Chăm sóc da Thành phần mỹ phẩm

Dùng dầu thầu dầu chăm sóc da có tốt không? Cách dùng ra sao?

Trước “cơn bão” mỹ phẩm Á Âu Mỹ đổ bộ vào nước ta ngày càng nhiều thì có một xu hướng dùng mỹ phẩm mới gần đây. Xu hướng mới thực ra là sự trở lại của những cái cũ. Đó là chị em phụ nữ chuyển dần sang dùng đồ tự nhiên với quan niệm lành tính, sạch, không hóa chất… Đơn giản như đắp mặt nạ với cà chua, mật ong, lòng trắng trứng hay nghệ, hoặc sử dụng nha đam dưỡng da, dầu dừa để dưỡng mi. Và cũng không ít chị em đã sử dụng và thấy hiệu quả rõ rệt với dầu thầu dầu. Việc sử dụng dầu thầu dầu chăm sóc da đã có từ thời Ai Cập cổ đại, người ta sử dụng nó để điều trị kích ứng mắt và như một phương pháp chăm sóc da trẻ đẹp tự nhiên.

Dầu thầu dầu không chỉ mang lại lợi ích chăm sóc sắc đẹp, nó còn có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về thành phần chăm sóc da tự nhiên này. Để xem nó có thể làm được gì nhé!

Dầu thầu dầu là gì?

dầu thầu dầu chăm sóc da

Dầu thầu dầu chính xác là gì? Nó là một loại dầu béo không bay hơi có nguồn gốc từ hạt của cây thầu dầu (Ricinus communis), thuộc họ Spurge (Euphorbiaceae). Dầu thầu dầu, còn được gọi là dầu ricinus, hay dầu hải ly có màu từ trong đến màu hổ phách hoặc hơi xanh. Nó có mùi hương nhẹ và hương vị bùi béo.

Thầu dầu được cho là một trong những cây trồng lâu đời nhất. Các lợi ích của dầu thầu dầu xuất phát từ thành phần hóa học của nó. Nó được phân loại là một loại axit béo trung tính, và gần 90% hàm lượng axit béo của nó là một hợp chất đặc hiệu và hiếm được gọi là axit ricinoleic.

Cây thầu dầu được gọi là “Palma Christe” vì hình dạng lá của cây được cho là giống với lòng bàn tay của Chúa Kitô.

Dầu thầu dầu được coi là khá độc đáo vì axit ricinoleic không được tìm thấy trong các loại cây khác, thêm vào đó, số lượng axit ricinoleic trong dầu thầu dầu khá là cao. Nó được sản xuất bằng cách ép lạnh hạt thầu dầu để chiết xuất hàm lượng dầu tự nhiên của chúng.

Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí quốc tế về hóa chất, dầu thầu dầu được sử dụng trong hơn 900 sản phẩm mỹ phẩm vào năm 2002. Ngoài thành phần chính của nó – axit ricinoleic, dầu thầu dầu cũng chứa một số muối và este có lợi nhất định mà chủ yếu hoạt động như các yếu tố dưỡng da.

Đồng thời, chúng giúp ổn định kết cấu và tính nhất quán của sản phẩm. Đó là lý do tại sao dầu thầu dầu được sử dụng trong rất nhiều mỹ phẩm, chăm sóc mái tóc và làn da. Khi sử dụng như thực phẩm, dầu được thủy phân trong ruột non bởi các enzyme tuyến tụy, dẫn đến việc giải phóng glycerol và acid ricinoleic, cùng với các chất chuyển hóa có lợi khác cho cơ thể.

Những người chữa bệnh dân gian trên toàn thế giới đã sử dụng dầu thầu dầu để điều trị nhiều tình trạng sức khỏe trong hàng ngàn năm. Như người Ai Cập cổ đại mình đã nêu ở trên. Tại Ấn Độ, nó đã được đánh giá cao về khả năng chữa lành da, tiêu hóa, kháng khuẩn, cộng với nó thường được sử dụng trong thực hành y học Ayurvedic truyền thống.

Trong nhiều thế kỷ ở Ấn Độ, khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh tật, nhiều bậc cha mẹ và ông bà sẽ ngay lập dùng dầu thầu dầu cho con cái của họ bằng bôi tại chỗ hoặc bổ sung trong bữa ăn để tăng cường chức năng miễn dịch và tăng tốc độ chữa bệnh.

Thầu dầu được trồng chủ yếu ở Châu Phi, Nam Mỹ và Ấn Độ. Ấn Độ thực sự được biết đến như là nơi sản xuất chính dầu thầu dầu. Hoa Kỳ và Trung Quốc là những nơi nhập khẩu nhiều nhất.

Tác dụng của dầu thầu dầu đối với sức khỏe

Trong suốt lịch sử, sử dụng dầu thầu dầu phổ biến nhất là điều trị nhiễm trùng da, giảm táo bón và tăng cường sức khỏe của tóc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có nhiều ứng dụng quan trọng hơn để hỗ trợ hệ miễn dịch.

Dầu thầu dầu chứa nhiều thành phần có lợi, bao gồm axit béo, flavonoid, hợp chất phenolic, axit amin, terpenoid và phytosterol. Các hợp chất này cung cấp cho dầu nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng:

  • Chống tiểu đường
  • Chống viêm
  • Kháng khuẩn
  • Chống oxy hóa
  • Khả năng ngăn ngừa tổn thương gan
  • Chữa lành vết thương

Dầu và các bộ phận khác của cây thầu dầu đã được sử dụng trong y học cổ truyền cho các triệu chứng/ bệnh sau đây:

  • Rối loạn tiêu hóa
  • Táo bón
  • Viêm khớp
  • Đau lưng
  • Đau cơ
  • Nhiễm ký sinh trùng
  • Đau đầu mãn tính
  • PMS (Hội chứng tiền kinh nguyệt)
  • Bệnh thấp khớp
  • Các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ

Một trong những lý do chính khiến dầu thầu dầu có tác dụng tăng cường miễn dịch là bởi vì nó hỗ trợ hệ thống bạch huyết của cơ thể. Vai trò quan trọng nhất của hệ bạch huyết, có khắp cơ thể trong các cấu trúc hình ống nhỏ, là nó hấp thụ và loại bỏ các chất dư thừa, protein và chất thải từ tế bào của chúng ta.

Tác dụng của dầu thầu dầu đối với làn da

Ngăn ngừa nếp nhăn

Dầu thầu dầu có chứa chất chống oxy hóa chống lại các gốc tự do trong cơ thể bạn. Các gốc tự do là nguyên nhân thúc đẩy quá trình lão hóa, làm cho nếp nhăn xuất hiện sớm hơn. Dầu thầu dầu là một trong những phương pháp điều trị nếp nhăn lâu đời nhất, có mặt trong các thành phần kem dưỡng da của các pharaoh Ai Cập. Thuộc tính làm mềm da và nhanh chóng hấp thụ vào da của dầu thầu dầu giúp cho nó rất hiệu quả trong việc điều trị các nếp nhăn.

Ngăn ngừa mụn

Theo nghiên cứu của Đại học Nam Carolina, loại dầu thực vật này chứa một hợp chất được gọi là undercylenic acid, có đặc tính khử độc, diệt vi khuẩn gây bệnh về da như mụn trứng cá, đầu đen. Hợp chất này còn giúp làm sạch lượng dầu thừa, bụi bẩn và các tạp chất trên da mặt, giúp lỗ chân lông thông thoáng.

Giảm bọng mắt

Dầu thầu dầu có đặc tính chống viêm, có thể giúp giảm sưng và bọng mắt. Nó cũng có thể làm giảm kích thước của mụn nhọt hoặc mụn viêm.

Giữ ẩm

Độ ẩm giữ cho làn da của bạn trông trẻ trung, sáng bóng và khỏe mạnh. Độ ẩm cũng ngăn ngừa nếp nhăn. Dầu thầu dầu đặc biệt hữu hiệu cho da khô và thô ráp, giúp cho da được mềm mịn và săn chắc hơn. Đây là 1 chất giữ ẩm tuyệt vời giúp cho da luôn được mọng nước. Thoa dầu thầu dầu lên mặt mỗi tối, giúp làn da khô trở nên mềm mại và làm mờ các đốm đồi mồi. Nó còn chữa lành các vết da nứt nẻ và dưỡng môi mềm mại.

Làm dịu làn da cháy nắng

Do đặc tính chống viêm của nó, dầu thầu dầu có thể làm giảm cơn đau do cháy nắng. Tác dụng giữ ẩm của nó cũng có thể làm giảm bong tróc.

Chống khô môi

Dầu thầu dầu là một thành phần rất phổ biến trong cả son môi và son bóng. Nếu bạn có đôi môi khô, hãy bỏ qua son dưỡng bình thường và sử dụng loại dầu này. Bạn cũng có thể trộn nó với một loại dầu có vị ngon hơn, như dầu dừa.

Tăng cường sức khỏe làn da tổng thể, chữa lành vết thương

Dầu thầu dầu có đầy đủ các axit béo lành mạnh. Axit béo rất cần thiết để duy trì sức khỏe làn da tốt.

Dầu thầu dầu cũng có thể giúp chữa lành vết thương nhờ vào tính giữ ẩm cũng như các đặc tính kháng khuẩn của nó. Nghiên cứu in vitro đã chỉ ra rằng dầu thầu dầu có hiệu quả chống lại nhiều loại vi khuẩn, bao gồm Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa. Trong số tất cả các vi khuẩn tụ cầu, Staphylococcus aureus được coi là nguy hiểm nhất và có thể gây nhiễm trùng da từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Các phương pháp sử dụng dầu thầu dầu

Dưới đây là một số cách để cải thiện sức khỏe làn da bằng cách sử dụng dầu thầu dầu:

  • Đối với điều trị mụn tự nhiên, dùng một tăm bông sạch thấm dầu thầu bôi vào chỗ da bị mụn. Bạn cũng có thể thử sử dụng giấm táo và các loại tinh dầu như hương trầm trộn với một lượng nhỏ dầu dừa nguyên chất. Tất cả các phương pháp này làm giảm viêm sưng của mụn trứng cá, giảm đau và tránh để lại sẹo.
  • Để ngăn ngừa mụn trong tương lai, hãy rửa mặt trước bằng nước ấm để giãn nở lỗ chân lông, sau đó mát-xa một ít dầu vào mặt và để nó qua đêm, rửa sạch vào sáng hôm sau.
  • Để làm ẩm da mà không làm tắc nghẽn lỗ chân lông: trộn 1/4 muỗng dầu thầu dầu và 3/4 muỗng dầu dừa nguyên chất (hoặc 3/4 muỗng dầu mè), sau đó thoa lên cơ thể và khuôn mặt của bạn.
  • Để dưỡng ẩm cho làn da thường hoặc da nhờn, hãy thử sử dụng 1/4 chén dầu thầu dầu với dầu jojoba , dầu hạt nho hoặc dầu ô liu thay vì dầu dừa và dầu mè. Nhẹ nhàng massage vùng da khô của bạn bằng hỗn hợp. Có thể để qua đêm và sau đó rửa sạch vào buổi sáng bằng nước ấm.
  • Một lựa chọn khác là tạo mặt nạ bằng cách sử dụng một muỗng cà phê dầu thầu dầu cùng với lòng đỏ trứng. Thoa hỗn hợp lên mặt trong 10–15 phút, sau đó rửa sạch lại mặt
  • Để làm dịu cháy nắng , các đặc tính chống viêm của dầu thầu làm giảm đau và đỏ. Sử dụng dầu thầu dầu trộn với dầu dừa (tỷ lệ 1: 1) cho vùng bị ảnh hưởng, hoặc thử phương pháp tương tự như dưỡng môi tự nhiên để giải quyết đôi môi bị nứt nẻ hoặc bị cháy nắng.
  • Để sử dụng dầu thầu dầu để loại bỏ vết rạn da và những vết sẹo, thoa dầu thầu dầu trên khu vực bị ảnh hưởng một lần một ngày. Bạn có thể làm điều này trước khi đi ngủ, và để nó qua đêm để đảm bảo nó ở lại trên da suốt đêm.
  • Để sử dụng dầu thầu dầu cho da như một giải pháp cho vấn đề trên da, nhúng một miếng bông vào dầu thầu dầu và sử dụng trực tiếp đến các khu vực bị ảnh hưởng. Để lại nó trên da khoảng một giờ trước khi rửa sạch. Lặp lại hai lần một ngày một lần vào buổi sáng và một lần nữa vào ban đêm. Nếu khu vực bị ảnh hưởng có diện tích nhỏ, bạn có thể ngâm một miếng dán cá nhân trong dầu thầu dầu và dính nó trên khu vực bị ảnh hưởng.
  • Dưỡng tóc, lông mi, lông mày: Người Ai Cập cổ đại đã từng sử dụng dầu thầu dầu trộn với dầu hương thảo (rosemary oil) + dầu hạnh nhân ngọt (sweet almond) + dầu cây thông (fir oil) tạo thành hỗn hợp massage tóc và kích thích tóc nhanh mọc.

Bạn có thể làm hỗn hợp dưỡng tóc từ dầu thầu dầu bằng cách: Trộn ¼ ly dầu thầu dầu với ¼ ly nước. Massage hỗn hợp này lên tóc. Các omega-9 acid béo có trong nó sẽ giúp phục hồi mái tóc khô, xơ trở nên mềm mượt. Sau 10-15 phút, gội đầu lại bình thường.

Thoa dầu thầu dầu lên lông mi và lông mày mỗi đêm trước khi đi ngủ, là cách hữu hiệu nhất, giúp lông mi, lông mày dài, dày và bóng khỏe.

Dầu thầu dầu và axit ricinoleic có thể tăng cường sự thâm nhập qua da của các hóa chất khác, vì vậy bạn nên sử dụng dầu thầu dầu cùng với các mỹ phẩm chăm sóc da phù hợp với bạn.

Lưu ý khi sử dụng dầu thầu dầu

Trong hạt thầu dầu có protein độc là ricin. Nếu dùng hạt thầu dầu để ép dầu thì dầu phải trải qua công đoạn ép và lọc loại bỏ tạp chất ricin protein. Khi ấy, nó mới được xem là an toàn để sử dụng.

Dầu thầu dầu được phân loại bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Nói chung nó được công nhận là an toàn cho cả sử dụng tại chỗ và đường uống.

Dùng quá nhiều dầu thầu dầu trong ăn uống chắc chắn là một nguy cơ và có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy hoặc chuột rút, cùng với các vấn đề khác. Một số người bị buồn nôn và có dấu hiệu kích thích nhẹ trong ruột của họ khi dùng dầu thầu dầu. Loại dầu này rơi vào loại X cho phụ nữ mang thai, vì vậy nếu bạn đang mang thai, bạn không nên dùng nó.

Phản ứng dị ứng với dầu thầu dầu là có thể xảy ra. Do đó, hãy tới ngay cơ sở y tế nếu bạn bị dị ứng. Khi sử dụng nó chỗ, tốt nhất là nên bắt đầu từ từ và thực hiện kiểm tra trên một vùng da nhỏ trước khi áp dụng lượng lớn hơn và tránh xa mắt, mũi, trẻ em và thú nuôi.

Trong khi các bác sĩ Ai Cập cho rằng sử dụng dầu thầu dầu để bảo vệ mắt khỏi bị kích thích, không phải tất cả các chuyên gia ngày nay khuyến khích việc sử dụng này. Trên trang web American Academy of Ophthalmology, Richard G. Shugarman, một bác sĩ nhãn khoa, trả lời câu hỏi về sự an toàn của việc đưa nó vào mắt:

“Tôi khuyên bạn không nên sử dụng bất kỳ vật liệu không tiệt trùng nào nhỏ vào mắt. Cách đây nhiều năm, khi các sản phẩm vô trùng không có sẵn trên thị trường, tôi đã sử dụng dầu thầu dầu ở nhiệt độ phòng để điều trị khô mắt. Còn hiện tại, tôi khuyên bạn không nên dùng”

Nếu bạn đang dùng thuốc hoặc có bệnh đang điều trị, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng dầu thầu dầu.

Hãy tới khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào sau đây, sau khi nuốt phải dầu thầu dầu: buồn nôn / nôn / tiêu chảy liên tục, chuột rút / yếu cơ, nhịp tim không đều, chóng mặt, đi tiểu, thay đổi tâm thần / tâm trạng (như nhầm lẫn) hoặc chảy máu trực tràng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên lưu trữ dầu thầu dầu ở một vị trí riêng biệt, nhằm tránh gây nhầm lẫn với các loại thực phẩm và tránh xa tầm tay trẻ em. Không sử dụng tùy tiện, nhất là cho trẻ em vì có thể gây tiêu chảy cấp.

Kết luận

Dầu thầu dầu là một chất tự nhiên giàu nhiều thành phần có lợi, đặc biệt là axit ricinoleic. Giá trị dinh dưỡng của nó nằm ở hàm lượng các acid béo không bão hòa, vitamin E, protein và khoáng chất cực kỳ cao. Được chiết xuất bằng cách ép lạnh từ hạt trái thầu dầu.

Nó giúp dưỡng ẩm cho da với các đặc tính kháng khuẩn vốn có, có thể giúp trị mụn và nhanh lành vết thương.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment