Tâm lý

Ám ảnh là gì? Biểu hiện, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Khác với cảm giác sợ hãi nhất thời, hay những lo âu ngắn hạn, ám ảnh gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của một người. Chúng gây ra những cơn hoảng sợ tột độ, khiến người bệnh thậm chí có thể sợ tất cả mọi thứ xung quanh.

Nguyên nhân gì gây nên những nỗi ám ảnh? Biểu hiện của ám ảnh là gì? Ám ảnh có thể phát hiện sớm và điều trị được hay không?

Hãy đọc bài viết này để hiểu hơn về ám ảnh nhé!

Xem thêm: Sức khỏe tâm thân là gì? Những điều cơ bản mà bạn cần biết

Vài sự thật về ám ảnh

  • Ám ảnh nghiêm trọng hơn cảm giác sợ hãi đơn giản và không giới hạn ở nỗi sợ các tác nhân cụ thể.
  •  Mặc dù các cá nhân nhận thức được rằng nỗi ám ảnh của họ là phi lý, tuy vậy họ không thể kiểm soát phản ứng sợ hãi.
  • Các triệu chứng có thể bao gồm đổ mồ hôi, đau ngực, dị cảm (ngứa ran, đau buốt, tê liệt).
  • Ám ảnh là rối loạn tâm thần có thể chẩn đoán.
  • Điều trị có thể bao gồm thuốc và liệu pháp hành vi.

Ám ảnh là gì?

ám ảnh

Ám ảnh, hay ám ảnh sợ hãi hoặc hội chứng sợ (phobia) là một loại rối loạn lo âu, khiến người bệnh trải qua nỗi sợ hãi cực độ và phi lý về một sự vật, sự việc, địa điểm hoặc tình huống hoàn toàn không có tính nguy hiểm.

Thuật ngữ ‘ám ảnh’ thường được sử dụng để chỉ một nỗi sợ hãi về một đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, có ba loại ám ảnh sỡ hãi  được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) công nhận. Bao gồm:

Ám ảnh chuyên biệt (Specific phobia)

Đây là một nỗi sợ hãi thái quá và phi lý được kích hoạt bởi sự hiện diện và sự dự đoán của vật thể hoặc tình huống cụ thể.

Ám ảnh sợ xã hội (Social phobia)

Đây là một sợ hãi sâu sắc về sự chỉ trích công khai và bị cô lập hay phê phán trong một tình huống xã hội. Ý tưởng về các cuộc tụ họp hay các tình huống mang tính xã hội thực sự rất đáng sợ đối với một người có ảm ảnh xã hội. Nó không phải là sự nhút nhát.

Ám ảnh sợ khoảng trống hay Bệnh sợ không gian rộng (Agoraphobia)

Đây là nỗi sợ hãi khi người bệnh phải trải qua sự hoảng loạn tột độ, họ nhận thấy môi trường của họ không an toàn và khó có thể thoát ra, như các trung tâm mua sắm hoặc đơn giản là ở bên ngoài nhà của họ. Ám ảnh sợ khoảng trống thường bị hiểu nhầm chỉ là nỗi sợ về các không gian rộng lớn, trên thực tế, nó cũng có thể xảy ra khi bị giới hạn trong một không gian nhỏ, như trong thang máy hoặc trên phương tiện giao thông công cộng. Những người mắc bệnh sợ khoảng trống có nguy cơ mắc chứng rối loạn hoảng sợ.

Ám ảnh đơn giản

Những ám ảnh chuyên biệt được gọi là nỗi ám ảnh đơn giản, vì chúng có thể được liên kết với một nguyên nhân xác định, có thể không thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của một cá nhân, chẳng hạn như rắn. Do đó, những ám ảnh chuyên biệt gần như không ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày.

Ám ảnh phức tạp

Ám ảnh sợ xã hội và ám ảnh sợ khoảng trống được gọi là nỗi ám ảnh phức tạp, vì các tác nhân của chúng ít được nhận ra. Những người có nỗi ám ảnh phức tạp cũng khó tránh khỏi các tác nhân hơn, chẳng hạn như việc rời khỏi nhà hoặc ở trong một đám đông lớn.

Các ám ảnh thường gặp

Những nỗi ám ảnh thường gặp nhất bao gồm:

  • Ablutophobia: Chứng sợ tắm rửa
  • Acousticophobia: Chứng sợ tiếng ồn
  • Acrophobia: Chứng sợ độ cao
  • Agoraphobia: Chứng sợ không gian công cộng
  • Agyrophobia: Chứng sợ qua đường
  • Anthropophobia: Chứng sợ con người, sợ xã hội
  • Aquaphobia: Chứng sợ nước
  • Arachnophobia: Chứng sợ nhện
  • Astraphobia: Chứng sợ sấm chớp
  • Autophobia: Chứng sợ cô độc, bị bỏ rơi
  • Blood-injection-injury type phobia: Chứng sợ tổn thương máu
  • Chiratophobia: Chứng sợ đụng chạm
  • Chronophobia: Chứng sợ thời gian
  • Claustrophobia: Chứng sợ không gian kín
  • Cynophobia: Chứng sợ chó
  • Emetophobia: Chứng sợ nôn
  • Entomophobia: Chứng sợ côn trùng
  • Genophobia: Chứng sợ tình dục
  • Glossophobia: Chứng sợ nói trước đám đông
  • Gamophobia: Chứng sợ kết hôn
  • Kenophobia: Chứng sợ không gian trống
  • Ligyrophobia: Chứng sợ tiếng động lớn
  • Mysophobia: Chứng sợ bẩn
  • Nyctophobia: Chứng sợ bóng tối
  • Necrophobia: Chứng sợ chết
  • Ochlophobia: Chứng sợ đám đông
  • Pathophobia: Chứng sợ bệnh tật
  • Pnigophobia: Chứng sợ nghẹt thở
  • Tunnel phobia: Chứng sợ đường hầm
  • Xenophobia: Chứng sợ người lạ
  • Zoophobia: Chứng sợ động vật

Đây không chỉ là những ám ảnh cụ thể duy nhất. Mọi người có thể bị ám ảnh bởi bất cứ thứ gì. Vì vậy, khi xã hội thay đổi, danh sách những nỗi ám ảnh tiềm năng cũng thay đổi. Ví dụ: nomophobia – hội chứng lo sợ khi không có điện thoại di động hoặc máy tính.

Triệu chứng

Một người mắc chứng ám ảnh sợ hãi sẽ trải qua các triệu chứng sau đây. Chúng phổ biến trên hầu hết các nỗi ám ảnh:

  • Cảm giác lo lắng không thể kiểm soát khi tiếp xúc với nguồn sợ hãi.
  • Cảm giác rằng nguồn gốc của nỗi sợ hãi đó phải được tránh bằng mọi giá.
  • Không thể cư xử bình thường khi tiếp xúc với các đối tượng hoặc tình huống gây nên sự sợ hãi.
  • Thừa nhận rằng nỗi sợ hãi là quá mức và không hợp lý, kết hợp với việc không thể kiểm soát cảm xúc.

Một người có khả năng trải qua cảm giác hoảng loạn và lo lắng dữ dội khi tiếp xúc với đối tượng ám ảnh của họ. Các tác động vật lý của những cảm giác này có thể bao gồm:

  • Ra nhiều mồ hôi.
  • Nhịp thở bất thường.
  • Tăng nhịp tim .
  • Run rẩy.
  • Nóng bừng hoặc ớn lạnh.
  • Cảm giác nghẹt thở.
  • Đau hoặc tức ngực.
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Khô miệng.
  • Buồn nôn.
  • Chóng mặt.
  • Đau đầu.
  • Cảm giác hồi hộp.
  • Cảm giác hỗn loạn và mất phương hướng.

Một cảm giác lo lắng thậm chí có thể được tạo ra ngay khi suy nghĩ về đối tượng của nỗi ám ảnh. Ở trẻ nhỏ, cha mẹ có thể quan sát thấy chúng khóc, trở nên rất bướng bỉnh hoặc cố gắng trốn đằng sau chân của cha mẹ hoặc một vật. Chúng cũng có thể nổi cơn thịnh nộ để thể hiện sự đau khổ của mình.

Một nỗi ám ảnh phức tạp có nhiều khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của một người hơn là một nỗi ám ảnh chuyên biệt.

Những người trải qua ám ảnh sợ khoảng trống thường sẽ luôn đồng thời có một số nỗi ám ảnh khác. Chúng có thể bao gồm: hội chứng sợ bị đơn độc (monophobia), nỗi sợ bị bỏ lại một mình, hoặc hội chứng sợ không gian kín (claustrophobia) , nỗi sợ cảm giác bị mắc kẹt trong không gian kín.

Trong trường hợp nghiêm trọng, một người mắc ám ảnh sợ khoảng trống sẽ hiếm khi rời khỏi nhà của họ.

Nguyên nhân gây ám ảnh

Rất ít các nỗi ám ảnh bắt đầu sau tuổi 30, hầu hết chúng xuất hiện từ thời thơ ấu, thiếu niên hoặc tuổi mới lớn.

Nỗi ám ảnh có thể được gây ra bởi một stress nặng, một sự việc đáng sợ, hoặc nỗi ám ảnh của cha mẹ hoặc thành viên gia đình mà một đứa trẻ có thể ‘học hỏi’.

Nguyên nhân của ám ảnh chuyên biệt

Chúng thường phát triển trước 4 đến 8 tuổi. Trong một số trường hợp, nó có thể là kết quả của một trải nghiệm đau thương sớm. Ví dụ: Chứng sợ không gian kín sẽ phát triển theo thời gian, sau khi một đứa trẻ có một trải nghiệm khó chịu trong một không gian chật hẹp.

Những nỗi ám ảnh bắt đầu trong thời thơ ấu cũng có thể được gây ra khi chứng kiến ​​nỗi ám ảnh của một thành viên trong gia đình. Chẳng hạn, một đứa trẻ có mẹ mắc chứng sợ nhện (arachnophobia) có nhiều khả năng mắc chứng ám ảnh tương tự.

Nguyên nhân của ám ảnh phức tạp

Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận chính xác lý do tại sao một người mắc ám ảnh sợ khoảng trống hoặc ám ảnh sợ xã hội. Các nhà nghiên cứu hiện cho rằng những nỗi ám ảnh phức tạp là do sự kết hợp giữa kinh nghiệm sống, tính chất hóa học của não và di truyền.

Bộ não hoạt động như thế nào trong một nỗi ám ảnh?

Một số khu vực của bộ não lưu trữ và nhớ lại các sự kiện nguy hiểm hoặc có khả năng gây tử vong.

Nếu một người sau đó phải đối mặt với một sự kiện tương tự trong cuộc sống, những vùng não này lặp lại các ký ức căng thẳng. Điều này khiến cơ thể gặp phải phản ứng tương tự.

Trong một nỗi ám ảnh, các khu vực của bộ não khi đối phó với nỗi sợ hãi và sress liên tục thu hồi và truy xuất sự kiện đáng sợ một cách không thích hợp.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nỗi ám ảnh có liên quan đến hạch hạnh nhân (Amygdala), nằm sau tuyến yên trong não. Hạch hạnh nhân có thể kích hoạt sự giải phóng adrenaline – hormone “sợ hãi”. Điều này khiến cơ thể và tâm trí căng thẳng cao độ và luôn trong trạng thái stress.

Chẩn đoán

Nỗi ám ảnh có thể được chẩn đoán khi một người bắt đầu thay đổi cuộc sống để tránh những nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi của họ. Nó nghiêm trọng hơn một phản ứng sợ hãi thông thường rất nhiều. Những người mắc chứng ám ảnh có phản ứng vượt quá kiểm soát, để tránh bất cứ điều gì gây ra lo lắng của họ.

Việc chẩn đoán hội chứng ám ảnh được thực hiện thông qua việc khai thác tiền sử, bệnh sử, đặt câu hỏi phỏng vấn người bệnh khi thăm khám lâm sàng trực tiếp. Những người bị ám ảnh hầu như luôn nhận thức được sự rối loạn của họ. Điều này giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán.

Không có bất kỳ xét nghiệm hay các phương tiện nào khác có thể giúp cho chẩn đoán.

Điều trị

Ám ảnh có thể điều trị!

Nói chuyện với một nhà tâm lý học hoặc một bác sĩ tâm thần là bước đầu tiên trong việc điều trị chứng ám ảnh đã được xác định.

Nếu nỗi ám ảnh không gây ra vấn đề nghiêm trọng, hầu hết mọi người thấy rằng chỉ cần tránh nguồn sợ hãi sẽ giúp họ kiểm soát. Nhiều người mắc chứng ám ảnh chuyên biệt sẽ không tìm cách điều trị vì những nỗi sợ này thường có thể kiểm soát được.

Một số ám ảnh không thể tránh các tác nhân gây ra, như các ám ảnh phức tạp. Trong những trường hợp này, nói chuyện với một chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể là bước đầu tiên để điều trị và phục hồi.

Hầu hết các nỗi ám ảnh có thể được chữa khỏi bằng phương pháp điều trị thích hợp. Không điều trị duy nhất nào có hiệu quả cho tất cả những người bị ám ảnh. Điều trị cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân.

Bác sĩ đa khoa, bác sĩ tâm thần hoặc các nhà tâm lý học có thể sử dụng trị liệu hành vi, thuốc men hoặc kết hợp cả hai. Nhằm mục đích giảm các triệu chứng sợ hãi và lo lắng, giúp người bệnh quản lý các phản ứng của họ đối với nỗi ám ảnh.

Thuốc

Các loại thuốc sau đây có hiệu quả để điều trị ám ảnh:

Các thuốc chẹn beta (Beta blockers)

Loại thuốc này có thể làm giảm hiệu quả sự lo âu đi kèm với nỗi ám ảnh.

Các tác dụng phụ có thể bao gồm đau dạ dày, mệt mỏi, mất ngủ và ngón tay lạnh.

Thuốc chống trầm cảm (antidepressant)

Các thuốc  ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) thường được kê đơn cho những người mắc chứng sợ hãi. Chúng ảnh hưởng đến mức serotonin trong não, và điều này có thể làm cho tâm trạng tốt hơn. Các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin ban đầu có thể gây ra: buồn nôn, khó ngủ và đau đầu.

Nếu SSRIs không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế enzyme monoamine oxidase (MAOI) cho chứng ám ảnh sợ xã hội. Người bệnh khi sử dụng MAOI có thể phải tránh một số loại thực phẩm. Tác dụng phụ ban đầu của MAOI bao gồm: chóng mặt, đau dạ dày, bồn chồn, đau đầu và mất ngủ.

Dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): chẳng hạn như clomipramine, hoặc anafranil, cũng đã được nhận định có thể cải thiện các triệu chứng ám ảnh. Tác dụng phụ ban đầu xủa TCA bao gồm: buồn ngủ, mờ mắt, táo bón , khó tiểu, nhịp tim không đều, khô miệng, run rẩy.

Các thuốc an thần

Benzodiazepines là một ví dụ về thuốc an thần có thể được kê đơn cho chứng ám ảnh. Chúng có thể giúp giảm các triệu chứng lo lắng. Những người có tiền sử nghiện rượu không nên sử dụng thuốc an thần.

Trị liệu hành vi

Có một số phương pháp có thể lựa chọn để điều trị chứng ám ảnh:

Giải mẫn cảm, hoặc liệu pháp tiếp xúc

Đưa bệnh nhân dần tiếp xúc với các kích thích gây ám ảnh, khi không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào.

Liệu pháp tiếp xúc có thể giúp những người mắc chứng ám ảnh thay đổi phản ứng của họ đối với nguồn gốc của nỗi sợ hãi. Họ dần dần tiếp xúc với nguyên nhân của nỗi ám ảnh qua một loạt các bước cụ thể. Ví dụ: một người mắc chứng sợ bay, hay sợ hãi khi ở trên máy bay, có thể thực hiện các bước sau theo hướng dẫn:

  1. Đầu tiên người bệnh nghĩ về việc bay.
  2. Nhà trị liệu cho họ nhìn vào hình ảnh những chiếc máy bay.
  3. Người bệnh đến sân bay.
  4. Người bệnh ngồi trong một phỏng thực hành mô phỏng cabin máy bay.
  5. Cuối cùng, họ sẽ lên máy bay.

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)

Là liệu pháp tập trung vào kỹ năng ngắn hạn, nhằm giúp mọi người khuếch tán phản ứng cảm xúc không hữu ích, bằng cách giúp mọi người xem xét sự khác biệt hoặc thay đổi hành vi của họ.

Các bác sĩ, nhà trị liệu hoặc tư vấn viên giúp người mắc chứng ám ảnh xem xét các sự khác biệt và thực hành các chiến lược hiệu quả để giải quyết nguồn ám ảnh của họ. Quan trọng nhất, CBT có thể giúp người bệnh kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ của chính họ khi trải qua nỗi ám ảnh.

Lời kết

Ám ảnh là một rối loạn tâm lý thường gặp và gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng công việc của người bệnh. Họ sẽ trải qua đau khổ dữ dội khi phải đối mặt với nguồn ám ảnh của họ, và đôi khi sẽ dẫn đến các cơn hoảng loạn.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ám ảnh đều có thể điều trị, và thông thường nguồn gốc của nỗi sợ hãi là có thể tránh được.

Nếu bạn có một nỗi ám ảnh, đừng lo sợ, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các trung tâm y tế. Các bác sĩ chuyên khoa hoặc nhà tâm lý học sẽ cung cấp cho bạn các cuộc nói chuyện về cách vượt qua nỗi ám ảnh cụ thể!

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment