoặc HCV, hãy trao đổi với bác sĩ. Bệnh này không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng nhưng các xét nghiệm có thể cho biết bạn có vi rút hay không. Nếu bạn chưa mắc và có lượng kháng thể trong cơ thể thấp, bạn nên chích ngừa viêm gan B. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bạn biết làm thế nào để tránh lây nhiễm cho người khác.
Virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV)
HIV là loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). HIV không gây ung thư, nhưng nhiễm HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm cho cơ thể ít có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng khác gây ung thư. Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là Kaposi sarcoma, u lympho (bao gồm cả u lympho không Hodgkin và bệnh Hodgkin), ung thư cổ tử cung, hậu môn ,phổi, gan và họng.
HIV có thể lây truyền qua đường máu và qua tiếp xúc tình dục. Những người đàn ông có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn với người đồng tính và những người dùng chung kim tiêm để tiêm chích ma túy có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất. Những người khác giới quan hệ tình dục không an toàn với nhiều đối tác có nguy cơ cao tiếp theo.
Mọi người có thể bị nhiễm HIV trong nhiều năm trước khi họ bắt đầu phát triển các triệu chứng. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có nguy cơ nhiễm HIV, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc tới trung tâm dự phòng. Nếu xét nghiệm dương tính, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn biết cách tránh lây nhiễm cho người khác và sử dụng thuốc điều trị.
Human Papillomaviruses (HPVs)
Nhiễm HPV có nguy cơ cao gây ra gần như tất cả các bệnh ung thư cổ tử cung. Chúng cũng gây ra hầu hết các bệnh ung thư hậu môn và nhiều bệnh ung thư miệng, âm đạo, âm hộ và dương vật. HPV có nguy cơ cao lây lan dễ dàng qua quan hệ tình dục trực tiếp, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng và hậu môn. Một số vắc-xin đã được phát triển để ngăn ngừa nhiễm các loại HPV gây ra hầu hết các loại ung thư liên quan đến HPV. Tại Hoa Kỳ, các chuyên gia khuyên rằng trẻ em nên được chủng ngừa ở tuổi 11 hoặc 12, nhưng trẻ em dưới 9 tuổi và người lớn từ 26 tuổi trở lên cũng có thể chủng ngừa. Phần lớn những người bị HPV không biết họ bị bệnh này và chưa có những triệu chứng hay vấn đề sức khỏe nào từ đó. Một số người biết họ nhiễm HPV khi bị mụn sinh dục. Phụ nữ có thể biết được mình bị nhiễm HPV khi có kết quá thử Pap bất thường (trong quá trình khám thăm dò ung thư cổ tử cung). Những người khác chỉ thấy sau khi họ bị những vấn đề nghiêm trọng hơn từ HPV, như ung thư.
Có thể sử dụng các thử nghiệm HPV để dò tìm ung thư cổ tử cung. Những thử nghiệm này được đề nghị chỉ để khám thăm dò ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Mặc dù nhiễm HPV không thể điều trị được nhưng những bất thường cổ tử cung mà những nhiễm trùng này có thể gây ra theo thời gian có thể được điều trị.
Human T-Cell Leukemia/Lymphoma Virus Type 1 (HTLV-1)
HTLV-1 có thể gây ra một loại ung thư hạch không Hodgkin được gọi là ung thư bạch cầu lympho T ở người lớn (ATLL). Siêu vi này lây lan qua máu (bằng cách dùng chung kim tiêm hoặc qua truyền máu), qua quan hệ tình dục và từ mẹ sang con hoặc qua cho con bú. Nhiễm vi-rút này phổ biến ở Nhật Bản, Châu Phi, Caribê và Nam Mỹ. Siêu vi trùng này gây nhiễm trùng các tế bào bạch cầu (tế bào T) và có khả năng dẫn đến bệnh ung thư bạch cầu – theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin về các bệnh di truyền và bệnh hiếm – GARD, Mỹ. Ngoài ra, HTLV-1 còn có thể gây bệnh cho hệ thống thần kinh, dẫn đến liệt chi dưới. Tuy nhiên, HTLV-1 không dễ lây nhiễm như HIV, và chỉ một tỷ lệ nhỏ (2% – 6%) người mang trong mình vi-rút HTLV-1 sẽ phát triển thành bệnh, theo bác sĩ William Schaffner – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Vanderbilt, Nashville, Tennessee, Mỹ. Điều này có nghĩa là, phần lớn trong số 20 triệu người trên toàn thế giới nhiễm HTLV-1 không trải qua bất kỳ triệu chứng gì trong suốt cuộc đời của họ. (Sự lây nhiễm HTLV-1 chỉ tập trung ở vài khu vực trên thế giới và những nơi ngoài khu vực đó gần như không bị ảnh hưởng, tỷ lệ nhiễm HTLV-1 chỉ là 0,02%).
Xét nghiệm máu thường dùng để kiểm tra HTLV-1. Không có chủng ngừa để ngăn ngừa nhiễm vi-rút này và không có điều trị cụ thể nếu bạn bị nhiễm bệnh. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có nguy cơ nhiễm HTLV-1, hãy trao đổi với bác sĩ về việc xét nghiệm. Nếu xét nghiệm dương tính, bác sĩ có thể cho bạn biết cách tránh lây nhiễm cho người khác và theo dõi về bệnh HTLV-1.
Kaposi Sarcoma-Associated Herpesvirus (KSHV)
Kaposi Sarcoma-Associated Herpesvirus (KSHV) còn được gọi là herpesvirus-8 (HHV-8), có thể gây Kaposi sarcoma. KSHV cũng có thể gây ra u lympho và bệnh Castleman (tăng sản hạch bạch huyết).
KSHV thường lây lan qua nước bọt. Nó cũng có thể lây lan qua cấy ghép nội tạng hoặc ghép tủy xương và có một số bằng chứng cho thấy nó có thể lây lan qua truyền máu, mặc dù nguy cơ này được giảm thiểu bằng cách loại bỏ các tế bào bạch cầu.
Nhiễm trùng KSHV thường chỉ giới hạn ở một số quần thể nhất định và cách thức KSHV lây lan khác nhau giữa các quần thể này. Ở vùng cận Sahara châu Phi và một số vùng miền Trung và Nam Mỹ, nơi nhiễm KSHV tương đối phổ biến, người ta tin rằng nó lây lan qua tiếp xúc với nước bọt giữa các thành viên trong gia đình. Ở các nước Địa Trung Hải (Ý, Hy Lạp, Israel, Ả Rập Xê Út), nơi nhiễm KSHV có mặt ở mức độ trung gian, nó được cho là lây lan qua tiếp xúc giữa trẻ em và người lớn qua đường chưa được xác định. Cuối cùng, ở những khu vực mà nhiễm KSHV không phổ biến, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Bắc Âu, nó dường như chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là ở nam giới có quan hệ tình dục với người cùng giới.
Hầu hết những người bị nhiễm KSHV không phát triển ung thư hoặc biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, mặc dù những người bị nhiễm HIV hoặc bị ức chế miễn dịch vì các lý do khác có nhiều khả năng phát triển các bệnh do KSHV gây ra. Không có vắc-xin chủng ngừa để ngăn ngừa nhiễm KSHV và không có liệu pháp điều trị nhiễm trùng. Những người đàn ông có quan hệ tình dục với người cùng giới có thể được khuyên nên tránh quan hệ bằng đường miệng-hậu môn (kể cả sử dụng nước bọt như một chất bôi trơn). Những người bị nhiễm HIV có thể giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến KSHV bằng cách sử dụng liệu pháp kháng virus.
Merkel Cell Polyomavirus (MCPyV)
MCPyV có thể gây ung thư biểu mô tế bào Merkel, một loại ung thư da hiếm gặp. Hầu hết người lớn bị nhiễm MCPyV, với khả năng lây nhiễm nhiều nhất có thể xảy ra thông qua các tiếp xúc da trực tiếp thông thường (tức là da kề da) hoặc gián tiếp (ví dụ, chạm vào một bề mặt mà một người nhiễm bệnh đã chạm vào). Nguy cơ ung thư biểu mô tế bào Merkel tăng lên rất nhiều ở người cao tuổi và ở những người trẻ tuổi bị nhiễm HIV hoặc bị ức chế miễn dịch vì những lý do khác. Nhiễm trùng thường không gây ra triệu chứng và không có phương pháp điều trị cho MCPyV.
Helicobacter pylori (H. pylori)
H.pylori là một loại vi khuẩn có thể gây ung thư dạ dày và một loại ung thư hạch trong niêm mạc dạ dày, u lympho MALT dạ dày. Nó cũng có thể gây loét dạ dày. Vi khuẩn này được cho là lây lan qua việc sử dụng thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, dùng chung bát đũa ly tách trong gia đình hay ăn tiệc. CDC ước tính khoảng 2/3 dân số thế giới mắc H. pylori, tỷ lệ nhiễm cao hơn nhiều ở các nước đang phát triển so với các nước phát triển.
Không phải ai mắc vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày. Bởi theo nghiên cứu của Bệnh viện K trung ương, có 200 loại HP khác nhau, chỉ 1 số loại mang gen CagA có độc lực cao mới làm tăng nguy cơ ung thư. Khi mắc vi khuẩn HP, bệnh nhân có thể làm xét nghiệm vi khuẩn HP thuộc nhóm có độc lực mang gen CagA hay không. Trên thực tế, có đến 80% người trên 50 tuổi có mang vi khuẩn HP nhưng không phải ai cũng ung thư. Nếu vi khuẩn HP làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng (đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói…) thì việc điều trị vô cùng quan trọng nhằm làm giảm nguy hại mà nó mang lại.
Nếu bạn có vấn đề về dạ dày, hãy đi khám bác sĩ. Nhiễm trùng H. pylori có thể được phát hiện và điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Opisthorchis viverrini
Đây là loài giun tròn ký sinh (fluke), được tìm thấy ở Đông Nam Á, có thể gây ung thư đường mật (ung thư ống dẫn mật trong gan). Có thể bị nhiễm bệnh khi ăn cá nước ngọt sống hoặc chưa nấu chín có chứa ấu trùng. Thuốc chống ký sinh trùng được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do ký sinh trùng này gây ra.
Schistosoma hematobium
Đây là loài giun tròn ký sinh (fluke), sống trong một số loại ốc nước ngọt được tìm thấy ở châu Phi và Trung Đông, có thể gây ung thư bàng quang. Người bị nhiễm bệnh khi ấu trùng giun sán bơi tự do lây nhiễm vào da đã tiếp xúc với nước ngọt bị ô nhiễm. Thuốc chống ký sinh trùng được sử dụng để điều trị trong trường hợp này.
Béo phì
Những người béo phì có thể có nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư vú (ở phụ nữ mãn kinh), đại tràng, trực tràng, nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung), thực quản, thận, tuyến tụy và túi mật.
Tại Việt Nam, tỉ lệ béo phì năm 2016 ở mức 2,4% đối với nhóm người 5-19 tuổi và 2,1% với người trưởng thành (trên 18 tuổi). Như vậy, không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng có nguy cơ thừa cân, béo phì, đặc biệt là trẻ em ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Cách đơn giản nhất để phòng ngừa ung thư là duy trì cân nặng hợp lý; hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa; hạn chế ăn đường và muối; tăng cường ăn rau và trái cây. Đồng thời, cần thường xuyên hoạt động thể lực, trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Những thói quen lành mạnh này cũng rất quan trọng để giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường typ 2 và huyết áp cao. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần… Bên cạnh đó, cần tầm soát ung thư định kỳ nhằm phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư, khối u để điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng. Với riêng người béo phì, việc tầm soát ung thư lại càng cần thiết và cần được thực hiện thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
Sự bức xạ
Bức xạ của các bước sóng nhất định được gọi là bức xạ ion hóa, chúng có đủ năng lượng để phá hủy DNA và gây ung thư. Bức xạ ion hóa bao gồm radon, tia X, tia gamma và các dạng bức xạ năng lượng cao khác. Các dạng bức xạ năng lượng thấp, không ion hóa, chẳng hạn như ánh sáng nhìn thấy được và năng lượng từ điện thoại di động và các trường điện từ, không làm tổn thương DNA và không được cho là nguyên nhân gây ung thư.
Radon
Radon là một loại khí phóng xạ, radon được hình thành khi nguyên tố radium phóng xạ bị phá vỡ. Radium lần lượt được hình thành khi các nguyên tố phóng xạ uranium và thorium bị phá vỡ. Những người tiếp xúc với mức radon cao có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn.
Nếu bạn sống trong một khu vực có hàm lượng radon cao trong đá và đất, bạn nên kiểm tra lượng radon trong nhà. Kiểm tra radon tại nhà dễ thực hiện và không tốn nhiều chi phí. Hầu hết các cửa hàng hóa chất có bán bộ dụng cụ thử nghiệm. Có nhiều cách để giảm lượng radon trong nhà ở mức an toàn. Cần khảo sát, chọn địa điểm xây dựng trên nền địa chất có cường độ phóng xạ thấp. Chọn mẫu nhà có kiến trúc thông thoáng. Chọn vật liệu xây dựng nhà sạch về mặt phóng xạ. Ở những ngôi nhà đã xây dựng có nồng độ radon cao trên mức giới hạn, để giảm nồng độ radon, cần thường xuyên mở cửa, quạt thông gió, hút bụi thường xuyên. Tránh ở lâu trong hầm kín, trong trường hợp bất khả kháng hầm phải có thông gió. Khi ra nắng nên bôi kem chống nắng, đi đường nên đeo khẩu trang. Không nên ở bãi biển có cát đen quá lâu…
Tia X và các nguồn bức xạ khác
Bức xạ năng lượng cao, chẳng hạn như tia X, tia gamma, hạt alpha, hạt beta và neutron, có thể làm tổn thương DNA và gây ung thư. Các dạng bức xạ này có thể được giải phóng trong các tai nạn tại các nhà máy điện hạt nhân và khi vũ khí nguyên tử được chế tạo, thử nghiệm hoặc sử dụng.
Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X quang ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và xạ trị cũng có thể gây tổn thương tế bào. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư từ phương pháp chẩn đoán hình ảnh là rất nhỏ và lợi ích từ các phương pháp này lớn hơn nhiều rủi ro.
Trao đổi với bác sĩ của bạn nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có nguy cơ bị ung thư bởi vì bạn đã tiếp xúc với bức xạ. Những người chụp CT nên trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của nó. Bệnh nhân ung thư cần trao đổi với bác sĩ điều trị của mình về xạ trị có thể làm tăng nguy cơ ung thư thứ phát sau này.
Ánh sáng mặt trời
Ánh nắng mặt trời phát ra tia cực tím (UV). Tia UV có 3 loại: A, B, C. Tia UVA có bước sóng từ 315 đến 380 nm, có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. UVB có bước sóng từ 280 đến 315 nm, gây say nắng, tổn thương, đen da. UVC bước sóng từ 100 nm đến 280 nm, có thể gây ung thư da. UV tồn tại ở mọi thời điểm trong ngày từ sáng, chiều, tối, kể cả khi trời nắng hay có mây, mưa. Tiếp xúc với bức xạ tia cực tím gây ra lão hóa sớm trên da và tổn thương da có thể dẫn đến ung thư da.
Mọi người ở mọi lứa tuổi nên hạn chế lượng thời gian tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là giữa trưa và chiều, hạn chế tắm nắng trong thời gian này. Điều quan trọng cần lưu ý là bức xạ tia cực tím được phản xạ bởi cát, nước, tuyết và băng, có thể đi qua kính và cửa sổ. Mặc dù ung thư da phổ biến hơn ở những người có tông da sáng, nhưng mọi người trong tất cả các tông màu da đều có thể bị ung thư da, kể cả những người có làn da đen.
Bác sĩ khuyên mọi người nên hạn chế để da trần ra đường vào khoảng thời gian từ 10h đến 16h. Nếu có việc phải ra khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h nên cân nhắc lựa chọn những biện pháp bảo vệ sau:
- Đội nón rộng vành, chiều rộng vành hơn 2,5 cm, che phủ 2/3 khuôn mặt.
- Sử dụng ô (dù), đeo mắt kính màu sậm hoặc đen, bịt kín khẩu trang. Khẩu trang phải phủ kín mặt, chỉ chừa 2 mắt kính, nên sử dụng loại vải dày, dệt chéo, màu đen, sậm sẽ có tác dụng chống nắng 90%, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%. Không nên chỉ dùng khẩu trang y tế bởi loại này rất mỏng chỉ có tác dụng cản bụi, không giúp chống nắng.
- Nếu có thể, hãy tranh thủ tránh nắng trong bóng râm, cây trên đường có bóng mát.
- Sử dụng kem có SPF chống tia UVB và có dấu “*” hoặc “+” chống tia UVA. Cần lựa chọn kem chống nắng có cả 2 đặc tính trên để có thể chống cả tia UVA và B. Lưu ý: Chỉ số SPF càng cao, hiệu quả bảo vệ càng lâu nhưng nếu quá cao sẽ gây kích ứng da. Do vậy, chỉ số này khoảng 30 là được. Lưu ý một số tác dụng phụ của kem chống nắng có thể gây kích ứng da, thoa quá kỹ và dày có thể khiến da không hấp thụ được vitamin D.
- Nên thoa kem chống nắng từ 15 đến 20 phút trước khi đi ra ngoài. Kem chỉ có tác dụng trong vòng 2 đến 3 giờ, sau đó cần rửa mặt và thoa lại kem mới để có tác dụng bảo vệ tốt, nếu không càng dễ bắt nắng. Đối với những người làm việc tại môi trường biển, ẩm ướt hay ra nhiều mồ hôi cứ sau 60 đến 90 phút nên thoa lại kem một lần, tốt nhất nên sử dụng kem chống nắng chống thấm nước. Phụ nữ mang thai và trẻ em cần hết sức cẩn trọng khi dùng kem chống nắng, nên hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại nào phù hợp.
- Nếu có điều kiện nên uống viên chống nắng có tác dụng bảo vệ từ bên trong với thời gian lâu hơn. Uống trước khi đi nắng khoảng 30 phút đến một tiếng đồng hồ, lặp lại sau mỗi 6 tiếng. Thường dùng vào buổi sáng hoặc trưa.
Thuốc lá
Việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và tử vong do ung thư. Những người sử dụng các sản phẩm thuốc lá hoặc những người thường xuyên phải chịu khói thuốc lá trong môi trường (còn gọi là hít thuốc lá thụ động) có nguy cơ bị ung thư cao hơn vì các sản phẩm thuốc lá và khói thuốc có nhiều hóa chất gây hại cho DNA. Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,8 triệu người mắc mới ung thư phổi, 1,6 triệu người tử vong.
Việc sử dụng thuốc lá gây ra nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, thanh quản, miệng, thực quản, vòm họng, bàng quang, thận, gan, dạ dày, tụy, đại tràng, trực tràng, cổ tử cung. Những người sử dụng thuốc lá không khói (hít hoặc nhai thuốc lá) cũng làm tăng nguy cơ ung thư miệng, thực quản và tuyến tụy. Không chỉ người hút bị nguy hiểm mà người hút thuốc thụ động cũng bị ảnh hưởng không kém. Hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra.
Theo cơ chế, khi hít khói thuốc, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi qua khí quản để vào phổi. Khi khói thuốc đi vào qua miệng, người hút thuốc bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi. Người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp kém hơn do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá hủy. Khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy bị nhiễm các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.
Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn. 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là ở người hút thuốc lá.
Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tùy theo loại tế bào ung thư. Không có mức độ sử dụng thuốc lá an toàn. Những người sử dụng bất kỳ loại sản phẩm thuốc lá nào được khuyến khích nên bỏ thuốc lá. Những người bỏ thuốc lá, bất kể ở độ tuổi nào, có những lợi ích đáng kể trong tuổi thọ so với những người tiếp tục hút thuốc. Ngoài ra, bỏ hút thuốc vào thời điểm chẩn đoán ung thư cũng làm giảm nguy cơ tử vong.