Ung thư

Sàng lọc ung thư là gì? Có giúp phát hiện ung thư sớm không?

Sàng lọc ung thư hay tầm soát ung thư là cách bác sỹ kiểm tra một số loại ung thư trong cơ thể ở những người không có triệu chứng. Sàng lọc ung thư có thể tiến hành ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe mạnh. Mục đích của việc sàng lọc là phát hiện ra ung thư sớm nhất có thể, trước khi xuất hiện triệu chứng.

Sàng lọc có thể giúp các bác sĩ phát hiện sớm ung thư và lên kế hoạch điều trị, trước khi chúng gây ra các triệu chứng. Phát hiện sớm là rất quan trọng vì thời điểm phát hiện các mô bất thường hoặc ung thư càng sớm càng có thể điều trị tốt hơn. Vào thời điểm các triệu chứng xuất hiện, ung thư có thể đã bắt đầu lan rộng và khó điều trị hơn nhiều so với bạn tưởng tượng.

Một số xét nghiệm sàng lọc đã được chứng minh là phát hiện sớm ung thư và giảm nguy cơ tử vong do ung thư. Các xét nghiệm này sẽ được trình bày trong phần tiếp theo của bài viết. Nhưng bạn cũng nên biết rằng các xét nghiệm sàng lọc ngoài lợi ích ra thì còn có thể có những tác hại tiềm ẩn:

  • Một số xét nghiệm sàng lọc có thể gây chảy máu hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
  • Các xét nghiệm sàng lọc có thể có kết quả dương tính giả, đó là xét nghiệm cho thấy có ung thư nhưng thực tế không phải vậy. Kết quả xét nghiệm dương tính giả có thể gây lo lắng, bất an cho người bệnh và sẽ có hàng loạt xét nghiệm không cần thiết sau đó để kiểm tra lại mà có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
  • Các xét nghiệm sàng lọc có thể có kết quả âm tính giả. Đó là xét nghiệm cho thấy không xuất hiện ung thư mặc dù trên thực tế là có. Kết quả xét nghiệm âm tính giả có thể làm bệnh nhân an tâm, dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và người bệnh thậm chí sẽ chủ quan không đi khám ngay cả khi xuất hiện một số triệu chứng bất thường.
  • Sàng lọc có thể dẫn đến chẩn đoán quá mức, xét nghiệm sàng lọc chính xác cho thấy một người bị ung thư, nhưng ung thư phát triển chậm và sẽ không gây hại cho người đó trong quãng đời còn lại, ví dụ khi người đó đã trên 80 tuổi. Điều trị ung thư như vậy được gọi là điều trị quá mức.

Do đó, hãy thảo luận với bác sĩ cân nhắc về lợi ích và nhược điểm của các biện pháp sàng lọc ung thư trước khi quyết định thực hiện.

Mục lục

Tổng quan về tầm soát ung thư

sàng lọc ung thư

Tầm soát ung thư là gì?

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH:

  • Sàng lọc ung thư là tìm kiếm ung thư trước khi có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện.
  • Có nhiều loại xét nghiệm sàng lọc khác nhau.
  • Xét nghiệm sàng lọc có rủi ro:
    • Một số xét nghiệm sàng lọc có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng.
    • Kết quả xét nghiệm có thể là dương tính giả
    • Kết quả xét nghiệm có thể là âm tính giả
  • Phát hiện ung thư sớm có thể không cải thiện sức khỏe của người đó hoặc không giúp người đó sống lâu hơn.

1. Sàng lọc ung thư là tìm kiếm ung thư trước khi có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện

Xét nghiệm sàng lọc có thể giúp phát hiện ra ung thư ở giai đoạn đầu trước khi các triệu chứng xuất hiện. Khi mô bất thường hoặc ung thư được phát hiện sớm có thể dễ dàng điều trị hoặc chữa khỏi hơn. Vào thời điểm các triệu chứng xuất hiện, ung thư có thể đã phát triển và lan rộng sang các cơ quan khác. Điều này có thể làm cho ung thư rất khó điều trị hoặc chữa khỏi.

Điều quan trọng cần nhớ là khi bác sĩ đề nghị kiểm tra sàng lọc, điều đó không có nghĩa là bạn bị ung thư. Xét nghiệm sàng lọc được thực hiện khi bạn không có triệu chứng ung thư.

2. Có nhiều loại xét nghiệm sàng lọc khác nhau

Các xét nghiệm sàng lọc bao gồm:

  • Khám và hỏi bệnh về tiền sử thể chất: Thường được biết tới là kiểm tra sức khỏe tổng quát, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu bệnh tật, chẳng hạn như cục u hoặc bất cứ điều gì khác bất thường trên cơ thể. Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh tật trong quá khứ, các thói quen với sức khỏe của bệnh nhân và phương pháp điều trị trong quá khứ.
  • Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm: Bao gồm các xét nghiệm kiểm tra các mẫu mô (FNA), máu, nước tiểu hoặc các chất khác trong cơ thể.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bao gồm các phương pháp chụp X-quang, CT-scanner, MRI…
  • Xét nghiệm di truyền: Các xét nghiệm tìm kiếm một số đột biến gen (thay đổi) có liên quan đến một số loại ung thư.

3. Xét nghiệm sàng lọc có rủi ro

Không phải tất cả các xét nghiệm sàng lọc đều hữu ích và hầu hết đều có rủi ro. Điều quan trọng là phải biết những rủi ro của xét nghiệm và cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, liệu phương pháp đó có phù hợp không? Có giảm nguy cơ tử vong do ung thư nếu phát hiện sớm không?

  • Một số xét nghiệm sàng lọc có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng

Một số thủ tục sàng lọc có thể gây chảy máu hoặc các vấn đề khác. Ví dụ, sàng lọc ung thư đại tràng bằng soi đại tràng hoặc nội soi đại tràng có thể gây rách niêm mạc đại tràng và chảy máu.

  • Kết quả xét nghiệm có thể là dương tính giả

Kết quả xét nghiệm sàng lọc có thể có vẻ bất thường mặc dù không có ung thư. Một kết quả xét nghiệm dương tính giả có thể gây ra sự lo lắng quá mức cho người bệnh. Chắc chắn một người đang bình thường khỏe mạnh mà nhận được tin xét nghiệm sàng lọc ung thư dương tính sẽ rất suy sụp và sau đó là hàng loạt các xét nghiệm không cần thiết và có thể mang lại rủi ro cho người bệnh.

  • Kết quả xét nghiệm có thể là âm tính giả

Kết quả xét nghiệm sàng lọc có thể bình thường mặc dù trên thực tế có ung thư. Các xét nghiệm đều có độ đặc hiệu và độ nhạy, và đương nhiên, không có xét nghiệm nào đảm bảo độ đặc hiệu và độ nhạy là 100%.  Một người nhận được kết quả xét nghiệm âm tính giả trong khi thực sự có ung thư, điều này có thể làm người bệnh an tâm chủ quan không đi khám ngay cả khi đã xuất hiện các triệu chứng của ung thư.

4. Phát hiện ung thư có thể không cải thiện sức khỏe hoặc không thể kéo dài cuộc sống

Một số bệnh ung thư không gây ra các triệu chứng hoặc đe dọa tính mạng, nhưng nếu được tìm thấy bằng xét nghiệm sàng lọc, ung thư đó có thể được điều trị. Không có cách nào để biết nếu điều trị ung thư đó sẽ giúp người bệnh sống lâu hơn không điều trị hay không. Ở cả thanh thiếu niên và người trưởng thành, mọi người có nguy cơ gia tăng tự tử trong năm đầu tiên sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Ngoài ra, phương pháp điều trị ung thư cũng có nhiều tác dụng phụ. Ví dụ, trong ung thư tuyến tiền liệt, nếu bệnh không lan rộng ra bộ phận khác ngoài tuyến tiền liệt, giám sát chủ động là sự lựa chọn tốt nhất. Điều này có nghĩa là ung thư được theo dõi chủ động bằng các xét nghiệm nhưng không điều trị ngay. Thường thì ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm và không lây lan nên điều trị là không cần thiết. Có nghĩa là bạn tránh được những phản ứng phụ của điều trị ung thư. Nếu các xét nghiệm cho thấy ung thư đang phát triển, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các khối u, tiến hành xạ trị để kiểm soát và ngăn sự tiến triển của bệnh.

Đối với một số bệnh ung thư, việc phát hiện và điều trị ung thư sớm không cải thiện cơ hội chữa khỏi hoặc giúp người bệnh sống lâu hơn.

Mục tiêu của các xét nghiệm sàng lọc

1. Xét nghiệm sàng lọc có nhiều mục đích

Một xét nghiệm sàng lọc hoạt động theo nhiều cách và có những lợi ích sau:

  • Tìm ung thư trước khi các triệu chứng xuất hiện.
  • Sàng lọc ung thư để điều trị sớm và hiệu quả điều trị tốt hơn, thậm chí khỏi bệnh khi được phát hiện sớm.
  • Có ít khả năng kết quả xét nghiệm cho giá trị âm tính giả dương tính giả.
  • Giảm khả năng tử vong do ung thư.

2. Xét nghiệm sàng lọc không có nghĩa là để chẩn đoán ung thư

Xét nghiệm sàng lọc thường không để chẩn đoán xác định ung thư. Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc là bất thường, nhiều xét nghiệm có thể được thực hiện để kiểm tra xem bệnh nhân có chắc chắn mắc ung thư không. Ví dụ, chụp nhũ ảnh có thể tìm thấy một khối u ở vú. Một khối u có thể là lành tính hoặc ác tính. Nhiều xét nghiệm cần phải được thực hiện để tìm hiểu xem khối u có phải là ung thư hay không. Chúng được gọi là xét nghiệm chẩn đoán. Các xét nghiệm chẩn đoán có thể bao gồm sinh thiết, trong đó các tế bào hoặc mô được lấy từ khối u để mang đi xét nghiệm xem bản chất của nó là ác tính hay là lành tính.

Ai cần được sàng lọc?

Một số xét nghiệm sàng lọc có thể chỉ được đề xuất cho những người có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư

Bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ ung thư được gọi là yếu tố nguy cơ ung thư. Nếu bạn có một yếu tố rủi ro không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư; không có các yếu tố rủi ro không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư.

Một số xét nghiệm sàng lọc chỉ được sử dụng cho những người đã có các yếu tố nguy cơ đối với một số loại ung thư. Những người được cho là có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn những người khác bao gồm:

  • Đã bị ung thư trong quá khứ
  • Hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư
  • Hoặc có một số đột biến gen nhất định có liên quan đến ung thư. Tìm hiểu kỹ hơn qua bài: Di truyền ung thư

Những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao nên kiểm tra thường xuyên hơn hoặc ở độ tuổi sớm hơn những người không có các yếu tố nguy cơ.

Sàng lọc ung thư trên những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư

Các nhà khoa học đang cố gắng để hiểu rõ hơn về những người có khả năng mắc một số loại ung thư. Họ nghiên cứu những việc chúng ta làm và những thứ xung quanh chúng ta để xem chúng có gây ung thư không. Thông tin này giúp các bác sĩ tìm ra ai nên được sàng lọc ung thư, nên sử dụng xét nghiệm sàng lọc nào và tần suất các xét nghiệm cần được thực hiện.

Từ năm 1973, Chương trình Giám sát, Dịch tễ học (SEER) của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã thu thập thông tin về những người mắc bệnh ung thư từ các vùng khác nhau. Thông tin từ SEER, các nghiên cứu và các nguồn khác được sử dụng để nghiên cứu tìm ra những người có nguy cơ cao.

Nguy cơ ung thư được đánh giá như thế nào?

Nguy cơ ung thư được đánh giá theo những cách khác nhau. Những phát hiện từ các cuộc điều tra và nghiên cứu về nguy cơ ung thư cho các kết quả được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Một số nguy cơ được giải thích bao gồm nguy cơ tuyệt đối, nguy cơ tương đối và tỷ số nguy cơ.

1. Nguy cơ tuyệt đối

Đây là nguy cơ một người mắc bệnh trong một số lượng dân số nhất định (ví dụ toàn bộ dân số Hoa Kỳ) trong một khoảng thời gian nhất định. Các nhà nghiên cứu ước tính nguy cơ tuyệt đối bằng cách nghiên cứu một quần thể người là một phần của một lượng dân số nhất định (ví dụ, phụ nữ trong một nhóm tuổi nhất định). Các nhà nghiên cứu đếm số người trong nhóm mắc một bệnh xác định trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, một nhóm 100.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 29 được theo dõi trong một năm và 4 người trong số họ bị ung thư vú trong thời gian đó. Điều này có nghĩa là nguy cơ ung thư vú tuyệt đối trong một năm đối với phụ nữ ở độ tuổi này là 4 trên 100.000.

2. Nguy cơ tương đối

Nguy cơ tương đối thường được sử dụng trong các nghiên cứu để tìm hiểu xem một đặc điểm hoặc một yếu tố có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư hay không. Các nhà nghiên cứu so sánh hai nhóm người giống nhau. Tuy nhiên, những người trong một trong hai nhóm phải có đặc điểm hoặc yếu tố đang được nghiên cứu (họ đã tiếp xúc với yếu tố đó). Những người trong nhóm còn lại thì không tiếp xúc với yếu tố đó. Để tìm ra nguy cơ tương đối, tỷ lệ phần trăm của những người trong nhóm bị phơi nhiễm mắc bệnh được chia cho tỷ lệ phần trăm của những người trong nhóm không phơi nhiễm có bệnh.

Nguy cơ tương đối có thể là:

  • > 1: Đặc điểm hoặc yếu tố có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ.
  • = 1: Đặc điểm hoặc yếu tố không liên quan đến nguy cơ.
  • < 1: Đặc điểm hoặc yếu tố có liên quan đến việc giảm nguy cơ.

Nguy cơ tương đối còn được gọi là tỷ lệ rủi ro.

3. Tỷ số nguy cơ

Trong một số loại nghiên cứu, các nhà nghiên cứu không có đủ thông tin để tìm ra nguy cơ tương đối. Họ sử dụng tỷ số nguy cơ để thay thế. Một tỷ số nguy cơ có thể là một ước tính về nguy cơ tương đối.

Một loại nghiên cứu sử dụng tỷ số nguy cơ thay vì nguy cơ tương đối được gọi là nghiên cứu đối chứng. Trong một nghiên cứu đối chứng, hai nhóm người được so sánh. Tuy nhiên, các cá nhân trong mỗi nhóm được chọn dựa trên việc họ có mắc một bệnh nào đó hay không. Các nhà nghiên cứu xem xét tỷ số nguy cơ trên những người trong mỗi nhóm đã tiếp xúc với một thứ gì đó (một đặc điểm hoặc yếu tố) có thể đã gây ra căn bệnh này. Tỷ số nguy cơ mô tả số lần tính trạng hoặc yếu tố có mặt hoặc xảy ra, chia cho số lần nó không có mặt hoặc không xảy ra.

Tỷ số nguy cơ có thể là:

  • > 1: Đặc điểm hoặc yếu tố có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ.
  • = 1: Đặc điểm hoặc yếu tố không liên quan đến nguy cơ.
  • < 1: Đặc điểm hoặc yếu tố có liên quan đến việc giảm nguy cơ.

Nhìn vào đặc điểm và phơi nhiễm ở những người bị và không bị ung thư có thể giúp tìm ra các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra. Xác định được những người có nguy cơ mắc ung thư có thể giúp các bác sĩ quyết định khi nào nên làm sàng lọc và tần suất làm xét nghiệm sàng lọc.

Liệu sàng lọc có giúp người sống lâu hơn không?

1. Phát hiện một số bệnh ung thư ở giai đoạn đầu (trước khi các triệu chứng xuất hiện) có thể giúp giảm nguy cơ tử vong do các bệnh ung thư đó

Đối với nhiều bệnh ung thư, cơ hội điều trị và thời gian sống phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh ung thư khi được chẩn đoán. Ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn sớm thường dễ điều trị hoặc chữa khỏi. Nhưng thông thường, những người được chẩn đoán ung thư thường đi khám khi đã quá muộn, ung thư đã xâm lấn và di căn nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Các nghiên cứu về sàng lọc ung thư so sánh tỷ lệ tử vong của những người được sàng lọc một loại ung thư nhất định với tỷ lệ tử vong do ung thư ở những người không được sàng lọc. Một số xét nghiệm sàng lọc đã được chứng minh là hữu ích cả trong việc phát hiện ung thư sớm và giảm nguy cơ tử vong do các bệnh ung thư đó. Chúng bao gồm chụp nhũ ảnh vú cho ung thư vú, soi đại tràng sigma và xét nghiệm máu trong phân cho ung thư đại trực tràng.

Các xét nghiệm khác được sử dụng vì chúng đã được chứng minh là tìm thấy một loại ung thư nhất định ở một số người trước khi có triệu chứng xuất hiện, nhưng chúng chưa được chứng minh là làm giảm nguy cơ tử vong do căn bệnh ung thư đó. Nếu một căn bệnh ung thư phát triển nhanh và lan rộng nhanh chóng, việc phát hiện sớm có thể không giúp người bệnh sống sót sau căn bệnh ung thư.

2. Các nghiên cứu sàng lọc được thực hiện để xem liệu tử vong do ung thư có giảm khi mọi người được sàng lọc hay không

Khi thu thập thông tin về thời gian bệnh nhân ung thư sống được bao lâu, một số nghiên cứu xác định trung bình thời gian sống của bệnh nhân là 5 năm sau khi chẩn đoán. Điều này thường được sử dụng để đo lường hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư. Tuy nhiên, để xem xét nghiệm sàng lọc có hữu ích hay không, các nghiên cứu thường xem xét liệu tử vong do ung thư có giảm ở những người được sàng lọc hay không. Qua thời gian cho thấy hiệu quả xét nghiệm sàng lọc ung thư bao gồm:

  • Sự gia tăng số lượng ung thư giai đoạn đầu được tìm thấy.
  • Giảm số lượng ung thư giai đoạn cuối được tìm thấy.
  • Giảm số người chết vì ung thư.

Số người chết vì ung thư ngày nay thấp hơn nhiều so với trước đây. Điều này là có thể là do các xét nghiệm sàng lọc phát hiện ung thư sớm hơn hoặc do các phương pháp điều trị ung thư đã trở nên tốt hơn hoặc cả hai. Chương trình Giám sát, Dịch tễ học (SEER) của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ thu thập và báo cáo thông tin về thời gian sống sót của những người mắc bệnh ung thư. Thông tin này được nghiên cứu để xem việc phát hiện ung thư sớm có ảnh hưởng đến việc những người này có thời gian sống kéo dài hơn không.

3. Một số yếu tố có thể khiến thời gian sống kéo dài hoặc ngắn đi

Những yếu tố này bao gồm thời gian tiến triển bệnh (lead-time bias) và gán bệnh (overdiagnosis).

Thời gian tiến triển bệnh

Thời gian sống cho bệnh nhân ung thư thường được đo từ lúc ung thư được chẩn đoán cho đến ngày họ chết. Bệnh nhân thường được chẩn đoán sau khi họ có dấu hiệu và triệu chứng ung thư. Nếu xét nghiệm sàng lọc dẫn đến chẩn đoán trước khi bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào, thời gian sống sót của bệnh nhân sẽ tăng lên vì ngày chẩn đoán sớm hơn. Sự gia tăng thời gian sống sót này dường như do bệnh nhân được sàng lọc nên sống lâu hơn khi không được sàng lọc. Nó có thể là lý do duy nhất khiến thời gian sống sót dường như dài hơn, vì y học tiến bộ ngày càng chẩn đoán sớm hơn cho các bệnh nhân được sàng lọc. Nhưng các bệnh nhân được sàng lọc có thể vẫn chết cùng tuổi đó nếu như không được sàng lọc.

Ví dụ cụ thể: Bệnh nhân A được sàng lọc sớm, được chẩn đoán bị ung thư lúc 60 tuổi, và tử vong ở tuổi 70. Như vậy bệnh nhân này sống được sau khi chẩn đoán là 10 năm. Trong khi đó bệnh nhân B, vì không tham gia vào chương trình sàng lọc, bệnh nhân phát bệnh ở tuổi 67, và chỉ sống được sau đó 3 năm. Như thế dễ nhận thấy bệnh nhân A có thời gian sống sau chẩn đoán ung thư dài hơn nhiều so với bệnh nhân B (7 năm). Nhưng trong thực tế hai bệnh nhân A và B đều tử vong và có cùng một tuổi thọ như nhau là 70 tuổi.

Gán bệnh

Đôi khi, các xét nghiệm sàng lọc phát hiện ung thư không quan trọng vì chúng sẽ tự biến mất hoặc không bao giờ gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Những bệnh ung thư sẽ không bao giờ được tìm thấy nếu không có xét nghiệm sàng lọc. Phát hiện những bệnh ung thư này được gọi là gán bệnh. Chẩn đoán quá mức có vẻ như làm cho nhiều người sống sót sau ung thư lâu hơn, nhưng thực tế, đây là những người sẽ không chết vì ung thư.

Ví dụ, đối với phương pháp chụp CT, phương pháp này có thể phát hiện nhiều dấu hiệu bất bình thường hơn là phương pháp chụp X-quang thông thường.  Nói cách khác, các sàng lọc ung thư thường phát hiện những trường hợp ung thư giai đoạn đầu nhờ chụp CT-scanner. Cụ thể, một chương trình sàng lọc ung thư phổi ở Nhật cho thấy sử dụng máy chụp CT phát hiện số trường hợp ung thư cao gấp 10 lần so với X-quang lồng ngực. Quan trọng hơn nữa, xác suất phát hiện ung thư phổi (qua chẩn đoán bằng CT) ở những người hút thuốc lá bằng với xác suất ở người không hút thuốc lá! Nhưng tất cả các bệnh nhân với chẩn đoán ung thư phổi đều phải được điều trị, “gán bệnh” cũng có nghĩa là một số người được điều trị một cách không cần thiết hay điều trị sẽ chẳng đem lại lợi ích sức khỏe cho họ và có thể gây tác hại.  Phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi sớm được điều trị bằng phẫu thuật để cắt bỏ một phần lá phổi, một cuộc giải phẫu lớn với khoảng 5% tử vong trong vòng 1 tháng.  Một phân tích tổng hợp năm 2005 cho thấy tỉ lệ tử vong ở những người tham gia các chương trình sàng lọc ung thư phổi cao hơn những người không tham gia các chương trình đó.

Làm thế nào để xét nghiệm sàng lọc trở thành thử nghiệm tiêu chuẩn?

1. Kết quả từ các nghiên cứu giúp các bác sĩ quyết định khi nào xét nghiệm sàng lọc hoạt động đủ tốt để được sử dụng làm xét nghiệm tiêu chuẩn

Bằng chứng về các xét nghiệm sàng lọc ung thư an toàn, chính xác và hữu ích đến từ các thử nghiệm lâm sàng (nghiên cứu với mọi người) và các loại nghiên cứu khác. Khi đủ bằng chứng được thu thập để cho thấy rằng xét nghiệm sàng lọc là an toàn, chính xác và hữu ích, nó sẽ trở thành một xét nghiệm tiêu chuẩn.

Ví dụ về các xét nghiệm sàng lọc ung thư đã từng được nghiên cứu và hiện là các xét nghiệm tiêu chuẩn bao gồm:

  • Nội soi đại tràng cho ung thư đại trực tràng
  • Chụp X quang tuyến vú cho ung thư vú
  • Xét nghiệm Pap (Pap smears) cho ung thư cổ tử cung

2. Các loại thử nghiệm khác nhau được thực hiện để nghiên cứu sàng lọc ung thư

Các thử nghiệm sàng lọc ung thư nghiên cứu những cách mới để tìm ra ung thư ở người trước khi xuất hiện triệu chứng. Các thử nghiệm sàng lọc cũng nghiên cứu các xét nghiệm sàng lọc có thể phát hiện ung thư sớm hơn hoặc chính xác hơn các xét nghiệm hiện có hoặc dễ dàng hơn, an toàn hơn với giá thành rẻ hơn. Các thử nghiệm sàng lọc được thiết kế để tìm ra những lợi ích và tác hại có thể có của các xét nghiệm sàng lọc ung thư. Thiết kế thử nghiệm lâm sàng khác nhau được sử dụng để nghiên cứu các xét nghiệm sàng lọc ung thư.

Bằng chứng mạnh mẽ nhất về sàng lọc đến từ nghiên cứu được thực hiện trong các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng không phải lúc nào cũng có thể được sử dụng để nghiên cứu sàng lọc. Các phát hiện từ các loại nghiên cứu khác có thể cung cấp thông tin hữu ích về các xét nghiệm sàng lọc ung thư an toàn, hữu ích và chính xác.

Các loại nghiên cứu sau đây được sử dụng để có được thông tin về các xét nghiệm sàng lọc ung thư:

Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng

Các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đưa ra bằng chứng cao nhất về mức độ an toàn, chính xác và các xét nghiệm sàng lọc ung thư hữu ích. Trong các thử nghiệm này, các tình nguyện viên được chỉ định ngẫu nhiên (tình cờ) cho một trong hai hoặc nhiều nhóm. Những người trong một nhóm (nhóm chứng) có thể được kiểm tra sàng lọc tiêu chuẩn (nếu có) hoặc không kiểm tra sàng lọc. Những người trong nhóm khác được cung cấp bài kiểm tra sàng lọc mới. Kết quả kiểm tra cho các nhóm sau đó được so sánh để xem thử nghiệm sàng lọc mới có hoạt động tốt hơn so với thử nghiệm tiêu chuẩn hay không và để xem liệu có bất kỳ tác dụng phụ có hại nào không.

Lựa chọn ngẫu nhiên mọi người vào các nhóm có nghĩa là các nhóm có thể sẽ rất giống nhau và kết quả thử nghiệm sẽ không bị ảnh hưởng bởi lựa chọn của người làm nghiên cứu.

Thử nghiệm không ngẫu nhiên có đối chứng

Trong các thử nghiệm lâm sàng này, các tình nguyện viên không được chỉ định ngẫu nhiên (tình cờ) cho các nhóm khác nhau. Họ chọn nhóm nào họ muốn tham gia hoặc những người nghiên cứu chỉ định họ. Bằng chứng từ loại nghiên cứu này không mạnh bằng bằng chứng từ các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng.

Nghiên cứu đoàn hệ

Một nghiên cứu đoàn hệ sẽ theo dõi một số lượng lớn người theo thời gian. Những người trong nghiên cứu được chia thành các nhóm, được gọi là đoàn hệ, dựa trên việc họ có được điều trị nhất định hay không được tiếp xúc với những yếu tố nhất định nào đó. Trong các nghiên cứu đoàn hệ, thông tin được thu thập và nghiên cứu sau khi kết quả (như ung thư hoặc tử vong) đã xảy ra. Ví dụ, một nghiên cứu đoàn hệ có thể theo dõi một nhóm phụ nữ có xét nghiệm Pap thường xuyên và chia họ thành những người có kết quả dương tính với papillomavirus ở người (HPV) và những người thử nghiệm âm tính với HPV. Nghiên cứu đoàn hệ sẽ cho thấy tỷ lệ ung thư cổ tử cung khác nhau như thế nào đối với hai nhóm theo thời gian.

Nghiên cứu bệnh-chứng

Các nghiên cứu bệnh-chứng kiểm soát các trường hợp giống như các nghiên cứu đoàn hệ nhưng được thực hiện trong thời gian ngắn hơn. Họ không theo dõi trong nhiều năm. Thay vì nhìn về kết quả sẽ xảy ra, người nghiên cứu lại thu thập kết quả trong quá khứ. Trong các nghiên cứu bệnh- chứng, thông tin được thu thập từ các trường hợp (những người đã mắc một bệnh nào đó) và so sánh với thông tin được thu thập từ các trường hợp khác (những người không mắc bệnh). Ví dụ, một nhóm bệnh nhân bị u ác tính và một nhóm không có khối u ác tính có thể được hỏi về cách họ kiểm tra da của họ để phát triển bất thường và tần suất họ kiểm tra nó. Dựa trên các câu trả lời khác nhau từ hai nhóm, nghiên cứu có thể chỉ ra rằng kiểm tra da của bạn là một xét nghiệm sàng lọc hữu ích để giảm số ca mắc u ác tính và tử vong do u ác tính.

Bằng chứng từ các nghiên cứu bệnh- chứng không mạnh bằng bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng hoặc nghiên cứu đoàn hệ.

Nghiên cứu sinh thái

Các nghiên cứu sinh thái báo cáo thông tin được thu thập trên toàn bộ các nhóm người, chẳng hạn như người dân ở một thành phố hoặc quận. Thông tin được báo cáo về toàn bộ nhóm, không phải về bất kỳ người nào trong nhóm. Những nghiên cứu này có thể đưa ra một số bằng chứng về việc xét nghiệm sàng lọc có hữu ích hay không.

Bằng chứng từ các nghiên cứu sinh thái không mạnh bằng bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng hoặc các loại nghiên cứu khác.

Ý kiến ​​chuyên gia

Ý kiến ​​chuyên gia có thể dựa trên kinh nghiệm của các bác sĩ hoặc báo cáo của ủy ban chuyên gia hoặc hội đồng. Ý kiến ​​chuyên gia không đưa ra bằng chứng mạnh mẽ về tính hữu ích của các xét nghiệm sàng lọc.

Những cách mới để sàng lọc ung thư đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng

Các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước. Bạn có thể tìm hiểu về các xét nghiệm sàng lọc được chấp nhận trong phần tiếp theo của bài viết.

Xét nghiệm sàng lọc

Nhiều xét nghiệm sàng lọc ung thư đang được sử dụng. Một số xét nghiệm đã được chứng minh là có thể phát hiện sớm ung thư và giảm nguy cơ tử vong vì căn bệnh này. Một số xét nghiệm sàng lọc khác đã được chứng minh là phát hiện ung thư sớm nhưng chưa được chứng minh là làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể được sử dụng cho mọi người, đặc biệt là những người được biết là có nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Một số xét nghiệm sàng lọc mà bạn nên biết:

1. Nội soi đại tràng, soi đại tràng sigma và xét nghiệm máu trong phân có độ nhạy cao (FOBTs)

Những xét nghiệm này đều được chứng minh là làm giảm tử vong do ung thư đại trực tràng. Nội soi đại tràng và soi đại tràng sigma cũng giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng vì chúng có thể phát hiện sự phát triển bất thường của đại tràng (polyp) có thể loại bỏ trước khi chúng phát triển thành ung thư. Các chuyên gia thường khuyên rằng những người có nguy cơ trung bình cho bệnh ung thư đại trực tràng nên được sàng lọc ở lứa tuổi 40 đến 75.

Theo các nhà nghiên cứu, một polyp đại tràng có thể mất khoảng 10 đến 15 năm để phát triển thành ung thư đại trực tràng. Sàng lọc thường xuyên có thể ngăn chặn hoàn toàn bằng cách tìm và loại bỏ các khối u trước khi chúng có cơ hội để trở thành ung thư. Sàng lọc cũng có thể giúp tìm ra bệnh ung thư đại trực tràng sớm, khi khối u còn nhỏ, chưa lây lan và dễ dàng điều trị.

Khi ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn đầu trước khi nó đã lan rộng, tỷ lệ sống sau 5 năm tới khoảng 90%. Nhưng chỉ có khoảng 40% trường hợp ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn này. Khi ung thư đã lan ra ngoài đại tràng hoặc trực tràng, tỷ lệ sống thấp hơn rất nhiều.

Những người nên đi tầm soát ung thư đại trực tràng:

  • Tuổi trên 40
  • Đã từng bị ung thư đại trực tràng
  • Có tiền sử bị polyp đại trực tràng
  • Một số hội chứng đa polyp tuyến có tính di truyền trong gia đình
  • Có tiền sử mắc bệnh đường ruột
  • Tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng
  • Uống nhiều rượu, dùng thuốc lá

2. Chụp cắt lớp vi tính

Phương pháp này được dùng để sàng lọc ung thư phổi đã được chứng minh là làm giảm tử vong do ung thư phổi ở những người nghiện thuốc lá nặng từ 55 đến 74 tuổi. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể phát hiện những bất thường sớm ở phổi như khối u với kích thước rất nhỏ mà chụp X quang phổi đôi khi không phát hiện được do bị che lấp.

Tầm soát ung thư phổi được khuyến khích cho tất cả mọi người, đặc biệt là người trên 40 tuổi và có nguy cơ mắc ung thư phổi cao như:

  • Nghiện thuốc lá, thường xuyên tiếp xúc với môi trường có khói thuốc
  • Phơi nhiễm khí radon trong thời gian dài
  • Làm việc trong môi trường độc hại, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, amiang, chất tẩy rửa… Sống trong môi trường ô nhiễm, nguồn nước không đảm bảo, có chứa nhiều kim loại nặng
  • Đã từng xạ trị vùng ngực
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư phổi

Những người có các yếu tố nguy mắc mắc ung thư phổi nêu trên cần chủ động tầm soát ung thư phổi định kỳ. Bệnh ung thư phổi nếu được phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn sớm, cơ hội chữa khỏi sẽ cao hơn việc phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn.

3. Chụp nhũ ảnh

Phương pháp này để tầm soát ung thư vú đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này ở phụ nữ từ 40 đến 74 tuổi, đặc biệt là những người từ 50 tuổi trở lên. Đây là thiết bị dùng tia X-quang để khảo sát sang thương ở vú. Mô vú và mô ung thư có độ hấp thu tia X khác biệt nhỏ, do đó cần thiết bị tia X được thiết kế đặc biệt để tối ưu hóa phát hiện ung thư vú.

Từ 40 tuổi trở lên, phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư định kỳ. Phụ nữ dưới 40 tuổi không có nguy cơ cao bị ung thư vú. Chị em từ 40 đến 49 tuổi, việc tầm soát nên được cá thể hóa, quyết định dựa trên ý muốn của từng người. Khoảng cách giữa hai lần tầm soát thường từ 1-2 năm.

Phụ nữ từ 50 – 74 tuổi: việc tầm soát ung thư vú nên tiến hành 2 năm một lần, khi kết quả tầm soát trước đó xác định một số dấu hiệu gợi ý thì cần tầm soát thường xuyên hơn.

Phụ nữ trên 75 tuổi, nếu ước tính có thể sống khỏe mạnh ít nhất 10 năm nữa, việc tầm soát có thể được đề nghị 2 năm một lần.

4. Xét nghiệm Pap và xét nghiệm papillomavirus (HPV)

Những xét nghiệm này làm giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung vì chúng cho phép xác định các tế bào bất thường và điều trị trước khi chúng trở thành ung thư. Nó cũng làm giảm tử vong do ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm thường được khuyến nghị bắt đầu ở tuổi 21 và kết thúc ở tuổi 65, miễn là kết quả bình thường.

Xét nghiệm Pap mear nhanh, đơn giản, không đau để tìm tế bào bất thường ở bề mặt cổ tử cung. Nó có thể phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh để can thiệp kịp thời. Tuy nhiên Pap smear đơn thuần dễ bỏ sót vì tỷ lệ âm tính giả cao, không phát hiện được nhiễm HPV nguy cơ cao gây ung thư. Pap smear khó tầm soát ung thư biểu mô tuyến. Có đến 33% ung thư cổ tử cung xảy ra ở phụ nữ có kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung bình thường.

4 lợi điểm chính khi làm xét nghiệm HPV:

  • Phát hiện các trường hợp bệnh bị bỏ sót bởi xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung đơn độc. Gần 14% phụ nữ kết quả Pap bình thường và thường bị bỏ sót HPV 16 dương tính, có bệnh lý trong biểu mô cổ tử cung ở mức độ cao.
  • Phát hiện sớm phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung.
  • Phụ nữ có kết quả âm tính với HPV nguy cơ cao có thể yên tâm quay trở lại tầm soát thường quy (3-5 năm).
  • Giảm sự can thiệp không cần thiết.

Khi nào bắt đầu tầm soát:

  • Phụ nữ nên bắt đầu tầm soát lúc 21 tuổi. Không tầm soát nếu dưới 21 tuổi, không kể tuổi bắt đầu quan hệ tình dục.
  • Từ 21 đến 29 tuổi thực hiện Pap smear mỗi 3 năm. Không xét nghiệm HPV ở phụ nữ 21-29 tuổi vì tần suất nhiễm chủng HPV sinh ung ở tuổi này khoảng 20%, hầu hết trường hợp HPV sẽ biến mất mà không cần can thiệp. Phát hiện nhiễm HPV sẽ gây ra lo lắng, tốn chi phí tái khám và xử trí không cần thiết.
  • Phụ nữ tuổi 30 đến 64 tuổi nên thực hiện bộ đôi xét nghiệm (Pap smear và HPV) mỗi 5 năm hoặc có thể Pap smear mỗi 3 năm.

5. Các xét nghiệm sàng lọc khác

Xét nghiệm alpha-fetoprotein máu

Là xét nghiệm dấu ấn ung thư gan nguyên phát. Xét nghiệm này đôi khi được sử dụng cùng với siêu âm gan, để cố gắng phát hiện sớm ung thư gan ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao. Bình thường nồng độ AFP < 25 UI/ml. Khi bệnh nhân bị ung thư gan nồng độ AFP tăng lên: có khoảng 80% bệnh nhân ung thư gan có AFP > 25 UI/ml, Khoảng 60% bệnh nhân ung thư gan có nồng độ AFP > 100 UI/ml và khoảng 50% bệnh nhân ung thư gan có nồng độ AFP > 300 UI/ml.

Xét nghiệm AFP là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán ung thư gan, nếu nồng độ AFP > 300 UI/ml và siêu âm có khối giảm âm thì có thể khẳng định là bệnh nhân có ung thư gan.

Chụp MRI vú

Xét nghiệm hình ảnh này thường được sử dụng cho những phụ nữ mang đột biến trong gen BRCA1 hoặc gen BRCA2, những phụ nữ như vậy có nguy cơ mắc ung thư vú cao, cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác. Ưu điểm của MRI vú là cực kỳ nhạy, có thể phát hiện cả các tổn thương ung thư và không ung thư. Điều quan trọng cần lưu ý là tổn thương ung thư và tổn thương lành tính có thể có hình ảnh tương tự nhau trên MRI vú và kết quả là MRI vú đôi khi dẫn đến sinh thiết không cần thiết và làm bệnh nhân lo lắng.

Vai trò của MRI vú vẫn còn đang phát triển và tiếp tục được nghiên cứu. Khi được sử dụng một cách thận trọng và thích hợp ở những bệnh nhân có nguy cơ cao với mô tuyến vú dày đặc, MRI vú có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, MRI vú không thể phát hiện tất cả các ung thư. Trong một nghiên cứu công bố gần đây, một số ung thư chỉ thấy được trên phim nhũ ảnh. Do đó, MRI vú không thể thay thế cho chụp nhũ ảnh.

Xét nghiệm CA-125

Xét nghiệm máu này thường được thực hiện cùng với siêu âm qua âm đạo, có thể được sử dụng để cố gắng phát hiện sớm ung thư buồng trứng, đặc biệt là ở những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao. CA125 cũng được thể hiện ở phần lớn các ung thư phúc mạc nguyên phát, ung thư tế bào sáng của buồng trứng và tế bào tuyến nội mạc tử cung. Hơn nữa, CA125 còn được thể hiện ở hầu hết các tế bào tuyến của nội mạc tử cung, của ống dẫn trứng và của nội mạc cổ tử cung cũng như của tuyến tụy và đường mật. Một tỷ lệ ung thư tuyến ở phổi, tuyến giáp, vú và dạ dày cũng tiết ra CA125. CA125 hiếm khi được phát hiện trong ung thư tuyến đại trực tràng, tuyến tiền liệt, ung thư biểu mô tế bào thận và ung thư biểu mô phôi.

Mặc dù xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán ung thư buồng trứng ở những phụ nữ có triệu chứng và có thể được sử dụng để đánh giá sự tái phát ung thư ở những phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh trước đây, nhưng nó chưa được chứng minh là xét nghiệm sàng lọc ung thư buồng trứng hiệu quả.

Khám lâm sàng vú và tự kiểm tra vú

Thường xuyên kiểm tra vú định kỳ tại cơ sở y tế hoặc tự kiểm tra chưa được chứng minh là làm giảm tử vong do ung thư vú. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, từ tuổi 20, phụ nữ nên tự kiểm tra vú mỗi tháng 1 lần, ngay sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra từ 40 trở lên, nên chụp X- quang tuyến vú mỗi năm 1-2 lần. Tự khám sàng lọc là bước quan trọng để phát hiện sớm ung thư vú nhưng để xác định chính xác căn bệnh này vẫn cần phải chẩn đoán theo “bộ ba” gồm: Khám lâm sàng, X quang tuyến vú và chọc hút tế bào.

Xét nghiệm PSA

Xét nghiệm máu này thường được thực hiện cùng với khám trực tràng, có thể phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu. Giá trị của xét nghiệm PSA là định hướng chẩn đoán và theo dõi điều trị. PSA tăng không đồng nghĩa là bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến vì khi tuyến tiền liệt bị viêm, khi thăm trực tràng, trong phì đại tuyến tiền liệt nồng độ PSA cũng tăng. Xét nghiệm PSA là xét nghiệm có giá trị để theo dõi điều trị, đặc biệt với các bệnh nhân ung thư đã được phẫu thuật hoặc cắt tinh hoàn, điều trị bằng estrogen…. Hiện tại, các chuyên gia không còn khuyến nghị xét nghiệm PSA thường quy cho hầu hết nam giới vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó ít hoặc không có tác dụng đối với tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. Nõ dẫn đến gán bệnh và điều trị quá mức.

Khám da

Các bác sĩ thường khuyên những người có nguy cơ mắc ung thư da nên kiểm tra da thường xuyên hoặc tới kiểm tra tại cơ sở y tế. Phương pháp tự khám da không được chứng minh là làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư da và chúng có thể dẫn đến gán bệnh. Tuy nhiên, mọi người nên chú ý đến những thay đổi trên da của họ, chẳng hạn như nốt ruồi mới hoặc thay đổi nốt ruồi hiện có (to hơn, mọc lông, tiết dịch…) và đi khám ngay lập tức.

Nội soi vòm họng

Đây là phương pháp thường được chỉ định đầu tiên để chẩn đoán sớm ung thư vòm họng. Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát được những tổn thương và dấu hiệu bất thường ở toàn vùng vòm họng nhằm phát hiện những khối u trong tai, mũi, họng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn hạn chế việc quan sát khối u ở vị trí dưới niêm mạc mũi họng. Nếu nội soi vòm họng cho kết quả nghi ngờ, các bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI hay PET/CT cho hình ảnh quan sát đa chiều và rõ nét giúp phát hiện tình trạng phát triển của khối u. Đây cũng là phương pháp bác sĩ thường chỉ định để xác nhận giai đoạn bệnh trước khi tiến hành lập phác đồ chữa trị cho bệnh nhân.

Siêu âm qua đường âm đạo

Siêu âm qua đường âm đạo có thể cho thấy hình ảnh buồng trứng và tử cung, đôi khi được sử dụng ở những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng (vì mang đột biến có hại trên BRCA1 hoặc BRCA2) hoặc ung thư nội mạc tử cung (vì có hội chứng Lynch). Nhưng nó không được chứng minh là làm giảm tử vong do ung thư.

Để phát hiện bệnh sớm, cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần; siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò âm đạo; chụp CT scaner ổ bụng khi siêu âm có nghi ngờ, làm xét nghiệm máu.

Ngoài ra, tùy thuộc vào loại ung thư cần tầm soát mà có các phương pháp xét nghiệm sàng lọc khác.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment