Mục lục
- Ung thư bàng quang là gì?
- Các loại ung thư bàng quang
- Yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang
- Triệu chứng của ung thư bàng quang
- Biến chứng của ung thư bàng quang
- Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư bàng quang
- Các giai đoạn của ung thư bàng quang
- Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng
- Tổng quan về lựa chọn điều trị
- Điều trị ung thư bàng quang có thể gây ra tác dụng phụ
- Hỗ trợ bệnh nhân ung thư bàng quang
- Tiên lượng ung thư bàng quang
- Sàng lọc ung thư bàng quang
- Phòng chống ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là gì?
Tại Việt Nam, khoảng hơn 20 năm trước thì ung thư bàng quang đứng vị trí hàng đầu nhưng trong vài năm gần đây thì lùi lại vị trí thứ hai, sau ung thư tuyến tiền liệt do những cố gắng trong việc tầm soát bệnh. Số lượng ca bệnh mỗi năm khoảng 2.000 trường hợp, tỉ lệ nam/nữ từ 1,2 – 3,5/1
Ung thư bàng quang là một khối u ác tính xuất hiện ở bàng quang. Kích thước của khối u có thể nhỏ hoặc lớn. Nó có khả năng phát triển sâu vào lớp cơ của bàng quang và có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Bàng quang là một cơ quang rỗng ở phần dưới của bụng. Nó có hình dạng như một quả bóng nhỏ và thành bàng quang có thể co giãn, cho phép nó thu nhỏ hay phình to để lưu trữ nước tiểu do thận tạo ra.
Trong cơ thể bạn có hai quả thận, ở hai bên xương sống phía trên thắt lưng. Thận có chức năng lọc máu và thải những chất không cần thiết ra ngoài cơ thể theo nước tiểu. Nước tiểu đi từ mỗi thận qua một ống dài gọi là niệu quản đi vào bàng quang. Bàng quang giữ nước tiểu cho đến khi đầy, gây ra cảm giác buồn tiểu và bài tiết nước tiểu ra ngoài cơ thể qua niệu đạo.
Các loại ung thư bàng quang
Có ba loại ung thư bàng quang bắt đầu trong các tế bào của niêm mạc bàng quang:
Ung thư tế bào chuyển tiếp
Là loại phổ biến nhất của ung thư bàng quang. Nó bắt đầu từ các tế bào chuyển tiếp trên lớp lót bên trong của bàng quang. Tế bào chuyển tiếp là tế bào có thể thay đổi hình dạng mà không bị tổn thương khi các mô co giãn, nó căng ra khi bàng quang đầy và co lại khi bàng quang trống rỗng.
Ung thư tế bào chuyển tiếp có 2 loại là:
- Ung thư tế bào chuyển tiếp ở cấp độ thấp (biệt hóa cao) thường tái phát sau khi điều trị, nhưng hiếm khi lan vào lớp cơ của bàng quang hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể.
- Ung thư tế bào chuyển tiếp ở cấp độ cao (biệt hóa thấp) thường tái phát sau khi điều trị và thường lan vào lớp cơ của bàng quang, di căn đến các bộ phận khác của cơ thể và đến các hạch bạch huyết. Hầu như tất cả các trường hợp tử vong do ung thư bàng quang là do loại này.
Yếu tố nguy cơ của loại ung thư này là:
- Tuổi: cao nhất ở lứa tuổi 70
- Nghề nghiệp tiếp xúc với thuốc nhuộm anyline và các amine thơm.
- Hút thuốc lá: Mguy cơ tăng gấp 4 lần.
- Lạm dụng phenacetine
- Ðiều trị với cyclophosphamide
Ung thư biểu mô tế bào vảy
Ung thư bắt đầu trong các tế bào vảy (tế bào mỏng, phẳng lót bên trong bàng quang), tế bào vảy hiện diện trong bàng quang để đáp ứng với nhiễm trùng và các kích thích. Theo thời gian, chúng có thể biến đổi thành ung thư. Ung thư bàng quang tế bào vảy hiếm gặp hơn. Nó thường gặp ở những nơi mà dân số thường bị nhiễm ký sinh trùng (sán máng), một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng bàng quang.
Carcinom tế bào tuyến (Adenocarcinoma)
Cũng là một dạng hiếm gặp của ung thư bàng quang. Trong bàng quang có các tế bào tuyến chịu trách nhiệm tiết chất nhầy, tế bào ung thư bắt đầu xuất hiện trên các tế bào tuyến trong bàng quang do hậu quả của nhiễm trùng hoặc kích thích bàng quang trong thời gian dài.
Ung thư nằm trong niêm mạc bàng quang được gọi là ung thư bàng quang bề mặt. Ung thư đã di căn qua niêm mạc bàng quang và xâm lấn vào thành cơ của bàng quang hoặc đã lan đến các cơ quan lân cận và các hạch bạch huyết được gọi là ung thư bàng quang xâm lấn hay di căn.
Yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang
Bất cứ điều gì làm tăng khả năng mắc bệnh được gọi là yếu tố nguy cơ. Có một yếu tố nguy cơ gây ung thư không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư; không có các yếu tố rủi ro cũng không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có một số yếu tố nguy cơ sau đây:
Sử dụng thuốc lá, đặc biệt là hút thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố quan trọng nhất đối với ung thư bàng quang. Thuốc lá gây ra khoảng một nửa các trường hợp của bệnh ung thư bàng quang ở cả nam và nữ. Tỷ lệ người hút thuốc mắc ung thư bàng quang cao hơn những người khác.
Khi người hút thuốc hít vào, các chất gây ung thư trong khói thuốc lá được hấp thụ từ phổi và đi vào máu. Từ máu, chúng được lọc qua thận và tập trung trong nước tiểu. Những hóa chất này trong nước tiểu có thể gây tổn hại các tế bào lót bên trong của bàng quang làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Có tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang
Những người có các thành viên trong gia đình bị ung thư bàng quang có nguy cơ gia tăng bệnh. Một số do di truyền của hội chứng gen làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang như: đột biến gen các nguyên bào võng mạc gen có thể gây ra ung thư mắt ở trẻ sơ sinh và cũng làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
Những người mắc các bệnh về ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến giáp cũng có khả năng cao bị ung thư bàng quang. Tìm hiểu kỹ hơn về di truyền và ung thư qua bài: Ung thư có di truyền không?
Dị tật bẩm sinh bàng quang
Trước khi sinh, có một kết nối giữa rốn và bàng quang. Liên kết này được gọi là urachus. Nếu một phần của kết nối này vẫn còn sau khi sinh, nó có thể trở thành ung thư.
Ung thư bắt đầu trong các loại ung thư urachus thường được tạo thành từ các tế bào tuyến ác tính. Khoảng một phần ba ung thư bàng quang bắt đầu từ đây. Tuy nhiên, điều này chỉ chiếm hơn một nửa trong số 1% của tất cả các bệnh ung thư bàng quang.
Tiếp xúc với sơn, thuốc nhuộm, kim loại hoặc các sản phẩm hóa chất tại nơi làm việc
Một số hóa chất công nghiệp có liên quan đến ung thư bàng quang. Hóa chất như amin, benzidin và beta-naphthylamine được sử dụng trong các ngành công nghiệm nhuộm, có thể gây ra ung thư bàng quang.
Người lao động trong các ngành công nghiệp khác có sử dụng hóa chất hữu cơ nào đó cũng có thể có nguy cơ bị ung thư bàng quang nếu tiếp xúc với những chất độc hại mà không có công cụ bảo vệ.
Các ngành công nghiệp như các nhà sản xuất cao su, da, dệt may và các sản phẩm sơn cũng có nguy cơ cao mắc ung thư bàng quang nếu không được bảo vệ an toàn.
Tuổi tác
Nguy cơ ung thư bàng quang tăng theo độ tuổi. Khoảng 9 trong 10 trường hợp ung thư bàng quang được tìm thấy ở những người lớn tuổi, khoảng từ 55 đến 75 tuổi.
Asen trong nước uống
Asen trong nước uống có liên quan với tăng nguy cơ ung thư bàng quang ở một số nơi trên thế giới. Asen có thể trong môi trường sống, cho dù bạn lấy từ giếng hoặc từ một hệ thống nước công cộng đáp ứng các tiêu chuẩn về hàm lượng asen.
Không uống đủ nước có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những người uống nhiều nước mỗi ngày sẽ có ít nguy cơ mắc ung thư bàng quang hơn.
Tiền sử mắc bệnh bàng quang
Ung thư biểu mô Urothelial có thể hình thành trong nhiều loại tế bào trong bàng quang cũng như niêm mạc của thận, niệu quản và niệu đạo. Khi có ung thư nội mạc bất cứ phần nào của đường tiểu thì cũng có nguy cơ cao hơn có khối u khác.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận và bàng quang trong một thời gian dài và các nguyên nhân khác của sự kích thích bàng quang mạn tính đều có liên quan đến bệnh ung thư bàng quang. Đặc biệt là ung thư biểu mô tế bào vảy của bàng quang.
Các kích thích lên bàng quang có thể gây ung thư bàng quang:
- Điều trị trong quá khứ bằng xạ trị vào khung chậu hoặc với một số loại thuốc chống ung thư, như cyclophosphamide hoặc ifosfamide
- Sử dụng Aristolochia fangchi, một loại thảo mộc của Trung Quốc
- Sử dụng ống thông tiểu trong một thời gian dài.
Triệu chứng của ung thư bàng quang
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư bàng quang bao gồm máu trong nước tiểu và đau khi đi tiểu.
Những dấu hiệu này có thể gây ra bởi ung thư bàng quang hoặc do các nguyên nhân khác. Hãy đi khám nếu bạn có bất kỳ điều sau đây:
- Đi tiểu ra máu
- Đau khi đi tiểu (có thể không xuất hiện)
- Đi tiểu nhiều
- Thường xuyên buồn tiểu quá mức
- Đi tiểu không tự chủ được
- Đau ở vùng bụng
- Đau ở vùng thắt lung
- Mệt mỏi
- Sút cân
- Đau nhức xương khớp
Biến chứng của ung thư bàng quang
- Chảy máu:Thường do khối u loét gây chảy máu nhiều.
- Nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn bàng quang xảy ra do khối u bàng quang bị loét. Bệnh nhân đái máu, đái buốt và rắt.
- Bí tiểu: Khi khối u ăn lan đến tam giác bàng quang hoặc do u lớn làm bít tắc lỗ cổ bàng quang gây bí tiểu
- Ứ nước thận: Khi u chèn ép vào niệu quản, có thể làm ứ tắc nước tiểu ở niệu quản và thận. Ứ nước có thể một bên hoặc cả 2 bên.
- Thủng bàng quang hoặc các cơ quan lân cận: Khối u phát triển ăn thủng bàng quang vào các tổ chức xung quanh: Gây thủng vào trực tràng, đường sinh dục…
Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư bàng quang
Các xét nghiệm kiểm tra nước tiểu và bàng quang được sử dụng để giúp phát hiện và chẩn đoán ung thư bàng quang.
Trước tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám tổng quát, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh, chẳng hạn như cục u hoặc bất cứ điều gì khác có vẻ bất thường. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật, phương pháp điều trị đã sử dụng, các thói quen sinh hoạt hàng ngày, tiền sử bệnh tật gia đình và xung quanh.
Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra trực tràng và âm đạo (đối với nữ). Bác sĩ đeo găng tay và thăm khám âm đạo và trực tràng để khám khối u (kích thích, mật độ, di động, bờ…)
Một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán:
Xét nghiệm nước tiểu tìm tế bào ung thư
Xét nghiệm này có độ chính xác cao (95%) trong chẩn đoán ung thư có độ biệt hoá cao và ung thư insitu, nhưng ít có giá trị hơn trong chẩn đoán ung thư có độ biệt hoá thấp (độ chính xác 10-50%). Lấy nước tiểu buổi sáng, quay ly tâm và soi tế bào theo phương pháp Papanicolaou có thể phát hiện tế bào u. Nhiều khi phải làm nhiều lần.
Siêu âm
Qua siêu âm thành bụng hoặc qua trực tràng ta có thể thấy rõ hình ảnh khối u và có thể phần nào đánh giá độ xâm lấn của u vào thành bàng quang. Kết quả chính xác cao (80-90%).
X quang
Chụp hệ tiết niệu cản quang tĩnh mạch (UIV) hoặc chụp bàng quang với thuốc cản quang có thể phát hiện hình ảnh khối u. Hoặc độ cứng (không đối xứng) của thành bàng quang do khối u xâm lấn thành bàng quang kém mềm mại.
Ngoài ra có thể kiểm tra hình ảnh thận, niệu quản để phát hiện u ở thận hoặc niệu quản. Trường hợp này u bàng quang có thể là thứ phát của u thận.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner)
Có thể cho phép phát hiện được các khối u nhỏ hoặc các hạch di căn của khối u ở xung quanh bàng quang.
Soi bàng quang và sinh thiết
Trong quá trình soi bàng quang, bác sĩ đưa một ống nội soi vào niệu đạo. Dụng cụ soi bàng quang gồm một ống kính và hệ thống chiếu sáng bằng sợi quang. Chúng cho phép bác sĩ quan sát niệu đạo và bàng quang. Bệnh nhân được gây tê cục bộ khi soi bàng quang.
Trong quá trình soi bàng quang, bác sĩ dùng một công cụ đặc biệt đưa qua niệu đạo vào bàng quang sinh thiết một mẫu mô nhỏ để thử nghiệm. Thủ thuật này đôi khi được gọi là cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (transurethral resection of bladder tumor=TURBT). TURBT cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. TURBT thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân.
Chụp thận tĩnh mạch IVP
Dùng quang tuyến X và thuốc cản quang tuyến để chụp ảnh đường tiết niệu của người bệnh.
Các xét nghiệm trên sẽ giúp bác sĩ xác định xem bệnh nhân có bị ung thư bàng quang hay không và đang nằm trong giai đoạn nào để từ đó có phác đồ điều trị thích hợp.
Các giai đoạn của ung thư bàng quang
Thường được chia làm 5 giai đoạn chính, bao gồm:
- Giai đoạn 0: Tế bào ung thư chưa phát triển ra bên ngoài lớp lót của bàng quang
- Giai đoạn I: Ung thư ở giai đoạn này xảy ra trong lớp nội mạc của bàng quang, nhưng chưa xâm chiếm lớp cơ của thành bàng quang.
- Giai đoạn II: Ở giai đoạn này, ung thư đã xâm nhập vào thành bàng quang, nhưng vẫn còn giới hạn ở bàng quang.
- Giai đoạn III: Các tế bào ung thư đã lây lan xuyên qua thành bàng quang để xâm lấn mô xung quanh. Chúng có thể lan đến tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc tử cung hay âm đạo ở phụ nữ.
- Giai đoạn IV: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác, như phổi, xương hoặc gan.
Ngoài ra các bác sĩ có thể sử dụng phân độ TNM trong điều trị.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng
Tiên lượng phụ thuộc vào những điều sau đây:
- Giai đoạn của ung thư (đã di căn chưa). Ung thư bàng quang ở giai đoạn đầu thường có thể được chữa khỏi.
- Loại tế bào ung thư bàng quang
- Tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Nếu ung thư chưa di căn, tiên lượng cũng phụ thuộc vào những điều sau đây:
- Có bao nhiêu khối u.
- Kích thước của các khối u.
- Liệu khối u có tái phát sau khi điều trị không.
- Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào giai đoạn ung thư bàng quang.
Tổng quan về lựa chọn điều trị
Có nhiều cách điều trị khác nhau cho bệnh nhân ung thư bàng quang.
Bốn loại điều trị tiêu chuẩn được sử dụng:
- Phẫu thuật
- Xạ trị
- Hóa trị
- Liệu pháp miễn dịch
Có nhiều loại điều trị khác nhau có sẵn cho bệnh nhân ung thư bàng quang. Một số phương pháp điều trị tiêu chuẩn (phương pháp điều trị hiện đang được sử dụng) và một số phương pháp đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng. Một thử nghiệm điều trị lâm sàng là một nghiên cứu có ý nghĩa giúp cải thiện các phương pháp điều trị hiện tại hoặc có được thông tin về các phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư. Khi các thử nghiệm lâm sàng cho thấy một phương pháp điều trị mới tốt hơn điều trị tiêu chuẩn, phương pháp điều trị mới có thể trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Bệnh nhân có thể muốn tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng.
Lựa chọn điều trị cho ung thư bàng quang phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại tế bào liên quan, giai đoạn của ung thư, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và chọn lựa điều trị của người bệnh. Cần có sự thảo luận giữa bác sĩ và bệnh nhân để xác định phương pháp điều trị tốt nhất.
Bốn loại điều trị tiêu chuẩn được sử dụng:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật dựa trên các yếu tố như giai đoạn của ung thư bàng quang, sức khỏe tổng thể và sự lựa chọn của người bệnh.
Phẫu thuật ung thư bàng quang giai đoạn đầu
Nếu ung thư còn rất nhỏ và không xâm lấn thành bàng quang, bác sĩ có thể đề nghị:
Phẫu thuật cắt bỏ khối u
Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT) thường được sử dụng để loại bỏ ung thư bàng quang còn giới hạn trong các lớp bên trong của bàng quang. Trong lúc thực hiện TURBT, bác sĩ dùng một vòng dây nhỏ đưa vào bàng quang qua niệu đạo. Vòng dây được dùng để đốt tế bào ung thư bằng dòng điện (fulguration). Trong một số trường hợp, laser năng lượng cao có thể được sử dụng thay thế cho dòng điện. TURBT có thể gây tiểu đau hoặc tiểu có máu trong một vài ngày sau thủ thuật.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u và một phần nhỏ của bàng quang
Trong cắt bỏ bàng quang bán phần, bác sĩ phẫu thuật chỉ loại bỏ phần bàng quang có chứa các tế bào ung thư. Cắt một phần bàng quang là lựa chọn khi ung thư còn giới hạn ở một diện tích bàng quang, còn có thể được loại bỏ dễ dàng mà không gây tổn hại đến chức năng bàng quang.
Phẫu thuật gây nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể đi tiểu thường xuyên hơn sau khi đã được cắt bỏ một phần bàng quang. Di chứng này cải thiện theo thời gian, nhưng đối với một số người, nó có thể là vĩnh viễn.
Phẫu thuật đối với ung thư bàng quang xâm lấn
Khi ung thư đã xâm lấn đến các lớp sâu hơn của thành bàng quang, có thể xem xét:
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang
Loại bỏ toàn bộ bàng quang, cùng các hạch bạch huyết xung quanh. Ở nam giới, cắt bỏ toàn bộ bàng quang thường bao gồm cắt bỏ luôn tuyến tiền liệt và túi tinh. Ở phụ nữ, cắt bỏ toàn bộ bàng quang bao gồm cắt bỏ tử cung, buồng trứng và một phần âm đạo.
Cắt toàn bộ bàng quang gây nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu. Ở nam giới, việc loại bỏ tuyến tiền liệt và túi tinh sẽ gây ra vô sinh. Nhưng trong nhiều trường hợp, bác sĩ phẫu thuật có thể cố gắng giữ lại các dây thần kinh cần thiết cho việc cương dương. Ở phụ nữ, việc loại bỏ buồng trứng sẽ gây vô sinh và mãn kinh sớm.
Phẫu thuật tạo ra một đường dẫn mới để thải trừ nước tiểu
Ngay sau khi cắt bỏ toàn bộ bàng quang, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra một ống dẫn nước tiểu bằng cách sử dụng một đoạn ruột. Ống dẫn này chạy từ thận và mở ra bên ngoài cơ thể, nước tiểu chảy vào một túi mang trên bụng.
Ngoài ra, có thể sử dụng một phần ruột để tạo túi chứa nước tiểu nhỏ bên trong cơ thể. Bệnh nhân có thể tự tiêu thoát nước tiểu từ túi chứa này qua một lỗ ở bụng bằng cách sử dụng ống thông vài lần mỗi ngày.
Trong một số trường hợp chọn lọc, bác sĩ phẫu thuật có thể tạo ra một bàng quang mới bằng một đoạn ruột non. Túi chứa này nằm bên trong cơ thể và được nối vào niệu đạo cho phép bệnh nhân đi tiểu bình thường. Bệnh nhân cần sử dụng một ống thông để rút tất cả nước tiểu từ bàng quang mới của mình.
2. Xạ trị
- Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể thực hiện qua một máy bên ngoài cơ thể (tia bức xạ bên ngoài) hoặc dùng một thiết bị đặt bên trong bàng quang của bệnh nhân (brachytherapy).
- Trị liệu bức xạ có thể được sử dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, khiến có thể loại bỏ nó dễ dàng. Xạ trị còn được sử dụng sau phẫu thuật để diệt tế bào ung thư có thể còn sót lại. Có thể kết hợp xạ trị với hóa trị liệu.
3. Hóa trị
- Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Điều trị hoá chất ung thư bàng quang thường kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc hóa trị. Thuốc có thể tiêm tĩnh mạch ở cánh tay hoặc có thể bơm trực tiếp vào bàng quang qua một ống thông niệu đạo (trị liệu trong bàng quang).
- Hóa trị có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật. Hóa trị cũng có thể được sử dụng trước phẫu thuật. Trong trường hợp này, hóa trị có thể làm thu nhỏ khối u đủ để thực hiện phẫu thuật ít xâm lấn. Hóa trị đôi khi được dùng kết hợp với xạ trị.
- Phác đồ bao gồm methotrexate, vinblastine, doxorubicin (Adriamycin) và cisplatin (MVAC) là điều trị chuẩn đối với ung thư bàng quang di căn. Phác đồ MVAC có tỷ lệ đáp ứng là 57-70%, tỷ lệ đáp ứng toàn phần là 15-20% và tỷ lệ sống còn 2 năm là 15-20%.
- Gemcitabine và cisplatin (GC) là phác đồ mới hơn được đánh giá là có hiệu quả tương đương với MVAC, nhưng ít độc tính hơn. Hiện nay, phác đồ GC được xem là điều trị bước đầu cho ung thư bàng quang.
- Một số tác nhân mới được đánh giá là có tác dụng trên ung thư bàng quang loại tế bào chuyển tiếp và hiện nay đang được dùng thử nghiệm đối với ung thư bàng quang. Những tác nhân đem lại nhiều hứa hẹn là ifosfamide, paclitaxel, docetaxel và carboplatin.
4. Liệu pháp miễn dịch
Trị liệu sinh học, đôi khi còn gọi là miễn dịch liệu pháp, là cách báo động hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp các tế bào chống lại khối ung thư. Trị liệu sinh học ung thư bàng quang thường được xử lý trực tiếp vào bàng quang thông qua niệu đạo (trị liệu trong bàng quang).
Các trị liệu sinh học được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang bao gồm:
- Dùng vi khuẩn để kích thích miễn dịch: Vi khuẩn Calmette-Guerin (BCG) là một loại vi khuẩn được sử dụng trong các vắc-xin phòng bệnh lao. BCG có thể gây kích thích bàng quang và làm xuất hiện máu trong nước tiểu của người bệnh. Một số người có cảm giác giống bị cúm sau khi điều trị với BCG.
- Phiên bản tổng hợp của một protein thuộc hệ miễn dịch: Interferon là một protein của hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Phiên bản tổng hợp của interferon, được gọi là interferon alfa, có thể được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. Interferon alfa đôi khi được dùng kết hợp với BCG. Interferon alfa có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm.
Liệu pháp sinh học có thể sử dụng sau cắt bỏ u bàng quang qua nội soi (TURBT) để giảm nguy cơ tái phát ung thư.
Lựa chọn phương pháp điều trị
Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 0 và giai đoạn 1
Bệnh nhân cần phẫu thuật để cắt bỏ khối u, sau đó tiến hành hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch để tiêu diệt các tế bào ung thư còn xót lại.
Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 2 và giai đoạn 3
Lựa chọn điều trị trong giai đoạn này có thể bao gồm:
- Điều trị hóa trị và cắt bỏ một phần của bàng quang
- Cắt bỏ hoàn toàn bàng quang và thực hiện thủ thuật để giải phóng nước tiểu theo một cách khác
- Hóa trị liệu, xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch có thể được áp dụng để giảm kích thước khối u trước khi tiến hành phẫu thuật.
Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 4
Việc điều trị có thể bao gồm:
- Hóa trị liệu mà không cần phẫu thuật, chủ yếu làm giảm triệu chứng và kéo dài cuộc sống cho người bệnh
- Phẫu thuật cắt bỏ bàng quang và các hạch bạch huyết xung quanh sau đó tạo một con đường mới để giải phóng nước tiểu
- Hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư còn xót lại, giảm các triệu chứng và kéo dài cuộc sống cho người bệnh
Lựa chọn điều trị cho ung thư bàng quang tái phát
Điều trị ung thư bàng quang tái phát phụ thuộc vào điều trị trước đó và nơi ung thư tái phát. Điều trị ung thư bàng quang tái phát có thể bao gồm:
- Hóa trị kết hợp
- Liệu pháp miễn dịch
- Phẫu thuật cho các khối u bề mặt hoặc cục bộ. Sau phẫu thuật sẽ làm liệu pháp miễn dịch và / hoặc hóa trị
- Xạ trị như một liệu pháp giảm nhẹ để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống
Điều trị ung thư bàng quang có thể gây ra tác dụng phụ
Điều trị ung thư có thể gây ra tác dụng phụ. Tác dụng phụ là những vấn đề xảy ra khi điều trị ảnh hưởng đến các mô hoặc cơ quan khỏe mạnh. Trao đổi bất kỳ tác dụng phụ nào bạn gặp với bác sĩ
Các tác dụng phụ có thể gặp:
- Thiếu máu
- Mất cảm giác ngon miệng
- Chảy máu và bầm tím
- Táo bón
- Mê sảng
- Tiêu chảy
- Phù
- Mệt mỏi
- Rối loạn cương dương
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
- Rụng tóc
- Nhiễm trùng
- Nổi hạch
- Có vấn đề về trí nhớ hoặc sự tập trung
- Buồn nôn và ói mửa
- Các vấn đề về thần kinh (Bệnh lý thần kinh ngoại biên)
- Đau đớn
- Thay đổi da và móng
- Các vấn đề về giấc ngủ
- Rối loạn tiểu tiện
Hãy nhớ rằng tác dụng phụ khác nhau giữa mọi người. Ngay cả trong số những người có phác đồ điều trị giống nhau thì chúng cũng khác nhau!
Hỗ trợ bệnh nhân ung thư bàng quang
Sống với mối lo sợ rằng bệnh ung thư bàng quang của mình có thể tái phát khiến bệnh nhân cảm thấy không thể làm chủ tương lai của mình. Nhưng trong khi không có cách nào để đảm bảo là sẽ không có tái phát ung thư thì người bệnh vẫn có thể thực hiện một số bước để giảm bớt sự căng thẳng.
Theo thời gian, bệnh nhân sẽ tìm thấy những gì phù hợp cho mình, nhưng trước mắt, người bệnh có thể:
- Có một lịch trình thực hiện các thử nghiệm theo dõi và đi tái khám đầy đủ theo hẹn. Khi hoàn tất việc điều trị ung thư bàng quang, nên tư vấn bác sĩ để tạo ra một lịch trình kiểm tra theo dõi đã được cá nhân hoá cho bản thân mình. Trước mỗi lần nội soi bàng quang kế tiếp, có thể sẽ có một số lo lắng như lo sợ ung thư tái phát hay về sự khó chịu của việc nội soi. Tuy nhiên, không nên để điều này ngăn cản việc đi tái khám đúng hẹn. Thay vào đó, hãy lên kế hoạch để đối phó với những mối quan tâm. Hãy viết suy nghĩ của mình và gửi đến một tạp chí, hãy tâm sự với một người bạn hoặc sử dụng kỹ thuật thư giãn, như thiền định chẳng hạn.
- Hãy chăm sóc bản thân để sẵn sàng đối phó với bệnh ung thư nếu nó tái phát. Chăm sóc bản thân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ngủ đầy đủ để khi thức dậy sẽ có cảm giác hoàn toàn thư giãn.
- Nói chuyện với những người sống sót sau khi mắc ung thư bàng quang. Kết bạn với những người sống sót sau ung thư bàng quang đã trải qua những nỗi sợ hãi giống như mình đang cảm thấy hiện nay. Liên hệ với địa phương để hỏi về các nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư trong khu vực của mình.
Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về các vấn đề liên quan đến tâm trạng khi mắc ung thư qua bài: Cảm xúc và ung thư
Tiên lượng ung thư bàng quang
Triển vọng hồi phục sau điều trị ung thư bàng quang phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cả loại và giai đoạn của bệnh.
Theo thống kê, tỷ lệ sống lâu hơn 5 năm theo các giai đoạn là như sau:
- Giai đoạn 0: 98% người bệnh sống hơn 5 năm
- Giai đoạn 1: 88% người bệnh sống hơn 5 năm
- Giai đoạn 2: 63% người bệnh sống hơn 5 năm
- Giai đoạn 3: 46% người bệnh sống hơn 5 năm
- Giai đoạn 4: 15% người bệnh sống hơn 5 năm
Tái phát 52-73% từ 3-15 năm sau. Do đó cần theo dõi suốt đời, 6-12 tháng/lần kiểm tra bằng lâm sàng, thử nước tiểu, siêu âm hoặc soi bàng quang. Nếu thấy bắt đầu tái phát, thì điều trị tiếp ngay.
Phác đồ điều trị là sẵn có cho tất cả các giai đoạn. Ngoài ra, tỷ lệ sống nêu trên không phải lúc nào cũng đúng, không ai biết trước được tương lai của bạn và có không ít người đã khỏi hoàn toàn các chứng bệnh ung thư mà khoa học chưa hiểu được lý do.
Sàng lọc ung thư bàng quang
Một số xét nghiệm sàng lọc được sử dụng bởi vì chúng đã được chứng minh là hữu ích cả trong việc phát hiện sớm ung thư và giảm nguy cơ tử vong do các bệnh ung thư.
Không có xét nghiệm sàng lọc tiêu chuẩn hoặc thường quy cho ung thư bàng quang. Các xét nghiệm sàng lọc cũng có thể cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính già (Xem thêm trong phần sàng lọc ung thư)
Tại thời điểm này không có xét nghiệm sàng lọc đáng tin cậy đối với ung thư bàng quang. Kiểm tra xem có máu trong nước tiểu sẽ không phải một xét nghiệm hoàn hảo để chẩn đoán ung thư bàng quang nói chung. Một lượng máu nhỏ trong nước tiểu có thể được gây ra bởi các điều kiện khác ngoài ung thư như nhiễm trùng tiểu hoặc các vấn đề về thận.
Hai xét nghiệm có thể được sử dụng để sàng lọc ung thư bàng quang ở những bệnh nhân bị ung thư bàng quang trong quá khứ:
Nội soi bàng quang
Nội soi bàng quang là phương pháp có thể nhìn vào bên trong bàng quang và niệu đạo để kiểm tra các khu vực bất thường. Một ống soi bàng quang được đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Có thể lấy mô trong bàng quang để sinh thiết.
Tế bào học nước tiểu
Tế bào học nước tiểu là một xét nghiệm trong phòng thí nghiệm trong đó một mẫu nước tiểu được kiểm tra dưới kính hiển vi xem có các tế bào bất thường không.
Các xét nghiệm sàng lọc bàng quang và ung thư tiết niệu khác đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.
Phòng chống ung thư bàng quang
Mặc dù không có cách nào bảo đảm ngăn ngừa hoàn toàn ung thư bàng quang. Nhưng bạn có thể thực hiện các bước sau để giúp giảm nguy cơ:
- Không hút thuốc: Không hút thuốc lá sẽ giúp các hóa chất gây ung thư trong khói thuốc không thể tích tụ trong bàng quang. Nếu bạn đang không hút thuốc, nên tránh tập hút. Nếu đã hút thuốc, nên lập kế hoạch để bỏ thuốc. Các nhóm hỗ trợ, thuốc men và nhiều phương pháp khác có thể giúp bỏ thuốc lá.
- Hãy cẩn thận với các hóa chất. Nếu làm việc với hóa chất, nên tuân thủ tất cả các hướng dẫn an toàn để tránh phơi nhiễm.
- Uống nhiều nước trong ngày. Uống chất lỏng, đặc biệt là nước, để làm loãng các chất độc hại có thể tập trung trong nước tiểu và đào thải chúng ra khỏi bàng quang một cách nhanh chóng hơn.
- Ăn nhiều các loại rau củ quả. Chọn một chế độ ăn uống phong phú với một loạt các loại rau củ quả nhiều màu sắc. Các chất chống oxy hóa trong rau củ quả có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.