Cơ-Xương-Khớp

Viêm, thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Mặc dù tuổi tác là một yếu tố nguy cơ chính gây viêm khớp gối, nhưng những người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh này. Đối với một số bệnh nhân, nó có thể là do di truyền. Đối với những người khác, viêm khớp gối có thể do chấn thương hoặc nhiễm trùng hoặc thậm chí do thừa cân.

Dưới đây là những thông tin có thể hữu ích cho bạn về viêm khớp gối: nguyên nhân, cách điều trị và những biện pháp giảm đau có thể thực hiện tại nhà.

Xem thêm: Viêm xương khớp là gì? Tất cả những điều bạn cần biết về bệnh viêm xương khớp

Viêm xương khớp là gì?

Khớp xương bình thường là nơi đầu các khúc xương được lớp sụn bao bọc. Lớp sụn này có chức năng giữ cho khớp xương chuyển động trơn tru và làm nhiệm vụ bảo vệ các đầu khớp xương. Khi bị bệnh viêm xương khớp, lớp sụn bị mài mòn và mỏng đi. Vì thế, các đầu khớp xương bị mất lớp bảo vệ, các khớp mất khả năng chuyển động trơn tru.

Trong viêm xương khớp, bề mặt trơn của sụn trở nên sần sùi. Cuối cùng, nếu sụn mòn hoàn toàn, 2 đầu xương sẽ cọ xát với nhau khi di chuyển. Sự cọ xát dẫn tới đau, sưng, cứng khớp và làm khả năng di chuyển và đôi khi hình thành các gai xương.

Ai thường bị viêm khớp gối?

viêm khớp gối

Viêm xương khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Mặc dù nó có thể xảy ra ngay cả ở những người trẻ tuổi, khả năng phát triển viêm xương khớp tăng lên sau tuổi 45. Theo Tổ chức viêm khớp, hơn 27 triệu người ở Hoa Kỳ bị viêm xương khớp, với đầu gối là một trong những khu vực thường bị ảnh hưởng nhất. Phụ nữ có nhiều khả năng bị viêm xương khớp hơn nam giới.

Nguyên nhân gây viêm khớp gối

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm khớp gối là tuổi tác. Hầu như tất cả mọi người sẽ bị viêm khớp gối ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp gối ngay cả khi tuổi còn trẻ.

  • Tuổi tác: Khả năng chữa lành sụn giảm khi bạn già đi
  • Cân nặng: Trọng lượng làm tăng áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là khớp gối. Ngoài ra, mô mỡ tạo ra các protein có thể gây viêm tại khớp và xung quanh khớp.
  • Di truyền: Điều này bao gồm các đột biến gen có thể làm cho một người có nhiều khả năng phát triển viêm khớp gối nhiều hơn những người khác. Nó cũng có thể là do bất thường di truyền trong hình dạng của xương bao quanh khớp gối.
  • Giới tính: Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nhiều khả năng mắc bệnh viêm khớp gối nhiều hơn nam giới.
  • Những hoạt động lặp đi lặp lại: Đây thường là nguyên nhân liên quan đến công việc. Những người có nghề nghiệp phải làm nhiều hoạt động có thể gây căng thẳng cho khớp, chẳng hạn như quỳ, ngồi xổm hoặc nâng tạ nặng (25 kg trở lên), có nhiều khả năng bị viêm khớp gối do áp lực liên tục lên khớp .
  • Vận động viên thể thao: Các vận động viên tham gia đá bóng đá, tennis hoặc chạy đường dài có thể có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối cao hơn. Điều đó có nghĩa là các vận động viên nên có biện pháp phòng ngừa để tránh chấn thương. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là tập thể dục vừa phải thường xuyên giúp củng cố các khớp và có thể làm giảm nguy cơ viêm xương khớp. Trên thực tế, yếu các cơ quanh đầu gối có thể dẫn đến viêm xương khớp.
  • Các bệnh khác: Những người bị viêm khớp dạng thấp – loại viêm khớp phổ biến thứ hai, cũng có nhiều khả năng phát triển viêm xương khớp. Những người bị rối loạn chuyển hóa nhất định, chẳng hạn như quá tải sắt hoặc hormone tăng trưởng dư thừa, cũng có nguy cơ viêm xương khớp cao hơn.

Xem thêm: 7 nguyên nhân viêm khớp bạn cần biết

Các triệu chứng của viêm khớp gối là gì?

Các triệu chứng viêm khớp gối có thể bao gồm:

  • Đau tăng lên khi bạn hoạt động, giảm khi nghỉ ngơi.
  • Sưng
  • Cảm giác nóng trong khớp
  • Cứng khớp gối, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc khi bạn đã ngồi được một lúc không hoạt động gì
  • Giảm khả năng vận động của đầu gối, gây khó khăn cho việc đứng lên, ngồi xuống ghế, leo cầu thang hoặc đi bộ.
  • Tiếng lục khục khớp khi di chuyển

Xem thêm: Triệu chứng viêm khớp: Những dấu hiệu bạn cần biết

Viêm khớp gối được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán viêm khớp gối, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền sử mắc bệnh của bạn. Hãy cho bác sĩ biết về điều gì làm đau gối tăng lên hoặc giảm đi để giúp bác sĩ định hướng xem nguyên nhân nào gây ra đau khớp gối ở bạn. Tiếp theo bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và yêu cầu một số xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh, bao gồm:

Chụp X-quang

Phương pháp này không thu được hình ảnh của sụn khớp nhưng mất sụn được thấy thông qua thu hẹp khoảng cách giữa 2 đầu xương trong khớp. X-quang cũng có thể cho thấy các gai xương xung quanh khớp. Một số người có thể có triệu chứng viêm xương khớp trên phim chụp X-quang trước khi họ gặp bất kỳ triệu chứng nào.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

MRI sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm, bao gồm cả sụn khớp. MRI thường không cần thiết để chẩn đoán viêm xương khớp nhưng có thể giúp cung cấp thêm thông tin trong các trường hợp phức tạp.

Xét nghiệm máu

Mặc dù không có xét nghiệm máu đặc hiệu cho cho viêm xương khớp, nhưng một số xét nghiệm có thể giúp loại trừ các nguyên nhân gây đau khớp khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.

Phân tích máu hoặc dịch khớp của bạn có thể giúp xác nhận chẩn đoán.

Phân tích dịch khớp

Bác sĩ có thể sử dụng kim để hút chất lỏng ra khỏi khớp bị ảnh hưởng. Kiểm tra và kiểm tra chất lỏng từ khớp của bạn có thể xác định xem có bị viêm hay không và liệu cơn đau của bạn có phải do bệnh gút hoặc nhiễm trùng hay không.

Viêm khớp gối được điều trị như thế nào?

Mục tiêu chính của điều trị viêm khớp gối là giảm đau và vận động trở lại. Kế hoạch điều trị thường sẽ kết hợp những biện pháp sau đây:

Giảm cân

Ngay cả khi bạn giảm được một trọng lượng nhỏ cũng có thể giảm bớt áp lục cho khớp và giúp giảm đau.

Nói chuyện với một chuyên gia dinh dưỡng về những biện pháp lành mạnh để giảm cân. Hầu hết mọi người kết hợp những thay đổi trong chế độ ăn uống với tăng cường tập thể dục.

Tập thể dục

Tăng cường cơ bắp quanh đầu gối giúp khớp ổn định hơn và giảm đau. Bài tập kéo dài giúp giữ cho khớp gối di động và linh hoạt.

Thuốc giảm đau

Acetaminophen (Tylenol, Paracetamol, Efferalgan) đã được chứng minh là có hiệu quả đối với những người bị viêm xương khớp bị đau nhẹ đến trung bình. Mỗi lần dùng thuốc cách nhau 4-6 tiếng. Dùng nhiều hơn liều lượng khuyến cáo của acetaminophen có thể gây tổn thương gan.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Một số hoạt chất trong nhóm thuốc NSAIDs được sử dụng phổ biến nhất có thể kể đến như aspirin, ibuprofen hay meloxicam. NSAID có thể gây khó chịu cho dạ dày, các vấn đề về tim mạch, chảy máu và tổn thương gan và thận. NSAID tại chỗ có ít tác dụng phụ hơn và cũng có thể giảm đau .

Đừng dùng thuốc không kê đơn trong hơn 10 ngày mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Dùng chúng lâu hơn sẽ làm tăng cơ hội tác dụng phụ. Nếu các loại thuốc không kê đơn không giúp giảm đau, bác sĩ có thể cho bạn một loại thuốc chống viêm theo toa hoặc các loại thuốc khác để giúp giảm đau.

Tiêm Cortisone

Tiêm thuốc corticosteroid có thể làm giảm đau ở khớp. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ làm tê khu vực xung quanh khớp, sau đó chọc kim vào khoảng trống trong khớp và tiêm thuốc. Số lần tiêm cortisone bạn có thể nhận được mỗi năm thường giới hạn ở ba hoặc bốn lần tiêm, vì thuốc có thể làm tổn thương khớp theo thời gian.

Tiêm chất bôi trơn

Hyaluronic acid tương tự như một thành phần thường được tìm thấy trong dịch khớp của bạn. Tiêm axit hyaluronic có thể giúp giảm đau bằng cách cung cấp chất đệm ở đầu gối, mặc dù một số nghiên cứu cho thấy những mũi tiêm này không giúp giảm đau nhiều hơn giả dược.

Phương pháp điều trị thay thế

Một số phương pháp điều trị thay thế có thể có hiệu quả bao gồm các loại kem bôi chứa capsaicin, châm cứu hoặc bổ sung thực phẩm chức năng chứa glucosamine và chondroitin

Sử dụng các thiết bị như băng trợ lực đầu gối

Có hai loại băng trợ lực:  loại “unloader” làm giảm áp lực lên bên gối bị viêm, loại “support” cũng cấp hỗ trợ cho toàn bộ đầu gối.

Vật lý trị liệu

Một nhà vật lý trị liệu có thể giúp bạn tạo ra một chương trình tập thể dục cá nhân giúp tăng cường cơ bắp quanh khớp, tăng phạm vi chuyển động và giảm đau. Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng mà bạn có thể tự làm, chẳng hạn như bơi lội hoặc đi bộ, có thể có hiệu quả như nhau.

Liệu pháp nghề nghiệp

Một nhà trị liệu nghề nghiệp có thể giúp bạn khám phá những cách để thực hiện các công việc hàng ngày hoặc thực hiện công việc của bạn mà không gây thêm áp lực cho khớp bị đau.

Phẫu thuật

Khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, phẫu thuật là một lựa chọn tốt.

Phẫu thuật trong điều trị viêm khớp gối

Các điều trị viêm khớp gối bằng phẫu thuật: nội soi, đục xương sửa trục và thay khớp

Nội soi khớp

Cho phép bác sĩ phẫu thuật quan sát bên trong đầu gối của bạn bằng cách sử dụng một camera đưa vào thông qua đường rạch nhỏ trên da.  Khi đó, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ sụn bị hư hỏng làm sạch bề mặt xương, tái tạo dây chằng chéo và sửa chữa các loại mô khác nếu những tổn thương đó được phát hiện. Phẫu thuật thường được áp dụng trên những bệnh nhân trẻ tuổi (từ 55 tuổi trở xuống) để trì hoãn việc phải phẫu thuật nghiêm trọng hơn.

Đục xương sửa trục (osteotomy)

Nếu viêm xương khớp làm tổn thương một bên đầu gối của bạn nhiều hơn bên kia, phẫu thuật đục xương sửa trục có thể hữu ích. Mục đích của đục xương sửa trục là thay đổi trục chịu chịu lực của chân, chuyển trọng tâm chịu lực của khớp gối từ khoang thoái hóa (chân vẹo trong, chân vẹo ra ngoài) sang khoang lạnh để giảm đau và khuyết tật, cải thiện tình trạng đau nhức cho bệnh nhân. Phương pháp này không phải là vĩnh viễn, và có thể cần phải phẫu thuật thêm sau này.

Phẫu thuật thay khớp

Trong phẫu thuật thay khớp (arthroplasty), bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ các bề mặt khớp bị hư hỏng và thay thế chúng bằng các bộ phận bằng nhựa và kim loại. Việc thay thế có thể có thể là thay khớp bán phần hoặc toàn phần. Phẫu thuật thay khớp thường dành cho những người trên 50 tuổi bị viêm xương khớp nặng. Phẫu thuật có thể cần phải được lặp lại sau đó nếu khớp bị mòn sau vài năm, nhưng với những tiến bộ hiện đại ngày nay, hầu hết các khớp mới sẽ kéo dài hơn 20 năm. Phẫu thuật có rủi ro, nhưng kết quả nhìn chung là rất tốt.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment