Ung thư

Cảm xúc của những người bị ung thư: Những điều bạn cần biết!

Chẩn đoán ung thư có thể khiến bạn có nhiều cảm xúc mạnh như sợ chết, nguy hiểm, hy vọng, tội lỗi, không chấp nhận thực tế, buồn, cô đơn và mong đợi. Những vấn đề này là phản ứng tự nhiên đối với sự thay đổi đáng kể thế này.

Chẩn đoán ung thư sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với gia đình, bạn bè và những người chăm sóc họ và mỗi người sẽ có cách đương đầu riêng. Những tác động cảm xúc của bệnh ung thư có thể kéo dài sau khi điều trị. Việc một người cảm thấy lo âu về những triệu chứng ốm hoặc đau nhẹ, sợ tái phát là bình thường. Một vài người thấy rằng việc đối diện với bệnh ung thư đã thay đổi cuộc sống của họ theo cách tích cực.

Bị ung thư không có nghĩa là bạn mất hy vọng. Triển vọng của nhiều bệnh ung thư đã được cải thiện không ngừng. Một số bệnh ung thư có thể chữa được, trong khi nhiều bệnh ung thư khác có thể kiểm soát được. Nếu bệnh ung thư đó không thể kiểm soát được, thì người ta cũng có thể làm giảm những triệu chứng của bệnh, điều đó sẽ làm cho cuộc sống dễ chịu hơn.

Thường thì điều đầu tiên người ta thường hỏi khi được cho biết mình bị bệnh ung thư là “Tôi sắp chết phải không?” Hãy nói với bác sĩ của bạn về việc chẩn đoán như thế có ý nghĩa như thế nào đối với bạn và tương lai của nó sẽ ra sao. Hiểu biết rõ hơn về bệnh của bạn sẽ giúp bạn không còn sợ sệt nữa. Điều bạn hy vọng cũng có thể sẽ thay đổi trong quá trình điều trị.

Việc chia sẻ thông tin về việc chẩn đoán ung thư có thể khó khăn. Bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi nói về những vấn đề riêng tư hoặc bạn không chắc về việc gia đình và bạn bè bạn sẽ phản ứng thế nào? Bạn muốn bảo vệ những người thân yêu của bạn, nhưng việc chia sẻ thông tin có thể làm bạn gần gũi hơn với họ. Việc có thể chia sẻ nỗi lo âu và sợ hãi của bạn với họ có thể làm cho bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn và nó sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bạn không phải đối mặt với bệnh ung thư một mình. Những người thân bên bạn có thể muốn biết điều gì đang xảy ra, vì thế họ có thể hỗ trợ bạn.

Một số cảm xúc khi bạn bị ung thư có thể gặp phải

cảm xúc ung thư

Choáng ngợp

Khi bạn mới biết mình bị ung thư, bạn có thể cảm thấy như thể cuộc sống của bạn vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều này có thể là do:

  • Bạn tự hỏi liệu còn sống được bao lâu?
  • Thói quen bình thường của bạn bị gián đoạn bởi các phương pháp điều trị
  • Mọi người sử dụng thuật ngữ y tế mà bạn không hiểu
  • Bạn cảm thấy như bạn không thể làm những điều bạn thích
  • Bạn cảm thấy bất lực và cô đơn

Ngay cả khi bạn cảm thấy mất kiểm soát, vẫn có những cách để bạn có thể giải quyết được. Bạn có thể tìm hiểu càng nhiều càng tốt về bệnh ung thư, từ các chuyên gia y tế, bác sĩ điều trị hay các trang web sức khỏe uy tín. Bạn càng biết nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy kiểm soát được nhiều hơn. Đặt câu hỏi cho bác sĩ của bạn và đừng ngại nói khi bạn không hiểu.

Đối với một số người, cảm thấy bận rộn sẽ tốt hơn là không làm việc gì. Nếu bạn muốn thay đổi mình, hãy thử tham gia vào các hoạt động như nghe nhạc, làm đồ thủ công, đọc sách hoặc học một cái gì đó mới.

Chối bỏ

Khi bạn nhận chẩn đoán ung thư lần đầu tiên, bạn có thể gặp khó khăn khi tin hoặc chấp nhận sự thật rằng bạn bị ung thư. Điều này được gọi là chối bỏ, điều này đôi khi hữu ích vì nó có thể cho bạn thời gian để xác nhận chính xác chẩn đoán. Nó cũng có thể cho bạn thời gian để cảm thấy hy vọng và lạc quan hơn về tương lai.

Đôi khi, chối bỏ lại là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu nó kéo dài quá lâu, nó có thể khiến bạn không nhận được điều trị mà bạn cần.

Tin tốt là hầu hết mọi người có xu hướng chối bỏ trong thời gian ngắn. Thông thường vào thời gian điều trị bắt đầu, hầu hết mọi người chấp nhận thực tế rằng họ bị ung thư và bắt đầu tiến về phía trước. Điều này vô cùng quan trọng, lạc quan và hy vọng luôn là “phương thuốc” thần kỳ mang lại những bất ngờ không thể biết trước được.

Phẫn nộ, giấu diếm

Rất bình thường khi người bệnh ung thư hỏi: “Tại sao lại là tôi?” và tức giận vì bệnh ung thư. Bạn cũng có thể cảm thấy tức giận hoặc phẫn nộ đối với bác sĩ, bạn bè khỏe mạnh và những người thân yêu của bạn. Và nếu bạn theo đạo, bạn thậm chí có thể cảm thấy tức giận với Chúa?

Sự tức giận thường xuất phát từ những cảm xúc khó thể hiện, phổ biến là:

  • Sợ hãi
  • Hoảng loạn
  • Thất vọng
  • Lo lắng
  • Bất lực

Nếu bạn cảm thấy tức giận, bạn không cần phải giả vờ rằng mọi thứ đều ổn. Điều đó hoàn toàn không tốt cho bạn. Nói chuyện với gia đình và bạn bè của bạn về sự tức giận của bạn. Hoặc, yêu cầu bác sĩ giới thiệu chuyên gia tâm lý để bình ổn cho tâm trạng của bạn.

Việc cố giấu diếm bệnh thường là không thành công. Sớm hay muộn thì gia đình và bạn bè của bạn sẽ biết rằng bạn bị ung thư. Hầu hết mọi người đều nhận ra rằng có điều gì đó đang làm phiền bạn hoặc họ sẽ chú ý đến những thay đổi bề ngoài hoặc hành vi của bạn. Gia đình hoặc bạn bè thân của bạn có thể sẽ cảm thấy tổn thương nếu bạn không nói cho họ biết.

Một số người tránh việc nói ra với con cái nếu họ bị ung thư. Tuy nhiên, trẻ con thường sẽ cảm nhận thấy sự bất thường ngay cả khi chúng không biết nó là cái gì. Nếu không được cho biết điều đang xảy ra, chúng có thể tưởng tượng ra điều tồi tệ nhất. Chúng cũng có thể biết được điều đó từ một người khác, điều đó có thể khiến chúng cảm thấy tức giận hoặc bối rối.

Một số phụ huynh nghĩ rằng họ đang bảo vệ con cái họ bằng cách giấu những tin xấu. Trên thực tế, con cái bạn có thể sẽ được lợi từ sự cởi mở và trung thực của các bạn. Hãy cân nhắc điều bạn sẽ nói trước khi trao đổi. Hãy nói chuyện với con cái bạn để chúng có thể hiểu, bạn nên sử dụng việc giải thích đơn giản cho chúng. Trấn an con bạn rằng bệnh của bạn không phải do lỗi của chúng và khuyến khích chúng nói với bạn về những điều chúng biết về bệnh ung thư và trả lời các câu hỏi một cách trung thực.

Đôi khi các thành viên trong gia đình biết về bệnh ung thư của bệnh nhân trước bệnh nhân. Họ có thể nghĩ rằng người bị ung thư là quá trẻ hay quá già để có thể nói về sự thật đó. Người bị ung thư thường xuyên nói rằng họ muốn biết điều gì đang diễn ra, để họ có thể quyết định việc điều trị như nào, nếu tiên lượng xấu, thì cách tốt nhất để sử dụng thời gian còn lại như nào.

Sợ hãi và lo lắng

Thật đáng sợ khi biết rằng bị ung thư. Bạn có thể sợ hoặc lo lắng về:

  • Bị đau do ung thư hoặc điều trị
  • Cảm thấy ốm yếu hoặc trông khác biệt do điều trị của bạn (rụng tóc do xạ trị…)
  • Không thể chăm sóc gia đình
  • Điều trị tốn kém
  • Không thể hoàn thành công việc
  • Chết

Một số nỗi sợ về ung thư dựa trên những câu chuyện, tin đồn hoặc thông tin sai lệch mà mọi người truyền tai nhau. Để đối phó với nỗi sợ hãi và lo lắng, hãy tìm kiếm thông tin thận trọng. Hầu hết mọi người cảm thấy tốt hơn khi họ tìm hiểu sự thật. Họ cảm thấy bớt sợ hãi và biết những gì sẽ xảy ra, những phương pháp nào có thể giúp họ. Tìm hiểu về bệnh ung thư của bạn và hiểu những gì bạn có thể làm để sức khỏe có thể tốt hơn. Một số nghiên cứu thậm chí còn gợi ý rằng những người có hiểu biết về bệnh và điều trị của họ có nhiều khả năng tuân theo kế hoạch điều trị và phục hồi sau ung thư nhanh hơn những người không hiểu biết.

Hy vọng

Một khi mọi người chấp nhận rằng họ bị ung thư, họ sẽ cầu nguyện và hy vọng. Có nhiều lý do để hy vọng. Hàng triệu người đã bị ung thư vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Cơ hội sống với căn bệnh ung thư của bạn và vượt qua nó hiện tại tốt hơn so với trước đây. Những người mắc bệnh ung thư có thể sống một cuộc sống bình thường ngay cả trong khi điều trị.

Một số bác sĩ nghĩ rằng hy vọng có thể giúp cơ thể bạn đối phó với bệnh ung thư. Vì vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu về sự hy vọng và thái độ tích cực giúp mọi người có thể cảm thấy tốt hơn. Dưới đây là một số cách bạn có thể xây dựng cảm giác hy vọng của mình:

  • Lên kế hoạch hàng ngày của bạn
  • Đừng giới hạn những điều bạn muốn làm chỉ vì bạn bị ung thư
  • Hãy tìm lý do để có hy vọng. Nếu có thể, hãy viết chúng ra giấy hoặc nói chuyện với người khác về chúng
  • Dành thời gian hòa mình với thiên nhiên
  • Suy ngẫm về niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh của bạn
  • Nghe những câu chuyện về những người mắc bệnh ung thư đang có cuộc sống bình thường

Căng thẳng

Cả trong và sau khi điều trị, bạn có thể trải qua stress là điều bình thường. Lo sợ có nghĩa là bạn có thêm lo lắng, không thể thư giãn và cảm thấy căng thẳng. Bạn có thể nhận thấy rằng:

  • Tim bạn đập nhanh hơn.
  • Bạn bị đau đầu hoặc đau cơ.
  • Bạn cảm thấy chán ăn hoặc bạn ăn nhiều hơn.
  • Bạn cảm thấy đau bụng hoặc bị tiêu chảy.
  • Bạn cảm thấy run rẩy, yếu đuối hoặc chóng mặt.
  • Bạn có một cảm giác nặng nề trong cổ họng và ngực của bạn.
  • Bạn ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
  • Bạn thấy khó tập trung.

Nếu bạn có bất kỳ cảm giác nào trong số này, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Mặc dù chúng là dấu hiệu căng thẳng phổ biến nhưng bạn cũng sẽ muốn xác định rằng chúng không phải do thuốc hoặc điều trị.

Căng thẳng có thể khiến cho cơ thể của bạn lâu hồi phục hơn. Nếu bạn lo lắng về sự căng thẳng của mình, hãy nhờ bác sĩ gợi ý một chuyên gia tư vấn tâm lý để bạn nói chuyện. Bạn cũng có thể tham gia một lớp dạy cách đối phó với căng thẳng. Điều quan trọng là tìm cách kiểm soát căng thẳng của bạn và không để nó kiểm soát ngược lại bạn.

Nỗi buồn và trầm cảm

Nhiều người bị ung thư cảm thấy buồn. Họ cảm thấy mất đi sức khỏe và cuộc sống trước khi họ biết mình mắc bệnh. Ngay cả khi đã điều trị xong, bạn vẫn có thể cảm thấy buồn rầu. Đây là một phản ứng bình thường đối với bất kỳ bệnh nghiêm trọng nào xảy ra trong thời gian dài. Có thể mất thời gian để xử lý và chấp nhận tất cả các thay đổi đang diễn ra.

Khi bạn buồn, bạn có thể cảm thấy có rất ít năng lượng, cảm thấy mệt mỏi hoặc không muốn ăn. Đối với một số người, những cảm giác này biến mất hoặc giảm dần theo thời gian. Nhưng đối với những người khác, những cảm xúc này có thể trở nên mạnh mẽ hơn. Những cảm giác đau đớn càng ngày càng tăng và chúng cản trở cuộc sống hàng ngày. Đây có thể là một tình trạng gọi là trầm cảm. Đối với một số người, điều trị ung thư có thể đã thay đổi cách thức hoạt động của não, khiến tâm trạng họ trở nên ảm đạm hơn.

Điều trị trầm cảm

Trầm cảm có thể được điều trị. Dưới đây là những dấu hiệu trầm cảm phổ biến. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây kéo dài hơn 2 tuần, hãy nói chuyện với bác sĩ. Xin lưu ý rằng một số triệu chứng này có thể là do các vấn đề về thể chất, vì vậy điều quan trọng là phải trao đổi rõ ràng với bác sĩ.

Dấu hiệu cảm xúc:

  • Cảm giác buồn bã không biến mất
  • Cảm xúc tê liệt
  • Cảm thấy lo lắng hoặc run rẩy
  • Có cảm giác tội lỗi hoặc cảm thấy không xứng đáng
  • Cảm thấy bất lực hoặc vô vọng, như thể cuộc sống không có ý nghĩa
  • Cảm giác nóng nảy, ủ rũ.
  • Có một thời gian khó tập trung, cảm thấy rối trí
  • Khóc trong thời gian dài hoặc nhiều lần mỗi ngày
  • Tập trung vào những lo lắng và vấn đề không đáng
  • Không quan tâm đến sở thích và hoạt động yêu thích trước đây
  • Khó để tận hưởng những thứ hàng ngày vẫn yêu thích, chẳng hạn như thức ăn hoặc ở bên gia đình và bạn bè
  • Suy nghĩ về việc làm tổn thương chính mình
  • Suy nghĩ về việc tự sát

Thay đổi cơ thể:

  • Tăng hoặc giảm cân ngoài ý muốn không phải do bệnh hoặc điều trị
  • Các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như khó ngủ, không ngủ được, gặp ác mộng hoặc ngủ quá nhiều
  • Tim đập nhanh, khô miệng, tăng tiết mồ hôi, đau bụng, tiêu chảy
  • Thay đổi mức năng lượng, năng lượng sụt giảm
  • Mệt mỏi kéo dài liên tục
  • Nhức đầu, đau nhức nhiều nơi trên cơ thể

Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn bị trầm cảm, bác sĩ có thể cho bạn thuốc để giúp bạn bớt căng thẳng hơn. Hoặc có thể giới thiệu bạn đến các bác sĩ tâm thần khác. Đừng tự mình kiểm soát những cảm xúc này. Bạn cần nhận được sự giúp đỡ cho cuộc sống và sức khỏe của bạn.

Cảm giác tội lỗi

Nếu bạn cảm thấy có lỗi, hãy biết rằng nhiều người bị ung thư cũng cảm thấy như vậy. Bạn có thể tự trách mình vì đã làm phiền những người bạn yêu thương hoặc lo lắng rằng bạn là gánh nặng cho gia đình và người thân. Hoặc bạn có thể ghen tị với sức khỏe của người khác và xấu hổ về cảm giác này. Bạn thậm chí có thể tự trách mình vì những lựa chọn lối sống trong quá khứ, những thói quen không tốt mà bạn nghĩ có thể dẫn đến ung thư.

Những cảm giác này đều rất phổ biến. Bạn nên chia sẻ chúng với ai đó. Hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn muốn nói chuyện với chuyên gia tâm lý để giải tỏa những cảm xúc này.

Bạn cần biết rằng ung thư có thể xảy ra với bất kỳ ai, không vì tội lỗi hay gì cả. Một đứa trẻ nhỏ hay một cụ già đều có thể mắc ung thư. Vì vậy, hãy dừng các suy nghĩ tiêu cực này lại!

Sự cô đơn

Những người mắc bệnh ung thư thường cảm thấy cô đơn hoặc xa cách với người khác. Điều này có thể vì một số lý do:

  • Bạn bè đôi khi quá bận rộn chưa thể đến thăm bạn.
  • Bạn có thể cảm thấy quá mệt mỏi khi tham gia vào các sở thích và hoạt động bạn từng yêu thích
  • Đôi khi, ngay cả khi bạn ở bên những người bạn quan tâm, bạn có thể cảm thấy rằng không ai hiểu những gì bạn đang trải qua.

Cảm thấy cô đơn sau khi điều trị cũng là bình thường. Với nhiều người, ung thư là một trải nghiệm thay đổi cuộc sống. Sau khi quá trình điều trị kết thúc, bạn có thể hy vọng cuộc sống sẽ quay lại như trước đây, trước lúc bạn biết mình bị ung thư. Điều chỉnh cuộc sống/sinh hoạt sau khi điều trị có thể mất thời gian. Những sinh hoạt bình thường có thể sẽ không giống trước đây. Trải nghiệm của bạn với bệnh ung thư có thể sẽ khiến bạn suy nghĩ cẩn thận về điều gì là quan trọng đối với bạn và xây dựng quan điểm mới trong cuộc sống, giá trị và những điều ưu tiên.

Trong khi bạn đang cho mình thời gian để điều chỉnh cuộc sống sau khi bị ung thư, nên nhớ rằng gia đình và bạn bè bạn cũng sẽ cần thời gian. Cũng giống như bạn, họ cũng đã từng trải qua những lúc khốn khó và họ có thể cần thời gian để nghỉ ngơi và điều chỉnh lại. Bạn có thể bỏ lỡ sự hỗ trợ từ người nhà khi càng ngày càng xa cách với mọi người. Nhiều người có cảm giác rằng họ mất an toàn và họ ít được chú ý hơn. Thông thường một số người vẫn cảm thấy bị cắt đứt khỏi một số bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình. Một số người trong số họ có thể nghĩ rằng bây giờ điều trị kết thúc, bạn sẽ sớm trở lại bình thường, mặc dù điều này có thể không đúng. Những người khác có thể muốn giúp đỡ nhưng không biết làm thế nào.

Tìm kiếm sự hỗ trợ cảm xúc theo những cách khác nhau. Bạn có thể mở lòng nói chuyện với các thành viên trong gia đình. Hoặc, bạn có thể cảm thấy tốt hơn khi chỉ nói chuyện với một người bạn thân hoặc một thành viên của đức tin hoặc trong nhóm tâm linh của bạn. Hãy làm những gì cảm thấy phù hợp với bạn.

Lòng biết ơn

Một số người coi bệnh ung thư của họ là một “lời cảnh tỉnh”. Họ nhận ra tầm quan trọng của việc tận hưởng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Họ đến những nơi họ chưa từng đến. Họ hoàn thành các dự án mà họ đã bắt đầu nhưng để qua một bên. Họ dành nhiều thời gian hơn với bạn bè và gia đình. Họ hàn gắn mối quan hệ tan vỡ.

Ban đầu có thể khó khăn, nhưng bạn có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống ngay cả khi bạn bị ung thư. Hãy chú ý đến những việc bạn làm mỗi ngày khiến bạn mỉm cười. Có thể đơn giản như uống một tách cà phê ngon, chơi đùa với một đứa trẻ hoặc nói chuyện với một người bạn thân lâu ngày không gặp.

Bạn cũng có thể làm những điều đặc biệt hơn đối với bạn, như hòa mình trong thiên nhiên hoặc cầu nguyện ở một nơi có ý nghĩa đối với bạn. Hoặc, đó có thể là chơi một môn thể thao bạn yêu thích hoặc nấu một bữa ăn ngon. Dù bạn chọn gì, hãy nắm lấy những điều mang lại cho bạn niềm vui khi bạn có thể.

Cách đối phó với cảm xúc của bạn

Chia sẻ cảm xúc của bạn

Mọi người đã thấy rằng khi họ thể hiện cảm xúc mạnh mẽ như tức giận hoặc buồn bã, họ sẽ dễ dàng buông bỏ chúng hơn. Có một số cách để loại bỏ cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như: Nói chuyện với bạn bè hoặc gia đình, những người ung thư sống sót khác hoặc bác sĩ tâm lý. Nhưng ngay cả khi bạn không muốn thảo luận về bệnh ung thư của mình với người khác, bạn vẫn có thể sắp xếp cảm xúc của mình bằng cách nghĩ về chúng và viết chúng ra.

Tìm kiếm sự tích cực

Đôi khi điều này có nghĩa là tìm kiếm điều gì đó tốt đẹp ngay cả trong thời điểm tồi tệ nhất hoặc cố gắng hy vọng thay vì suy nghĩ tiêu cực. Cố gắng sử dụng năng lượng của bạn để tập trung vào sức khỏe và những gì bạn có thể làm bây giờ để giữ sức khỏe một cách tốt nhất.

Đừng tự trách mình vì căn bệnh ung thư của bạn

Một số người tin rằng họ bị ung thư vì những điều họ đã làm hoặc không làm. Nhưng các nhà khoa học không biết tại sao một người bị ung thư trong khi những người khác thì không. Tất cả các cơ thể là khác nhau. Hãy nhớ rằng, ung thư có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào.

Hãy bộc lộ cảm xúc chân thật

Nhiều người nói rằng đôi khi họ muốn bộc lộ cảm xúc của họ thay vì giấu giếm. Như một người phụ nữ đã nói, khi cô ấy cảm thấy thực sự tồi tệ, cô ấy chỉ nói với gia đình rằng tôi đang có một ngày cực kỳ tồi tệ, đi lên lầu và ngủ một giấc.

Nói chuyện với người thân

Mọi người có thể khó biết cách nói chuyện với bạn về căn bệnh ung thư của bạn. Những người thân yêu thường có ý tốt nhưng họ không biết phải nói gì hoặc hành động thế nào. Bạn có thể làm cho họ cảm thấy thoải mái hơn bằng cách hỏi họ những gì họ nghĩ hoặc họ cảm thấy như thế nào.

Tìm cách giúp bản thân thư giãn

Bất cứ hoạt động nào giúp bạn thư giãn thì bạn nên dành chút thời gian để thực hiện. Thiền và các bài tập thư giãn chỉ là một vài cách đã được chứng minh là có thể làm thư giãn. Hãy làm những gì khiến bạn thấy thoải mái nhất có thể khi bạn cảm thấy lo lắng.

Hãy chủ động

Ra khỏi nhà và làm một cái gì đó có thể giúp bạn tập trung vào những thứ khác ngoài ung thư và những lo lắng về căn bệnh này. Tập thể dục hoặc yoga nhẹ nhàng hay đi bộ có thể làm bạn cảm thấy thư thái.

Làm những gì bạn thích

Bạn có những sở thích như làm đồ gỗ, nhiếp ảnh, đọc sách, thêu thùa hay nghe nhạc, khiêu vũ, đánh đàn. Bất cứ những gì bạn thích, còn chờ đợi gì nữa mà không làm ngay đi?

Cuối cùng thì…

Một số người nói rằng họ không thể kiểm soát cuộc sống. Tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống là một trong những điều bạn có thể kiểm soát. Ngay cả việc thiết lập một lịch trình hàng ngày cũng có thể mang lại cho bạn cảm giác kiểm soát. Và không ai có thể kiểm soát mọi suy nghĩ, hãy cố gắng thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực thay vào đó là làm những điều bạn thích – thích những điều bạn làm.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment