Chào mừng bạn đến giai đoạn 2 (còn gọi là tam cá nguyệt thứ 2) của thai kỳ. Đến đây thì tất cả các công đoạn “công phu” nhất để tạo nên hình hài em bé đã xong. Các cơ quan thiết yếu và các hệ thống trong cơ thể bé gần như đã yên vị, và đang sẵn sàng để tiếp tục phát triển, trưởng thành. Trong giai đoạn 2 của thai kỳ, em bé của bạn sẽ có kích thước tăng lên 3-4 lần, và càng ngày sẽ càng trông ra hình ra dáng hơn.
Hầu hết phụ nữ đều cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi qua giai đoạn này. Những cơn ốm nghén gần như làm cạn kiệt sức lực ở giai đoạn đầu giờ đây đã trở nên ổn, và bạn đã có thể trở về với trạng thái sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, vẫn có một số khác biệt lớn.
Bạn có thể sẽ cảm thấy mùi vị thức ăn ngon hơn, mức năng lượng được nâng lên và ngực của bạn sẽ vẫn to hơn nhưng lại mềm hơn rất nhiều. Ở giai đoạn này, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy bụng ngày to lên. Lúc nào dễ nhận thấy nhất còn tùy thuộc vào kích thước và tầm vóc tổng thể của mỗi người, vào việc họ đã từng có con hay chưa, việc họ tính toán tuổi thai chính xác đến mức nào, và thậm chí là cơ địa của từng người. Đừng lo lắng nếu bạn vẫn không thể cảm thấy gì khi dùng tay nhấn thử vào bụng. Ở giai đoạn này thì việc nhìn thấy bụng mình lớn bao nhiêu sẽ không thể giải thích được em bé bên trong phát triển hay khỏe mạnh bao nhiêu.
Dưới đây là vài thông tin hữu ích cung cấp cho bạn về giai đoạn mang thai thứ hai này.
Mục lục
Khi nào tam cá nguyệt thứ hai bắt đầu?
Tam cá nguyệt thứ hai bắt đầu vào tuần thứ 14 của thai kỳ và kéo dài đến hết tuần 27.
Xem thêm: Những điều mẹ bầu cần biết khi mang thai 3 tháng đầu
Sự thay đổi của em bé trong tam cá nguyệt thứ hai
Em bé của bạn rất, rất bận rộn trong tam cá nguyệt thứ hai. Vào tuần thứ 18 của thai kỳ, em bé sẽ có cân nặng bằng một cái ức gà, thậm chí có thể ngáp và nấc. Vào khoảng tuần 21, bạn sẽ có thể cảm tay và chân của bé đang quờ quạng và đá vào bụng bạn. Vào khoảng tuần thứ 23, em bé của bạn có thể nằm theo tư thế ngồi mông, nghĩa là phần mông hướng xuống dưới và đầu hướng lên phía xương sườn của bạn. Hoặc em bé có thể nằm ngang, nằm một bên hoặc nằm nghiêng, nằm chéo tử cung của bạn. Vào giai đoạn này tử cung còn nhiều không gian để đứa bé có thể khám phá và chọn cho mình một vị trí thoải mái. Trên thực tế, em bé có thể sẽ tăng gấp đôi trọng lượng của mình trong bốn tuần tới. Vào cuối tam cá nguyệt thứ hai, bạn sẽ có một thiên thần 2 pound (gần 1kg) trong bụng!
Một vài điều thú vị hơn đang diễn ra trong tam cá nguyệt này:
Tóc, da và móng
Khoảng tuần thứ 15- 16, những sợi tóc nhỏ đầu tiên của bé bắt đầu mọc, và đến tuần 22 bé cũng có lông mi và lông mày. Da của em bé bây giờ được bao phủ bởi một lớp lông tơ (một chiếc áo khoác lông giúp giữ ấm cho đến khi tích tụ nhiều mỡ dưới da hơn trong tam cá nguyệt thứ ba) và đến tuần 19, chất gây (một lớp sáp trắng bảo vệ cho làn em bé trước nước ối có tính axit). Bạn đừng lo lắng về đám lông tơ, chúng sẽ dần rụng đi và sẽ biến mất khi bé chào đời, trừ khi bé đến với bạn sớm hơn dự tính.
Hệ thống tiêu hóa
Hệ thống tiêu hóa của bé đã được hình thành đầy đủ vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên. Vì vậy, bây giờ bé đang bắt nuốt để chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Hơn thế nữa, em bé thậm chí có thể nếm các loại thực phẩm bạn ăn qua nước ối – mà nghiên cứu đã chỉ ra có thể ảnh hưởng đến sở thích của em bé khi ra bên ngoài tử cung (do đó bạn nên có chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại trái cây và rau quả tươi ). Tuần này em bé đã có thể nuốt và chẳng bao lâu sẽ thông thạo việc nuốt nước ối vào trong, rồi lại tái chế qua đường thận. Nghe có vẻ không có gì là ngon, nhưng đây là một cách thức quan trọng để xác định xem bé có vấn đề gì về thận hay không. Nó cũng góp phần giúp phổi phát triển. Đồng thời với nuốt, em bé cũng sẽ đi tiểu nhiều.
Các giác quan
Tai và mắt của bé đang di chuyển vào đúng vị trí của chúng. Vào tuần thứ 22 của thai kỳ, các giác quan đang phát triển mạnh mẽ có nghĩa là em bé bắt đầu ngửi, nhìn và nghe, và đôi mắt nhỏ bắt đầu mở. Lúc này, em bé nghe được rất nhiều âm thanh xung quanh mình, do vậy, bạn hãy tập thói quen trò chuyện với bé, cho bé nghe nhạc, hoặc để ba của bé áp sát bụng và thủ thỉ với bé. Như vậy, khi chào đời, bé sẽ sớm có phản ứng như đã quen thuộc với giọng nói của ba mẹ, và bạn sẽ cảm thấy thật ấm áp và thú vị. Vào tuần thứ 24, Mắt của bé đã có thể thật sự nhìn thấy, và vì vậy, trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng bên ngoài bụng mẹ. Bé có thể cảm nhận, và sẽ có phản ứng di chuyển đáp lại những đụng chạm hoặc tác động nhẹ từ bên ngoài bụng mẹ.
Tim
Qua 17 tuần , tim bé không còn đập một cách tự nhiên nữa vì não của bé hiện đang điều chỉnh nhịp tim và bác sĩ sẽ có thể nghe bằng ống nghe vào tuần 20. Vào tuần 25 , mao mạch bắt đầu hình thành để mang máu oxy qua cơ thể.
Não
Não bộ sẽ kiểm soát nhịp tim và những cú đá của bé. Từ tuần thứ 20, khối lượng và kích thước não tăng gấp 6 lần. Hàng triệu tế bào thần kinh vận động, hình thành và tạo thành liên kết thần kinh với các cơ, từ thời điểm này cho tới cuối thai kì. Các tế bào thần kinh chuyên biệt hóa, tạo thành 5 giác quan.
Những thay đổi trong cơ thể bạn
Tam cá nguyệt thứ hai sẽ có một số triệu chứng có thể kéo dài (như ợ nóng và táo bón ). Đồng thời, có một số triệu chứng khác có thể bắt đầu xảy ra khi bụng của bạn tiếp tục to ra và mức độ hormone thai kỳ tăng lên. Bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng tinh thần đón nhận nhé. Một số triệu chứng bạn có thể gặp là:
Sự tắc nghẽn khi lưu lượng máu tăng đến các màng nhầy của cơ thể (bao gồm cả mũi của bạn)
Bạn thậm chí có thể thấy mình ngáy lần đầu tiên! Chứng nghẹt mũi có thể sẽ tiếp tục làm bạn khó chịu thêm vài tuần nữa. Cố gắng hạn chế ở những nơi có độ ẩm thấp, hay những nơi phải sử dụng máy lạnh. Để một thau nước nhỏ, hoặc dùng máy làm ẩm trong phòng có thể sẽ giúp bạn thở dễ hơn. Nếu không đỡ, bạn có thể dùng một số thuốc không kê đơn nhưng tất nhiên, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nhé.
Sưng (phù) nhẹ ở mắt cá chân và bàn chân
Có khoảng 3/4 phụ nữ mang thai sẽ gặp triệu chứng này, bắt đầu từ khoảng tuần 22 của thai kỳ (mặc dù đôi khi sớm hơn) và kéo dài cho đến khi sinh. Để giảm phù, hãy cố gắng duy trì hoạt động nhẹ nhàng, cử động chân khi bạn không di chuyển, tránh đứng lâu hoặc ngồi quá lâu và kê chân lên cao. Khi bạn ngồi làm việc ở cơ quan, hãy kiếm một chiếc ghế nhỏ và đặt chân lên đó.
Nướu nhạy cảm và thậm chí chảy máu
Hãy đi khám nha sĩ nếu nướu của bạn có màu đỏ tươi và dễ chảy máu, vì đó có thể là dấu hiệu của viêm nướu (tương đối vô hại nhưng có thể phát triển thành vấn đề lớn hơn nếu không được điều trị đúng cách).
Chuột rút ở chân
Thường bắt đầu trong tam cá nguyệt thứ hai và kéo dài đến tam cá nguyệt thứ ba. Đó không chỉ là do hormone và cân nặng mà còn có thể là thiếu canxi hoặc magiê – vì vậy hãy đảm bảo duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe.
Chóng mặt do huyết áp thấp
Bí kíp là chia thành nhiều bữa nhỏ ăn trong ngày và uống đủ nước để giảm triệu chứng khó chịu này. Thiếu nước cũng làm bạn mệt mỏi hơn.
Đau ở bụng dưới hay còn gọi là đau dây chằng tròn
Khi tử cung to lên, dây chằng cố định tử cung trong bụng cũng phải giãn ra, gây đau đớn cho một số phụ nữ. Nhất là trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, bụng của bạn sẽ to lên khá nhanh. Không có nhiều phương pháp để xoa dịu sự khó chịu này. Nếu cơn đau trở nên dữ dội hơn, nên báo ngay với bác sĩ.
Giãn tĩnh mạch và hoặc trĩ (một loại suy tĩnh mạch)
May mắn thay, sẽ co lại hoặc biến mất sau khi đẻ nếu bạn không bị trước khi mang thai.
Kích thước và vóc dáng của bạn sẽ thay đổi trong vài tháng tới
Hình dáng mang bầu của mỗi phụ nữ đều rất khác nhau. Nhiều người cho rằng họ có thể đoán được giới tính của em bé dựa vào mức độ nhô ra của bụng bầu. Điều này trên thực tế không có bằng chứng khoa học, tuy nhiên nó cũng không có nguy hại gì ngoài việc chúng ta có thêm một câu chuyện vui nho nhỏ.
Bạn hãy sẵn sàng cho những cơn co thắt (có tên khoa học là Braxton Hicks) từ khoảng tuần 26 trở đi
Đây là những cơn co dạ con không đau để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển dạ sau này và tăng cường việc lưu thông máu. Nếu đã từng có con trước đây thì có thể bạn sẽ có những cơn đau này sớm hơn.
Tất cả những điều trên là hoàn toàn bình thường và cũng như cảm giác sợ hãi, cáu kỉnh, hay quên và thậm chí thất vọng có thể đến với bạn. Có những lúc bạn cảm thấy lo lắng, không biết em bé có ổn không, và mình sẽ đối phó thế nào nếu nó không ổn. Vào giai đoạn này, bạn sẽ có cảm giác hơi lo âu vì mọi thứ không thể quay trở lại được nữa. Có thai và sinh em bé là một việc mà không ai có thể dám nói trước điều gì chắc chắn 100%, nhưng bạn hãy yên tâm, tạo hóa khi nào cũng diệu kỳ, và mọi thứ đâu rồi cũng sẽ vào đó.
Có thể có một số thay đổi lớn trong phòng ngủ trong tam cá nguyệt thứ hai. Mang thai có thể sẽ làm xáo trộn “quan hệ” vợ chồng, bởi bạn còn phải đối phó với các triệu chứng thay đổi cơ thể và tâm trạng như mệt mỏi và buồn nôn. Một số phụ nữ thấy mình nóng hơn bao giờ hết. Một số điều cần lưu ý: Giao tiếp là chìa khóa để tránh tức giận, vì vậy hãy mở lòng và chia sẻ với chồng và những người xung quanh. Và hãy nhớ rằng – tình dục sẽ không làm tổn thương thai nhi của bạn cũng như không ảnh hưởng về mặt cảm xúc của bé. (Trên thực tế, em bé có thể sẽ thích một chút rung chuyển)
Tăng cân
Sau tam cá nguyện thứ nhất có thể là thời gian bạn bắt đầu tăng cân khi mang thai, vì cảm giác thèm ăn của bạn có thể tăng (hoặc xuất hiện trở lại, nếu bạn bị buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng trong ba tháng đầu) để hỗ trợ em bé đang lớn. Nếu bạn bắt đầu mang thai với cân nặng bình thường, dự kiến sẽ tăng khoảng 1-2kg/ 1 tháng.
Các triệu chứng cần kiểm tra
Có một điều khá lạ là khi bạn gặp một số triệu chứng trong tam cá nguyệt thứ hai có thể sẽ giảm hoặc biến mất trong tam cá nguyệt thứ ba. Tuy nhiên, có một vài triệu chứng mà bạn cần đi khám bác sĩ ngay, bao gồm chảy máu âm đạo nặng, đau bụng dữ dội và sốt trên 38 độ C.
Ngoài ra, hãy chú ý đến các dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ (thường bắt đầu vào khoảng tuần 24 đến tuần 28 của thai kỳ), bao gồm khát nước, đi tiểu nhiều và thường xuyên, cực kỳ mệt mỏi. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn nhận thấy tăng cân đột ngột, sưng phù nghiêm trọng ở mặt và tay và thay đổi thị lực, có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
Những việc cần chuẩn bị trong tam cá nguyệt thứ hai
Chìa khóa của tam cá nguyệt thứ hai là ăn uống tốt, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi nhiều. Dưới đây là những việc cần chuẩn bị trong tam cá nguyệt thứ hai:
Chuẩn bị theo dõi thường xuyên
Mỗi lần kiểm tra thai trong ba tháng này, bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng, kích thước tử cung, chiều cao tử cung và nhịp tim của em bé để đảm bảo mọi thứ tiến triển như mong đợi.
Lên lịch siêu âm
Thông thường trong khoảng từ 18 đến 22 tuần của thai kỳ, bác sĩ sẽ đo em bé, kiểm tra các cơ quan đang phát triển, xác định lượng nước ối và – nếu bạn thích – gợi ý cho bạn về giới tính của em bé. Bạn có thể nhìn thấy em bé của mình cử động trong bụng khi siêu âm, bác sĩ có thể siêu âm 3D hoặc 4D để bạn thấy em bé.
Lên lịch kiểm tra định kỳ
Kiểm tra cân nặng, huyết áp, sự phát triển chiều cao, cân nặng của thai nhi theo từng tháng. Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra tiền sản giật và viêm bàng quang (nếu có). Từ tuần thứ 18- 20, siêu âm đầu dò âm đạo để kiểm tra những bất thường trong tử cung..
Kiểm tra đường huyết
Từ tuần 24-28 của thai kỳ, bác sĩ sẽ cho mẹ làm xét nghiệm máu để kiểm tra tiểu đường thai kỳ. Khoảng 1/10 phụ nữ mang thai được chẩn đoán là mắc tiểu đường thai kỳ, đó là lý do American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG) khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ nên sàng lọc tiểu đường trong thời gian tuần 24 đến tuần 28. Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu của bạn dương tính với glucose, điều đó không có nghĩa là bạn bị tiểu đường thai kỳ – bạn sẽ cần xét nghiệm thêm để chẩn đoán. Nếu bạn được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, bác sĩ của bạn có thể sẽ giới thiệu bạn đến một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp xác định chế độ ăn uống hợp lý. Sau đó, bạn sẽ phải theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên.
Nói chuyện với bác sĩ về sàng lọc di truyền trước khi sinh
Nếu bạn chưa sẵn sàng và có một số yếu tố rủi ro nhất định, bác sĩ có thể đề nghị sàng lọc di truyền bao gồm NIPT hoặc sàng lọc 4 xét nghiệm (AFP, hCG, estriol, inhibin A), cả hai đều là sàng lọc máu tìm kiếm các yếu tố nguy cơ gia tăng bất thường nhiễm sắc thể hoặc bẩm sinh (như hội chứng Down hoặc khuyết tật ống thần kinh). Nếu một trong hai sàng lọc này trở lại dương tính, bác sĩ có thể đề nghị chọc ối – lấy nước ối và phân tích các bất thường di truyền để có chẩn đoán chính xác hơn. Cuối cùng, tùy thuộc vào việc bạn có được sàng lọc di truyền hay không, vì vậy, nên tìm hiểu thêm về sàng lọc di truyền và trao đổi với bác sĩ. Và hãy nhớ rằng trong khi tất cả những điều này có vẻ quá sức và thậm chí hơi đáng sợ thì phần lớn các em bé được sinh ra khỏe mạnh.
Tiêm phòng
Nếu bạn đang mang thai trong mùa lạnh và cúm, hãy nhớ tiêm phòng cúm và lên kế hoạch tiêm vắc-xin uốn ván. Ngoài ra, hãy chắc chắn để tránh những tiêm chủng khác trong khi mang thai.
Mua quần áo cho bà bầu
Bây giờ, bụng của bạn ngày càng to ra, bạn sẽ cần một tủ quần áo dành cho bà bầu để phù hợp. Hãy chọn đầm bầu hoặc áo rộng thoải mái, chất liệu thấm hút mồ hôi. Nếu là mùa đông, hãy chọn quần áo đủ ấm. Bạn nên mua cho mình thêm một vài bộ đồ bầu mới. Tuy nhiên, cũng không nên mua quá nhiều. Vì sang tam cá nguyệt thứ ba, bụng bạn sẽ to hơn nữa và có thể chúng sẽ không còn phù hợp. Và hãy nhớ, đừng đi giày cao gót. Bạn nên đi giày thể thao hoặc sandal để cảm thấy thoải mái và tiện di chuyển.
Nằm ngủ nghiêng về một bên
Mặc dù khi mang thai, bạn thường dễ ngủ nhất trong tam cá nguyệt thứ hai, bạn cũng nên nằm ngủ nghiêng sang một bên, tốt nhất là nằm nghiêng trái. Vì trọng lượng của tử cung đang phát triển gây áp lực lên tĩnh mạch chủ ( tĩnh mạch đưa máu từ chi dưới trở lại tim), có thể cản trở lưu thông. Nằm nghiêng bên trái còn giúp máu đưa tới nuôi thai nhi tốt hơn.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Chẳng hạn như cascbafi tập Kegels. Bài tập Kegel còn được gọi là bài tập cho cơ sàn chậu giúp làm săn chắc vùng âm đạo, tránh táo bón, trĩ và hạn chế tình trạng tiểu són, tiểu dắt thường gặp ở phụ nữ mang thai.
Quyết định xem bạn có muốn biết giới tính của em bé hay không
Siêu âm ba tháng thứ hai của bạn, vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ, có thể cho bạn biết – vì vậy hãy nghĩ về những ưu và nhược điểm của việc tìm hiểu giới tính của em bé trước khi sinh.
Đặt ưu tiên tập luyện trước khi sinh
Với tất cả các lợi ích của việc tập thể dục cho bạn và em bé , bạn nên chọn một bài tập thân thiện với thai kỳ (nếu bạn chưa có). Mẹ bầu có thể chọn tập yoga, bơi lội hoặc đi bộ hàng ngày trước khi bụng bầu ngày càng trở nên nặng nề khi bước sang những tháng cuối bầu bí. Chỉ cần tránh các hoạt động không an toàn vì bây giờ là bụng của bạn lớn hơn.
Đảm bảo an toàn trong sinh hoạt hàng ngày
Cân nặng tăng lên rõ rệt khiến mẹ bầu trở nên vụng về, mất đi sự khéo léo thường có. Lúc này bạn khó mà cúi người xuống hoặc đứng lên đột ngột do vậy cần hết sức thận trọng khi di chuyển hàng ngày. Nên đi giày dép đế bằng, có mặt đế chống trơn trượt; đi chậm, từ tốn; tránh bê vác nặng, với người lên cao. Khi trời mưa gió không nên ra ngoài hoặc đi xe đường xa.
Tăng cường lượng calo của bạn
Nếu bạn có cân nặng bình thường trước khi mang thai, bạn sẽ cần bổ sung khoảng 300 đến 350 calo trong tam cá nguyệt thứ hai (ít hơn bạn nghĩ – chỉ khoảng hai ly sữa tách kem và một bát bột yến mạch).
Theo dõi tăng cân
Bây giờ bạn nên tăng cân đều đặn, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên theo dõi cân nặng mỗi tuần.
Chăm sóc da
Tử cung lớn hơn đồng nghĩa với việc bụng bạn sẽ rạn nứt nhiều hơn. Vì vậy mẹ không được bỏ qua việc chăm sóc da mỗi ngày đâu nhé! Thực tế, có khoảng 20% các mẹ bầu không gặp vấn đề về rạn da. Tuy nhiên, cẩn thận vẫn hơn. Bạn nên chăm sóc trước khi da bắt đầu hình thành vết rạn. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất xơ, uống nhiều nước và sử dụng các sản phẩm tăng độ ẩm cho da.
Kiểm tra răng định kỳ
Theo nhiều nghiên cứu, các bệnh về răng miệng có thể làm tăng khả năng sảy thai và sinh non. Vì vậy, bạn nên đi khám răng định kỳ để có ngăn ngừa những nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Lên kế hoạch tài chính
Khi gia đình có thêm một thành viên mới, bạn sẽ phải chi tiêu thêm rất nhiều. Để tránh tiêu pha “quá tay”, bạn nên có một kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chi tiết trước khi sinh. Bạn cần liệt kê những chi phí trong gia đình, chi phí mua đồ đặc, phí sinh con… Nếu được, bạn nên tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước.
Chụp ảnh
Mặc dù có thể bạn muốn đợi đến tam cá nguyệt thứ ba để có buổi chụp ảnh bầu, nhưng bây giờ bạn có thể lên lịch chụp ảnh hoặc chụp để lưu giữ quá trình mang thai cho đến khi em bé ra đời.
Đi du lịch
Trong ba tháng đầu có thể bạn sẽ mệt mỏi vì nghén và hạn chế đi lại, bây giờ là thời điểm tốt để lên kế hoạch cho lần du lịch cuối cùng trước khi em bé đến. Tuy nhiên, không nên đi quá xa nhé! Và bạn cũng nên chuẩn bị cho mình đầy đủ đồ dùng cũng như thực phẩm cần thiết để tránh không phù hợp với nơi bạn đến.
Chuẩn bị đồ đạc trong phòng ngủ, phòng tắm cho em bé
Bạn có thể trang trí phòng ngủ, phòng tắm, chuẩn bị đồ cho em bé ngay từ bây giờ. Những thứ mắc tiền như nôi, xe đẩy, giường… bạn nên chuẩn bị càng sớm càng tốt. Gần đến ngày sinh, bạn sẽ có thêm nhiều thứ phải quan tâm và mua sắm nữa.
Tiếp tục nghĩ tên cho em bé
Bạn vẫn còn thời gian, nhưng nếu bạn chưa đặt tên cho em bé thì nên tiếp tục xem xét các lựa chọn của mình.
Tham gia các lớp tiền sản
Đó sẽ là nơi bạn có thể vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa tích lũy kiến thức lại còn có thể sẻ chia những câu chuyện của riêng mình. Bởi suy cho cùng, trải nghiệm làm mẹ không chỉ vô cùng thiêng liêng mà còn thú vị đúng không? Ngoài ra, tham gia một lớp tiền sản sẽ giúp bạn cảm thấy chuẩn bị tốt hơn cho toàn bộ quá trình sinh nở, bạn cũng có thể muốn tham gia các lớp học về CPR trẻ sơ sinh và chăm sóc em bé.
Hãy nghĩ về nơi bạn muốn sinh
Chọn bệnh viện và dịch vụ mà bạn muốn. Bạn có thể tham quan bệnh viện hoặc trung tâm sinh sản nơi bạn dự định sinh. Đây là điều quan trọng nếu bạn quyết định sẽ sinh ở một bệnh viện. Hãy tìm hiểu kỹ quy trình và các chế độ sinh nở ở bệnh viện để có trải nghiệm tốt nhất.
Xem lại chế độ ăn uống của mình có ổn không
Thật ra, bạn không cần phải ăn cho hai người, chỉ cần thực sự tốt cho một người. Lúc này bạn chỉ cần bổ sung 300 kcal mỗi ngày là sẽ đảm bảo cho mẹ và bé khỏe mạnh rồi. Các bữa ăn cần đủ các nhóm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Nếu cảm thấy khó tiêu hóa, mẹ bầu cần chia nhỏ làm nhiều bữa ăn trong ngày. Hãy nhớ rằng, tất cả những món bạn ăn vào cuối cùng sẽ đến em bé và giúp bé phát triển.
Cẩn thận với chứng giảm trí nhớ thai kỳ
Trong vài tuần tới, một điều nên lưu ý là ghi lại nơi mình cất những món đồ cần thiết hay quan trọng, bởi vì một trong những triệu chứng phổ biến lúc này là chứng “giảm trí nhớ thai kỳ”. Đừng quá lo lắng nghĩ rằng mình đã làm mất món đồ gì đó. Cố gắng tránh làm quá nhiều việc cùng một lúc, và thỉnh thoảng cũng phải biết tự cười nhạo mình. Hài hước một chút sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn.
Bắt đầu tìm bảo mẫu hoặc người giúp việc
Nếu bạn dự định đi làm trở lại sau thời gian nghỉ thai sản, không còn quá sớm để bắt đầu xem xét các lựa chọn chăm sóc trẻ em, có thể là bảo mẫu, người giúp việc hoặc là tìm hiểu các nơi có thể giữ trẻ tốt.
Hãy chờ đón tam cá nguyệt thứ ba của bạn. Khi bạn vượt qua tam cá nguyệt thứ hai, bạn đã sắp chào đón em bé rồi. Chúc bạn một thai kỳ khỏe mạnh!