Triệu chứng

Đau bụng phía dưới bên trái ở nữ, nam giới: Những nguyên nhân phổ biến

Điều gì gây ra đau ở bụng dưới bên trái của tôi?

Đây có phải là điều bạn quan tâm?

Phần dưới bên trái của bụng là nơi chứa phần cuối của đại tràng và đối với một số phụ nữ là buồng trứng trái. Cơn đau nhẹ ở khu vực này thường không có gì đáng lo ngại và có thể tự hết trong một hoặc hai ngày.

Nếu bạn bị đau liên quan đến tai nạn hoặc chấn thương, hãy gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu tại địa phương. Bạn cũng nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn cảm thấy nặng hoặc đau tức lan lên ngực.

Nhờ ai đó giúp bạn gọi cấp cứu hoặc đưa tới phòng cấp cứu nếu bạn có:

  • Sốt
  • Đau dữ dội ở khu vực bị ảnh hưởng
  • Trướng bụng
  • Đại tiện phân có máu
  • Buồn nôn và ói mửa kéo dài
  • Sụt cân kéo dài
  • Vàng da

Đọc để tìm hiểu thêm về đau ở vùng bụng dưới bên trái, nguyên nhân gây ra và khi nào bạn nên đi khám bác sĩ.

Xem thêm: Đau bụng: Nguyên nhân, phân loại, cách điều trị và phòng ngừa

Viêm túi thừa là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất

đau bụng dưới bên trái

Trong nhiều trường hợp, cơn đau kéo dài đặc biệt ở phía dưới bên trái của bụng là do viêm túi thừa.

Ruột già (đại tràng) là phần cuối cùng của đường tiêu hóa, chúng thực hiện nhiệm vụ hấp thụ nước và vitamin rồi chuyển đổi thức ăn đã được tiêu hóa thành phân. Khi đến cuối đại tràng, phân sẽ được tống ra ngoài theo ngả hậu môn

Khi mắc bệnh viêm túi thừa, một phần của thành ruột bị yếu và những nơi này có thể phồng ra như những túi nhỏ. Mỗi túi như vậy được gọi là một túi thừa. Các túi này có thể trở nên đỏ và sưng, đây gọi là viêm túi thừa.

Viêm túi thừa là tình trạng các túi thừa bị viêm sưng đỏ. Viêm túi thừa có thể nhẹ hoặc cũng có thể là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Các biến chứng bao gồm xuất huyết (chảy máu từ ruột già), thủng ruột, tắc nghẽn ruột và áp xe.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh viêm túi thừa, chẳng hạn như:

  • Ăn ít chất xơ
  • Tiền sử có người trong gia đình bị viêm túi thừa
  • Sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hay aspirin thường xuyên (hơn 4 ngày một tuần) trong nhiều năm.

Các triệu chứng của viêm túi thừa bao gồm:

  • Đau quặn ở vùng bụng dưới, lúc đầu là đau từng cơn, sau đó chuyển thành đau liên tục
  • Cảm giác đầy hơi
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Táo bón hoặc tiêu chảy thường ít gặp
  • Chán ăn và buồn nôn.

Bạn cũng có thể uống paracetamol để giảm đau. Tuy nhiên không nên thường xuyên uống các thuốc giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen vì chúng có thể gây ra rối loạn dạ dày. Bạn có thể điều trị viêm túi thừa nhẹ tại nhà bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với những trường hợp nặng hoặc phức tạp và những trường hợp bệnh tái phát nhiều lần tại một chỗ, các bác sĩ có thể sẽ phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng chứa túi thừa.

Nếu bạn phải nhập viện, bạn có thể sẽ được truyền dịch và  dùng thuốc kháng sinh cùng với các thuốc giảm đau. Lúc đầu, có thể bạn cần phải nhịn ăn. Sau đó, khi ruột phục hồi dần, bạn sẽ bắt đầu có thể ăn lại thức ăn nhiều chất xơ và ít chất béo.

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Đau bụng (khác với viêm ruột thừa đau bên phải bụng)
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Có máu trong phân
  • Cơn đau tăng lên khi bạn đi lại
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Khí hư bất thường

Xem thêm: Đau bụng dưới bên phải: Những điều bạn cần biết

Các nguyên nhân phổ biến khác của đau bụng dưới bên trái

Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất gây đau ở bụng phía dưới bên trái:

Trướng khí

Khí trong ruột là không khí được tìm thấy trong toàn bộ hệ thống tiêu hóa của bạn. Nó thường được gây ra bởi thực phẩm không bị phá vỡ hoàn toàn cho đến khi nó đến ruột già của bạn.

Thực phẩm càng khó tiêu, cơ thể bạn sẽ tạo ra nhiều khí hơn. Khi khí tích tụ, nó có thể gây đau bụng, đầy hơi và cảm giác ấm ách trong bụng của bạn.

Thông thường, cơ thể có thể điều chỉnh điều này bằng cách trung tiện. Trên thực tế, một người có thể trung tiện đến 20 lần một ngày.

Tuy nhiên, khí quá mức có thể là một dấu hiệu của bệnh lý tiêu hóa, chẳng hạn như không dung nạp đường sữa hoặc đái tháo đường.

Các nguyên nhân khác gây ra tình trạng nhiều khí đường ruột bao gồm:

  • Nuốt nhiều không khí hơn bình thường
  • Ăn quá nhiều
  • Ăn kẹo cao su
  • Hút thuốc
  • Ăn khó tiêu

Bệnh này thường không nghiêm trọng. Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu tình trạng này kéo dài hoặc đi cùng với các triệu chứng khác, chẳng hạn như:

  • Nôn
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Giảm cân không chủ ý
  • Ợ nóng
  • Máu trong phân

Khó tiêu

Chứng khó tiêu thường phát triển sau khi bạn ăn hoặc uống thứ gì đó. Đau thường xảy ra ở bụng trên, mặc dù đôi khi cũng có thể đau ở phần bụng dưới. Chứng khó tiêu thường được gây ra bởi các loại thực phẩm giàu chất béo và ăn bữa ăn quá nhiều. Khi dạ dày của bạn không thể giữ và tiêu hóa lượng thức ăn quá lớn thì thức ăn sẽ tràn lên thực quản, gây khó chịu đau đớn. Bạn có thể cảm thấy như ợ nóng thường xuyên và có một vị chua chua trong miệng của bạn. Cơn đau có thể kéo dài trong vài giờ và có thể nặng hơn nếu bạn đang gặp phải stress.

Các triệu chứng khó tiêu cũng bao gồm:

  • Ợ nóng
  • Đầy hơi
  • Ấm ách
  • Cảm giác no sớm
  • Ợ hơi
  • Ợ chua
  • Trung tiện
  • Cảm giác nặng nề sau khi ăn

Chứng khó tiêu nhẹ sẽ hết khá nhanh và có thể được điều trị bằng thuốc không kê đơn. Nhưng nếu các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần, bạn nên gặp bác sĩ để loại trừ các vấn đề tiêu hóa tiềm ẩn.

Thoát vị

Thoát vị xảy ra khi một phần cơ thể hoặc nội tạng bị đẩy qua mô hoặc cơ mà giữ nó tại chỗ. Chúng bị đẩy xuyên qua những chỗ hở hoặc chỗ yếu của cơ, do đó xuất hiện những túi phình lên. Nếu những chỗ thoát vị chỉ phồng lên khi có áp lực hoặc căng, chúng được gọi là thoát vị có khả năng hồi phục và không gây hại. Các mô bị mắc kẹt trong một lỗ hở hoặc túi mà không thể kéo ngược trở lại được gọi là thoát vị kẹt. Đây là trường hợp thoát vị nguy hiểm nhất. Ở những trường hợp này, mô bị kẹt thiếu sự cung cấp máu và do đó các mô này sẽ chết.

Ngoài ra có một số loại thoát vị, hầu hết xảy ra ở bụng. Mỗi loại có thể gây đau hoặc khó chịu trong khu vực bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân nào gây ra thoát vị?

Thoát vị có thể bị ngay từ khi mới sinh hoặc xảy ra một cách đột ngột. Thoát vị được gây ra bởi sự kết hợp của yếu cơ và các áp lực xảy ra tại chỗ thoát vị. Thoát vị bẹn gián tiếp, có từ khi sinh, xảy ra do những sai sót trong quá trình phát triển. Thoát vị bẹn trực tiếp hình thành sau khi sinh. Thoát vị rốn xảy ra khi dây rốn không đóng hoàn toàn. Ở những dạng thoát vị khác, các màng, thành cơ hoặc các cấu trúc khác không hình thành đúng cách hoặc bị tổn thương nên chúng dần bị yếu đi.

Các triệu chứng phổ biến của thoát vị bao gồm:

  • Có khối sưng phồng tại chỗ
  • Đau nhiều
  • Tăng cảm giác đau khi cười, khóc, ho hoặc căng thẳng
  • Đôi khi gây cảm giác đau âm ỉ
  • Táo bón
  • Cảm giác khó chịu
  • Buồn nôn

Nguyên nhân cụ thể phụ thuộc vào loại thoát vị. Thoát vị có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng, vì vậy hãy gặp bác sĩ nếu bạn nghi ngờ rằng bạn có thể mắc bệnh này.

Sỏi thận

Sỏi thận là những tinh thể rắn hình thành trong thận từ các chất trong nước tiểu. Quá trình này được gọi là quá trình tạo sỏi thận. Sỏi thận có thể nhỏ hoặc lớn đến vài cm. Những viên sỏi lớn lấp đầy bể thận và các ống mang nước tiểu từ thận đến bàng quang (niệu quản) được gọi là sỏi san hô. Bệnh sỏi thận có nhiều nguyên nhân và có thể ảnh hưởng bất kỳ phần nào của đường tiết niệu – từ thận đến bàng quang của bạn.

Bạn có thể không cảm thấy đau cho đến khi sỏi thận bắt đầu di chuyển xung quanh hoặc đi vào ống nối thận và bàng quang của bạn. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ cảm thấy đau dữ dội ở lưng và bên hông, bên dưới xương sườn và khắp vùng bụng dưới và háng. Cường độ và vị trí của cơn đau có thể thay đổi khi sỏi thận di chuyển và di chuyển qua đường tiết niệu của bạn.

Ai có nguy cơ mắc sỏi thận?

Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này nếu bạn:

  • Có người trong gia đình bị bệnh sỏi thận
  • Ăn quá nhiều muối hoặc đường;
  • Béo phì
  • Bệnh hoặc phẫu thuật về đường tiêu hóa chẳng hạn như viêm ruột hoặc tiêu chảy mãn tính có thể làm thay đổi quá trình tiêu hóa từ đó ảnh hưởng khả năng hấp thụ canxi và nước của bạn
  • Mắc một số bệnh lý như nhiễm toan ống thận, cystinuria, cường cận giáp, nhiễm trùng đường tiết niệu và sử dụng một số loại thuốc điều trị nhất định.

Các triệu chứng của sỏi thận bao gồm:

  • Đau lưng, đùi, bẹn, cơ quan sinh dục;
  • Đi tiểu có cảm giác đau
  • Nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Cảm thấy luôn mót đi tiểu
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Sốt và ớn lạnh, nếu có nhiễm trùng

Bạn cần đi khám bác sĩ nếu có những triệu chứng trên. Đặc biệt bạn phải tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay nếu có các triệu chứng như:

  • Cơn đau nghiêm trọng tới mức bạn không thể ngồi im;
  • Cơn đau đi kèm buồn nôn và nôn mửa;
  • Cơn đau đi kèm sốt và ớn lạnh;
  • Nước tiểu có máu;
  • Khó tiểu.

Zona

Bạn đã bao giờ bị thủy đậu? Nếu vậy, virus varicella-zoster có thể đã nằm lặng lẽ trong cơ thể bạn. Virus có thể xuất hiện trở lại sau đó dưới dạng bệnh zona . Nguy cơ của bạn tăng lên khi bạn già đi, thường là sau 50 tuổi .

Nhiễm trùng zona có thể gây ra phát ban đau đớn trông giống như một dải mụn nước xuất hiện một bên cơ thể bạn. Đôi khi phát ban xuất hiện trên cổ hoặc mặt. Một số người bị đau nhưng không nổi mẩn .

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Nóng rát, tê hoặc ngứa ran
  • Tăng nhạy cảm khi chạm vào
  • Mụn nước vỡ ra và hình thành vảy
  • Ngứa

Vắc-xin bệnh zona có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh zona. Nếu bạn bị zona, hãy đi khám bác sĩ. Bắt đầu điều trị sớm có thể rút ngắn tình trạng nhiễm trùng và giảm khả năng gặp các vấn đề khác.

Nguyên nhân đau bụng bên dưới phía trái ở phụ nữ

Một số nguyên nhân gây đau bụng dưới bên trái chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ. Những tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn hoặc cần chăm sóc y tế. Đau cũng có thể lan sang bên phải bụng của bạn trong những trường hợp này.

Đau bụng kinh

Đau bụng kinh là một triệu chứng của kinh nguyệt. Chúng có thể xảy ra trước hoặc trong thời gian có kinh của bạn. Đau bụng kinh thường được cảm thấy ở một hoặc cả hai bên bụng dưới, đó là nơi tử cung của bạn đang co thắt trong thời kỳ này. Đối với một số người, cơn đau bụng kinh chỉ làm họ hơi khó chịu. Tuy nhiên ở những người khác, cơn đau có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.

Trong thời kỳ kinh nguyệt, tử cung sẽ co bóp để giúp thải ra chất đệm lót tử cung. Hormone, như các chất (prostaglandin) liên quan đến đau và viêm, gây ra các cơn co thắt cơ tử cung. Nồng độ prostaglandin cao thường đi kèm với đau bụng kinh nghiêm trọng.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đau bụng kinh, như:

  • Dưới 30 tuổi
  • Dậy thì sớm, vào khoảng 11 tuổi hay sớm hơn
  • Chảy máu nhiều trong các thời kỳ (rong kinh)
  • Kinh nguyệt không đều, chảy máu (băng huyết)
  • Chưa sinh con
  • Bệnh sử gia đình về đau bụng kinh
  • Hút thuốc.

Các triệu chứng của đau bụng kinh bao gồm:

  • Đau liên tục và co thắt ở vùng bụng dưới hoặc có thể nghiêm trọng hơn.
  • Đau khắp lưng lan xuống đùi
  • Buồn nôn
  • Phân lỏng
  • Đau đầu
  • Chóng mặt

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu đau bụng kinh gây ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi tháng, các triệu chứng dần xấu đi hoặc bắt đầu đau bụng kinh nghiêm trọng từ 25 tuổi. Tuy nhiên, nếu đã có kinh nguyệt trong vòng vài năm và thường đau bụng kinh, tình trạng này không nguy hiểm.

Lạc nội mạc tử cung

Mặc dù đau bụng kinh là một triệu chứng phổ biến của kinh nguyệt, nhưng chúng cũng có thể được gây ra bởi một vấn đề tiềm ẩn như lạc nội mạc tử cung . Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi lớp lót thường phát triển bên trong tử cung của bạn hình thành ở bên ngoài cơ quan và lấn ra ống dẫn trứng. Những mô phát triển không đúng này vẫn hoạt động như các mô tử cung bình thường, điều này có nghĩa là chúng sẽ bị bong ra và chảy máu trong chu kì kinh nguyệt. Tuy nhiên, do chúng phát triển bên ngoài tử cung, máu không thể chảy ra ngoài cơ thể mà bị tích lại, gây ra chảy máu bên trong và nhiễm trùng, dẫn đến nhiều triệu chứng khác.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm:

  • Xuất hiện những cơn đau vùng chậu trong thời kì hành kinh và cơn đau càng ngày càng nặng theo thời gian
  • Đau thắt lưng và đau bụng
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Đau khi đại tiện, tiểu tiện trong kì kinh nguyệt
  • Thời gian hành kinh của bạn có thể kéo dài hơn hoặc bị chảy nhiều máu hơn
  • Có máu trong phân hoặc nước tiểu, chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục
  • Mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi hoặc buồn nôn, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt
  • Đau dữ đội trong thời kì kinh nguyệt
  • Đau trước và trong kì kinh
  • Mệt mỏi
  • Gặp một số rối loạn đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn.

Lạc nội mạc tử cung thường liên quan đến toàn bộ ống dẫn trứng, buồng trứng, ruột hoặc các mô trong sàn chậu. Các mô lạc nội mạc bao quanh có thể bị kích thích và gây đau đớn, hình thành mô sẹo và các túi chứa chất dịch khiến bạn khó mang thai. Nếu bạn nghi ngờ lạc nội mạc tử cung có thể là lý do khiến bạn đau bụng, hãy đi khám bác sĩ. Bệnh có thể được điều trị càng sớm thì càng ít biến chứng.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là các nang chứa đầy chất lỏng được tìm thấy trên hoặc bên trong buồng trứng. Hầu hết các u nang không gây đau đớn hoặc khó chịu và cuối cùng chúng có thể tự biến mất. Nhưng một u nang buồng trứng lớn, đặc biệt là nếu nó bị vỡ, có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng.

Có các yếu tố có thể gây u nang buồng trứng. Đó là:

  • Rối loạn nội tiết tố: U nang chức năng xuất hiện do các vấn đề về nội tiết tố hoặc do dùng thuốc kích thích rụng trứng. U nang này thường tự biến mất mà không cần điều trị.
  • Lạc nội mạc tử cung: Các mô nội mạc tử cung có thể dính vào buồng trứng, hình thành và phát triển thành nang.
  • Mang thai: U nang buồng trứng thường phát triển ở giai đoạn đầu thai kỳ để giúp hỗ trợ quá trình mang thai. Đôi khi, u nang vẫn ở buồng trứng cho đến giai đoạn sau của thai kỳ.
  • Nhiễm trùng vùng chậu nặng: Nhiễm trùng có thể lan đến ống dẫn trứng, buồng trứng và gây u nang.

Các triệu chứng có thể gặp:

  • Đau bụng âm ỉ hoặc đau nhiều
  • Đầy hơi
  • Cảm giác đầy hoặc nặng trong bụng

Vỡ u nang buồng trứng là tình trạng chất dịch trong u nang bị chảy ra ngoài và khiến người bệnh cảm thấy đau đớn. Khi nang bị vỡ, nếu không xử lý sớm, có thể gây ra rò rỉ chất lỏng nang vào khoang bụng, dẫn đến nhiễm trùng huyết. Vỡ u nang buồng trứng còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản.

Khi các khối u nang có kích thước từ 40 – 50mm trở lên và có cuống dài, nang sẽ di động, làm cho buồng trứng ra khỏi vị trí bình thường dẫn đến u nang buồng trứng xoắn một phần hoặc hoàn toàn cùng với ống dẫn trứng. U nang buồng trứng xoắn gây cản trở quá trình cung cấp máu đến buồng trứng và các cơ quan liên quan, dẫn tới hoại tử buồng trứng hoặc làm cho mô buồng trứng bị phá hủy. Điều này có thể làm giảm khả năng sinh sản, dẫn tới vô sinh hoặc thậm chí tử vong.

Bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu những triệu chứng này đi kèm:

  • Đau bụng đột ngột và dữ dội
  • Sốt
  • Nôn
  • Da lạnh và ẩm ướt
  • Thở nhanh
  • Mạch yếu

Xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng và đôi khi ống dẫn trứng bị xoắn, cắt đứt nguồn cung cấp máu tới cơ quan. Còn được gọi là xoắn adnexal, tình trạng có thể gây đau bụng dưới nghiêm trọng. U nang buồng trứng lớn có thể khiến buồng trứng thay đổi vị trí trong cơ thể phụ nữ. Điều này làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng, xoắn buồng trứng nhiều có thể cắt đứt nguồn cung cấp máu. Các ống dẫn trứng cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều
  • Đau khi quan hệ
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Cảm thấy no ngay cả khi bạn hầu như không ăn

Xoắn buồng trứng có nhiều khả năng xảy ra khi mang thai hoặc sử dụng hormone để thúc đẩy rụng trứng.

Xoắn buồng trứng không phổ biến. Khi điều đó xảy ra thường là trong những năm sinh sản của người phụ nữ. Gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy đau dữ dội đột ngột ở bụng và nôn mửa. Phẫu thuật thường là cần thiết để tháo xoắn buồng trứng hoặc loại bỏ nó.

Thai ngoài tử cung

Khi phụ nữ mang thai, quá trình thụ tinh sẽ diễn ra trong ống dẫn trứng và sau đó tế bào trứng sẽ di chuyển đến tử cung, tại đây trứng đã thụ tinh sẽ bám vào thành tử cung để phát triển thành một thai nhi hoàn chỉnh. Tuy nhiên, có những trường hợp tế bào trứng đã thụ tinh không di chuyển đến tử cung mà thay vào đó, chúng lại bám vào thành ống dẫn trứng để phát triển. Tình trạng này được gọi là mang thai ngoài tử cung. Điều này rất nguy hiểm và thường hay xảy ra trong vài tuần đầu của thai kì.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung, chẳng hạn như:

  • Đặt vòng tránh thai
  • Từng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia và bệnh lậu
  • Mắc bệnh viêm vòi tử cung hoặc viêm khung chậu
  • Mắc phải các vấn đề bẩm sinh về ống dẫn trứng
  • Sẹo do lạc nội mạc tử cung hoặc phẫu thuật vùng chậu
  • Từng bị mang thai ngoài tử cung
  • Từng phẫu thuật thắt ống dẫn trứng thất bại (phẫu thuật triệt sản)
  • Dùng các loại thuốc hoặc các phương pháp điều trị vô sinh như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
  • Hút thuốc khi mang thai

Ngoài đau bụng, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Rong huyết nhẹ
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Đau bụng dưới
  • Đau nhói bụng
  • Đau một bên cơ thể
  • Chóng mặt, mệt mỏi
  • Đau vai , cổ

Nếu thai ngoài tử cung vỡ, bạn cũng có thể gặp:

  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Xanh xao

Những triệu chứng này có thể tăng lên khi trứng phát triển.

Nếu bạn có bất kì dấu hiệu và triệu chứng nào được liệt kê ở trên hoặc có bất kì câu hỏi nào, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Cơ thể mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau nên hãy báo với bác sĩ chuyên khoa để có những chẩn đoán và điều trị tốt nhất phù hợp cho từng trường hợp.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Viêm vùng chậu (PID) hay còn gọi là viêm đường sinh dục trên. Đây là bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản của phụ nữ bao gồm tử cung, cổ tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Bệnh này xảy ra do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục chẳng hạn như chlamydia và lậu. Nhiễm trùng có xu hướng lây lan dễ nhất trong khi đang hành kinh. Viêm vùng chậu có thể gây sẹo cho ống dẫn trứng và buồng trứng, làm cho việc mang thai trở nên khó khăn hơn hoặc dẫn đến mang thai ngoài tử cung (thai nhi phát triển trong ống dẫn trứng).

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu bao gồm:

  • Quan hệ tình dục từ khi còn rất trẻ
  • Quan hệ tình dục với người bị lậu hoặc nhiễm chlamydia
  • Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người khác nhau
  • Đã từng bị các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) trong quá khứ
  • Thụt rửa âm đạo thường xuyên

PID có thể gây đau ở vùng bụng dưới của bạn, cũng như:

  • Sốt
  • Đau ở xương chậu, bụng dưới hoặc thắt lưng
  • Xuất hiện khí hư bất thường
  • Chảy máu sau khi quan hệ
  • Cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi
  • Đi tiểu thường xuyên và cảm thấy đau khi đi tiểu
  • Buồn nôn hoặc ói mửa
  • Rối loạn kinh nguyệt.

Bạn nên đi khám bác sĩ khi bạn xuất hiện các triệu chứng trên hoặc có bất cứ thắc mắc nào về tình trạng cơ thể của mình. Nếu bạn ngại đi khám và giấu bệnh, bệnh sẽ càng nặng và càng khó chữa. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây đau bụng dưới bên trái ở nam giới

Một số nguyên nhân gây đau bụng dưới chỉ ảnh hưởng đến nam giới. Những bệnh lý nghiêm trọng cần chăm sóc y tế ngay lập tức. Mặc dù bạn có thể cảm thấy đau ở bên trái bụng dưới nhưng cơn đau này cũng có thể lan sang bên phải phía dưới  bụng.

Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là một trong những loại thoát vị phổ biến nhất. Chúng phổ biến hơn nhiều ở nam giới so với phụ nữ. Thoát vị bẹn là túi phình ở vùng bẹn. Thoát vị bẹn xảy ra khi mô mềm – thường là một phần của màng tế bào lót các khoang bụng (mạc nối) hoặc một phần của ruột bị trồi ra và chui vào túi thoát vị. Bệnh có thể gây đau, đặc biệt là khi bạn ho, cúi xuống hoặc nhấc một vật nặng.

Thoát vị bẹn không nguy hiểm. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật thoát vị bẹn.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Cảm thấy yếu, nặng, đau hoặc rát ở háng
  • Sưng vùng bìu

Tình trạng nguy hiểm nhất là thoát vị bẹn nghẹt. Thoát vị bẹn nghẹt xảy ra khi các mô trong túi thoát vị bị xoắn lại. Tình trạng này có thể dẫn đến hoại tử, nghĩa là các mô trong túi thoát vị chết đi vì không được cung cấp đủ máu. Thoát vị bẹn nghẹt có thể gây ra các triệu chứng sốt và vùng thoát vị bị sưng, đỏ, viêm và rất đau.

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn, bao gồm:

  • Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
  • Tiền sử gia đình: nguy cơ thoát vị bẹn tăng nếu bạn có một người thân, như cha mẹ hoặc anh chị em, bị tình trạng như vậy
  • Một số bệnh lý: những người bị xơ nang, một bệnh lý gây tổn thương phổi nghiêm trọng, thường bị ho mãn tính và tăng khả năng mắc thoát vị bẹn
  • Ho mãn tính: chẳng hạn như ở người hút thuốc lá, có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị bẹn
  • Táo bón mãn tính: rặn khi đi ngoài là một yếu tố nguy cơ phổ biến của chứng thoát vị bẹn
  • Thừa cân: tạo thêm áp lực lên bụng
  • Mang thai: điều này có thể làm suy yếu cả các cơ bụng và gây tăng áp lực trong ổ bụng
  • Một số ngành nghề: có một số công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc lao động chân tay nặng làm tăng nguy cơ mắc thoát vị bẹn
  • Sinh non

Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Xoắn tinh hoàn

Tinh hoàn là bộ phận của tuyến sinh dục nam nằm ở bìu dái. Nó có vai trò sản xuất và dự trữ tinh trùng, đồng thời cũng tham gia vào hệ nội tiết với vai trò sản xuất ra hormone testosterone. Tinh hoàn được giữ cố định bằng các dây thừng tinh. Ngoài chức năng này, dây thừng tinh còn bao gồm các mạch máu, dây thần kinh đến tinh hoàn cũng như các ống dẫn nội tiết khác như ống dẫn tinh dịch.

Xoắn tinh hoàn là khi tinh hoàn xoắn lại ở đoạn cuối của dây thừng tinh. Chỗ xoắn dạng xoắn ốc này cắt đứt nguồn cung cấp máu cho tinh hoàn. Nếu cứ bị xoắn chặt, tinh hoàn sẽ bị tổn thương và có thể hoại tử. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra đột ngột không có lý do hoặc do chấn thương.

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn, bao gồm:

  • Tuổi tác: những người có độ tuổi từ 12 đến 16 thường có nguy cơ bị bệnh này hơn.
  • Tiền căn xoắn tinh hoàn trước đây: nếu bạn bị xoắn tinh hoàn tự hết mà không cần điều trị (những đợt xoắn và tự tháo xoắn) thì bạn có nguy cơ cao hơn
  • Tiền căn gia đình bị xoắn tinh hoàn.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau đột ngột, dữ dội ở bìu.
  • Sưng bìu.
  • Đau bụng.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Tinh hoàn nằm cao hơn bình thường hoặc xoay góc bất thường.
  • Tiểu đau.
  • Sốt.

Xoắn tinh hoàn rất nghiêm trọng. Gọi trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn bị đau đột ngột hoặc dữ dội ở tinh hoàn. Nếu cơn đau tự biến mất, bạn vẫn cần gặp bác sĩ ngay. Phẫu thuật có thể ngăn ngừa tổn thương tinh hoàn và bảo tồn khả năng sinh sản sau này.

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Bạn có lo lắng nhiều về đau bụng của bạn? Đau bụng đã kéo dài hơn một vài ngày? Nếu bạn trả lời có cho cả hai câu hỏi, đã đến lúc gặp bác sĩ ngay. Cho đến lúc đó, hãy chú ý đến cơn đau của bạn và xem liệu có gì làm dịu nó không. Điểm mấu chốt? Lắng nghe cơ thể của bạn và gặp bác sĩ càng sớm càng tốt hơn là để cơn đau kéo dài.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment