Ung thư

Triệu chứng ung thư, chẩn đoán, giai đoạn và tiên lượng bệnh ung thư

Ung thư có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Hầu hết các triệu chứng này không phải do ung thư trực tiếp gây ra mà là do khối u lành tính hoặc các vấn đề khác. Nếu bạn có các triệu chứng kéo dài trong một vài tuần, bác sĩ sẽ khám bệnh và chỉ định vài xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng này.

Nếu bạn phát hiện ra mình bị ung thư, bác sĩ sẽ yêu cầu một bộ xét nghiệm hoặc quy trình khác để tìm ra giai đoạn hiện tại của ung thư. Giai đoạn ung thư chỉ mức độ ung thư và dựa trên các yếu tố như kích thước khối u, sự di căn… Một khi xác định được giai đoạn ung thư, bác sỹ sẽ có thể đề nghị hướng điều trị và tiên lượng cũng như thảo luận với bệnh nhân về bệnh. Hiểu về bệnh ung thư với các triệu chứng có thể giúp bạn và những người thân yêu của bạn kiểm soát bệnh tốt hơn và điều trị kịp thời. Cơ hội chữa khỏi ung thư sẽ tăng lên khi được phát hiện sớm. Bạn cần chú ý tới tình trạng cơ thể và nhận biết một số dấu hiệu có thể cảnh báo ung thư.

Triệu chứng ung thư

triệu chứng ung thư

Ung thư có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Dưới đây là một số triệu chứng bạn cần chú ý:

Thay đổi trên da

  • Xuất hiện nhiều nốt ruồi mới hoặc thay đổi nốt ruồi hiện có như mọc lông, to bất thường, chảy dịch
  • Xuất hiện một vết loét không lành

Ung thư da đôi khi chỉ xuất hiện như một nốt ruồi nhỏ màu hồng. Khối u hắc tố ác tính là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất, nhưng lại có thể không màu và xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể, ngay cả dưới móng tay và móng chân. Một vết thương hở không lành lại cũng có thể là dấu hiệu của ung thư da. Do đó, bạn cần kiểm tra da thường xuyên.

Thay đổi vú

  • Thay đổi kích thước hoặc hình dạng của vú hoặc núm vú
  • Thay đổi kết cấu của da vùng vú
  • Xuất hiện một hay vài cục trên hoặc dưới da

Các cục lồi là dấu hiệu phổ biến nhất để nhận biết ung thư vú, nhưng không phải dấu hiệu duy nhất. Sự thay đổi của da ở vùng ngực, như mẩn đỏ, ngứa, lõm xuống hay nhũ hoa đỏ và dày lên… cũng có thể là dấu hiệu của ung thư, do ngực không phải là nơi thường xuyên xuất hiện mẩn ngứa.

Khàn giọng hoặc ho kéo dài liên tục

Thông thường, triệu chứng này sẽ đi kèm cùng các bệnh thường gặp như ho, đau họng… Do đó, nếu thấy tình trạng này diễn ra quá lâu, gây khàn tiếng và khó nuốt khi ăn thì bạn nên chủ động đi khám ngay để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.

Thay đổi thói quen đại tiện

Sau khi khối u ung thư ở đại tràng phát triển lớn dần lên, chúng sẽ sinh ra các tiết dịch (chất thải) từ đó liên tục kích thích lên đường ruột. Phản ứng này xảy ra trong cơ thể sẽ gây ra cảm giác buồn đi đại tiện nhiều hơn, tỉ lệ thường xuyên hơn.

Hơn nữa, nếu bệnh càng ngày càng nặng lên, hiện tượng kích thích đường ruột càng tăng, cảm giác muốn đi đại tiện sẽ càng nhiều lên, bệnh nghiêm trọng thì số lần đi ngoài của bạn sẽ nhiều, từ đó có thể làm thay đổi thói quen đi ngoài hàng ngày của bạn.

Ngoài ra, triệu chứng này còn gặp trong ung thư dạ dày, ung thư tụy…

Đi tiểu khó hoặc đau

Ở nam giới, máu xuất hiện trong nước tiểu, buồn tiểu nhiều ban đêm, đột nhiên buồn tiểu hay dòng nước tiểu yếu có thể là dấu hiệu chỉ thị cho ung thư tuyến tiền liệt. Ở phụ nữ, việc buồn tiểu thường xuyên và gấp gáp có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Đồng thời, sự thay đổi của màu sắc và đặc tính của nước tiểu có thể là dấu hiệu của ung thư thận hoặc bàng quang.

Có vấn đề với việc ăn uống

  • Khó chịu sau khi ăn
  • Khó nuốt, nuốt nghẹn
  • Thay đổi khẩu vị
  • Chướng bụng thường xuyên

Tình trạng không muốn ăn uống đôi khi là dấu hiệu của ung thư. Theo Viện y tế quốc gia Mỹ, đây có thể là dấu hiệu của ung thư ruột kết, buồng trứng, dạ dày hay tuyến tụy.

Ung thư buồng trứng khó được phát hiện khi ở giai đoạn đầu. Một dấu hiệu có thể có là bạn cảm thấy no sau khi ăn một lượng thức ăn nhỏ (trong khi không thay đổi chế độ ăn hay thuốc uống). Đồng thời, bạn có thể cảm thấy đầy hay chướng bụng. Nếu một phụ nữ thấy đau vùng xương chậu hay đau bụng, đầy bụng, ăn uống khó khăn hay nhanh no, mà các triệu chứng này mới xuất hiện trong vòng một năm và xảy ra hơn 12 lần một tháng, đây là báo động đỏ. Bạn cần đi kiểm tra ngay!

Tăng hoặc giảm cân không có lý do

Nếu bạn đột nhiên giảm từ 5 kg trở lên hay tăng cân nhiều mà không do cố ý, như ăn kiêng hay điều trị bệnh, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ. Đây là dấu hiệu thường diễn ra ở bệnh ung thư tuyến tụy, dạ dày, thực quản hay phổi.

Chảy máu hoặc xuất tiết bất thường

Bao gồm các hiện tượng như:

  • Máu trong nước tiểu
  • Chảy máu âm đạo
  • Máu trong phân
  • Thiếu máu

Thiếu máu do thiếu sắt có thể do phụ nữ chảy nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, hiện tượng này nếu đột ngột phát xuất hiện có thể là triệu trứng của ung thư ruột kết hay trực tràng. Do ung thư ở ruột kết và trực tràng có thể gây chảy máu vào trong ruột, lâu dẫn dẫn tới tình trạng thiếu máu. Trên thực tế, xét nghiệm máu có tế bào hồng cầu thấp đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của loại ung thư này.

Cảm thấy yếu hoặc rất mệt

Tình trạng mệt mỏi kéo dài, không hồi phục dù đã nghỉ ngơi đầy đủ là một dấu hiệu của ung thư có thể bị bỏ qua. Khi thấy triệu chứng này, bạn có thể thử đánh giá tình trạng của mình, có thể gần đây bạn ngủ không ngon hay thay một loại thuốc mới. Nếu tất cả đều bình thường mà xuất hiện dấu hiệu này, bạn nên tới gặp bác sĩ để được khám tỉ mỉ.

Đau đớn

Bất cứ cơn đau nào mà không liên quan tới hoạt động của bạn là một báo động đỏ. Nếu đi tập gym và bị căng cơ thì đau là chuyện bình thường. Nhưng nếu bạn thấy chân đau mà không nhớ đã bị thương và cơn đau không chấm dứt sau khi uống thuốc giảm đau, cơ thể bạn đang có vấn đề.

Một số triệu chứng khác

  • Đau bụng
  • Đổ mồ hôi ban đêm không có lý do

Thông thường, những triệu chứng này không phải do ung thư. Chúng cũng có thể gây ra bởi các khối u lành tính hoặc các vấn đề khác. Nếu bạn có các triệu chứng trên kéo dài trong một vài tuần, bạn cần phải gặp bác sĩ để có thể được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Thông thường, giai đoạn đầu của ung thư không gây đau đớn. Nếu bạn có triệu chứng nào đó bất thường tại bất kỳ cơ quan nào, đừng đợi đến khi cảm thấy đau mới đi gặp bác sĩ.

Ung thư được chẩn đoán như thế nào?

Nếu bạn có triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm sàng lọc của bạn cho thấy có ung thư, bác sĩ phải tìm hiểu xem đó có phải là do ung thư hay do một số nguyên nhân khác. Bác sĩ có thể hỏi về tiền sử cá nhân, gia đình của bạn và khám tổng quát. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thêm xét nghiệm hoặc vài phương pháp chẩn đoán hình ảnh hay thăm dò chức năng khác.

Xét nghiệm

Nồng độ cao hay thấp của một số chất trong cơ thể bạn có thể là dấu hiệu của vài bệnh ung thư. Vì vậy, xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc các chất dịch cơ thể khác để đo các chất này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm bất thường không phải là dấu hiệu chắc chắn của bệnh ung thư. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là một công cụ quan trọng nhưng các bác sĩ không thể chỉ dựa vào chúng để chẩn đoán ung thư.

Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cho thấy hình ảnh của các khu vực bên trong cơ thể của bạn giúp bác sĩ xem liệu có phải là một khối u hay không. Những hình ảnh này có thể được thực hiện theo một số cách sau đây:

X-quang

Nguyên lý chung của chẩn đoán hình ảnh X- quang qui ước là tính chất đâm xuyên của tia X và sự hấp thu tia X của các mô là khác nhau trong cùng một cơ thể. Một số kỹ thuật chụp Xquang chẩn đoán bệnh ung thư hay được áp dụng đó là: Chụp X-quang phổi, xương, chụp X-quang vú, chụp X-quang có thuốc cản quang, chụp đối quang kép…

CT Scanner

Đây là thành tựu khoa học hiện đại (1971 – G.M Hounsfiled) của phương pháp vật lý đưa đến một tiến bộ lớn về chất lượng hình ảnh chụp Xquang: Cho phép chụp hàng loạt hình có độ chính xác và độ phân giải cao các khối u nằm sâu trong ở các cơ quan như: Gan, thận, tụy tạng, não… kể cả các hạch lympho (nông hoặc sâu).

Hiện nay có nhiều thế hệ máy chụp CT scaner từ thế hệ 1 – 5.

Phương pháp này chẳng những làm nổi bật các khối u nguyên phát mà cả các ổ di căn với khả năng phát hiện các khối u (nguyên phát và thứ phát) có đường kính xấp xỉ 1 cm.

Ngày nay chụp cắt lớp còn được dùng trong cả việc dẫn đường cho sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học và dẫn đường cho xạ trị (lập kế hoạch điều trị). Tuy nhiên giá thành còn đắt nên phần nào hạn chế trong việc áp dụng trong chẩn đoán sớm ung thư.

Ghi hình phóng xạ

Các máy ghi hình phóng xạ đều có chung một nguyên lý: Có một bộ phận đầu dò nối với một bộ phận ghi hình, trong khi bộ phận đầu dò “quét” trên bề mặt cơ quan có tập trung đồng vị phóng xạ thì bộ phận ghi hình cũng chuyển động đồng dạng, và vạch hình với số vạch càng dầy đặc khi hoạt tính phóng xạ nhận được càng lớn. Bộ phận ghi hình phải ghi được một hình càng gần với sự phân bố hoạt tính phóng xạ trong cơ quan càng tốt, với một độ tương phản càng cao càng tốt.

Siêu âm

Đây là phương pháp chẩn đoán hiện đại, có độ nhậy và độ đặc hiệu cao được ứng dụng rất rộng rãi trong lâm sàng nói chung và lĩnh vực ung thư nói riêng. Trong chẩn đoán ung thư, siêu âm được ứng dụng nhiều trong chẩn đoán ung thư nguyên phát, sự xâm lấn của u nguyên phát sang các cơ quan lân cận và phát hiện di căn xa như: ung thư gan, ung thư thận, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến giáp, cổ tử cung…

Các đầu dò có tần số cao còn đánh giá được cả sự xâm lấn của khối u sang cơ quan lân cận. Ví dụ: ung thư trực tràng, ung thư thực quản.

Tuy nhiên đây là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh nên kết quả còn phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người thầy thuốc chuyên khoa. Ưu điểm nổi trội là phương pháp chẩn đoán này không can thiệp, không độc hại, giá thành không cao nên có thể tiến hành ở nhiều cơ sở y tế.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, chất lượng hình ảnh cao hơn chụp cắt lớp điện toán (CT scaner). Chụp cộng hưởng từ còn cho chúng ta nghiên cứu về cả hình ảnh, một phần chức năng sinh học và hóa học của khối u. Hiện nay, nó cũng là phương pháp chẩn đoán ung thư rất có giá trị nhưng giá thành còn khá cao nên chưa áp dụng rộng rãi trong các cơ sơ y tế, các bệnh viện.

Xạ hình

Để đánh giá hoạt động chức năng của một cơ quan, phủ tạng nào đó ta cần đưa vào một loại đồng vị phóng xạ hoặc một hợp chất có gắn đồng vị phóng xạ thích hợp, chúng sẽ tập trung đặc hiệu tại cơ quan cần khảo sát. Theo dõi quá trình chuyển hoá, đường đi của đồng vị phóng xạ này ta có thể đánh giá tình trạng chức năng của cơ quan, phủ tạng cần nghiên cứu. Ví dụ người ta cho bệnh nhân uống 131I rồi sau những khoảng thời gian nhất định đo hoạt độ phóng xạ ở vùng cổ bệnh nhân, từ đó có thể đánh giá được tình trạng chức năng của tuyến giáp.

Để ghi hình (xạ hình) các cơ quan người ta phải đưa các đồng vị phóng xạ vào cơ thể người bệnh. Xạ hình (Scintigraphy) là phương pháp ghi hình ảnh sự phân bố của các chất phóng xạ ở bên trong các phủ tạng bằng cách đo hoạt độ phóng xạ của chúng từ bên ngoài cơ thể.

Xạ hình không chỉ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn thuần về hình thái mà nó còn giúp ta hiểu và đánh giá được chức năng của cơ quan, phủ tạng và một số biến đổi bệnh lí khác.

Để ghi hình các cơ quan, ngoài máy scanner (ghi hình tĩnh) người ta còn dùng máy Gamma Camera, SPECT, PET, PET/CT hoặc SPECT/CT.

Bằng kỹ thuật ghi hình y học hạt nhân, người ta có thể ghi hình từng cơ quan hoặc ghi hình toàn cơ thể (Whole body scan), kết quả xạ hình sẽ cung cấp cho chúng ta các thông tin về hình ảnh chức năng nhiều hơn hình ảnh về cấu trúc giải phẫu.

Sinh thiết

Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ cần làm sinh thiết để chẩn đoán xác định ung thư. Sinh thiết là một phương pháp trong đó bác sĩ sẽ lấy mô từ khối u để xác định bản chất lành tính hay ác tính. Sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ xử lý bệnh phẩm và quan sát các mô dưới kính hiển vi để xem nó có phải là ác tính hay không.

Mẫu bệnh phẩm có thể được lấy theo nhiều cách:

  • Với kim nhỏ: Bác sĩ sử dụng kim để rút mô hoặc chất lỏng.
  • Với ống nội soi: Bác sĩ quan sát các khu vực bên trong cơ thể bằng một ống mảnh được gọi là ống nội soi. Bác sĩ sẽ đưa ống vào cơ thể qua lỗ tự nhiên chẳng hạn như qua miệng. Sau đó, bác sĩ sử dụng một công cụ đặc biệt để cắt lấy mô hoặc tế bào qua ống. Ví dụ, trong nội soi dạ dày (ống nội soi được đưa qua miệng và vào dạ dày), bác sĩ có thể lấy sinh thiết niêm mạc dạ dày.
  • Với phẫu thuật: Có thể là sinh thiết cắt bỏ hoặc lấy một phần khối u

Trong sinh thiết cắt bỏ, toàn bộ khối u được lấy ra để để tìm tế bào bất thường. Sinh thiết cắt bỏ có thể được thực hiện dưới gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân, tùy thuộc vào vị trí của khối u. Ví dụ, loại sinh thiết này có thể được thực hiện cho khối u ở vú.

Hoặc trong lúc phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật có thể lấy một mẫu mô nhỏ đem khảo sát trong vòng vài phút. Điều này có thể giúp các bác sĩ phẫu thuật xác định bản chất của khối u và quyết định tiến hành phẫu thuật thế nào.

Các giai đoạn của ung thư

Giai đoạn ung thư đề cập đến mức độ ung thư, chẳng hạn như khối u lớn như thế nào, đã di căn chưa. Xác định giai đoạn ung thư giúp bác sĩ:

  • Hiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư và cơ hội sống sót của bệnh nhân
  • Lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho bệnh nhân
  • Xác định các thử nghiệm lâm sàng có thể là lựa chọn điều trị cho bệnh nhân

Một bệnh ung thư luôn phải nhắc tới giai đoạn trong chẩn đoán, ngay cả khi nó trở nên tồi tệ hơn hoặc lây lan. Thông tin mới về ung thư đã thay đổi theo thời gian sẽ được thêm vào giai đoạn ban đầu. Vì vậy, giai đoạn không thay đổi mặc dù ung thư đang tiến triển.

Giai đoạn được xác định như thế nào?

Để tìm hiểu giai đoạn bệnh của bệnh nhân, bác sĩ có thể yêu cầu các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm hoặc sinh thiết. Bạn có thể xem kỹ phần Chẩn đoán để tìm hiểu thêm về các xét nghiệm này.

Cách phân chia các giai đoạn ung thư

Có nhiều hệ thống xác định giai đoạn ung thư. Phổ biến nhất là phân giai đoạn theo TNM, được sử dụng cho nhiều loại ung thư. Các hệ thống xác định giai đoạn tiến triển ung thư mô tả sự lan tràn và độ nặng của bệnh ung thư. Các quyết định điều trị tùy thuộc vào kết quả của việc xác định giai đoạn bệnh. Một hệ thống thường dùng để phân giai đoạn đối với các khối u đặc là hệ thống TNM.

Hầu hết các hệ thống phân giai đoạn đều dựa vào:

  • Vị trí khối u nằm trong cơ thể
  • Loại tế bào (như ung thư biểu mô tuyến hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy)
  • Kích thước của khối u
  • Ung thư đã di căn hạch chưa
  • Ung thư di căn sang các cơ quan khác chưa
  • Cấp độ của khối u, trong đó đề cập đến sự bất thường của các tế bào ung thư, khả năng khối u phát triển và lan rộng

Hệ thống TNM

Hệ thống TNM là hệ thống phân giai đoạn ung thư được sử dụng rộng rãi nhất. Hầu hết các bệnh viện và trung tâm y tế sử dụng hệ thống TNM làm phương pháp chính để phân giai đoạn ung thư. Có vài bệnh ung thư được phân chia giai đoạn theo phương pháp khác bao gồm các khối u não, tủy sống và ung thư máu.

Trong hệ thống TNM:

  • T tức là “Tumor” để chỉ kích thước khối u
  • N tức là “Nodes” hay hạch bạch huyết, xác định bệnh ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở xung quanh hay chưa và lan xa đến mức nào
  • M tức là “Metastasis” (Di căn) mô tả liệu bệnh ung thư đã lan đến các phần khác của cơ thể hay chưa.

Khi ung thư được mô tả bởi hệ thống TNM, sẽ có những con số sau mỗi chữ cái cung cấp thêm chi tiết về ung thư, ví dụ như T1N0MX hoặc T3N1M0. Phần sau đây giải thích ý nghĩa của các chữ cái và số:

  • T (U nguyên phát):
    • To: Chưa có dấu hiệu u nguyên phát.
    • Tis: Ung thư nội biểu mô (insitu).
    • T1 – T4: Theo kích thước tăng dần hoặc mức xâm lấn tại chỗ của u nguyên phát.
    • Tx: Chưa thể đánh giá được u nguyên phát.
  • N (Hạch tại vùng):
    • No: Chưa có dấu hiệu xâm lấn hạch tại vùng.
    • N1 – N3: Mức độ tăng dần sự xâm lấn của hạch tại vùng.
    • Nx: Chưa thể đánh giá được hạch tại vùng.
  • M (Di căn xa):
    • Mo: Chưa có di căn xa.
    • M1: Di căn xa (Có thể chỉ ra vị trí di căn).
    • Mx: Chưa đánh giá được di căn.

Ví dụ sắp xếp giai đoạn TNM trong K vú.

Đối với T:

  • To: Chưa có dấu hiệu u nguyên phát.
  • T1: U dưới 2 cm.
  • T2: U có kích thước từ 2 – 5 cm.
  • T3: U lớn hơn 5 cm.
  • T4: U mọi kích thước với sự xâm lấn.
  • T4a: Xâm lấn vào thành ngực.
  • T4b: Xâm lấn ra da.
  • T4c: Xâm lấn cả da và thành ngực.
  • T4d: Ung thư vú thể viêm.

Đối với N:

  • N0: Chưa sờ thấy hạch nách cùng bên.
  • N1: Hạch nách cùng bên di dộng.
  • N2: Hạch nách cùng bên cố định.
  • N3: Hạch vú trong.

Đối với M:

  • M0: Chưa có di căn xa.
  • M1: Có di căn xa kể cả hạch thượng đòn.

Những hệ thống phân giai đoạn ung thư khác

Hệ thống TNM giúp mô tả ung thư rất chi tiết. Nhưng, đối với nhiều bệnh ung thư, các kết hợp TNM được nhóm thành năm giai đoạn ít chi tiết hơn. Phân loại theo giai đoạn là các sắp xếp cổ điển và đơn giản. Theo sự tiến triển của u: tại chỗ, tại vùng và cuối cùng là toàn thân. Chẩn đoán theo giai đoạn ít chính xác hơn và ít thông tin hơn là phân loại TNM. Tuy vậy chẩn đoán giai đoạn vẫn được sử dụng đối với một số khối u tiến triển đặc biệt. Ví dụ ung thư tinh hoàn, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung.

Ví dụ: Phân loại FIGO đối với ung thư cổ tử cung.

  • Giai đoạn O: Ung thư nội mạc hoặc tiền xâm lấn.
  • Giai đoạn I : U giới hạn ở cổ tử cung.
  • Giai đoạn II: U vượt qua cổ tử cung nhưng chưa đến 1/3 dưới âm đạo.
  • Giai đoạn III: U đến 1/3 dưới âm đạo hoặc thành khung chậu.
  • Giai đoạn IV: Có tổn thương bàng quang hoặc trực tràng hoặc các cơ quan xa.

Phân loại giai đoạn đối với bệnh lymphomalin: Phân loại TNM và phân loại theo giai đoạn không phù hợp với lymphomalin vì đây là bệnh mang tính chất toàn thân. Bệnh lymphomalin và bệnh Hodgkin sử dụng phân loại theo Ann – Arbor. Lách được xem như một hạch.

  • Giai đoạn I: Tổn thương một nhóm hạch đơn độc hoặc một vị trí đơn độc ngoài hạch (IE).
  • Giai đoạn II: Tổn thương hai hay nhiều nhóm hạch ở một phía cơ hoành (II), với xâm lấn ngoài hạch (IIE).
  • Giai đoạn III: Tổn thương nhiều hạch ở cả hai phía cơ hoành (III), với xâm lấn ngoài hạch (IIIE), tổn thương lách(IIIS) hoặc cả hai (III ES).
  • Giai đoạn IV: Lan tràn vào phủ tạng hoặc toàn thân.

Phân loại giai đoạn Dukes: Áp dụng cho K đại trực tràng.

  • Giai đoạn A: U chưa xâm lấn đến lớp cơ.
  • Giai đoạn B: U xâm lấn qua lớp cơ – chưa xâm lấn hạch.
  • Giai đoạn C: U xâm lấn hạch.
  • Giai đoạn D: Di căn xa.

Tiên lượng ung thư

Một trong những câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi lần đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư là liệu ung thư của họ có thể điều trị thành công hay không. Đây được gọi là một tiên lượng (prognosis). Tiên lượng cung cấp một ‎ý niệm về diễn tiến và kết cục có thể xảy ra của một bệnh – nghĩa là cơ hội mà một bệnh nhân sẽ hồi phục hay tái phát bệnh. Có thể khó hiểu tiên lượng nghĩa là gì và cũng khó nói, ngay cả đối với các bác sĩ.

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiên lượng của bệnh. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng bao gồm:

  • Loại và vị trí ung thư
  • Giai đoạn ung thư (mức độ ung thư đã di căn hay lan rộng)
  • Độ mô học của nó (tế bào ung thư trông bất thường đến mức nào và có khả năng tăng trưởng và lan rộng nhanh cỡ nào)
  • Những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tiên lượng bao gồm tuổi, tình trạng sức khỏe chung, và đáp ứng với điều trị.

Các bác sĩ không thể tiên đoán tương lai của bạn, nhưng họ có thể ước lượng dựa trên việc sử dụng các thống kê từ các nhóm bệnh nhân có tình trạng giống nhất với tình trạng của bạn.

Khi được chẩn đoán ung thư, bác sĩ sẽ cùng bệnh nhân thảo luận một số vấn đề. Khi một người bị ung thư, người đó và gia đình phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Hiểu về căn bệnh ung thư và biết những gì có thể xảy ra giúp bệnh nhân đưa ra quyết định. Một số vấn đề bệnh nhân có thể phải đối mặt bao gồm:

  • Điều trị nào là tốt nhất
  • Bệnh nhân có muốn điều trị không
  • Làm thế nào để chăm sóc bản thân tốt nhất và giảm thiểu các tác dụng phụ của điều trị
  • Các vấn đề tài chính và pháp lý

Nhiều người muốn biết tiên lượng của họ. Họ cảm thấy dễ dàng hơn để đối phó khi biết nhiều hơn về bệnh ung thư của họ. Bệnh nhân có thể hỏi bác sĩ về tỷ lệ sống hoặc tự mình tìm kiếm thông tin này.

Nếu bệnh nhân quyết định muốn biết nhiều hơn, bác sĩ sẽ thảo luận về tiên lượng của bệnh nhân và giải thích về tỷ lệ sống cho bệnh nhân hiểu.

Tỉ lệ sống còn của ung thư (cancer survival rate) là gì?

Tỉ lệ sống còn của ung thư là phần trăm số người với một loại và/hoặc một giai đoạn nhất định của ung thư còn sống sau một khoảng thời gian nhất định kể từ lúc chẩn đoán. Các thống kê ung thư thường dùng tỉ lệ sống còn 5 năm, nghĩa là phần trăm số người bị ung thư còn sống 5 năm sau chẩn đoán, không tính đến những người chết do những bệnh khác.

Các thống kê sống còn thường được tính cho từng giai đoạn ung thư nhất định vì chúng có thể thay đổi bởi giai đoạn bệnh.

Ví dụ: Tỉ lệ sống còn 5 năm đối với ung thư bàng quang giai đoạn sớm là 71%, điều đó có nghĩa là cứ mỗi 100 người mắc, có 71 người sẽ vẫn còn sống 5 năm sau chẩn đoán, 29 người chết trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, nếu ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn trễ hơn, tỉ lệ sống còn 5 năm là 5%.

Các thống kê sống còn cho tất cả các giai đoạn của một ung thư cộng lại được gọi là tỉ lệ tổng cộng, ví dụ như tỉ lệ sống còn 5 năm tổng cộng cho ung thư tiền liệt tuyến bất kể giai đoạn nào là 99%.

Các tỉ lệ sống còn 5 năm bao gồm tất cả những người còn sống 5 năm sau chẩn đoán ung thư, bao gồm cả những người đã lui bệnh (tạm thời hoặc vĩnh viễn không còn bệnh) hoặc vẫn còn đang điều trị:

  • Tỉ lệ sống còn không bệnh (disease-free survival rates) là phần trăm số người đạt được sự lui bệnh hoàn toàn (nghĩa là họ không còn có các dấu hiệu của ung thư trong cơ thể) sau khi hoàn tất việc điều trị
  • Tỉ lệ sống còn không tiến triển (progression-free survival rates) là phần trăm số người vẫn có ung thư, nhưng bệnh không tiến triển (không tăng trưởng u mới hay phát tán u trong hoặc sau điều trị).

Bởi vì số liệu thống kê dựa trên các nhóm nhiều người, chúng không thể được sử dụng để dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra với một bệnh nhân. Mỗi người là một cá thể riêng biệt rất khác nhau. Phương pháp điều trị và cách đáp ứng của mỗi người với điều trị có thể khác nhau rất nhiều. Ngoài ra, phải mất nhiều năm để thấy được lợi ích của phương pháp điều trị mới và cách phát hiện ung thư. Vì vậy, số liệu thống kê mà bác sĩ sử dụng để đưa ra tiên lượng có thể không dựa trên các phương pháp điều trị đang được sử dụng hiện nay.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể cho bệnh nhân biết rằng có tiên lượng tốt nếu số liệu thống kê cho thấy ung thư của bệnh nhân có khả năng đáp ứng tốt với điều trị. Hoặc bác sĩ có thể nói với bệnh nhân rằng có tiên lượng xấu nếu ung thư khó kiểm soát hơn. Bất cứ điều gì bác sĩ nói với bệnh nhân dựa trên số liệu và kinh nghiệm lâm sàng đều không thể chính xác 100% được.

Tìm kiếm thông tin về tiên lượng ung thư là một quyết định cá nhân. Biết nhiều hơn về ung thư có thể làm giảm cảm giác lo âu của bạn khi bạn phân tích các chọn lựa và bắt đầu việc điều trị, nhưng các thống kê sống còn cũng có thể gây nhầm lẫn và sợ hãi. Bạn có thể chọn cách không quan tâm đến các tỉ lệ này!

Nếu bệnh nhân quyết định không điều trị

Nếu bệnh nhân quyết định không điều trị, bác sĩ hiểu rõ tình hình của bạn sẽ thảo luận về tiên lượng của bạn.

Thống kê tỷ lệ sống thường đến từ các nghiên cứu so sánh các phương pháp điều trị với nhau, thay vì so sánh điều trị với không điều trị. Vì vậy, không dễ dàng để bác sĩ đưa ra tiên lượng chính xác.

Hiểu sự khác biệt giữa chữa khỏi và thuyên giảm

Khái niệm chữa khỏi (“cure”)

Trong y khoa, một bệnh được xem là đã được chữa khỏi khi nó được điều trị thành công và không tái diễn. Khái niệm “chữa khỏi” khó áp dụng đối với ung thư bởi vì các tế bào ung thư không được phát hiện đôi lúc vẫn còn lại trong cơ thể sau điều trị, khiến ung thư tái phát về sau. Nhiều ung thư được xem là đã được “chữa khỏi” khi không tìm thấy tế bào ung thư 5 năm sau chẩn đoán. Tuy nhiên, tái phát sau thời gian 5 năm vẫn có thể xảy ra.

Sự thuyên giảm có nghĩa là các dấu hiệu và triệu chứng ung thư đã giảm. Sự thuyên giảm có thể là một phần hoặc toàn bộ. Trong thuyên giảm hoàn toàn, tất cả các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư đã biến mất.

Nếu bệnh nhân có tình trạng thuyên giảm hoàn toàn trong 5 năm hoặc hơn, một số bác sĩ có thể nói rằng bệnh nhân đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, một số tế bào ung thư có thể tồn tại trong cơ thể bạn trong nhiều năm sau khi điều trị. Vì lý do này, các bác sĩ không thể nói chắc chắn rằng bệnh nhân đã được chữa khỏi. Điều họ có thể nói nhiều nhất là không có dấu hiệu ung thư vào thời điểm này.

Vì khả năng ung thư có thể quay trở lại, bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân trong nhiều năm và làm các xét nghiệm để tìm kiếm dấu hiệu sự trở lại của bệnh ung thư. Các bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu tác dụng phụ muộn từ các phương pháp điều trị ung thư mà bệnh nhân nhận được.

Các câu hỏi nên hỏi bác sĩ khi nhận chẩn đoán ung thư

Nếu nhận được thông tin có thể bị ung thư, có thể bạn sẽ cảm thấy rất shock. Khi bạn gặp bác sĩ, bạn sẽ nghe thấy rất nhiều thông tin. Những câu hỏi này có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về bệnh ung thư của bạn:

  • Tôi bị loại ung thư nào?
  • Giai đoạn ung thư của tôi là gì?
  • Nó đã lan sang các khu vực khác trên cơ thể tôi chưa?
  • Tôi cần thêm xét nghiệm gì trước khi bắt đầu điều trị?
  • Tôi có cần một chuyên gia để điều trị ung thư không?
  • Bạn sẽ giúp tôi tìm một bác sĩ để cho tôi ý kiến ​​khác về kế hoạch điều trị tốt nhất cho tôi?
  • Ung thư của tôi nghiêm trọng đến mức nào?
  • Cơ hội sống sót của tôi là bao nhiêu?

Bạn có thể muốn hỏi bác sĩ một số câu hỏi sau đây trước khi quyết định điều trị ung thư:

  • Các cách để điều trị và giai đoạn ung thư của tôi là gì?
  • Những lợi ích và rủi ro của mỗi phương pháp điều trị là gì?
  • Tại sao phương pháp đó lại tốt nhất cho tôi?
  • Khi nào tôi cần bắt đầu điều trị?
  • Tôi có cần phải vào bệnh viện để điều trị không? Nếu có thì trong bao lâu?
  • Cơ hội phục hồi của tôi với điều trị này như thế nào?
  • Làm thế nào để biết điều trị này có hiệu quả?
  • Làm thế nào để tôi tìm hiểu về các nghiên cứu giai đoạn ung thư của tôi?
  • Mỗi đợt điều trị sẽ kéo dài bao lâu?
  • Tôi sẽ có bao nhiêu buổi điều trị?
  • Người nhà có nên đi cùng tôi khi điều trị?

Câu hỏi về tác dụng phụ:

  • Các tác dụng phụ có thể có của điều trị là gì?
  • Những tác dụng phụ nào có thể xảy ra sau hoặc giữa các buổi điều trị của tôi?
  • Có bất kỳ tác dụng phụ mà tôi nên gọi cho bác sĩ ngay lập tức?
  • Có bất kỳ tác dụng lâu dài của điều trị không?
  • Điều trị này sẽ ảnh hưởng đến khả năng có con của tôi?
  • Làm thế nào tôi có thể ngăn ngừa hoặc điều trị các tác dụng phụ?

Câu hỏi về thuốc và các sản phẩm khác bạn có thể dùng:

  • Tôi có cần cho bạn biết về các loại thuốc tôi đang dùng bây giờ không?
  • Tôi có nên nói với bạn về các chất bổ sung trong chế độ ăn uống (như vitamin, khoáng chất, thảo dược hoặc dầu cá) mà tôi đang dùng?
  • Có loại thuốc hoặc chất bổ sung nào có thể làm giảm hiệu quả điều trị ung thư không?

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment