Mục lục
- Tăng huyết áp vô căn là gì
- Các yếu tố nguy cơ liên quan tới tăng huyết áp vô căn
- Triệu chứng của tăng huyết áp vô căn là gì?
- Làm thế nào để biết mình có bị tăng huyết áp hay không
- Chẩn đoán tăng huyết áp vô căn như thế nào?
- Điều trị tăng huyết áp vô căn như thế nào
- Các biến chứng liên quan tới tăng huyết áp vô căn là gì?
- Chiến lược điều trị lâu dài
Tăng huyết áp vô căn là gì
Tăng huyết áp vô căn là huyết áp tăng cao mà không có một nguyên nhân cụ thể. Hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát.
Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành mạch trong quá trình tim bơm máu đi khắp cơ thể. Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực này tăng cao hơn bình thường.
Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều là tăng huyết áp vô căn. Còn một dạng tăng huyết áp khác là tăng huyết áp thứ phát, tăng huyết áp thứ phải là huyết áp tăng do một bệnh lý cụ thể ví dụ như bệnh thận.
Các yếu tố nguy cơ liên quan tới tăng huyết áp vô căn
Các yếu tố di truyền cũng có thể liên quan tới tăng huyết áp vô căn. Ngoài ra các yếu tố sau cũng là nguyên nhân gây tăng nguy cơ phát triển tăng huyết áp vô căn:
- Chế độ ăn
- Căng thẳng
- Lười vận động
- Thừa cân hoặc béo phì
Triệu chứng của tăng huyết áp vô căn là gì?
Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp vô căn sẽ không biểu hiện triệu chứng gì. Thông thường mọi người phát hiện ra mình bị tăng huyết áp khi đi khám sức khỏe định kỳ. Tăng huyết áp vô căn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường là ở tuổi trung niên.
Làm thế nào để biết mình có bị tăng huyết áp hay không
Kiểm tra huyết áp là các tốt nhất để sàng lọc và xác định xem bạn có bị tăng huyết áp hay không. Bạn phải học cách đo huyết áp và hiểu được các chỉ số huyết áp của mình.
Chỉ số huyết áp được thể hiện bằng hai con số, thường được viết theo cách sau: 120/80 mmHg. Số đầu tiên chính là huyết áp tâm thu của bạn, là áp lực mà máu tác động lên thành động mạch khi tim co bóp bơm máu đi khắp cơ thể. Số thứ hai là huyết áp tâm trương, là áp lực tác động lên thành mạch khi tim nghỉ ngơi giữa các nhịp.
Các chỉ số huyết áp của bạn có thể dao động lên hoặc xuống trong cả ngày. Huyết áp thay đổi khi bạn tập thể dục, khi nghỉ ngơi, khi bạn phải chịu một cơn đau nào đó hoặc ngay cả khi bạn bị căng thẳng, tức giận. Thỉnh thoảng huyết áp tăng cao không có nghĩa là bạn bị tăng huyết áp, tăng huyết áp được chẩn đoán khi huyết áp của bạn tăng trong nhiều lần đo khác nhau và trong một khoảng thời gian nhất định.
Huyết áp bình thường và huyết áp bất thường
Bình thường huyết áp của bạn dao động quanh 120/80 mmHg.
Huyết áp tăng tức là huyết áp tăng cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán tăng huyết áp. Huyết áp tăng là:
– Huyết áp tâm thu từ 120 đến 129 mmHg
– Huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg
Tăng huyết áp độ 1 là:
– Huyết áp tâm thu từ 130 đến 139 mmHg, hoặc
– Huyết áp tâm trương từ trên 80 đến 89 mmHg
Tăng huyết áp độ 2 là:
– Huyết áp tâm thu cao hơn 140 mmHg, hoặc
– Huyết áp tâm trương cao hơn 90 mmHg
Chẩn đoán tăng huyết áp vô căn như thế nào?
Bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp của bạn bằng cách đo huyết áp. Nếu huyết áp của bạn cao thì có thể bạn sẽ phải kiểm tra huyết áp tại nhà trong một khoảng thời gian liên tục. Trong quá trình theo dõi huyết áp tại nhà, bạn nên ghi lại các chỉ số huyết áp của mình vào một quyển sổ theo dõi. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tăng huyết áp của bạn dựa vào các kết quả thu được. Mức độ tăng huyết áp sẽ được xác định dựa vào chỉ số huyết áp trung bình trong các thời điểm khác nhau.
Ngoài ra bác sĩ có thể thực hiện khám sức khỏe để đánh giá những ảnh hưởng của tăng huyết áp tới sức khỏe của bạn. Ví dụ như soi đáy mắt, nghe tim, phổi. Những tổn thương mạch máu nhỏ ở trong đáy mắt của bạn thể hiện ảnh hưởng của tăng huyết áp tới cơ thể. Tổn thương ở đáy mắt cho thấy những tổn thương tương đương ở các cơ quan khác.
Ngoài ra còn một số xét nghiệm cận lâm sàng để phát hiện các vấn đề về tim, thận do tăng huyết áp gây nên:
- Xét nghiệm Cholesterol: hay còn gọi là chỉ số lipid, để đánh giá nồng độ Cholesterol trong máu của bạn
- Siêu âm tim: Đánh giá chức năng tim
- Điện tâm đồ: Đánh giá hoạt động điện thế của tim
- Chức năng thận và các xét nghiệm chức năng của các cơ quan khác: có thể bao gồm xét nghiệm nước tiểu, siêu âm…
Điều trị tăng huyết áp vô căn như thế nào
Có nhiều phương pháp để điều trị tăng huyết áp vô căn
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là vấn đề đầu tiên và tiên quyết trong điều trị tăng huyết áp vô căn. Thay đổi lối sống bao gồm:
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Giảm cân nếu bạn thừa cân
- Bỏ hút thuốc
- Hạn chế uống rượu, không quá một ly mỗi ngày với phụ nữ và hai ly với đàn ông
- Hạn chế căng thẳng
- Chế độ ăn giàu kali, chất xơ và ít natri
Nếu bạn có bệnh thận thì đừng tăng lượng kali nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Sử dụng thuốc
Nếu thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát huyết áp thì bạn nên tới bác sĩ để được tư vấn điều trị bằng thuốc hạ huyết áp. Các loại thuốc điều trị huyết áp phổ biến bao gồm
- Thuốc chẹn beta: Metoprolol (Lopressor)
- Thuốc chẹn kênh calci: Amlodipin
- Thuốc lợi tiểu: Hydrochlorothiazide / HCTZ (Microzide)
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): Catopril
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARBs): Losartan
- Chất ức chế renin: Aliskiren (Tekturna)
Các biến chứng liên quan tới tăng huyết áp vô căn là gì?
Huyết áp của bạn càng cao, tim của bạn càng phải làm việc nhiều hơn. Huyết áp tăng sẽ dẫn tới tăng áp lực tới các mô và cơ quan từ đó sẽ dẫn tới tổn thương các cơ quan, mạch máu và cơ tim của bạn. Cuối cùng lưu lượng máu tới tim giảm, dẫn đến:
- Suy tim
- Đau tim
- Xơ vữa động mạch do tích tụ cholesterol
- Đột quỵ
- Tổn thương mắt
- Tổn thương thận
- Tổn thương thần kinh
Chiến lược điều trị lâu dài
Để kiểm soát được huyết áp của mình, bạn có thể sẽ phải thử nhiều loại thuốc hạ huyết áp khác nhau cho tới khi tìm thấy một loại thuốc hoặc kết hợp các loại thuốc khác nhau có hiệu quả hạ huyết áp của bạn. Đi kèm với đó là chiến lược thay đổi lối sống và đa số các trường hợp phải sử dụng thuốc hạ huyết áp suốt đời.
Một số người lại tích cực thay đổi lối sống để hạ huyết áp, hạn chế việc sử dụng thuốc. Nhìn chung với việc có một lối sống lành mạnh và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ thì huyết áp của bạn sẽ được kiểm soát. Kiểm soát được huyết áp thì các nguy cơ đau tim, đột quỵ, suy tim cũng sẽ giảm xuống. Kể cả các nguy cơ tổn thương mắt, thận và các cơ quan cũng sẽ giảm xuống trong quá trình điều trị.